Hôm nay,  

Chiều Chủ Nhật Nhạc Và Thơ

29/11/201809:08:00(Xem: 4944)

CHIỀU CHỦ NHẬT NHẠC VÀ THƠ

 

Phùng Annie Kim

 

 

Dư âm của mùa Lễ Tạ Ơn 2018 còn lắng đọng trong buổi chiều chủ nhật êm ả 25 tháng 11 khi tôi đến phòng sinh hoạt báo Người Việt để “nghe những ca khúc nổi tiếng được nhiều người ưa thích”. Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát, mở đầu chương trình văn nghệ bằng những lời cảm ơn. Ông cảm ơn đất trời, cảm ơn thành phố nơi ông đang sống và những người bạn đã từng chia sẻ với ông trong thời gian đi học,  đi lính, đi tù, đi dạy và đi hát hơn nửa thế kỷ. Chiều nay, các bạn đến để cùng ông cất cao giọng hát, tiếng đàn cho buổi  văn nghệ có tựa đề  “Nhạc Chiều Chủ Nhật”.

 blank

Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát

 

“Nhạc Chiều Chủ Nhật” không có chủ đề chính mà là những bài hát mang tính đấu tranh của ông trong giai đoạn tù đày, những bài hát tâm linh nơi đó ông tìm cho mình một nơi an trú và những bài hát nổi tiếng của các nhạc sĩ  một thời được mọi người yêu mến.
 

Phòng không còn ghế trống. Ba nhạc sĩ Hồng Ánh :cello, Nghiêm Phú Phát: piano, Đại Thành: keyboard đệm đàn cho 15 ca sĩ và  24 tiết mục kéo dài trong vòng hai tiếng rưỡi đồng hồ. Đặc biệt của chiều văn nghệ này là người hát và  các nhạc sĩ tuần tự lên sân khấu trình diễn rất  tự nhiên không có người dẫn chương trình. Dù sao sự có mặt của ông bên cạnh chiếc đàn piano là chiếc cầu nối “giao lưu” sinh động giữa nhạc sĩ và người hát, giữa người hát và bài hát, giữa người hát và khán thính giả nhất là được nghe ông tâm sự  về những sáng tác của mình. Một chương trình văn nghệ thu nhỏ ấm cúng và thân mật .
 

Như ông cho biết “Nhạc Chiều Chủ Nhật” nhằm mục đích thuần túy vì văn nghệ nên không bán vé. Ông muốn để lại chút kỷ niệm trong suốt cuộc đời ông đã gắn bó với âm nhạc. Ông mong rằng đây là cơ hội cho khán thính giả yêu nhạc được thưởng thức một chương trình văn nghệ ‘sạch” và “tử tế” vì có sự tôn trọng giờ giấc cũng như thái độ thưởng ngoạn.
 

Ca khúc mở đầu là bài “ Hẹn Thề Cùng Sài Gòn” , ý lời Thanh Châu, Nghiêm Phú Phát phổ nhạc, nhóm Hoài Hương gồm Vũ Hùng, Xuân Thanh, Lan Hương trình bày đã làm khán giả ngạc nhiên và xúc động về một bản nhạc hay, viết về Sài Gòn sau 75 nhưng ít được phổ biến. Nhạc sĩ tâm sự xuất phát từ ý tưởng của người bạn tù hẹn ngày trở về Sai Gòn, ông và các bạn  đã làm một cuộc chính biến trong trại  tù Z30 D Hàm Tân vào dịp Tết Tân Dậu 1981. Hậu quả là ông bị nhốt vào phòng tối và kéo dài thêm năm năm nữa.

 blank

Từ trái: Vũ Hùng, Lan Hương, Xuân Thanh

 

“Sài Gòn ơi ta sẽ trở về... Như đã hẹn thề.... Về đây đòi lại tên Sài Gòn đã mất...Quyết tâm chiếm lại Sài Gòn của ta...Ta về Sài Gòn phải có tự do...”. “Sai Gon ơi xin đừng để mất quê hương”… Âm điệu trầm hùng, lời ca tha thiết, phản ánh được ước vọng của hàng triệu người Việt  Nam mong muốn một quê hương Việt Nam đổi mới,  một đất nước Việt Nam  dân chủ và tự do.  
 

