Hôm nay,  

Nhìn Lại Chủ Nghĩa Cộng Sản Sau Hơn 100 Năm

15/12/201819:00:00(Xem: 4874)

NHÌN LẠI CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN SAU HƠN 100 NĂM
 

Mục sư Tiến sĩ Phan Phước Lành

 

“Quốc Gia Hưng Vong, Thất Phu Hữu Trách.”  Mỗi người Việt, dầu ở vị trí nào, cũng phải có trách nhiệm với đất nước và dân tộc mình.  Tôi viết và phổ biến bài viết này sau thời gian dài suy tư về vận mệnh dân tộc và mong ước thấy sự hưng thịnh của đất nước Việt Nam yêu dấu.  Chúc mừng đội tuyển Việt Nam vừa đoạt CUP 2018 AFF Suzuki và mong ước Việt Nam đổi mới trên mọi bình diện không chỉ riêng lãnh vực bóng đá.

 

NGUỒN GỐC

 

Chủ Nghĩa Cộng Sản đã có mặt chính thức với quyền lực trên 100 năm qua kể từ khi những người Bôn-sê-vích nổi dậy giành chính quyền tại Nga vào tháng 10 năm 1917 và thành lập Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết (Liên Xô).  Bôn-sê-vích, có nghĩa là nhóm đa số trong Đảng Lao Động Dân Chủ Xã Hội Nga theo chủ nghĩa Mác, đã loại bỏ Men-sê-vích, có nghĩa là nhóm thiểu số, theo khuynh hướng ôn hòa, vào Đại Hội Đảng năm 1903.  Sau khi loại bỏ nhóm thiểu số, nhóm Bôn-sê-vích đã trở thành Đảng Cộng Sản Nga.

 

Cụm từ Chủ Nghĩa Cộng Sản được xuất hiện vào thế kỷ thứ 18 khi triết gia Victor d’Hypay (1746-1818) viết trong quyển sách “Projet De Communauté Philosophe” (1777) đưa ra một khái niệm “tập thể.”  Ông viết “tập thế ấy cùng chia sẻ kinh tế và sản phẩm chung, như thế mọi người sẽ được hưởng theo nhu cầu của mình.”  Với mô hình này, điều kiện cần thiết là những người ở trong một tập thể lớn đó phải sống dựa trên triết lý vật chất chỉ là tạm bợ và vô nghĩa.  Họ coi nhẹ vật chất, chỉ cần “đủ ăn đủ mặc là thỏa lòng” theo như tinh thần của Kinh thánh 1Timothy 6:8 dạy.

 

Người thứ hai cũng thường được nhắc đến như một tác nhân tiên phong cho khái niệm Cộng Sản là triết gia người Anh, Sir Thomas More (1478-1535).  Ông cho rằng một xã hội tốt đẹp khi tất cả tài sản là của chung và được quản trị bởi một nhóm người được tín nhiệm để phân phối vật chất tùy theo nhu cầu của từng người.  Điều kiện cần thiết ở đây là nhóm người quản trị đó phải thật sự thanh liêm và công chính.

 

Dựa trên ý niệm này, Chủ Nghĩa Cộng Sản có nghĩa là một cộng đồng dân chúng sống chung hòa với nhau trong cùng một lối sống và mọi người đều bình đẳng trong xã hội.  Mô hình sống chung này được thể hiện rõ nét trong giai đoạn đầu của Hội Thánh của Chúa Giê-su, vào những năm đầu của thế kỷ thứ nhất.  “Những người tin Chúa Giê-su đều hiệp lại với nhau, lấy mọi vật làm của chung.  Bán hết gia tài điền sản mình mà phân phát cho nhau, tùy sự cần dùng của từng người.  Ngày nào cũng vậy, cứ chăm chỉ đến đền thờ, còn ở nhà, thì bẻ bánh và dùng bữa chung với nhau cách vui vẻ thật thà” (Sách Công Vụ 2:44-46).  Hội Thánh ban đầu làm được điều này là vì ba lý do chính sau: (1) Họ xem nhẹ vật chất và nặng phần tâm linh; (2) Họ tin rằng Chúa Giê-su sẽ trở lại ngay cho nên sẳn sàng sống vì Chúa trong mọi đàng ngay cả bán điền sản để làm của chung; (3) Số lượng của họ còn nhỏ, vài ngàn người, cho nên rất dễ quản trị. 
 

