Hôm nay,  

Về những mái chùa

05/03/201917:07:00(Xem: 4385)



MauLH.jpg


1.


Trong một tùy bút viết trước 75, nhà văn Võ Phiến có đưa ra nhận xét ngộ nghĩnh, vui vui về chuyện du lịch của đồng bào ta ở miệt Nam bộ. Sau khi đi tham quan vài ngọn núi ở tỉnh Châu Đốc, ông bảo những danh lam thắng cảnh, những chỗ non nước hữu tình, nếu muốn thu hút du khách cho đông đảo thì nên xây dựng nhiều . . . chùa. Nơi có cảnh đẹp mà không có chùa chiền thì cũng sẽ vắng bóng du khách như . . . chùa Bà Đanh thôi. Bằng chứng trước mắt, ông bảo tiếp, là núi Ba Thê và núi Sam. Cảnh sắc thiên nhiên bên núi Ba Thê cũng đẹp đẽ chẳng kém bất cứ nơi nào khác, gần đó lại có gò Óc Eo, một di tích lịch sử và khảo cổ quan trọng của miền đất này, nhưng hình như chẳng có mấy du khách cất công lên núi tham quan. Còn bên núi Sam? Trời! Ông bảo, người đâu mà vô số kể, nhất là vào những ngày rằm, hay lễ Tết. Núi Sam đông người lên thăm bởi nơi đấy có rất nhiều chùa, am, miếu. Liên tiếp san sát nhau trên đường từ chân lên đỉnh núi, cứ cách một quãng lại có một mái chùa hay cái miễu, cái am nho nhỏ nào đó.


Ngót nghét nửa thế kỉ trôi qua từ ngày Võ Phiến viết bài tùy bút. Tôi không rõ bây giờ núi Ba Thê ra sao, núi Sam ra sao, có còn như xưa không, tượng Bà Chúa Xứ vẫn uy nghi, sáng ngời, chung quanh vẫn khói hương nghi ngút, khách thập phương tấp nập ra vào lễ bái? Hay là . . .


Dân Nam bộ tìm núi non có chùa để du ngoạn, hay việc lễ bái mới là chuyện chính, cảnh đẹp xung quanh chỉ là bức phông thiên nhiên làm tăng thêm vẻ tiêu tao, trầm mặc của cảnh chùa? Tôi tự hỏi như thế. Nhưng dù sao chăng nữa đây cũng là điểm đáng chú ý cho các nhà kinh doanh có ý định thành lập, mở mang các khu du lịch.


Đi lễ chùa. Hình ảnh mang nhiều nét thơ mộng của thơ ca. Cụ Chu Mạnh Trinh sau khi lên thăm chùa Hương đã cảm khái thốt lên:


Bầu trời, cảnh bụt,

Thú Hương sơn, ao ước bấy lâu nay.


Hay, đi lễ chùa để mơ tưởng đến tâm hồn thơ ngây, ngọt ngào, chan chứa cảm xúc của cô gái thanh xuân, chân theo mẹ đi lễ chùa mà lòng thì không ngớt vương vấn mối tơ tình chớm nở với chàng thư sinh tuấn tú đi gần bên, trong thơ Nguyễn Nhược Pháp.


Hay, gần gũi với tôi hơn, lên chùa để bắt chước Phạm Thiên Thư tìm một Vết Chim Bay:


Ngày xưa anh đón em,

Nơi gác chuông chùa nọ.

Con chim nào qua đó,

Còn để dấu chân in . . .


Thơ mộng quá! “Phạm Thiên Thư” quá! Đi lễ chùa kiểu này, tôi có thể đi mỗi ngày.



2.


