Hôm nay,  

SỬ THI ODYSSÉE THI HÀO HOMÈRE

09/07/201909:49:00(Xem: 3402)

DẪN NHẬP

TS PHẠM TRỌNG CHÁNH  

Homère là  là thủy tổ của nền văn học Tây Phương.  Iliade và Odysée lả hai kiệt tác của nền văn học nhân loại, ra đời cách chúng ta gần ba ngàn năm, nó vẫn làm say mê mọi người trong suốt gần 30 thế kỷ. Ba nghìn năm qua các Thần thánh, vua chúa, anh hùng, giai nhân, thành quách, lâu đài đều sụp đổ, tan biến chỉ còn thơ Homère viên ngọc quý giá, bất tử với thời gian.

Theo Sử gia Hy Lạp Hérodote, thế kỷ thứ V trước Tây Lịch, Homère sống trước ông 400 năm , nghĩa là Homère sống vào thế kỷ thứ IX trước Tây lịch. Ông sinh tại Milet một bến cảng miền Tiểu Á nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Theo truyền thuyết ông mù mắt, ông kế lại cho môn đệ ghi chép hai trường ca vĩ đại. Tiếng địa phương  vùng Eolien, Homère chỉ có nghĩa là ông già mù. Thời Cổ Đại, người ta thường gán một nguồn gốc thiêng liêng cho những thiên tài, anh hùng, giai nhân sinh ra ngoài hôn nhân . Mẹ có lẽ một cô gái trót yêu một chàng du tử thi sĩ, nàng say mê tiếng hát cung đàn nên trao thân một đêm, sau đó chàng ra đi, cuộc đời du tử thi sĩ nay đây mai đó kể chuyện, ngâm thơ  đệm đàn lyre nuôi thân. Homère sinh ra không có cha bên bờ sông Mèles được đặt tên là Mélésigénès. Thời cổ đại có đến 12 tiểu sử khác nhau, mười hai địa danh giành nơi Homère sinh ra dọc theo bờ biển Tiểu Á, Anatolienne và các đảo lân cận: Kymè, Smyrne, Colophon và Chios có tiểu sử còn cho ông sinh ra ở Athènes, Ai Cập hay Rome. Điều này chứng tỏ ông đi khá nhiều và được nhiều nơi biết ̣đến. Thời đại ông sinh ra có tiểu sử cho rằng ông dự kiến cuộc chiến thành Troie, có tiểu sử lại cho ông sống thời đại vua Lydie Gygès năm thế kỷ sau.

Mẹ Homère được một thầy dạy học kiêm du tử tên là Phémios gá nghĩa, Homère được ông nuôi nấng, dạy học, dạy đàn, hát, kể chuyện. Các tiểu sử cho mẹ ông nhiều tên khác nhau : Critheis, Hyrnèthès hay Hynéthès. Cha ông tên : Maion, Créton hay Alèmon. Trong Odyssée, Homère đã cho người du tử ở Ithaque tên Phémios của mình. Theo truyền thuyết Homère đi hát dạo nay đây mai đó, từ vùng Tiểu Á đến Rome, Etrurie và Espagne, địa bàn sinh sống  các thuộc địa, các thương cảng dân Hy Lạp ngày xưa.

Sử thi nằm trong truyền thống Hy Lạp ngày xưa khi một nhân vật quan trọng chết, gia đình mời một du tử lại kể chuyện đời người quá cố, người thi sĩ du tử có tài năng kể lại câu chuyện  thành thơ, theo vần điệu ngâm ngay suốt ba ngày ba đêm tang lễ. Thế kỷ rồi nhiều giáo sư đại học đi nghiên cứu thực địa vùng Yougoslavie còn tìm thấy những thi sĩ du tử ngâm nga những truyện thơ dài hàng chục ngàn câu. Có thuyết cho rằng hai  sử thi được khai sinh bằng truyền khẩu đến thế kỷ thứ 5 trước TL mới được viết lại, các văn bản xưa nhất chúng ta có hiện nay có gốc từ thời đại vua Hadien thế kỷ thứ I, thời đại này thư viện nhà vua được sao chép có hệ thống và tàng trử tại Athènes bằng giấy da.

Có tiểu sử Cổ Đại còn ghi chép ông thi làm thơ với Hésiode, một du tử danh tiếng khác nhân đám tang ông hoàng Chalsis Amphidamas và con trai Amphidamas trao giải cho Hésiode vì thích hát ca tụng hoà bình hơn chiến tranh. Mélisigénès trở thành Homère, ông già mù, người thi sĩ thiên tài phải mù như tiên tri Tirésis trong Iliade , hay Démodocos người du ca Phéaciens trong Odyssée, điều đó giải thích trong khái niệm mọi người : người thi sĩ du ca mù thấy được những điều kỳ diệu mà người có mắt không cảm xúc trong âm thanh, trong thi ca. Tuy nhiên  không phải tiểu sử nào cũng cho Homère mù mắt, thời đại La Mã về sau thường vẽ ông cầm đọc các cuộn giấy bằng thủy trúc (papyrus) chép thơ Odyssé và Iliade. Homère mất tại đảo Ios trong quần đảo Cyclades. Sau và trước Homère còn có nhiều truyện thơ khác ngày nay chỉ còn được biết tên qua các sử gia, triết gia thời Cổ Đại nhưng không còn tác phẩm. Thư viện Alexandrie Ai Cập trước khi bị tiêu hủy chứa 700 000 văn bản chép tay, có rất nhiều truyện thơ đã cháy trong binh lửa. Trong Odyssée, Homère tả người du tử Phémios hát lên nỗi lòng mong nhớ người đi đánh trận thành Troie chưa về. Démodocos còn được Ulysse trường thuật các trận đánh thành Troie và ông hát lại thành thơ.

Từ thế kỷ thứ VI trước  Tây lịch, hai tác phẩm Homère đóng vai trò trung tâm trong nền giáo dục. Các trẻ con nhà quyền quý thường có ba vị thầy: một vị dạy văn phạm và thơ Homère, một vị dạy âm nhạc và đàn lyre và một vị dạy thể dục, thể thao. Nicératos con trai nhà chiến lược thành Athènes tên Nicias đã tự cho mình thuộc hết hai truyện thơ và sẵn sàng đọc cho mọi người nghe bất cứ đoạn nào.(Xénophanes, Banquet IV, 6,7.) Vai trò trung tâm hai truyện thơ Homère trong nền văn hoá Cổ Đại Hy Lạp đã dấy lên một vài chỉ trích. Triết gia Xénophane de Colophon diễu cợt các Thần trong thơ Homère. Triết gia Platon cho rầng Homère vô đạo đức và bất kính với các thần, tiếc rằng các ảo ảnh làm mê hoặc, ràng buộc các thi sĩ làm cho mọi người thán phục họ, xa lìa việc tìm kiếm chân lý. Trong sách Nền Cộng Hoà, Platon đề nghị : choàng vòng hoa cho các thi sĩ và đuổi họ ra khỏi thành phố. Tuy nhiên các triết gia khác thuộc trường phái Pythagoriciens, Stoiciens, Néoplatoniciens lại có thái độ khác, họ phát triển các giải thích để tìm kiếm các ẩn dụ hiền triết của thi hào Homère, hay tìm kiếm thành lập một trường phái triết học dựa trên thơ Homère. Homère được triết gia Zoide d’Amphipolis ca tụng và Aristote lại phản bác lời này. Thi hào La tinh, Horace cho rằng Homère ngủ gục một đôi khi trong truyện thơ. Các triết gia lớn thành Alexandrie thế kỷ thứ III, II trước TL ca tụng người du tử viết Iliade và Odyssée  là một thi sĩ ngoại hạng, có cái khôn ngoan và đạo đức đáng kính như thần thánh. Mặc dù bị hai triết gia lớn Platon, Aristote chỉ trích, thơ Homère vẫn được mọi người yêu mến và truyền tụng.


