Hôm nay,  

Tại Sao Trung Quốc Cần Đánh Việt Nam?

28/05/201900:00:00(Xem: 11337)
Hinh cua Mai Phi Long
Mai Phi Long

Trước cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Cộng ngày càng quyết liệt cùng với việc chính quyền Donald Trump sát phạt công ty điện tử khổng lồ Huawei (Hoa Vi), câu hỏi được đặt ra là: Liệu tranh chấp giữa hai nền kinh tế nhất, nhì thế giới có dẫn đến cuộc chiến tranh quân sự giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh để quyết định vai đại cường hay không ?

Trước mắt, câu trả lời là “không” vì hai nền kinh tế đã và đang phải phụ thuộc vào nhau để tồn tại.  Nhưng nhiều nhà quan sát kinh tế-chính trị lại e rằng với những gì đang diễn ra trong cuộc chiến thương mại hiện nay có thể là tiền đề cho một cuộc chiến quân sự  trong vòng hai thập niên tới.

Vậy Trung Quốc đã chuẩn bị ra sao ?

Từ khi lên cầm quyền năm 2012, trong tư cách Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, vào năm 2013 đã được Quốc hội (tên chính thức là Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc) đồng ý để  ông kiêm luôn chức  Chủ tịch nước, và sửa Hiến pháp cho ông lãnh đạo suốt đời.

Ngay lập tức ông quyết định hiện đại hóa quân đội với chi tiêu quốc phòng tăng nhanh mỗi năm. Đến năm 2019, ngân sách  quốc phòng của Trung Quốc tăng 7,5% lên mức hơn một (01) nghìn tỷ nhân dân tệ (hơn 177 tỷ Dollars).

Nhưng nếu xây dựng quốc phòng mà chỉ dựa vào  vũ khí tối tân, trong khi quân đội Trung Quốc lại thiếu kinh nghiệm tác chiến như hiện nay thì liệu có đáp ứng được đòi hỏi của chiến trường chăng ?

Các chuyên gia quân sự ở Á Châu cho rằng nếu Trung Quốc chỉ lo sản xuất chiến cụ tối tân ào ạt và bổ sung quân số cho thật đông nhưng quân lại không xông pha trận mạc thì số lượng vũ khí lẫn quân số to lớn chỉ là một lực lượng ô hợp. Người Trung quốc hẳn không quên bài học Viên Thiệu dù  có trăm vạn quân vẫn đại bại trước lực lượng nhỏ hơn nhưng thiện chiến và tổ chức qui mô của Tào Tháo trong thời Tam Quốc.

Kinh nghiệm chiến trường là nhu cầu cấp thiết

Vì vậy những cuộc tập trận liên tục bằng đạn thật của quân đội Trung Quốc (tên chính thức là Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc, People’s Liberation Army, PLA) trong thời gian gần đây cho thấy giới quân sự nước này rất ý thức được điều đó.  Tuy nhiên, một đội quân dù được tập luyện kỹ đến đâu đi chăng nữa cũng không thể nào có kinh nghiệm tác chiến bằng những người lính đã thử lửa trên chiến trường. Khi ở bên bờ sinh tử, đối diện với cái chết lúc đó mới đo lường sự can trường của các chiến binh.  Vũ khí cũng vậy, khi đem vào chiến trường mới thật sự chứng tỏ độ bền và tính chính xác của chúng.

Lần cuối cùng, quân đội Trung Quốc ra trận là một thất bại hổ thẹn cho một nước có dân số ngót 1-tỷ-500-triệu-người.  Đó là vào tháng 02 năm 1979, khi các sư đoàn quân chính qui của họ đã bị các trung đoàn quân địa phương, Công an và dân quân của CSVN cầm chân và gây thiệt hại nặng nề trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh biên giới giữa hai nước Cộng sản anh em.