SỰ HÌNH THÀNH

 

Cuộc Cách Mạng Công Nghiệp lần thứ nhất diễn ra từ giữa thế kỷ thứ 18 đến giữa thế kỷ thứ 19.  Trong giai đoạn này, nền kinh tế dựa vào tay chân và qui mô nhỏ đã được thay thế bằng máy móc và qui mô lớn.  Các nghành công nghiệp như sản xuất máy móc, dệt, năng lượng, sắt thép, đường sắt, kênh đào giao thông, động cơ hơi nước… đã đưa Châu Âu vào thời đại công nghiệp.  Đây là lúc chuyển đổi của Chế Độ Phong Kiến sang Chế Độ Tư Bản.  Những công xưởng sản  xuất được thành hình đi kèm theo chế độ lao động, sinh ra giai cấp chủ nhân và giai cấp công nông.  Sự khác biệt quyền lợi và quyền hạn của hai giai cấp tạo nên khoảng cách và sự bất bình đẳng trong xã hội.  Điều này khiến các cuộc cách mạng vô sản nổ ra.  Tiêu biểu là Cách Mạng Pháp (1789-1799) gieo hạt giống của Chủ Nghĩa Cộng Sản và Chủ Nghĩa Xã Hội. 

 

Karl Marx (1818-1883) và Friedrich Engels (1820-1895) là hai lý thuyết gia đã sinh ra triết lý Marxist.  Triết lý này đổ lỗi cho sự khác biệt về quyền hạn và quyền lợi giữa giai cấp chủ nhân (tư bản) và công nông (vô sản) là do Chủ Nghĩa Tư Bản, thiểu số những người giàu làm chủ các công ty của nền công nghiệp và nắm quyền của xã hội.  Đến năm 1848, hai ông đã đi đến chỗ cực đoan trong triết lý của mình là đưa ra Tuyên Ngôn Cộng Sản (ngày 21 tháng 2 năm 1848).

blank

Người Cộng Sản chủ trương đấu tranh giai cấp cách quyết liệt để triệt hạ toàn bộ thành phần tư sản trong xã hội.  Tuyên Ngôn Cộng Sản viết, “Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp. Người tự do và người nô lệ, quý tộc và bình dân, chúa đất và nông nô, thợ cả phường hội và thợ bạn, nói tóm lại, những kẻ áp bức và những người bị áp bức, luôn luôn đối kháng với nhau, đã tiến hành một cuộc đấu tranh không ngừng, lúc công khai, lúc ngấm ngầm, một cuộc đấu tranh bao giờ cũng kết thúc hoặc bằng một cuộc cải tạo cách mạng toàn bộ xã hội, hoặc bằng sự diệt vong của hai giai cấp đấu tranh với nhau.

Mục đích trước mắt của những người cộng sản là tổ chức những người vô sản thành giai cấp, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, giai cấp vô sản giành lấy chính quyền.

Người Cộng Sản đặt thế giới Cộng Sản lên trên quyền lợi của đất nước mình và luôn tranh giành quyền lãnh đạo độc tôn.  “Những người cộng sản chỉ khác với các đảng vô sản khác trên hai điểm: Một là, trong các cuộc đấu tranh của những người vô sản thuộc các dân tộc khác nhau, họ đặt lên hàng đầu và bảo vệ những lợi ích không phụ thuộc vào dân tộc và chung cho toàn thể giai cấp vô sản; Hai là, trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đấu tranh giữa vô sản và tư sản, họ luôn luôn đại biểu cho lợi ích của toàn bộ phong trào.”
 

Tuyên ngôn này cũng đưa ra mười phương cách xóa bỏ Chủ Nghĩa Tư Bản và thành lập Chủ Nghĩa Cộng Sản.