Có thuyết nói ông sống vào thế kỷ thứ VIII hay thứ VI trước Công nguyên, Homère tái tạo những đoạn thơ truyền khẩu có trước ông kể lại chuyện Iliade : Chiến tranh thành Troie và Odysséc chuyện Ulysse, người anh hùng mưu trí đánh thành Troie trở về trải qua nhiều cuộc phiêu du kỳ dị. Khi  Ulysse ra đi đến chiến trường thành Troie, mười năm chiến trận thành Troie lại thêm mười nâm lưu lạc phiêu lưu, bảy năm bị nàng tiên nữ Calypso bắt làm người tình tù. Khi đi Télémaque còn bồng bế, Pénélope trung kiên chờ chồng, có trăm người đến cầu hôn, cho rằng Ulysse đã chết khuyên nàng lấy chồng, Pénélope hứa hẹn nàng phải dệt xong tấm khăn liệm cho cha chồng, nhưng ban ngày nàng dệt ban đêm lại tháo ra tấm khăn chẳng bao giờ xong, bọn cầu hôn làm áp lực hơn trăm người đến ăn ở nơi cung đình, bắt gia nhân cung phụng bò heo rượu thịt hằng ngày. Télémaque lớn lên đi tìm cha, đi gặp vua Ménelas, vua Nestor hỏi thăm tin tức cha, trở về bị bọn cầu hôn phục kích nhưng nhờ thần nữ Athéné nên thoát hiểm nguy. Về đến trại người nô bộc nuôi heo Eumé thì Ulysse cũng về tới. Ulysse cải trang thành người ăn mày cùng nô bộc cai quản trại heo về thành, đến giữa buổi tiệc  xin ăn, Pénélope mở cuộc thi bắn tên. Người ăn mày cũng xin thi và bắn bọn cầu hôn, cuộc chiến giữa bọn cầu hôn và Ulysse cùng con và người thân tín. Ulysse tiêu diệt đám người cầu hôn. Ulysse cho mời Pénélope xuống nhưng nàng không nhìn chồng, người vú già rửa chân nhìn ra vết sẹo nơi chân chủ. Ulysse tắm rửa sạch sẽ nàng cũng không nhìn, nàng thử thách cho đến khi Ulysse biết chuyện chiếc giường chàng đóng bằng bằng thân cây ô liu gốc rễ còn sống không thể xê dịch đâu được, nàng mới nức nở oà lên khóc nhận ra chồng.. Hai người sum vầy hạnh phúc. Thân nhân bọn cầu hôn tìm đến trả thù, bị chiến bại, thần nữ Athéné giảng hoà, vương quốc Ithaque trở lại yên lành.

Thơ Odyssée và Iliade ngày xưa, được các du tử (aèdes), người thi sĩ kể chuyện chuyên nghiệp, đi từ vùng này sang vùng khác ngâm thơ, đệm đàn lyre, họ kể mỗi chương vài trăm câu, mùa biển động họ kể liên tục Iliade trong bốn ngày bốn đêm và Odyssé trong ba ngày ba đêm. Thơ Homère trở thành niềm vui chung say mê mọi người. Họ ngồi bắt chí cho nhau nghe đọc thơ. Nhân dân Hy Lạp ngày xưa nhiều người thuộc vanh vách từng câu, từng chương như dân nước ta thuộc truyện Kiều. Thời Cổ Đại Hy Lạp, thơ Homère  trở thành trung tâm của nền giáo dục, những nhân vật Ulysse, Pénelope, Télémaque trở thành người mẫu lý tưởng xã hội. Thời hoàng kim La Mã thơ Homère vẫn tiệ́p tục truyền bá rộng rãi. Vua Hadrien thế kỷ thứ I, đã cho sao chép và chia mỗi Sử thi thành 24 chương. Thời Trung Cổ, từ thế kỷ thứ IV Thiên Chúa Giáo từ Trung Đông truyền qua Tây Phương, sau một thời gian dài bị La Mã cấm đoán đã chinh phục được các vị vua Tây Phương, quyển Thánh Kinh trở thành quyển sách duy nhất được phổ biến, các sách vở thời Hy Lạp bị cất dấu, nhưng thơ Homère và sách vở Hy Lạp vẫn tiếp tục truyền bá tại các nước Á Rập. Trong hơn 1600 bản sách cổ viết trên giấy da tìm thấy tại Ai Cập  ngày nay phân nửa là sách thơ Homère. Các đế quốc Á Rập hùng mạnh chiếm các thánh địa Thiên Chúa Giáo, Hy Lạp trong bốn thế kỷ, Tây Ban Nha trong tám thế kỷ. Ý thức sự yếu kém thời Trung Cổ , Tây Phương đã tìm lại sao chép phổ biến sách vở Hy Lạp tạo nên thời Phục Hưng, khôi phục lại thời Cổ Đại huy hoàng. Các Trường Đại Học lập ra để giảng dạy Thần Học lần lượt tách rời ra khỏi Giáo Hội Thiên Chúa Giáo, trở thành các Đại Học đa dạng với đủ các ngành nghề từ Toán Học, Y Học, Sử Học, Luật Học, Vân Học, Vật lý, Hoá Học.. ngành nào cũng có một ông tổ người Hy Lạp. Tây phương sử dụng lại các con số Á Rập thay cho số La Mã có nguồn gốc từ Ấn Độ và nghề làm giấy do Á Rập bắt cóc được một người Trung Quốc học nghề và phát minh ra máy in sách. Văn học từ những bản chép tay, những phòng khách văn chương nhà quyền quý được phổ biến sâu rộng. Từ điêu khắc, văn học, khoa học làm sống lại nền văn minh Cổ Đại Hy Lạp đã tạo nên thời đại Phục Hưng. Phục Hưng Tây Phương đã phát triển nên một thời đại Ánh Sáng với muôn vàn phát minh sáng chế, đến đến việc phát minh máy hơi nước và cuộc cách mạng kỹ nghệ. Nền văn hoá đa dạng mọi lãnh vực từ văn học, điêu khắc, kiến trúc đến hội họa , âm nhạc, bộ môn nào Tây Phương cũng vượt xa các nền văn minh cũ. Tây phương trở nên hùng mạnh, đẩy lùi  đạo Hồi ra khỏi Tây Ban Nha, Hy Lạp, mở các cuộc thám hiểm đi khắp các châu lục địa, tìm ra Châu Mỹ, chiếm thuộc địa và khai thác kinh tế các nguồn tài nguyên các nơi. Những cục đá lạ, người Phi Châu chỉ biết dùng chọi nhau, Tây Phương đã mài dũa thành những hạt kim cương, hồng ngọc, lam ngọc quý giá thành nữ trang, trang điểm cho cuộc đời. Nền văn minh Tây phương trở thành mẫu mực sự tiến bộ, dân chủ, giàu có và thịnh vượng. Đồng thời với việc sáng chế máy in, thơ Homère được dịch ra hầu hết các thứ tiếng. Nhật Bản đã dịch thơ Homère từ năm 1943.