Tiếng súng của cuộc chiến này, theo lời Lãnh tụ Đặng Tiểu Bình khi ấy là để “dậy cho Việt Nam một bài học”, bắt đầu nổ ra từ khoảng 5 giờ sáng ngày 27/02/1979. Theo phía Cộng sản Việt Nam thì Trung Quốc đã xua  600,000 quân có  xe tăng và pháo binh yềm trợ  đã bất ngờ tràn sang Việt Nam và dàn trận dài 1,200 cây số từ tây sang đông để tấn công vào 6 Tỉnh biên giới gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai và Yên Bái), Lai Châu.

Cuộc chiến này chỉ thật sự kết thúc 30 ngày sau đó, vào ngày 16/03/1979, mặc dù Trung Quốc đã tuyên bố  rút quân từ ngày 05/03/1979 sau khi họ nói đã "hoàn thành mục tiêu chiến tranh" và "chiến thắng".

Thật ra là quân Trung Quốc đã thất bại, không tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam được nữa. Đáng chú ý là khi cuộc chiến xảy ra, các đơn vị chính quy thiện chiến của Việt Nam vẫn còn hành quân truy kích lực lượng Khmer đỏ đang rút lui về biên giới Thái Lan.

Chính phủ của Pol Pot, được Trung Quốc hậu thuẫn, đã bị lực lượng Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchea (Heng Samrin và Hun Sen lãnh đạo), được yểm trợ bởi các sư đoàn thiện chiến quân CSVN, đánh bật ra khỏi Thủ đô Nam Vang tháng 01/1978.

Vì vậy cuộc tấn công của Trung Quốc vào Việt Nam tháng 02/1979 và sau đó, mở mặt trận thứ hai từ năm 1984 đến 1989 để chiếm đất ở Vỵ Xuyên, Tỉnh Hà Tuyên, được coi như để trả đũa Việt Nam đã đánh bại Pol Pot, con cưng của Đặng Tiểu Bình.  Quan trọng hơn, là chiếm những điểm cao chiến lược như núi Lão Sơn- Vỵ Xuyên, cao điểm 1688, 400- huyện Cao Lộc, Lạng Sơn.

Nên nhớ: trước khi quân đội Trung Quốc tấn công lần đầu qua Việt Nam năm 1979, họ đã không còn ra chiến trường kể từ khi cuộc chiến Triều Tiên đình chiến năm 1953.  Đúng 26 năm sau, họ đụng với quân đội CSVN, một quân đội vừa mới trải qua một cuộc chiến đẫm máu suốt hơn 20 năm và vừa đánh bại lực chế độ diệt chủng Khmer Đỏ để bình định toàn Campuchea.

Từ năm 1989 đến hiện tại, 2019, là 30 năm quân đội Trung Quốc không ra trận.  Nhiều thế hệ trẻ, ra đời và lớn lên trong thời gian này, đã được nếm mùi phát triển kinh tế toàn cầu, không phải sống gian khổ, nghèo khó như cha ông liệu có kham nổi thử thách ở chiến trường không ?  Ấy là chưa kể đến các cấp chỉ huy từ đơn vị nhỏ lên đến các quân đoàn liệu có đủ kinh nghiệm xương máu cần thiết để cầm quân?

Hoa Kỳ dạn dày trận mạc

Trong khi đó, quân đội Hoa Kỳ lại có mặt trên chiến trường thường xuyên suốt mấy thập niên qua.  Kể từ cuộc chiến Vùng Vịnh lần thứ nhất (1991), sang qua cuộc chiến truy đuổi Taliban bình định Afghanistan (2002), rồi giải phóng Iraq (2003), chiến thắng xong vẫn còn ở lại để bình định cho đến ngày nay.  Đó là kinh nghiệm xương máu chiến trường.  Còn vũ khí?  Vũ khí Hoa Kỳ đã chứng tỏ sự vượt trội khi đánh bại các đạo quân của Saddam Hussein vốn được Nga trang bị.  Mà vũ khí của Trung Quốc lại được Nga cung cấp hoặc tự chế với mẫu của Nga.

Rõ ràng, quân đội Trung Quốc cần thử lửa chiến trường.  Họ cần kinh nghiệm phối hợp tác chiến giữa các binh chủng Hải, Lục, Không quân; cần kiểm chứng độ bền, độ chính xác của vũ khí; cần kinh nghiệm cho một đạo quân gần nữa thế kỷ không đụng trận.

