Hôm nay,  

CHIM HOA MAI

18/04/201914:53:00(Xem: 5352)
 
CHIM HOA MAI

Nguyễn Đại Thuật
 

Tôi dọn nhà về ở chung-cư nầy được hơn sáu năm. Nhà tôi ở từng cuối cùng, ba cửa sổ của phòng khách, phòng ngủ và nhà bếp đều nhìn ra một công viên nhỏ, có nhiều cây, phía bên kia công-viên là một trường mẫu giáo. Công-viên thật yên-tĩnh, ngoài tiếng nô đùa của học trò trong giờ ra chơi, thỉnh thoảng có tiếng chim cu gáy vang ra từ các cây cao.
Hai ngày sau khi tôi dọn nhà đến đây, buổi sáng, đang ở phòng rửa mặt bước ra, thằng cháu Rémy đứng bên cửa sổ phòng khách gọi, "Tonton, đến xem !" Tôi tiến đến đứng cạnh cháu, theo hướng tay cháu chỉ, tôi thấy một người đàn ông, một tay xách một túi nhỏ, một tay cầm một quả cầu thức ăn cho chim bọc bằng tấm lưới nhỏ đang nhón chân móc quả cầu thức ăn cành cây. Trên đầu ông lúc bấy giờ có nhiều chim se-sẻ nhà và một số chim nhỏ khác lượn qua lựợn lại. Khi ông rời đi nơi khác, một số chim dừng lại nơi quả cầu thức ăn ông vừa treo, một phần khác tiếp tục bay theo ông. Cứ như vậy ông tiếp tục đi đến hàng rào cây cạnh cửa sổ nhà tôi. Có lẽ nhìn thấy tôi và Rémy là người mới tới khu này, ông đưa tay vẫy chào và cũng vừa vẫy tay đuổi mấy con chim đòi ăn cứ nhào xuống đầu và cổ của ông. Tôi và Rémy chào lại. Đến khi quả cầu thức ăn vừa được treo lên bụi cây, đàn chim tụ vào tranh ăn, không còn làm cản trở, ông tiến sát cửa sổ, ông và tôi bắt tay nhau. Ông tự giới thiệu là Marco, ở lầu bốn cùng chung cư với tôi. Rémy trườn mình ra cửa sổ dang tay ra bắt tay ông. Thằng nhỏ hỏi Marco, “Ông ơi, cháu thấy ngoài chim se sẻ nhà, trong bầy chim bay theo ông có vài giống chim lạ, ông cho cháu biết tên được không ?”
Marco chỉ tay về hướng những con chim đang tranh ăn nói, “Ở đây, chim se-sẻ nhà nhiều nhất, đến chim se-sẻ đất có màu lông hơi đỏ, đến sẻ ngô lông hơi vàng, kế đến là sẻ hoa mai, giống như sẻ nhà, nhưng có lông màu vàng xanh, hót rất hay, sống cặp đôi; trong khu này có chừng mười cặp, loại chim này rất thân thiện với con nguời.”
Từ dịp đầu tiên quen biết hôm đó, hàng tuần, cứ mỗi sáng thứ bảy, chú cháu tôi lại có dịp nhìn thấy Marco đi rảo trong công viên cho chim ăn, lại có dịp trao đổi vài câu chuyện về mấy con chim. Ông than phiền có nhiều hôm lũ quạ và ác là săn đuổi bắt loài chim nhỏ để ăn, khiến chúng sợ hãi bỏ đi nơi khác, có khi đi vài hôm chim mới dám quay trở lại hoặc có khi đi luôn. Ông muốn thuốc chết mấy con chim ác độc nầy nhưng sợ phạm luật bảo vệ thiên nhiên. Rémy xin được theo ông cùng cho chim ăn những lần tới. Marco đồng ý.