Sự thật là tôi ít khi đi chùa. Thuở tôi còn bé, nhà tôi ở Đà Lạt. Vào những ngày rằm mẹ tôi hay dẫn tôi lên chùa Linh Sơn lễ Phật. Bà dạy tôi cách quỳ lạy, chắp tay khấn vái. Vào đến chính điện, tìm được chỗ trống, bà bảo tôi, “Con quỳ xuống đây rồi chắp tay lạy Phật, xin Phật phù hộ độ trì cho gia đình mình tai qua nạn khỏi, chị em học hành thông minh tấn tới, bố mẹ buôn may bán đắt, con nhé.” Tôi làm theo lời bà, nét mặt đầy vẻ thành tâm, kính cẩn, lạy lấy lạy để. Nhưng chỉ được năm phút, đợi lúc bà bận xì xụp vái lạy, không để ý, tôi chạy tọt ra ngoài sân tìm lũ trẻ đồng trang lứa rồi cứ thế vừa chạy vừa la hét gọi nhau ầm ĩ giữa những cội thông già cao vút quanh chùa. Chạy chơi chán, chúng tôi đi bắt chim, lẻn vào am sau ăn cắp xôi oản trên bàn thờ. Hơn một lần tôi bị sư cô bắt quả tang, bị nhéo tai đau điếng. Đấy là những kỉ niệm đẹp của tuổi thơ tôi.


Sau này khi lớn khôn, nhớ lại những câu khấn mẹ tôi dạy trong chùa, tôi không khỏi bất giác mỉm cười. Giáo pháp đạo Phật, có lẽ tầm hiểu biết của tôi thuộc hạng tiền sơ cấp, nhưng đại khái tôi cũng biết những gì mẹ tôi dạy tôi khấn vái trong chùa đều đi ngược lại với giáo pháp ấy. Phật bảo đời là bể khổ, là sinh lão bệnh tử, thì mẹ tôi xin Phật cho “tai qua nạn khỏi”; Phật bảo muốn lên Niết Bàn, hãy diệt dục thì mẹ tôi xin Phật cho “làm nhiều tiền” và ngày Tết xin xăm thì van vái Phật Bà Quan Âm, xin Phật Bà cho “tài lộc dồi dào, tiền vào như nước.” Vân vân và vân vân.


Nhưng tại sao tôi lại mỉm cười mỗi khi nhớ đến những kỉ niệm ấy? Tôi mỉm cười bởi tôi thấy nó dễ thương hết sức và càng nghĩ tôi càng thấy thương mẹ tôi hơn.



3.


Trước khi biết đến đạo Phật, người Việt – hay đúng hơn, người Lạc – cổ thời có lẽ đã có ít nhiều khái niệm về tín ngưỡng.


Theo những phát hiện và nhận định mới trong ngành Khảo cổ học Việt Nam thì con người đã có mặt rải rác khắp các miền Hòa Bình, Lạng Sơn, Phú Thọ, Nghệ An, Thanh Hoá . . . từ thời Đá Mới, tức là cách nay hai, ba chục nghìn năm. Trong khi đó học giả Nguyễn Khắc Ngữ trong cuốn Nguồn gốc dân tộc Việt Nam thì bảo dân tộc Việt Nam là từ giống dân Melanesia ở Nam Thái Bình Dương mà ra. Dân Melanesia là một trong những nhóm người ngành Khảo cổ có cái tên gọi chung là “tộc Lapita.” (Giống dân Polynesian là đa số, hiện sinh sống tại phần nhiều các đảo biển Thái Bình Dương, kể cả quần đảo Hawaii.) Họ cực kì tài giỏi trong nghề đi biển. Từ nhiều nghìn năm trước, họ đã chinh phục toàn vùng nam Thái Bình Dương, một hải vực mênh mông dài rộng cả triệu dặm vuông. Thậm chí họ còn sang tìm đất tận đảo Easter gần Nam Mỹ châu, và gần đây có giả thuyết họ đã đặt chân đến châu Mỹ La-tinh bằng thuyền trước Columbus nhiều nghìn năm. Với tài đi biển như thế, chẳng có gì ngăn cản một buổi sáng đẹp trời họ dong thuyền lừ lừ tiến vào vịnh Hạ Long hay một vùng duyên hải nào đó gần cửa bể sông Hồng rồi đổ bộ lên bờ thám hiểm đất đai, tìm thực phẩm, bởi lúc đó cụm từ “illegal aliens” chưa xuất hiện trong bộ từ vựng của loài người. Và tại nơi đó chắc chắn họ phải đụng đầu với những sắc dân đã có mặt từ trước. Với những cuộc gặp gỡ như thế, ban đầu phải có những vụ vác gậy gộc choảng nhau đến bưu đầu sứt trán. Nhưng đánh nhau mãi đến chán rồi mà vẫn không bên nào diệt hẳn được bên nào, hai bên đành gượng gạo nén giận tạm thời hòa hoãn với nhau để mạnh ai nấy sống. Thế rồi, nhiều thế hệ trôi qua, hận thù cũ dần dà nguôi ngoai phai nhạt, lòng kì thị ghét bỏ nhau cũng bớt đi, thấy kẻ địch cũng có nhiều điều hay ho, hữu ích, có thể cải thiện cuộc sống. “Cái gì? Thằng mọi xâm mình như con thuồng luồng suốt ngày lặn dưới biển bắt cá mà cũng biết đúc trống đồng à!” “Hử! Thằng mán cà răng căng tai đó mà cũng biết làm nỏ bắn nai sao?” Thế rồi, hai bên bèn đề nghị sống chung hòa bình, trao đổi hết văn hóa đá mới đến văn hóa đồng thau. Rồi trai bên này chẩu môi nhìn gái bên kia, gái bên kia liếc tình trai bên nọ, và một hôm ông Lạc Long Quân nào đó của phe đi biển trở thành chồng bà Âu Cơ của phe trên núi. Thế là dân Lạc ra đời. Ở vào cái thời hồng hoang đó, kẻ nào bảo không có ái tình, tôi sẽ cãi đến cùng. Dân Lạc ra đời là kết quả một cuộc tình có thể éo le chẳng kém gì chuyện tình Romeo và Juliet.