Thế kỷ thứ XIX, xuất hiện ngành Khảo Cổ Học, năm 1871-1890, một doanh nhân người Đức tên H. Schlieman say mê thơ homère, đã tìm kiếm và khai quật các di tích, ông đã khám phá ra thành Troie tại khu vực Hissarrlik ở Thổ Nhĩ Kỳ, tiếng địa phương gọi là  Cổ Thành. Năm 1932-1938 các nhà khảo cổ Hoa Kỳ tìm thấy trong các lớp thành, có một lớp bị hỏa hoạn lớn khoảng nửa thế kỷ thứ XIII trước TL là năm bị đốt phá bởi mưu ngựa gỗ của Ulysse. Kho tàng thành Troie cũng được Schiemen khám phá với nhiều hiện vật nữ trang, ngọc ngà, gươm kiếm, cung tên, giáp sắt và vật dụng nhà cửa cực kỳ phong phú. Các hiện vật được chưng bày tại viện bảo tàng Berlin cho đến năm 1945 thì bị mất tích. Năm 1996 lại tìm thấy tại nước Nga. Tại Hy Lạp, Schieman còn khai quật năm 1876 cổ thành  Mycènes các ngôi mộ cổ hoàng gia chứa một kho tàng nữ trang, vật dụng vàng bạc quý giá. Mycènes là đô thành của vua Agamemnon, Mycènes giàu vàng như Homère đã kể. 

Tôi  đã đi thăm các viện bảo tàng Hy Lạp từ Athènes, Mycène, Crète.. nhìn thấy tận mắt các vật dụng, nữ trang như Homère mô tả. Tại đảo Crète sau khi độc lập thoát khỏi ách thống trị Thổ Nhĩ Kỳ,  tại Cnossos nhà khảo cổ Anh, Arthur Evans đã tìm ra nền văn minh Minoenne, tên vua Minos, một nền văn minh trước cả Mycéenne đã có chữ viết và tìm ra khá nhiều văn bản thẻ đất nung gọi là Linéaire A, hiện nay vẫn chưa ai khám phá ra cách đọc. Tại Pylos lâu đài vua Nestor, tìm được một căn phòng hàng ngàn miếng sành chữ nhật gọi là Linéaire B. Năm 1952 Michel Ventris người Anh nhờ các phương pháp hiện đại đã đọc được các mãnh sành này và tìm thấy các vật dụng trong Odyssée miêu tả.

Các nhà văn Âu Châu học làm thơ viết văn với thơ Homère và chịu nhiều ảnh hưởng sâu đậm thơ văn thời Cổ Đại Hy Lạp. Thơ Homère nằm trong chương trình văn học bậc phổ thông và đại học các nước Âu Châu. Từ nâm 1970 khi đi du học sang Âu Châu, Pháp, tiếp xúc với bạn bè và nền văn minh Tây Phương, tôi thấy mình có một lổ hổng kiến thức rất lớn, điều đó đã thúc đẩy tôi tìm đọc thơ Homère, tôi đã say mê và dịch ra thơ lục bát gần ba chục ngàn câu thơ của thi hào Homère với mơ ước người Việt Nam từ trong nước đến bốn phương trời ở hải ngoại có thể đọc và hiểu được một kiệt tác của nền văn học Hy Lạp bằng ngôn ngữ thi ca nước mình. Tôi đã in và xuất bản tại Paris năm 2005 và 2011. Việc  in sách trên giấy ngày nay có nhiều trở ngại trong việc phổ biến, nên tôi chia Sử thi Odyssée gồm 12110 câu thơ lục bát làm làm 25 bài, phần dẫn nhập và 24 Thi ca khúc để tiện phổ biến trên internet, người yêu thơ có thể tự do trích đăng trên site, hay facebook của mình để truyền đạt tấm lòng yêu thi ca .

Odyssée hay Ulysse  là tên chuyển ra tiếng La Tinh, trong đoạn vú già rửa chân cho Ulysse có nói đến Odysseus  tên Hy Lạp do ông ngoại là Autolycos đặt cho có nghĩa là người thách đố với thế gian, để kỷ niệm chiến công đánh thắng bọn cướp biển.

Sử thi Odyssée  từ thế kỷ thứ I triều Hadrien chia ra làm gồm có ba phần :

1. Cuộc du hành đi tìm tin tức cha của Télémaque

2. Ulysse kể chuyện phiêu lưu cho vua Alcinoos.

3. Ulysse trở về Ithaque gặp con và trả thù bọn cầu hôn và tái hợp cùng Pénélope.

Cách chia này Horace cho rằng buồn ngủ, vì chuyện Ulysse mà đến chương thứ 5 mới thấy Ulysse xuất hiện, Thiên Đình họp hai lần giống nhau.  Trong thơ Homère có nói truyện thơ ông có thể bắt đầu bất cứ chương nào mình muốn. Do đó tôi thay đổi đem phần 2 kể chuyện Ulysse phiêu lưu lên làm phần đầu, cuộc họp Thiên Đình rút lại chỉ còn một lần ra mệnh lệnh Hermès xuống trần gặp Calypso truyền lệnh thả Ulysse, và Athéné xuống Ithaque gặp Télémaque giúp đi tìm cha. Thi ca khúc thứ nhất tôi tái tạo cho phù hợp mạch lạc câu chuyện. Tôi thay câu:  chuyện Odyssée có thể bắt đầu bất cứ thi ca khúc nào bằng câu chuyện bắt đầu bằng thi ca khúc Ulysse được tiên nữ Calypso cứu trên biển và giam giữ thành người tình tù.

Hai quyển Odyssée và Iliade là quà tặng Duy Nga cho tôi ngày quen biết nhau năm 1976, tôi đã có ý diễn ca thành thơ lục bát nhưng vì bận rộn chuyện “cơm áo không đùa với khách thơ” nên đành xếp lại. Dịch các Sử Thi lớn trong kho tàng văn học nhân loại là một công việc liên tục trì chí hàng chục năm trời, trăm người khởi đầu dịch chỉ có hai ba người đi đến đích. Mùa xuân năm 2001 kỷ niệm 25 năm ngày cưới nhau, tôi đưa Duy Nga đi Malte hành hương theo dắu chân Ulysse. Thăm đảo Gozo có hang động Calypso, cửa đá Azur, bãi biển Rambla cát đỏ, tương truyền nơi Ulysse  chiều chiều ra đó ngóng về quê hương.. Trước khung cảnh trời đất mơ màng đó tôi đã cảm xúc và tái tạo và hoàn tất hai thiên trường ca bất từ của Homère bằng thơ lục bát, năm 2003 tôi lại đưa gia đình đi thăm Athènes và các đảo Hy Lạp. Thăm đảo núi lửa Santorin nơi Homère nhân cách hóa thành những người khổng lồ cuồng nộ ném tung những tảng đá làm đắm thuyền đoàn quân của Ulysse. Và từ đó 5 lần tôi đã đi thăm các di tích Hy Lạp, dịch một tác phẩm văn chương, việc thăm viếng quê hương không gian người viết là điều cần thiết, nhiều nhà văn dịch trước khi đi thăm, về sau khi đi thăm không gian người viết thường dịch lại, vì thấy mình như chuyện ngụ ngôn con cá tả cảnh đất liền theo lời kể một con rùa.

