Hôm nay,  

Liên Trì Nắng Ấm Tình Nồng

07/11/201800:00:00(Xem: 3106)
Lien Tri Nang Am 01Lien Tri Nang Am 02Lien Tri Nang Am 03
Hình ảnh trong khóa tu.

 
Diệu Lan
 

Sư Ông Kim Sơn tức Thầy Thích Tịnh Từ  hướng dẫn về tâm linh và đặt cho một nhóm nhỏ Phật tử có tâm tu học cái tên “Gia Đình Sợi Nắng”. Sư Ông gọi là  “Gia Đình” mà không gọi là “đạo tràng” để nhóm có sự thân, gần và quây quần, bảo bọc nhau tu tập. Nắng là hình ảnh của sự sống. Sư Ông không gọi là “tia nắng”, “vạt nắng”, “ánh nắng… có lẽ vì từ ngữ “Sợi Nắng” gợi sự nhẹ nhàng, mềm mại, dễ thương và thi vị như tâm hồn thơ của Sư Ông.

Năm nay, với sự gợi ý của Thầy Thích Tánh Tuệ, ngày 3 tháng 10, Anh Quảng Minh Hậu và chị Diệu Trí trưởng nhóm tổ chức cho Gia Đình Sợi Nắng đi hành hương mười ngày, vừa tu học tại tu viện Liên Trì Alabama, vừa thăm viếng khu phố Pháp của thành phố New Orleans, Lousiana, vừa thăm một số chùa và tu viện ở Texas.

Hai mươi tám các anh, chị, già, trẻ, thành viên của Gia Đình Sợi Nắng và thân hữu đã đáp chuyến bay năm giờ chiều  từ Los Angeles đến phi trường New Orleans hay còn có tên là phi trường Louis Armstrong. Đây là tên vinh danh người ca sĩ, nhạc sĩ da màu tài ba, nổi tiếng từ năm 1920 đến năm 1971, chơi kèn trumpet và  chuyên hát nhạc Jazz và  Pop.

Chuyến bay đêm đến nơi vào lúc 11 giờ khuya. Trời mát, đường vắng, thành phố yên tĩnh. Cô tài xế trẻ của khách sạn đã chờ từ lâu. Ai có hành lý  trước, theo cô lên xe về nhận phòng tại khách sạn “Red Roof Inn’. Mọi người thấm mệt sau một chuyến bay dài và bây giờ chỉ mong chào nhau ‘gút -nai- mai- gặp- lại” trong buổi điểm tâm lúc 8 giờ sáng tại khách sạn. Sau đó, các tài xế trong đoàn sẽ đi nhận xe và  bắt đầu chuyến hành hương đến tiểu bang Lousiana.

 Lousiana tiểu bang thứ 12 của Mỹ, được biết nhiều trong cơn bão Katrina năm 2005, có dân số hơn 4 triệu chia thành nhiều sắc dân như Âu Châu gồm Pháp và Tây Ban Nha, người nô lệ Phi châu, người da màu tự do  tạo thành ngôn ngữ gọi là Creole và Cajuns (sắc dân nói  tiếng Pháp). Trở về lịch sử, người Tây Ban Nha đã khám phá vùng đất này năm 1528. Năm 1682, hai người em của vua Pháp Louise thứ 14 là Iberville và Bellville đi tìm thuộc địa theo dòng sông Mississippi và cắm trại gần cửa sông. Trước sự hoang dã, bao la và đầy bao dung của thiên nhiên, họ xây dựng một thuộc địa mới và đặt tên Louisiana theo tên vua Louise thứ 14. Trong mười năm, Bienville tạo dựng thành phố New Orleans và muốn biến thành phố này là một Paris của nước Mỹ (The Paris of the America). Năm 1762 trong cuộc chiến tranh dành thuộc địa, người Tây Ban Nha chiếm được sau đó nhường lại cho Pháp năm 1800. Louisiana trở thành thuộc địa Pháp trên đất Mỹ. Năm 1802 Napoleon bán cho Hoa kỳ giá 15 triệu đô- la, Louisiana trở thành tiểu bang thứ 12 của Hoa Kỳ .

New Orleans là thành phố lớn, đông dân thứ ba của Hoa kỳ “where the music never stops”, nổi tiếng với nhạc Jazz, Blues của người da màu, các lễ hội văn hóa đa dạng và truyền thống như Mardi Gras (Fat Tuesday), các thức ăn từ đồ biển nổi tiếng ảnh hưởng từ Pháp và Tây Ban Nha, nghệ thuật kiến trúc thành phố và nhà cửa theo kiểu Châu Âu và Caribbean như chính giữa là nhà thờ( St Louise), chung quanh là quảng trường công cộng (French Quarter), các con đường nhỏ, hai bên là các những căn nhà xinh xắn và các cửa hàng bán đồ lưu niệm.