Vậy câu hỏi xác đáng kế tiếp là: họ tạo chiến tranh để thử lửa với ai đây?

Ý tưởng này từng được nêu ra trong bài viết Vietnam Is the Chinese Military’s Preferred Warm-Up Fight- Quân đội Trung Quốc ưa thích chọn Việt Nam để thử lửa- của tác giả Derek Grossman, chuyên gia phân tích quân sự cao cấp của viện nghiên cứu chiến lược RAND và cựu phân tích gia tình báo bộ quốc phòng Hoa Kỳ.

Nhưng Trung Quốc có bao nhiêu đối thủ để lựa chọn?

Khi đánh để luyện quân, bắt buộc phải chọn đối thủ nhẹ cân hơn.  Có nhiều quốc gia đang tranh chấp chủ quyền trực tiếp với Trung Quốc hiện nay.  Trừ Ấn Độ và Nhật Bản các quốc gia như Nam Hàn, Đài Loan, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brunei đều dưới cơ so với Trung Quốc từ kinh tế đến thực lực quân sự.  Nhưng ngoài Việt Nam, các quốc gia khác đều nằm ngoài tầm ngắm gây chiến để luyện quân.

Vì sao không là Ấn Độ?

Dù Trung Quốc và Ấn Độ đang căng thẳng tranh chấp biên giới, vùng cao nguyên và đỉnh cao Hy Mã Lạp Sơn.  Nếu chiến cuộc xảy ra ở đây, chỉ là sơn chiến thuần túy, không có dàn trận để phối hợp Hải-Lục-Không quân.  Không trong mục đích luyện quân.  Đưa hạm đội đánh Ấn ở Ấn Độ Dương? Hạm đội Trung Quốc chưa sẵn sàng là hạm đội đại dương, chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, với sức chứa vài chục chiến đấu cơ nhẹ chưa đủ sức tấn công Ấn Độ.  Chưa kể, về mặt tiếp vận, Trung Quốc chưa có căn cứ hải quân lớn nào ở ngoại quốc, ngoại trừ Djibouti nhưng ở mãi tận Phi Châu bên bờ Hồng Hải.

Quan trọng hơn, Ấn Độ có vũ khí nguyên tử nên rủi ro thiệt hại quá lớn cho Trung Quốc. Không phải là lựa chọn cho  mục đích luyện quân.

Vì sao không là Nhật? Nam Hàn? Philippines?

Với Nhật:  Dù rằng, có mối thù Nam Kinh và tranh chấp Điếu Ngư Đài, một cuộc chiến với Nhật chỉ xảy ra trên mặt nước.  Hạm đội của Trung Quốc có một hàng không mẫu hạm Liêu Ninh chỉ vừa mới được biên chế hoạt động khó có chắc thắng một cách quyết đoán trước hạm đội Nhật Bản vốn đã có truyền thống hải chiến cấp hạm đội từ Đệ Nhị thế chiến.  Hải chiến chưa chắc đã vượt qua thì làm sao nói đến chuyện đổ bộ vào đất Nhật.  Mặt trận này cũng chưa thể giúp Trung Quốc tập trận phối hợp Hải-Lục-Không quân.

Với Nam Hàn: hạm đội Nam Hàn không bề dày kinh nghiệm như Nhật Bản nhưng được trang bị những vũ khí tối tân nhất của Hoa Kỳ.  Có vượt qua được đi chăng nữa, vễn  sẽ bị tổn thất lớn trước khi đưa quân đổ bộ đất Nam Hàn.   Kế hoạch tập trận phối hợp Hải-Lục-Không quân cũng không thực hiện được.


