Hôm nay,  

Truyện thơ Thạch Sanh Lý Thông, tác phẩm của lưu dân chống lại sự sợ hãi thiên nhiên nơi vùng đất mới

26/04/201912:36:00(Xem: 5843)

Truyện thơ Thạch Sanh Lý Thông,

tác phẩm của lưu dân

chống lại sự sợ hãi thiên nhiên nơi vùng đất mới.

 

 

 

 Nguyễn Văn Sâm 

 

 

Truyện Thạch Sanh Lý Thông lưu truyền trong dân gian dưới hình thức chuyện kể truyền miệng chắc có đã lâu. Phải hiện hữu trước khi ông Dương Minh Đức đưa bản văn sáng tác của mình sang bên Quảng Đông khắc ván cũng như từng đưa vài chục tác phẩm khác của nhóm nhờ đó miền Nam Kỳ Lục tỉnh có được một số tác phẩm Nôm đáng kể mà người nghiên cứu Nôm thường gọi là Nôm Phật Trấn.
 

Nhóm thực hiện các bản Nôm Phật Trấn hoạt động vài ba chục năm trước khi người Pháp đến Việt Nam. Vậy thì, ít nhứt chuyện Thạch Sanh có mặt cách nay hai thế kỷ. Ta không có chứng cớ gì về sự lưu truyền của truyện nầy trong dân gian ngoài sự suy đoán gián tiếp từ mấy nhóm chữ

(1) Dương Minh Đức Thị soạn 楊明德氏撰 và

(2) Duy Minh Thị đính chánh 帷明氏訂正

trên bản bản Nôm Phật Trấn.
 

Tôi hiểu nhóm chữ (1) theo nghĩa ông Dương Minh Đức – một người Minh Hương, sống ở vùng Xóm Dầu, Chợ Lớn, quận 6 ngày nay – sau khi nghe chuyện Thạch Sanh được kể trong dân gian ông đã chấp bút viết lại thành thơ. Có thể ông thêm hay bớt vài chi tiết những gì mình được nghe nhưng chắc chắn ông là người kể lại bằng văn vần đầu tiên. Trong bản nầy ông dùng nhiều từ ngữ người đương thời thường sử dụng mà người thời đại chúng ta khó hiểu hoặc không dùng nữa, học giới gọi là từ cổ.

Cũng vậy, nhóm chữ (2) có thể được hiểu là ông Duy Minh Thị - cũng là một người Minh Hương sống ở cùng vùng với bạn họ Dương của ông - đã đính chánh lại câu văn của Dương Minh Đức cho có vẻ văn chương hơn. Cũng có thể ông nầy cắt xén một lần nữa bản văn của bạn mình trong trường hợp quá dài và sửa lại nầy nọ cho hợp lý hơn. Suy luận trên dựa trên giả thuyết Duy Minh Thị và Dương Minh Đức là hai người khác nhau. Trong trường hợp hai người là một thì kết quả sự suy luận trên không thay đổi bao nhiêu.

Trước Dương Minh Đức không có bản Thạch Sanh nào được in ấn. Cũng không tài liệu nào ghi lại bản kể truyền miệng dầu là sơ lược chuyện Thạch Sanh. Vậy thì chúng ta tạm chấp nhận giả thuyết rằng đây là văn bản sớm nhứt của câu chuyện Thạch Sanh. Tôi gọi đây là truyện Thạch Sanh Lý Thông thế hệ 1, cho tới khi nào tìm được bản sớm hơn, đời Tây Sơn hay là đời Gia Long chẳng hạn.

Chúng tôi chọn bản Nôm Phật Trấn để phiên âm và giới thiệu trước ngoài sự ra đời sớm của nó còn có những lý do khác như:

 (1) chưa từng được giới thiệu,

 (2) mang bản sắc của văn chương Nam Kỳ Lục tỉnh ở chỗ câu văn đơn sơ mộc mạc- nhiều câu thất vận, không vần, đoạn văn chuyển tiếp thường được tác giả báo trước, và

 (3) mang nhiều từ ngữ Nam bộ không thể thấy ở sách vỡ các vùng ngoài.