-Cali đang là mùa thu. Nhạc điệu slow chậm, nhịp nhàng. Những câu hỏi tình tứ “Em có nghe… khi hồn thu tới mình yêu nhau nhé.. “Em có hay …bao trái tim vương màu xanh mới… Và em có mơ…khi mùa thu tới hai chúng ta sẽ cùng chung lối…tình ta ngát hương.” Bài hát “Mùa Thu Cho Em” của Ngô Thụy Miên đã làm ấm lại bao trái tim yêu thương của những cặp tình nhân qua tiếng hát truyền cảm của  Lâm Dung.
 

-Năm 1963, Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại  ngã tư Phan Đình Phùng.    “Lửa! Lửa cháy ngất tòa sen… Hai Vầng Sáng rưng rưng. Đông Tây nhòa lệ ngọc….Gọi hết lửa vào xương da bỏ ngỏ…Bóng Người vượt chín tầng mây...”

 

 “ Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc

Lụa hay tre nào khiến bút ai ghi

Chỗ Người ngồi một thiên thu tuyệt tác

Trong vô hình sáng chói nét từ bi...”  

 blank

Khắc Hiền

 

Khắc Hiền đã cất cao tiếng hát ca ngợi một nhân vật lịch sử, một vị Bồ Tát xả thân để cứu nguy cho dân tộc và đạo pháp trong bài “Lửa Từ Bi” thơ Vũ Hoàng Chương, nhạc Tâm Nguyện tức nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát”. Nhạc điệu trầm hùng mà không bi thương. Lời diễn giải của  Diệu Trang về ngọn lửa từ bi cùng với trí tuệ dũng mãnh phi thường đã làm nên một con người vĩ đại  để lại cho lịch sử và đạo pháp những gì? “ Còn lại chứ! Còn trái tim Bồ Tát”.
 

-Bài hát “Ước Mơ”, lời thơ Sen Nhất Quán tức nhạc sĩ Nghiêm Phú Phương, Nghiêm Đông Quân tức nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát  phổ nhạc nói lên niềm mơ ước được là ánh sáng, trăng thanh, gió lớn…  tràn đầy sức sống vươn lên, thổi đi những muộn phiền, u ẩn, nở những đóa bình an trong tâm do  Phương Lan trình bày.
 

-Có những nhạc sĩ sáng tác những ca khúc để đời khi còn rất trẻ. Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát nhắc đến nhạc sĩ Cung Tiến với hai nhạc phẩm “Thu Vàng” và “Hương Xưa”. Người nhạc sĩ  tài hoa này khi chưa tròn 16 tuổi đã đưa vào ca khúc  “Hương Xưa”  những điển tích lãng mạn trong văn học như “Tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa”, “Cung Nguyệt Cầm vẫn thương Cô Tô”, “Nhớ thương nàng Quỳnh Như” , “Lời Đường Thi”, “Thời Hoàng Kim” diễn tả những mối tình dang dở của đôi trai gái mong chờ có ngày sum họp. Ý lời và âm điệu trong đoạn nhạc mở đầu thanh bình, yêu thương; đoạn giữa chia tay, thương nhớ ; đoạn cuối sum họp, hạnh phúc.  Đây là một bản nhạc hay nhưng khó diễn đạt . Dù Thu Vân hết sức cố gắng nhưng trong tâm cảnh và sức khỏe chưa được hoàn hảo, mong rằng với thời gian tập luyện nhiều và sức khỏe phục hồi, chị sẽ  mang tiếng hát của mình bay cao xa hơn nữa.
 

-Chương trình được thay đổi bằng ca khúc  xưa “Les Feuiles Mortes”, nhạc Joseph Kosma, thơ Jacques Prevert . Vân Anh diễn tả nỗi niềm thương nhớ  xót xa  mỗi khi nhìn lá vàng rơi, gợi lại hình ảnh người yêu đã ra đi.
 