Các di chỉ và di cốt khai quật được cho thấy dân Lạc, dân Lapita cũng như các nhóm dân khác ở vùng Đông Á châu, từ thời tiền sử tối cổ đại đã có đời sống tinh thần khá cao. Các nhà Khảo cổ học bảo thế. Họ cũng bảo các dân tộc này có tục thờ cúng tổ tiên. Người chết được chôn cất kĩ lưỡng, xác bó chặt, xương sọ và nhiều khúc xương khác được chăm chút tô điểm bằng một loại phẩm màu đỏ như màu thổ hoàng. Phong tục thờ cúng ông bà, cha mẹ là tín ngưỡng của dân Lạc vào thời ấy, truyền đến tận ngày nay và không có dấu hiệu gì chứng tỏ nó phai mờ trong tâm tư người Việt, dẫu đấy là người li hương sống lang bạt kì hồ tận chân trời góc bể. Thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng, một tín ngưỡng sinh tồn, tiêu biểu cho quan niệm phồn thực rất điển hình trong cuộc sống các sắc dân tiền sử. Bởi thờ cúng ông bà là cầu xin vong linh ông bà phù hộ trong cuộc sống bình nhật để con cháu sinh tồn trong những điều kiện ngặt nghèo. (Nghề đi biển, thậm chí ngày nay, vẫn là một trong những lao động nguy hiểm, dễ chết nhất). Tín ngưỡng đó thấm đẫm vào tâm hồn người Việt, nói theo thuật ngữ phân tâm học là “vô thức tập thể”, và mẹ tôi, một cách rất vô tư và thành kính, chắp tay xin Đức Phật cho bà “buôn may bán đắt để có tiền nuôi con.”


Tôi biết Đức Phật từ bi ngồi tĩnh toạ trên tòa sen, miệng khẽ mỉm cười, hiểu bà hơn ai hết.



4.


