Hôm nay,  

LỜI BẠT “Di Cảo Thơ 1987-2009” của Nguyễn Lương Nhựt

21/07/201918:31:00(Xem: 3162)

LỜI BẠT

“Di Cảo Thơ 1987-2009” của Nguyễn Lương Nhựt

  

Lê Giang Trần


Những bài thơ điên cất tiếng:
Hãy rung lên! Hỡi những trái tim*

Ta sẽ chết và thơ ta sẽ sống

Tặng cuộc đời phiêu bổng phù du

Tối đen – Trong trắng – Mịt mù

Ta sẽ chết! Nàng Thơ ơi hãy sống.

 

(Mặc Niệm, Nguyễn Lương Nhựt)

 

blank

Nếu tôi không làm thơ có lẽ tôi đã bị điên từ lâu rồi.

Người ta lại nói khác về những người làm thơ, cho rằng những kẻ làm thơ – hay nhà thơ hoặc thi sĩ – vì làm thơ nên bị điên !!! Phán nặng hơn thì nói ngược lại, rằng ĐIÊN mới làm thơ !!!

Tôi không chống bác gì luận điệu này hay lập luận như vậy. Đôi lúc tôi cũng có tự nói “Chắc mình điên rồi !!!” khi rơi vào một cảnh ngộ nào đó. Đôi khi cũng có thấy mình điên điên. điên dại, điên ngây ngất, điên mê, mê điên, điên yêu, yêu điên cuồng, điên ngu, điên quá cỡ thợ mộc, điên khùng, điên giả, giả điên, điên cho vui tí, sướng điên được, v.v.

Và chưa kể có một số bạn thân tình trong giới cầm bút cũng có nói với tôi, là “bọn mình thằng nào cũng điên hết, mỗi thằng điên một kiểu!!!” Có bạn nói thêm, “Tuy nhiên, mình chỉ điên với mình thôi chứ không điên với ai; nói cách khác, là mình điên quậy mình chứ điên mình không quậy ai !!!” Đến như Phạm Công Thiện, thi sĩ, đạo sĩ, triết gia, tôi vẫn nhiều lần nghe ông nói ông “điên” một cách rất vui vẻ và tự nhiên, mà còn có lúc tỏ ra thú vị, hào hứng, vênh vênh ra điều tự đắc một cách thơ ngây vô tội vạ, cười ha hả !!!

Có khi, đám bạn điên chúng tôi thấy ai đó làm một việc nào đó, bèn bảo rằng, tưởng mình điên, không dè kẻ đó mới điên, điên nặng, điên thiệt!!! À há, điên thiệt / thiệt điên – điên giả / giả điên (Ở đây phải dùng cái suyệt / của nhà thơ Du Tử Lê cho đúng nghĩa sự chuyển đảo vế ý nghĩa)

Thi hào Bùi Giáng được đời thường phong cho ông là “người điên,” hoặc có ca tụng thì gọi ngài là “thi sĩ điên,” do thế, nhà thơ Nguyễn Lương Nhựt làm một bài thơ có tựa là “Điên Bùi Giáng,” như sau:

I.

Dòng đời từ Đất ông đi

Mang mang từng hạt Vô Vi rất hiền

Hồn thơ Trác Tuyệt Cuồng Điên

Nhớ ông – Nỗi nhớ gắn liền đời tôi.

 

II.

 

Từng đội quần đàn bà đi khắp chốn

Như thể ta vốn là một tinh trùng

Chui vào trứng Mẹ hiền đau lồng lộn

Vứt thi ca để về với vô cùng.

 

III.

Sát na chứng chân hỏa lồ Tam Muội

Một tấm thân tàn rụi hóa thần thông

Như Tế Điên đi về giữa vòng không

Không Trời Đất Không Người Không tên tuổi.

 

 

IV.

Bạn điên BÙI GIÁNG của tôi ơi

Ông bậc đàn anh điên suốt đời

Ngộ độc điên cuồng mê triết học

Ngộ đạo điên tàn tận vẫn chơi.