- Viết về Mẹ là đề tài muôn thuở. Đã có biết bao nhiêu lời hay, ý đẹp gửi đến Mẹ trong thơ, văn và nhạc trong đó có bài “Mẹ Tôi” của nhạc sĩ Trần Tiến. Người con viết về Mẹ, “…con ngồi nhớ Mẹ khóc như trẻ con” mặc dù “ Mẹ ơi, con đã già rồi. “Mẹ ơi thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình “. “Mẹ ơi phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có Mẹ”. Một bài hát hay về Mẹ . Đoan Khánh, người kỹ sư của hãng Boeing chỉ có vài ngày tập dượt nhưng lòng yêu âm nhạc thúc đẩy ông lên sân khấu  hòa vui với các bạn văn nghệ.
 

-Một trong những bài thơ nổi tiếng của thi sĩ Phạm Thiên Thư, Phạm Duy phổ nhạc,  Ngọc Hoa trình bày là bài “Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu”.Lời thơ đẹp và trang nhã như gấm hoa, ý tình tha thiết, làn điệu mênh mang, âm hưởng ca dao, khi bay bổng, khi trầm lắng, kể lại chuyện tình lãng mạn như trong truyện cổ tích giữa một văn nhân và cô gái đẹp có cái tên huyền thoại Ẩn Lan.

 

 blank

Từ trái: Diệu Trang, Vân Anh, Kim Loan

 

 -Bên cạnh những ca khúc viết về Mẹ và tình yêu đôi lứa, bài hát  “Em bé Việt Nam Và Những Viện Sỏi”, nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát phổ nhạc từ thơ của Trần Trung Đạo đã làm lắng đọng tâm tư của khán giả khi  Kim Loan kể về em bé  Việt Nam lưu lạc tại trại tị nạn Palawan trong một chuyến vượt biên cùng gia đình. Những câu hỏi “Ba em đâu”, “Mẹ em đâu” “Anh, chị em đâu” làm nổi bật hình ảnh em bơ vơ ngồi một mình trên bãi biển, đếm từng viên sỏi, tưởng tượng đó là những viên kẹo, viên này dành cho ba, viên kia dành cho mẹ, những viên còn lại  cho anh cho chị , viên lớn nhất dành cho bé đấy ...  Chắc bé không còn nước mắt để khóc và những viên kẹo tưởng tượng kia  sẽ không bao giờ đến với những người thân yêu của bé vì họ ra đi không bao giờ trở về.
 

-Một giọng hát vững vàng và tự tin  trên sân khấu đó là  Mỹ Thúy. Ca khúc “Khi Ánh Chiều Buông” của nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát là một bài hát kỷ niệm khi cô còn là cô gái trẻ thời trung học, tham gia văn nghệ trong đoàn văn nghệ sinh viên học sinh Nguồn Sống do nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát thành lập và hướng dẫn. Sau nửa thế kỷ gặp lại vị Thầy ngày xưa tại Cali, cô hát ca khúc này với niềm xúc động tràn đầy của người hát lẫn người nhạc sĩ.
 

 Đối với nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát, ca khúc này còn là một ấn tượng và kỷ niệm khó quên của người thanh niên trẻ , đam mê những nốt đồ -rê-mi, tự mầy mò sáng tác những bài hát đầu tay. Chàng nhạc sĩ ấy đã trải dài tâm tư của mình về cuộc đời, tình yêu, tâm linh và thân phận con người trong ca khúc. Ông đã nhận được niềm vui lớn là đài phát thanh đã phát sóng ca khúc này với giọng hát tuyệt vời của ca sĩ Mai Hương. Kế đó là hãng dĩa Asia Sóng Nhạc thu âm tiếng hát của ca sĩ Minh Tuyết và ông đã nhận được số tiền “cát-sê” không nhỏ.
 

-Trở lại với Thu Vàng, mang âm hưởng của một tiếng hát chuyên nghiệp, chất giọng  khỏe, cao và  truyền cảm, cô đã diễn tả bài hát “Viễn Du” một cách trọn vẹn. Đây là ca khúc nói lên những cảm nghiệm của người thanh niên Phạm Duy khi còn trẻ “Ra khơi thấy lòng phơi phới, thấy tình thế giới, thấy mộng ngày mai, thấy niềm tin mới”... Chàng thanh niên “Phiêu du”  để “thấy  đất liền Âu Á cũng không xa gì”...để “vững tay chèo lái” trước “bão bùng xô tới xô lui”...và để thấy “toàn cầu mới” cùng hát “khúc đại tình ca”.