Người Việt không có óc kì thị tôn giáo. Phật-Lão-Nho, “tam giáo đồng nguyên”, là cụm từ tôi thường nghe. Xin lưu ý từ “nguyên” ở đây có nghĩa là nguồn nước. Hương Hải thiền sư (1631-1718) đời Hậu Lê có câu thơ, “Nguyên lai tam giáo đồng nhất thể.” Và như thế các cụ ngày xưa đã xem tam giáo đều có chung một bản thể, chung một nguồn cội phát sinh. Các cụ là nhà Nho xuất thế hành đạo theo tôn chỉ đức Khổng Phu Tử, nhưng với tinh thần phóng khoáng các cụ vẫn tôn kính Phật giáo và Lão giáo. Từ thời nhà Lý, quan niệm cả ba tôn giáo đều được tôn trọng như nhau đã phổ cập. Về sau thêm đạo Thiên Chúa vào nữa thành “tứ giáo đồng nguyên” không chừng. Suốt chiều dài lịch sử Việt Nam người ta có thể chém giết nhau tàn bạo vì tranh giành quyền lực, đất đai, hoặc nhân danh lí tưởng chính trị này nọ, chứ không có thánh chiến nhân danh tôn giáo. Càng nhiều tôn giáo càng tốt đối với người Việt, thêm một đạo thì có thêm một ông Chúa hay ông Bụt cho người dân phụng tự, thờ cúng, khấn khứa, cầu xin. Chẳng có chi phiền hà cả. Cùng nhìn ra Hồ Tây Hà Nội, chùa Trấn Quốc thờ Phật và đền Quan Thánh thờ Lão chỉ cách nhau một thôi đường ngắn mà lúc nào cũng đề huề, hòa hoãn, chẳng hề xảy ra một vụ xích mích lớn nhỏ nào bao giờ, khác hẳn bên Trung Đông hay Ấn Độ, nơi người khác tôn giáo, thậm chí cùng tôn giáo nhưng khác hệ giáo, tìm đủ mọi cách hãm hại nhau, xem kẻ không cùng tôn chỉ, đức tin với mình là tà đạo, cần diệt trừ bằng được. Nhân danh tôn giáo, diệt trừ kẻ khác niềm tin với mình là tính cách bệnh hoạn, vô luân nhất nơi con người.


Tuy vậy, Tam giáo đồng nguyên là chuyện của giới sĩ phu có học, còn đối với tuyệt đại đa số dân chúng trong nước thì ngàn triệu giáo cũng “đồng nguyên” tuốt luốt!


Người phương Tây, như linh mục thừa sai Léopold Cadière (1869-1955), khi mới đặt chân đến đất nước Việt Nam thời cận đại tìm hiểu, nghiên cứu tôn giáo địa phương thường tỏ ra ngạc nhiên về nhu cầu tâm linh của dân Việt, bởi bên cạnh những đỉnh cao vươn lên tới các tôn giáo thượng đẳng vẫn tồn tại những hình thái tín ngưỡng nguyên thủy của các dân tộc sơ khai sống nơi núi rừng hoang dã, và chính phần này mới có trọng lượng thật sự trong đời sống bình nhật của dân gian. Trong mắt họ, tôn giáo người Việt là tôn giáo thờ quỷ thần. Tôn giáo này không có lịch sử, nó xuất hiện từ khi có nòi giống Việt, hiện hữu ở mọi giai tầng xã hội. Niềm tin sâu sắc trong cảm thức dân Việt là thần thánh ma quỷ có mặt khắp nơi. Một hòn đá dị dạng nằm bên vệ đường, một cây cổ thụ vươn mình oằn oài lơ lửng trên triền đồi, một ghềnh nước oàm oạp tiếng sóng vỗ, một bờ vực sâu thẳm mờ mịt khói sương… Tất cả đều có thần linh hiện diện. Thần đá, thần cây, thần sông, thần núi, v.v… Thần thánh người Việt thờ đông vô số, chỗ nào cũng có thần, không biết cơ man nào nói cho xiết, thần từ người mà thành, thần biểu tượng các sức mạnh siêu nhiên, rồi vương thần đủ mọi đẳng cấp, và không thể quên các thần dữ mà ta phải tìm cách khắc phục để ngăn ngừa tai họa. Ngôi nhà khang trang nhất trong bất cứ thôn xã miền quê nào cũng là cái đình, nơi thờ thần Thành Hoàng của làng. Trong lòng người dân, từ vua quan cho đến cùng đinh, ai nấy đều tin tưởng một cách chắc nịch và thành kính những lực lượng siêu nhiên ấy trực tiếp ảnh hưởng, chi phối lên toàn bộ nếp sống thường ngày của mình. Niềm tin ấy được công bố trên bình diện quốc gia khi nhà vua thay mặt toàn dân ba năm một lần bước lên đàn Nam Giao trịnh trọng trước mặt toàn thể bá quan văn võ và các vị bô lão về tụ tập, làm lễ cúng tế long trọng với mọi nghi thức xin Trời Đất ban mưa thuận gió hòa, mùa màng trù phú, đất nước thanh bình. Đó là loại tín ngưỡng mang nặng tính phồn thực, bởi mục đích của sự cúng tế là cầu xin các quyền năng siêu nhiên ban phát ân huệ nhằm thỏa mãn những nhu cầu thực tế trong cuộc sống.