 

Nguyễn Lương Nhựt được giới Y khoa gọi là bệnh nhân mang chứng bệnh “TÂM THẦN PHÂN LIỆT”, tôi gọi ông là “nhà thơ” không vì ông tự nhận, mà do ông khẳng định:

NHÀ THƠ ĐIÊN

Tôi: nhà thơ điên của lớp người

Sống bởi phước sương dở khóc cười

Nhe răng một cái nhai ngôn ngữ

Phun ra mớ khỉ, mớ đười ươi…

 

Nhà thơ khẳng định:

Làm thơ: liều thuốc bổ

Chữa khỏi bệnh tâm thần.

 

Như vậy, tôi trở lại với tôi: “Nếu tôi không làm thơ có lẽ tôi đã bị điên từ lâu rồi.” Điều tự biếm tôi trùng lặp với 2 câu thơ xác định của nhà thơ Nguyễn Lương Nhựt. Đến đây thi có 2 vấn đề nêu ra:

  1. Tôi vượt biển đi ra khỏi nước nhà và sinh sống tại Hoa Kỳ, một quốc gia Tự Do, tôn trọng nhân quyền… Nhưng cuộc sống lưu vong nơi xã hội Âu Mỹ không phải không có bi kịch: “Có cha mẹ mà mồ côi / có con cái đã xa rời sống xa / vợ thì đã vợ người ta / … / Đám đông xúm lại bồi hồi / hỏi ra y trước là người vượt biên.” [Người Rừng, thơ LGT] Và như vậy, không phải không có người bị điên trong cộng đồng này.

 

  1. Nguyễn Lương Nhựt sau năm 1975 mới bắt đầu rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần, dần dà đưa đến chứng bệnh mà y học gọi là “tâm thần phân liệt.” (Tôi được nghe nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ kể về hoàn cảnh đời sống người em của ông):

THẤY RÕ

Thấy rõ ta rồi: Ta ở đây

Ở trong đất nước núi sông nầy

Ở nơi xứ Quảng “5 eo” ấy

Ở giữa nấm mồ xanh cỏ cây…
 

Câu hỏi cắc cớ dành cho tôi là: “Tại sao nếu không làm thơ thì tôi sẽ bị điên?” Xin thưa, câu trả lời sẽ rất dài và “nhiêu khê” nên chỉ vắn tắt: “Đời sống lưu vong nhiều phần tạo ra cuộc sống đơn độc, cô lập, đưa đến trầm cảm, im lặng. Có người còn bị ‘Hội Chứng’ chiến tranh hoặc quá khứ. Đó là những thứ mà nếu không bình tĩnh, sẽ làm người ta có thể bị điên loạn tâm thần, có khi nhanh chóng bất ngờ.” Nếu tôi không có gì làm thực phẩm cho tâm hồn, cho tâm trí, cho tâm linh, thì cái con người này sẽ không quân bình; sự hụt hẫng chắc chắn sẽ làm cho ngã quỵ, và một hình thức cho thấy ngoài xã hội là trở thành “người điên,” họ bị gọi như thế, vì họ không còn sống giống như những người “bình thường” hội nhập trong xã hội. Trong số những người Việt sống vô gia cư, có người điên nhẹ, tự nói chuyện như đối thoại. Bị điên nặng thì đã bị cảnh sát bắt giao cho nhà thương điên.

Con người ngoài 4 thú hưởng lạc, còn biết tạo ra những niềm vui khác, đặt tên là văn chương, nghệ thuật, âm nhạc, tôn giáo. May thay, tôi có được vài thứ: đọc sách, xem phim, nghe nhạc, nhìn ngắm cảnh vật thiên nhiên; cũng còn một ít về “người” như tình yêu, tình bạn, tình thân quyến, tình quê hương; may mắn thêm một chút về đạo Phật. Tất cả là những chất liệu được chắt chiu, đãi lọc để “LÀM THƠ” và những bài thơ như những chiếc bánh ra lò. Chỉ những người lịch lãm mới thưởng thức loại “bánh Thơ,” vì hương vị bánh này giống như “Sầu Riêng,” có khứu giác cảm nhận thơm tho, có khứu giác không thích hợp chối từ vì với họ là mùi vị khó ngửi. Có phải vì thế, Thơ không là loại thức ăn phổ cập cho tinh thần, ngược lại chỉ phù hợp cho tâm hồn, cho trái tim, cho sự đón nhận không có lý lẽ của lý trí. Tình cờ, Nguyễn Lương Nhựt có lần nhặt cái “bánh thơ” nằm trong bô đổ rác:
 

ĐIÊN LƯỢM THƠ

Điên lượm thơ trong bô đổ rác

Vì sao thơ thẩn lạc nơi nầy

Thơm mùi bánh trái chi đây?