 blank

Từ trái: Đoan Khánh, Ngọc Hoa, Mỹ Thúy, Thu Vàng

 

 

-Một bài hát rất dễ thương làm chúng ta nhớ tới tác giả là đôi song ca Lê Uyên  Phương. Họ đã từng trình diễn “Bài Ca Hạnh Ngộ” trên sân khấu trước 75. Cuộc đời sẽ có nhiều đổi thay “Rồi như khi lớn lên”. “Rồi như khi úa tàn” nhưng hãy sống với hiện tại “Ngày hôm nay có nhau” vì nếu còn “hạnh ngộ” “Ngày mai chung gánh đời” thì hãy xem “Tình yêu đời đời” là “Luôn ghi kỷ niệm yêu thương”. Hai ca sĩ  Lan Hương và Xuân Thanh gợi cho khán thính giả hình ảnh đôi song ca của một thời yêu thương, gắn bó.

-Đã qua đi nửa chương trình. Không có những giây phút giải lao. Có lẽ  vì ban tổ chức trân quý và tiết kiệm thời gian. Như nhạc sĩ nói  “Chương trình bắt đầu lúc ba giờ, ba giờ không có nghĩa là ba giờ một phút” vì thế chương trình vẫn được tiếp tục với bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên  “Riêng Một Góc Trời”.Đây là câu chuyện tình đẹp. “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở” (1). “Người vui bên ấy, xót xa nơi này, thương hình dáng ai” để rồi “Gọi tên em mãi, trong cơn mê này, mình nhớ thương nhau”. Vũ Hùng đã hát truyền cảm ca khúc nổi tiếng này.
 

- Ngọc Hoa một lần nữa lên sân khấu với bài hát Quê Hương của nhạc sĩ  Hoàng Giác.  Ca khúc được sáng tác trong thời kháng chiến chống Pháp, tác giả sơ tán lên vùng Việt Bắc. Khi trở về, đó chỉ còn là “miền quê binh khói”, “cảnh xưa hoang tàn”, ‘lều tre tan tác”. Tác giả  nhớ “ngày vui thơ ấu”, mơ được sống êm đềm “bên ngàn lũy tre”, “xa vắng cuộc đời khắt khe” đã gây cho người nhạc sĩ “trăm đau ngàn thương”.
 

-Vào “một chiều xuân chia phôi”, chàng thanh niên Tô Hải ra đi nhưng lòng còn vấn vương một mối tình đẹp với cô gái miền sơn cước có “chiếc thắt lưng xanh”, “chiếc khăn màu trắng trăng, “chiếc vòng sáng long lanh” nhất là có  “nụ cười nàng quá xinh”. “Nụ Cười Sơn Cước”  ấy đã làm cho ông “rút tơ lòng”, “dệt mấy cung yêu thương” gửi đến cô với  tấm “lòng trong trắng” và đẹp như “ những đóa hoa rừng ngàn đời không tàn”. Ca khúc “ Nụ Cười Sơn Cước” điệu Valse nhịp nhàng, Lâm Dung trình diễn truyền cảm đã làm nên một khúc nhạc trữ tình và lãng mạn  như một bài thơ.

 blank

Từ trái: Lâm Dung, Phương Lan, Thu Vân, Vân Anh

 

 

- Dòng nhạc đã chuyển  sang một cung bậc khác, đề tài chiến tranh trong đó có “Nỗi Bất Hạnh Khôn Cùng” của người con gái mang tên Việt Nam  thời chinh chiến. Khi cô mở mắt chào đời thì “...súng nổ chào em”. Cô “lớn lên bằng nắng gắt nông trường”. “Bằng cuốc xẻng thay sách đèn”. “Bằng sương đêm thay mái ấm”. “Bằng ngô khoai thay gạo trắng”. Cuộc đời này để lại cho cô những gì? “ Bằng cả cuộc đời mòn chờ” và “hai chữ hy sinh”. Cô đã “tiễn chồng chiến binh không biết ngày về”. Cô như “Nàng Tô Thị ngàn năm còn đó”. Bài hát ý lời cảm động của Tố Nguyên, âm điệu kể lể thiết tha của nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát,  Lan Hương trình bày truyền cảm..
 

