Hôm nay,  

Cháy Rừng Và Biến Đổi Khí Hậu

22/11/201812:19:04(Xem: 3444)
CHAY_AFP-california-fire-
Cháy rừng California. (Photo AFP/Getty Images)

 
Thắng Đỗ

 
Thứ Năm, ngày 8 tháng  11, 2018 - Buổi chiều, tôi lái xe đi họp ở vùng Đông Vịnh San Francisco. Trên xa lộ 242 qua khỏi Walnut Creek, sắp vượt qua một thung lũng, tôi chợt ngửi mùi cháy củi, rồi thấy khói xám đen tập trung khá dầy ở vùng đất thấp. Tôi nói với cô đồng nghiệp ngồi bên ghế hành khách: “Chắc có đám cháy rừng nào gần đây”. Cô mở điện thoại đọc và nói: “đang cháy ở Chico”. Tôi trả lời rằng đám cháy phải gần hơn, chứ Chico cách đây gần 3 tiếng lái xe (khoảng 160 dặm Anh), khói không thể xuống nhiều và dầy đặc như thế. Cô tra lại và khẳng định chỉ thấy có đám cháy này thôi.

Thứ Sáu, ngày 9 tháng  11, 2018 - Tin rõ hơn: Paradise – Thiên Đàng, là tên của một thị trấn ở phía bắc tiểu bang California, gần thành phố Chico và cách thủ phủ Sacramento chừng 90 dặm Anh. Bình thường đây là một địa phương hiền lành, với đa số cư dân là những người đã về hưu. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, Thiên Đàng đã trở thành địa ngục, một địa ngục thật sự do lửa rừng khốc liệt đã thiêu rụi hết cả thành phố.

Đám cháy được gọi là Camp Fire, tên đặt theo con đường Camp Creek Road. Sở cứu hỏa được tin lửa xuất phát từ nơi đây vào sáng sớm thứ năm. Đám cháy lan rất nhanh, nhanh quá sức tưởng tượng của mọi người. Trong vòng 24 tiếng đồng hồ, 30.000 cư dân của Paradise đã phải di tản, và toàn bộ các nhà cửa, chợ búa, nhà dưỡng lão bị thiêu rụi. Cảnh sát viên Mark Bass, cư dân của Paradise, kể rằng khi ông chở gia đình chạy thoát, hai bên là bức tường lửa và phía trước khói mờ mịt không thấy rõ con đường đi. Video của các người di tản cho thấy một cảnh kinh hoàng không khác gì ở giữa một trận chiến khốc liệt: lửa, khói, tro bụi, cây cỏ nám đen khắp nơi. Đám cháy lan nhanh theo sức gió, các nhân viên công lực chỉ mong thúc đẩy mọi người di tản, còn chính họ cũng không biết thoát hướng nào là tốt vì khắp nơi là biển lửa.

Thứ Sáu, ngày 16 tháng 11, 2018 – Buổi chiều hơn một tuần sau khi vụ cháy bắt đầu, tôi lái xe về nhà. Không khí bị ô nhiễm chưa từng thấy, chỗ nào cũng khói đen; nhiều trường học đóng cửa hay các chương trình ngoài trời bị hủy. Mắt tôi cay, cổ họng rát. Mà đó là cách đám cháy hơn ba tiếng lái xe; ở ngay nơi bị cháy còn tệ hơn gấp mấy lần? Có phải đây là thế giới tương lai của các con tôi không? Có phải đây chỉ là phim chiếu thử; phim thật còn phải đợi một dịp khác? Viễn tượng hiện ra trong đầu tôi rất đen tối, đen như không gian của con đường trước mặt.

Thứ Bảy, ngày 17 tháng  11, 2018 -  Lực lượng chữa lửa vẫn chưa cô lập được đám cháy. Họ hy vọng vào thời tiết thay đổi khoảng cuối tuần sau, theo dự báo. Các cơn  mưa đương nhiên sẽ giúp dập tắt đám lửa, nhưng cũng làm các nỗ lực cứu trợ phức tạp hơn, kể cả việc tìm kiếm và nhận diện các tử thi. Đã có 77 người được chứng nhận thiệt mạng, và khoảng 1,000 người khác còn mất tích. Radio và truyền hình thường xuyên đưa chi tiết của những người mất tích, hầu hết là người già, nghe rất thương tâm.

Paradise, Thiên Đàng, bây giờ chỉ là những con đường, hai bên là nền móng của những gian nhà không còn nữa; các thân và cành cây cháy đen trụi; tất cả bao trùm bởi tro và màu xám của cháy, của sự chết.