Điên đang đói bụng nhai ngay nuốt càn.

Đôi mắt con người được tán thán là “cửa sổ của tâm hồn,” có nghĩa, là tâm hồn luôn “nhận ra” cái đẹp riêng của từng sự vật như nó “đang là”; còn “cặp mắt cú vọ” là một thái độ của lý trí, thái độ này là thứ mặc cảm tiềm ẩn của bản ngã, sẽ phủ nhận những gì khiến cho tự ngã tự ti, nên bản lai diện mục này ra lệnh cho trí óc biểu lộ cách hành xử, hạ cấp đối tượng. Bản ngã vô minh nên không biết rằng cái thấy của nhãn thức về đối tượng thật ra chỉ là ảo giác do tâm tạo tác (bởi một số điều kiện tổng hợp của kinh nghiệm).

Nói như trên để kêu gọi “đôi mắt cửa sổ của tâm hồn” nhìn vào ý nghĩa chan chứa mật trong những tàng “Thơ Điên” của nhà thơ Nguyễn Lương Nhựt. Hai trăm ba mươi bảy bài thơ di cảo của ông đã được người anh thi sĩ Nguyễn Lương Vỵ thành toàn trong thi tập chọn đề là “Di Cảo Thơ”. Người đọc sẽ từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trước sự bùng vỡ của một tâm thức Thơ, trong khi cơ thể và đầu óc ông phải chịu đựng những cơn đau đớn hành hạ khốc liệt khi lên cơn, trải qua biết bao năm tháng kéo dài, từ nhẹ đến nặng, từ thuyên giảm tưởng dứt bệnh đến tái phát nặng nề, phải nằm viện tính ra hơn 6 năm trong bệnh viện tâm thần. Người thi sĩ chỉ còn một hy vọng duy nhất và mãnh liệt nhất là “làm thơ” và xem đây là liều thuốc bổ để chữa dứt bệnh tâm thần cho bản thân. Hãy đọc một số bài thơ của “nhà thơ điên” nói lên tâm cảm làm thơ của ông:

LÀM THƠ

Còn hơi thở, còn làm thơ

Lân la hoa bướm, tỏ mờ gió trăng

Còn trái đất sống vĩnh hằng

Thì còn Thi Sĩ sống bằng ngữ ngôn.

 

TÌM

Tìm trong mây trong gió

Một chút gì dư hương

Của nàng thơ nho nhỏ

Để ôm ấp đời thường.

VIẾT

Thơ đau xé và Tim vỡ nát!

Mảnh hồn trong xác vấn vương chi

Thương cát bụi sa đà tan tác

Viết vội vàng vội vã với vân vi…

ĐIÊN ĐAU ĐỚN

Điên đau đớn hồn thơ tôi lửa bốc

Lệ pha màu mực thắm những dòng châu

Tôi âu yếm ủi an mình đơn độc

Chiến đấu cho đêm trắng đổ xanh màu.

 

Hơn 34 năm dài chịu đựng chứng bệnh “phân liệt tâm thần” cũng là thời gian “LÀM THƠ ĐIÊN” của người thi sĩ Nguyễn Lương Nhựt. Những bài thơ này đã được Lê Đình Đại, vị bác sĩ điều trị cho ông, đưa ra nhận xét:

Ý thơ, chẳng biết từ đâu mà lại có những nét tương đồng với tâm thần học, thật vui, thật ngộ nghĩnh. Tương đồng chứ không đồng nhất bởi lẽ tâm thần học là một khoa học, còn thi ca là rung cảm của tâm hồn mà ở một thời điểm nào đó thi nhân bỗng cất lên tiếng hát.

“Như những cơn sóng lớn dễ nhận thấy trên mặt biển khơi, cũng vậy, điều dễ phát hiện nhất là những bài thơ viết về cơn hưng cảm và hoang tưởng tự cao.”

