Hôm nay,  

Nói Thêm Về Câu Chuyện “Oan Gia Trái Chủ”

25/03/201910:03:00(Xem: 5681)
NÓI THÊM VỀ CÂU CHUYỆN “OAN GIA TRÁI CHỦ”
 
THÍCH THANH THẮNG


Trong nghi lễ Phật giáo Việt Nam có nghi thức tiếp linh, triệu linh, cúng cơm cho hương linh. Nghi thức này phổ biến trong tất cả các nghi lễ độ âm, phù hợp với phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt.

Nếu nói cho đầy đủ (xét ở phương diện giáo lý) thì đạo Phật không có cầu an cầu siêu, không có lập chùa thờ ảnh tượng, thời Phật cũng không có ăn chay, càng không có tuần cúng thất và cúng 49 ngày...

Tuy nhiên, trong giáo lý của cả hai hệ truyền thừa đều nói đến nhân quả nghiệp báo, luân hồi tái sinh.
 
Từ những lời giảng trên, khi đạo Phật truyền bá vào mỗi dân tộc mà nó được gia giảm thêm bớt cho phù hợp với mỗi truyền thống văn hoá, nhưng vẫn không ra ngoài tinh thần cốt lõi của Phật giáo là hộ quốc an dân, cứu khổ ban vui. 
 
Quá khứ lịch sử Việt Nam, Trung Hoa còn khuyếch trương tinh thần tam giáo đồng nguyên (Phật, Lão, Nho cùng một nguồn cội). Thế nên di sản văn hoá chùa chiền Việt Nam hiện nay trên điện Phật có thờ đủ cả tam giáo, sau đó là tín ngưỡng tứ phủ (đạo Mẫu) cũng xuất hiện trong chùa chiền Phật giáo.
Những di sản từ quá khứ này còn phù hợp hay không, theo thời gian sẽ tự điều chỉnh thậm chí đào thải, nhưng nó vẫn là một thực thể văn hoá tồn tại, mà kết luận tích cực nhất ở đây chính là nhờ tinh thần ấy mà phương Đông không có chiến tranh tôn giáo, dù trong lịch sừ nó vẫn thúc ước lẫn nhau.
Văn hoá tín ngưỡng thờ cúng trên đã trở thành một phần của di sản văn hoá Phật giáo Việt Nam. 
 
Việc cúng linh, triệu vong trước đây ở các chùa chiền miền bắc diễn ra trong nghi thức cúng 49 ngày. Ban đầu một số nơi còn có triệu hồn, một nghi thức mà các thầy pháp hay làm. Khổ nỗi tâm lý của dân ở đâu triệu được vong về tá khẩu thì mới “thiêng”. 

Sau này chùa chiền có sư tu hành, những nghi thức gọi hồn lên cho vong nói những điều chưa thoả nguyện dần bị lược bỏ, hạn chế. 

Khi ấy các Hòa thượng chỉ cho giữ nghi thức cúng 49 ngày, triệu linh về để quy linh và nghe kinh thôi. Các Tổ dạy nếu để vong hồn tá khẩu nhập vào người sống phán bảo sẽ gây nhiều hệ luỵ mâu thuẫn gia đình. Cụ thể, nếu người ta giả bị vong nhập nói chuyện yêu qúy người này ghét bỏ người kia, hay liên quan đến phân chia tài sản thì mâu thuẫn càng lớn. Những thầy nào còn duy trì điều này để loè bịp chuyện triệu được vong về là hành tà pháp. Thời Phật, Phật có đủ tam minh lục thông, nhưng vẫn cấm thi triển thần thông phép lạ.
 
Cũng như vậy, trước nay đạo Mẫu khi lên đồng họ phán bảo đủ điều gây ra hệ luỵ hoang mang, nay đa số họ chỉ tá khẩu chúc phúc và chứng lễ chứ không phán bảo gì.
 
Thế còn với nghi thức giải oan bạt độ vong linh, vì trong kinh có nói đến con người có nhiều hình thức bị chết oan uổng, không thể siêu thoát, lạc vào cảnh giới ngã qủy, súc sinh..., nên phải giải oan bạt độ.
 
Từ dùng “oan gia trái chủ” trong Phật giáo cũng xuất phát từ Từ bi thuỷ sám. Những ý nghĩ tàn độc, những hành vi tàn độc, những câu nói tàn độc kết thành các nghiệp oan trái. Ví dụ vì lời nói nguyền rủa cay độc của mình mà họ tự tử chẳng hạn. Các nghiệp do thân do khẩu do ý gây ra kết thành oan trái nơi thân mình, ví dụ sinh ra các bệnh nan y, bị các chứng tật chữa mãi không lành, hay cứ nằm ốm bệnh dày vò mãi không thể chết được.
 