 
Bản Thạch Sanh nầy gồm 42 tờ hai mặt, chúng tôi theo truyền thống đánh số trang a, b.  Mỗi trang thông thường gồm 10 cặp lục bát, trừ đi bài thơ và mấy dòng tên tác giả vv… còn lại 1166 câu. Về mặt hình thức thì bản khắc dễ đọc, rõ ràng. Thỉnh thoảng cũng có chữ sai nét, chữ không đúng vị trí, chữ khắc quá đơn giản khó đọc, tuy nhiên sự kiện nầy không nhiều. Điều khó nhứt là phiên âm cho chính xác với giọng Nam kỳ vì phần nhiều âm đặc biệt nầy và âm gọi là chuẩn hiện nay đều được viết bằng một ký hiệu Nôm. Cũng có trường hợp chữ viết sai hay chữ mà ta tưởng viết sai tạo cho người phiên âm sự lúng túng trong trong việc tìm chữ thích hợp…
 

Trong việc phiên âm những tác phẩm khác trước đây, chúng tôi không dùng lại cái tựa cũ của tác phẩm Nôm mà lại đặt cho nó cái tựa mới để tạo môt ấn tượng đối với người đọc, cái tựa mới nói thêm được điều gì đó, phần chánh của truyện như Kể Chuyện Tình Buồn (U Tình Lục của Hồ Văn Trung), Mà Lòng Tôi Thương (Nam Kinh Bắc Kinh), Tội Vợ Vợ Chịu (Trương Thiện Hữu)  hay phần chánh của nhân vật (Người hùng Bình Định nổi loạn Truông Mây (Văn Doan Diễn Ca), Trương Ngáo, người đi đòi nợ Phật (Trương Ngáo truyện)…
 

Truyện Nôm Thạch Sanh Lý Thông chúng tôi muốn đặt cho cái tên mới là Thạch Sanh Thì Ít… theo câu ca dao thời đại Bạn bè (rượu) mỗi lúc mỗi đông /Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều nhưng xét rằng cái tên Thạch Sanh Lý Thông gợi nhiều ấn tượng và đi sâu vào lòng dân gian từ lâu nay nên  đành giữ lại cái tựa cũ tuy rằng lòng không thích lắm vì nó đi ra ngoài chủ trương lâu nay của mình.

Bạn hiền là Thạch Sanh đời nào cũng ít, ít nên tên được nhắc đi nhắc lại qua thời gian như Dương Lễ, như người bạn chia vàng… nếu lịch sử có được bạn hiền nào thì người đời trân trọng và viết đi viết lại trong các tiểu phẩm để làm bài học cho người sau. Bạn xấu như Lý Thông đời nào cũng nhan nhản. Không cần nhìn đâu xa, liếc mắt vô các tin tức hằng ngày thì thấy, nào là giết bạn đoạt xe máy, đoạt điện thoại di động, nào là giết bạn vì một câu nói chạm tự ái, nào là đâm bạn chết vì giành nhau trả tiền, nào là chặt bạn ra từng khúc bỏ vào tủ lạnh vì muốn đoạt vợ bạn… Ối thôi, trăm ngàn vẻ, triệu ức cảnh, người viết tiểu thuyết không cần động não tìm cốt truyện đâu xa cũng thấy.
 

Truyện thơ Thạch Sanh Lý Thông nói gì trong đó?

Người trẻ Thạch Sanh nghèo, kết bạn với Lý Thông theo lời yêu cầu của anh nầy. Khi Lý Thông có chuyện ngặt là lần đó tới phiên phải đi nạp mình cho chằn tinh ăn thịt thì đánh lừa kêu Thạch Sanh đi để thế mạng. May thay Thạch Sanh có tài hay do được tiên ông chỉ dạy trước đây nên giết được chằn. Thấy vậy Lý Thông bèn gạt bạn nói là chằn của vua, giết là bị tội, hãy trốn đi. Sau đó Lý Thông tới đền vua báo cáo là mình đã lập kỳ công nầy để được phong chức… Những cuộc gạt gẫm như vây xảy ra trong suốt cuốn truyện: Thạch Sanh giết Mảng Xà vương, Thạch Sanh trừ Đại bàng cứu Công chúa vv… đều được Lý Thông mạo nhận là công cán của mình để được hiển vinh mà không đời nào nhớ tới hay muốn giúp đỡ bạn nghèo.
 

