Hôm nay,  

Albert Camus, “Người Xa Lạ”

07/11/201812:38:00(Xem: 6415)
blank
 

Albert Camus, “Người Xa Lạ”

 

Cao Đắc Vinh

 

Sáng nay, một ngày giữa thu đầu tháng 11, ngoài khung cửa sương thu la đà rơi lưng trời tạo nên cảnh u buồn hoài cảm.

Khu phố vẫn ngái ngủ, mặt trời chưa thức dậy, hơi lạnh ban khuya còn bao phủ căn phòng, tôi pha hai ly cà phê nóng rồi ngồi đối diện với người đàn bà mà tuổi đôi mươi đã qua từ mấy thập niên. Nàng cắt tóc ngắn, đôi mắt to tô điểm vội vàng cố tình làm mờ dấu thời gian, chiếc lưng thẳng nối dài tấm thân mảnh khảnh ngẫu nhiên bồi thêm nét thanh tú yêu kiều... Một vẻ đẹp mùa thu trước mắt tôi.

Hớp một ngụm đắng, mùi cà phê tan vào khứu giác làm bay bổng tâm hồn, tôi cao hứng bắt đầu trò truyện:

- Đố em ai đã viết “mùa thu là mùa xuân thứ hai khi mỗi chiếc lá là một cánh hoa”?

- Anh nói đi... Em không biết!

- Camus... anh nghĩ đến câu ấy vì mùa xuân thứ hai đang ở trước mặt anh.

Nói xong tôi nhìn nàng say đắm... Cảm thấy mất tự nhiên, nàng vội nâng ly cà phê nóng ôm giữa lòng bàn tay như để khỏa lấp sự ngượng ngùng rồi vuốt nhẹ mái tóc ra phía sau, mỉm cười bâng quơ, một nụ cười điềm đạm không hé môi. Tôi hỏi tiếp:

- Những năm ở College, em đã đọc “The Stranger” của Camus chưa?

- Có nhưng... không hiểu!

- Vậy em thử đoán hôm nay là ngày gì?

- Ngày gì hả anh?

- Ngày sinh của Camus nên anh sẽ kể triết lý “phi lý” Camus cho em nghe nhé!

Nàng gật đầu, đôi mắt long lanh nhìn tôi chờ đợi.

- “The Stranger” (Người Lạ Mặt) là cuốn tiểu thuyết đầu tay cùng với “The Myth of Sisyphus” (Huyền Thoại Sisyphus) là hai tác phẩm chính của Camus vừa xác định vừa phủ định rồi nhận định một hướng đi đối với sự phi lý trong đời người.

- Em nhớ... cuộc đời Camus cũng nghèo khổ, phi lý và thăng trầm giống như văn chương của ông.

- Đúng vậy! Nói đến triết lý phi lý của Camus thì không thể nào bỏ quên tiểu sử. Để anh kể em nghe từ đầu...
 

