Hôm nay,  

Trò Chuyện Với Phan Ni Tấn Qua Có Một Thời Ở Quê Hương Tôi

24/03/201923:08:00(Xem: 5989)
blank
 
TRÒ CHUYỆN VỚI PHAN NI TẤN QUA
CÓ MỘT THỜI Ở QUÊ HƯƠNG TÔI
  
Doãn Khánh

(LTS: Bài viết sau đây là của nhà văn nữ Doãn Khánh (thứ nữ của nhà văn lão thành Doãn Quốc Sỹ). Phân tích về tuyển tập truyện ngắn của nhà văn Phan Ni Tấn.)
  1. Chuyện Tình Xẻo Rô

Nhân vật chính trong câu chuyện tình này là thủy thủ Đỗ Đồng Chiếc, người dường như sinh ra dưới ngôi sao “thất tình”. Khi đến ấp Xẻo Rô, anh là một người thất tình. Khi rời Xẻo Rô, anh tiếp tục là người thất tình. Lần thứ hai, anh thất tình với cô Hõn, một cô gái người Tiều với nụ cười “tỏn tẻn’ và “cái răng khểnh dễ thương”. Lý do thất tình là vì gia đình người Tiều không bao giờ gả con gái cho trai Việt. Vì nỗi éo le này mà gia đình cô Hõn dọn đi Cà Mau và thủy thủ Chiếc thì xin đổi ra đơn vị tác chiến để lăn xả vào các chiến trường ác liệt. Nhưng bom đạn hình như “chê” không lấy mạng kẻ thất tình. Sau năm năm, thủy thủ Chiếc vẫn “sống phây phậy”, quay về Xẻo Rô với niềm yêu vẫn đằm thắm như xưa, nhưng anh không tìm được người xưa. Năm 1975, anh theo đơn vị xuống tàu ra khơi và cuối cùng định cư ở Pháp.Từ đấy anh tiếp tục sống cuộc đời độc thân cho đến một ngày nọ, 40 năm sau, định mệnh khiến anh gặp lại chú họ của cô Hõn và chính cô Hõn. Ngày ấy anh biết được rằng, như anh, cô vẫn độc thân. Đồng thời anh cũng hay tin cô Hõn bị ung thư máu, thời kỳ cuối.

Câu chuyện tình này được kể không theo thứ tự thời gian. Bắt đầu truyện, thủy thủ Chiếc về lại Xẻo Rô để thấy ấp này hoàn toàn vắng bóng cô Hõn và gia đình. Rồi trở lại năm năm về trước, độc giả hay chuyện hai người yêu nhau nhưng bị chia uyên rẽ thúy. Rồi mới đến biến cố năm 1975 đưa đẩy thủy thủ Chiếc đến cuộc sống ở Pháp.Cuối cùng là cuộc gặp gỡ định mệnh 40 năm sau ở Pháp. Chuyện khởi đầu từ quá khứ, đi ngược lại quá khứ xa hơn, rồi trôi tới tuồn tuột như một chiếc xe tụt dốc không thắng. Hình như tác giả cố tình làm độc giả ruột rối bời bời.

Cảnh đoàn tụ cuối truyện không“mừng mừng tủi tủi” như độc giả chờ đợi. Chỉ có câu người chú tiết lộ về căn bệnh hiểm nghèo của cô Hõn bằng một giọng vô cảm. Chắc hẳn ông muốn chừa chỗ cho độc giả tự chiêm nghiệm lòng chung thủy của hai người yêu nhau trong hoàn cảnh nhiễu sự của xã hội và gia đình Việt. Rồi để mặc họ tự mường tượng nhát búa đau thương cuối cùng sẽ kết liễu ra sao vừa mạng sống cô Hõm vừa một cuộc tình vốn lở dở từ đầu tới cuối. Ồi đời! Ôi tình!

 

  1. Đập Vỡ Cây Đàn

Trên chuyến tàu Vĩnh Phước từ Rạch Sỏi có một đám đông thật đa dạng. Có cô Ba Khả Khiếm dịu dàng, cởi mở, thiệt tình, đôn hậu lại giỏi bếp núc, đảm đang việc buôn bán. Có thằng Lục Lăng ma lanh nhất nhưng vẫn tốt bụng cùng một đám bạn thanh niên hồi đó học cùng lớp với cô Ba. Có một anh thương phế binh“tàn dư chế độ cũ” giỏi đàn hát và chịu trình diễn. Nhiêu đó đủ tạo một chương trình nhạc yêu cầu sôi nổi.

Tuy nhiên, không đồng thanh tương ứng với đám đông là một tên công an áo vàng. Hắn nhào vào gầm lên đòi đập vỡ cây đàn của anh thương phế binh. Mỉa mai thay, bài hát được hoan nghênh nhất tên “Đập Vỡ Cây Đàn”. Tàn nhẫn và nực cười thay, khi tàu cặp bến thì anh thương phế binh bị bắt và cây đàn bị đem nhốt!

Truyện được viết khoảng năm 1977 nên có không khí, nhân vật và nhiều từ vựng đặc trưng của thời đó: công an áo vàng hung hăng, thương phế binh bị coi là “tàn dư”, luật pháp lỏng lẻo đến độ thanh niên xung phong có thể giải cứu người tù.

Ngoài phần chính yếu có liên quan tới tựa đề truyện, còn có phần viết thêm về cô Ba Khả Khiếm và ông chồng cựu sĩ quan, cùng lời xì xào của thiên hạ rằng “sĩ quan gốc núi sức mấy mà với tới cô Ba” hoặc “Thằng chả (chồng sĩ quan của cô Ba) hên thiệt à nghen. Chắc kiếp trước có tu.” Phần này chắc chắn cũng quan trọng không kém vì cô Ba Khả Khiếm chính là vợ của tác giả Phan Ni Tấn. Đương sự Phan Ni Tấn cũng chính là một sĩ quan.

 

 blank

  1. Mình Dìa Tắc Cậu

Câu truyện này làm cho tôi lúng túng khi tìm cách điểm nó.Tôi có cảm tưởng tác giả chỉ bâng quơ viết xuống những ý nghĩ bất chợt đến mà không có nhã ý ghép vào thành một câu truyện. Tôi cũng ngờ rằng tác giả dựa vào thuyết luân hồi để nói lên điều gì đó.

Cuối cùng, vì vẫn lúng túng, tôi quyết định sắp xếp những chi tiết trong bài viết như sau, rồi sẽ năn nỉ tác giả soi sáng thêm.

-        Nhân vật:      

  • ông Hoàng A Lềnh với sở thích nuôi gà chọi và chơi đồ cổ.
  • cụ Vương Đông: nhà sưu tầm đồ cổ, bạn tâm giao của ông Hoàng A Lènh
  •  Cu Lơ (cháu nội ông Hoàng A Lềnh) hay đi sưu tầm đồ cổ với ông nội, đem lại sự may mắn cho ông nội.

-        Địa điểm:

  • Cù lao Tắc Cậu, cách thị xã Rạch Giá 20 cây số - nơi ở của ông Lềnh thời còn buôn bán.
  • An Biên, Rạch Giá: Nơi ở của ông Hoàng A Lềnh khi về già.
  • Bãi Xàu, Sóc Trăng, chỗ ở của nhà sưu tập đô cổ Vương Đông (bạn của ông Lềnh)

-        Diễn tiến câu chuyện:

  • Ông Hoàng A Lềnh chuẩn bị đi cù lao Tắc Câu với cháu nội, cu Lơ.
  • Sau một chuyến đi thăm bạn Vương Đông, ông Hoàng A Lềnh ốm liệt giường, mơ thấy mình đang là núi bỗng biến thành sông, có xác mình trôi về quá khứ.
  • 1802: Gia Long thiết lập kinh đô Phú Xuân, thành lập thành Thái Giám
  • 1806: Ông Lềnh tình nguyện vào đoàn tiểu thái giám lấy tên là A Vỹ
  • 1784: Gia Long làm tiệc đưa Hoàng Tử Cảnh theo Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện. Ông Lềnh bưng trà sứ tiến vua, bị hoàng tử đụng phải làm bể chén ngọc và bị tống vào ngục thất và bị chặt đứt ngón tay út.

-        Quá khứ:

-        Trở về hiện tại:

  • Ông nội mua được cây bút đời Sùng Chính với giá hời.
  • Cháu nội của ông ăn quá nhiều khóm nên bị Tào Tháo rượt.