Bác sĩ Đại trưng ra những bài thơ tiêu biểu như ông nhận định như trên, ngoài ra BS Đại còn dẫn thêm nhiều bài thơ có chủ đề ĐIÊN khác (xin đọc bài viết của BS Lê Đình Đại). Với kinh nghiệm của ngành Y về tâm thần, BS Đại còn cho thấy một số bài thơ biểu trưng những trạng thái tâm lý tiềm ẩn v.v.. (Nên trong bài viết này không dẫn lại những bài Thơ ấy.) Không riêng những bác sĩ điều trị bệnh tâm thần có lòng thương cảm cho người bị điên, trong những lúc tâm trí tỉnh táo, Nguyễn Lương Nhựt cũng bày tỏ nỗi xúc cảm của tâm hồn ông dành cho những nạn nhân điên loạn, điển hình qua một số bài thơ:

NỖI NIỀM ĐIÊN

Ta sống cùng chung một lũ điên

Dần dà hóa đá cả con tim

Thấy gần cát bụi hơn gần vợ

Chôn chặt tâm tư mấy nỗi niềm.

 

ĐIÊN THANH XUÂN

Điên thanh xuân cởi quần cởi áo

Không biết vì phải máu ba lăm

Đàn ông ưa phụ nữ cầm

Đàn bà lại thích đàn ông rờ rà.

 

 

ĐIÊN CÙNG QUẪN

Quá đói khổ - đau thương điên cùng quẫn

Rách tả tơi – Dơ dáy… thấy mà thương

Nơi trú ngụ là hang cùng ngõ hẻm

Bớt khổ là khi đưa đến nhà thương.

 

ĐIÊN THỐNG KHỔ

Tôi thấy rõ những người điên thống khổ

Không điên tàn – Không lộ liễu mình điên

Nhưng họ sống triền miên trong đau khổ

Bị dày vò vì tội ác oan khiên.

 

Không những nhà thơ đồng cảm với những con bệnh như ông mắc phải, ông cũng đau đớn nói lên thân phận riêng mình:

ĐIÊN CỐ GẮNG

Điên cố gắng nghiến răng mà chịu đựng

Cơn tâm thần phân liệt cứng tê xương

Càng vùng vẫy càng đớn đau nhảy dựng

Mà thâm tâm còn khối những niềm thương.

 

ĐIÊN TÂM THẦN

Điên tâm thần phải nằm bệnh viện

Dâng tấm thân cho muỗi cho mòng

Hiến đời cho nỗi thương mong

Nốc hoài thuốc ngủ cho lòng ngất ngư.

 

Con người nói chung, khi gánh chịu những nỗi đau đớn về thể xác và tâm thần, trong bi phẫn tận cùng ấy, chỉ còn một nơi duy nhất là gửi gấm nỗi niềm vào sự mầu nhiệm của đạo hay tôn giáo mà mình tín ngưỡng, mong cầu một huyền lực thiêng liêng nào đó sẽ độ hộ cho mình vượt qua hay thoát khỏi cái gọi là “nghiệp” đầy đau khổ này. Nguyễn Lương Nhựt không khác, đặt nỗi bất hạnh của bản thân vào thế giới tâm linh:

 

CHẲNG BIẾT

Chẳng biết vì sao? Chẳng phải buồn

Nhiều đêm đàm đạo với trăng suông

Biết mình không thể - không hề chết

Cùng trăng thơ mộng ngắm sao hôm.

 

ĐIÊN QUÁN TƯỞNG

Điên quán tưởng Sạch Sành Sanh Thế Giới

Trong mông mênh vời vợi đóa Thiên Đường

Tận không cùng hơi thở của Tình Thương

Người Điên trút linh hồn không tội lỗi.

 

NGƯỜI ĐIÊN NGƯỜI DẠI

 

Người điên: Điên suốt cuộc đời?!

Người dại: Dại suốt cuộc đời phải chăng?

Tôi xin mạo muội thưa rằng:

Điên: Tu khổ hạnh – Dại: Rèn hiền ngu.

 

Trong 2 đoạn của bài thơ “Một Mình” ông bày tỏ nỗi cô độc tận cùng của tự thân, kể cả tha nhân:

 

Một mình ta khóc giữa trần gian

Chứng kiến người điên dại lụi tàn

Thương thân trách phận sao nghèo quá

Để chia sớt bớt miếng cơm ăn!