Albert Camus sinh ngày 7 tháng 11 năm 1913 ở Mondovi (ngày nay gọi là tỉnh Dréan) xứ Algérie Bắc Phi. Cha ông là Lucien Camus, thợ Pháp trồng nho, bị thương nặng trong trận Marne năm 1914 khi thế chiến thứ I bùng nổ rồi chết ở quân y viện St Brieuc do đó ông không biết mặt cha. Mẹ ông là Catherine Sintès gốc Tây Ban Nha giúp việc nội trợ để nuôi hai con. Nơi đây, Camus sống với ông ngoại bản chất nghiêm khắc độc tài, ông cậu chuyên nghề bán thịt và người mẹ tuy thương yêu con nhưng vừa điếc vừa mù chữ nên ít chuyện trò. Sau khi chồng chết, vì nghèo bà Sintes mang các con về vùng ngoại ô Belcourt ở chung với mẹ và người chú bị tê liệt. Camus sống cô đơn, ngoài giờ học, lang thang với đám bạn bè đá banh, phơi nắng, tắm biển trong khu chung cư bình dân tạp nhạp đủ hạng người. Thuở bé, Camus mắc bệnh lao nên thường phải nhập viện. Nằm nhà thương, ông luôn bị ám ảnh bởi sự chết và nghèo khổ! Năm 1930 ông đậu Tú tài và để có tiền ăn học, ông làm đủ thứ việc... thư ký cho sở khí tượng, tiệm bán đồ phụ tùng xe hơi rồi công ty gởi hàng hoá. Công việc nhàm chán “sáng sách ô đi, tối sách về” đã ảnh hưởng vào tư tưởng phi lý của ông sau này. Lên Đại học, Camus theo môn triết và đỗ cử nhân năm 1935, cao học 1936 ở Algeria. Tuy gốc “chân đen” (pieds noirs) yêu quê hương miền biển sa mạc nhưng bản chất nhân từ, ông viết báo, hoạt động đòi công bằng, bác ái cho dân bản xứ Hồi giáo chống chính quyền thuộc địa. Báo bị đóng cửa không tìm ra việc nên Camus phải rời về Paris. Ông ra nhập đảng Cộng Sản năm 1934 và 3 năm sau 1937 bỏ đảng. Đó là thân thế Camus và từ đó con người đi vào tác phẩm.

- Còn cuốn tiểu thuyết “The Stranger” ra sao? Anh kể cho em đi...
 blank

Tôi chậm rãi hớp một ngụm cà phê trước khi nói tiếp:

- Anh sẽ bắt đầu tóm tắt cốt truyện “Người Xa Lạ” cho em nghe. Tuy nhiên đây là cuốn tiểu thuyết tự truyện của chàng thanh niên Meursault vì thế để thêm phần hào hứng, anh sẽ nói như chính anh ta kể chuyện với em... Bắt đầu là mấy dòng chữ như thế này:

Mẹ chết hôm nay. Cũng có thể hôm qua. Tôi không biết! Nhận được tờ điện tín từ viện dưỡng lão: “Mẹ qua đời. Tang lễ ngày mai. Trân trọng.” Quả tình nó chẳng nghĩa lý gì cả. Có thể sự việc đã xảy ra hôm qua?

Viện ở Marengo cách Algiers 80 cây số, coi như mất 2 tiếng đi bằng xe buýt. Hôm nay thứ Năm, vì đang làm việc ở công ty gởi hàng nên tôi xin phép ông chủ nghỉ 2 ngày. Ông ấy tỏ vẻ khó chịu nên tôi phải lên tiếng xác định: “Không phải lỗi tôi nếu viện muốn an táng vào ngày thứ Sáu!”

Tôi rời văn phòng đến tiệm Celeste’s ăn trưa. Celeste là chủ tiệm, chỗ quen biết vì tôi thường đến đây dùng bữa. Xong xuôi, tôi đón xe buýt dự trù sẽ đến Marengo vào buổi chiều nhưng từ làng Marengo lại phải cuốc bộ khoảng 2 cây số mới tới viện dưỡng lão mà trời thì rất oi bức.

Đến nơi, gặp quản gia, ông ấy dắt tôi vào nhà xác và cắt nghĩa về cái nắng mùa hè nên phải gấp rút việc chôn cất. Đứng bên quan tài, tôi thấy nắp hòm còn khép hờ. Quản gia ôn tồn hỏi tôi có muốn xem mặt mẹ? Tôi trả lời “không cần thiết” vì sau mấy tiếng đồng hồ dưới ánh nắng chói chang, tôi thấy khó chịu, mồ hôi toát ra ướt đẫm. Sau lời từ chối, ông ấy lộ vẻ ngạc nhiên. Cái mệt cùng với không gian hư vô u buồn của nhà xác làm tôi thèm hút thuốc và uống cà phê cho tỉnh ngủ.

Gặp vị giám đốc sau đó, ông ta cũng hỏi tôi muốn nhìn mặt mẹ lần cuối trước khi đóng đinh quan tài? Tôi cũng nói “không” ngắn gọn!