Phép sám hối nghiệp chướng kia dù không giúp bệnh nhân giải được nghiệp, chữa khỏi bệnh đi nữa cũng giúp họ từ đó về sau bình thản, hạn chế tạo thêm các nghiệp nơi thân khẩu ý. Nếu được hội chúng tăng ni, phật tử gia trì thêm thì hiệu quả càng lớn. 

Chùa Ba Vàng không sai nếu chỉ vận dụng phép triệu thỉnh vong linh thụ phan về chùa nghe kinh, sám hối. Nhưng chùa Ba Vàng đã sai khi cho oan gia trái chủ tá khẩu nhập vào người cụ thể phán bảo về nguyên nhân kiếp nọ kiếp kia hay ra giá tiền để giải nghiệp.

Nghi thức giải oan cắt kết có trong khắp các chùa chiền Phật giáo miền Bắc. Nhiều gia đình dòng họ có người chết oan khuất đều thực hiện nghi thức này. Tuỳ theo điều kiện kinh tế của gia chủ, tuỳ theo quy mô đàn tràng kéo dài các nghi thức trong 3 ngày hay 7 ngày, tuỳ vào lượng khách mời và cúng dường thỉnh tăng mà đàn tràng có thể lên đến vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ.

Thầy trụ trì hoàn toàn có thể ước định quy mô theo tâm nguyện của gia chủ mà nói đến kinh phí, vì đây là tâm nguyện gia chủ không ai ép buộc.


Câu chuyện thỉnh oan gia trái chủ chùa Ba Vàng cũng không khác việc các nhà ngoại cảm triệu hồn nghe vong nói chuyện một thời, cũng không khác câu chuyện của Đại đức Thích Giác Nhàn ở Lâm Đồng khi trước.

P/s: Khi xử lý vụ việc, Giáo hội nên phân định rõ ràng cái gì là nghi thức phổ biến và cái gì là biến tướng của nghi thức. Tránh tình trạng báo chí quá đà mượn chuyện công kích vào hệ thống giáo lý nhân quả, nghiệp báo, luân hồi vốn dĩ rất nhân văn của Phật giáo, bởi từ đó nếu không khéo, chính báo chí lại xâm phạm quyển tự do tín ngưỡng của người khác.

  
ĐĂNG THÊM NGÀY 25/3:
Vừa đọc bài phỏng vấn Thượng toạ Thích Thanh Quyết trên Vietnamnet về vụ việc chùa Ba Vàng, ngoài những chuyện rườm ra không đáng có, thì ít nhiều tính “chuyên nghiệp” trong một vụ khủng hoảng truyền thông đã xuất hiện: chưa có kết luận chính thức không thể tuỳ tiện trả lời...
 

Nên áp dụng nguyên tắc luận sự bất luận nhân khi chưa có sự “nhận tội” của đương sự. Ở ngoài đời, ngay cả khi một vụ án được khởi tố, khi chưa có tuyên án của toà, với nguyên tắc “suy đoán vô tội”, đương sự vẫn chưa phải phạm nhân. Mọi công kích, chửi bới cá nhân đương sự đều vi phạm quyền công dân.
 
Ở trong đạo, khi một vị tăng bị nghi phạm tội, chư tăng yết ma, bao giờ cũng phải có mặt đương sự, nếu trên tinh thần là một tỳ kheo, người xuất sĩ, lấy tự giác làm bản hoài, lấy hổ thẹn làm liêm sỉ, thì đương sự sẽ tự nguyện nhận tội và tuỳ vào tội phạm phải mà cho phép sám hối hay không. Nếu đương sự không nhận tội, không thể ép tội, bằng chứng xử lý ra sao tuỳ thuộc hoàn toàn vào trí tuệ của tăng đoàn.

Ở trên thế giới, có không ít vụ việc truyền thông bị kiện ngược, nếu kết quả của các thông tin đưa ra không chính xác, thiếu khách quan và công bằng.
Vì thế khi Giáo hội tiếp nhận mọi thông tin đến từ các cơ quan truyền thông, báo chí (kể cả là Đài Truyền hình Quốc gia) thì cũng phải thận trọng xét đoán, yêu cầu báo cáo từ địa phương và mọi báo cáo kết luận từ địa phương phải có ý kiến giải trình, thậm chí bảo vệ của đương sự.

Khi đương sự đưa ra các lập luận không thuyết phục mà giáo hội địa phương không thể có đầy đủ kiến thức trí tuệ để xử lý thì xin ý kiến cấp cao hơn. Cụ thể đương sự là Uỷ viên dự khuyết Hội đồng Trị sự thì HĐTS họp giải quyết.

Khi chưa có kết luận của HĐTS thì mọi phát biểu phải tuân thủ nguyên tắc xét đoán vô tội.