Sau một giấc ngủ ngon, đoàn hành hương chuẩn bị lên đường lúc chín giờ sáng. Năm chiếc xe Van gồm năm cặp tài xế trẻ cùng với “navigator” ngồi bên cạnh chỉ đường như Diệu Tâm- Thân Anh, Quảng Thể- Diệu Huệ, Từ Bửu- Thân Thư, Diệu Trí- Phi Yến…, Chị Thủy- Tâm Huệ ….Dọc đường, cứ khoảng hai tiếng , các tài xế cho các hành khách ghé vào các quán ăn Mỹ “xả nước, cứu thân” nhờ vậy mà ai nấy đều nhẹ nhàng thư thái.

 Theo chương trình New Orleans Tour, đoàn sẽ đến thăm French Market nằm trong khu French Quarter gồm những con đường ngắn, nhỏ, một chiều, hình vuông, còn có tên là khu phố cổ (Old Quarter & Vieux Carre) nơi đây có nhà thờ Saint Louise là khu trung tâm, dọc theo hai bên đường là các quán ăn, cửa hàng. Vì đây là thời gian rong chơi tự do nên mọi người tản mác khắp nơi. Bà con tha hồ đi shopping, chụp hình, ngắm cảnh, ngắm ông đi qua bà đi lại, nghe âm nhạc sống, thuê xe ngựa đi rong theo các con đường …nhất là không quên chịu khó sắp hàng ghé vào quán Café du Monde mở cửa suốt ngày đêm, nổi tiếng với bánh “beignets” ăn ba cái  kèm với ly cà phê sữa nóng hương vị rất Paris giá sáu đô la.

 Đoàn xe rời New Orleans lúc một giờ  sau khi ăn trưa tại  một nhà hàng Thái. Rong ruổi hơn ba tiếng đồng hồ lái xe, vượt qua bao nhiêu con đường, cánh đồng, làng mạc, nhà cửa trong đó có chiếc cầu dài nhất nước Mỹ 41 miles băng qua eo biển, chiếc bảng gỗ “Tu Viện Liên Trì” dựng bên lề đường dẫn chúng tôi đến một vùng đất yên tĩnh nằm khuất trong một rừng thông.

 
***

“…Liên Trì vừa bước tới nơi                                          

Thảnh thơi như đã nhẹ vơi cõi lòng”…(1)

 

Năm giờ, trời vẫn  sáng trưng, nắng vẫn còn tươi long lanh trên những tàng cây ngọn cỏ. Từ tu viện, đứng ở dốc cao nhìn từ xa đã thấy toàn cảnh Liên Trì vàng trong màu nắng. Hàng thông già cao vút vượt trên trời xanh. Nhà Thủy Tạ lênh đênh bên bờ hồ, cạnh đó là vài chiếc thuyền đạp nước. Tượng Quan Âm Bồ Tát nhỏ, màu trắng đặt trong nhà thủy tạ vẫn còn đó. Cặp “anh hùng xa lộ” Quảng Thể- Diệu Huệ đến sớm nhất, đang lăng xăng chụp hình với những “sợi nắng” chiều mong manh còn rơi rớt lại trong ngày. Đối diện với hồ Liên Trì là ngôi nhà gồm phòng khách, nhà nghỉ của chư tăng, phòng ăn, nhà bếp... Cảnh cũ còn đó và người xưa vẫn còn đây. Thầy Quảng Kiên, trụ trì tu viện Liên Trì nở nụ cười tươi tiếp đón mọi người.

Thầy Quảng Kiên đã sắp xếp chu đáo chỗ ăn chỗ nghỉ cho đoàn. Quý “ưu bà tắc” đã có một phòng nghỉ riêng đặc biệt dành cho chư tăng. Quý “ưu bà di” ban đêm ngại đi toilet xa đã có phòng nghỉ riêng của chư ni có giường nệm, chăn, gối tươm tất. Ngoài ra còn có một phòng rộng làm chỗ ngủ gần chánh điện có phòng toilet sạch sẽ và biệt lập. Cạnh đó là phòng giặt  rất tiện cho quý bà quý cô .

Theo lời hướng dẫn của Thầy, sau khi ăn tối, Thầy sẽ có một buổi họp mặt chào đón đoàn tại chánh điện lúc 7 giờ.