Bây giờ đến phiên tác giả Phan Ni Tấn cầm đèn pin soi sáng …

 

  1. Nền Vua

Đây là một bài viết có nhiều thông tin có giá trị về mặt lịch sử và địa lý: tác giả nghiên cứu kỹ địa danh Rạch Giá và lịch sử VN trong giai đoạn Tây Sơn.

Truyện nhắc nhở đến môn võ Bình Định rất đáng tự hào của người Việt và hình ảnh con gái Bình Định múa roi đi quyến rất độc đáo.

Tuy nhiên, cũng giống như với truyện “Mình Dìa Tắc Cậu”, tôi bối rối vì cách sắp xếp tình tiết của tác giả nên chỉ xin đưa ra dàn bài như sau. Những mong được “chỉ giáo” thêm:

blank blank

 

  1. “Út Hồng À!...

Út Hồng giỏi mà hiền, nghĩa biết trọng mà tình cũng thâm. Một bữa Út Hồng được tặng một con nhồng biết nói. Người trong xóm ngạc nhiên vì con này bắt chước những người chung quanh nói:  “Ut Hồng à!”.

Một tối trời mưa, Út Hồng quên không mang con nhồng vào nhà. Sáng ra Út Hồng phải hơ cho nó ấm. May sao nó không chết. Vừa tỉnh dậy.nó đã nói “Út Hồng à!” bằng một giọng mỏi mệt, ỉu xìu.

Lời bình: Câu chuyện người kể qua điện thoại, chỉ theo một chiều, nhưng có lẽ người bênkia đầu dây chỉ điểm xuyết nên câu chuyện vẫn dễ hiểu. Tựa đề “Út Hồng À!” được đặt vào mỏ con nhồng với giọng Nam rặc. Con nhồng mang cá tính của người miền Nam, xuề xòa, không biết giận. Sau một đêm bị bỏ quên ngoài mưa gió, nó vẫn hồn nhiên nói “Út Hồng à!” Thật là dễ thương.

Truyện cũng nhắc đến nét văn hóa của người Đông phương chỉ biết ngày chết (giỗ) chứ không quan tâm đến ngày sinh. Có lẽ vì ông bà mình quen nói đến kiếp sau chứ không nghĩ rằng chết là hết. Hèn chi Út Hồng “dẫy nẩy” khi được quà sinh nhật!

 

  1. Đồng Giữa

Các nhân vật

Thằng Nõn: chèo ghe thuê

Hai chị em Bòl, Thùy (khách đi ghe)

Chú thím Út (ba má của Bòl, Thùy)

Chú Tư Nun (anh bà con của chú Út)

Ông Thái Tường (ông nội của hai chị em Bòl, Thùy), người Trung Hoa lập nghiệp ở Hà Tiên, phiêu bạt ra Hòn Trẹm, rồi Ba Hòn, sau đó làm ruộng rẫy ở Rạch Giá. Cuối cùng ông xuôi con rạch Bàu Trâm, quẹo trái xuống kinh Bàu Láng và chọn Đồng Giữa làm quê hương.

Câu truyện chỉ là cảnh thằng Nõn từ Xẻo Rô chèo ghe chở hai chị em Bòl, Thùy đi tảo mộ ở Đồng Giữa. Sau đó đoàn tảo mộ về ăn giỗ ở nhà chú Tư.

 

Lời bàn:

Truyện nhắc độc giả về thói quen chèo ghe và xuồng của người dân quê miền Tây. Thằng Nõn chèo xuồng chở hai chị em đi ăn giỗ ở Đồng Giữa suốt 15 năm. Càng ngày càng thêm đường cái, thêm cầu, nhưng được cái là thằng Nõn vẫn thích chèo ghe, chèo xuồng và hai chị em Bòl & Thùy vẫn thích đi ghe, đi xuồng. Nhờ thế mà thằng Nõn vẫn thỉnh thoảng có khách đi ghe, xuồng.

Nhân đó, đoàn người Minh Hương được nhắc đến. Ông nội của hai chị em Bòl & Thùy đến Hà Tiên lập nghiệp và làm giàu rồi sau đó chọn Đồng Giữa là quê hương, lấy vợ Việt và đẻ con tại đó. Việc một người Minh Hương lấy vợ Việt hoàn toàn đi ngược lại nguyên tắc của người Tiều: cho phép trai Hoa (Ka-kì-nán) lấy gái Việt, nhưng không cho trai Việt (An-nàm-nán) lấy gái Hoa.

Tác giả cũng nhắc đến những người Khơ Me qua khẩn hoang rồi đem bán đất canh tác cho người Minh Hương giàu có. Chỉ tổ làm ông nhà giàu Thái Tường (ông nội của hai chị em) càng giàu thêm!

Chuyện hai chị em đi xuồng ăn giỗ ở Đồng Giữa không có gì gay cấn, nhưng đọc thấy sao nó mộc mạc dễ thương quá, tưởng như hồn thiêng đất Kiên Giang Rạch Giá đang sống lại. Ngoài ra câu chuyện của hai nguồn lưu dân ở Hà Tiên và Đồng Giữa là một trang sử độc đáo làm nên đặc tính di dân của hai địa danh này.

 

  1. Gió Đưa Cây Bẹo

Ông bà Hai Ớt thuộc giới thương hồ. Ông làm nghề thợ máy, bà là khách thương hồ. Một hôm máy ghe bà bị hư, ông sửa; thế là cả hai bị tiếng sét ái tình mà nên duyên vợ chồng.

Con Bẹo là con gái của ông bà Hai Ớt. Con Bẹo ra đời trong một hoàn cảnh oái oăm: bà Hai Ớt mang bầu mà vẫn khiêng nặng trên sàn ghe, té cái oạch, rớt hai đứa sinh non, một chết, một sống – đó chính là con Bẹo, sinh ra đã tật nguyền. Sở dĩ nó có cái tên “Bẹo” là vì lúc đó ba nó đang loay hoay cột trái giác trên cây mía lên cây Bẹo.

Dù tật nguyền, con Bẹo vẫn là một con người hồn nhiên, liến thoắng, thích ca hát, rồi lớn lên thành một thiếu nữ quán xuyến từ bếp núc đến sổ sách. Về sau con Bẹo lấy con trai chủ nhân của ông Hai Ớt và được gọi là bà Chơn Nguyên, một bà chủ lịch lãm, nghiêm nghị của một công ty xuất nhập cảng. Đồng thời bà cũng là một Phật tử đầy lòng bác ái hay làm việc từ thiện.

Lời bàn:

Truyện này có thể được coi là tiểu sử của bà Chơn Nguyên, một con người khả kính, giàu sang và đầy lòng từ bi.

Nhân đọc đến chi tiết vợ ông Ớt, bà Thìn, bụng bầu mà té cái oạch phải được chở tới nhà thương bằng xe ba gác trong khi Ông Ớt lạch bạch chạy theo, tôi nhớ đến một chuyện tương tự đã xảy ra trong gia đình tôi vào thập niên 90.

Năm ấy hai vợ chồng đứa em trai của tôi còn ở chung với gia đình. Chồng làm nghề tài xế du lịch nên thường vắng nhà. Vợ ở nhà sinh non đứa con thứ hai, trong một tình huống vô cùng nguy hiểm: xuất huyết giữa đêm từ ở nhà. Cả nhà náo loạn, phải gọi anh hàng xóm chạy xe ba gác để chở bà bầu đi nhà thương. Đứa em dâu thứ hai, vì là bác sĩ nên chạy lạch bạch theo xe ba gác để kịp thời gởi gấm những đồng nghiệp quen. Bố tôi đạp xe theo, tôi thì quýnh quáng chỉ biết lau dọn những vũng máu khi mọi người đã đi khỏi, ruột gan rối bời, bắt buộc phải chuẩn bị cho những chuyện tồi tệ nhất có thể xảy ra. Vài tiếng đồng hồ sau, bố tôi đạp xe về, báo tin một em bé trai đã ra đời, mẹ tròn con vuông. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Thật là một phép lạ vì lúc đó ngay cả bác sĩ và y tá đều chuẩn bị hy sinh con để cứu mẹ.

Chuyện này xảy ra không phải ở một vùng quê như Đồng Giữa mà ở ngay thành phố Sài Gòn vào thời điểm khi các điều kiện y tế của Việt Nam vẫn còn rất thô sơ. Chỉ còn dựa vào phúc đức của gia đình.

Nhân đọc truyện này tôi cũng khoan khoái học thêm một chữ tiếng Việt: cây bẹo. Vốn thích cuộc sống thương hồ của dân miền Tây và luôn thú vị về nếp treo các món hàng bán lên cao để khách hàng biết mà chèo ghe đến mua. Vậy mà giờ tôi mới biết cái cây dùng để quảng cáo hàng có tên là cây bẹo.

