Hôm nay,  

Việt Học Mạn Đàm Văn Chương: Truyện Thơ Thạch Sanh Lý Thông

27/05/201922:04:00(Xem: 5602)

Việt Học Mạn Đàm Văn Chương:

Truyện Thơ Thạch Sanh Lý Thông

 

 blank

GS Nguyễn Văn Sâm, trái, đứng  ký tên vào sách.
 

WESTMINSTER (PTH/VB) -- Chương-trình Mạn-đàm Văn-chương chủ đề "Truyện Thạch Sanh Lý Thông: Một Cách Nhìn Khác" đã được tổ chức sôi nổi tại trụ sở Viện Việt-Học vào Chủ-nhật, ngày 26 tháng Năm, 2019.
 

Buổi mạn đàm văn chương khởi sự bằng lời nói đầu của Soeur Trần Nữ, một cựu sinh viên Đại Học Văn Khoa Sài Gòn trước 1975, kể về các cảm xúc từ ngày đầu học văn chương, được Giáo sư Nguyễn Văn Sâm hỏi thăm, ân cần hướng dẫn và rồi bẵng đi nhiều thập niên đất nước sóng gió, nay gặp lại được vẫn nhìn thấy nơi Giáo sư Nguyễn Văn Sâm tấm lòng nhiệt tình với văn học Nam Bộ, với việc sưu tầm và phiên dịch kho tàng văn học chữ Nôm, và vẫn ân cần  với học trò văn học.

Trong cuộc mạn đàm, xoay quanh vấn đề chính là tác phẩm “Thơ Nôm Miền Nam: Thạch Sanh Lý Thông” do Giáo sư Nguyễn Văn Sâm phiên âm từ chữ Nôm và giới thiệu. Môt câu hỏi nêu lên để thảo luận: có phải hang động trong truyền thuyết Thạch Sanh cứu công chúa là ở tỉnh Cao Bằng, hay ở tỉnh Hà Tiên? Hay duyên khởi từ truyện truyền khẩu rằng nguyên quán Thạch Sanh ở huyện Cao Bình, tinh Cao Bằng, nhưng tài sáng tạo của hai tác giả khi chuyển từ văn truyền khẩu sang thơ Nôm trong thể văn lục bát đã cho dọn nguyên quán họ Thạch về quận Nam Giang (không ghi tỉnh)?

 
blank

Soeur Trần Nữ, một cựu sinh viên Đại Học Văn Khoa Sài Gòn trước 1975, kể về GS Nguyễn Văn Sâm đã ân cần hướng dẫn các sinh viên vào nghiên cứu văn học.

 

Giáo sư Nam Sơn Trần Văn Chi nói rằng có thể truyện truyền khẩu từ phía Bắc đã được Nam Bộ hóa bởi hai tác giả -- Dương Minh Đức (người soạn), Duy Minh Thị (người đính chánh). Hai người này chọn bút danh có chữ Minh là để minh bạch nói lên gốc Minh Hương, những người Trung Hoa chạy sang Việt Nam tỵ nạn trong phong trào Phản Thanh Phục Minh (chống lại nhà Thanh, hồi phục nhà Minh) và rồi văn hóa, phong tục của họ đã hòa lẫn tự nhiên vào ngôn ngữ người Miền Nam, góp phần hình thành tác phẩm Thạch  Sanh Lý Thông.

GS Trần Văn Chi nói rằng Miền Bắc VN xưa cổ không có họ Thạch, trong khi Vua Minh Mạng chỉ mới phong họ Thạch cho người sắc tộc. Do vậy, theo sử, và thực tế bây giờ thì đa số người mang họ Thạch là dân Khmer Miền Tây Việt Nam (tức, Nam Bộ, hay lục tỉnh).

GS Trần Văn Chi cũng nói rằng tác giả là người Minh Hương, liên hệ với Trung Hoa còn nhiều, nên sau khi sáng tác đã đưa sách (bản chữ Nôm) sang Trung Hoa in. Cũng có thể người ký tên Minh Đức là tác giả của truyện Phạm Công Cúc Hoa…

 
blank

Từ trái: GS Trần Văn Chi, GS Nguyễn Trung Quân

 

GS Trần Văn Chi cũng nói rằng hình ảnh phản diện Chằn Tinh không gần với văn hóa Việt Nam… trong khi các nhân vật phản diện trong các truyện Phạm Công Cúc Hoa, Tấm Cám trông hiền lành hơn, gần đời thường hơn. Đặc biệt, giáo sư họ Trần nói rằng hình ảnh Chằn có thể là hóa thân từ ông Ác đứng gác các chùa Khmer, song song với ông Thiện. Bởi vì hình ảnh chằn tinh lưỡi đỏ, răng nanhtruyền thống là bảo vệ chùa, bảo vệ Phật tử, sao lại bién thành Chằn tinh trong truyện Thạch Sanh Lý Thông? Giáo sư cũng nói rằng phong tục tế sinh không có trong Phật giáo, do vậy không có gì chắc chắn để tin rằng 18 đạo binh từ 18 quốc gia mang ý nghĩa Phật giáo như nhà văn Phan Tấn Hải đã trình bày.