Cùng thời gian này, vùng Nam California phía bắc của Los Angeles, cũng xảy ra một vụ cháy rừng vĩ đại khác, có tên là Woolsey Fire. Đám cháy này cho đến nay đã hầu như được dập tắt hoàn toàn, sau khi đã thiêu rụi gần 100.000 mẫu Anh và hơn 700 căn nhà. Có ít nhất 3 người thiệt mạng.

Cháy rừng không phải là chuyện lạ. Khắp các vùng rừng núi của Bắc Mỹ, các vụ cháy thế này vẫn xảy ra, và nếu không đe dọa các khu dân cư, cũng như tài sản và tính mạng của họ, cháy rừng là một hiện tượng tự nhiên và lành mạnh, giúp cho môi trường được cân bằng. Khi rừng bị cháy, tro rơi xuống trở thành chất dinh dưỡng cho các loài thảo mộc. Ánh sáng mặt trời chiếu thẳng xuống mặt đất giúp các cây cỏ non mọc lên. Thiên nhiên từ hồi nào vẫn thế, nên nhiều khi các cơ quan cứu hỏa để mặc cho rừng cháy ở những nơi hẻo lánh.

Tuy nhiên, có vài điều bất thường với các vụ cháy gần đây, trong đó đám cháy ở Paradise gây thiệt hại lớn nhất cả về nhân mạng lẫn tài sản.  Theo Viện Smithsonian, một trung tâm văn hóa và nghiên cứu vào bậc nhất ở Mỹ, các cuộc cháy rừng tại Bắc Mỹ đã gia tăng đáng kể trong vòng 35 năm nay. Trước kia, ít khi thấy cháy rừng vào cuối tháng 11, vì bình thường lúc này đã có nhiều cơn mưa. Thêm nữa, phạm vi tàn phá của mỗi vụ cháy rộng hơn gấp đôi trước đó.


Theo thống kê các vụ cháy rừng lớn và gây thiệt hại nhiều nhất ở California, mỗi thập niên thường chỉ xảy ra một, hai vụ trước năm 2000. Từ năm 2000 đến 2010, đã có 8 vụ cháy lớn và 5 vụ gây thiệt hai nặng nề; từ năm 2010 tới nay, đã có 7 vụ lớn và 5 vụ gây nhiều thiệt hại.

Chín ngày sau khi hỏa hoạn bắt đầu, Tổng Thống Trump đến thị sát Paradise. Tổng Thống không an ủi người dân, chỉ nói rằng đây là do quản trị rừng kém, lẽ ra phải cào lá rừng để tránh hỏa hoạn. Tổng Thống đưa nước Phần Lan ra làm ví dụ, vì theo Tổng Thống, ở Phần Lan không bị cháy rừng do họ cào lá sạch sẽ (Phần Lan là xứ ở Cực Bắc Âu, nhiều sông hồ, khí hậu lạnh, mưa nhiều hơn gấp hai California). Tổng Thống dường như không hiểu cháy rừng là do hạn hán, cây cối đều trở thành củi khô, chỉ cần chút gió bất cứ một nguồn lửa nào là trở thành đại họa. Khi hỏi có phải biến đổi khí hậu gây ra cháy rừng, Tổng Thống quả quyết rằng không có liên hệ giữa hai hiện tượng đó.

Nhưng sự thật thế nào? Tại sao các vụ cháy rừng ngày một thường xuyên hơn, hủy hoại tàn khốc hơn, và xảy ra không chỉ vào mùa hè mà còn vào mùa mưa?

Các nhà khoa học từ đại học UC Irvine, UC Davis, và UCLA, cũng như Cục Kiểm Lâm và Phòng Thí Nghiệm Phản Lực, đã cho xuất bản một nghiên cứu, trong đó họ chứng minh rằng hiện tượng biến đổi khí hậu là nguyên do chính cùa các vụ cháy rừng dồn dập. Theo bản nghiên cứu này, ở California có hai loại cháy rừng: cháy rừng mùa hè thường xảy ra ở những vùng xa biển và ít dân cư, cháy chậm hơn tuy có khả năng hủy hoại một vùng rừng rộng lớn. Loại cháy thứ hai có tên là cháy Santa Ana, đặt tên theo  đợt gió cùng tên từ đất liền thổi ra biển vào sau tháng 10. Gió Santa Ana thường nóng, khô và mạnh, gây hỏa hoạn ở những vùng gần biển, cũng là các vùng đông dân cư nên đưa đến thiệt hại lớn về nhân mạng và tài sản.