Đừng nói tiếng mẹ đẻ không có chữ cho mình học thêm!

 

  1. Tử Sanh Hữu Mạng

Đây là một truyện về thảm kịch chiến tranh. Năm người dân quê mộc mạc trên một chiếc ghe thương hồ bị Việt Cộng chặn đòi thuế và máy bay VN Cộng Hòa đánh chìm. Cả năm người trên ghe đều chết. Âu đó là số mạng của hai vợ chồng, một cô gái và hai đứa con nít. Chuyện sống chết của con người quả là do số mạng!

Cảnh vật trong truyện càng sống động, tình người trong truyện càng chân chất thì kết cục càng gây chấn động trong tim độc giả. Hãy cứ nghĩ đến con Ứng sau ba năm lênh đênh trên ghe thương hồ trở về thăm mộ má khóc “bù non bù nước”. Hãy nghĩ đến thím Tư Đực đảm đang, xốc vác mà vẫn ướt át nhớ đến ngày xa xưa khi chú Tư Đực nắm tay tỏ tình “với cái mặt sượng trân” và “với cái miệng cà hục cà hữ nói không ra lời”. Hãy nghĩ đến câu đối thoại duy nhất trong truyện khi thím Tư Đực bảo con Ứng: “Ý mèn ơi, A Ứng, thiếu chút xíu là tao quên trớt quớt …”. Để rồi chết lặng vì cảnh dội bom lạnh lùng và lời bình luận chua chát của tác giả: “ … người dân dẫu có hiền lành, chất phác hay vô tội kia, cũng cứ chết thảm, chết tức tưởi, chết không kịp ngáp dưới lằn đạn oan khiên.”

Nói nôm na thì “con người sống chết có số”, nói cầu kỳ thì “tử sanh hữu mạng”

Tác giả kết câu truyện bằng lời thốt lên: “Đúng quá!”trong khi độc giả chắc

hẳn quay quắt vì cái phi lý tột cùng của chiến tranh,

 

  1. Con Rạch Bầu Nhum

Đây là câu truyện về một cặp vợ chồng với cái tên rất ngộ nghĩnh: chú Tôi, thím Tìa và với một nếp sống không giống ai: nếp giải quyết bất hòa bằng võ nghệ (cả hai đều là con nhà võ). Lúc nổi cơn tam bành, “thím cắm con dao xuống tấm thớt nghe một cái kịch.Đứng phắt dậy phủi đít, hét một tiếng trợ oai …”

Oai thế, hèn chi lúc nào thím cũng thắng. Đúng là con cháu hai Bà.

Nhưng thực ra, ai thua ai thắng dường như không quan trọng lắm vì họ thi đấu trong tinh thần thượng phong và tinh thẩn“yêu nhau lắm, cắn nhau đau”. Hễ chú té thì thím cúi xuống kéo dậy. Sau cuộc đấu, hai người vẫn cứ yêu nhau ra rít khiến dân số gia đình chú tăng lên 8.

Điều thú vị nhất là những chuyện “thiệt lạ đời” trong gia đình Tôi-Tìa:

-        Chuyện sui gia: “Cùng một ngày cả hai ông sui đồng thanh khóc vợ…“Hai bà cùng tuổi chết cùng ngày. Sống thì sát vách nhau, chết hai bà lại nằm cạnh nhau.”

-        Chuyện cảnh nhà: “đông đảo nhất, nheo nhóc nhất, chộn rộn nhất, xăng xái nhất, võ nghệ nhất, hào phóng nhất, xung phong nhất, khắng khít nhất ….”

-        Chuyện con cái: Thím “sòn sòn năm một cho ra đời bốn cặp sanh đôi, vị chi là tám mống khiến cả làng cả xóm phải lắc đầu le lưỡi.” “Coi oai phong lẫm liệt, phong độ dữ dằn, tiền hô hậu ủng vậy nhưng cả nhà đều hiền khô như con rạch Bầu Nhum.”

-        Chuyện sinh lão bệnh tử: “Ở cái tuổi cửu tuần, chú Tôi mất vì bệnh già. Lúc con vợ thằng Tư hơ hải về Bầu Nhum báo hung tin, đúng lúc con Út bay ngược qua Hà Tiên báo thím Tìa lìa đời.”

Các nhà văn viết truyện thường cố viết sao cho thực, nhưng ở đây nhà văn lại viết về những chuyện “thiệt lạ đời”. Vậy mà đọc sao vẫn cứ thấy “thiệt”. Có lẽ vì lời lẽ sống động của các nhân vật trong truyện:

“Chèng đéc! Cái cựa bén ghê! Cái mào đỏ chét hà…”

“Bà có ngon ra sau hè ăn thua đủ với tôi.”

“Á à! Cái này ông nói đó nghen!”

Vả lại, tác giả đã xác nhận là chính mình nghe chuyện từ võ sư Hai Tụ năm 1972 tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định khi ông ra Quy Nhơn công tác với sư đoàn Bạch Mã, Đại Hàn.

Bởi vậy mà nghe “thiệt” quá chừng!

 

  1. Nội Về Cần Giuộc

Tác giả gắn Cần Giuộc với trang sử của những nghĩa sĩ chống Pháp và với những kỷ niệm riêng tư với bà nội của mình. Lúc chưa đi học thì có kỷ niệm được nội ru ngủ và bị kim đâm chân. Lúc đi học thì có kỷ niệm đòi nội đứng ngoài cửa sổ suốt buổi học. Ngày tác giả được cha mẹ cho lên Đà Lạt học trường Tây chính là đánh dấu cuộc chia tay với Cần Giuộc và với Nội.

Đây không phải là một truyện ngắn, mà là một trang nhật ký thật cảm động của tác giả. Kỷ niệm ngày đầu đến trường thì ai cũng có. Khởi đầu là ông Thanh Tịnh được mẹ “âu yếm” dắt tay trên con đường làng khi trên trời có những “đám mây bàng bạc”. Rồi tôi lại nhớ đến chị Hai mình ngày đầu vào lớp học bắt người cô phải đứng ngoài cửa sổ suốt buổi học. (Chị đâu biết ở xứ Cần Giuộc có một ông PNT cũng đòi y như vậy!) Lại còn đứa em Út của tôi đi học ngày đầu tiên về thì tuyên bố một câu xanh rờn: “Tưởng đi học sướng lắm, ai ngờ …”

Nhưng chỉ có PNT mới nâng kỷ niệm được nội dắt đi học lên hàng những điều “kỳ điệu” nhất của vũ trụ và của con người.

 

  1. Ngoại Gánh Huế Theo

Đây là một trang nhật ký khác của tác giả về bà ngoại “gánh” Huế lên tận Ban Mê Thuột. Cũng có thể coi đây là một trang gia phả của gia đình họ Hồ của Ngoại. Vốn gốc gác là con gái của một quan thượng thư, khi góa chồng bà đưa tám người con lên Ban Mê Thuột lập nghiệp. Kỷ niệm về ngoại có cái kẹo sô cô la của ngoại bán cho mấy người Tây được về lại trong miệng cháu ngoại. Có đồng năm cắc bà cho, mua được một đĩa bánh căng ở đầu ngõ. Có nhan sắc đài các của ngoại mà một người dì được kế thừa. Có bản tính đôn hậu của bà do gần gũi với kinh Phật. Và cuối cùng có một ngày khi cháu ngoại nghe hung tin ngoại qua đời.

Đây là một truyện không có cốt truyện cổ điển kiểu xuất phát từ một xung đột, dâng lên trong một cao trào lâm ly rồi dẫn đến một kết cục bất ngờ. Không, đây chỉ là bức tranh đời thườngcủa một người đàn bà đức hạnh và quán xuyến. Truyện có được từ ngóc ngách của trí nhớ trẻ thơ và được viết xuống từ lòng yêu thương của một đứa cháu ngoại. Việt Nam chắc chắn có nhiều bà ngoại như vậy, nhưng không phải bà ngoại nào cũng có một cháu ngoại viết được những dòng tưởng nhớ như cháu PNT của bà.

 

  1. Con Đò Thủ Thiêm

Đây là một câu truyện thời chiến tranh giữa Việt Minh và Pháp.

