Hôm nay,  

Bích Liên - Người Cầu Toàn Đối Với Âm Nhạc Phạm Duy

20/06/201900:00:00(Xem: 8671)
CD Nhac Pham Duy Hat Vao Doi
Bìa CD Phạm Duy Hát Vào Đời

Phải đến một tháng sau khi được chị Bích Liên tặng CD Phạm Duy Hát Vào Đời do chị thực hiện, tôi mới có dịp ngồi nghe. Trong một chiều Chủ Nhật hoàn toàn thư thả, sau gần một tháng tiếp khách khứa từ phương xa, chạy theo tin tức thời sự nóng hổi, toan tính chuyện sửa nhà… tôi quyết định “xả sú bắp” bằng cách chỉ nghe nhạc mà không làm thêm một việc nào khác. Không nghe nhạc khi lái xe. Không nghe nhạc trong lúc gõ bàn phím. Ở xứ Mỹ xấp ngửa này, thỉnh thoảng mình phải biết dừng lại. Bằng âm nhạc, và phải là thứ nhạc thực sự mình yêu quý.

Khi đặt CD vào máy nghe, một điểm thú vị mà tôi nhận ra đầu tiên: trên trang bìa của CD không có hình của ca sĩ. Dòng chữ “tiếng hát Bích Liên” thật khiêm cung bên dưới chân dung người nhạc sĩ.

Và rồi tôi bắt đầu thả hồn vào dòng âm nhạc. Nghe chị Bích Liên trong CD Hát Vào Đời, tôi có một cảm giác thỏa mãn thật trọn vẹn với âm nhạc. Cái cảm giác tràn đầy không phải lúc nào cũng có được, cho dù tôi vẫn nghe nhạc gần như mỗi ngày. Nó làm cho tôi nhớ lại một cảm giác mà tôi đã trải nghiệm cách đây đã gần 30 năm. Hồi đó, tôi còn ở Việt Nam, trong thời điểm mà nhạc hải ngoại bị cấm, chỉ được nghe chui. Vào dịp gần Tết, tôi có được cái CD “Phạm Duy Hát Cho Năm 2000” do một người bạn gởi lén về. Đó là món quà Tết quí giá nhất mà tôi có được vào thời điểm đó. Đêm giao thừa, sau khi gia đình đã cúng kiếng, đón năm mới rồi đi ngủ sau nửa khuya, tôi thức một mình cho đến gần ba giờ sáng. Trong căn phòng khách đầy hoa, không gian tràn đầy hương vị của mùa xuân, tôi ngồi thưởng thức từng bài hát trong CD. Nghe từng nốt nhạc, nghe từng lời hát của Duy Quang, Thái Hiền, nghiền ngẫm từng câu hòa âm của Duy Cường. Tôi cảm thấy niềm hạnh phúc vì thưởng ngoạn âm nhạc dâng lên đến diệu kỳ.

Chị Bích Liên được biết đến trong cộng đồng với nhiều khía cạnh khác nhau. Một cô bạn sang Mỹ từ thập niên 80 học ở đại học UCI cho biết chị Bích Liên trong trường học giỏi có tiếng. Cộng đồng quí trọng chị vì là một bác sĩ chuyên khoa ung thư tận tụy, và là người sáng lập ra Hội Ung Thư VIệt Mỹ, giúp đỡ biết bao bệnh nhân ung thư ở Quận Cam. Chị còn được biết đến như là một người yêu âm nhạc, là một giọng hát kỳ cựu của ca đoàn Ngàn Khơi, và xuất hiện nhiều trong những chương trình nhạc thính phòng của Việt Báo.

Đối với tôi, chị Bích Liên là một “fan thứ thiệt” của nhạc Phạm Duy. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của nhóm “fan Phạm Duy” chúng tôi là hồi bác Phạm Duy mất lúc gần Tết năm 2013. chị Bích Liên và cô bạn nhỏ HB lúc đó đã quay quắt là “mình phải làm một cái gì đó, không thể không làm gì được…”. Mấy chị em đã gặp nhau tức tốc, quyết định làm một đêm nhạc để tưởng niệm Phạm Duy tại hội trường Việt Báo. Mấy chị em cùng chọn bài, gọi phone cho từng nhạc sĩ, từng ca sĩ yêu mến Phạm Duy sẵn sàng tham gia chương trình tự nguyện. Chỉ trong vòng chưa đến một tuần, đêm nhạc đã hình thành. Với thành phần nhạc sĩ, ca sĩ, khán giả đều là fan của Phạm Duy. Gần như không có thì giờ để tập dợt, nhưng nhiều người tham dự vẫn cho rằng đó là một trong những đêm nhạc Phạm Duy thành công và cảm động nhất. Hình như mọi người đều đàn, hát, nghe với cả trái tim, tấm lòng. Đến bây giờ, chị Bích Liên và nhóm tổ chức vẫn còn tiếc vì không có thu hình làm kỷ niệm, vì thời gian chuẩn bị quá cấp bách.