Marco gốc người Bồ-đào-nha, cha mẹ ông di dân đến Pháp từ những năm 1960, làm nghề xây dựng nhà của. Ông đang học nửa chừng thì nghỉ học, xin vào quân đội Pháp vì kinh tế gia-đình của cha mẹ khó khăn. Ông bị thương trong cuộc chiến vùng Bắc Phi thuộc Pháp nên được giải ngũ, hiện đang làm việc về giấy tờ hộ tịch trong làng. Biết tôi cũng là dân bỏ nước ra đi như gia-đình ông, nên nhũng lúc gặp nhau ông có nhiều cử chỉ thân thiện. Theo lời ông, ông đã từng có vợ nhưng chỉ sống với nhau chưa quá ba năm sau ngày ông rời quân đội, vợ ông bỏ ông theo người khác. Hiện ông sống lẻ loi vì đại gia-đình ông sống rất xa Paris. Ông nói, ông rất thích chim, vì trong gia-đình ông đã có một người chú kinh-doanh về chim cảnh nên ông đã có dịp tiếp xúc với chim chóc khi còn bé xiú. N
Cái ý tưởng cho chim ăn trong công viên gần khu chung cư đến với ông rất tình cờ. Một buổi sáng mùa đông, từ lầu bốn của ông, nhìn ra cửa sổ, những cây cao không còn lá, cành cây nặng chĩu tuyết, những con chim không nơi trú ẩn, đứng chịu lạnh, thân run rẩy. Một vài con khác tụ dưới gốc cây đang rỉa, mổ ăn xác một con chim đã chết. Ông biết chúng đói. Chúng là loài chim sống tiếp cận với con người, không mấy khi rời xa nơi sinh sống quen thuộc để tìm ấm áp và thức ăn lúc mùa đông đến, và ngay sáng hôm ấy, ông quyết định đi mua thức ăn cho các con chim đói rét ấy.
Theo lời hứa của Marco, sáng hôm sau Rémy dậy sớm chờ Marco bấm chuông gọi cùng đi cho chim ăn. Rémy phụ Marco xách túi thức ăn. Thoáng thấy Marco từ xa, lũ chim từ đâu trong các cành cây lớn, bụi cây nhỏ túa ra theo sau hai người...Rémy nhanh nhẫu tranh luôn phần móc thức ăn lên cây của Marco...
Theo nhận xét của Marco, nhà của tôi ở tầng trệt, rất thuận tiện cho việc treo thức ăn bên cửa sổ cho chim, còn phòng của Marco ở tầng bốn quá cao, không hấp dẫn những con chim nầy. Hơn nữa, thành cửa sổ nhà tôi có trồng nhiều chậu cây kiểng là không gian quyến rũ lũ chim.
Từ ngày Rémy treo những quả cầu thức ăn bên ngoài của sổ, tôi có dịp quan sát các con chim đến ăn. Tôi phân biệt được con nào là sẻ nhà, sẻ đất, sẻ ngô, và chim (sẻ) hoa mai. Tôi có thể đứng sát người vào khung cửa kính, cách quả cầu thức ăn không xa mà lũ chim vẫn không sợ, vẫn thản nhiên ăn. Những con chim sẻ thường đánh nhau tranh chỗ để ăn. Riêng những con chim hoa mai thì chưa bao giờ tôi thấy chúng đánh nhau để tranh ăn cả. Chúng chỉ sà đến ăn khi lũ chim sẻ các loại không còn hiện diên và chỉ mỗi một cặp cùng ăn trên một quả cầu thức ăn. Ăn xong, từng cặp đậu trên mấy cây ớt kiểng tôi trồng trong chậu bên thành cửa sổ. Chúng đứng cạnh nhau, rỉa lông, tỉa cánh, đưa mỏ quẹt qua quẹt lại trông rất thân ái. Tôi không phân biệt được con chim hoa mai nào là con trống, con nào là con mái. Tôi sẽ hỏi Marco cách phân biệt một ngày nào đó.