Con đò vùng Thủ Thiêm của ông Tư thật đắc lực. Không những ông chèo giỏi, đàn và hò hay mà còn có nghề bốc thuốc gia truyền chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo. Con người chân quê xứ Huế hiền lành và thiệt thà của ông chan hòa với cảnh sông nước miền Thủ Thiêm. Ông toàn dùng chữ Huế rặc (“Dà, o mô rứa? O cần chi tui giúp.” “Dà, bữa ni gió lớn, đò tròng trành, cô Hai Hên cẩn trọng hỉ.” “Dà, anh Hai giúp tôi bồn hắn lên chờn để tui chộ.”) làm độc giả có cảm giác thú vị…cho đến cuối truyện thì sững sờ với cảnh giao tranh giữa Việt Minh và Pháp, làm thiệt mạng dân lành, trong đó có ông lái đò. Giọng văn từ tốn nhưng chua chát của tác giả ở cuối truyện làm độc giả phải ngưng đọc giây lát để nuốt xuống cái cục nghẹn ngào trong cổ:

“Con đò của ông Tư vẫn bồng bềnh neo dưới mé sông. Có điều phía trái mạn đò, dòng máu tươi như vết son, rớt dính mớ tóc bạc kéo thành một vệt dài chảy xuống đọng thành vũng giữa lòng đò.”

Gió dưới bến đò đã êm, sóng đã lặng, như thể sóng và gió đồng lõa với cảnh phẳng lặng và kỳ lạ của máu người.

 

  1. Lội Biển Ra Ghe

Tác giả ghi lại trang sử bi thương của miền Nam Việt Nam từ ngày 10 tháng 3, khi Ban Mê Thuột rơi vào tay Cộng Sản, cho đến ngày 30 tháng 4, khi toàn bộ miền Nam chịu chung số phận này. Những kinh nghiệm của tác giả chắc chắn rất quen thuộc với người dân miền Nam nước Việt. Đọc không để biết mà để sống lại. Từ trại học tập cải tạo, có một điều tác giả dám làm mà nhiều người không dám: trốn trại. Anh trốn được. Sau đó anh làm một điều khác cùng cả triệu người miền Nam nước Việt: vượt biên. Anh cũng đến được bến bờ tự do. Ta có thể nói anh là người may mắn.

Tôi “sống với lũ” hơn 30 năm trong đó có bốn năm dạy học ở Vũng Tàu nên thấu hiểu cảnh bến xe đò thuở đó mà tác giả mô tả. Xếp hàng từ khuya, may ra bảy giờ sáng mới mua được vé. Lơ mơ một chút là mất túi như chơi! Nhớ thuở đó tôi xa nhà lần đầu, lại bị “Bác và Đảng” gõ đầu quá đáng nên tuần nào cũng muốn về thăm nhà. Ngày thứ bảy, sau giờ chủ nhiệm lúc 12 giờ, tôi mới ù ra bến xe xếp hàng. Có lần xui nhất đến năm giờ chiều mới mua được vé, lại gặp xe chạy bằng than nên ì ạch chạy đến tối mịt mới về đến nhà. Rí ráu với chị và các em một buổi tối, sáng hôm sau đã phải ra bến xe xếp hàng từ sớm để hy vọng 12 giờ trưa mua được vé và xâm xẩm tối thì trở lại  Vũng Tàu để chào cờ sáng thứ hai. Gặp những năm bố tôi ở nhà (không bị “cải tạo”) thì mẹ xót, bố xót. Sáng sớm bét ngày chủ nhật mẹ gói cho tôi vài thứ ăn được (thuở ấy cả nước đói), bố đưa ra bến xe gần nhà, chỉ để thấy tôi bắt đầu xếp hàng, rồi bố về nhà. Chốc chốc bố quay lại bến xe xem tôi đã mua được vé chưa, thường có thêm một ly cà phê sữa để tôi hớp vài hớp cho tỉnh táo. Cứ như thế một vài học kỳ thì ông nói với tôi bằng một giọng cương quyết: “Thôi, đừng đi làm xa nữa, con ạ.” Tôi chỉ đợi có thế, bèn nộp đơn xin nghỉ ngay, chẳng nghĩ ngợi gì đến hộ khẩu đã cắt và khả năng xin việc rất mong manh ở Sài Gòn. Điều này đi ngược với bản tính nhút nhát và thận trọng của tôi. Có lẽ vì vào lúc toàn dân miền Nam tràn ngập một tâm thức liều lĩnh thì ngưởi nhát nhất cũng hóa liều. Cũng với sự liều lĩnh ấy, thỉnh thoảng mẹ tôi lại dặn: “Ở Vũng Tàu nếu có học trò nào rủ vượt biên thì con cứ đi nhé, khỏi về nhà xin phép!” Và trong trường hợp tác giả PNT thì người liều lĩnh chính là mẹ của ông, một phụ nữ trước đây chỉ quanh quẩn trong góc bếp.

Liều lĩnh đôi khi cần thiết để có hành động, chứ cứ lẩn thẩn “to be or not to be” kiểu Hamlet thì làm sao có được những cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại như bây giờ.

 

  1. Con Gà Là Bạn Của Tôi

Gà đây là con gà chọi được mua từ một người túng tiền bán lại và nhờ đó mà được giải nghệ khỏi đấu trường. Bạn của gà là một người trí thức hiểu biết sống đời cần lao, đạm bạc nhưng lúc nào cũng “ăn mặc tươm tất, nói năng nhỏ nhẹ”.

Gà chọi về hưu làm bạn với người trí thức đi “cải tạo” về thì hẳn ăn ý. Và khi gà chọi chết oái oăm vì thuốc rày do chính bạn trí thức pha (với ý đồ diệt chuột) thì nỗi buồn tưởng như không lời nào diễn tả được. Nhưng với người trí thức thì buồn vẫn ra thơ. Câu đầu kể lể “Bạn bè có mỗi con gà”, rồi câu giữa nhắc lại bằng một giọng thân mật và thiết tha hơn “Bạn bè có mỗi mình mày đấy thôi” và rên rỉ “Chết gà tôi lại đơn côi”.

Tuy nhiên, vào thời đói kém, dù buồn biết mấy người ta không chôn con gà bị thuốc rầy chết mà vội vã hốt xác gà, trụng nước sôi nhổ lông làm thịt. Người trí thức thêm câu cuối vào bài thơ của mình “Nay tôi làm cỗ con gà. Nhắp chung rượu để gọi là nhớ nhau.”

Rượu vào, nỗi buồn có phần thêm thi vị.

Nhưng vẫn chua chát. Ngay tại quê nhà thời buổi nhiễu nhương, người ta ăn bất kỳ cái gì nhúc nhích trong “nhà tủ nhỏ” và ăn cả thịt nhiễm độc trong “nhà tù lớn”. 

 

  1. Tù Trưởng Y Krea Bouk

Đây là một bản anh hùng ca dành cho vị tù trưởng của buôn Dam Rông được mô tả là người “cường tráng, oai phong lẫm liệt”, có công “tạo niềm tin, mang yên vui no ấm cho dân làng". Kẻ thù của Y Bouk là một con cọp đã từng vồ ông khi ông còn là em bé, giết chết cả cha lẫn mẹ ông khi họ tìm cách cứu hai anh em của ông. Công cuộc trả thù của Y Bouk ở giai đoạn thứ nhất đã khiến con cọp sa bẫy, phải tự cắn đứt chân mình để thoát bẫy. Ở giai đoạn hai nhiều năm sau, con cọp ba chân trở lại, giao tranh mãnh liệt với tù trưởng để cuối cùng cọp chết dưới lưỡi giáo của tù trưởng, nhưng trước đó đã kịp “đổ ụp cái thân hình to lớn nặng nề xuống người Y Bouk.” Y Bouk đã phải trả giá cho chiến thắng sau cùng bằng cái chết của chính mình, để đứa em, Y Yuk, chiều hôm ấy “ngồi lặng lẽ một mình” trong căn nhà lạnh lẽo.

Sự xung đột giữa người và mãnh thú giữa chốn rừng xanh thật khốc liệt khiến các độc giả cư dân đô thị phải bàng hoàng.

 

  1. Thu Nương

Tuy “ông ký giả” kể chuyện này đã khẳng định đây không phải là chuyện ma của Bồ Tùng Linh, nhưng không khí của truyện đầy vẻ ma quái. Nào là cô gái áo trắng (Thu Nương), tóc dài đến chân, chỉ xuất hiện lúc giữa đêm và chân đi không chạm đất. Nào là nhận định của một vị sư khất sĩ rằng người đàn ông thấy cô mỗi đêm (Vũ Văn Tạng) “người đầy tà khí”. Nào là tiếng thì thầm “truyền âm nhập mật” dặn ông Tạng bật đèn sáng ngăn cô gái vào xâm hại và chỉ đường ông đến nghĩa trang để nhận diện cô gái. Nào là cái chết đột ngột vì bị rắn cắn. Nào là hai ngôi mộ tình cờ nằm cạnh nhau.