Dịch Sử thi Odyssée tôi dựa chính vào bản song ngữ  Hy Lạp̣- Pháp, bản dịch của V Bérard Collection đes Universités de France. Paris Les Belles Lettres 1999. và bản dịch M Dufour et J Raison. Eds Garnier Frères 1961 cùng tham khảo  5 bản dịch khác và các sách của bà Jaqueline de Romilly Hàn lÂm Viện Sĩ Pháp chuyên gia về Hy Lạp Cổ Đại.

Từ những năm 1981, nhà thơ Huy Cận thường sang Paris mỗi năm ba bốn lần, dự  Thượng Hội Đồng Pháp Ngữ ông được Tổng Thống Pháp François Mittérand mời làm Đại Diện Pháp Ngữ vùng Đông Nam Á, và ông cũng có chân trong Hội Đồng Tổ Chức Unesco, Liên Hiệp Quốc. Tại Pháp, ông xem tôi và anh Đặng Tiến như bạn thơ tri âm tri kỷ, ông có dịp tâm sự hỏi ý kiến mọi chuyện từ chuyện đất nước đến chuyện gia đình, tôi có dịp  đưa ông đi chơi nhiều nơi, mỗi khi xong công việc, ông điện thoại cho tôi để cùng đi thăm một nhà văn Pháp, đi tìm sách, đi mua quà cho gia đình, và nhiều khi đi rong chơi trong thành phố Paris, thăm các viện bảo tàng . Tháng 10 năm 1981, ông đưa ông Xuân Diệu sang Paris, ông giao ông Xuân Diệu cho tôi đưa đi chơi và nói chuyện thơ các nơi. Ông Xuân Diệu đã ký thác toàn bộ di cảo hơn 400 bài thơ chưa in,  tâm sự cho tôi để soạn Tự Điển Tình Yêu bằng thơ tình Xuân Diệu. Ông Huy Cận còn viết tựa cho tập thơ tình của tôi, trong đời ông chỉ viết tựa cho hai người là Xuân Diệu và Nhất Uyên. Ông thường đến nhà tôi và ông có dịp đọc bản thảo một số thi ca khúc truyện thơ Odyssée của tôi và ông viết tặng tôi bài thơ kỷ niệm đêm tâm sự về thơ Homère .

ĐÊM THƠ

Đêm ngủ xa nhà có bạn thơ,

Có giàn sách đẹp mới chen xưa.

Đi đâu cũng gặp hồn nhân loại,

Còn có lòng tin có đợi chờ.


Ta muốn bên đèn đọc mãi thôi,

Đọc ngâm thơ bạn ngắm thơ đời.

Trang thơ bát ngát hồn thêm sáng,

Ai thức ngàn năm tứ vẫn tươi.


Còn đ̣ược bao năm sống cõi này,

Lòng ta ta hỡi mãi mê say,

Sao hôm vừa lặn sao mai mọc,

Kim cổ tờ thơm thức giữa tay.


Paris 2005̣-2019

NHẤT UYÊN PHẠM TRỌNG CHÁNH

 
*****

SỬ THI ODYSSÉE THI HÀO HOMÈRE THIÊN TRƯỜNG CA BẤ́T TỬ NHÂN LOẠI


NHẤT UYÊN PHẠM TRỌNG CHÁNH

chuyển ngữ thơ lục bát


THI CA KHÚC I

TÌ̀NH YÊU TIÊN NỮ CALYPSO VÀ NỖI LÒNG ULYSSE


TÓM LƯỢC

Khẩn cầu Thần nữ Ly Tao (Muses) truyền thi hứng. Chuyện kể từ lúc Uy Lĩnh ( Ulysse) bị đấm thuyền trôi dạt vào đảo tiên nữ Kiều Ly Cơ (Calypso) nàng đang sống cô đơn ước mơ được một tấm chồng, Kiều Ly Cơ yêu Uy Lĩnh chìu chuộng người tình tù trong bảy năm, hứa cho chàng tuổi thanh xuân bất tử, nhưng Uy Lĩnh chiều chiều ra bờ biển ngồi khóc nhớ vợ con. Ngày chàng ra chiến trận thành Troie con ch̀àng còn bồng bế. Người vợ Pénélope vẫn chung thủy chờ chồng, có trăm người đến cầu hôn, bảo rằng Uy Lĩnh đã chết, khuyên nàng chọn lựa một người trong đám cầu hôn làm chồng, nàng ra điều kiện nàng phải dệt cho xong tấm khăn vải liệm cho cha chồng, nhưng ban ngày nàng dệt, ban đêm lại tháo ra tấm khăn dệt hoài chẳng xong, bọn cầu hôn làm áp lực đến ăn ở nơi cung đình nàng. Trong cuộc họp chốn Thiên đình Olympe, Thần nữ  Quán Trí Tuệ (Athéné) Khẩn cầu Thần Vương Zeus xin cho Uy Lĩnh(Ulysse) bị Tiên nữ Kiều Ly Cơ (Calypso) giữ làm người tình tù được trở về. Thần Vương truyền lệnh cho Sứ thần Hạc Mai (Hermès) mang lệnh Thiên Đình truyền Tiên nữ Kiều Ly Cơ phải thả Uy Lĩnh. Kiều Ly Cơ vâng lệnh bảo Uy Lĩnh đốn gỗ đóng bè, nàng giúp đỡ cánh buồm, lương thực và thổi gió tiễn chàng đi. Bốn ngày Uy Lĩnh đóng bè xong, ngày thứ năm ra đi, ngày 18 đến đảo người Phan Xuyên (Phéaciens), Thần Hải Long Vương (Posséidon) trở về thấy dâng bão làm đắm thuyền nhờ có Thần nữ Y Nơ (Ino) cứu thoát cho mảnh khăn tiên lội vào bờ. Thần nữ Quán Trí làm dứt cơn bão. Uy Lĩnh bơi đến đảo, ẩn mình trong một cụm rừng bên bờ suối, chàng mệt nhoài say ngủ.


Khẩn cầu Thần nữ Ly Tao 1

Khởi truyền thi hứng dạt dào hồn ta.

Mười năm chiến cuộc thành Troa.(Troie)

Anh hùng trăm trận vào ra chiến trường,

Ngày về phiêu bạt biển ngàn,

Bao nhiêu chìm nổi gian nan xứ người.

Bao nhiêu giông tố nổi trôi,

Mới về quê cũ đất trời yêu thương.