blank

Mùa lễ Phục-sinh, Marco nhờ tôi cùng Rémy thay ông cho chim ăn, ông về xứ thăm gia-đình. Lần đầu tiên, có lẽ nhận ra tôi không phải là Marco, những con chim chỉ bay theo đậu trên vai, cổ, đầu của Rémy, chúng tránh xa tôi với thái độ e-dè. Chúng bay theo rất cao trên đầu tôi, hoặc đậu trên cây nhìn xuống, đầu lắc qua lắc lại quan sát.
Rồi mùa Phục-sinh qua đi, Marco vẫn còn ở lại quê nhà, không rõ lý do. Tôi và Rémy vần tiếp tục công việc cho chim ăn hàng tuần. Tuần lễ thứ ba, có lẽ nhận ra tôi không nguy hiểm, lũ chim bắt đầu bay theo trên đầu rồi sà xuống vai, cổ tôi. Sau khi treo hết những quả cầu thức ăn trên cây theo tiêu chuẩn mỗi tuần, hai chú cháu tôi ngồi phơi nắng trên chiếc ghế gỗ, bỗng có tiếng chim hoa mai hót trong bụi cây bên cạnh, tôi nhìn vào, từ trong bụi cây hai con chim hoa mai bay ra đậu trên vai Rémy. Thằng nhỏ tìm trong túi xách mấy hạt thức ăn vụn sót lại để trên bàn tay. Hai con hoa mai chuyền qua tay mổ nhũng hạt thức ăn, ăn hết chúng quẹt mỏ trên lòng bàn tay thằng nhỏ nhẹ nhàng như âu-yếm. Khi hai chú cháu tôi rời ghế về nhà, hai con hoa mai bay theo đến bên cửa sổ, chúng kêu lên mấy tiếng rồi bay đậu trên cây ớt kiểng bên thành cửa sổ. Rémy nói với tôi, “Chúng nó kêu chip chip nghĩa là gì chú biết không ?”, tôi còn đang ngơ ngác thì Rémy đưa tay vẫy về phía hai con hoa mai nói, “Chào tạm biệt đấy chú!” Vào nhà, Rémy mở cửa sổ nhà bếp. Hai con hoa mai vẫn còn trên cây ớt. Nhìn thấy Rémy, hai con hoa mai bay đậu trên bục cửa sổ, nhìn vào bên trong, đầu đảo qua đảo lại quan-sát, rồi nhìn nhau kêu chip chip. Rémy huýt gió, hai con hoa mai bay vào đậu trên nóc tủ lạnh, kêu chip chip, mắt đảo láo liên rồi kêu chip chip bay thẳng vào phòng khách đậu trên khung màng cửa. Suốt cả buổi sáng hôm ấy hai con hoa mai bay khắp nơi trong nhà quan sát, tỏ ra an tâm, không có gì nguy hiểm rồi bay ra ngoài.
Ngày hôm sau Rémy đi học, mọi người trong nhà đều đi việc riêng, tôi đang ngồi đọc báo nơi phòng khách, bỗng nghe có tiếng như ai gõ bên ngoài cửa sổ nhà bếp. Tôi nhìn ra, hai con hoa mai đang cùng mổ vào kính cửa. Tôi bật cười, “Hai đứa bây lại muốn gặp thằng nhóc tì Rémy ?" Tôi mở cửa sổ, hai con hoa mai bay đậu ngay thành cửa sổ, kêu chip chip, nhìn vào trong, đầu lắc qua lắc lại. Tôi hỏi, “Hai đưa bay tìm thằng nhóc tì Rémy phải không ?" Như hiểu được câu hỏi của tôi, hai con hoa mai đồng loạt mổ xuống thành cửa sổ cốc..cốc..
