Hôm nay,  

Con Ngựa Già Và Chàng Nghệ Sĩ

21/06/201900:00:00(Xem: 2922)
Năm 1957 tôi còn là một học sinh lớp 10 ( lớp đệ tam ) tại trường Trung Học Chu Văn An Sài Gòn. Đó là thời kỳ thanh bình của Miền Nam Việt Nam mà giới văn nghệ sĩ, trí thức được hưởng quyền tự do sáng tác, trong khi ở Miền Bắc đang sôi động về Vụ Án Nhân Văn Giai Phẩm mà kết quả là những thành viên bị chế độ chuyên chế tù đày trù dập kéo dài đến 30 năm ( Xem : Vụ  Nhân Văn Giai Phẩm Từ Góc Nhìn Của Đại Tá Công An—Tác giả : Thái Kế Toại- Bút Hiệu Lê Hoài Nguyên—Trang Web nguyentrongtao--2011 )

Lớp đệ tam B2 nằm ở lầu hai ngay cầu thang. Cứ mỗi lần kẻng báo hiệu giờ học thì cả Thầy lẫn trò đều cùng từ dưới nhà leo cầu thang lên lầu. Một tuần hai ba lần tôi bước sau Thầy Vũ Khắc Khoan ( 1917-1986 ), dáng người thấp nhưng vạm vỡ, khuôn mặt như tượng đồng, mái tóc hơi gợn sóng. Thầy không dậy lớp tôi, nhưng tôi đóan Thầy chẳng bao giờ cười. Nhiều bạn học Thầy môn Sử Việt cho biêt cả một năm Thầy chỉ dậy về Hòa ước 1884 mà vẫn chưa hết.  Cứ mỗi lần đi sau Thầy trên cầu thang, tôi lại nghĩ “ đây là ông Thần Tháp Rùa, đây là người đợi Giao Thừa”. Hồi còn ở Hà Nội trước 1954 Bố tôi thường mua nguyệt san Phổ Thông trong đó tôi được đọc Kịch Giao Thừa , Thằng Cuội Ngồi Gốc Cây Đa của Thầy Vũ Khắc Khoan. Hồi đó mới học đệ thất ( lớp 6), tất nhiên đọc mà chẳng hiểu gì nhưng ký ức về nhà viết kịch đã hằn sâu trong tâm khảm. Đến năm 1958-1959 lên đệ nhất  ( lớp 12 ) trí óc trưởng thành đôi chút, đã tìm đọc  Thần Tháp Rùa ( xuất bản 1957 ), Vụ Án Nhân Văn Giai Phẩm do Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa ( xuất bản 1959 tại Sài Gòn ) dưới tựa đề “Trăm Hoa đua nở trên dất Bắc”—tác  giả Hoàng Văn Chí

Trong tập truyện Thần Tháp Rùa có truyện Trương Chi, trong     “Trăm Hoa” có truyện “ Con Ngựa Già của Chúa Trịnh” tác giả Phùng Cung ( 1928-1998 ). Quả thật hồi đó tôi chỉ lờ mờ thấy hình như hai truyện này có một điểm nào đó giống nhau mà không thể nào nêu ra được. Hai tác giả sống ở hai miền dưới hai chế độ tương khắc tương tranh, cả hai không quen biết nhau mà sao tư tưởng gặp nhau.

Từ đó về sau, cứ mỗi lần nhớ đến Thầy Khoan là tôi liên tưởng ngay đến Phùng Cung nhưng vẫn chưa làm sáng tỏ được sự giống nhau về tư tưởng cho đến khi sau 1975 thì mọi sự bừng sáng.

Tác giả Phùng Cung kể một câu chuyện từ thời chúa Trịnh. Một người buôn ngựa tên là lão Nông ở làng Phương Lộ dưới chân núi Tản Viên ( núi Ba Vì thuộc trấn Sơn Tây ), hẻo lánh xa kinh kỳ. Lão Nông tậu được một con ngựa quí thắng mọi trận đua trong vùng. Vì lông nó trắng như bông nên lão đặt tên nó là Kim Bông. Thời đó Chúa Trịnh đang thành lập một đội kỵ binh hùng hậu, nghe tiềng đồn con Kim Bông là tuấn mã, bèn cho Mã quan về trưng dụng. Từ khi về phủ Chúa, con Kim Bông không còn phải ăn cỏ núi, uống nươc suối, mà được ăn thóc thượng hạng trộn mật ngọt bùi, nhai những bó lá trúc thơm sậm sựt. Nó được lính hầu tắm , chải lông mượt mà, được khoác những bộ dây cương sang trọng, và được ……đóng hai miếng sắt to hai bên mắt khiến nó chỉ nhìn thấy một phiá. Bây giờ nó không còn được chạy đua trên đấu trường nữa mà được gông cổ vào hai càng xe để kéo xe cho Chúa. Nó vẫn nghĩ tài năng nó còn hùng  dũng như xưa, nhưng kéo xe hầu Chúa lâu ngày khiến nó đã cùn nhụt mọi sức lực và tài nghệ đến độ nó gục ngã sớm trong một cuộc đua.