  1. 1.     Xóa bỏ quyền sở hữu ruộng đất và mướn đất của tư nhân, trao nộp hết vào mục đích công của nhà nước.
  2. 2.     Áp dụng thuế cấp tiến.
  3. 3.     Xoá bỏ quyền thừa kế.
  4. 4.     Tịch thu tài sản của tất cả những kẻ lưu vong và của tất cả những kẻ chống đối.
  5. 5.     Tập trung tín dụng vào tay nhà nước, thông qua một ngân hàng quốc gia với tư bản của nhà nước và ngân hàng này sẽ nắm độc quyền hoàn toàn.
  6. 6.     Tập trung tất cả các phương tiện truyền thông và vận tải vào trong tay nhà nước.
  7. 7.     Tăng thêm số công xưởng và công cụ sản xuất bởi nhà nước; khai khẩn đất đai để cấy cầy và cải tạo ruộng đất trong một kế hoạch chung.
  8. 8.     Thực hành nghĩa vụ lao động đối với tất cả mọi người, tổ chức các đạo quân công nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp.
  9. 9.     Kết hợp nông nghiệp và công nghiệp, thi hành những biện pháp nhằm làm mất dần sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn.
  10. Giáo dục công cộng và miễn phí cho tất cả các trẻ em. Xoá bỏ việc sử dụng trẻ em làm trong các khu công xưởng như hiện nay. Kết hợp giáo dục với sản phẩm công nghiệp.

 

1. Abolition of property in land and application of all rents of land to public purposes.
2. A heavy progressive or graduated income tax.
3. Abolition of all rights of inheritance.
4. Confiscation of the property of all emigrants and rebels.
5. Centralization of credit in the hands of the state, by means of a national bank with State capital and an exclusive monopoly.
6. Centralization of the means of communication and transport in the hands of the State.
7. Extension of factories and instruments of production owned by the State; the bringing into cultivation of waste-lands, and the improvement of the soil generally in accordance with a common plan.
8. Equal liability of all to work. Establishment of industrial armies, especially for agriculture.
9. Combination of agriculture with manufacturing industries; gradual abolition of all the distinction between town and country by a more equable distribution of the populace over the country.
10. Free education for all children in public schools. Abolition of children’s factory labor in its present form. Combination of education with industrial production.

Tuyên Ngôn Cộng Sản đã trở thành kim chỉ nam cho những người cộng sản Bôn-sê-vích vào đầu thế kỷ 20 và họ đã cướp được chính quyền tại Nga nhờ dựa vào lực lượng công nông.  Sự khác biệt giàu nghèo đưa đến sự căm tức của giai cấp công nông và được khích động bởi triết lý Cộng Sản, những người Bôn-sê-vích đã khơi bừng lên lòng thù hận và tranh giành quyền lực.  Nhờ vào sự kết thúc của Thế Chiến Thứ Hai và Chiến Tranh Độc Lập của các thuộc địa, người Cộng Sản đã cướp được chính quyền thêm nhiều nơi trên thế giới như Đông Đức, Đông Âu, Trung Quốc, Việt Nam, Cu-ba, Bắc Hàn, Campuchia … 

HẬU QUẢ

Tại Nga.  Xã hội Nga giai đoạn đầu dưới thời Xã Hội Chủ Nghĩa, sinh ra hai hệ cấu trúc xã hội: Cộng Sản ở thành thị và Tư Bản ở nông thôn.  Tại nông thôn, các điền chủ vẫn tồn tại và tạo nên một thế lực ngăn cản sự xóa bỏ quyền sở hữu đất tư nhân để quốc hữu hóa đất vào tay nhà nước.  Vì thế dưới thời Lê-nin và đặc biệt là Stalin, đã có chính sách tận diệt các điền chủ.  Theo “The Black Book of Communism” “Quyển Sách Đen của Chủ Nghĩa Cộng Sản,” dưới thời Lê-nin đã giết chừng 1.5 triệu người trong chiến dịch tận diệt điền chủ.  Tồi tệ hơn là dưới thời Stalin, chỉ trong năm 1937 và 1938 đã có trên 1.5 triệu người bị giết, trong đó có 700,000 bị xử bắn.  Năm 1936 có hơn 5 triệu người Nga bị giam trong các tù cải tạo.  Vì muốn tiến nhanh lên công nghiệp hóa cho nên Stalin đã tạo ra cơn đói năm 1932-33 có chừng 8 triệu người chết, được biết dưới tên “Holodomor.”