Tôi khoát tay, "Thằng nhóc đi học rồi, không có nhà.” Nói xong tôi trở lại phòng khách tiếp tục đọc báo. Mười phút sau, tai tôi vẫn còn nghe tiếng chip chip của đôi chim. Buổi chiều, tôi kể lại chuyện hai con hoa mai gõ cửa tìm Rémy, thằng nhỏ khoái chí mở tung cửa sổ nhà bếp, chưa kịp huýt gió gọi thì hai con hoa mai như chờ sắn đâu đó bay ghẳng đậu trên vai Rẻmy kêu chip chip.
Tôi nói đùa với Rémy, “Hai chúng nó nói chúng nhớ và chờ cháu suốt ngày hôm nay.”
Thằng nhỏ chu miệng kê nhẹ vào đầu một con hoa mai, “Có đúng vậy không bê-bi ?"
Hai con chim trả lời chip chip rồi một trong hai con mổ vào tai Rémy. Rémy cười nói với tôi,
“Tonton thấy không, chúng kéo tai cháu vì tội bỏ chúng một mình sáng nay”.
Tôi bảo Rémy, “Gần tối rồi, lo tắm rửa học bài, trả hai con chim cho nó về chổ ngủ của nó. “
Rémy tiến đến cửa sổ, nói với hai con chim,
“Hai đứa có nghe ton ton của tau nói chưa ? về chổ ngủ đi, ngày mai gặp lại.”
Hai con chim lại kêu chip chip, bay ra ngoài đậu trên cây ớt, nhìn vào bên trong. Rémy phải đưa tay vẫy ..vẫy đuổi, chúng mới chịu bay đi.
Từ ngày có hai con hoa mai làm bạn, Rémy không còn thường xuyên ngồi trước màn hình TV sau giờ học. Nó hay ra ngoài công viên chơi với hai con hoa mai quen thuộc, hoặc đôi khi hai con chim bay vào nhà chơi với nó.
Lúc ban đầu, lũ trẻ trong khu hiếu kỳ vây quanh Rémy mỗi khi nó xuất hiện ngoài công viên cùng lúc với hai con hoa mai, sau cùng chúng bắt chước Rémy cho chim ăn. Công viên dồi dào thức ăn nên chim quy tụ về rất đông, sinh hoạt cho chim ăn trở nên bình thường.
Sáu tháng sau ngày Marco nghỉ phép, ông trưởng làng cho biết Marco còn tiếp tục nghỉ việc cho đến khi nào cha ông qua được cơn bạo bịnh nguy hiểm. Tôi vì công việc bề bộn nên chuyện cho chim ăn chỉ còn một mình Rémy đảm nhận.
Mùa hè đến, năm nay Rémy từ chối không đi nghỉ hè tập thể của trường tổ chức. Thằng nhỏ lo cho hai con hoa mai khi phải xa chúng trên ba tuần lễ.