Với Philippines: Cho dù, dễ dàng đè bẹp hạm đội Philippines lạc hậu với phần lớn chiến hạm xuất xử từ thế chiến thứ hai, chiến tranh Việt Nam. Chẳng hạn: soái hạm Gregorio Del Pilar thuộc lớp Hamilton Cutter, trước đó thuộc lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ hạ thủy từ 1965, chuyển giao năm 2011, chỉ trang bị vũ khí tầm gần đại liên và hải pháo, không trang bị vũ khí tầm xa đánh chận cần thiết khi giao chiến cấp hạm đội.

Nhưng vũ khí mạnh nhất của Philippines mà Trung Quốc không muốn đối đầu lúc này là hiệp ước bảo vệ an ninh của Hoa Kỳ.

Không phải chỉ Philippines, mà Nhật Bản, Nam Hàn đều có cái dù Hoa Kỳ khổng lồ che chở.  Tầm nhìn chiến lược hiện nay của Trung Quốc là họ cần luyện quân để đối phó với Hoa Kỳ trong tương lai chứ không trong hiện tại.

Bài viết của Derek Grossman không nhắc đến Indonesia, Malaysia dù có tranh chấp tại Biển Đông nhưng không quá lớn để đe dọa Trung Quốc. Hơn nữa hàng hóa ra-vào Trung Quốc còn cần phải qua eo biển Malacca đều nằm trong ảnh hưởng của hai quốc gia này.  Nếu chiến cuộc kéo dài kinh tế Trung Quốc bị thiệt hại nặng.  Nhưng nếu có xung đột với hai nước quốc gia này, cũng chỉ là các trận hải chiến.  Vì vậy vẫn chưa phục vụ cho mục tiêu huấn luyện phối hợp các quân chủng.

Con mồi Việt Nam

Vậy phải chăng Việt Nam đã biến thành con mồi đắc ý nhất của Trung Quốc ?

Đúng thế, vì Việt Nam hội đủ điều kiện mà giới quân sự Trung Quốc muốn thực hiện ý đồ: nhẹ cân, kém thế lực.  Chiến tranh với Việt Nam là cơ hội để thử lửa thật và có thể phối hợp được Hải-Lục-Không quân dễ dàng.  Quan trọng nhất: Việt Nam không có cái dù Hoa Kỳ và cũng không có một hiệp ước bảo vệ nào của bất cứ đại cường nào.

Khẩu hiệu tuyên truyền “Núi Liền Núi – Sông Liền Sông”, từ lâu đã được hai đảng Cộng sản lừa mị nhau khi có dịp gặp gỡ,  lại là một thực tế éo le khiến Việt Nam là nơi lý tưởng để Trung Quốc luyện võ.  Thực tế lịch sử cho thấy bao nhiêu ngàn năm dựng nước, dân Việt chỉ có xung đột lâu dài nhất với một kẻ thù xâm lăng này từ phương Bắc.

Thuận lợi tung quân đánh bộ khi hai nuốc có chung đường biên giới dài 1,281 cây số.  Hạm đội Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn Biển Đông nên việc phong tỏa Việt Nam bằng đường biển dễ như trở bàn tay.  Hai quốc gia nằm kề cận, thì việc tiếp vận cho đoàn quân viễn chinh là vô tận.  Qủa là giang sơn hình chữ S Việt Nam nơi lý tưởng để cho Trung Quốc phối hợp tấn công để luyện quân hỗn hợp Hải-Lục-Không quân.

Ngoài vấn đề, chọn đối thủ nhẹ cân để luyện quân, đương nhiên, cũng phải kể đến tâm lý rửa nhục của người Trung Quốc. Từ lâu họ vẫn muốn  phục thù cuộc chiến mà họ thất bại trước Việt Nam năm 1979 để thể hiện đẳng cấp đại cường khu vực và là đàn anh.

Các sử gia quân đội quốc tế đều nhận định Trung Quốc đã thất bại trong cuộc chiến tranh này.  Khi bất ngờ tấn công, với lý do Hà Nội xâm lăng Campuchea, lãnh tụ Đặng Tiểu Bình tuyên bố: “Dạy cho Việt Nam một bài học”.  Thực tế, là sau một tháng, họ đã phải rút lui, và Việt Nam vẫn còn đóng ở Campuchea đến 10 năm sau mới rút quân về nước.