Tại Trung Quốc.  Mao Trạch Đông lãnh đạo Đảng Cộng Sản cướp chính quyền vào năm 1949 lập ra nhà nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (the People’s Republic of China).  Chính sách hợp tác xã và tập trung vào công nghiệp hóa đã khiến cho 30 đến 40 triệu người chết vì đói.  Ông cũng giết nhiều người thuộc giới trí thức và tư sản.  Câu nói để đời của Mao, “Tần Thủy Hoàng chôn sống 460 học giả, nhưng chúng ta đã chôn sống 46.000 (46 ngàn) học giả.”

Theo số liệu của Victims of Communism Memorial Foundation (Tổ Chức Tưởng Nhớ Nạn Nhân của Chủ Nghĩa Cộng Sản) đã cho biết gần 100 triệu người chết vì nạn Cộng Sản qua đấu tố giết hại, thanh trừng, giết trực tiếp, thủ tiêu, đói chết… và được chia theo các quốc gia như sau:

 blank

  • Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa: 65 triệu
  • Liên Xô: 30 triệu
  • Cam-pu-chia: 2 triệu
  • Bắc Hàn: 2 triệu
  • Phi Châu: 1.7 triệu
  • Áp-ga-nis-tan: 1.5 triệu
  • Đông Âu: 1 triệu
  • Việt Nam: 1 triệu
  • Châu Mỹ La-tin: 150,000

 

10 ĐIỀU SAI TRẬT KHI THỰC HIỆN CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN

 

  1. Đấu Tranh Giai Cấp.  Tàn sát những người thuộc giai cấp tư sản và thành phần trí thức là sự hủy diệt tài nguyên của đất nước và của nhân loại.  Đấu tranh giai cấp tạo nên sự hận thù sâu sắc trong lòng dân tộc.  Những người Cộng Sản nghĩ thế nào nếu người dân ngày hôm nay đứng dậy lấy chính quyền và giết hết mấy triệu người Cộng Sản.  Điều này thật quá ác!
  2. Xóa Bỏ Tư Hữu.  Bản chất của con người là tư hữu.  Mỗi người đều muốn sở hữu quyền đất đai của mình, có quyền sang nhượng, dù mảnh đất nhỏ hay lớn.  Quốc hữu hóa chỉ có giá trị khi con người tự nguyện đồng lòng, không thể cưỡng chiếm.  Toàn bộ đất đai vào tay nhà nước sẽ tạo nên việc quản lý yếu kém tài nguyên chung và tạo nên sự mâu thuẫn giữa nhà nước và nhân dân về quyền sở hữu đất.
  3. Hợp Tác Xã.  Mô hình kinh tế này làm giảm năng suất lao động.  Bản chất của con người, đa phần, muốn hưởng nhiều làm ít nếu đó là việc công.  Ngoại trừ khi họ có lý tưởng để tận hiến.  Việc làm theo năng lực và hưởng theo nhu cầu là không thực trong đời sống thường nhật của con người. 
  4. Nhà Nước Bao Trùm.  Mô hình kinh tế Xã Hội Chủ Nghĩa mang lại sự nghèo đói và tạo ra tham nhũng.  Mô hình này tạo nên sự lũng đoạn thị trường vì nhà nước luôn can thiệp và tác động sâu rộng vào sự vận hành tự do và công bằng của thị trường, tạo nên những hiệu ứng giả tạo liên quan đến giá cả thị trường.  Nền kinh tế của Trung Quốc và Việt Nam có khá hơn về sau này là nhờ “đổi mới” tiếp nhận kinh tế thị trường, để cho người dân tự do hơn làm kinh tế.
  5. Đảo Lộn Trật Tự Xã Hội.  Trong xã hội luôn có thành phần lãnh đạo.  Nếu lật đổ thành phần lãnh đạo mà không chuẩn bị một đội ngũ lãnh đạo tốt hơn thì sẽ đưa xã hội vào bế tắc.  Không thể phủ nhận những người Tư Bản vào giữa thế kỷ 18 đã thay đổi chế độ phong kiến và họ đang làm công tác lãnh đạo và là thành phần lãnh đạo của xã hội.  Đây là giai đoạn phôi thai của Tư Bản Chủ Nghĩa còn mang nặng triết lý phong kiến.  Trong khi đó những người công nông, chưa từng học và hành về lãnh đạo, giết những người tư bản và trí thức, thành phần đang lãnh đạo, và tự lên lãnh đạo thì chắc chắn phải rơi vào sự bế tắc lãnh đạo.
  6. Chính Sách Nhảy Vọt.  Liên Xô và Trung Quốc đã áp dụng chính sách nhảy vọt, tập trung vào công nghiệp hóa, để tiến nhanh tiến mạnh lên Xã Hội Chủ Nghĩa, khiến các nạn đói kém kinh hoàng xảy ra.  Gần 100 triệu người chết vì Chủ Nghĩa Cộng Sản phần lớn là do các chính sách sai trật của nhà nước Cộng Sản.
  7. Đàn Áp Xã Hội Dân Sự.  Tự do hoạt động của xã hội dân sự là yếu tố quan trọng góp phần cho sự phát triển của một xã hội tự do.  Nhà nước Cộng Sản luôn đàn áp xã hội dân sự và triệt tiêu hoàn toàn sự tự do nhóm họp cũng như sự sáng tạo của người dân.
  8. Bắt Đối Lập.  Bắt, bỏ tù, giết đối lập chính trị là điều luôn xảy ra trong nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa.  Khi một chính quyền không có đối lập, là lúc, chính quyền đó trở thành một nhà nước độc tài, chậm tiến. 
  9. Đặc Quyền.  Chính sách đặc quyền dành cho các đảng viên Cộng Sản đã tạo nên những con người Cộng Sản ấu trĩ.  Điều này tạo nên sự phân biệt giai cấp ngay trong chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa.  Bởi chính sách đặc quyền đã tạo nên đặc lợi cho một thiểu số đảng viên và nhóm thiểu số này đã trở thành một thứ tư bản mới, thường được mệnh danh là Tư Bản Đỏ, ngay trong lòng của nhà nước Cộng Sản.  Xóa bỏ sự đặc quyền dành cho đảng viên Cộng sản và công chức nhà nước là điều cần thiết để lành mạnh hàng ngũ lãnh đạo.
  10. Chống Tôn Giáo.  Chống tôn giáo làm băng hoại nền tảng đạo đức và nhu cầu thiêng liêng của con người.  Quyền thờ phượng là quyền quan trọng nhất và có trước hơn tất cả mọi quyền khác của con người.  Người Cộng Sản xem tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ người dân và cần tận diệt.