Một buổi sáng, tôi nghe Rémy huýt gió nhiều lần nơi cửa sổ nhà bếp để gọi hai con hoa mai, gọi gần năm phút vẫn không thấy hai con hoa mai xuất hiện. Rémy nóng ruột, mở cửa
chạy ra công viên. Những con se-sẻ, những con hoa mai khác vẫn bay sà trên người nó mỗi khi thấy nó xuất hiện, nhưng hai con hoa mai thân thiết, quen thuộc vẫn vắng bóng. Cả ngày hôm đó, và cả gần tuần lễ, Rémy thẩn thờ, buồn rầu, không muốn nói chuyện với ai. Tất cả mọi người đều thắc mắc không biết chuyện gì đă đến với hai con chim. Suốt ngày, dưới trưa nắng thằng nhỏ lang thang trong công viên, một mình, đi tìm chim.


Mùa hè, người ta đi nghỉ vùng núi, vùng biền hay đồng quê, công viên ít có bóng người. Toàn thân Rémy sạm nắng hơn những kỳ đi nghỉ hè tập thể. Cả nhà khuyên nó đi chơi xa ít ngày cùng gia-đình, nó không chịu. Mọi người đi, tôi đành phải ở lại nhà với nó.
Một buổi trưa, giờ cơm, chờ mãi không thấy Rémy về, tôi đi tìm. Quanh một vòng công viên, không thấy nó, tôi đi lần ra nông trại nuôi bò sữa... thì Rémy từ sau một thân cây lớn chạy về phía tôi reo vui, “Ton ton, cháu tìm thấy hai con hoa mai rồi.. cháu tìm thấy chúng nó rồi.” Thằng nhỏ níu cồ tôi, vừa thở vừa chỉ về một thân cây lớn. “Chúng có bốn đứa con...bốn đứa con.” Nó lôi tay tôi đến cạnh gốc cây chỉ lên trên cành lá. Bốn con hoa mai non đang đập cánh bay chuyền từ cành này sang cành khác, theo sau hai hoa mai cha và mẹ. Bốn con chim non cánh đập liên tục, miệng còn khoen vàng lúc nào cũng hả ra, kêu chip chip không ngừng. Một con hoa mai bay đi, một chốc sau bay trở về thì bốn con chim non bay về phía đó há mỏ ra, con hoa mai mớm thức ăn cho từng con một. Trong khi đó thì con hoa mai con lại đang ở tại chổ canh chừng chim con lại bay đi. Và chủng cứ tiếp tục như vậy. Tôi hỏi Rémy, “Sao cháu biết hai con hoa mai này là bạn của cháu?” Rémy không trả lời. Đợi đúng lúc hai con hoa mai còn ở với lũ con, Rémy huýt gió, tức thì hai con hoa mai cùng bay xuống đậu trên vai Rémy kêu chip chip, quẹt mỏ qua lại nhiều lần.
Mùa hè trôi qua thật mau. Rémy đã trở lại trường. Nhà không còn ai. Những chiều đi làm về sớm, tôi thường mở của sổ nhà bếp cho thoáng, vẫn thấy những loài chim sẻ và vài con hoa mai bay qua bay lại rồi xúm vào những quả cầu thức ăn. Tôi huýt sáo, không một con hoa mai nào bay đến gần hay bay vào bên trong..vẫn chưa trở lại. Rémy rất buồn, hy vọng hai con hoa mai sẽ trở lại. Buổi tối, trước khi hạ rèm cửa sổ nhà bếp, tôi thấy Rémy làm dấu thánh giá. Nó cầu cho hai con chim bạn trở lại? Rồi mỗi buổi trưa cuối tuần, đang ngồi nơi bàn ăn. Rémy vội bỏ chén bát chạy vào bếp.
Từ bàn ăn, tôi nghe có tiếng chip chip của hoa mai. Rémy reo vui, “Hai đứa nó trở về, ton ton, hai đứa nó đã trở về.”
Rémy xòe hai bàn tay đưa ra trước mặt. Hai con hoa mai đậu trên hai bàn tay vừa kêu chip chip, vừa quẹt, quẹt mỏ vào lòng bàn tay nó, tỏ vẻ mừng rỡ gặp lại bạn cũ. Tôi chợt hiếu, sau thời gian mấy tháng hai con hoa mai ra đi vào mùa sinh sản, xây tổ, sinh nở, nuôi con, nay các con đã trưởng thành tự lập, nên quay về chốn cũ. Gần như biết Rémy suốt ngày không có ở nhà, hai con hoa mai chỉ xuất hiện bên cửa sổ nhà bếp vào lúc Rémy từ trường học trở về.