Có người cho rằng đa số người Việt theo đạo Phật. Điều đó chính xác không? Đạo Phật là một nguồn sống tôn giáo đưa ra một hệ thống giáo pháp uyên áo, thâm sâu nhằm giúp ta tìm kiếm một cuộc sống an lạc thân tâm. Bởi thế, có thể xem đạo Phật như là một triết lí, một nhân sinh quan, một vũ trụ quan. Thế nhưng, ngoại trừ các bậc chân tu, các cư sĩ tắm gội trong giáo pháp, phần nhiều những người tự nhận là Phật tử – trong đó có tôi – lên chùa thắp hương chỉ để van vái cầu xin chư Phật ban cho mình lợi lộc và sự an lành (sau đó còn được ăn cơm chay ngon miệng và nhìn ngắm các bóng hồng bay phất phới trong nắng đẹp sân chùa) chứ có mấy ai thể hiện cái sống và cả cái chết theo đúng những hành vi tôn giáo cảm thụ từ đạo Phật đâu.



5.


MauLH_Trangtho.jpg


Xem ra tín ngưỡng dân Việt là tín ngưỡng cầu xin. Và nơi để người ta đến dâng lễ vật van vái cầu xin điều gì thường không phải mái chùa mà là đền, như đền Mẫu Liễu Hạnh ở phủ Tây Hồ Hà Nội, hay đền Mẫu Đông Cuông gần thành phố Nam Định. Thốt nhiên tôi nhớ hôm ở Hà Nội, tôi đi chơi lang thang thế nào mà lạc vào phủ Tây Hồ. (Đúng ra tôi bí chỗ đi chơi bèn bảo anh tài xế tắc xi chở tôi đến bất cứ nơi nào có cảnh non nước hữu tình.) Bước xuống xe, tôi bị một dòng người như nước lũ cuốn về phía doi đất nơi đền Mẫu Liễu Hạnh tọa lạc. Không biết người ở đâu ra mà đông thế, toàn những cặp vợ chồng trẻ hoặc trai thanh gái lịch, hai tay bưng mâm hoa quả và nhang đèn, mặt mày nghiêm trang kính cẩn, chen chúc nối đuôi nhau đi từng bước chậm chạp về phía đền. A, hóa ra hôm đó là ngày rằm, họ vào đền cúng xin điều gì đó. Điều gì đó, dù chẳng ai hé môi thổ lộ nửa lời nhưng tôi cũng đoán biết là gì. Cầu đẻ con trai, cầu doanh nghiệp thành công tốt đẹp trong thương trường, cầu ngày mai trúng cá độ, cầu kì thi này thi đỗ, vân vân, nhiều lắm, mỗi người một nỗi niềm mơ ước, mỗi người một nhu cầu khát khao, tất cả trông chờ vào ân huệ của Mẫu, ân sủng của Đất Trời, tất cả như đắm chìm trong niềm thương yêu chân phước. Chắc là được, con xin Mẫu ban cho con… Anh chị cứ thành tâm mà khấn nhé, chỉ cần thành tâm là Mẫu sẽ cho ngay đấy mà.


Thế là, không hẹn mà gặp, tôi chứng kiến ground zero của tín ngưỡng phồn thực dân gian Việt Nam.