 

Một mình ta khóc giữa nghìn thu

Hẹn Địa Tạng Vương xuống ngục tù

Âm dương cách biệt ai nào biết?!

Giải thoát muôn đời cát bụi ru…

 

*

Tình cờ nhà thơ Phạm Vũ mang biếu tôi quyển sách cũ của Osho có tựa “Từ Thuốc tới Thiền” tôi bắt gặp một số sự kiện liên quan đến “tâm thần” trình bày theo lăng kính Osho, xin lạm bàn và lược giản vài vấn đề.

“Tâm Thần”, danh từ ghép này gồm có “tâm trí” và “thần thái.” Người Tây phương có câu “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện.” Thông thường thì thân thể được ví như căn nhà, tâm trí trong căn-nhà-thân tự lập ra bản ngã, và cái “người tôi” trú ngụ này xem mình là chủ nhân; tuy nhiên tâm lý người chủ lại luôn lệ thuộc vào bọc thịt này, khi cơ thể bệnh tật thì trí óc bị khủng hoảng. Osho nói, “Toàn bộ nhận biết của chúng ta tập trung vào ngôi nhà mà không vào người cư ngụ trong ngôi nhà.” Người cư ngụ khủng hoảng bởi lo sợ ngôi nhà sụp đổ thì cư nhân trở thành vô gia cư, giống như con ốc mượn hồn không còn cái vỏ ốc để chui vào trú ngụ. Khủng hoảng là tình trạng không hài hòa của thân-tâm, điều được Paracelsus lưu ý, bảo rằng, “Chừng nào chúng tôi chưa biết trạng thái của sự hài hòa bên trong của bạn, chúng tôi nhiều nhất chỉ có thể giải thoát bạn khỏi tình trạng ốm yếu, bởi vì sự hài hòa bên trong của bạn là cội nguồn của sự mạnh khỏe của bạn. … Sự kiện của vấn đề là, chính sự hài hòa bên trong của bạn cần phải được hỗ trợ.”

Nên biết, Đạo lý Đông phương nói ngược lại Tây phương, chủ trương: “Huân tập tâm thần khỏe mạnh thì cơ thể sẽ không đau yếu.” Người phương Đông cho rằng “Ý lực” quan trọng hơn “Thể lực,” hay nói một cách sâu sắc, Ý lực là chủ thể. Đạo Phật hướng con người quay về quán sát tự ngã, nhận chân ra “bản lai diện mục.” Osho trong ý hướng đó, nói rằng “Chừng nào chúng ta còn trong ý thức, thì tâm thức chúng ta lúc nào cũng chỉ là nhận biết về cái gì đó, nó chưa bao giờ là nhận biết về bản thân nó.” Điều buồn cười là, tâm trí là kẻ ở trọ, hay nói cách khác, nó chỉ là người hầu nhưng nó đã xoay sở để trở thành người chủ; và mọi sự đã trở thành lộn ngược trong cuộc sống của bạn. Nói theo y khoa và tâm lý học thì một khi thân thể bệnh tật, tâm trí sẽ bị bệnh hoạn, nghĩa là, “một tinh thần không thể minh mẫn trong một thân thể đau yếu.”

Đưa ra vấn đề này để thấy ngược lại về trường hợp “người điên.” Người điên không hẳn hoàn toàn bị điên do thân thể họ bệnh tật. Nhan nhãn những người điên có một thân thể linh hoạt hoặc không đau ốm gì, nhưng chính yếu là họ “mất sự hài hòa bên trong,” do đó sinh ra bệnh tâm thần.