Trưa chúa nhật, mọi người đang dùng cơm trưa bên ngoài có tiếng đánh nhau của các con chim. Tiếng quạ kêu, tiềng ác là kêu, tiếng chim sẻ, chim hoa mai kêu..tạo thành một âm thanh làm người nghe hoảng hốt. Mọi người ngừng ăn đến nhìn ra bên ngoài cửa sổ. Những chim se-sẻ và hoa mai nhiều vô số, vừa kêu vừa nhào vào tấn công mấy con quạ và ác là đang nhảy né tránh trên nền cỏ. Những con quạ và ác là né tránh và chỉ mổ tấn công lại khi có con se sẻ hay hoa mai nào chạm vào người chúng. Rémy nhoài người ra ngoài cửa sồ, vừa kêu, vừa vỗ tay để giải tán cuộc đánh nhau nhưng vô hiệu. Thằng nhỏ phải dùng hết giày dép trong nhà ném vào đám đánh nhau mới giải tán được. Những con quạ và ác là bay đi đã cắp trên mỏ những con mồi bắt được trong trận chiến. Bữa cơm trưa gia đình hôm đó không vui vì Rémy buồn rầu lo lắng về số phận hai bạn chim hoa mai của nó. Hai ngày sau, công viên không có tiếng chim kêu, không có bóng chim xuất hiện. Ngày thứ ba, trước khi đi học Rémy mở cửa sồ, một con hoa mai đã đậu chờ sẵn trên cây ớt. Cửa mở, con hoa mai bay thẳng lên nóc tủ lạnh, mỏ nó tha một chiếc lông hoa mai, hai cánh chim bị xệ xuống vẻ đau đớn, nhìn Rémy
Nhìn ra bên ngoài không thấy con hoa mai còn lại. Rémy hỏi, “Bạn của mày đâu không thấy?” Con hoa mai vẫn đứng yên, thả chiếc lông khỏi mỏ, mắt nhắm như ngủ.
Tôi nói với Rémy, “Con chim đang bị thương chắc do trận đánh nhau với lũ quạ và và ác là hôm trước, chỉ có một con, còn con kia đâu ?” Hai chú cháu còn thắc mắc về sứ vắng mặt của con hoa mai thì chiếc lông chim từ trên tủ cao rơi xuống đất. Tôi nhặt chiếc lông đưa cho Rémy xem, “Đây có thể là chiếc lông cánh hay lông đuôi của chim hoa mai. Tôi suy diễn thêm.
“Đây chắc là lông của bạn đời con chim này. Hôm trước, một con quạ hay con ác là bắt được bạn đời của con này, con chim nầy tấn công để cứu bạn của mình, nhưng chỉ giành được chiếc lông này.” Rémy nhặt chiếc lông để bên cạnh con hoa mai. Nó làm dấu thánh giá, rồi buồn rầu xách cặp đến truờng.
Hai ngày liền con hoa mai không ăn uống những thức ăn Rémy để bên cạnh. Nó không kêu một tiếng nào, không bay ra ngoài. Nó đứng một chổ cách biệt trong nhà trong khi những con se-sẻ, những con hoa mai khác đã bắt đầu tập trung quanh những quả cầu thức ăn. Những tiếng kêu, tiếng đập cánh, tiếng tranh nhau ăn của lũ chim bên ngoài khọng làm con hoa mai bên trong mở mắt nhìn ra. Hai cánh nó bắt đầu xoè ra, trễ xuống, nó không đủ sức thu hai cánh phủ thân.
Đến nửa khuya, tôi nghe nó bắt đầu kêu chip chíp thật lớn liên hồi, ảo nảo như than khóc, rồi nhỏ dần, đều đều buồn thảm theo tiếng tic-tắc của đồng hồ báo thức trên bàn học của Rémy.
Khi thức dậy tôi không còn nghe tiếng chim kêu.
Tôi vào nhà bếp, trên đầu tủ lạnh con chim không còn đó. Trên nền đất, con hoa mai nằm chết sãi cánh, đầu nghiêng một bên, miệng mở ra, hai bên mép có vết máu khô đọng lại. Tôi đánh thức Rémy, kéo nó vào bếp. Nó sững sờ một chốc, rồi ngồi xuống, hai bàn tay ấp trên thân mình con hoa mai, tôi nhìn thấy hai vai thằng nhỏ rung lên..nó đang khóc. Rồi nó đứng dậy, thẩn thờ lấy giấy gói con hoa mai cho vào hộp nhựa đựng thức ăn, tay cầm thêm con dao, nó nói với tôi, “Cháu muốn chôn nó bên gốc cây mận hoang bên ngoài cửa sổ phòng khách.”
Tôi theo giúp Rémy đào lỗ. Nó để cái hộp nhựa vào, không quên phủ lên trên một tờ giấy nhôm trước khi lấp đất. Tôi quay trở vô nhà, Rémy còn đứng lại làm đấu thánh giá.