-Nguyễn Tất Nhiên, nhà thơ trẻ, tài hoa nhưng bạc mệnh. Ông có nhiều bài thơ được thế hệ trẻ yêu thích như bài  “Thà Như Giọt Mưa”, nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. “Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá. Thà như giọt mưa khô trên tượng đá”….

Diệu Trân, một cây viết các đề tài  Phật giáo. Từ bài thơ “Thà Như Giọt Mưa”, bà đã có những cảm nhận về bài pháp đầu tiên Tứ Diệu Đế của đức Phật giảng tại Vườn Nai sau khi Ngài giác ngộ.
 

Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát đã kết duyên với bài thơ và bài viết trên. Ông đến gặp nhạc sĩ Phạm Duy xin được tiếp duyên, nối dòng nhạc “Thà Như Giọt Mưa”:

 “Trong am lạnh, chiều nay tim tôi bỗng quyện vào những giọt mưa rơi vỡ trên tương đá, khô trên tượng đá. Đếm những giọt mưa rơi trong cõi huyễn hoặc này, tôi có ngờ đâu mưa đã từng rơi từ vô lượng kiếp. Tôi vẫn như mù lòa và vẫn cất tiếng ca thật vô tâm như con chim nhỏ không thiết tha đến tâm ý trong lời ca…”
 

 Nếu quán chiếu tựa đề của ca khúc “Những Giọt Mưa Từ Vô Lượng Kiếp”, mưa là hiện tượng thiên nhiên đã có , đã “vỡ” , đã “ khô” , đã rơi trên tượng đá  “từ vô lượng kiếp”. Mưa cứ rơi bao đời. Tượng đá không vướng mắc những giọt mưa. Mưa cũng như tâm.Tâm phàm phu của người đời tiếp “xúc” với trần và cảnh phát sinh những cảm “thọ” vui buồn rồi  kết lòng luyến “ái” yêu, ghét, tạo ra “thủ” là sự vướng mắc làm  thành“hữu” là cái ngã của mình…Vòng mười hai nhân duyên đưa con người trầm luân trong cõi luân hồi sinh tử.
 

Sống như giọt mưa “vỡ trên tượng đá., “khô trên tượng đá”, rơi trên tượng đá. Tượng đá không giữ lại những hạt mưa và mưa cứ rơi, rơi mãi “từ vô lượng kiếp”. Sống như thế là sống “vô ngã” với chân tâm trong sáng, không bám víu, chấp trước của người biết lẽ đạo.
 

 Ca khúc “Những Giọt Mưa Từ Vô Lượng Kiếp” bàng bạc triết lý sống “vô ngã” uyên áo của đạo Phật, là sự phối hợp của thơ Nguyễn Tất Nhiên, văn Diệu Trân, nhạc Phạm Duy và Nghiêm Phú Phát. Diệu Trang trong chiếc áo dài  màu nâu trang nhã và giọng hát thanh thoát, chị đã hát tron vẹn ca khúc này.

- “Nắng Đọng Sân Chùa”  là ca khúc lấy ý, lời từ bài viết của Diệu Trân trong bốn câu thơ mang tính chất Thiền vị  của nhà thơ Tuệ Sỹ:

 

Nhìn vạt nắng đọng sân chùa

Khách có biết mấy lần dâu bể

Lắng chuông ngân đầu cỏ

Người không hay một thoáng vô vi

 

Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát đã cảm xúc từ bài thơ và bài viết. Ông sáng tác ca khúc  cùng tên  “Nắng Đọng Sân Chùa”,  Khắc Hiền trình bày:

 

Từng giọt thơ chìm lắng vào hồn

Từng lời thơ thôi thúc bồi hồi

Lặng thầm như chiếc lá cuốn rơi

Ngược dòng sông trôi ra biển khơi…

 

- Trở về với dòng nhạc quê hương,  Kim Loan trở lại sân khấu với ca khúc “Quê Hương Tuổi Thơ Tôi” viết về tình tự quê hương thời thơ ấu của tác giả Từ Huy nơi đó có “xanh xanh lũy tre”, có “sông Thu êm đềm”, có những ngày”thả diều đá bóng”, có “mùa lụt nước lũ, bắt cá giữa đồng”, có “lời mẹ ru con”, “những câu chuyện cổ”... Tất cả những “kỷ niệm yêu thương” của ngày xa xưa ấy bây giờ chỉ còn trong ký ức, nếu tìm lại chỉ là  những câu hỏi tha thiết “Ngày ấy đâu rồi? Ngày ấy đâu rồi?”...
 