Có hai người xưng tôi trong truyện. Độc giả phải dựa vào lời thưa gửi để biết ai là ai. Tôi “thưa anh ký giả” là Tôi Vũ Văn Tạng, còn tôi “thưa bạn đọc” là Tôi Phan Ni Tấn. “Tôi” nào cũng giúp độc giả nhập vào không khí liêu trai rờn rợn nhưng hấp dẫn của truyện.

 

  1. Huyền Phổ Đại Huynh

Tựa đề truyện báo trước độc giả sẽ được thưởng thức một loại truyện kiếm hiệp Tàu hay hiệp sĩ Tây. Quả vậy, nhân vật chính là đệ tử của hòa thượng chùa Thiếu Lâm, nhưng lại khoác áo dòng Ki Tô và được gọi là cha Huyền Phổ. Ban ngày cha “mang hình tượng hiệp nghĩa, thân thiện, hào phóng, vui tay phát quà bánh cho trẻ con, rao giảng tin lành cho người lớn”, ban đêm “thoát xác, biến hình, đội lốt ‘người áo đen’ chuyên ‘trừ gian diệt bạo’ bằng cách phi thân, điểm huyệt để tránh giết người.

Nhân vật Huyền Phổ trở nên rất thực khi được đặt trong bối cảnh di cư trên chiếc “tàu há mồm” và khi tác giả kể đã nghe chuyện từ Cố Francis Bay và mãi 60 năm sau mới viết lại thành truyện tại Canada.

Thú vị nhất là nhân vật Huyền Phổ có hai vẻ đẹp và hai chức danh tùy vào cách nhìn của độc giả. Nếu nhìn vào vẻ đẹp bác ái thì chức danh là linh mục (linh mục Huyền Phổ), còn nếu nhìn vào vẻ đẹp quả cảm thì chức danh là đại huynh (Huỳnh Phổ đại huynh).

Có lẽ tác giả Phan Ni Tấn thích kiếm hiệp Tàu hơn nên đã đặt tên truyện là “Huyền Phổ Đai Huynh”.

 

  1. Du Côn Hữu Dụng

“Du Côn” ám chỉ nhân vật chính của truyện. Tên đúng là người vì anh này tên Côn và quả thật là tay du thử du thực, không nghề không nghiệp, ngoại trừ thời gian đi buôn lậu và dắt người vượt biên.

“Hữu Dụng” cũng mô tả chính xác tên “du côn” dễ thương, lúc nào cũng xăng xái giúp đỡ bàn dân thiên hạ từ việc khuân vác ngoài bến xe, đến việc phụ dọn hàng ngoài chợ và giải bài toán khó cho con bà chủ quán.

Gay cấn nhất là cuộc đấu võ giữa du côn Annam mít và chúa đảng Khmer. Hình như tác giả cố tình “chiếu” cho độc giả coi một cuốn phim (bằng chữ) ly kỳ với kết cục có hậu đề ai nấy được hả hê.

Sau chiến thắng này du côn “Mít” chuyển địa bàn hoạt động lên Ban Mê Thuột nhưng không khấm khá lắm. Kết cục đặc biệt không chấm dứt câu truyện mà dễ dàng mở sang một chương khác: “Biết vận may của mình không còn nữa, tôi chuyển qua nghề khác. Nghề dắt người vượt biên bằng đường bộ.”

Độc giả được hướng dẫn chuẩn bị đọcmột truyện về vượt biên bằng đường bộ!

 

  1. Sắc Sắc Không Không

Truyện bắt đầu ờ một thế giới ảo (không không) trong đó tác giả mơ thấy mình là một đứa trẻ mồ côi được lên núi học đạo, rồi trở thành một Samurai gan dạ, dũng cảm, không hề biết lùi bước. Tuy nhiên, vẫn trong giấc mộng, tác giả chiến đấu với một kiếm sĩ kiệt xuất, rồi tắt thở vì bị một con mãng xà mổ vào nhân trung.

Thoát khỏi mộng, thế giới thực (sắc sắc) có phần phũ phàng vì tác giả thấy mình ú a ú ớ “cái miệng vô duyên” đến độ vợ “đang coi phim Đại Hàn ngoài phòng khách” phải chạy ù vô lay cho thức dậy.”(Tôi thật khoái cái dí dỏm của tác giả khi chua thêm chi tiết “đang coi phim Đại Hàn”).

Tác giả thật khéo tự chế riễu mình, nhất là lúc mô tả mình “chân run rẩy co lên”, “mắt láo liên” tìm đối thủ. Tuy nhiên, bài học ông rút được mới tuyệt làm sao: “ … giây khắc đẹp nhất trong đời thực là buổi cơm chiều thơm mùi nấu nướng mà người vợ hiền đang sửa soạn ngoài kia.”

Tôi nhớ đến Phan Ni Tấn phu nhân với nụ cười trong sáng, dáng điệu khoan thai và mường tượng được mùi nấu nướng mà chị là tác giả bao lâu nay trong mái ấm nhà chị.

 

  1. Linh Cầu Đội Xác Phàm

Thoạt đọc tựa truyện, tôi không mường tượng được gì hết.

Dè đâu lại được đọc một giọng văn sống động, được gặp những nhân vật dễ thương như hai con chó Toto, Kiki vất vưởng trong thời chiến và anh lính Huế “Bồ Tát” đã cứu hai mạng chúng.

Gọi là “linh cẩu đội xác phàm” là phải rồi vì Kiki đích thân kể chuyện thật có duyên. Nó biết “oa oa xịt” cái dị đoan về năm tuổi khi năm Mậu Tuất tới, nó biết “ốt dột” khi tự thấy mình “trơ trơ như gỗ đá, không biết tình yêu là cái chi chi”. Và cái tình của nó đối với bạn chí cốt Toto thì thật còn người hơn nhiều người nữa. Trước cái chết “dị òm” của Toto, nó lại nhớ đến ngày chiếc hòm kẽm của ân nhân được chở về, nó và Toto đã cùng “khóc hết nước mắt”. Bây giờ chỉ có nó một mình “cứ buồn, cứ nhớ, cứ thương tiếc hoài” hai người bạn trong đời. Ôi, đúng là linh cẩu!

 

  1. Con Ma Nhỏ Ở Điện Bàn

Cặp đôi  được giới thiệu trong truyện này hết sức đặc biệt: chàng là bác sĩ tâm thần Võ Thiềm, một ông già yêu cuồng sống vội lần đầu năm 70 tuổi và nàng là Út Mót, cô em gái ma của nhân vật xưng tôi. Cô chết từ năm 4 tuổi, nhưng vẫn tiếp tục lớn cho đến khi gặp người yêu. Lúc ấy cô là một thiếu nữ cực kỳ xinh đẹp và “hơ hớ đến hừng hực gợi tình”. Cặp đôi này tuy cọc cạch nhưng ông yêu như bị hớp hồn, còn con ma nhỏ thì yêu “chân thành, say đắm”. Cả huyện Điện Bàn chỉ có mỗi ông bác sĩ tâm thần thấy được con ma nhỏ (thấy để yêu) và nhân vật xưng tôi (thấy để làm chứng cho cuộc tình). “Thú vui hòa hợp âm dương” đã khiến Út Mót “táo tợn làm rung chuyển cả luân lý và ông bác sĩ tâm thần cuối cùng qua đời vì kiệt sức yêu. Lúc ấy Út Mót mới hoàn toàn tan biến trong trời đất.

Lồng vào câu chuyện tình cuồng nhiệt là những chi tiết khốc liệt và ma quái của chiến tranh, khi toàn bộ mười bảy người trong một gia đình đều chết vì mìn giây của Pháp và khi đầu Út Mót bốn tuổi lìa người, lăn long lóc dưới chân chị mình, khi những người qua đường chứng kiến cảnh nhân vật tôi ôm cứng rất lâu một bóng ma mà họ không thấy.

Quả thật có một thời ở quê hương chúng ta mọi sự khó giữ được ở thể bình ổn.