Trời không phụ người ngay. Lần kia Thạch Sanh sau khi bị cáo gian ăn cắp vàng vua, sắp bị Lý Thông đem ra hành hình sớm để trừ hậu hoạn thì đem cái đờn thần của mình ra khảy giải buồn, cô Công chúa trước đây uất hận vì thấy Lý Thông cướp công của Thạch Sanh nên á khẩu không nói được, bây giờ nghe tiếng đàn, biết đó là tiếng đàn của Thạch Sanh nên tâu với vua cha giải oan cho họ Thạch. Cuối cùng thì người ngay mắc nạn còn có thể thoát, người gian mắc nạn như Lý Thông thoát được lưới nhân gian – do lòng nhân ái và tình bạn của người mình đã đối xử xấu – không thoát được lưới thiêng của Trời Đất, anh ta bị chết và hồn biến thành con ảnh ương.
 

Thạch Sanh có tài, đã cứu được Công chúa mắc họa đại bàng, về sau lại còn cứu quốc gia khỏi nạn binh đao khi liên quân 18 nước kéo sang vây hãm do tức giận bị làm nhục nên được vua nhường ngôi là chuyện phải đến.

Người ngay mắc nạn, khổ sở sau đó được truyền ngôi vua truyện thơ bình dân Việt Nam đầy rẫy kể không hết. Anh hùng trừ gian đảng, trừ nịnh thần, trừ giặc ngoài… hầu như truyện nào cũng có. Tuy nhiên anh hùng trừ Chằn tinh, trừ Mảng xà vương, trừ chim lớn đại bàng, cứu người bị giam trong cũi sắt, trừ giặc bằng tiếng đờn, giặc sợ vì họ bao vây thành mà mình cứ ngồi an nhiên… chỉ có độc nhứt trong truyện Thạch Sanh. Nhà biên khảo khuynh hướng Mác-xít Trương Tửu trước đây nói là truyện Thạch Sanh chịu ảnh hưởng từ văn hóa Campuchia với hình ảnh Mảng Xà. Tôi nghĩ lý thuyết nầy cần phải xét lại vì con rắn lớn trong truyện tích nước bạn là con rắn thần, rắn tốt đối với người, rắn giúp người, đó là con vật huyền thoại như rồng của VN, TQ, rắn nầy có nhiều đầu, thân dài, được coi là linh vật mà người Campuchia thường dịch là con rồng. Con rắn lớn trong truyện Thạch Sanh thì là loại rắn xấu hại người, chết rồi hồn nó còn quậy phá người hiền Thạch Sanh gần mất mạng. Đại bàng là một hình ảnh khác, một trường hợp khác thể nhưng đồng tính với Mảng xà. Chằn tinh là hình tượng xấu nhứt mà người ta có thể tưởng tượng về con người hóa thú- hay thú hóa người- để làm hại kẻ yếu.
 

Tôi giải thích mấy việc trừ Chằn, trừ Mảng xà, trừ Đại Bàng, phá cũi cứu người bị giam giữ là những ước vọng trừ khử những thú dữ khi người lưu dân tiến vô rừng thiêng, vô khai phá đầm lầy của vùng đất mới phải đối phó với những khó khăn của vùng đất mới có cư dân lần đầu, đầy hùm beo rắn rít, voi tượng hữu hình và sự cô đơn sợ hãi khi đêm tối hoặc giông bão, bịnh tật là những thú dữ vô hình dễ dàng đem đến chết chóc…

Người lưu dân phải sống còn khi Nam tiến.  Đến đất mới thì phải đối đầu với những khó khăn đang chờ chực, họ cầu mong sao cho có một người hùng bằng xương bằng thịt sống bên cạnh để cứu khổ cứu nạn. Từ đó câu chuyện Thạch Sanh dần dần được kể lại như là chuyện có thiệt để người ta lấy đấy làm điểm tựa cho lòng can đảm bật dậy mà sống trong hoàn cảnh nghiệt ngã của vùng đất chưa khai hoang, còn lạ lẫm.
 

Thập niên năm mươi miền Bắc lý giải người hùng Thạch Sanh là hình tượng người lao động cần cù rộng lượng vị tha, là người tốt do sống bằng sức làm việc của mình. Sự tổng quát hóa một nhân vật thành biểu tượng của một giới không thể nào có giá trị khoa học. Nó chỉ được dùng để đáp ứng nhu cầu chánh trị của giai đoạn, giai đoạn đó đã qua, lý giải đó chẳng còn đáng bàn tới.
 