-Tiếng hát của Thu Vàng, như nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát gọi đó là một tiếng hát “Đẹp”. Tiếng hát ấy vừa hay về chất giọng  và “Đẹp” vì nó tỏa sáng, hoàn chỉnh làm cho người nghe không chỉ dùng  tai để bắt được âm thanh mà phải dùng cả đôi mắt để chiêm ngưỡng tiếng hát như chiêm ngưỡng một nhan sắc. Bài hát “Khúc nhạc ly hương” của nhạc sĩ Lâm Tuyền diễn tả tâm trạng của người ra đi bốn phương trời, mang hoài bão”tung cánh chim quyết tung trời mây”, thách đố với mọi phong ba, bão táp “ Bao nhiêu giông tố hề chi”, “Bao nhiêu mưa gió biệt ly” “Thà quyết ra đi từ đây”. Để rồi sau khi phỉ chí tang bồng, tác giả trở về để thấy “quê xưa thêm bao tình thương” và “bóng thân yêu ngàn đời chờ mong”, quên đi những “buồn sầu’, “thôi thúc biệt ly”, “yêu đương say đắm” và “sầu khổ đau thương” của kiếp người.

Ca khúc Khúc Nhạc Ly Hương, nhạc Lâm Tuyền, ca sĩ Thu Vàng hát trong buổi Nhạc Chiều Chủ Nhật (nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát tổ chức) November 25, 2018 tại Hội trường Người Việt, Quận Cam, California: https://youtu.be/0mA06i1J8xk
  
 

-Vũ Thành An được biết nhiều với những tình khúc không tên. Sự nghiệp sáng tác nhạc chủ đề về tình yêu đôi lứa của ông đã dần dần khép lại nhường chỗ cho  các chủ đề về tâm linh và triết lý cuộc sống. Bài hát “Đời Đá Vàng” có nội dung gần với triết lý sống của Phật giáo . “Đời là bể khổ” nên nhạc sĩ  “không qua được vách sầu”,  chỉ thấy đời “ toàn là sầu đau”; “quay cuồng có gì vui” trong những “ước vọng” , “ ước ao” và “ khát vọng còn cấu cào”. Tất cả những niềm đau nỗi khổ ấy đưa đến cảm nhận của tác giả có hiểu mới có thương. “Thương người đơn độc” khi “ một lần mất mát”. “Hiểu được tình yêu” khi “oằn mình đớn đau”. “Vui ngày nắng về” khi “dầm dề mưa tuyết”.  “Hiểu đời đá vàng” khi “Có một thời khóc than”. Mỹ Thúy trở lại với sân khấu với một bài hát hay. Giọng hát truyền cảm của chị đã đã lột tả được nội dung sâu sắc về ý nghĩa hai chữ “đá”, “vàng” trong mối nhân sinh hệ lụy của kiếp người.
 

-Một ca khúc nổi tiếng ra đời và được đón nhận nồng nhiệt vào thập niên 60 đó là bài “Bây Giờ Tháng Mấy” của nhạc sĩ Từ Công Phụng, Mạnh Tuấn trình bày. Từ lâu, ca khúc này được khán giả yêu nhạc vui tính mến mộ, đảo ngược hai chữ  “tháng mấy” làm cho bài hát có chất hài hước. Giai điệu slow chậm và nhẹ nhàng chuyển sang tiết tấu của điệu Bosanova nhanh và vui nhộn làm cho ca khúc  sinh động, vui tươi hơn. Những câu hỏi thủ thỉ “Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em ? ” trở nên dồn dập  nhưng những lời tình tự, xin lỗi, hờn dỗi, mong nhớ trong ca khúc vẫn là những lời yêu thương ngọt ngào và nồng thắm.