blank

Mùa hè, mùa thu qua thật nhanh. Mùa đông lại đến với tuyết phủ đầy mọi nơi. Rémy đã vào trường Trung học. Nó không còn cho chim ăn hàng tuần như trước đây. Đã những người bạn nhỏ của nó trong chung cư thay thế làm việc này. Và rồi mùa xuân lại đến. Cây có lá trở lại. Cỏ trong công viên phủ xanh nền đất và lối đi. Hoa bồ công anh nở rộ, điểm vàng cho nền cỏ xanh. Có một khóm bồ công anh mọc lẻ loi bên gốc mận hoang nơi Rémy đã chôn con hoa mai, nở ba hoa vàng chói. Rémy nói với tôi, “Con hoa mai đã được tặng hoa!” Tôi hỏi lại, “Ai tặng?” Thằng nhỏ không trả lời, lấy ly nước đầy vẫy vào bụi hoa.
Đời sống của hoa bồ công anh rắt ngắn, nở khoe sắc chỉ sau ba ngày thì bắt đầu tàn. Trước khi tàn hẳn còn có khoảng mươi ngày để cánh hoa nhạt dần khép lại với nhau thành hình cầu màu trắng mong manh, gặp cơn gió thoảng qua cánh hoa vỡ ra bay tung trong gió. Ba cánh hoa vở ra bay tung trong gió. Ba hoa bồ công anh bên cây mận hoang cũng đã bắt đẩu kết lại hình cầu.

Ông trưởng làng nhắn tôi ra văn phòng gặp ông để nhận tin của Marco. Hơn hai năm trôi qua tôi không có tin rõ ràng về ông ta. Ông trưởng làng trao cho tôi một bì thư nói là của Macro gởi về và kể tin mới nhất về Macro. Vài hôm trước đây sau khi đi ra bưu điện gởi thư cho bạn bè, trên đường về Macro đi băng qua một công viên. Khi mải trèo lên cây treo những quả cầu cho chim ăn, Marco bị hụt chân, rơi từ một cành cây gãy, bị chấn thương đầu, khi được đưa vào nhà thương vài ngày thì Marco qua đời.