Buổi chiều đầu tiên tại tu viện là chơi thuyền trên hồ. Quảng Thể được mệnh danh là một “handy man”. Theo lời yêu cầu của hai “ưu bà di” có… “uy tín”, chàng đã tát nước, lau dọn thuyền sạch sẽ, khô ráo, tìm hai mái chèo để sẵn, giữ thuyền cho Diệu Huệ và Diệu Lan bước xuống. Thật là thú vị vào buổi hoàng hôn, nắng sắp tắt, mặt trời sắp lặn, hai cô cháu hai chân đạp nước, tay quạt mái chèo, chiếc thuyền thăng bằng, từ từ trôi lênh đênh giữa hồ trong cơn gió mát nhè nhẹ. Các bạn đứng trên bờ thấy vui quá kêu gọi ơi ới, ai cũng muốn được hưởng cảm giác chèo thuyền trên hồ. Buổi chiều hôm sau, cũng trên chiếc thuyền này, hai Thầy Tánh Tuệ và Pháp Lạc cũng xuống thuyền rong chơi trên hồ với các Phật tử.

Trời đã sẩm tối, kẻng đã đến giờ cơm chiều, các bạn hẹn nhau buổi sáng ngày mai ai cũng sẽ được chơi thuyền trên hồ trước bình minh.

Bữa ăn tối là món bún riêu chay làm ấm lòng mọi người đang đói bụng. Tại chánh điện, Thầy Quảng Kiên đã tâm sự về những khó khăn của Thầy khi về đây trụ trì,  nhìn thấy hai pho tượng Thích Ca và Quan Âm “dầm mưa dãi nắng” được thỉnh về đã lâu nhưng chưa có điều kiện dựng lên. Tượng Thích Ca nằm bên trái trên con đường thiền hành. Tượng Phật Bà Quan Âm bên kia  bờ hồ cao hơn những sợi giây điện. Làm thế nào để đưa Ngài vượt qua bốn sợi dây điện cao thế mà không làm thiệt hại hệ thống điện của chùa. Thầy đã quỳ lạy và cầu nguyện Ngài và xin cho Phật sự này được viên thành. Sáng mai khi đi thiền hành, đoàn sẽ có dịp ngừng lại để chiêm ngưỡng và đảnh lễ hai pho tượng cũng như thấy được công sức của Thầy Quảng Kiên về đây làm mới và làm đẹp cho Liên Trì.

Trong buổi cơm chiều tại trai đường, chúng tôi cũng thấy có sự đổi mới. Bảy năm về trước, trong một khóa tu, bàn ăn của Sư Ông và các tăng ni nằm dọc song song với dãy bàn ăn của Phật tử. Lần này dãy bàn ăn xoay hình ngang như một sân khấu nhỏ. Bốn dãy bàn ăn của Phật tử xếp theo chiều  dọc nên ai cũng có thể nhìn lên thấy các thầy và sư cô dùng cơm quá đường hoặc sinh hoạt với các Phật tử.

Trong khi chờ đợi tiếng kẻng báo giờ ăn chiều, tôi có dịp ghé vào tìm Thầy, bất ngờ thấy Thầy đang thưởng thức Thiền trà với năm vị “ưu bà tắc”. Tôi thắc mắc ủa sao mấy ông này ở đâu ra mà…nhanh quá vậy ? Chưa gì đã có trà nóng và được “ngồi chơi xơi nước” với Thầy ? Tôi xin phép Thầy đi quan sát một vòng thì ra phòng của các vị cạnh phòng khách và gần phòng của Thầy. Với cái nhìn thẩm mỹ của một nghệ sĩ, phòng khách được Thầy sửa sang lại khang trang và đẹp hơn với tượng Phật, tranh ảnh, hồ cá, cây kiểng đặc biệt là chiếc đàn guitar của Thầy vẫn còn đó. Chiếc đàn này làm tôi nhớ một kỷ niệm tu học với Thầy và nhóm thiền sinh Sợi Nắng ở tu viện Kim Sơn những năm về trước. Thân Anh, Diệu Trí, Diệu Hiện, Diệu Nghĩa, Diệu Tú, Mỹ Hạnh, Thân Thư và nhiều bạn đạo đã ngồi chật kín tại cốc của Thầy ở bìa rừng, cùng với Thầy ca hát những bản nhạc đạo thật vui. Lần này trở về Liên Trì, phòng ngủ dành cho “ưu bà di” gần thiền đường được sửa sang lại. Phòng vệ sinh mới xây thành hai khu, có phòng tắm nam nữ riêng biệt, đặc biệt có máy giặt, máy sấy còn mới tinh được Thầy trang bị cho những khóa tu nhiều ngày.

Còn thì giờ rảnh rang, tôi đi một vòng thăm lại thiền đường.Thầy vẫn giữ cách trang trí đơn sơ và trang nghiêm. Tượng Phật cũ bằng thạch cao màu trắng vẫn còn thờ trên bệ. Có khác chăng là có thêm hai tượng bằng đồng đen của hai vị Bồ Tát Ca Diếp và A- Nam đứng hai bên. Thầy kể rằng Thầy đã về Việt Nam chọn và đúc một tượng Phật Thích Ca bằng đồng. Tượng đồng đang chờ những bàn tay hộ trì Phật pháp của các Phật tử khắp nơi, góp phần hoàn thành và chuyên chở về đây để cho bàn thờ Phật đẹp và thêm phần cân xứng và đồng bộ.