 

  1. Rồi Đời Chiến Tranh

Nhắc đến chiến tranh thì phải nhắc đến cái chết (“rồi đời”). Tác giả làm một cuộc điểm danh những người chết và những trận đánh làm người chết. Ông có thể kể một hơi dễ dàng vì “súng đạn đốn ngã không biết cơ man nào mà kể”, vì chiến tranh như Thần Chết cầm lưỡi hái đi hái mạng người. Những bà mẹ Việt Nam sinh con và nuôi con vất vả mấy cũng không cung cấp đủ mạng cho Thần Chết hái. Mỗi người chết nằm xuống đều có cả một lịch sử sống. Mới ngày nào rửa lon thiếu úy, mặc quân phục oai hùng, xức dầu thơm hết biết để dắt đào đi chơi, rồi cũng nạp mạng cho Thần Chết hái. Có biết bao cách chết, có người chết không còn xác chôn, có người chết chỉ còn lượm được vài mảnh xương nên cái hòm nhẹ hều, có người chết xác trương phình.

Như một người hết nước mắt khóc, tác giả chỉ còn biết “mắc cười thấy mụ nội” và coi cái chết nhẹ như lồng hồng. Nhưng đó chỉ là vờ thôi vì đến khi người nhà mình hy sinh thì “mũi dãi ở đâu mà cứ sụt sịt tuôn ra dầm dề”, thì “cả nhà bù non bù nước vật vã khóc than”. Có những bà mẹ lặn lội đi nhận xác con và chắc chắn có những người vợ đi nhận xác chồng. Oan khiên cay đắng ngất trời. Ở xứ người sau hai thế chiến, những người chết còn được mồ yên mả đẹp dưới mưa, dưới nắng và giữa những bông hoa xinh đẹp. Ở xứ mình thì chôn rồi mồ mả còn bị cầy xới lên.

Một nửa thế kỷ đã qua rồi mà nhắc lại vẫn còn đau.

 

 

  1. Quỳnh My

Đây là một mối tình em hậu phương, anh tiền tuyến, cũng say đắm, oái oăm và lỡ làng như bao mối tình thời chiến khác. Say đắm thì không giải thích được (làm sao cắt nghĩa được tình yêu), oái oăm vì sự chênh lệch tuổi tác của hai người và lỡ làng vì không có cảnh chàng nàng lấy nhau rồi sống hạnh phúc bên nhau suốt đời.

Nhưng cũng còn được cảnh chàng may mắn thoát khỏi quê hương ngục tù và nàng sống hạnh phúc bên chồng (không phải là chàng) và con. Khi tình cờ được tin nàng nơi xứ người, quyết định không tìm gặp người xưa của chàng là một quyết định lãng mạn kiểu “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”.Lãng mạn cũng vì chàng nhất quyết sẽ còn giữ muôn đời hình ảnh một thời của Quỳnh My.

 

  1. Trận Đánh

Truyện như một cảnh phim ngợp trong khói lửa chiến tranh. Cần nhớ hai tên người là  trung úy Tiên và hạ sĩ nhất Bảy Nẫu và một tên địa danh: tiền đồn Pleibuk tại Pleiku.

Ngoài đời hai người là thầy trò của nhau: ông hạ sĩ nhất dạy võ cho anh trung úy. Trong quân đội trò sĩ quan là “bề trên” của thầy hạ sĩ nhất. Trò sĩ quan “trẻ, khỏe, phong trần, chịu chơi, dũng mãnh, gan lì”. Thầy hạ sĩ nhất đã 50 tuổi nhưng vẫn còn “ào ạt, liều lĩnh, chai lì, bạt mạng”.

Hai tính chất ăn khớp nhau nên khi tình cờ gặp lại ở chiến trường, họ vui mừng biết mấy.

Nhưng tác giả “chiếu” lại cuốn phim “Trận Đánh” không hẳn để ca ngợi hai chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đâu. Rõ ràng là ông cố tình gây sốc cho độc giả khi tả chân cái chết thảm khốc của hạ sĩ nhất Bảy Nẫu dưới làn đạn đại liên. Thân hình con nhà võ trước đây “dẻo dai, chắc nịch, cứng như thép nguội” nay “oặt ẹo như một loài động vật không xương ..”. “Mặt ngửa lên trời, mắt mở trừng trừng. Lồng ngực vỡ toang, nhầy nhụa những gân, xương và thịt.” “Máu theo tử thi trôi xuống vẽ nên một vệt dài ngoằn ngoèo chảy đỏ bầm cả mặt đất.”

Mặt đất còn đỏ bầm, hèn chi loài côn trùng phài “rên rỉ, ai oán, than van cho cảnh Nam Bắc tương tàn!”

 

  1. Thách Đấu

Ở trường học, con nhà văn thưởng thức những lời hay ý đẹp trong những áng văn hay. Con nhà võ thì đành đi tìm sư phụ chứ trong chương trình phổ thông không có môn nào gọi lả môn “Võ”. Sau khi được gọi là người “có võ” thì phài lo đi thách đấu thay vì ghi tên vào một kỳ thi nào đó. Bởi vậy mới có câu truyện tên “Thách Đấu” này.

Trong tiếng Anh, võ được gọi là một nghệ thuật (martial art). Tác giả Phan Ni Tấn  không biết có giỏi võ không, nhưng rõ ràng là thấy được cái đẹp của nó: “Hai ông thầy võ mời nhau ra sân trao đổi nhau những đường quyền Bình Định trông thật uyển chuyển, đẹp mắt mà chắc nịch.” Độc giả chỉ cần thưởng thức.

 

 

  1. Vô Ảnh Cước

Đây là một truyện ngắn kể lại một trận đấu võ giữa Võ Đề, một tay võ nghệ chân truyền từ một hòn đảo ngoài khơi vịnh Rạch Giá và một nữ nhân tự xưng là Băng Tâm Song Cước Nữ Bạch Y, người Bình Định. Vô Ảnh Cước là chiêu võ nổi tiếng mà Võ Đề dùng để đánh bại một người được phong là “Hầu Vương Độc Cô Cầu Bại”.

Việc Võ Đề thi đấu với một nữ nhân quê Bình Định có thể không lạ lắm. Tuy nhiên, việc anh thua chỏng quèo thì chắc lạ. Ai lại thua ở thế bị đá vào hạ bộ và bị ngồi đè lên ngực! Nhưng lâm ly nhất là, bốn mươi năm sau, Võ Đề vẫn tiếp tục bị đè lên ngực bởi đôi mắt có sức hút ghê gớm của đối thủ”: “… đôi mắt đổ lửa xuống mặt kẻ chiến bại chuyển dần qua ánh mắt xanh thẳm dịu dàng.”

Thua là phải rồi!

 

  1. Uyên Ương Gẫy Cánh

Cặp uyên ương này yêu nhau ra rít trong nhiều hoàn cảnh trớ trêu. Chàng là một người tù “cải tạo” vượt ngục. Nàng lén lút “giấu” chàng trong căn gác của mình. Hẳn có những ngày bình thường và có những buổi rất vui như bữa tiệc giao thừa tại nhà em họ của nàng và sau đó là cơn khóc ngất trời vì say. Rồi một tối thức trắng trên cây vú sữa. Sáng hôm sau mất dép vì tưởng bị công an rượt!

Trong hoàn cảnh nào chàng cũng có nàng hỗ trợ. Nàng dúi tiền cho chàng “rủi đạp bánh tráng”, nàng tiếp tế thực phẩm, nàng lượm dép khi chàng trốn công an chạy xúc dép. Cuối cùng nàng còn chứa chấp chàng trong gác xếp nhà. Bởi thế chàng nói chắc nịch: “… dù rằng tôi có trở thành tên thất cơ lỡ vận, khố rách áo ôm hay trôi sông lạc chợ, nàng vẫn không màng, vẫn bán vàng nuôi tôi, và yêu tôi tha thiết.”

Nhưng rồi uyên ương gẫy cánh vì người yêu tên Thủy đã theo đường sông nước mà vượt biên. Nỗi đau gẫy cánh chuyển thành một bài thơ rất cảm động:

Nước đi suốt chín năm dài

Đêm nào anh cũng năm nhai mối sầu

Nhiều đêm trằn trọc canh thâu

Nhai nhầm miếng nhớ làm đau điếng hồn.

Nước đi ra biển xa nguồn

Hai mươi năm lẻ tiếng buồn anh mang.

Ai nhai thịt nhầm mẩu xương chứ nhà thơ này thì “nhai mối sầu nhầm miếng nhớ”. Ngôn từ thiệt là độc đáo!

 

  1. Gác Xếp

Câu truyện vẫn về cái gác xếp trong “Uyên Ương Gẫy Cánh” nhưng lần này phần đầu được kể bởi nhân vật xưng tôi tên Ngọc Trảng. Cô kể về mối tình lãng mạn của cô với trung úy Lương Hữu Thế. Lãng mạn kiểurất cổ điển ở chỗ nàng liễu yếu đào tơ được chàng phong sương mạnh mẽ ra tay nghĩa hiệp cứu khi đang bị một đám lưu manh bắt nạt.