Đáng lo hơn là biến đổi khí hậu không chỉ khiến cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn và với nhiều thiệt hại hơn. Theo một bài báo trong tạp chí uy tín Nature Climate Change, hôm thứ hai, ngày 19 tháng 11, 2018, biến đổi khí hậu đang gây ra các loại tai họa thiên nhiên khác nhau, kể cả sóng nhiệt (nhiệt độ tăng rất nóng), cháy rừng, mặt biển dâng cao, bão tố, lụt lội, hạn hán và sự thiếu hụt nước sạch trầm trọng. Nhiều địa phương sẽ phải đối diện cùng một lúc với nhiều tai họa khác nhau, chẳng hạn như tiểu bang Florida trong khoảng thời gian ngắn gần đây đã bị hạn hán gay gắt, nhiệt độ lên cao đến mức kỷ lục, cháy rừng, và trận bão Michael tàn phá vùng Panhandle. Tình trạng này hứa hẹn sẽ còn tệ hại hơn nữa. Theo đà sinh hoạt của loài người hiện nay, đến năm 2100, những vùng biển nhiệt đới trên toàn cầu có thể sẽ phải đối diện với sáu tai họa cùng lúc. Đây là một viễn tượng thực sự đáng sợ.

Chúng ta không thể tiếp tục con đường đã quen đi. Nhà nước phải có các biện pháp quyết liệt để làm chậm lại, hoặc ngưng, hoặc tốt nhất là đảo ngược xu hướng biến đổi khí hậu. Tiểu bang California đã mạnh dạn tiên phong trong nỗ lực bảo vệ môi trường, nhưng chính quyền Liên Bang thì không. Người dân phải có trách nhiệm giảm ô nhiễm bằng cách hạn chế sử dụng nhiên liệu như xăng, cũng như các sản phẩm bằng plastic, nylong, v.v. Ngoảnh mặt đi thay vì đối diện với cái viễn tượng đen tối mà các nhà khoa học tin chắc sẽ xảy ra, không thể tránh đưa chúng ta đến thảm họa.

Chúng ta chỉ có mỗi một trái đất cho tất cả mọi người: giàu, nghèo, sang, hèn, già, trẻ, nam, nữ, đồng tính, chuyển giới tính, vàng, trắng, nâu, đen… Hãy giữ gìn lấy nó, hãy đừng biến nó thành một địa ngục trần gian cho thế hệ con em chúng ta.

 

Thắng Đỗ là một kiến trúc sư hành nghề tại San Jose, California, và là thành viên của Pivot (Hội Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến)

Sources:

Smithsonian Institute - https://www.smithsonianmag.com/science-nature/wildfires-are-happening-more-often-and-more-places-180955917/

https://www.kcet.org/redefine/california-has-two-fire-seasons-and-climate-change-will-make-both-worse

https://www.nytimes.com/2018/11/19/climate/climate-disasters.html?action=click&module=Top%20Stories&pgtype=Homepage

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đâu phải tự nhiên mà người Cộng sản Việt Nam rộ lên “phong trào” bàn về “hòa hợp dân tộc” sau 3 năm thi hành Nghị quyết 36
Khoa học tân tiến nhất của loài người ngày nay đã tìm đến Nguyệt cầu, Hoả tinh, và đã có các phi hành gia bay bổng ra ngoài tầng khí quyển
Khóa giảng hàng năm của đức Đạt Lai Lạt Ma là ngày hội cho Dharamsala... Hàng năm, cứ sau Tết Âm lịch
Khi một xã hội chỉ tìm thấy mẫu mực để bắt chước hay học hỏi từ ở bên ngoài thì rất dễ đánh mất bản sắc của mình vì thần tượng của họ
Trong đoàn quân Pháp sang đô hộ VN có một số quân nhân gốc Phi Châu ưa phá làng phá xóm khiến dân chúng Việt Nam căm ghét
Tình hình ở trong nước các tuần gần đây trước cuộc bầu Quốc hội (QH) vào 20.5.07 đã cho thấy hai chiều hướng phát triển
Trở về Việt Nam sau ba mươi năm lià xa, tôi đã đi không ngừng, Saigon ra Trung, Hà Nôi vô Nam; và mong sẽ quên chuyện non nước mình
Bước vào thế kỷ 21, việc xử dụng đa dạng năng lượng (energy diversity) trong chuyển vận là một trong những suy nghĩ lớn
Cuộc đấu tranh cho dân chủ trong nước đang nở rộ, và tấm gương bất khuất ngàn xưa của Việt Nam đang được lật lại từng trang
Việt Nam là một quốc gia có nhiều danh lam thắng cảnh, với niềm tự hào về nòi giống Rồng Tiên, một nền văn hóa đa dạng và một dân tộc siêng năng
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.