Mẫu Liễu Hạnh, dĩ nhiên, là một huyền thoại. Tương truyền Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan một hôm trời đẹp bèn cùng hai người bạn thơ văn thả thuyền ngoạn cảnh Hồ Tây. Đang lênh đênh trên mặt gương hồ thì bỗng đâu xuất hiện một cô gái xinh đẹp. Hai bên đối đáp thơ văn tương đắc lắm. Sau một lúc đàm đạo chuyện văn chương thơ phú, Trạng Bùng ướm hỏi tính danh cô gái, nhưng cô chỉ mỉm cười đọc một bài thơ rồi biến mất. Chẳng biết cụ Trạng về nhà có tương tư cô gái hay không (nếu tôi là cụ thì chắc tôi tương tư đến chết mất thôi), cụ đọc kĩ bài thơ và nhất định bảo cô gái ấy chính là Mẫu Liễu Hạnh. Dân làng nhân thế lập miếu thờ. Người ta bảo tôi đền Mẫu Liễu Hạnh ở phủ Tây Hồ này linh thiêng lắm, cầu gì được nấy. Thảo nào…



6.


Cầu xin thánh thần là tốt, nhưng tốt nhất vẫn là cầu xin tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Dù sao chăng nữa, ông bà là người trong nhà, họ tộc. Có người cho rằng tôn giáo chính của người Việt không phải Phật giáo mà là đạo ông bà. Nhưng cũng có lập luận cho rằng thờ cúng ông bà, cha mẹ chẳng qua chỉ là hình thái biểu hiện lòng tôn kính của người Việt đối với tổ tiên và các bậc sinh thành đã khuất bóng, không phải tôn giáo. Tôi e lập luận như vậy có phần không ổn. Chẳng lẽ những dân tộc không có truyền thống thờ cúng ông bà, như dân Mỹ, họ đều không biết tôn kính tổ tiên sao? Thật ra, ông bà tổ tiên chỉ là một phần nhỏ trong tổng thể thần thánh mênh mông, và việc thờ cúng ông bà chỉ là một trong trăm nghìn khía cạnh tôn giáo đa dạng của người Việt.


Người Việt tin rằng con người, ngoài phần thân xác, còn có hồn và vía. Tất cả xác hồn vía là những nguyên lí làm nên sự sống. Hồn thì có sinh hồn, giác hồn và thần hồn. Vía thì đàn ông có bảy, đàn bà chín. (Ba hồn bảy vía.) Họ tin là sau khi chết, hồn vía người chết không hề tan biến mà tồn tại muôn đời sau. Căn cứ vào những nghi lễ tống táng người chết, phần hồn vía ấy được thầy cúng làm phép cho nhập vào bài vị để con cháu đem về đặt lên bàn thờ. Từ đó trở đi, vong linh người chết vẫn chung sống trà trộn trong thế giới người sống, vẫn tác động và ảnh hưởng lên sinh hoạt con cháu trong gia đình. Hồn người chết sau khi thoát ra khỏi thân xác vẫn có những nhu cầu y như lúc còn kết hợp với thân xác hồi còn sống. Thờ cúng ông bà tức là vẫn làm tròn đạo hiếu làm con: phụng dưỡng, săn sóc, chăm lo, tức là phải cung cấp đồ dùng, tiền bạc cho ông bà tiêu xài ở thế giới bên kia. Thế là mỗi năm có 5 ngàn tỉ VND vàng mã được đem ra đốt – theo thống kê mới nhất năm 2019 – để ông bà không bị đói rét. Trong mắt người duy vật thì 5 ngàn tỉ đồng này là sự phí phạm cực kì phi lí, nhưng cái-gọi-là “mê tín dị đoan” đó đã ăn sâu trong vô thức tập thể người Việt từ nhiều nghìn năm, tôi không tin người duy vật có thể dẹp bỏ niềm tin ấy trong một sớm một chiều. (Sự thật là nền móng của việc thờ cúng ông bà thường bị ngập chìm trong những ý tưởng mê tín dị đoan.)


Người chết vì có hồn vía nên chẳng những không tan biến mà còn sở hữu một năng lực siêu nhiên, y như thánh thần. Ngày giỗ, ngày Tết, người ta bày lên bàn thờ những món ngon vật lạ mời ông bà xơi và gia đình xì xụp quỳ lạy, khấn khứa cầu xin ông bà ban ân phước, chẳng khác gì lúc lên chùa, vào đền, thắp hương thờ cúng. Sự trường tồn của tổ tiên, sự hiện diện của ông bà ngay giữa gia đình không phải là một món hàng thời trang, một cách nói thi vị, mà là một thực tại sâu xa, ai ai cũng thừa nhận.