Lời phát biểu đầu tiên của anh Quảng Minh Chơn trong buổi tối họp mặt là anh rất  ngạc nhiên và hạnh phúc vì cứ ngỡ giống như chuyến đi tu học ở Liên Trì bảy năm về trước, anh và các bạn phải ngủ trong xe kéo (trailer) ngoài rừng. Đêm lạnh quá, phòng vệ sinh chưa có phải đi xa. Lần này, anh không ngờ nhóm “ưu bà tắc” được Thầy ưu đãi “ngự” tại phòng dành cho các chư tăng. Thôi thì ấm cúng, rộng rãi, phòng vệ sinh gần đó, thật là tiện nghi nên lần này giấc ngủ sẽ ngon hơn và Quảng Minh Chơn chắc phải tu... khá hơn.

Theo chương trình sinh hoạt tu học ba ngày, mỗi sinh hoạt đều có kẻng đánh thức và nhắc nhở thiền sinh. Thiền sinh sẽ có thời khóa tu tập mỗi ngày như vào buổi sáng sẽ có một thời tụng kinh, tọa thiền, tập khí công, dùng điểm tâm, đi thiền hành, nghe Pháp, dùng cơm trưa. Buổi chiều, sau khi chỉ tịnh, sẽ có Pháp đàm và nghỉ ngơi tự do. Buổi tối sẽ có một thời tọa thiền, tụng kinh, chỉ tịnh.

Buổi tối đầu tiên trong khi mọi người đi ngủ thì Thầy Quảng Kiên và anh Quang Minh Hậu đi đón Thầy Tánh Tuệ tại phi trường Mobil. Thầy Tánh Tuệ sẽ đến Liên Trì vào lúc mười một giờ khuya. Thầy sẽ có mặt sinh hoạt vào sớm mai với thiền sinh. Thầy Pháp Lạc sẽ đến vào buổi sáng cùng ngày. Khóa tu tại Liên Trì lần này có một lực lượng thật là hùng hậu dưới sự chủ tọa của ba vị Thầy trẻ, mỗi Thầy sẽ phụ trách một ngày tu học. Nhóm Thiền sinh Sợi Nắng sẽ vô cùng hoan hỉ đón chờ những trận mưa Pháp của các Thầy.

 Trời tờ mờ sáng, tiếng kẻng nhắc nhở mọi người đến giờ lên chánh điện tọa thiền và tụng một thời kinh Thủ Lăng Nghiêm, sau đó là tập khí công. Thầy Quảng Kiên hướng dẫn những thế tập và hít thở. Thầy Tánh Tuệ cũng ra sinh hoạt với đại chúng. Sau khi chờ đợi dùng điểm tâm, các anh chị ra hồ Quan Âm chụp hình, chơi thuyền trên hồ và ngắm cảnh. Mùa thu cây cỏ đã bắt đầu chuyển màu. Liên Trì đẹp quá vào buổi bình minh vì có sương khói lãng đãng, mơ hồ, có khí lành lạnh của đất trời bao la, có sự tĩnh lặng của cây cỏ núi rừng, có sự êm đềm của sông nước lững lờ, có sự vững chãi của những hàng thông bạt ngàn. Trời xanh, mây trắng, nắng vàng, Liên Trì như một cảnh giới thanh thoát, vừa đẹp vừa nên thơ và đầy Thiền vị.

 Đây là buổi sinh hoạt đầu tiên nên chúng tôi được đi dạo chơi trong rừng dọc theo ven hồ với Thầy, vừa đi vừa nghe Thầy kể chuyện về tu viện Liên Trì. Con đường mòn dẫn đến tượng Quan Âm còn đẫm sương đêm, phía sau tượng là một hàng thông già xanh mướt làm nền cho pho tượng màu trắng sừng sững giữa trời đất bao la. Tám chiếc hoa sen hồng nổi trên mặt nước bắt qua hai bên hồ làm mọi người liên tưởng đến hình ảnh của giáo pháp Bát Chánh Đạo. Đâu đây, tiếng chim chóc hót líu lo trên cành, những bụi tre mang từ tu viện Kim Sơn về đây trồng vẫn xanh tốt, những hàng thông mọc trên triền đồi thẳng đứng soi bóng dưới mặt hồ. Sư Ông Tịnh Từ lần đầu tiên về đây đã tức cảnh sinh tình trong bài thơ “Liên Trì Cảnh Phật”:                     
                                         

“Bước chân lên cảnh Liên Trì

Đi trên thật địa đây rồi quê xưa

Sáng nghe diệu đạo chân thừa                                           

Chiều về tắm mát giọt mưa Cam Lồ...”.