Sau đó, chị Bích Liên và nhóm thân hữu Việt Báo vẫn tiếp tục có nhiều chương trình nhạc với chủ đề nhạc Phạm Duy. Mà không chỉ hát Phạm Duy trên sân khấu. Chúng tôi còn hát nhạc Phạm Duy ở nhà, trong vòng thân hữu. Hát ở nhà có cái thú là mọi người vừa hát, vừa tha hồ nói cảm xúc riêng của mình về từng bản nhạc Phạm Duy. Cảm xúc có khi còn nhiều hơn hát trên sân khấu.

Mà nghĩ cũng lạ. Tôi có một nhóm bạn, hồi ở Việt Nam từ đầu thập niên 1980s  đã hát nhạc Phạm Duy trong những đêm “văn nghệ chui bỏ túi” ở Sài Gòn. Những “đêm nhạc Phạm Duy” trong vòng thân hữu như vậy diễn ra ngẫu hứng, bất chợt trong suốt gần 40 năm. Vẫn những gương mặt đó, những giọng hát đó, tiếng đàn đó. Vẫn những bài hát Phạm Duy đó. Vậy mà mỗi đêm nhạc của chúng tôi vẫn có sức hút, vẫn mới mẻ, vẫn đầy đam mê. Hình như nhạc Phạm Duy không có tuổi. Và người hát, người nghe nhạc Phạm Duy vẫn luôn tìm được những điều mới lạ cho riêng mình. Trong một ngày khác nhau, chúng tôi có những tâm sự khác nhau, cho nên lại cảm nhận nhạc Phạm Duy theo một góc nhìn mới. Khi một ca khúc đã sáng tác xong, các nốt nhạc và lời ca đã cố định. Nhưng sự tưởng tượng, suy diễn dành cho người đàn, người hát, người nghe là vô tận.

Trở lại với CD Phạm Duy Hát Vào Đời. Bạn bè đều biết chị Bích Liên là một người cầu toàn, từ trong lĩnh vực chuyên môn y khoa đến niềm đam mê âm nhạc. Có một lần chị đã nói với tôi rằng hát nhạc Phạm Duy  “toàn bích” giống như Thái Thanh là một điều không tưởng. Mà chị cũng chẳng muốn làm điều này. Chị yêu mến, hiểu nhạc Phạm Duy theo cách riêng của mình, và muốn diễn đạt nó bằng tâm tình và giọng hát của chính mình.

Ai cũng biết trình diễn nhạc Phạm Duy “live” trên sân khấu, muốn diễn tả cho đúng ý mình là rất khó. Nhưng điều này lại có thể thực hiện được trong phòng thâu. Kỹ thuật thu âm ngày này đã tiến bộ rất xa, có thể hỗ trợ nhiều cho những người “cầu toàn trong âm nhạc” như chị Bích Liên.

Chị Bích Liên cho biết chị đã hoàn thành 10 bài hát trong CD Phạm Duy Hát Vào Đời trong vòng gần 2 năm. Tôi tưởng tượng ra rằng, trong suốt thời gian đó, chị đã nghiền ngẫm ý nghĩa của từng bài, chọn cách diễn đạt cảm xúc cho từng câu hát, thử cách ngân nga cho từng nốt nhạc, phát âm từng lời ca sao cho phù hợp nhất. Mỗi bài có lẽ chị phải thâu đi thâu lại đến hàng chục lần mới vừa ý. Đành rằng kỹ thuật phòng thâu sẽ giúp cho chị hoàn thiện bài hát theo đúng ý mình. Nhưng nếu không có niềm đam mê âm nhạc, không có tinh thần “tri kỷ” đối với các ca khúc Phạm Duy, sẽ rất khó cho một người không phải là ca sĩ chuyên nghiệp có thể thực hiện được “sự cầu toàn” này.

Và niềm đam mê của chị Bích Liên đã thành công. Ít nhất là đối với những “fan Phạm Duy” như tôi. Tôi đã nghe CD hết một mạch với một tinh thần “tri kỷ”. Tôi nghe Phạm Duy Hát Vào Đời với niềm hạnh phúc, vì vẫn tìm được cái đẹp mới mẻ trong những bài hát mà mình đã nghe đi nghe lại hàng trăm lần, qua những version cũ từ trước 1975 cho đến sau này thu âm tại hải ngoại. Phần hòa âm của CD thật đẹp, đầy đặn. Giọng hát của chị Bích Liên trong CD diễn đạt ca khúc Phạm Duy theo đúng với những cảm xúc mà chị đã từng mô tả với bạn bè. Phần mix âm thanh khéo léo, khiến cả nhạc đệm và giọng hát kết hợp với nhau một cách hoàn hảo. Càng nghe, tôi càng cảm phục chị Bích Liên. Chỉ với kỹ thuật hát, hay chỉ với niềm đam mê âm nhạc đơn thuần thôi chưa đủ. Phải có một mức độ thẩm âm cao, và tình “tri kỷ” đối với từng ca khúc của Phạm Duy thì mới có thể thực hiện những bài hát này theo cách riêng của mình gần đến sự toàn hảo đến thế.