Về mặt quân sự, cuộc chiến 1979 bộc lộ quân đội Trung Quốc không tinh nhuệ;  không biết phối hợp tác chiến; quân và vũ khí lạc hậu kém tầm hiện đại .  Phía Trung Quốc tuyên bố đưa 200 ngàn quân tham chiến.  Phía Việt Nam ước đoán quân số đối phương là 600 ngàn.  Thà là con số 600 ngàn quân, dù phía Việt Nam có thổi phồng, Trung Quốc vẫn còn có thể chống chế là lực lượng quá lớn không thể khai triển trên địa hình núi non hiểm hóc nhưng  khi phía Trung Quốc đưa ra số 200 ngàn thì lại lộ ra là họ không phối hợp được các quân chủng.  Hơn nữa, quân Trung Quốc là lực lượng chính qui, trong khi  Việt Nam, với tổng số 230 – 250 ngàn quân, thì có tới 150 ngàn là dân quân và địa phương quân.   Trung Quốc đưa hơn 400 xe tăng vào chiến trường, Việt Nam chẳng có chiếc nào.

Cà hai bên đều không sử dụng máy bay, và không có lực lượng hải quân tham gia cuộc chiến biên giới, vì chiến trường xa bờ biển. Hơn nữa, vào thời điểm đó các loại súng đại bác gắn trên chiến hạm của  hai bên đều hạn chế khả năng yểm trợ.

Khi nhìn lại những thông số trên, rõ ràng quân đội Trung Quốc rất muốn có  một trận đấu tập để thử lửa trước khi bước vào đấu trường đẳng cấp quốc tế.

Nhưng gây chiến với Việt Nam chỉ để luyện quân thôi sao?

Dù không thiện cảm với thể chế tại Hà Nội, nhưng thật khó quên ánh mắt nảy lửa của ông Phạm Bình Minh, ngoại trưởng CSVN, khi tiếp Dương Khiết Trì, ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc giữa lúc căng thẳng Biển Đông gia tăng khi dàn khoan Hải Dương 981 vào lãnh hải Việt Nam năm 2014.  Điểm đáng chú ý, ông Minh con trai của ông Nguyễn Cơ Thạch (tên khai sinh Phạm Văn Cương), Ngoại Trưởng CSVN, 1980-1991, người được xác nhận có quan điểm chống Trung Quốc nên bị mất chức sau Hội nghị Thành Đô,tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc (03-04/09/1990), khi CSVN cần chỗ dựa Trung Quốc vì Liên Xô sụp đổ.  Ông Minh và những người đang nắm quyền ở Việt Nam hiện nay đều là những người sống qua giai đoạn căng thẳng Việt Nam – Trung Quốc sau năm 1975 mà đỉnh cao là cuộc chiến biên giới 1979.

Việt Nam đang ngã theo Mỹ?

Gần đây nhất, ông Phạm Bình Minh trong vai trò Ngoại Trưởng CSVN, sang Hoa Kỳ gặp người đồng nhiệm ngoại trưởng Mike Pompeo.  Theo dự đoán, ông Minh sang để sửa soạn cho chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí Thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng theo lời mời của tổng thống Donald Trump hồi tháng 2/2019 vừa qua khi đến Hà Nội họp thượng đỉnh với Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un.  

Tuy nhiên, lịch thăm Mỹ của ông Trọng chưa được quyết định sau khi ông Trọng bất ngờ ngã bệnh trong chuyến thăm Kiên Giang ngày 24/04/2019.  Ông Trọng tái xuất hiện, nhưng chỉ trong tư thế “ngồi”, trong hai ngày 14 và 15/05/2019. Sau đó ông lại vắng mặt trong phiên họp khai mạc Quốc hội kỳ 7/Khóa XIV và cuộc viếng lăng Hồ Chí Minh của Quốc hội ngày 20/05/2019.