Khẩn cầu thi hứng nhập hồn,

Chuyện từ Uy Lĩnh đắm thuyền phong ba,

Tình tù tiên Kiều Ly Cơ (Calypso)

Say tình nàng khẽ vỗ về : Thương ôi, 10

Yêu em Uy Lĩnh chàng ơi !

Thiên đường bất tử đời đời thanh xuân,

Yêu em cuộc sống thiên thần,

Về chi cát bụi hồng trần tàn mau.

Sóng tình bùng cháy hang sâu,

Lòng Uy Lĩnh chẳng đổi sầu làm vui.

Chiều chiều trước biển ngậm ngùi,

Mắt mờ lệ nhỏ thương người vợ xa,

Mịt mù khói sóng xóa nhòa,

Bùi ngùi trông cánh chim qua biển trời. 20

Vương quốc An Thạch xa xôi,(Ithaque)

Còn ai tưởng nhớ đến người hùng xưa,

Hai mươi năm trải nắng mưa,

Còn ai tiếc nhớ vị vua can trường.

Cung thành một lũ cầu hôn,

Tranh giành ngôi tước, bạc vàng, quyền uy.

Đau thương nàng Nhã từ đây,(Pénélope, Nhã Lan)

Ép duyên nàng phải chọn ngày cầu hôn.

Riêng nàng vẫn nhớ vẫn thương,

Mong Uy Lĩnh trở lại hoàng cung xưa. 30

Lựa lời, nàng đặt chuyện thưa :

Rằng Uy Lĩnh mất, ai chờ ai mong,

Chẳng qua còn một chút lòng,

Tấm chăn liệm đắp cha chồng chửa xong,

Lão Vương thần chết chờ trông,

Phận làm dâu chút tri ân cho người.

Bọn cầu hôn cũng chìu lời,

Nghĩ rằng vải liệm dệt rồi nay mai.

Mặc nàng khung cửi đưa thoi,

Nào hay nàng mãi dệt hoài chẳng xong. 40 

Ngày chăm chỉ dệt hết lòng,

Đêm đêm đuốc hồng, nàng tháo sợi ra,

Đợi ngày Uy Lĩnh về nhà,

Đợi Thế Viễn Mạc trên đà lớn khôn:(Télémaque)*

Con ơi giúp mẹ hỡi con !

Thay cha trừ bạo, rửa hờn non sông.

Nhưng nào bọn chúng còn đông,

Không người giúp sức bại vong tủi hờn,

Sức con chưa đủ lớn khôn,

Biết làm sao biết đi tìm được cha. 50

Tấm khăn dệt mãi lệ nhòa,

Tấm lòng nàng động cao xa Thiên Đình.

Tấm khăn nàng Nhã hoài công,

Bọn cầu hôn kiếm cội nguồn khảo tra.

Con hầu sợ hãi khai ra.

Hoàng hậu ngày dệt, đêm đà tháo ngay,

Thế nên chăn dệt ngày ngày,

Ba năm mòn mỏi  chăn này chữa xong.

Bọn cầu hôn rỏ nguyên nhân,

Ép ngày chọn lựa chẳng còn lần khân. 60


Thiên Đình ngày vắng Hải Long, (Poséidon)*

Quần thần tụ hội cung đình Thiên Sơn,(Olympe)

Thần Vương(Zeus) vua cõi Thiên Thần,

Triệu bàn phán quyết chuyện trần  đau thương.

Quán Trí con gái Thần Vương,

Tinh Anh Mắt Cú luận bàn thấp cao*:

Thương thay Uy Lĩnh khổ đau,

Hai mươi năm đó biết bao tình nhà,

Đắm thuyền trôi dạt đảo xa,

Kiều Ly Cơ giữ tình đà bấy lâu. 70

Bao năm mơ ước khẩn cầu,

Con Thẩn Ất Lạc chẳng sao đổi lòng,(Atlas)*

Tội thay Uy Lĩnh nhớ thương,

Lời yêu mật ngọt chẳng buồn đổi thay,

Chiều chiều vời vợi khói mây,

Quê hương xa thẳm mờ say biển trời,

Hồn quê muốn thoát than ôi,

Trái tim vẫn đập, tình người cùm gông.

Thần Vương cha có thấu chăng ?

Thương người tài trí anh hùng thủy chung. 80

Vuốt râu Thần Dớt mới rằng :

Con ơi lời tự đáy lòng sắt son,

Quên sao Uy Lĩnh hỡi con,

Thông minh tài trí thiên thần sánh vai.

Lòng thành cung kính đất trời,

Cõi thần thương cảm, cõi người tôn vinh.

Hại thay Thần Hải Long Vương.

Thần Rung Chuyển Đất thù còn chữa tha,

Trả thù Uy Lĩnh năm xưa.

Đâm Ly Phong  Nhãn mù loà độc tinh.(Polyphème) 90

Đứa con Thần đã sinh cùng,

Thoa Sa tiên nữ con thần Phù Nghi, (Thoôsa, Phorcys).

Trả thù thần đã lưu đày,

Đắm thuyền giông bão, chẳng ngày hồi hương,

Hôm nay Thần họp Thiên Đình,

Đồng tâm Uy Lĩnh lên đường về ngay,

Hải Long Vương bỏ hận này,

Một thần không thể ý thay trăm thần.

Ngước đôi mắt sáng tinh anh,

Quán Trí Tuệ mới thưa tình nhỏ to : 100

Cha ơi , Thần Tử Cồ Nô,*(Cronos)

Điện trời sấm sét cơ hồ ai hơn,

Vì điều công lý cõi thiên,

Cho vời Mai Hạc Truyền Tin Sứ Thần.(Hermès)

Trao Kiều Ly lệnh thiên đình,

Thả cho Uy Lĩnh đóng thuyền đoàn viên.

Còn chuyện An Thạch phần con,

Giúp con Uy Lĩnh đối cùng cầu hôn,

Giúp Thế Viễn Mạc can trường,

Truyền cho tụ họp Hội Đồng An Kinh.(Achéens)* 110

Luận bàn dứt việc cầu hôn,

Cừu bò cắt cổ ngày đêm tiệc tùng.

Quay nhìn Mai Hạc thân thương,

Dớt ban lệnh tiễn dặn công việc trần:

Ra đi Mai Hạc sứ thần,

Hãy truyền lệnh của thiên đình hôm nay.

Rằng Tiên Nữ Tóc Vàng Mây,

Giúp cho Uy Lĩnh đóng ngay thuyền bè.

Một mình buồm lái sớm khuya,

Chịu nhiều thử thách trở về quê hương. 120

Hai mươi ngày biển lênh đênh,

Không thần giúp sức vững bền vượt nguy.

Mới về đến đất Sơn Chi,(Schérie)*

Dân Phan Xuyên chốn thần hay giáng trần.(Phéaciens)

Vua dân tiếp đón như thần,

Quà trao phẩm vật, lụa vàng hiến dâng.

Ban cho thuyền lái thong dong,

Về quê An Thạch yên lành đoàn viên.

Sứ Thần vâng lệnh Thần Vương,

Mang hài vàng vượt bay triền gió mây. 130

Đũa thần huyền diệu cầm tay,

Thần thông ảo hóa vượt bay biển trời.