Ngày nay sự tôn kính, sùng bái thần vật giảm thiểu nhiều lắm nhất là ở dân đô thị. Trong lúc lái chiếc ô tô đời mới bóng loáng hay phóng chiếc xe máy nhiều phân khối qua cầu Cần Thơ, chẳng mấy ai lẩm nhẩm khấn thầm trong đầu xin “Hà Bá đừng kéo chưn tui xuống sông nhe,” nhưng về nhà thì hầu như ai cũng kính cẩn thắp ba nén nhang trên bàn thờ tổ tiên, thành kính vái lạy.


Tôi thấy hành vi đó quả là đẹp và nhân bản xiết bao.


– Trịnh Y Thư (2019)


  • Phần đầu bài viết xuất hiện trong tập tạp bút Chỉ là đồ chơi, xb 2012. Phần sau viết nhân đám giỗ năm thứ ba họa sĩ Đinh Cường tại tư gia họa sĩ Nguyễn Đình Thuần hôm 7/1/2019.

  • Cảm ơn giáo sư Trần Huy Bích đã giải thích thêm về cụm từ “Tam giáo đồng nguyên.”

  • Hình ảnh trong bài viết do tác giả chụp.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Việt Nam bước vào năm Giáp Thìn 2024 với gánh nặng tham nhũng và một đội ngũ “không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức lối sống. Đó là cảnh báo của người đứng đầu đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc phỏng vấn đầu năm của Thông Tấn Xã Việt Nam...
Từ thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, Triết gia Mạnh Tử (372-289 BC) của Trung Hoa đã nói rằng, “Dân là quý, thứ đến đất nước, rồi tới vua.” Điều đáng nói là Mạnh Tử là người đi theo học thuyết của Nho Gia vốn chủ trương vua là con ông Trời (Thiên tử) được sai xuống nhân gian để trị quốc an dân, vậy mà cũng không thể phủ nhận vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là tối quan trọng của người dân. Thời hiện đại, công pháp quốc tế đã nêu ba yếu tố chính hình thành một quốc gia: người dân, lãnh thổ và chính quyền. Trong đó, thật ra người dân chính là yếu tố then chốt quyết định. Lãnh thổ nếu không có dân ở, không có người quản trị thì không phải là đất nước của một dân tộc. Chính quyền từ người dân mà ra, bởi vì trước khi một người ra nắm quyền cai trị đất nước thì người đó phải là một người dân của đất nước ấy. Hơn nữa, sự thịnh suy của một quốc gia nằm trong tay người dân.
“Phản động lực” mà người Đài Loan thể hiện trong cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi khiến tôi, sau những suy nghĩ miên man về chuyện nước non, lại quay về với bài học yêu nước của thời tiểu học với câu hỏi khó, khiến nhiều học trò gác bút: “Em hãy tìm từ phản nghĩa với ‘tôn đại’.” Trung Quốc càng hung hăng đe dọa bao nhiêu, Đài Loan càng quật cường ngạo nghễ bấy nhiêu. Mà nếu Bắc Kinh ngu ngơ hay vờ vịt không biết gì đến định luật này thì, thầy nào tớ đó, Hà Nội cũng mù tịt hay giả bộ tương tự. Họặc mù tịt như thể đã hoàn toàn miễn dịch trước luật này; hoặc đóng kịch như thể không hề sống trong không gian ba chiều bình thường mà là một môi trường nào đó thiêu thiếu, cơ hồ chỉ… hai chiều rưỡi.
Tôi sinh trưởng ở Đà Lạt (Thành Phố Ngàn Hoa) nên sự hiểu biết về hoa lá cũng không đến nỗi tồi. Thế mà mãi tới bữa rồi, nhờ xem trang Trăm Hoa, mới được biết thêm về một loài hoa nữa – hoa ban: “Mùa hoa nở là lúc các cặp đôi nô nức đến thăm Tây Bắc. Hoa ban trắng tượng trưng cho tình yêu chung thủy và sự chân thành, dù tình yêu có gặp nhiều trắc trở, khó khăn thì cũng tự tin vượt qua và sẵn sàng đi đến bến bờ hạnh phúc. Các cặp đôi yêu nhau thường thề nguyện dưới gốc cây hoa ban như một minh chứng cho tình yêu thủy chung, bền chặt.”