Tiếng đàn thần Tam Kỳ và nồi cơm thần ăn hoài không hết. Hai thứ nầy là nhu cầu cần có của người di dân Việt khi bước chân rụt rè vào vùng đất Thủy Chân Lạp của thế kỷ 17, 18.  Tiếng đờn giải tỏa những buồn bực, tiếng đàn kết tình anh em với người chung quanh có thể là người bản xứ khác tộc có con mắt chẳng bao nhiêu thiện cảm, xoa dịu khổ đau buồn bực do hoàn cảnh, tiếng đàn là nhu cầu giải trí cần thiết của người xa xứ. Từ mơ ước có tiếng đờn réo rắc để làm nhẹ đi những cực nhọc của thực tế, người kể chuyện đã thăng hoa nó thành tiếng đờn thần tạo được sự thông cảm giữa người đờn và người nghe, giữa người đờn và địch thủ. Sự phát triển sự kiện đờn ca tài tử để biến thành một nghệ thuật đặc biệt được ưa chuộng của Miền Nam cũng là do những nhu cầu nói trên của lưu dân và hậu duệ.
 

Nồi cơm Thạch Sanh mà Tạ Hầu Đôn khổ sở ăn hoài không hết rõ ràng là ước mơ dư ăn dư để ngàn đời của dân ta nói chung và lưu dân vào Nam nói riêng đứng trước sự khó nhọc phải có đủ thực phẩm để sanh tồn. Ta nên nhớ rằng thời lưu dân đường giao thông không tiện lợi, việc trao đổi hàng hóa vì vậy chỉ ở mức tối thiểu, người dân sống trong trạng thái tự cung tự cầu. Thiếu thốn do đó mà ra. Ước vọng vì miếng ăn cũng do đó mà có.

Cái cung thần và những phép tiên do Thạch Sanh sở đắc chẳng qua được tạo thành từ những ước vọng có được phương tiện bảo vệ hữu hiệu trước những khó khăn do hoàn cảnh mà thôi, không có gì khác.

 

Văn chương trong Thạch Sanh Lý Thông đơn giản mộc mạc, không có bao nhiêu chữ khó, không có điển tích Tàu, có thể mất vần, có thể cà kê dê ngỗng, có thể lập đi lập lại một số từ ngữ không cần thiết… Đó không là khuyết điểm. Đó là đặc điểm của văn chương Nam Kỳ, một vùng đất mới từ lúc lưu dân đến lập nghiệp cho đến hết thời cử nghiệp cũ chỉ có hai người đỗ Tiến sĩ, người đỗ Cử nhân, Tú Tài do đó ta cũng biết rằng chẳng có bao nhiêu. Văn chương đối với một nhúm ít người biết chữ Hán Nôm vì vậy chắc chắn không long lánh, chẳng đài các kiêu sa tới khó hiểu như Kiều, cũng chẳng ai oán não nùng như Cung Oán, Chinh Phụ, Ai Tư Vãn. Thạch Sanh Lý Thông có chỗ đứng riêng của nó: đơn giản mộc mạc để đáp ứng nhu cầu giải trí cấp bách cho người ít học lại sinh hoạt gần như cô độc trong vùng ít người của rừng thiêng, của đầm lầy chưa được khai phá. Với những người nầy, truyện Kiều là cô gái cực đẹp lại quá thông minh với tay không tới. Cung Oán, Chinh Phụ, Ai Tư Vãn là những cô gái buồn vương đến cả cỏ cây làm mềm lòng người nên họ không muốn tiếp xúc. Thạch Sanh là người hùng họ mong được có bên cạnh nên văn chương phải được viết sao cho họ hiểu ngay. Câu văn càng gần với lời nói bên ngoài càng tốt, lập lại nhiều lần cũng chẳng sao, chỉ là nhắc cho người đọc khỏi quên chi tiết quan trọng. Tôi cho rằng nhu cầu sống còn của người dân cần thiết phải có những bản văn đơn giản và tất cả truyện thơ Nôm Phật Trấn đã được sinh thành theo nhu cầu đó nên ở trong khuôn mẫu đó.
 

Xin trích mấy dòng đầu của bản văn để thấy sự mộc mạc của nó:

 

Con thời chẳng có nối truyền,

Vợ chồng khấn nguyện nó mà không con.