Dương trần thoáng đã đến nơi,

Đảo xa sóng nước, xanh trời biển xanh.*

Bãi dài cát đỏ rừng thông.

Lung linh thạch động lửa hồng chiêm bao,

Nàng tiên cài tóc hoa đào,

Tiếng ca thánh thót xôn xao tơ trời.

Nàng ngồi dệt lụa hôm mai,

Thoi vàng dệt tiếng oanh lời líu lo. 140

Một rừng hương ngát xanh mơ,

Một vườn nho chín bên bờ suối xanh.

Bốn bề thác đổ lượn quanh.

Một vườn hoa trái tím cành phù dung.

Sứ thần trước động dừng chân,

Kiều Ly Cơ đã ân cần hỏi han,

Thần tiên sánh bước nhạc vàng,

Mời nhau an tọa thạch bàn ngũ vân.

Tiên nương lên tiếng hỏi rằng :

Cớ chi Sứ giả Thiên đình xuống đây ? 150

Thời trân thức uống dọn bày,

Cùng nhau vào tiệc ngà say chén quỳnh.

Tiệc tàn sứ mới truyền rằng :

Ta đây vâng lệnh Thiên đình Thần Vương,

Rằng Thần Dớt rất xót thương,

Phận chàng Uy Lĩnh tai ương đọa đày.

Tình tù giam giữ nơi đây,

Vẫn còn buồn tủi ngày ngày nhớ quê.

Mười năm chiến trận chưa về,

Thuyền binh tan tác, bốn bề bão giông. 160

Lạc vào đây kiếp lưu vong,

Nhớ con, nhớ vợ, nặng lòng quê hương.

Nghe đây Thần Dớt phán truyền:

Cho Uy Lĩnh được đóng thuyền về quê.

Mệnh chàng gia cảnh không lìa,

Số chàng còn phải trở về nước xưa.

U sầu Kiều Ly Cơ thưa :

Ganh tài ghét mệnh chẳng chừa thần tiên,

Phận tiên muốn kết trần duyên,

Tấm chồng khao khát ngày đêm trông chờ. 170

Bỗng chàng Uy Lĩnh bơ vơ,

Sóng vùi, biển dập, vật vờ biển khơi.

Cứu chàng chăm sóc tay tôi,

Ngày đêm tận tụy phục hồi sức trai,

Yêu chàng tôi đã hứa lời,

Cho chàng bất tử, đời đời thanh xuân.

Dám đâu cải lệnh Thiên đình,

Xua chàng ra biển nỡ tình được sao ?

Tôi không thuyền lớn buồm cao,

Không người chèo lái giúp nào được chăng ? 180

Phận tiên tôi có chút tình,

Giúp chàng chỉ một tấm lòng yêu thương.

Sứ thần chẳng nể nguồn cơn :

Thả ngay Uy Lĩnh chẳng còn cớ chi.

Khẻo cơn sấm sét bất kỳ,

Không nghe lời Dớt những khi lôi đình.

Một lời chưa kịp phân minh,

Sấm đâu chớp sáng rền vang biển trời.

Sứ thần truyền bấy nhiêu lời,

Sắt danh căn dặn gót dời dặm khơi. 190

Tiên nương cúi mặt vâng lời,

Đi tìm Uy Lĩnh đang ngồi thở than.

Bên bờ cát đỏ mơ màng,

Mắt nhoà lệ nhớ hai hàng xót đau.

Đêm đêm tình động trướng đào,

Gượng vui tình mới lòng xao xác lòng.

Ban ngày ghềnh đá ngóng trông,

Mắt mờ biển thẳm dòng dòng lệ sa.

Bên chàng tiên nữ xót xa :

Chàng ơi ! Thôi chớ chi mà thở than, 200

Em xin trả lại cho chàng,

Cánh chim phiêu bạt, tung ngàn dậm xa.

Chàng ơi đốn cội thông già,

Đóng thuyền kết ván, vượt qua bể ngàn.

Em cho bánh nước, rượu vang,

Áo choàng, khăn ấm cho chàng ra đi,

Em xin thổi gió mang mây,

Cánh buồm thương nhớ, từ nay chia lìa.

Em cầu Thần Dớt giúp cho,

Biển khơi lặng sóng, thuyền về nước xưa. 210

Dứt lời Uy Lĩnh phân bua :

Nàng ơi ! Cho phép ta về thật chăng ?

Biển khơi sóng cả mênh mông,

Chiếc thuyền phải vượt đá ngầm sóng cao,

Bão giông, gió thét mưa gào,

Không thần giúp sức tôi nào dám đi,

Chút tình, chút nghĩa còn đây,

Xin tiên nữ nhớ lời này giúp cho,

Biển không sóng cả giông to, 

Dìm ta chết giữa mịt mờ biển khơi. 220


Chàng ơi !  thiếp hứa giúp lời,

Thiên Đình chứng giám xét soi lời nguyền.

Trái tim này đã yêu chàng,

Cứu chàng trên biển mơ màng yêu đương,

Giờ đây đôi ngã đôi đường,

Chàng về quê cũ, sầu vương biển trời,

Thương chàng thương lắm chàng ơi,

Trái tim sắt đá hại người thương sao ?

Kiều Ly dời gót động đào,

Mời nhau cất chét quỳnh dao tiệc bày. 230

Nước cam lồ rót vơi đầy,

Đào tiên, hải sản ngà say tiệc trần.

Tàng tàng chén rượu hợp hoan.

Cầm tay nàng mới thở than đôi lời :

Hỡi chàng ! Uy Lĩnh chàng ơi !

Nỗi danh tài trí, hơn người khôn ngoan,

Con vua Lã Đạt lão vương(Laerte),

Cháu con Thần Dớt giống dòng quang minh,

Thật lòng chàng muốn đi chăng ?

Giả từ, về chốn quê hương xa vời. 240

Tình ta chỉ thế mà thôi,

Xin còn mãi mãi lòng người nhớ thương,

Rồi đây đôi ngã đôi phương,

Cầu xin chàng được trên đường bình an.

Cũng nên nghĩ lại hành trình,

Còn bao gian khổ bão bùng hiểm nguy,

Rũi ro cầm chắc trong tay,

Mong manh thay việc mắn may trở về,

Chàng nên nghĩ lại mọi bề,

Đừng đi. đừng nghĩ đến quê xa vời. 250

Vợ chàng còn có y lời,

Hay sang thuyền khác, cuộc đời đổi thay.

Hãy cùng em ở chốn này,

Tuổi xuân bất tử, tình đây vững bền,

Em không thua kém vợ chàng,

Thân hình kiều diễm, dung nhan tiên thần,

Dù cho vẻ đẹp người trần,

Làm sao sánh được với cùng người tiên.

Uy Lĩnh lòng vẫn khăng khăng :

Kiều Ly tiên nữ dung nhan tuyệt vời, 260

Xin nàng chớ giận lời tôi,

Vợ tôi không thể sánh đôi cùng nàng,

Vợ tôi phụ nữ trần gian,

Còn nàng trẻ đẹp tiên nương muôn đời.

Tim tôi chỉ một tình thôi,

Là về quê cũ bên người tôi yêu.