Mở ngoặc, ở đây không nói đến sự đồng hóa “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” mà Osho nêu thêm, “khi sống liên tục với người thần kinh và tâm thần, thì bạn bắt đầu nghĩ theo một cách vô ý thức, đây là điều nhân loại là gì. Chúng ta dần dần trở thành giống như những người chúng ta sống cùng ... Nếu toàn bộ xã hội điên khùng thì bạn có thể được điều chỉnh theo nó và bạn sẽ điên khùng.” Điều này, Freud đi đến một kết luận bi quan, rằng “Không có tương lai cho nhân loại.” Freud lập luận, “Nhiều nhất chúng ta có thể hy vọng rằng con người có thể được hòa giải với hình mẫu xã hội, chỉ thế thôi! Ngoài ra không có khả năng nào cho con người được phúc lạc cả!” Osho cho rằng luận điệu bi đát này bởi vì “toàn bộ cuộc sống của Freud là một cơn ác mộng dài của người điên!!!” Osho dẫn chứng đã có rất nhiều nhà điều trị Tâm Thần bị điên bởi họ hấp thu những năng lượng ném ra từ người điên, những lượng sóng tiêu cực của những con bệnh điên dồn vào tâm trí người chữa bệnh. Nếu gọi “bình thường” là khỏe mạnh, “bất bình thường” là điên rồ, thì Osho kết luận rằng, “bình thường và bất bình thường không phải là sự khác biệt định tính, chỉ là định lượng - khác biệt về mức độ - 99 độ, 101 độ v.v., đó là ‘kiểu’ khác biệt.”

**

Nhà thơ Nguyễn Lương Nhựt cất lên tiếng hú “Hãy rung lên! Hỡi những trái tim.” Câu thơ này khác nào một tiếng thét kêu gọi não nùng ai oán. Những bài thơ của ông ở trên, với tôi, không thấy đó là thơ điên, chỉ thấy thơ thương cảm cho con người điên, “Yêu Điên Dại”:

YÊU ĐIÊN DẠI

Khi yêu Điên Dại mãi cuồng si

Hồn mở rộng tướng nói năng gì

Suốt đêm thức trắng tìm thơ thẩn

Thổ lộ tâm tình để khắc ghi.

 

Tâm trí bị điên nhưng tấm lòng rất lạ lùng, tấm lòng không bao giờ bị điên. Người điên vẫn biết ơn một tấm lòng thương cảm, vẫn trân trọng một tình bạn, cảm tạ những con người nhân ái. Điên như vậy còn hơn biết bao người “bình thường” sống vô ơn bạc nghĩa.

 

ĐIÊN KẾT BẠN

Điên kết bạn cùng nhau bằng điếu thuốc

Giúp đỡ nhau ca nước lạnh phòng riêng

Quà qua lại với nhau không ép buộc

Có càng vui không có cũng không phiền.

 

NHÀ THƯƠNG ĐIÊN

 

I.

 

Nhà thương Hòa Khánh tôi điên

Nhưng luôn luôn nhớ Mẹ hiền nhà thương

Bát cơm, viên thuốc, chiếu giường…

Cho tôi yên giấc vô thường bao năm.

 

II.

 

Nhà thương Nguyễn Trãi quận Năm

Khoa tâm thần chỗ tôi nằm nghỉ ngơi

Khắc sâu kỷ niệm một thời

Có người bạn trẻ lo nuôi mẹ già.

 

III.

 

Nhà thương tâm thần Biên Hòa

Chết đi sống lại… Thật là thảm thương

Khoa B2 – Hai năm trường

Tôi làm lao tác tỏ tường người điên.

 

IV.

 

Nhà thương điên: Thánh hiền – Ma quỷ

Cõi điên gồm thập loại chúng sinh

Ôi trời ơi! Những sinh linh

Sống: Đời sống gửi – Thương: Tình thương vay.

 

Và, nếu ai đọc bài thơ dưới đây, tôi tin rằng sẽ không người nào cho là thơ của một người điên cả, vườn kỷ niệm Mùa Xuân Tuổi Nhỏ của người thơ này tràn đầy thơ mộng trong sáng và yêu đời yêu người:

 

LẠC MÙA XUÂN TUỔI NHỎ

Nắng ngoài nội trôi về trong mái nhỏ

Em mùa xuân đôi cánh mỏng ôm trời

Bước chim sẻ tung tăng bờ tóc cỏ

Tay sương mù ve vuốt gió trên môi

 

Chiều hôm qua mùa đông vừa ráo lệ

Sáng hôm nay dăm chiếc lá rơi buồn

Em ngồi hát môi hồng thơm tiếng mẹ

Điệu tình ca nhen vội lửa tâm hồn

 