Ở phần hai, truyện được kể ở ngôi thứ ba tiết lộ rằng sau đó hai người yêu nhau và Ngọc Trảng đã kể lại trong nhật ký mối tình này, vốn là tình đầu của trung úy Thế. Khi nhật ký được chuyển đến tác giả Tấn từ tay cô em Bích Thủy của Ngọc Trảng thì trung úy Thế đã mất tích trên chiến trường và Ngọc Trảng vừa qua đời vì tai nạn xe cộ.

Đúng là một truyện tình đẹp nhưng buồn thảm. Họ gặp nhau ngoài đường phố để cuối cùng nàng cũng chết ngoài đường phố trong khi chàng lang bạt ở một phương trời vô định nào đó không ai hay biết.

Cuối cùng nơi chốn quan trọng của đời họ là căn gác xếp mà họ đã lén lút sống với nhau trong bốn tháng trời trước khi anh Thế phải bỏ trốn vì má của Ngọc Trảng vế nhà bất chợt. Câu truyện vì thế mang tên “Gác Xếp”.

 

  1. Người Yêu Của Lính

Người yêu của lính gọi lính là chú, xưng con vì nhỏ hơn lính đến 25 tuổi. Người yêu lớn lên cùng với lính ở một cô nhi viện. Lính ra khỏi cô nhi viện trước để trở thành nhà giáo, rồi sau đó sĩ quan nhà binh. Hai mươi năm sau lính rước người yêu về ở chung nhà và vẫn chú chú con con với nhau. Tuy lính vẫn hồn nhiên với “con bé” thơ ngây ngày nào nhưng con bé ấy thực sự đã trở thành thiếu nữ và khẳng định tình yêu của mình. Con bé đem lại sự ngăn nắp và tươi sáng đến căn nhà bề bộn và bụi bậm của lính. Lính hành quân liên miên, và mỗi lần rời nhà đều là để đi đến những nơi đầy chết chóc. Lính ra đi để lại người yêu “buồn bã khóc rưng rưng” và không ngưng cầu nguyện cho sự bình an của lính. Lính trở về “ngời ngời phong độ”, khiến “căn nhà lại tràn ngập niềm vui và nắng ấm”. Lính theo dõi người yêu thiếu nữ bằng câu hỏi thường tình “Đã có bạn trai chưa nào?” Lính làm bộ thách thức bom đạn: “Chú sẽ hiên ngang đứng sững giữa trời, đón bắt ba hòn tên mũi đạn. quăng ầm xuống đất để trở về với con.” Biết bao lần lính trở về với nhiều loại thương tích “vì viên đạn đồng, mảnh lựu đạn, miếng bom thép vô tri xuyên qua người.” Biết bao lần người yêu làm ướt những vết thương của lính bằng những dòng nước mắt thanh xuân, nhưng lính vẫn cười vô tư mường tượng một sự việc bình thường: “Lẽ ra giờ này con phải đi bên cạnh một chàng trai.” Nhưng rồi chuyện gi phải đến đã đến: lính trở về vinh viễn bằng chiếc hòm kẽm phủ cờ. Người yêu gục xuống nền nhà và chìm trong mùi tử khí của lính.

Từ đầu đến cuối truyện, người yêu không có tên và không có sắc diện. Ở Việt Nam vào thời chiến, có vô số kể những người yêu của lính như vậy. Tình yêu của họ và nỗi đau của họ không mang tính cá nhân mà nó hòa vào với tình yêu và nỗi đau của dân tộc Việt. Nhưng người lính trong truyện lại có tên Tịnh, có sắc diện và có cá tính của riêng anh. Bởi vì anh là người yêu độc nhất vô nhị của một người. Hình ảnh thân thể anh được bao phủ bởi lá cờ tổ quốc, một lá cờ không còn bay phất phới khi người yêu của lính gục ngã.

Cuối truyện là một câu đưa tin bằng giọng văn báo chí: “Tịnh hy sinh trong một trận đánh trên đèo Dục Mỹ vào giữa tháng 3 năm 1972.” Giọng văn ngầm báo rằng cuộc chiến sẽ vẫn còn tiếp diễn.

 

  1. Cọp Rằn

Đây không phải là con cọp bốn chân mà là trung úy Ban (biệt danh Ban Lì) thuộc Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân Ban Mê Thuột. Trong suốt ba năm bị giam trong trại cải tạo Cọp Rằn luôn quan sát địa hình và sinh hoạt chung quanh để lập kế hoạch vượt ngục. Anh khéo che dấu âm mưu của mình đến độ các cai tù nới lỏng sự canh gác, cho phép anh làm “anh nuôi”, chợ búa xong còn la cà đây đó rồi mới trở về xe.

Đến ngày giờ vượt ngục, với sự đồng lõa của người tài xế vốn trước đâylà lính vác máy truyền tin, anh thực hiện “một cuộc vượt ngục kỳ lạ, một kỳ công vượt bực của một người tù có sức mạnh và ý chí quyết thắng đến liều mình”. Kế hoạch này do anh tài xế nghĩ ra hết, từ tư thế tòng teng dưới lườn xe đang chạy, đến lúc buông mình khỏi xe ở chỗ dốc sình lầy, rồi vượt qua các bụi cây gai góc và đám dây leo chằng chịt, và cuối cùng lẩn vào khu rừng rậm.

Cuộc vượt ngục là một cuốn phim gay cấn, ly kỳ. Nếu đây là một cuốn phim kiểu Mỹ thì khán giả cứ việc hồi hộp mà vẫn yên tâm là kết quả sẽ có hậu, người hùng sẽ có quý nhân hỗ trợ và vượt qua được mọi hiểm nguy. Nhưng không, đây chỉ là một cuốn phim Việt khốc liệt. Trong rừng rậm, Cọp Rằn chỉ là “một con người rừng tả tơi, hoang dã và cô độc.”

Từ ngày ấy Cọp Rằn biến mất. Người ta “thả cọp về rừng” thì chờ đợi là nó sẽ tung hoành. Nhưng Cọp Rằn hai chân thì có thể khác. Sau 39 năm, vẫn “không một tin tức, không một dấu vết, không một ai biết được số phận của anh ra sao…” Ngay cả anh tài xế, tác giả kế hoạch vượt ngục, cũng hoài nghi sự sống sót của Cọp Rằn.

Phần kết luận mở khiến người nghe chuyện rồi khi kể lại thì phải viết những dòng chữ ca tụng người tù trốn trại như viết một bài điếu văn: “Anh đã biểu hiện một cách hết sức dũng cảm và linh động nhân cách của một sĩ quan QLVNCH, một quân đội sống chết vì tổ quốc, vì dân tộc mình.”

Riêng tôi, sau khi đọc xong truyện, tôi phải cố gắng lắm mới dằn xuống được nỗi xúc động dâng trào.

 

  1. Đường Bộ

Tác giả kể lại một cuộc vượt biên bằng đường bộ cùng hai người bạn lính, một cặp vợ chồng trẻ người Khmer và một cô gái Miên chỉ đường. Chặng đầu đi bằng xuồng, sau đó là bảy ngày đi bộ, vượt qua ba ngọn đồi năm con sông. Lương thực có người tiếp tế hàng chặng.Vì họ đi đường rừng để không bị lộ nên bất trắc giữa đường là muỗi tấn công, quân Khmer Đỏ giết người như ngóe, và rắn rít trong rừng. Muỗi cắn thì phải chịu đựng, Khmer Đỏ thì canh chừng để tránh xa, còn rắn rít thì biết đâu mà lường. Giữa những hiểm nguy chết người có những thơ mộng mà những con người mệt nhoài nếu còn sức thì thưởng thức: đó là ánh trăng rừng len lỏi và nụ cười duyên dáng của cô gái Miên đưa đường. Nhưng rồi hai vợ chồng trẻ bị loại ra khỏi cuộc phiêu lưu vì vợ bị rắn độc cắn chết và chồng đau khổ hóa điênlao mình vào vực sâu. Bốn người còn lại đi tiếp, miệt mài. Khi cuối cùng đến được biên giới Thái Lan – Kampuchia thì mọi người vui mừng chỉ kịp ôm nhau, nhảy nhót, cảm tạ Trời Phật trước khi một tràng súng vang lên hạ ngửa hai người bạn lính và hạ gục cô gái Miên. Chỉ còn tác giả sống sót, nhưng ông không buồn cho độc giả biết tràng súng ấy của phe nào. Có cần biết không khi đằng nào các bạn đường của ông cũng đã bỏ mạng trong cuộc đi tìm tự do.