Dù cho tai họa trăm điều,

Dù cho gian khổ dạt phiêu thế nào,

Dù cho biển dữ sóng cao,

Thân tôi đã trải biết bao hiểm nghèo, 270

Chiến trường không chết gươm lao,

Dạn dày sương gió còn nào sợ chi.

Kiều Ly Cơ chẳng nói gì,

Rượu nồng ngây ngất bờ mi lệ buồn.

Bên nàng lần cuối rồi tan,

Bóng dương lần khuất trên ngàn biển xa,

Đuốc hồng chăn gối lệ nhoà,

Lửa tình ngây ngất, bóng hoa chập chùng.

Giọt trần thạch nhủ long lanh,

Giấc hồ sương đọng vây quanh động đào. 280


Tiếng gà gáy sáng đến mau,

Vầng dương dậy nắng hồng chào biển khơi, 

Khoát khăn quàng, áo choàng ngoài,

Uy Lĩnh dậy sớm bên trời thông xanh,

Nàng tiên áo trắng dịu dàng,

Thắt đai vàng ngọc, tóc choàng khăn tơ.

Hành trang : cưa,  gổ, búa, rìu,

Đưa chàng đến chốn rừng cao thông già.

Dặn dỏ nàng trở lại nhà,

Lương khô cho cuộc đi xa sẵn sàng. 290

Uy Lĩnh đốn gỗ dựng sàn,

Đóng sườn, cưa ván, kết sàn, dây neo,

Cột buồm dựng thẳng vút cao,

Bao ngày vất vả, lá̃i lèo đã xong.

Đẩy thuyền ra bến nước xanh,

Con thuyền sẵn cuộc khởi hành viễn du.

Áo quần, chăn dạ một kho,

Rượu ngon, nước uống, lương khô đầy thuyền.

Tiễn chàng về chốn quê hương,

Sầu lên sóng nước, tình vương mây ngàn. 300

Tóc nàng lộng gió mênh mang,

Thổi buồm trôi nhẹ tiễn chàngra khơi.

Riêng Uy Lĩnh một lòng vui,

Gạt lòng lưu luyến, trông trởi, ngắm sao.

Một thuyền, một lái sóng đào.

Mắt không khép ngủ, trông mau về nhà.

Nửa tuần trăng thoáng trôi qua,

Đảo quen đã thấy, non nhòa khói sương.

Ngờ đâu chưa hết đau thương,

Chơi xa Thần Hải Long Vương trở về. 310

Từ trên thiên đỉnh long khê,

Thấy chàng đã đến gần quê an lành.

Thần đà nổi trận tam bành,

Dâng cao biển dữ, ầm ầm bão giông.

Gió gào, sóng thét đùng đùng,

Rã rời tay mỏi, ngực lòng xót đau:

Than ôi kiếp s̀ống bọt bèo,

Thân ta chìm nổi, vì sao thế này ?

Than ôi, Thần Chết là đây,

Dìm trong biển dữ, đọa đầy tang thương. 320

Tiếc xương chẳng gửi chiến trường,

Tang không nghi lễ Quân vương hào hùng,

Bây giờ chết giữa bão giông,

Cô đơn trần trụi nghìn trùng ai thương.

Một cơn sóng dữ vào thuyền,

Cột chèo rơi gảy, lái buồm nát tan.

Trong cơn biển dữ sóng tràn,

Uy Lĩnh vẫn bám ván thuyền nổi trôi,

Nào hay chưa dứt duyên đời,

Y Nơ Thần Nữ thương người phong ba.(Ino) 330

Biến thành chim hải âu qua,

Đậ́u bên nàng chợt hóa là tiên nương.

Bên chàng cứu nạn bão giông :

Khốn thay, Thần Biển Hải Long hại chàng.

Dâng bao bão tố sóng ngàn,

Nhưng sao giết được anh hùng nghĩa nhân.

Uy Lĩnh chàng hãy nghe rằng :

Sợ chi sóng gió hãi hùng biển xanh,

Bỏ áo quần để bơi nhanh,

Phan Xuyên (Phéaciens) hải đảo đã gần đến nơi, 340

Này khăn tiên hãy choàng vai,

Chở che lồng ngực, thân bơi chẳng chìm.

Khi chân chạm đến đất bằng,

Hãy quăng trả biển tấm khăn tiên này.

Dứt lời nàng biến đi ngay,

Sóng ngàn, hương biển chân mây chốn nào.

Chàng còn nghi ngại biết bao,

Bỗng cơn sóng cả ào ào tới nhanh.

Vật vờ lỉa mảnh ván thuyền,

Cởi nhanh quần áo, che choàng khăn tơ. 350

Phóng mình bơi sải hướng bờ,

Hải Long đắc ý làm ngơ cười rằng :

Cho mi trôi nổi truân chuyên,

Cười chăng, hay đã ăn năn sự tình.

Dứt lời sóng ngựa phi nhanh,

Về Âu Khê (Egée) chốn thủy cung mặc tình.

Quán Trí thần chốn Thiên Đình.

Dứt ngay giông bão, thổi làn gió thanh.

Đưa Uy Lĩnh lội bơi nhanh,

Hai ngày đêm thoát biển xanh sóng vần. 360

Lại vào ghềnh đá bạt ngàn,

Nhanh tay chàng lại bám ghềnh sóng xô.

Tìm nơi êm sóng vào bờ.

Tìm nơi trú ẩn bên hồ suối xanh.

Cây cao khuất núi gió lành,

Quỳ chân cảm tạ thần linh giúp người:

Tạ Thần Nữ xót thân tôi,

Cứu qua bão tố thoát đời gian truân.

Dòng sông sóng gợn thì thầm..

Bờ xanh nước ngọt bao quanh thân chàng. 370

Ngất ngây ngọt lịm môi tràn,

Thở làn gió mát dịu dàng đất xuân.

Cởi khăn tiên trả biển xanh,

Y  Nơ nhặt lấy vẩy làn sóng xa.

Rời chân hôn bãi bình sa.

Rưng rưng dòng lệ mắt nhoà rừng phong.

Ô liu đen nhánh trên cành,

Nhấp nhô bóng nắng qua mành lá xanh.

Nhặt rêu cỏ lót nệm nằm,

Đắp chăn lá biếc hương trầm rừng thông. 380

Đồi xa lam khói mong manh,

Bếp chiều lửa ấm bên đồng lúa xuân.

Mờ đôi mắt bóng thì thầm,

Quán Trí Tuệ khép mi xanh giấc nồng.

Mộng về cánh bướm chuyền chăn,

Thoáng mơ về giữa quê lành chân mây. 386


Kỳ tới

Thi ca Khúc II  Cuộc kỳ ngộ Uy Lĩnh và Công chúa Nam Chi Ca.(câu 387 đến 864)


CHÚ THÍCH

48. Tên Télémaque có nghĩa là : Trận chiến nhìn từ xa tôi dịch thành tênThế Viễn Mạc.

61. Poséidon Hải Long Vương Thần cai quản Biển Cả, có danh hiệu Thần Rung Chuyển Đất, em Thần Zeus vì Ulysse đâm mù Polyphène (Độc Ly Phong, Độc Nhãn) là con Poséidon  và tiên nữ Thoôsa, khổng lồ độc nhãn mạnh nhất trong các Cyclopes, nên thù hận Ulysse. Nên không muốn cho Ulysse trở về quê hương.