Anh trở lại nhìn quê hương đổi mới

Phù sa yêu bồi sông nhớ bây giờ

Ven đồi đó ngày xưa anh vẫn tới

Đuổi chuồn chuồn và bắt bướm ngây thơ

 

Lối mòn ơi! Xin hôn làn nắng ấm

Tuổi mười ba, mười bốn của em đây

Tiếng mẹ sáng như trăng rằm tháng Tám

Giọng ru còn âm hưởng đến hôm nay

 

Bờ cỏ mượt cùng bạn bè vui sống

Những trời xanh mây trắng với sân trường

Xuân mười sáu nắng hanh vờn áo mộng

Ướt mái đầu trang điểm chuổi hoa hương

 

Vườn kỷ niệm anh về thăm một buổi

Cây hồn xanh trái nhớ rụng quanh rào

Gió Thời Đại lúc này đang thổi tới

Mà mùa xuân tuổi nhỏ lạc phương nao?

 

 

Tôi xin khép lại bài viết nầy bằng bài thơ ngắn của nhà thơ Nguyễn Lương Nhựt:

 

THƯA NGƯỜI

Thưa người tôi thật tầm thường

Đời thênh thang rộng con đường còn xa

Những gì tôi giữ trong Ta

Mong rằng hé một nụ hoa dâng đời.

 

Lời thơ khiêm hạ, chân thành, cũng là phẩm cách rất đáng trân trọng của nhà thơ Nguyễn Lương Nhựt, một nhà thơ “điên” hiếm có.

 

Lê Giang Trần

(Little Saigon, 18 tháng 6, 2019)

 

GHI CHÚ: Tập thơ “Di Cảo Thơ 1987-2009” của Nguyễn Lương Nhựt vừa được nhà xuất bản Sống phát hành. Dày 206 trang. Đánh máy bản thảo: Nguyễn Lương Vỵ. Trình bày bìa & trang trong: Lê Giang Trần. Tìm mua, xin liên lạc: nhaxuatbansong@gmail.com hay luongvynguyen2@gmail.com

 

 Đọc thêm:
Nguyễn Lương Vỵ: LỜI GIỚI THIỆU “Di Cảo Thơ 1987-2009” của Nguyễn Lương Nhựt 
https://vietbao.com/a296738/loi-gioi-thieu-di-cao-tho-1987-2009-cua-nguyen-luong-nhut
 
  