                                                         ***

Bắt đầu buổi pháp đàm, Thầy giới thiệu bài thơ “Liên Trì Cảnh Phật’ và nhờ Thầy Tánh Tuệ ngâm bài thơ này. Để cho không khí sinh hoạt thêm phần sinh động, Thầy mời chị Thân Anh hát bài “Chén Trà”. Dù không có “chén trà trên đôi tay” để “Ơn nước thêm tràn đầy”, giọng hát ngọt ngào của chị là nguồn cảm hứng cho buổi Pháp đàm. Tiếp theo Thầy hát bài “Nụ Thương”. Đề tài bài thơ “Nụ Thương” của Sư Ông Tịnh Từ được Thầy Quảng Kiên phân tích  dưới cái nhìn Phật pháp.

Nụ cười được ví như nụ hoa còn e ấp chan chứa tình thương đến chúng sinh. “Nụ Thương” đầu tiên “Một thương, rủ sạch phong trần” là người Phật tử trên bước đường tu tập lìa bỏ được tam độc tham, sân, si. “ Hai thương, ăn nói chín phần có duyên” là thực tập lời ái ngữ “có duyên” để làm vơi niềm đau nỗi khổ của muôn loài. “ Ba thương, có  nụ cười hiền” là nụ cười từ bi của Phật và Bồ Tát, đó cũng là nụ cười trong sáng, hồn nhiên, không hờn giận của bé thơ. “ Bốn thương, sớm tối tinh chuyên tham thiền” là nụ cười mang năng lượng hạnh phúc, bình an cho những người chung quanh. “Năm thương, chánh niệm nối liền” để sống an lạc trong từng phút giây hiện tại. “Sáu thương, đem đến an bình nơi nơi” là mình phải tu tập để có năng lượng an lạc và bình an trước rồi mới truyền trao khắp nơi cho  mọi người . “Bảy thương, đôi mắt rạng ngời” là đôi mắt tuệ giác và mắt thương nhìn cuộc đời. “Tám thương, khiêm tốn bao dung với đời” để mở lòng rộng lượng, tha thứ và bao dung.”Chín thương, phẩm hạnh khiêm cung” để học tập sự cung kính với người trên và khiêm hạ với người dưới.  “Mười thương, thanh thản thong dong tháng ngày” là kết quả của sự tu tập và hành trì mười “Nụ Thương”. Có được mười “Nụ Thương” là có “Em cười hoa nở” và “ nụ thương xuống đời”.

 Buổi Pháp đàm chiều nay được sự chủ trì của ba Thầy. Đó là những lời tâm tình  của các anh, chị vượt qua mọi khó khăn về tuổi tác và sức khỏe, quyết tâm bay về đây tu học ba ngày ; là năng lượng bình an và yêu thương khi được tu học ở Liên Trì ; là những cảm nghĩ an lạc và hạnh phúc của những thân hữu lần đầu tiên về dự khóa tu tại một tu viện xa xôi mà có cảm tưởng như đã quen biết từ lâu ; là những lời phát biểu chân thành về một tu viện vừa có cảnh đẹp vừa có một vị trụ trì trẻ, tài hoa, nhiệt tình và có năng lượng tu tập ; là những kỷ niệm với tu viện Liên Trì trong chuyến tu học bảy năm về trước ; là những lời chân thành cảm ơn  hai Thầy Tánh Tuệ và Pháp Lạc cùng với Thầy trụ trì, Thầy Nhuận Phát và các sư cô đã chu đáo, nhiệt tình, luôn luôn quan tâm thăm hỏi và  lo toan nơi ăn, chốn ở cho đoàn...

Các Thầy cũng thay phiên trả lời những câu hỏi của các Phật tử như về sự khác nhau giữa hai bài “Mười Thương” ngoài đời và “ Nụ Thương” của Sư Ông ; về  việc làm từ thiện ở Việt Nam….Buổi Pháp đàm chấm dứt lúc năm giờ chiều. Các anh chị trở về phòng nghỉ ngơi, hoặc  chơi thuyền trên hồ hoặc đi bộ trong rừng thông, sau đó dùng cơm chiều và  bảy giờ tối sẽ có một thời tọa Thiền và tụng kinh trước giờ chỉ tịnh.

                                                           ***

 “Thiền đường buổi sáng, chuông chùa ngân, chuông chùa ngân... Thiền đường buổi sáng, trăng còn treo, trăng còn treo... Nở ngay nụ cười tươi mát... Bước chân dẫm lên thật địa... Ôi thảnh thơi nhẹ nhàng... Nhẹ nhàng an nhiên... An nhiên vững thân ngồi yên....” (2)

 Khi trời còn sẫm tối, ba con chó tên Hạnh, Phúc và Mimi đã quen với những bước chân Thiền hành của các thiền sinh. Chúng lẻo đẽo theo các thiền sinh đến trước cửa thiền đường, ngồi yên lặng như chờ được nghe kinh. Buổi tọa thiền và thời kinh A Di Đà có mặt cả ba Thầy. Sau đó các thiền sinh cùng tập khí công, ăn sáng, sinh hoạt và đi thiền hành trong chánh niệm.