 

  1. Án Phi Hồ Thị Chỉ, Vợ Vua Khải Định

Lần mò theo những đường vòng gia phả của tác giả thiệt chóng cả mặt vì thâm cung bí sử nhà họ Nguyễn lắm điều ngoắt ngoéo. Nghĩ đến gốc gác con vua cháu chúa của ông, tôi tự nhủ “Hèn chi nhạc ông làm có giai điệu ngoạn mục và lời nhạc thì kiêu sa.”

Nhờ bài viết này, tôi khám phá ra rằng có một quan đại thần tên Hồ Đắc Trung. Ngày xưa tôi biết một người con gái gốc Huế tên Hồ Đắc Thủy Hoằng. Lúc ấy tôi thắc mắc sao tên con gái mà có chữ “Hồ Đắc” nghe con trai thế. Giờ thì tôi hiểu rằng gốc gác nhà quan thì trai gái gì cũng được quyền giữ.

 

  1. Người Thợ Săn Vô Danh Của Vua Bảo Đại

Thế giới rừng của Ban Mê Thuột vừa rờn rợn vừa hấp dẫn. Nào là con ma tóc dài ở Dốc Láng, nào là con Min “chỉ khịt một tiếng là cọp cong đuôi chạy mất đất”, nào là râu cọp trộn với lá rừng biến thành một loại sâu róm xanh lè …

Lại có nhân vật “Ba Lô”, người thợ săn vô danh của vua Bảo Đại, với bao chuyện kể hấp dẫn về kinh nghiệm săn bắn của ông. Toàn bộ cuộc đời của ông cũng thật kỳ lạ vì được kết hợp bởi bốn loại hình: quân nhân, thợ săn, nghệ thuật và nhà tu. Tôi thích cách ông mô tả tiếng tụng kinh đều đặn của mẹ già như một phép lạ thấm vào lòng người thợ săn ác liệt. Tôi cũng thích cảnh đêm trăng có một vị sư trong chiếc áo tràng lam lấy cây đàn vĩ cầm ra kéo những bản vọng cổ “mùi rệu”.

Thú vị nhất là tiết lộ sau cùng của tác giả: “Ông Ba Lô là ba của tôi”.

Chúc mừng con trai của ông Ba Lô có ông ba “vô danh” mà rất khác thường.

 

  1. Vũng Mộng

Câu truyện này độc đáo về cả đề tài lẫn giọng văn.

Đã gọi là “vũng mộng” thì phải chờ đợi cái gì đó vừa nhầy nhụa như “Vũng lầy của chúng ta” vừa thơ mộng như “Mộng Chiều Xuân”. Thực vậy, trong một “chuỗi thất bại trường kỳ của cuộc đời”, tác giả đã tạo ra một chuỗi long lanh những thành công rực rỡ. Được cái trong hai truyện của vũng mộng, tôi thấy được những nhân vật mà tôi ưa thích: Trương Chi-Mỵ Nương, Don Quixote. Tôi thích Trương Chi Mỵ Nương nhờ bài hát “Khối tình Trương Chi” của Phạm Duy và thích Don Quixote nhờ vở kịch “Man of La Mancha” mà tôi học thuở sinh viên. Trong vở kịch có bài hát “This Is My Quest” với những ngôn từ nghịch làm mê hoặc tuổi trẻ tôi thuở đó: “To dream the impossible dream, to reach the unreachable star, to beat the unbeatable foe …”

Giọng văn trong “Vũng Mộng” thì bỡn cợt không thể tưởng tượng, khiến tôi phải bật cười từng đợt. Sau đây là một vài thí dụ:

“Riết tôi không thèm chơi với đời xấu xa này nữa mà chui đầu vào mộng.”

“Chắc kiếp trước cổ mắc nợ thằng chả nên kiếp này cổ nai lưng ra trả. Nhưng mà trả đâu không thấy chỉ thấy bàn tay năm ngón mưa sa của cổ cà cạc Visa, Mastercard mệt nghỉ.”

“Một đêm trăng sáng lờ mờ, sao nhấp nháy, gió hiu hiu, đứng bên hàng rào kẽm gai gần cầu tiêu tập thể, tôi bạo gan nắm lấy tay cô Hai, bàn tay trải đời, chai sạn.”

Đúng là “Vũng Mộng”!

 

  1. Mối Tình Đầu Của Tôi

Kể ra tác giả cũng là một cậu trai may mắn vào thuở có mối tình đầu vì tuy “nhát hích”, vẫn được “con nhỏ” người yêu “xáng tới hun cho mày một cái ‘cbii…tt”. Một nụ hôn mặn nước mắm vì “con nhỏ” hồi trưa ăn cơm cá kho mà không chịu rửa miệng. Một vị mặn dai dẳng, đến 70 năm sau vẫn còn mặn. Một tình yêu kiểu “yêu như chưa yêu” khiến bao năm sau cậu vẫn có cảm tưởng chưa biết yêu.

Nhắc lại, tuy có phân vân “không biết mối tình đầu của tôi trôi giạt ở tận phương trời nào” nhưng cậu vẫn riễu cợt một câu kết “A di đà Phật”. Ngộ nghĩnh thay!

 

  1. Người Yêu Của Tôi

Nhân vật xưng tôi, một cô sinh viên xinh đẹp, mô tả người yêu đa tài đầy văn chương chữ nghĩa của mình như thế này:

“Người yêu của tôi có cái tật khá dễ thương. Anh thích đứng yên lặng vòng tay ôm tôi từ phía sau lưng, rất lâu. Hôn tóc tôi, anh nói thơm mùi lúa. Hôn gáy tôi, anh nói thơm mùi sữa. Trên đời này, ngoài cha mẹ anh chị em tôi, không có ai yêu thương tôi bằng anh, cho tới chết.”

Lại còn buổi gặp gỡ đầu tiên ở xa cảng miền Tây mới là lâm ly: cô sinh viên chuẩn bị lên xe đò để về thăm quê ngoại thì bị một tên cướp nhào tới giật xắc tay. Trong đám đông ngoài đường chỉ có mình anh ra tay nghĩa hiệp thọp cổ tên bất lương giật lại sắc tay cho cô. Cô run rẩy, lí nhí cám ơn và trên xe đò không ngừng nghĩ đến chàng hiệp sĩ.

Thực tế kém thơ mộng hơn, Người Yêu trong thời buổi nhiễu nhương của đất nước khi kiếm sống bằng nghề vá bánh xe đạp ở góc đường, khi bán sách ở chợ trời và thường xuyên lang thang như phường trôi sông lạc chợ. Đã thế khi hai người tình cờ gặp lại nhau, anh còn lơ đãng nhìn cô bằng cặp mắt bình thản. Và sau đó khi thân thiết nhau hơn anh cũng không bao giờ vồ vập trước sắc đẹp của cô sinh viên.

Sẽ không nẩy nở một mối tình nào hết nếu không có người đep nhận ra được nhân cách lịch lãm, điềm đạm và chiều sâu trong tâm thức của anh và nếu không có người đẹp dạn dĩ lao vào cuộc tình với anh.

Nhưng ông Trời không cho anh hưởng lâu những ngày tháng vui vì được yêu. Hoàn cảnh chết của anh cũng bụi đời y như hoàn cảnh sống: ngất xỉu khi đang uống nước máy ở chợ Cô Giang Cô Bắc, rồi hôn mê một tuần trong bệnh viện.

Phần đầu câu truyện tình thật lâm ly. Tôi ngờ rằng đoạn văn này sẽ làm những cô bé mới lớn phải mơ màng mong đến ngày được sống trong trang tiểu thuyết tương tự.

Phần sau là cái chết bi thương của Người Yệu vào đầu mùa mưa, khiến lệ trời hòa với nước mắt cô sinh viên và khiến cô từ ấy luôn nhớ đến anh khi đi trong mưa lạnh. Mưa lạnh hòa với nước mắt có lẽ ấp ủ được lòng cô đôi chút. Nhưng nếu trời nắng, không mưa thì sao?

Tôi nhớ đến lời bài hát Rain and Tears của Aphrodite’s Child:

“Rain and tears are the same,

But in the sun, you’ve got to play the game.”

Tôi đọc lại lời cô sinh viên cuối truyện:“Người ta nói chỉ có thời gian mới trị lành mọi vết thương, kể cả vết thương lòng. Tôi không nghĩ vậy.”

Và tôi thương cô sinh viên phải tuân theo luật chơi (play the game) mỗi khi trời nắng.

 

 


Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.