Tôi bồi hồi xúc động nói vài lời chia buồn với ông trưởng làng và những viên chức cùng làm việc với Marco trước đây. Tôi nhìn bì thư Marco gởi, thư có mấy giòng chữ nhờ tôi chuyển lại cho Rémy.
Khi về đến nhà, Rémy đang có mặt ngoài cửa sổ bên gốc cây mận. Tôi báo cho nó về cái chết của Marco. Nó há hốc mồm nhìn tôi tỏ vẻ không tin lời. Tôi xác nhận lại lời tôi nói là thật. Nó ngồi bệt xuống đất, cúi đầu im lặng.
Tôi đưa phong thư cho nó, "Ông Marco có thư cho cháu. Thư gởi cùng trong ngày ông ta bị nạn.” Nó vụt đứng dậy, chạy đến nhận thư. Đà chạy của nó tạo ra sức gió làm ba cầu hoa bồ công anh vỡ tung bay tung toé lên không.
Nó đọc thư cho tôi cùng nghe, “Rémy lúc nầy chắc lớn hơn lúc còn chú bên cạnh. Chắc là cháu đã làm thân được với hai con hoa mai trong bầy đàn trong công viên cạnh nhà. Hai con hoa mai này đặc biệt hiếm thấy. Chúng rất quyến luyến chú, rất thân thiện với con người. Một khi chúng vào bên trong nhà mình rồi thì nhà mình là nhà của chúng, người thân trong gia đình mình là người thân của gia đình chúng. Thời niên thiếu của chú, chú đă từng chung sống với những con hoa mai như vậy. Chú tin rằng cháu đã tìm được tình bạn với đôi chim hoa mai trong công viên gần nhà. Con nguời có thể bỏ rơi hay giết chúng, nhưng các con chim này không bao giờ bỏ con nguời hay làm hại con nguời. Chú muốn cháu kể cho chú biết về chuyện của đôi chim hoa mai này.”
Rémy ngước mặt nhìn tôi. Có những giọt nước mắt lăn trên gò má. Tôi nghe nó nói, "Chú ơi, cháu muốn kể cho chú Marco chuyện hai con hoa mai nầy, nhưng chú ấy đâu còn để nghe những gì cháu sẽ kể?”
Những cánh hoa bồ công anh vừa bay lên từ gốc cây mận hoang, bao quanh người Rémy, cứ tiếp tục bay cao, màu trắng cao vút nhạt dần trong nắng chiều đang xuống. Rémy quay nhìn lại gốc cây mận, làm dấu thánh giá. Nó nhìn lại bụi cây bồ công anh, những cánh lá xanh đã chuyển qua màu xanh đậm. Ba hoa bồ công anh đã vỡ, đã bay cao. Nó nghĩ đến chốn Thiên đàng theo kinh Chúa dạy, một nơi bình yên sau sự chết. Nó lặng lẽ quay vào nhà. Trước mắt nó, một khoảng trời lung linh chiếu sáng... Thiên đàng của Chúa.. Nó nhìn thấy chú Marco đang rảo bước, trên đầu hai con hoa mai đang sà cánh bay theo....Trong đầu nó, cái ý định tiếp tục cho chim ăn lại xuất hiện.. Nó hy vọng sẽ tìm được những bạn hoa mai mới. Nó không kể lại nhưng từ Thiên đàng, chú Marco sẽ nhìn thấy.

Nguyễn Đại Thuật
Paris, tháng 4/2019.




Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
John Wu đã diễn tả thật khéo trong cuốn "Đông Gặp Tây" về ba đạo sĩ theo dấu sao lạ tìm đến Bê-Lem dâng vàng, nhũ hương và mộc dược cho Đấng Cứu Thế
Thoạt nhìn bên ngoài người ta chỉ trông thấy một cơ sở rất khiêm tốn, không nguy nga đồ sộ như những ngôi chùa lớn
Từ một tháng nay, tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã làm dư luận xôn xao
Ngày 31/12/2007 ông Vũ Dũng, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia đến biên giới tỉnh Lào Cai để chủ tọa một buổi lễ
Sự việc Trung Quốc tuyên bố thành lập Huyện Tam Sa để quản trị quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vốn thuộc chủ quyền Việt Nam
Tết Nguyên Đán sắp đến,  năm cũ sắp qua đi, đây cũng là dịp để chúng ta kiểm điểm lại một năm qua mình sống như thế nào
Nghị quyết ngày 26 tháng 3 năm 2004  viết rằng: “DDảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời
Sau hơn ba mươi năm sống Hoa Kỳ, người Việt ta đã hội nhập ngày một nhiều hơn vào đời sống chính trị Mỹ, để tham gia nhiều cuộc bầu cử chính trị
Dù đã có sự thu xếp trước từ ban tổ chức trung ương Đảng, dù đã có đàn anh Trung Quốc chấp thuận, tình hình nhân sự nội bô Đảng trước ĐH X
Vấn đề mà cả hai bạn thường thắc mắc với tôi đã có câu trả lời rồi đấy. Hai chủ nhật vừa qua, những gì đã xảy ra trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.