Trước khi đi Thiền hành, các anh chị đã cùng với các Thầy đứng thành vòng tròn trên sàn gỗ trước phòng ăn cùng hợp ca những bản nhạc quen thuộc như “Đây Là Tịnh Độ”... Thầy nhắc nhở hôm nay đoàn đi thiền hành trong chánh niệm nghĩa là đi trong yên lặng, tỉnh thức, theo dõi hơi thở theo từng bước chân đặt trên mặt đất, thân trở về với tâm, biết mình đang đi với các Thầy và tăng thân, cảm nhận niềm hạnh phúc và an lạc được sống trọn vẹn và sâu sắc ở đây và trong lúc này

Trở về thiền đường, Thầy Pháp Lạc sẽ chủ trì buổi pháp thoại sáng nay với đề tài “Cho đi và nhận” lấy ý từ hai câu thơ “Em ơi hạnh phúc thật gần. Cho đi là nhận bội phần thiện duyên”.

 Mở đầu, Thầy phân tích trong kinh Phật có  nhắc đến năm loại bố thí, bố thí “mạng”, “sắc”, “an”, “ lực” và “biện”. Bằng kinh nghiệm thực tiễn trong công việc tư vấn về tâm lý và một vị tuyên úy (chaplain), Thầy kể những câu chuyện thật ngoài đời khi Thầy phải tiếp xúc với các bệnh nhân mắc bệnh khủng hoảng về tâm lý với những phản ứng tiêu cực, bất ngờ có khi hung hăng và giận dữ. Nhưng nhờ Phật Pháp, Thầy đã bố thí “mạng” là học tập hạnh lắng nghe và  kham nhẫn để hiểu và gợi được niềm đau nỗi khổ của họ nhờ đó mà họ chịu chia sẻ với Thầy và có thái độ tích cực hơn. Bố thí “sắc” là có hình tướng, dáng vẻ hình thức bên ngoài vững chãi, tự tin tạo cho bệnh nhân có sự tin tưởng. Bố thí “an” hay còn gọi là “vô úy thí” giúp cho người bệnh không sợ hãi nhất là những người sắp từ giã cõi đời. Bố thí “ lực” là giúp bằng những bàn tay, sức lực của mình như những người làm công quả trong chùa hay làm thiện nguyện. Bố thí “biện” là dùng ngôn ngữ khéo léo để  làm dịu đi hay giúp cho đối tượng vượt qua những nỗi đau buồn. Ai cũng có thể bố thí trong hoàn cảnh, điều kiện và khả năng của mình dù là một nụ cười cũng được xem là bố thí. Bồ Tát Quan Thế Âm có đủ năm loại bố thí này. Là người Phật tử chúng ta nên học  hạnh bố thí của Ngài.

 Buổi Pháp đàm chiều nay do ba Thầy chủ tọa. Chị Thân Anh đã giúp Thầy tóm tắt bài Pháp và bày tỏ suy nghĩ đây là bài Pháp rất thực tế, ích lợi khi người Phật tử học được hạnh “cho đi”. Các anh chị khác theo thứ tự ngồi thành vòng tròn, lần lượt giới thiệu tên, pháp danh, đến từ tiểu bang nào và tự do bày tỏ những suy nghĩ hay những thắc mắc về bài pháp, về khóa tu ba ngày tại tu viện Liên Trì . Mỗi anh chị là mỗi cảnh đời với những tâm tình, vướng mắc, nội kết riêng tư đã được chia sẻ với Thầy và đại chúng. Ba Thầy đã ngồi yên, học hạnh lắng nghe, sau đó góp ý, giải đáp những vướng mắc của các Phật tử. Đã có những tiếng cười hoan hỉ cũng như những giọt nước mắt vì xúc động.

 Buổi Pháp đàm chấm dứt với niềm vui háo hức của đại chúng khi Thầy  Quảng Kiên thông báo tối nay sẽ có một chương trình Thiền trà đặc biệt trên thuyền Bát Nhã lúc bảy giờ.