Đêm hôm ấy, tôi gặp những cụ già sống ở đây một thời quen biết mẹ. Họ ngồi ngay hàng thẳng lối để tưởng niệm và cầu kinh nhưng luôn luôn kín đáo nhìn tôi dò xét qua từng cử chỉ. Ở hàng ghế phía sau, bỗng có tiếng khóc thút thít. Lão quản gia ghé tai tôi nói nhỏ... “đó là bà cụ thân với mẹ tôi, họ thường ngồi bên nhau tâm tình bây giờ mẹ tôi đi thì cụ ấy cảm thấy cô đơn”. Ngoài ra ngày mai còn một cụ ông sẽ được phép tiễn đưa trong tang lễ... cụ Thomas Perez thương yêu mẹ tôi đến nỗi ở đây họ bảo đó là “fiancé” của mẹ.

Sáng thứ Sáu mặt trời vừa lên, ánh nắng chói chang báo trước một ngày đẹp nhưng rất oi bức. Tôi đi sau quan tài dĩ nhiên có cả cụ Perez. Nhìn cụ khoác bộ áo màu đen, tay chống ba toong, chân đi khập khiễng trong cái nóng gay gắt mà ái ngại. Cụ lê từng bước trên con đường đất đỏ nên không sao theo kịp đám tang. Sau cùng, thấy cụ đi tắt, ngang qua cánh đồng để có thể nhập vào tang lễ. Mắt cụ đỏ vì khóc, mồ hôi đổ giọt đọng trên má từng hàng ở những nếp nhăn.

Đã lâu tôi không có dịp về miền quê như hôm nay nên phong cảnh quang đãng, không khí trong lành, không gian thanh tịnh cho tôi cái hạnh phúc khoan khoái nếu quên đi ngày chôn cất mẹ.

Nhìn mồ hôi lấm tấm trên mặt tôi, cô y tá phân trần: “Nếu chúng ta đi chậm dưới ánh mặt trời gay gắt, sẽ dễ bị say nắng nhưng nếu đi nhanh, mồ hôi toát ra lại sinh cảm lạnh lúc bước vào nhà thờ.” Tôi thấy cô ấy có lý... không lối thoát ở mọi hoàn cảnh!

Trưa thứ Bảy về nhà, thế là tôi được 4 ngày nghỉ. Bây giờ tôi hiểu tại sao ông chủ không hài lòng lúc tôi xin phép nhưng thôi... ổng nghĩ sao cũng được, tôi bất cần!

Nhìn nắng nóng chan hoà, tôi dự tính trưa nay sẽ đi bơi. Rồi lang thang ở bờ biển, tình cờ tôi gặp lại Maria Cardona, cô thư ký làm cùng hãng khi xưa. Nhìn Marie, thấy cô ta đẹp!

Biển lặng sóng, nàng nằm ngửa trên chiếc phao, tôi gối đầu trên bụng nàng du dương với những va chạm xác thịt. Sau bữa tối ở Celeste’s, chúng tôi xem ciné, tuần này họ chiếu phim vui nhộn của Fernandel. Ngồi trong rạp, nôn nao vì bộ ngực hấp dẫn, tôi mơn trớn cặp vú của nàng. Marie chỉ rên qua làn hơi nhẹ, tôi mạnh bạo với người sang hôn nàng trong bóng tối nhưng nụ hôn ấy không mấy tuyệt hảo vì những tiếng cười xung quanh. Tôi rủ Marie về nhà làm tình rồi ngủ qua đêm.

Sáng Chủ nhật, Marie rời nhà trước khi tôi thức dậy. Mùi da thịt của nàng còn vương trên chăn gối đêm qua càng làm tôi ngây ngất! Ghét ngày Chủ nhật vì chẳng biết làm gì, tôi đành đứng ở ban công nhìn người qua lại dưới phố. Có anh lính bước vội trên đường ngước nhìn tôi, vẫy tay chào. Mấy ông bà dạo phố cũng khoác tay về phía tôi miệng cười toe toét. Tôi vô tư chỉ thấy vẻ đẹp thiên nhiên hữu tình cùng mặt trời và biển mặn.