 

ƯU VIỆT CỦA TƯ BẢN CHỦ NGHĨA

 

Phát Triển Giai Cấp Trung Lưu.  Người Cộng Sản chỉ thấy giai cấp thượng lưu tư bản bóc lột trong giai đoạn đầu của Chủ Nghĩa Tư Bản vào giữa thế kỷ thứ 18, nhưng chưa thấy về lâu dài của Chủ Nghĩa Tư Bản.  Cho đến hiện tại, Chủ Nghĩa Tư Bản đã tạo ra giai cấp trung lưu: các chuyên viên, các nhà nghiên cứu, các học giả, các nhà quản trị, các kỹ sư, các lãnh đạo…  Tuy họ là nhân viên của các đại công ty, hay các tiểu thương, trong xã hội Tư Bản, họ có một chỗ đứng vững vàng.  Giai cấp trung lưu này đã trở thành đa số của xã hội và đẩy giai cấp thượng lưu (giới chủ nhân) và người nghèo trở thành thiểu số.  Theo thống kê của cơ quan truyền thông CNBC, có 70% dân số Mỹ là giai cấp trung lưu.  Theo nghiên cứu của The Brookings cho biết, trong bài viết “The Coming Global Middle-Class Majority: Thank Capitalism, Not Socialism, For The Boom” năm 2016 thế giới có 3.2 tỉ “trung lưu,” đa phần sống ở các nước tư bản, và hiện tại có 3.7 tỉ “trung lưu.”  Các nước có nền kinh tế thị trường (người dân nắm quyền kinh tế) tạo ra nhiều trung lưu trong xã hội hơn những nước có nền kinh tế quốc doanh (nhà nước nắm quyền kinh tế).  Theo nghiên cứu này với xu thế thời đại của kinh tế thị trường ảnh hưởng bởi Chủ Nghĩa Tư Bản, thế giới sẽ có 7.5 tỉ người sẽ trở thành “trung lưu” trong vài năm sắp tới.  Định nghĩa “trung lưu” của The Brookings là có ăn, có mặc, có chỗ ở ổn định và còn dư tiền để mua sắm những thứ như iphone, TV, xe hơi, trả học phí để con cái được học đại học, sửa sang nhà cửa… Với định nghĩa này nhu cầu của “trung lưu” được đáp ứng vượt xa hơn tinh thần “hưởng theo nhu cầu” của Marxist.  Bằng chứng cụ thể là kể từ khi Trung Quốc và Việt Nam mở cửa cho kinh tế thị trường, nền kinh tế của hai nước này phát triển nhanh và người dân khá hơn.  Nếu sự mở cửa này được sớm hơn và được toàn diện hơn thì Việt Nam không tụt hậu như ngày nay.  Các nước cựu Cộng Sản như Nga, Đông Đức, Đông Âu đều phát triển hơn thời Cộng Sản và các nước này không mơ ước gì trở về lại chế độ Cộng Sản.   