Cũng đáng chú ý là trong khi tranh chấp thương mại hiện nay giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc căng thẳng, thì quan hệ giữa CSVN và Hoa Kỳ lại có vẻ thêm gần gũi.  Tổng thống Donald Trump đã hai lần nhắc đến Việt Nam là giải pháp cho các doanh nghiệp quốc tế bỏ Trung Quốc khi hai bên quyết định đánh thuế hàng hóa trả đũa lẫn nhau.  Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng từng ca ngợi mô hình kinh tế Việt Nam và khuyên lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un (Kim Chính  n) học theo để làm bạn với Hoa Kỳ.

Về quân sự, Hoa Kỳ liên tục viện trợ chiến hạm cùng xuồng cao tốc cho Việt Nam.  Đặc biệt, lần đầu tiên sau cuộc chiến Việt Nam, hàng không mẫu hạm USS Carl Vilson, biểu tượng sức mạnh đại dương của Hòa Kỳ, đến Đà nẳng.  Theo đánh giá của giáo sư người Úc Carl Thayer, một chuyên gia về chính trị Việt Nam, sự có mặt của hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ tại Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông cũng như cuộc chiến giao thương giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là một bước đi mang tính chiến lược.  Qua đó, Hoa Kỳ khẳng định sức mạnh và vai trò trên Thái Bình Dương và Việt Nam ủng hộ sự hiện diện của hải quân Hoa Kỳ tại Biển Đông.

Lập trường của CSVN về chính sách quốc phòng vẫn thường minh định : “không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.”

Nhưng chắc chắn, Trung Quốc rất khó chịu trước những diễn tiến tỏ ra gần gũi hơn giữa  Việt Nam với Mỹ trong thời gian qua.  Từ lâu Bắc Kinh rất muốn có một chế độ Cộng Sản Việt Nam dành nhiều đặc quyền cho hải quân Trung Quốc ở vịnh chiến lược Cam Ranh và im lặng thần phục Bắc Kinh ở Biển Đông.

Do đó với ý đồ nhất cử lưỡng tiện, một cuộc chiến với Việt Nam yếu hơn và không có hiệp ước bảo vệ quân sự với bất kỳ cường quốc nào, sẽ giúp cho Trung quốc hoàn tất kế hoạch : Vừa có thể tung toàn bộ binh chủng Hải-Lục-Không quân để luyện đánh và chiến thắng, đồng thời cũng dựng được một chính phủ chư hầu mới hoàn toàn của Bắc Kinh ở Hà Nội. -/-

Mai Phi-Long
05/2019

Tham Khảo:

Vietnam Is the Chinese Military’s Preferred Warm-Up Fight- Derek Grossman

https://thediplomat.com/2019/05/vietnam-is-the-chinese-militarys-preferred-warm-up-fight/

In 1979, China Was Crushed in a War with Vietnam. What Happened Next Is Shocking.

One word: reform.- Charlie Gao

https://nationalinterest.org/blog/the-buzz/1979-china-was-crushed-war-vietnam-what-happened-next-25322

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
Sau 11 năm chống Tham nhũng (2013-2024) nhưng Tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao?
Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề Chủ nghĩa Xã hội và đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận. Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi: Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ Dân chủ đến thế?
Cận Tết năm Thìn, Marianne Brown (Guardian Weekly) có bài “Vietnam’s parents want a dragon son.” Trời! Tưởng gì, chớ cả Tầu lẫn Ta ai mà không muốn có con trai tuổi Rồng. Nhâm Thìn, tất nhiên, lại càng bảnh dữ nữa. Nam nhâm nữ quí thì sang mà lị. Theo tuviso.com: “Tuổi Nhâm Thìn có nhiều hy vọng tốt đẹp về vấn đề tình duyên và tương lai về cuộc sống, có phần tốt đẹp về tình cảm và tài lộc, vào trung vận và hậu vận thì được nhiều tốt đẹp về hạnh phúc, công danh có phần lên cao.”
Một quan điểm lạc quan đang dấy lên trong hàng ngũ Lãnh đạo đảng CSVN khi bước vào năm 2024, nhưng thực tế tiềm ẩn những khó khăn chưa lường trước được...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.