GS Trần Văn Chi cũng nói rằng Giáo sư Nguyễn Văn Sâm nói rằng trong truyện mang nỗi sợ trước thiên nhiên của người di dân từ Miền Bắc và Miền Trung khi vào khai hoang ở Miền Nam có thể đúng một phần, nhưng từ nỗi sợ không chắc đã biến ra văn chương được, trong khi toàn bộ truyện thơ Thạch Sanh Lý Thông là bài học đạo đức, cái thiện liên tục bị cái ác đàn áp nhưng tận cùng thiện sẽ thắng ác, và cốt truyện đã chạm vào cảm xúc người dân, để lại câu nói dân gian: “Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều.”

Giáo sư Nguyễn Trung Quân cũng nêu lên nhận định: truyện truyền khẩu Thạch Sanh Lý Thông phần chắc là xuất xứ từ Miền Nam, vì kho tàng văn học bình dân – bao gồm cả văn học truyền khẩu -- được ưa chuộng đặc biệt tại Miền Nam, trong khi văn chương bác học được dân Miền Bắc ưa chuộng hơn. Nhưng nói văn chương bình dân không có nghĩa gì thấp kém, vì thực ra đó là tinh hoa d6an tộc trải qua nhiều đời – thí dụ, Khổng Tử soạn ra Tứ Thư và Ngũ Kinh, thì Kinh Thi đứng đầu Ngũ Kinh, mà Kinh Thi là ca dao, là dân ca của người dân Trung Hoa, là kho tàng văn học truyền khẩu trước khi kết tập.

Giáo sư Nguyễn Trung Quân kể chuyện xưa ở Cần Thơ, nói rằng vài tháng nữa là bản thân được 82 tuổi, nguyên sanh ở Cần Thơ, có nhiều kỷ niệm với chợ Cần Thơ, nơi các chị bán sạp chợ bên các rổ mít, ổi, trái cây là có một rổ đựng sách truyện thơ như Phạm Công Cúc Hoa, Thơ Sáu Trọng, Thạch Sanh Lý Thông… Lúc đó, các học sinh đi ngang chợ, sà tới ngồi bên rổ sách, mở ra đọc thoải mái rồi đứng dậy đi cũng không bị các chị bán sạp chợ la rầy. Nhờ có các thư viện nhỏ bên chợ như thế, nhiều học sinh (trong đó có Giáo sư Nguyễn Trung Quân) có một vốn văn học truyện thơ  rất quý giá, tạo thành nếp tư duy về sau.

Giáo sư Nguyễn Trung Quân nói rằng mở đầu truyện thơ Thạch Sanh Lý Thông là những hình ảnh ưa làm phước rất Nam Bộ của Thạch Ông (đắp đường) và Thạch Bà (lu nước uống đặt trước cửa cho khách đi đường, và bố thí người đói):

Vợ thời thí nước bằng nay

Chồng đắp đường rày tác phước thiện duyên

Lỡ đường, nhịn miệng cho ăn

Ít nhiều bố thí độ người bần nhơn.

(Truyện Thơ Thạch Sanh Lý Thông, trang 25. Bản phiên âm của GS Nguyễn Văn Sâm).
 

Đó là hình ảnh quen thuộc ở Miền Nam.  Kế tiếp là hình ảnh ông Ngọc Hoàng y hệt như ông xã trưởng: thấy 2 ông bà Thạch làm phước mà không con nối dõi, nên gọi Vương Mẫu, Bắc Đẩu, Nam Tào vào chất vấn vì sao như thế. Khi các quan trời này nói trong sổ bộ, ông bà Thạch sẽ không có con. Thế là Ngọc Hoàng ra lệnh, bảo Thái Tử xuống trần làm con nhà họ Thạch. Thế nhưng Thạch Bà mang bầu 3 năm, dân Miền Nam gọi thế là chửa trâu. Tác phong Ngọc Hoàng là đúng kiểu dân Miền Nam, dễ dàng cảm động thương người.
 

GS Nguyễn Trung Quân cũng nói lên ý hai tác giả Dương Minh Đức và Duy Minh Thị đúng là dân Minh Hương, từ phong trào phản Thanh phục Minh đã được dân Miền Nam đón nhận tử tế và hội nhập trở thành dân Minh Hương, y hệt như dân Mỹ đón người Việt vào tỵ nạn.

 
blank

Từ phải: Giám Đốc Viện Việt-Học Nguyễn Thị Kim Ngân giới thiệu Ban Tam Ca với Ngọc Quỳnh, Ái Liên, Lâm Dung.

 

Tuy nhiên, có một yếu tố cho thấy Thạh Sanh có thể có cội nguồn sâu xa từ Miền Nam: ai từng sống ở Miền Tây sẽ nhớ có thể loại tuồng hát Dù Kê trong đó có vở Thạch Sanh chém Chằn. Thêm nữa, GS Nguyễn Trung Quân nói, dân chúng miền Tây có niềm tin rằng Thạch Động ở Hà Tiên theo truyền thuyết là hang động, nơi Thạch Sanh đi xuống hang để cứu công chúa. Giáo sư cũng nói rằng đồng 1y với Giáo sư Nguyễn Văn Sâm về hình ảnh nồi cơm ăn hoài không hết, chính là mơ ước có bát cơm đầy.