   

-Để kết thúc chương trình là ca khúc nổi tiếng vào thập niên 60, lời Anh Ngữ “You Don’t Have To Say You Love Me” của Simon Napier- Bell & Vicki Wickham, nhạc Pino Donaggio. Diệu Trang hát tiếng Mỹ, Vân Anh phụ họa lời Việt của Phạm Duy “Anh Không Cần Nói  Anh Yêu” . Hai chị đã cất lên những âm thanh  thật sâu lắng, da diết . Đó là lời thở than của người con gái yêu trong cô đơn và tuyệt vọng vì người yêu bỏ đi.  “It was’nt me who changed. But you. And now you’ve gone away.”. Dù thế nào đi nữa em vẫn yêu anh mặc dù em sống như  chết với kỷ niệm, cô đơn, hư ảo và vô cảm.”Left alone with just a memory. Life seem dead and so unreal. All that’left is loneliness.There’s nothing left to feel”.

Chương trình kết thúc lúc 5giờ 35 phút. Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát xem đồng hồ cho biết chỉ lố hơn… năm phút. Ông ngỏ lời tạ lỗi , xin nợ năm phút này vào một buổi trình diễn khác. Ông cảm ơn những thân hữu đã cùng ông thực hiện chương trình văn nghệ này và các khán thính giả đã có mặt. Hai tiếng rưỡi đồng hồ trôi qua, chúng tôi  được thưởng thức một chương trình văn nghệ cuối tuần thú vị gồm những bài hát đời, đạo và những ca khúc hay, nổi tiếng mình ưa thích.

Mùa Thanksgiving, xin gửi đến nhạc sĩ  Nghiêm Phú Phát, các ca sĩ, nhạc sĩ, và những bàn tay đóng góp âm thầm sau sân khấu những lời cảm ơn chân thành. Các bạn đã cho khán thính giả quận Cam chúng tôi một buổi chiều chủ nhật bình an, đầy chất nhạc và thơ .

Phùng Annie Kim

Cali ngày 27 tháng 11 năm 2018

Chú thích: 1 Bài thơ “Ngập Ngừng” của Hồ Dzếnh.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Quan niệm đúng đắn về phát triển bền vững cũng như nhu cầu năng lượng cần thiết cho phát triển là hai vấn đề cấp thiết mà nhân loại cần phải lưu tâm trong những năm sắp đến
Khi Việt Nam bắt đầu bước ra sân chơi toàn cầu, nhiều người đều vui mừng nói đến triển vọng kinh tế của sự hội nhập ấy. Tuy nhiên, có một lãnh vực lại ít được chú ý, đó là lao động
Ngoài năng lượng mặt trời, năng lượng gió là một năng lượng thiên nhiên mà loài người đang chú trọng đến cho nhu cầu năng lượng trên thế giới trong tương lai. Hiện nay, năng lượng gió đã
Tiếp theo Chỉ thị mang số 37/CP của ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Cộng sản Việt Nam phổ biến vào ngày 26 tháng 10 năm 2006 nhằm chỉ thị Bộ thông tin văn hóa và các ủy ban
Ngoài phần tin tức và bình luận khá dài trên các báo, ngày 8-1-2007 các kênh truyền hình CNN và BBC còn chiếu nhiều hình ảnh liên quan tới sự kiện này
Tôi được một số bạn gửi bài của Luật sư Nguyễn quốc Lân về Nghị viên Janet Nguyễn đăng trên Việt Báo
Với một hạnh nguyện suốt đời đến xứ Phật để giúp đỡ cho các trẻ mồ côi thiếu cơm, thiếu áo, thiếu cả tình thương, hòng xoa dịu ít nhiều cơ cực ở đất nước quá nghèo nàn, thầy Linh Quang đã cúng
Bài lên tiếng của Ông Dương Đại Hải đại diện cho Văn Phòng Tranh Cử của Nghị Viên Janet Nguyễn liên quan
Nếu đài BBC không loan tin, có lẽ ít người biết đến một quyết định mới của Hà Nội là “chuyển mục đích sử dụng khu nghĩa trang” mà dân chúng miền Nam gọi là Nghĩa trang Quân Đội ở Biên Hoà
Sau khi bản Thông cáo báo chí phát hành ngày 4.1.2007 loan tin Bà Mairead Corrigan Maguire, Giải Nobel Hòa bình, người Ái Nhĩ Lan, đề cử Hòa thượng Thích Quảng Độ
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.