Không nên vừa thấy báo chí ầm ầm thì Giáo hội cũng “sân si” kiểu “sẽ xử lý nghiêm”, “ông ấy nhiều lần phải sám hối”, không có “thỉnh oan gia trái chủ (nếu họ nói đúng từ triệu linh, giải oan cắt kết thì sao), “không có trong giáo lý”, “truyền bá mê tín dị đoan”...

Giáo hội đã lập quy chế phát ngôn, vậy khi xảy ra khủng hoảng truyền thông, ai được phép phát ngôn? Tất cả các phát ngôn không chính thức của các thành viên Giáo hội gây nhiễu, quy kết khi chưa có kết luận của HĐTS đều phải bị xử lý kiểm điểm. 

Giáo hội có Ban Tăng sự, Ban Pháp chế, Ban Kiểm soát, tất cả phải cùng vào cuộc. Kể cả khi có dấu hiệu hình sự, giáo hội cũng có một cuộc điều tra độc lập để bảo vệ các thành viên của mình nhằm giảm nhẹ ở mức thấp nhất có thể.

Bên cạnh đó, sự việc chùa Ba Vàng, nếu không có đơn thư tố giác cụ thể của các bị hại liên quan đến việc thỉnh oan gia trái chủ thì đó hoàn toàn là chuyện nội bộ diễn ra trong khuôn viên chùa. Cần làm rõ số tiền Phật tử đóng góp cho việc chữa bệnh thỉnh oan gia trái chủ xem họ có tự nguyện sau khi vong nhập ra giá hay không? Có ai bị mất tiền vị việc đó mà ấm ức không khỏi bệnh hay không? Số tiền đó vị trụ trì sử dụng vào mục đích thiện nguyện hay không?...

Tất cả các phát biểu nếu có từ phía Giáo hội nên ôn hoà, chừng mực, nhân văn thể hiện bản chất xử lý của tăng già, không nên có thái độ doạ dẫm, sân si...
Hy vọng đúng trên tinh thần tăng già hoà hợp, vụ việc chùa Ba Vàng được HĐTS họp xử lý vào ngày mai 26/3 cũng thể hiện tinh thần lắng nghe dư luận, khách quan và công bằng.
 

P/s: Bằng trực cảm cá nhân, nhất là từng tiếp xúc với thầy Thích Trúc Thái Minh tôi tin thầy không như những gì truyền thông cắt cúp nói. Ở một nơi phên dậu của tổ quốc, một trí thức xuất gia như thầy, còn bao nhiêu Phật sự khác lợi ích cho số đông cần thầy làm, hãy xem vụ thỉnh oan gia trái chủ là một sai lầm cần kinh nghiệm sửa chữa, bởi dù gì đã làm động niệm đến tăng già thì cũng nên thành tâm sám hối.

  
(SOURCE:  https://www.facebook.com/loaihoa.ngonngu?epa=SEARCH_BOX )


Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Vì thời tiết ẩm ướt đang đến, các giới chức tiểu bang và liên bang thúc giục cư dân tiểu bang California bị ảnh hưởng bởi hỏa hoạn năm 2007
Sau năm 1975, bộ đội Bắc Việt thường khoe với nhân dân miền Nam về kỹ thuật chiến đấu cao độ của các phi công Bắc Việt là "máy bay của ta
Trong một thông cáo báo chí phổ biến ngày hôm 3-12-2007, Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (Đảng Việt Tân) đã tố giác nhà cầm quyền CSVN
Theo bản tin khẩn cấp ngày hôm Thứ Hai, vào hồi 11 giờ 20 phút công an TP Sài Gòn phối hợp cùng công an quận Gò Vấp
Từ giữa năm 2006 đến cuối năm 2007, Hà Nội đã tạo được nhiều thành công trên lãnh vực thương mại và bang giao quốc tế
Theo tin của anh Huỳnh Hữu Nhiều, bào đệ TT Thích Thiện Minh thì dưới sự điều động của Trung tá CA Huỳnh Thanh Tứ, phó CA thị xã Bạc Liêu
Hiến pháp là luật cơ bản của Nhà nước, là luật pháp tối cao của quốc gia, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Hiến pháp đề ra chính thể của quốc gia
Trong tuần qua, dư luận thế giới đặc biệt chú ý tới phản ứng giận dữ của Chính quyền Bắc Kinh sau khi đức Đạt Lai Lạt Ma của dân tộc Tây Tạng
Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp, Việt Minh thừa cơ nước đục thả câu phục kích đám tàn quân Pháp chạy trốn sang Tầu tịch thu được nhiều súng đạn
Tôi thực sự không thoải mái khi thấy ông Scott Marciel, Phụ tá Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao đặc trách về Đông Á phát biểu trong cuộc điều trần trước Tiểu ban
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.