Nào là quan Bộ chép biên,

Xét tra số nó có con chăng là.

Thôi bà Vương mẫu tâu qua,

Nó đà khấn nguyện, số mà không con.

Ngọc Hoàng nghe nói héo don,

Tấm lòng phới động tư lương cho người.

  

Ta thấy văn chút nào đó không thỏa sự kỳ vọng của ta: (1) chữ dùng thường quá (nó mà, nào là, nó đà, chăng là, số mà, thôi bà…), (2) không vần ở nhiều chỗ, khi có vần lại là vần lưng, (3) lời văn và ý văn lập đi lập lại… Biết sao! Văn chương bình dân, thứ văn chương dùng làm nhu cầu tinh thần cho người lưu xứ nơi vùng đất mới sanh tồn trong sự cực nhọc đối đầu cùng thiên nhiên chưa thuần hóa, không có trường học, chẳng đủ lương thực, phải tự túc mọi thứ, phải đối phó với sự khắc nghiệt của hoàn cảnh, không có gì giải trí trong môi trường buồn bả chung quanh….
 

Tuy nhiên bản văn lại giá trị ở chỗ mang nhiều từ ngữ của thế kỷ 17, 18 không phải dễ tìm. Cách diễn tả cũng vậy, nhiều lúc phù hợp với lời nói thường ngày, với văn xuôi hơn là văn vần. Xin trích ra một vài từ ở phần đầu tác phẩm:  Kính nắm, héo don, cả tài, nhuốm nên nhâm thần, chửa nghén, nước mắt ngùi ngùi, mãn tháng đủ no, những mãng, mỏi mệt bỏ cưng, khóc chuyển vang dậy trời, cận ngày sanh đẻ, những mãng tư lương, nằm đất ăn chay, nhẫn từ trong bụng mồ côi, nhúm rau mớ ốc, châu lệ đượm đầy chứa chan, mặt nhìn lơ láo trợn tròng con ngươi, sao mà đi đứt, làm thầy âm tang, mồ cha mả mẹ, nhúm rau mớ ốc, đói no đỡ dạ, xâm xâm bước tới, cất tiếng hỏi rày, dạy thí công, ngồi thời xếp bằng, bồ nhìn, búa sắt lao xao, hí hả hí ha, hóa phép rầm trời, khả khả vổ tay, nước kia muốn chảy mà mương chưa đào, hề chi, cái giải, chích bóng, suối đờn líu lo, lai láng tợ sông giang hà, đầu chằn bèn bỏ trước sân đùng đùng, (hồn về) nhát anh, giấy tiền vàng bạc, mất vía, nói nhát, tâu dộng, có phép ngoan, dưỡng lưng cho lớn, quở, tốt nên là tốt, vào nhấp hàng da…
 

Tóm lại: Truyện Thơ Thạch Sanh Lý Thông xuất phát từ nhu cầu thực tế của lưu dân từ Trung vào Nam trong giai đoạn Nam tiến qua vùng Đồng Nai đất đỏ tới vùng sông rạch đất thấp, nơi có nhiều rừng rậm, nơi sấu cọp, voi còn lởn vởn quanh nhà (Đại Nam Nhứt Thống Chí, Lục Tỉnh Nam Việt). Người ta sợ hãi thú rừng, người ta cần giải trí để vui sống, người ta ước ao sống không thiếu ăn; từ đó nhảy ra người hùng Thạch Sanh trong trí tưởng tượng của người dân, từ đó có sự huyền diệu của tiếng đàn thần, từ đó có cung tên thần bắn được đại bàng, bắn nát cũi sắt mà người bị giam bên trong không hề hấn gì, từ đó có nồi cơm Thạch Sanh ăn không bao giờ hết…
 

Việt Nam chưa có tác phẩm nào được sinh ra từ ước vọng của số đông dân chúng bình dân bằng truyện Thạch Sanh Lý Thông. Được đón nhận nồng hậu nên Thạch Sanh có nhiều bản Nôm, nhiều bản quốc ngữ và có cả bản chèo… những phó phẩm chỉ được tạo thành từ những tác phẩm rất được ưa thích như Đoạn Trường Tân Thanh, Lục Vân Tiên ngày xưa, như Lá Ngọc Cành Vàng trước đây, như Tha La Xóm Đạo của nền Văn chương Tranh đấu Miền Nam.