Cũng nên ghi nhận rằng nhà văn Phan Tấn Hải khi phát biểu về truyện Thạch Sanh Lý Thông, nói rằng nồi cơm ăn hoài không hết chính là từ tư tưởng Phật giáo. Còn hình ảnh quân binh 18 nước kéo tới tấn công để giành công chúa là biểu tượng 18 giới trong nhà Phật – nơi đó 6 căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; 6 trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; và 6 cái nhận biết là nhãn thức, nhĩ thức, tỵ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức --  nới đó từng người một luôn luôn trong chỗ dao động giữa thiện và ác. Và tận cùng là thiện, tức Thạch Sanh, sẽ chiến thắng.

Tất cả các diễn giả đều ca ngợi công trình phiên âm các tác phẩm Nôm của GS Nguyễn Văn Sâm, một việc làm gian nan, nếu không đam mê với nền văn hóa quê nhà sẽ không làm nổi.

Một điểm đặc biệt trong chương trình là phần văn nghệ xen kẽ. Người điều hợp chương trình là chị Nguyễn Thị Kim Ngân đã giới thiệu các giọng hát rất chuyên nghiệp của các anh chị trong Câu Lạc Bộ Văn Nghệ Viện Việt-Học: Phạm Tuấn, Ngọc Quỳnh, Lâm Dung, Ái Liên. Quý anh chị ngoài đời là các chuyên gia, bận việc trong nghề nghiệp riêng, nhưng vẫn để thời gian làm thiện nguyện cho Viện Việt-Học.

 

 blank

Từ trái: Phạm Tuấn, Phạm Tú (ngồi đàn đệm), và ca sĩ Thu Vàng

 

Hôm Chủ nhật, Ban tam ca Ngọc Quỳnh, Lâm Dung và Ái Liên đã trình diễn xuất sắc ca khúc Đoàn Lữ Nhạc của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, và anh Phạm Tuấn trình diễn xuất sắc ca khúc Đường Xưa Lối Cũ của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ.

Chị Kim Ngân cũng giới thiệu ca sĩ Thu Vàng, một khuôn mặt mới trong cộng đồng nhưng giọng ca rất chuyên nghiệp, trình diễn ca khúc Hương Xưa của Cung Tiến, với anh Phạm Ngọc Tú đệm đàn guitar.
 

Trong những người tham dự có nhiều nhà văn  như Ngự Thuyết, Bùi Bích Hà, Thân Trọng Mẫn…
 
blank

Tác phẩm Truyện Thơ Thạch Sanh Lý Thông của GS Nguyễn Văn Sâm có thể mua qua mạng:

-- Vào www.Amazon.com 

-- gõ nhóm chữ “truyen tho thach sanh ly thong” sẽ thấy tác phẩm.
 

Cũng có thể liên lạc trực tiếp với tác giả hay Viện Việt-Học:

Samnguyen20002002@yahoo.com

Phone: (714) 332-9086

Viện Việt-Học: viethocinfo@gmail.com

 

 

 



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Những hoa hồng hôm qua nở đẹp dưới nắng buổi đầu thu, nay đã rụng xuống sân, vẽ thành một khoanh nhỏ
Có lẽ những người dân trong nước cũng như đảng viên của đảng cộng sản rõ hơn ai hết câu truyền miệng "Đi với Trung Quốc thì mất nước
Một năm, không theo trong Phật giáo, thông thường dân gian có ba ngày rằm chính. Đó là: Rằm tháng giêng, Rằm tháng bảy và Rằm tháng mười.
Kỳ họp 2 của  Quốc hội khoá XII kết thúc ngày 21/11 (2007) sau một tháng làm việc,nhưng xem ra tính bù nhìn vẫn không thay đổi
Đã thành thói quen, tôi thức dậy là mở máy computer, rồi mới đi pha ly cà phê đầu ngày. Khi ngồi vào chỗ thụ hưởng thì công việc đầu tiên là check mail
Anh Hùng Liệt Sĩ, các Anh Thư, các Chiến Sĩ Vô Danh, Hữu Danh và nguyện cho các vị đã quá vãng được siêu sinh, còn các vị hiện tiền được vạn sự cát tường
Kỷ niệm 40 năm thành lập, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN vừa chứng minh rằng tổ chức này vẫn chưa trưởng thành vào tuổi bốn mươi.
Máu chảy ruột mềm! Trong hoàn cảnh của những người lao động VN đình công thiếu thốn
Tại sao lại gọi đó là “cái gọi là Hiến Pháp” " Bởi vì đây không phải là một bản hiến pháp hiểu theo quan niệm phổ quát – một văn kiện pháp lý có gía trị tối ca
Chuyện ngụ ngôn thời xưa kể lại có người Cha già muốn dạy các con bài học “HIỆP NHẤT”: “DDOÀN KẾT THÌ SỐNG, CHIA RẼ THÌ CHẾT…”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.