 

Phát Triển Nông Nghiệp Qui Mô Lớn.  Khi nền kinh tế thị trường phát triển, nông dân không thể bám mảnh ruộng tí tẹo của mình để kiếm kế sinh nhai.  Nông dân trẻ bỏ quê lên thành thị để làm công nhân và thương mại.  Các mảnh ruộng nhỏ kiểu hậu Xã Hội Chủ Nghĩa phải được gom lại và phát triển nông nghiệp với qui mô lớn, như vậy máy móc được sử dụng, sinh ra nhiều sản phẩm mà không cần nhiều người bám ruộng bám vườn.  Hãy để cho nông dân được quyền sở hữu nhiều đất và thành lập các nông trại tư cho sự phát triển nông nghiệp.  Có như vậy nông dân nào còn bám lại nông thôn mới có thể sống khá được.  Ở Mỹ, nông dân làm nông nghiệp cách tự do với qui mô lớn mà vẫn không thể giàu có được như các chủ đại công ty, thì tại Việt Nam, dưới sự kèm kẹp của các chính sách sở hữu đất, làm sao nông dân có thể vươn lên được.

 

Phát Huy Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền.  Xu thế thời đại đang tôn trọng quyền con người.  Những quyền căn bản của con người đã được ghi trong bản tuyên ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.  Là người với người, không ai có quyền xâm phạm những quyền tự do căn bản mà Đức Chúa Trời đã ban cho mỗi con người trong đó có quyền tự do tôn giáo, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do họp hội, quyền tự do biểu đạt quan điểm trong ôn hòa.  Các nhà nước chân chính là phải có trách nhiệm bảo vệ người dân thể hiện được những quyền này chớ không phải đàn áp người dân và dẹp bỏ các quyền căn bản này.  Nhà nước nào ngăn cản tự do, dân chủ, nhân quyền đều bị lên án là những quốc gia độc tài, và thế giới khinh thường.  Tự lãnh đạo của các quốc gia này cũng biết và hỗ thẹn về điều đó mỗi khi gặp mặt các lãnh đạo của các quốc gia khác trên thế giới vì thành tích nhân quyền nghèo nàn.

 

Sự Trả Lại Cho Cộng Đồng.  Các tỷ và triệu phú trong chế độ tư bản thường trả lại cho cộng đồng qua sự phục vụ và đóng góp vào các quỹ từ thiện để giúp xã hội.  Nhiều người trong họ tự lập ra quỹ từ thiện để trả lại cộng đồng xã hội “give back to the community” điển hình là tỷ phú Bill Gates.  Sự góp phần của các nhà tư bản và các tổ chức thiện nguyện từ xã hội dân sự đóng vai trò hết sự quan trọng vào việc giúp đỡ người dân nghèo.  Nhiều bệnh nhân được nhận sự giúp đỡ y tế miễn phí là nhờ các tổ chức thiện nguyện và các cá nhân. 