Trong việc phiên âm và chú giải chúng tôi chủ trương phiên âm thật đúng theo bản văn, không phải đúng với ý mình. Cũng đưa ra trình làng bản văn Nôm mà mình có duyên khám phá được sau cả trăm năm nằm nó im trong Thư Viện Quốc Gia Pháp. Phiên âm tác phẩm gốc Nam coi vậy mà khó, nhứt là lần đầu tiên vì văn pháp và từ ngữ lạ lẫm. Sự sai sót thường thấy trong các bản phiên âm tuồng hát hội Sơn Hậu, Đinh Lưu Tú Trần Trá Hôn của Phủ Quốc Vụ Khanh trước đây là một thí dụ, sự bỏ trống từ hay phiên không chính xác trong các bản của ông Durand là hai thí dụ. Chúng tôi do đó thấy có chữ nào ngờ ngợ trong cách đọc đều báo để bậc cao minh góp phần suy nghĩ sau nầy… Chú giải dầu đơn sơ cách mấy cũng cực nhọc cần phải suy nghĩ, tôi thông cảm vì sao ông Trương Vĩnh Ký ngày xưa trong rất nhiều bản chuyển sang quốc ngữ, chỉ phiên âm mà không chú giải. Trong chiều hướng đó, sự chú giải nhằm nhắm về việc giúp đỡ người đọc có trình độ trung bình về văn học Việt Nam hơn là nhắm về mặt trình bày kiến thức sách vỡ của người làm sách. Người đọc theo dõi những chú thích chắc chắn sẽ nắm vững hơn giá trị của tác phẩm mà mình đương đọc.

  

***

 

Căn bản truyện thơ Thạch Sanh Lý Thông là ước vọng của lưu dân đứng trước hoàn cảnh khó khăn khi đến đất mới, tuy nhiên truyện cũng có những điều đáng ghi nhận bên lề ngoài điều căn bản kể trên. Đó là tình trai gái tự nhiên, không e dè của người bình dân Nam Kỳ lục tỉnh. Cô Công chúa, nghĩ mình đã hứa hôn với Thạch Sanh nên sau thời gian dài không gặp, tới chừng gặp lại thấy tỏ tường đó là Thạch Sanh thì chạy ra ôm lấy mừng rỡ, than thở ‘Bấy lâu anh chịu lao tù, anh bị tội oan chi rày. Bây giờ mới thấy anh đây… Ta có thể giải thích rằng Công chúa vui mừng nên không chú trọng đến sự phân cách vị thế, chẳng dè chừng chuyện giới hạn cần có giữa trai, gái đã chạy ra, đã ôm lấy, đã thân thiết bày tỏ sự hân hoan của mình, đã xưng hô bằng hai từ của người yêu nhau: anh, em.  Nhưng đó là giải thích về tâm lý nhân vật trong tác phẩm, bước ra ngoài tác phẩm  ta thấy rằng văn chương bình dân thường có cảnh nầy. Văn chương bác học thì không, Nguyệt Nga bị Vân Tiên ngầy: Khoan khoan ngồi đó chớ ra, khi muốn bước ra khỏi kiệu thi lễ cám ơn ân nhân cứu tử, Kiều nhắc khéo Kim Trọng: Sợ lần khân quá e sàm sỡ chăng? Một đàng phóng túng theo tình cảm đương có, một đàng câu thúc theo phong tục lễ nghi.
 

Theo dõi chi tiết toàn truyện ta thấy được nhiều sinh hoạt văn hóa của thời tác phẩm xuất hiện, thế kỷ 19, như:

Bói toán vào cả trong triều đình, ma chay với nhiều chi tiết (làm thầy âm táng, làm sãi bó ma), mồ cha mả mẹ có thể chôn ở trước sân nhà, bịnh nặng, câm chẳng hạn, thầy pháp được rước đến chữa trị, (tương tợ những chi tiết trong thơ Lục Vân Tiên), đặt tên con khi đầy tháng với sự giúp đỡ của bà mụ, người quyền thế khi cần thiết thường cất rạp hát bội cho dân chúng xem cầu vui, xóm giềng thân thiết xúm lại giúp đỡ người lâm cảnh khó, người ta gánh rượu đi bán rong trong xóm (Chắc dân thời đó tiêu thụ rượu đế do người Pháp tạo điều kiện cũng bằng dân ta ngày nay được cổ động để tiêu thụ bia!),