 Đó là một chiếc thuyền hình vuông có mái cong trôi trên mặt nước nhờ những chiếc vỏ bánh xe hơi đội lên trên sàn lót gỗ, có thể đẩy ra giữa hồ hay kéo vào bờ nhờ những sợi giây cáp. Bảy năm về trước, nhóm hành hương Gia Đình Sợi Nắng cũng có duyên dự một buổi Thiền trà trên chiếc thuyền này.Theo lời anh Viên Minh, người thiết kế và xây dựng chiếc thuyền cho biết chiếc thuyền ít nhiều đã bị hư hoại theo thời gian nhưng vẫn tạm còn sử dụng được. Mọi người được phân công chuẩn bị nước trà, kẹo bánh, chiếu, bồ đoàn, đèn cầy, cây kiểng trang trí chung quanh tượng Quan Âm cho đêm Thiền trà thêm phần nên thơ và  đạo vị. Thầy Pháp Lạc hướng dẫn các anh chị quây quần thành vòng tròn sinh hoạt tập thể trên thuyền. Mọi người đều lên thuyền. Thuyền từ từ ra khơi dưới sự điều khiển của  “thuyền trưởng” chính là anh Viên Minh và phụ tá là anh Quảng Thể.

Đêm nay, Thầy Quảng Kiên sẽ là người điều khiển chương trình Thiền trà. Lời phát biểu của Thầy Tánh Tuệ về tương lai của Liên Trì nên mở thêm những khóa tu ngắn ngày cho Phật tử địa phương tham gia đông hơn, mở đầu cho truyền thống tu học tại Liên Trì. Các anh chị lần đầu tiên dự buổi Thiền trà đều phát biểu thật là thú vị và độc đáo được ngồi trên thuyền Bát Nhã. Sinh hoạt này không thể tìm thấy ở một khóa tu nào khác. Trời khá lạnh, nhìn lên bầu trời, Liên Trì đẹp về đêm với những vì sao lấp lánh. Trong sương đêm, thuyền Bát Nhã lững lờ trôi giữa hồ, long lanh mờ ảo dưới ánh đèn cầy và mùi hương trầm thoang thoảng bay trong gió. Những ly trà thơm mùi vỏ quít  của anh Quảng Minh Hậu, những lời ca, tiếng hát , tiếng đàn, những bài thơ cảm tác khi về Liên Trì, những câu chuyện tâm tình và những câu chuyện kể vui đầy đạo vị kéo dài đến mười giờ khuya. Trở về phòng trong giấc ngủ, dư âm của buổi thiền trà trên thuyền Bát Nhã sẽ còn vang vọng  và là một kỷ niệm đẹp khó quên trong tâm tư của mọi người.

 Buổi sáng cuối cùng cũng là buổi Pháp thoại của Thầy Thích  Tánh Tuệ với đề tài “Người Biết Sống”. Theo Thầy, đạo Phật vừa là một tôn giáo, một triết lý và cũng là một nghệ thuật sống. Có hai cách sống, sống với chính mình và sống với tha nhân. Có hai môi trường sống, sống giữa đời và sống trong đạo. “Người biết sống”  giữa đời là sống theo thuyền thống “ngũ thường” của Nho gia như “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí,Tín”. Thầy phân tích người Phật tử sống trong đạo là sống theo gương của đức Phật vì Ngài có đủ năm tiêu chuẩn đạo đức của Nho giáo và cụ thể là người Phật tử quy y và giữ gìn năm giới để hoàn thiện nhân cách và có được sự an lạc.

Theo Thầy, ngoài cái tâm biết chia sẻ và sống cho tha nhân, “người biết sống” là người sống biết điều hơn là biết nhiều, có thái độ sống hơn là trình độ sống, sống thật hơn là sống khéo , biết “phản quan tự kỷ” quay về với chính mình,sống biết người là thông minh nhưng biết mình là giác ngộ, biết lấy “duy tuệ sự nghiệp” làm giàu cho đời sống, biết các pháp chỉ là phương tiện để sống phân biệt giữa cái chính và phụ, để chọn lựa một đời sống cân bằng giữa lý trí và tình cảm.

Người biết sống cũng là  “người biết sống một mình” như trong kinh “Nhất Dạ Hiền Giả”, biết niệm đến cái chết để sống đẹp. trọn vẹn và bao dung. Lời bài hát “Giọt Lệ Thiên Thu” (3) như một bài Pháp thể hiện cách sống với “đôi tay thật dài ôm quanh tình người” và bài thơ “Sống” của Thiền Sư Hải Tuệ được Thầy trích dẫn để kết thúc bài Pháp. Thầy đưa ra cho Phật tử chỉ cần nhớ hai điều ngắn gọn trong cách sống là lấy  trí tuệ làm sự nghiệp và tình thương làm lẽ sống. Sống được như thế là đã làm đúng theo lời Phật dạy.

 Thầy Quảng Kiên cho biết trưa nay, sau bữa cơm quá đường sẽ có buổi tác bạch, cúng dường trai tăng. Chiều nay là buổi Pháp đàm và cũng là buổi chia tay với Thầy Pháp Lạc vì Thầy sẽ rời tu viện lúc 5 giờ chiều . Kết thúc khóa tu, Thầy nói thay vì tụng kinh buổi tối sẽ có  một sinh hoạt còn trong vòng bí mật, hứa hẹn sẽ gây sự bất ngờ và  ấn tượng cho Phật tử.