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Một quan điểm lạc quan đang dấy lên trong hàng ngũ Lãnh đạo đảng CSVN khi bước vào năm 2024, nhưng thực tế tiềm ẩn những khó khăn chưa lường trước được...
Nếu Donald Trump giành lại được Nhà Trắng vào tháng 11, năm nay có thể đánh dấu một bước ngoặt đối với quyền lực của Mỹ. Cuối cùng, nỗi sợ hãi về tình trạng suy tàn đã khiến cho người Mỹ bận tâm kể từ thời thuộc địa sẽ được biện minh. Hầu hết người Mỹ tin rằng, Hoa Kỳ trong tình trạng suy tàn, Donald Trump tuyên bố rằng ông có thể “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Nhưng tiền đề của Trump đơn giản là sai, và các biện pháp trị liệu được ông đề xuất đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ.
Đảng CSVN hay nói “Trí thức là “nguyên khí của quốc gia”, làm hưng thịnh đất nước, rạng rỡ dân tộc*; “Trí thức là vốn liếng quý báu của Dân tộc”; hay “Thanh niên là rường cột của nước nhà” , nhưng tại sao nhiều người vẫn ngại đứng vào hàng ngũ đảng? Lý do vì đảng chỉ muốn gom Trí thức và Thanh niên “vào chung một rọ để nắm tóc”...
Tây Bắc hay Tây Nguyên thì cũng chừng đó vấn đề thôi: đất đai, tôn giáo, chủng tộc… Cả ba đều bị nhũng nhiễu, lũng đoạn tới cùng, và bị áp chế dã man tàn bạo. Ở đâu giới quan chức cũng đều được dung dưỡng, bao che để tiếp tục lộng quyền (thay vì xét sử) nên bi kịch của Tây Nguyên (nói riêng) và Cao Nguyên (nói chung) e sẽ còn dài, nếu chế độ toàn trị hiện hành vẫn còn tồn tại...
Bữa rồi, nhà thơ Inra Sara tâm sự: “Non 30 năm sống đất Sài Gòn, tôi gặp vô số người được cho là thành công, thuộc nhiều ngành nghề, đủ lứa tuổi, thành phần. Lạ, nhìn sâu vào mắt họ, cứ ẩn hiện sự bất an, lo âu.” “Bất an” có lẽ không chỉ là tâm trạng của người Sài Gòn mà dường như là tâm cảm chung của toàn dân Việt – không phân biệt chủng tộc, giới tính hay giai cấp nào ráo trọi – nhất là những kẻ sắp từ giã cõi trần. Di Cảo của Chế Lan Viên và di bút (Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất) của Nguyễn Khải, theo nhận xét của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, chỉ là những tác phẩm “cốt để xếp hàng cả hai cửa. Cửa cũ, các ông chẳng bao giờ từ. Còn nếu tình hình khác đi, có sự đánh giá khác đi, các ông đã có sẵn cục gạch của mình ở bên cửa mới (bạn đọc có sống ở Hà Nội thời bao cấp hẳn nhớ tâm trạng mỗi lần đi xếp hàng và không sao quên được những cục gạch mà có lần nào đó mình đã sử dụng).”
Tập Cận Bình tin rằng lịch sử đang dịch chuyển theo hướng có lợi cho mình. Trong chuyến thăm Vladimir Putin tại Matxcơva vào tháng 3 năm ngoái, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói với Tổng thống Nga rằng “Ngay lúc này, chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi chưa từng thấy trong 100 năm qua, và chúng ta đang cùng nhau thúc đẩy sự thay đổi ấy.”
Sau 20 năm chiêu dụ Kiều bào về giúp nước không thành công, đảng CSVN lại tung ta Dự án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới” vào dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024. Đây là lần thứ tư, từ khi có Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26 tháng 3 năm 2004, một Quyết định nhằm mưu tìm đầu tư, hợp tác khoa học, kỹ thuật và tổ chức các Hội, Đoàn người Việt ở nước ngoài, đặt dưới quyền lãnh đạo của đảng CSVN được tung ra...
Khi số lượng di dân vượt biên bất hợp pháp qua biên giới Hoa Kỳ-Mexico tăng cao kỷ lục, câu hỏi quan trọng được đặt ra là: Làm thế nào mà Hoa Kỳ lại rơi vào tình trạng này, và Hoa Kỳ có thể học hỏi những gì từ cách các quốc gia khác ứng phó với các vấn đề an ninh biên giới và nhập cư. Chào đón công dân nước ngoài đến với đất nước của mình là một việc khá quan trọng để giúp cải thiện tăng trưởng kinh tế, tiến bộ khoa học, nguồn cung ứng lao động và đa dạng văn hóa. Nhưng những di dân vào và ở lại Hoa Kỳ mà không có thị thực hoặc giấy tờ hợp lệ có thể gây ra nhiều vấn đề – cho chính bản thân họ và cho cả chính quyền địa phương bởi tình trạng quá tải không thể kịp thời giải quyết các trường hợp xin tị nạn tại tòa án nhập cư, hoặc cung cấp nơi ở tạm thời và các nhu cầu cơ bản khác. Mà tình trạng này hiện đang xảy ra ở rất nhiều nơi ở Hoa Kỳ.
Trên vai những pho tượng trắng trong vườn Lục Xâm Bảo, lá vàng đã bắt đầu rơi lất phất. Mùa Thu Paris thật lãng mạn. Henry Kissinger đi dạo quanh một hồ nhỏ ở ngoại ô gần Rambouillet. Nơi đây từng cặp tình nhân đang nắm tay nhau bên những cành cây la đà bóng hồ. Ông thấy lòng mình nao nao (melancholic) vì sắp tới phiên họp quan trọng nhất với ông Lê Đức Thọ.
Tôi nghe nhiều người tỏ ý bi quan về hiện cảnh cũng như tương lai (đen tối) của Việt Nam. Dân tộc nào, số phận đó. Một đất nước có những người viết sử và làm luật (cỡ) như ông Dương Trung Quốc thì… đen là phải!
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.