Con người thời nầy tương đối hiền lương, tin tưởng thần thánh, thường làm phước, xây cầu đắp đường thí nước, gặp ai cần chuyện gì thì giúp không nghĩ đến chuyện lợi lộc có được từ hành động của mình, tin tưởng rằng con người, kể cả các thú hay chằn tinh khi chết thì hồn còn lại, cần được cúng quải, lập miếu thờ, tin tưởng ở sự tống gió để hồn người chết thảm được siêu thoát…(cá cơm rượu thịt sẵn bày, tiểu thuyền một chiếc tống rày đưa xa).
 

Khi làm việc với bản văn ta gặp chữ ca (ở ca nội đền, trấn ca mộ tiền, ở ca một mình) suy đoán văn cảnh phối hợp với chữ ca tìm thấy trong truyện Phạm Công Cúc Hoa xưa ta có thể hiểu là trong, ở trong, ở tại… Từ làm xong cũng hiện diện vài ba lần, nhưng ta khó đoán nghĩa… Từ mấy chữ quá cổ đó ta có thể an tâm kết luận rằng quyển Thạch Sanh Lý Thông nầy ra đời trể nhứt là hai ba thập niên đầu của thế kỷ 19 nhưng không thể sớm hơn thời gian lên ngôi của Nguyễn Ánh.
 

Mặc dầu làm việc cẩn thận và cật lực, tôi không dám chắc mình không để lỗi nào khi phiên âm, chuyện sai xót chắc hẵn là phải có. Trong thời gian làm việc tôi đã nhờ người bạn học, GS Nguyễn Hiền Tâm, tối nghiệp Đại Học Sư Phạm Sàigòn góp ý cách đọc một số từ cho hợp với giọng Nam, xin bạn nhận nơi đây lòng biết ơn của tôi.

  

Nguyễn Văn Sâm 

(CA, 30 April, 2018- LA 20 Feb, 2019)

 
GHI CHÚ: 

THẠCH SANH LÝ THÔNG
Mời tham dự buổi nói chuyện với diễn-giả: Giáo-sư NGUYỄN VĂN SÂM về “TRUYỆN THẠCH SANH LÝ THÔNG: MỘT CÁCH NHÌN KHÁC” vào Chủ-nhật 26/5/2019 từ 2:00 giờ chiều -5:00 giờ chiều Tại VVH, 15355 Brookhurst St., Suite 222 Westminster, CA 92683 (714) 775-2050 // E-mail: info@viethoc.com 