63. Zeus con Thần Cronos và Gaia. Thần Thời Gian và Đất Mẹ. Hy Lạp thường dùng  chữ Con Thần Cronos để chỉ Zeus tôi dùng Thần Tử để thay chỡ Con Thần

65. Athéné Quán Trí Tuệ, Thần Zeus bổ trán sinh ra là Thần Trí Tuệ khôn ngoan và chiến thắng có danh hiệu là Thần Mắt Cú Tinh Anh, dấu vết sự chuyển biến du nhập Thần Cú Vọ Ai Cập sang Hy Lạp.


72. Atlas là  Thần Nâng Đ̣ia Cầu. cha Calypso. Ta thường thấy trong điêu khắc Atlas nâng quả Địa Cầu.

110. Achéens : người Hy Lạp.

123 Schérie đảo dân Phéaciens (Phan Xuyên)

134. Tương truyền đảo Goyo nước Malte  Châu Âu, nơi đây có thạch động Calypso, tôi có viếng thăm nơi này năm 2001 và xúc động trước cảnh sắc   Thi Ca Khúc I, tôi không theo sát bản dịch mà tả cảm xúc cảnh trí theo thi hứng. Goyo đúng là cõi thiên đường trên trần thế, nhà nhà để cửa mở không cần khoá, xe mở cửa  để chìa khoá trên xe không có trộm cắp, người đối xử với nhau nồng nàng chân tình, tôi từng đi khắp hơn 30 nước trên địa cầu chưa thấy nơi nào hạnh phúc như nơi này.

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) nhìn nhận tình trạng “trẻ hóa” trong suy thoái “tư tưởng chính trị ” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang gây khó khăn cho công tác “xây dựng, chỉnh đốn đảng”...
Năm 2024 là năm bầu cử, một năm gay go thử thách, và đề tài yêu ghét dù muốn hay không muốn đã trở lại trên các trang báo, trong các buổi tranh luận trong gia đình, ngoài xã hội. Chúc bàn tiệc trong năm của quý vị rôm rả những câu chuyện, những cuộc đối thoại bổ ích hai chiều, những thay đổi tốt đẹp. Và xin cảm ơn quý thân hữu, thân chủ đã hỗ trợ, gắn bó cùng hành trình với Việt Báo trong hơn 31 năm qua. Sau cùng là lời tri ân đến các độc giả Việt Báo: chính quý vị, những người đọc khó tính là thành trì giúp Việt Báo trở thành một tờ báo uy tín, chuyên nghiệp.
Năm 2023 tiến vào những ngày cuối cùng, nó sẽ đi qua và không bao giờ trở lại. Lịch sử sẽ đi qua nhưng những việc làm của con người sẽ tồn tại với sự khôn ngoan và ngu ngốc của đa số. Cụm từ ‘con-người-đa-số’ chỉ định ý muốn chung của đa số người. Và ‘con-người-thiểu-số’ đành phải tuân theo. Trò sinh hoạt dân chủ luôn luôn là con dao hai lưỡi có hiệu quả tùy thuộc sở thích của con người đa số. Sở thích? Một thứ tạo ra tốt lành hoặc khổ nạn. Đúng ra là cả hai, nhưng có một trong hai sẽ lớn hơn, đôi khi, lớn gấp bội phần. Nếu khổ nạn quá lớn thì cuộc sống chung sẽ thay đổi, có khi lâm vào mức tồi tệ. Chẳng hạn như trường hợp nước Đức dưới thời Hitler. Ý muốn của con người đa số đam mê nồng nhiệt ý muốn của Hitler. Cho ông ta cơ hội dẫn đầu một quốc gia quyền lực, tạo ra hiệu quả cuộc chiến thế giới thứ hai. Hậu quả tàn khốc đó do ai? Hitler? Đúng một phần.
“Tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong Lực lượng vũ trang nhân dân là mối lo hàng đầu của đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Bằng chứng này đã được Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đưa ra tại Hội nghị Đảng ủy Công an ngày 20/12/2023 tại Hà Nội, và trong nội dung các bài viết trên báo chí chính thống của nhà nước liên quan đến Quân đội...
Người ta nên áp dụng đạo đức vào tài chính trị của Henry Kissinger như thế nào? Làm thế nào để người ta quân bình những thành tựu với những hành vi sai trái của Kissinger? Tôi đã vật lộn với những vấn đề đó từ khi Kissinger là giáo sư của tôi, và sau này là đồng nghiệp tại Đại học Harvard. Vào tháng Tư năm 2012, tôi đã giúp phỏng vấn ông trước một số lượng lớn cử toạ tại Harvard và hỏi liệu ông có làm điều gì khác đi trong thời gian làm ngoại trưởng cho các Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Gerald Ford không. Lúc đầu, ông nói không. Suy nghĩ lại, ông nói rằng ước mình là đã hoạt động tích cực hơn ở Trung Đông. Nhưng ông không đề cập đến Campuchia, Chile, Pakistan hay Việt Nam. Một người phản đối ở phía sau hội trường hét lên: "Tội phạm chiến tranh!"
Việt Nam có còn “độc lập” với Trung Quốc hay không sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước Tập Cận Bình là thắc mắc của người dân Việt Nam. Ông Tập có mặt ở Việt Nam từ 12 đến 13 tháng 12 năm 2023 và đạt được cam kết của Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng về “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc”.
Ngày nay, Chiến lược Phòng thủ Quốc gia của Hoa Kỳ – giống như chiến lược Chiến tranh Lạnh tạo chuẩn mực cho tư duy chiến lược trong những năm từ thập kỷ ‘50 đến ’80 – bị chi phối bởi một tác nhân đe dọa chính, đó là Trung Quốc. Điều này vừa cung cấp thông tin vừa tạo điều kiện cho tất cả các mối đe dọa lớn khác có thể xảy ra: Nga, Iran và Bắc Triều Tiên. Giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ hiện đang lâm vào một cuộc cạnh tranh với đối thủ duy nhất của mình, một cuộc cạnh tranh có khả năng bỏ rơi các thành tựu chính trị, kinh tế và công nghệ. Hoa Kỳ cũng đang ở trong một cuộc chạy đua vũ trang hiện đại, và trong một số trường hợp, chơi trò đuổi bắt và tranh đua để giành tình hữu nghị, gây ảnh hưởng lên các quốc gia khác trên thế giới.
Rồi vào ngày 12/12/2023, tức chỉ sau ba tháng, Việt Nam lại long trọng tiếp đón Chủ Tịch Tập Cận Bình và nói rằng hợp tác và hữu nghị với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược của Việt Nam...
Chỉ ba tháng sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp ngoại giao trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, người ta thấy Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới mới nhất tăng cường quan hệ với Việt Nam với chuyến thăm Hà Nội trong tuần này...
Chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã để lại nhiều hệ lụy cho nhân dân Việt Nam hơn bao giờ hết. Bằng chứng này được thể hiện trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 theo đó họ Tập thay quan điểm “cộng đồng chung vận mệnh” bằng “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho hai nước...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.