Nhìn vào sự xuất hiện, sinh trưởng và tồn tại của chế độ cộng sản ở Việt Nam, chúng ta không thể phủ nhận đã có sự tương đồng với những thông tin tóm lược vừa nói về bệnh ung thư của con người...
Tôi tình cờ nhìn thấy hình Nguyễn Thúy Hạnh đang lơn tơn đẩy một cái xe cút kít đầy ắp bưởi (trên trang RFA) trong một cuộc phỏng vấn do Tuấn Khanh thực hiện, vào hôm 19 tháng Giêng năm 2021. Bên dưới tấm ảnh này không có lời ghi chú nào về thời điểm bấm máy nên tôi đoán có lẽ đây là lúc mà cô em đang hớn hở đến thăm vườn bưởi của họ Trịnh (ở Hòa Bình) vào “thuở trời đất (chưa) nổi cơn gió bụi”!
Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đang phải đối mặt với cuộc tranh chấp nội bộ trong kế hoạch tìm người kế nhiệm lãnh đạo khóa đảng XIV, nhiệm kỳ 2026-31. Những tranh chấp này được giữ kín để tránh hoang mang nội bộ. Chúng bộc phát ngay tại các Đại hội đảng địa phương và các ban đảng từ tháng 10 năm 2023...
Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 8 tại Đài Loan đã được tổ chức vào ngày 13/1 với kết quả là ông Lại Thành Đức Phó chủ tịch Đảng Dân tiến (Democratic Progressive Party, DPP) thắng cử...
Chúng ta đang làm nhân chứng cho một cuộc bầu cử kỳ quặc và đa sự chưa từng xảy ra trong lịch sử đầu phiếu ở Hoa Kỳ. Có thể nói, không chỉ lịch sử, mà rộng lớn hơn, chính là "sự cố" văn hóa chưa từng thấy. Bước vào năm 2024, sự tranh đua giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ càng gay go, khốc liệt với âm mưu, độc kế, thủ đoạn, ám toán, bôi nhọ, mánh mung, để xem ai sẽ là chủ nhân của ngôi Nhà Trắng trong bốn năm tới. Tất cả những ý nghĩ, hành vi đó đều gôm vào chính sách, chiến lược và chiến thuật vận động bầu cử. Bạn đọc sẽ có dịp theo dõi các thầy bàn người Mỹ và thầy bàn người Việt (trong và ngoài nước) phong phú hóa, hư cấu hóa, ảo tưởng hóa về việc bầu cử, tạo ra câu chuyện nửa thực, nửa hư, thú vị, bất ngờ với giận dữ và thất vọng, sung sướng và buồn bã, rung đùi và cụng ly, nguyền rủa và chửi bới, vân vân. Thông thường những luận lý, âm mưu, phê phán, dự đoán đó… được mổ xẻ qua kiến thức và kinh nghiệm tây phương, nơi có hàng ngàn sách vở nghiên cứu chính trường, chính đạo,
Chúng ta đang bước vào năm bầu cử. Năm 2024 sẽ có một cuộc bầu cử có tính quyết liệt, vì các lựa chọn chắc chắn sẽ gây tranh cãi trong nội bộ cộng đồng gốc Việt, trong các gia đình người Việt, giữa các lựa chọn về cấp tiến và bảo thủ, giữa các thế hệ trẻ và già ở hải ngoại. Và chắc chắn là bầu cử tháng 11/2024 tại Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng tới cuộc chiến Trung Đông, cuộc chiến ở Ukraine, và ở cả Đài Loan. Tác động như thế nào, chúng ta khó đo lường hết tất cả các ảnh hưởng. Trong đó, một tác động lớn là từ tin giả, nói kiểu Mỹ là Fake News, tức là tin không thật.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.