Tác giả Thụy Khuê trong sách “Nhân Văn Giai Phẩm và Vần Đề Nguyễn Ái Quốc “ ( nhà xuất bản Tiếng  Quê Hương- Virginia USA--2012—trang 404) có nhận định như sau: “Kim Bông tượng trưng cho những tài năng lớn, khi đã mũ ni che tai, quỳ gối, úp mặt, phục vụ thế quyền để tìm bổng lộc, đều trở thành những con ngựa già, vô dụng. Kim Bông là “nhân vật” đầu tiên từ “ thần mã” xuống “chó” mà Phùng Cung mô tả”. Những tác phẩm sau đó  về thơ và truyện ngắn đã xác định vị thế ông là nhà văn lớn của dân tộc Việt.

Trong truyện Trương Chi, tác giả Vũ Khắc Khoan cũng kể một câu chuyện dân gian cổ xưa. Trương Chi được tác giả mô tả là một chàng trai tuấn tú, có thiên khiếu  ca hát, lại được thụ giáo một vị thầy âm nhạc nên lời ca chàng sáng tạo sâu xa mà giọng ca lại phong phú quyến rũ mê hoặc. Một ngày trên đường phiêu lãng, chàng ghé qua một quán rượu ven sông . Chàng ngạc nhiên thấy chủ quán chỉ dọn rượu mà không đồ nhắm, thịt bò thịt gà thịt heo đã không có mà ngay cả cá cũng không. Chủ quán buồn rầu cho biết đó là lệnh của vị trưởng giả họ Trần trong vùng. Tổ tiên vị trưởng giả này có công lớn với triều đình nên con cháu được hưởng lộc thâu thuế trên khúc sông này. Con gái của ông tên Mỵ Nương mê ca hát, được một ả đào ngày đêm hát cho nghe. Chẳng may ả này , vì ỷ thế trưởng giả nhảy xuống thuyền của một bạn chài đánh người , xảy chân chết đuối. Mỵ nương không có ai ca hát cho nghe nên sinh bệnh. Trưởng giả họ Trần nổi giận trừng phạt phường chài không được đánh cá khiên cho  dân chài cả vùng khốn đốn. Trương Chi nghe kể bất bình, trong lòng nổi tình cảm thương xót dân nghèo yếu thế, bèn cất tiếng hát hào sảng thống thiết khiến phường chài mừng rỡ, mang Trương Chi đến nhà trưởng giả thay thế ả đào hát cho Mỵ Nương nghe và nhờ vậy Trần trưởng giả lại cho phép phường chài đánh cá như xưa.  Trần trưởng giả bắt Trương Chi ngồi trong một phòng riêng che kín để giữ gia phong nghiêm ngặt. Chỉ sau hai ngày nghe chàng hát, Mỵ Nương đã say mê muốn được cùng chàng kết duyên phu phụ. Trưởng giả bàn với phường chài làm thế nào cho Trương Chi vẫn hát mà khiến cho tiểu thư ghê sợ. Thế là phường chài bèn bắt chàng che mặt, nói dối tiểu thư là chàng mắc bệnh phong hủi. Nhưng tại sao chàng nghệ sĩ tài hoa kia lại chịu mang tiếng nhục nhã như vậy ? Chính vì chính chàng một lần qua kẽ vải che đã thấy mặt tiểu thư đẹp tuyệt trần sinh lòng si mê nên phải ép lòng làm tôi mọi cho phường chài. Phường chài dùng chàng như một công cụ cho sinh kế của họ.

Nhưng dần dần lời ca, giọng hát của chàng càng ngày càng tệ. Y tưởng, lời ca hình như càng lúc càng hạ thấp xuống cùng hàng thuyền chài với những đợt cá hàng ngày, những ngôn ngữ chợ búa. Rồi một đêm chàng thức giấc giữa khuya thấy mình mẩy khác thường, đau đớn như sắp lột xác. Chàng lê cái thân đau ra bờ sông soi mặt trong giòng nước. Dưới ánh trăng vằng vặc chàng bỗng kinh  hoàng thấy một khuôn mặt cục cằn, trán thấp, mũi tẹt, răng hô, đôi vai thô kệch của một bạn chài suốt đời chỉ thấy cá và cá. Trương Chi ôm mặt khóc nức nở. Chàng đã đánh mất cả tâm hồn lẫn thể xác cho một tình yêu vô vọng. Chàng lặng lẽ bỏ đi mất tăm mất tích.