 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nếu Donald Trump giành lại được Nhà Trắng vào tháng 11, năm nay có thể đánh dấu một bước ngoặt đối với quyền lực của Mỹ. Cuối cùng, nỗi sợ hãi về tình trạng suy tàn đã khiến cho người Mỹ bận tâm kể từ thời thuộc địa sẽ được biện minh. Hầu hết người Mỹ tin rằng, Hoa Kỳ trong tình trạng suy tàn, Donald Trump tuyên bố rằng ông có thể “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Nhưng tiền đề của Trump đơn giản là sai, và các biện pháp trị liệu được ông đề xuất đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ.
Đảng CSVN hay nói “Trí thức là “nguyên khí của quốc gia”, làm hưng thịnh đất nước, rạng rỡ dân tộc*; “Trí thức là vốn liếng quý báu của Dân tộc”; hay “Thanh niên là rường cột của nước nhà” , nhưng tại sao nhiều người vẫn ngại đứng vào hàng ngũ đảng? Lý do vì đảng chỉ muốn gom Trí thức và Thanh niên “vào chung một rọ để nắm tóc”...
Tây Bắc hay Tây Nguyên thì cũng chừng đó vấn đề thôi: đất đai, tôn giáo, chủng tộc… Cả ba đều bị nhũng nhiễu, lũng đoạn tới cùng, và bị áp chế dã man tàn bạo. Ở đâu giới quan chức cũng đều được dung dưỡng, bao che để tiếp tục lộng quyền (thay vì xét sử) nên bi kịch của Tây Nguyên (nói riêng) và Cao Nguyên (nói chung) e sẽ còn dài, nếu chế độ toàn trị hiện hành vẫn còn tồn tại...
Bữa rồi, nhà thơ Inra Sara tâm sự: “Non 30 năm sống đất Sài Gòn, tôi gặp vô số người được cho là thành công, thuộc nhiều ngành nghề, đủ lứa tuổi, thành phần. Lạ, nhìn sâu vào mắt họ, cứ ẩn hiện sự bất an, lo âu.” “Bất an” có lẽ không chỉ là tâm trạng của người Sài Gòn mà dường như là tâm cảm chung của toàn dân Việt – không phân biệt chủng tộc, giới tính hay giai cấp nào ráo trọi – nhất là những kẻ sắp từ giã cõi trần. Di Cảo của Chế Lan Viên và di bút (Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất) của Nguyễn Khải, theo nhận xét của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, chỉ là những tác phẩm “cốt để xếp hàng cả hai cửa. Cửa cũ, các ông chẳng bao giờ từ. Còn nếu tình hình khác đi, có sự đánh giá khác đi, các ông đã có sẵn cục gạch của mình ở bên cửa mới (bạn đọc có sống ở Hà Nội thời bao cấp hẳn nhớ tâm trạng mỗi lần đi xếp hàng và không sao quên được những cục gạch mà có lần nào đó mình đã sử dụng).”
Tập Cận Bình tin rằng lịch sử đang dịch chuyển theo hướng có lợi cho mình. Trong chuyến thăm Vladimir Putin tại Matxcơva vào tháng 3 năm ngoái, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói với Tổng thống Nga rằng “Ngay lúc này, chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi chưa từng thấy trong 100 năm qua, và chúng ta đang cùng nhau thúc đẩy sự thay đổi ấy.”
Sau 20 năm chiêu dụ Kiều bào về giúp nước không thành công, đảng CSVN lại tung ta Dự án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới” vào dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024. Đây là lần thứ tư, từ khi có Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26 tháng 3 năm 2004, một Quyết định nhằm mưu tìm đầu tư, hợp tác khoa học, kỹ thuật và tổ chức các Hội, Đoàn người Việt ở nước ngoài, đặt dưới quyền lãnh đạo của đảng CSVN được tung ra...
Khi số lượng di dân vượt biên bất hợp pháp qua biên giới Hoa Kỳ-Mexico tăng cao kỷ lục, câu hỏi quan trọng được đặt ra là: Làm thế nào mà Hoa Kỳ lại rơi vào tình trạng này, và Hoa Kỳ có thể học hỏi những gì từ cách các quốc gia khác ứng phó với các vấn đề an ninh biên giới và nhập cư. Chào đón công dân nước ngoài đến với đất nước của mình là một việc khá quan trọng để giúp cải thiện tăng trưởng kinh tế, tiến bộ khoa học, nguồn cung ứng lao động và đa dạng văn hóa. Nhưng những di dân vào và ở lại Hoa Kỳ mà không có thị thực hoặc giấy tờ hợp lệ có thể gây ra nhiều vấn đề – cho chính bản thân họ và cho cả chính quyền địa phương bởi tình trạng quá tải không thể kịp thời giải quyết các trường hợp xin tị nạn tại tòa án nhập cư, hoặc cung cấp nơi ở tạm thời và các nhu cầu cơ bản khác. Mà tình trạng này hiện đang xảy ra ở rất nhiều nơi ở Hoa Kỳ.
Trên vai những pho tượng trắng trong vườn Lục Xâm Bảo, lá vàng đã bắt đầu rơi lất phất. Mùa Thu Paris thật lãng mạn. Henry Kissinger đi dạo quanh một hồ nhỏ ở ngoại ô gần Rambouillet. Nơi đây từng cặp tình nhân đang nắm tay nhau bên những cành cây la đà bóng hồ. Ông thấy lòng mình nao nao (melancholic) vì sắp tới phiên họp quan trọng nhất với ông Lê Đức Thọ.
Tôi nghe nhiều người tỏ ý bi quan về hiện cảnh cũng như tương lai (đen tối) của Việt Nam. Dân tộc nào, số phận đó. Một đất nước có những người viết sử và làm luật (cỡ) như ông Dương Trung Quốc thì… đen là phải!
Việt Nam bước vào năm Giáp Thìn 2024 với gánh nặng tham nhũng và một đội ngũ “không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức lối sống. Đó là cảnh báo của người đứng đầu đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc phỏng vấn đầu năm của Thông Tấn Xã Việt Nam...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.