Sáng thứ Hai, tôi đi làm. Ông chủ vui vẻ hỏi tôi về tuổi của mẹ. Tôi nói khoảng “sáu mươi” vì không biết con số chính xác. Buổi trưa tôi lại đến tiệm Celeste’s ăn, uống rượu, hút thuốc rồi về ngủ sau đó mới trở lại sở làm. Chiều nay, trên đường về tự dưng tôi muốn nấu khoai tây luộc ăn bữa tối.

Vừa lên cầu thang, tôi gặp Salamano với con chó spaniel. Hàng xóm lâu năm, từ lúc mẹ tôi ở đây và vợ ông ta còn sống. Vợ chết, Salamano cô đơn xem spaniel như bạn tri kỷ nhưng mỗi khi con chó vô tình làm phiền thì tức khắc Salamano đánh đập và chửi rủa thậm tệ. Ngày nào cũng thế và cảnh tượng này giống đời sống của vợ chồng Salamano khi xưa.

Sau Salamano, tôi gặp Raymond Sintes, anh ta rủ tôi ăn tối với dồi heo và rượu đỏ. Tôi đồng ý! Chè chén xong, Raymond nhờ tôi viết cho cô bạn gái Ả rập Moorish mà anh yêu nhưng phụ tình nên anh đánh, cô ấy giận không đến nữa. Anh mê Moorish và muốn trả thù... dụ cô ấy trở lại để làm tình rồi phút chót sẽ nhổ nước miếng vào mặt, đuổi cô ấy đi! Tôi không thấy lý do gì từ chối nên nhận lời viết. Raymond nói chiều nay vừa đánh lộn với thằng Ả rập, anh của con nhỏ đó nên đau tay phải băng bó.

Cuối tuần lễ sau, Marie đến thăm. Sau những giờ phút ái ân, nàng hỏi tôi có yêu nàng không? Tôi trả lời “không” vì điều đó vô nghĩa. Yêu tôi nên Marie hỏi có muốn cưới nàng làm vợ không? Tôi lại phải nói rằng hôn nhân chẳng phải là điều quan trọng nhưng nếu nàng muốn thì chúng mình cưới nhau. Marie lộ vẻ buồn nhưng chỉ vài phút sau lại cười nói và hôn tôi. Nàng bảo yêu tôi vì những điều kỳ cục đó.

Masson là bạn của Raymond có căn nhà ngay bờ biển nên họ mời chúng tôi đến chơi và ở đây vô tình đã xảy ra án mạng... Hai người Ả rập theo chúng tôi đến bờ biển. Raymond đánh lộn bị họ dùng dao chém rách miệng phải vào nhà thương. Tôi phải giữ cây súng của Raymond để khỏi xảy ra án mạng một cách bất ngờ nhưng không may chính tôi lại là kẻ sát nhân.
 

- Câu truyện còn dài mà mặt trời đã lên cao nên anh tạm ngừng ở đây nghe em.

“Người Xa Lạ” của Camus đặt thân phận con người vào tính phi lý và vì đời người phi lý nên xã hội tìm mọi cách cho nó những niềm tin như tôn giáo hay quy ước gia đình, xã hội chẳng hạn.

Meursault sống trung thực, nghĩ sao nói vậy, mọi hành động đều có tính thiên nhiên và tự nhiên. Ở phần Hai, Meursault phải đối mặt với tù tội nhưng nhất định không theo Chúa và anh ta chấp nhận chết. An ủi rằng cái chết chắc chắn trong đời người và con người chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc khi ý thức cái thực tại ở ngay hôm nay... Hãy quên đi thiên đàng, địa ngục với kiếp sau.

Thôi chúng mình tạm ngừng ở đây. Hẹn em nói chuyên tiếp vào một buổi sáng khác đẹp trời bên ly cà phê.

 

11/07/2018

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.