Cũng như con ngựa già của chúa Trịnh, Trương Chi đã mang thân và tâm mình làm công cụ cho một phường chài mà kết cuộc thê thảm là đã làm mất hết tài năng sáng tạo.

Năm 1986, nghe tin Thầy Khoan mất ở tiểu bang Minnesota, tôi mừng cho Thầy đã ra đi với thân tâm an lạc, vì Thầy không phải vướng vào cái nghiệp con ngựa già và chàng Trương Chi. Trong khi đó tác giả Phùng Cung bị kết án 12 năm tù trong đó 11 năm biệt giam từ  1961 đến 1972 vì tội làm văn nghệ không theo đường lối của chế độ Staliniste-Maoiste. Khi ra tù ông phải “sống bằng nghề thợ đinh, vẫn âm thầm sáng tác, vẫn bị công an đến thăm dò và kiểm soát “ (  Thụy Khuê—sđd—trang 380 ).

Tác giả Phùng Cung không phải chỉ phê bình một số mẫu người có thực, mà phê bình cả một ý hệ Mác –xít mà sự thí nghiệm mù quáng vào xã hội Việt Nam đã đưa đến sự tàn phá tình người nói chung, hồn dân tộc nói riêng, giềng mối đạo đức truyền thống , và gây ảnh hưởng xấu trên những thế hệ tương lai.

Nhà văn Lê Hoài Nguyên nhận định như sau: “Việc đấu tranh đã tạo nhiều bi hài kịch cho các trí thức văn nghệ sỹ, tạo ra những vết thương đau đớn giữa thầy và trò, giữa những người bạn thân cùng chiến đấu trong một chiến hào ngày hôm qua, giữa vợ chồng, cha con, anh  em, giữa con cháu với chú bác ruột—

Vết thương ấy kéo dài suốt ba mươi năm, cá biệt còn tới ngày nay” (tài liệu đã dẫn trên).

Nhà văn Lê Hoài Nguyên, tên thật là Thái Kế Toại, nguyên là đại tá công an của chế độ cộng sản Việt Nam từng công tác tại tổ  A 25 chuyên theo giõi văn nghệ sỹ và văn hóa. Chắc hẳn ông đã nghiên cứu kỹ nhiều tài liệu quý hiếm và có những nhận định nghiêm túc theo nghĩa có tinh thần khoa học khách quan mà không chiều theo lỏng cuồng tín.

Hai nhà văn Phùng Cung và Vũ Khắc Khoan đều đã qua đời, nhưng tác phẩm của hai ông vẫn là chứng nhân cho một thời kỳ đen tối của lịch sử dân tộc mà thế hệ trẻ sau này không thể nào hình dung ra được.

Đào Ngọc Phong

Westminter, CA ngày 19 tháng 6 năm 2019

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Kỹ sư Đỗ Nam Hải, thành viên ban đại diện lâm thời Khối 8406, ngay từ 8g sáng ngày 16-12
Cách đây không lâu tôi có viết một bài đăng trên báo Việt ngữ tựa đề “cần tìm hiểu thêm về đạo Hồi-Giáo” do bởi có đa số người Việt đã quá hiểu lầm về Hồi giáo
Lịch sử mấy nghìn năm dân Việt chống Bắc thuộc, đánh giặc Tàu, ngăn chận ý đồ bành trướng của Đại Hán kể như chấm dứt vào cái ngày định mệnh và ô nhục
Trong khi binh sĩ thuộc Đại Đội Charger đang diễn tập cho một công tác khác tại căn cứ của họ gần Iskanditiyah, phía nam Thủ Đô Baghdad
Gần 800 năm trước đây, khi đất nước Việt Nam bị quân Nguyên Mông xâm lược, vua tôi nhà Trần đã có hội nghị Diên Hồng lịch sử để nói lên quyết định đồng tâm nhất
Tôi là một trong những người đã tham gia cuộc biểu tình ngày 9/12/2007 trước Đại sứ quán Trung Quốc, phản đối chính quyền Trung Quốc
Giờ phút này đây, tại quê nhà yêu quý, đồng bào quốc nội đang sục sôi biểu tình trước tòa đại sứ và tòa lãnh sự Trung Quốc ở hai đầu tổ quốc
Đối với người Việt Nam, Trung Quốc là chuyện dài bất tận, bắt đầu ngay từ thời tổ tiên chúng ta lập quốc, và có lẽ không khi nào chấm dứt
Một sự kiện hy hữu vừa xảy ra tại Hà Nội & Sài gòn! Tại sao hy hữu" Vì từ khi lên nắm quyền bính đến nay, mới thấy nhà nước độc tài Việt gian Hà Nội
Sau hơn 20 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã vươn lên trở thành một cường quốc của thế giới. Hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc đứng thứ 4 thế giới
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.