 

Cơ Hội Dành Cho Mọi Người.  Trong chế độ Tư Bản, ai cũng có thể vươn lên và đều có cơ hội.  Nhiều tỷ phú của Mỹ vốn xuất thân từ giới vô sản và trung lưu.  Ông Bill Gates rời trường Harvard sau hai năm theo học, cùng bạn của mình là ông Paul Allen đã sáng lập ra công ty phần mềm Microsoft, khởi sự trong một garage đậu xe nhỏ bé.  Gần đây nhất hai anh Travis Kalanick và Garrett Camp đồng sáng lập công ty Uber, khởi sự chỉ có $800.  Ngay cả Mark Zuckerberg của FaceBook cũng sinh ra trong gia đình trung lưu thôi.  Vì được điều kiện thuận tiện của xã hội Tư Bản, họ vươn lên cách lành mạnh và họ ngẩng đầu khi đạt đến đỉnh cao thành công tài chánh.  Trong chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa, đa phần ai muốn vươn lên phải qua con đường hối lộ, tham nhũng và phe cánh dựa dẫm vì thế khi giàu có rồi luôn có thái độ mặc cảm vì bất chính và sợ sệt vì không minh bạch về sự giàu có.  Nếu bị nhà nước thanh trừng là tan gia bại sản.

 

CẦN SỰ BIẾN ĐỔI CHO VIỆT NAM

 

Không cần phải đấu tranh giai cấp, không cần phải đổ máu hay không cần phải binh biến, các quốc gia Đông Âu hay Nga đã có những cuộc cách mạng nhung diệu kỳ.  Việt Nam phải chuyển biến để đạt đến:

 

1/ Kinh Tế Thị Trường Theo Mô Hình Tư Bản.  Cho đến ngày hôm nay, Xã Hội Chủ Nghĩa là không thực, không thể áp dụng được và cũng không định hướng được.  Vì tiến lên Xã Hội Chủ Nghĩa đất nước chúng ta đã đi sau các nước Tư Bản trên thế giới từ 50 đến 100 năm rồi, thậm chí còn chậm hơn nữa.  Như vậy, cứ áp dụng những điều mà đất nước người ta đã thành công, không cần phải lý luận gì nhiều cả.  Không có cái gọi là “Kinh tế thị trường định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa.”  Đây chẳng qua là nhọc nhằn chính trị mà thôi vì kinh tế thị trường là định hướng của Tư Bản Chủ Nghĩa.  Người dân được có quyền tư hữu đất đai.

 

2/ Tự Do Chính Trị Đa Nguyên Đa Đảng.  Đảng Cộng Sản lên án sự độc tài, hà khắc, cường quyền, tham nhũng của chế độ Phong Kiến, nhưng sau khi có chính quyền trong tay, Đảng Cộng Sản lại độc tài, hà khắc, cường quyền và tham nhũng hơn cả chế độ phong kiến.  Cần có một môi trường chính trị có tính cạnh tranh tốt và quyền quyết định thật sự khi chọn những người lãnh đạo quốc gia phải do người dân chọn lựa, không do một Đảng cử dân bầu.  Bầu đi bầu lại thì cũng chỉ là người của Đảng.  Không có tiến bộ gì.  Đa Nguyên Đa Đảng có tranh cải, có chửi bới, nhiều lúc hơi vô trật tự nhưng lại tạo ra tính minh bạch trong chính trị và giúp người dân chọn những người có tâm, có tầm, có tiếng tốt cho công việc chung của đất nước.

 

3/ Xây Dựng Quốc Gia Trên Nền Cộng Hòa.  Có nhiều nền Cộng Hòa trên thế giới như: Quân Chủ Lập Hiến, Đại Nghị Chế, nhưng  nền Cộng Hòa Tổng Thống Chế là một mô hình hữu hiệu với Tam Quyền Phân Lập và một nhà nước Dân Chủ Pháp Trị, không phải đảng phái trị.  Theo từ Bách Khoa Từ Điển mở Wiki “nền cộng hòa (Tiếng Latinh: res publica) là một bang hay một quốc gia được lãnh đạo bởi những người không dựa sức mạnh chính trị của họ vào bất kỳ một quy luật nào vượt khỏi tầm kiểm soát của Nhân Dân trong bang hay nước đó.”  Nếu một nhà nước bởi dân, do dân và vì dân thì Nền Cộng Hòa Dân Chủ Pháp Trị là một mô hình tốt nhất cho Việt Nam. 

 

Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản được Unesco công nhận là di sản.  Hãy để lý thuyết Cộng Sản là một di sản.  Lý thuyết Cộng Sản đóng vai trò giúp quân bình cho Tư Bản Chủ Nghĩa, nhưng không thể áp dụng thay Tư Bản Chủ Nghĩa trong thế giới thật của nhân loại. 

 

Nhân ngày đội tuyển Việt Nam đoạt CUP 2018 AFF Suzuki



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.