Mười ca khúc chị chọn để hát trong CD cũng là hầu hết những ca khúc Phạm Duy mà nhóm “fan Phạm Duy” chúng tôi yêu thích nhất. Trong ngàn lời ca của Phạm Duy, chỉ chọn ra 10 bài ưng ý nhất để hát trong 1 CD là một sự lựa chọn khó. Hình như, những ca khúc chị Bích Liên chọn nói đến thân phận của người Việt Nam trong đất nước, xã hội Việt Nam trước 1975. Và rộng hơn, đó là thân phận chung của loài người trong qui luật sinh tử tuần hoàn của toàn vũ trụ.

Hát Vào Đời Là Vậy. Tôi đoán rằng chị Bích Liên chọn ca khúc Một Bàn Tay để mở đầu, và Xuân Hành để kết thúc cũng vì chủ đề này. Cũng chỉ với một bàn tay, một đứa trẻ sơ sinh được đón vào đời. Rồi bàn tay trong tay người yêu của thời xuân sắc. Để sau cùng, một bàn tay khép mắt người quá cố, tiễn đưa một kiếp người về với cõi hư vô.

Xuân Hành là một trong những ca khúc tuyệt diệu nhất của Phạm Duy trong chủ đề thân phận con người, nhưng ít được phổ biến. Có lẽ chị Bích Liên cảm nhận ca khúc này sâu sắc lắm, cho nên trong CD chị đã hát Xuân Hành thật khoan thai, thênh thang, sâu thẳm. Hành trình tử sinh “từ hư vô qua hư vô” là không thể tránh khỏi. Và vô thường. Chỉ trong khoảnh khắc, một kiếp người đã trở thành “một vị thần hay lũ ma lẻ loi”. Thế nhưng, mỗi người trong chúng ta đều có thể tự chọn cho mình cách đi riêng của mình trong kiếp lữ hành đó. Và Phạm Duy đã chọn cho mình một con đường đầy nhân ái:

…Người là TA, đường nhân ái còn đi mãi mãi

Hết bước xuân, TA gọi nhau về với NGƯỜI…

Nghe CD Phạm Duy Hát Vào Đời xong, tôi đã lấy thêm một vài CD nữa, để gởi về Việt Nam tặng cho những “fan Phạm Duy”, những “tri kỷ âm nhạc” của tôi còn ở trong nước. Tôi muốn nhắn nhủ với bạn mình rằng: tình yêu dành cho ca khúc Phạm Duy của người Việt Nam là không có biên giới về không gian, thời gian. Và sự đam mê âm nhạc đích thực có thể tạo ra những cái đẹp thật diệu kỳ, cho dù mình không phải là giới nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Trong cuộc sống thường nhật, tôi vẫn đang cố hướng về mục tiêu vượt thoát vòng tử sinh.  Nhưng khi nghe CD Phạm Duy Hát Vào Đời của chị Bích Liên, tôi chợt thoáng nghĩ: nếu có một niềm đam mê nào đó kéo tôi trở lại với kiếp người, thì đó có lẽ là niềm đam mê âm nhạc.

Cảm ơn ca khúc Phạm Duy. Cảm ơn chị Bích Liên với tấm lòng “tri kỷ âm nhạc”, vì hành trình đi tìm sự toàn bích đối với nhạc Phạm Duy của chị …

Doãn Hưng
(CD có phát hành tại Việt Báo - 714-894-2500)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
Sau 11 năm chống Tham nhũng (2013-2024) nhưng Tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao?
Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề Chủ nghĩa Xã hội và đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận. Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi: Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ Dân chủ đến thế?
Cận Tết năm Thìn, Marianne Brown (Guardian Weekly) có bài “Vietnam’s parents want a dragon son.” Trời! Tưởng gì, chớ cả Tầu lẫn Ta ai mà không muốn có con trai tuổi Rồng. Nhâm Thìn, tất nhiên, lại càng bảnh dữ nữa. Nam nhâm nữ quí thì sang mà lị. Theo tuviso.com: “Tuổi Nhâm Thìn có nhiều hy vọng tốt đẹp về vấn đề tình duyên và tương lai về cuộc sống, có phần tốt đẹp về tình cảm và tài lộc, vào trung vận và hậu vận thì được nhiều tốt đẹp về hạnh phúc, công danh có phần lên cao.”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.