Chưa có buổi Pháp đàm nào gây những trận cười vui và sinh động như buổi Pháp đàm cuối cùng chiều nay. Mọi người có dịp biết chị Diệu Hương, cư dân ở Mobil, bà xã của anh James, một cảnh sát đã về hưu rất có lòng với Thầy và với Liên Trì trong mọi Phật sự. Mọi người lại được nghe chị Bổn Tiết hát. Cùng với chồng là anh Minh Sơn và gia đình, họ là  những vị “Cấp Cô Độc” thời nay đã hết lòng hỗ trợ xây dựng Liên Trì từ những ngày đầu tiên và trong khóa tu này. Sư cô Thanh Trang hồn nhiên và hài hước, sư cô Thiện Trang dịu dàng và hiền hòa, hai sư cô đã học được cách sống từ bài Pháp sáng nay cũng như học tập kinh nghiệm về cách tổ chức khóa tu. Thầy cũng mời các Phật tử chùa Từ Ân cũng như Phật tử Mobil phát biểu. Những lời chân thành, mộc mạc, tự nhiên và rất dễ thương của các anh chị khi bày tỏ những tâm tình của mình trong khóa tu làm cho buổi Pháp đàm tràn đầy những tiếng cười hoan hỉ. Các anh chị được nghe các Thầy và các Phật tử hát làm cho buổi Pháp đàm thêm vui. Thầy Quảng Kiên gửi lời cảm ơn đến tất cả những “bàn tay mầu nhiệm” đã góp phần làm cho khóa tu thành công viên mãn. Buổi Pháp đàm chấm dứt trong sự tiếc nuối của mọi người.

Sau buổi cơm chiều, đúng bảy giờ, Thầy Quảng Kiên mời các Phật tử lên chánh điện. Không ai biết tối nay có sinh hoạt gì nhưng khi thấy trên bàn có cây nến đặt trong những đóa hoa sen thì mọi người biết Thầy tổ chức Pháp hội hoa đăng, đốt nến dâng hoa cúng Phật , niệm Phật và đi Thiền hành chung quanh chánh điện.

Trong ánh nến lung linh, tiếng khánh hòa lẫn với tiếng niệm ngân nga “Nam Mô Bổn Sư/ Thích Ca/ Mâu Ni Phật”, từng bước chân dẫm trên “thật địa” phối hợp   với hơi thở chánh niệm, những bàn tay nâng những búp hoa sen lấp lánh ánh đèn cầy, chúng tôi  đi nhiễu Phật nhiều vòng chung quanh thiền đường. Đêm nay, như Thầy Quảng Kiên nói chỉ còn những tiếng đồng hồ ngắn ngủi, đây là những giây phút an lạc và hạnh phúc còn lại với các Thầy, các sư cô, với tăng thân và tu viện Liên Trì.

 Bốn giờ sáng ngày chủ nhật 7 tháng 10, Thầy Quảng Kiên chở Thầy Tánh Tuệ ra phi trường sớm và  Thầy trở về  tu viện kịp để từ giã đoàn hành hương lên đường tiếp tục cuộc hành trình. Sư cô Huệ Thông sẽ cùng đi với hai sư cô Thanh Trang và Thiện Nghĩa  sẽ về New Orleans. Cảm ơn sư cô Huệ Thông và Thầy Nhuận Phát và các Phật tử Liên Trì đã thức khuya dậy sớm để nấu những bữa ăn ngon miệng trong ba ngày tu học. Thức ăn cho buổi điểm tâm sáng nay cũng đã được sư cô Huệ Thông, Thầy Nhuận Phát lo liệu chu đáo.

Cuộc vui nào cũng tàn. Cuộc sum họp nào cũng đã sẵn có sự chia ly. Những lời cảm ơn dường như không đủ cho người ra đi và cả người ở lại. Tại bãi đậu xe, chúng tôi bùi ngùi chào tạm biệt Thầy mặc dù đã tạm biệt Thầy nhiều lần đêm pháp hội hoa đăng tại thiền đường. Trời đã sáng hẳn. Lần này chúng tôi phải lên đường cho kịp đến chùa Việt  Nam và chùa Viên Thông  tại Texas vào buổi chiều.

Nguyện xin chư Phật gia hộ cho Thầy nhiều sức khỏe, “chân cứng đá mềm” để tiếp tục xây dựng tu viện Liên Trì càng ngày càng hưng thịnh, là nơi an trú tâm linh và tu tập lý tưởng cho các Phật tử địa phương và Phật tử các nơi về đây tu học.

Lời bài hát của chị Diệu Lan trong buổi pháp đàm: “ Đến đây thì đã đến đây....  Đến đây thì được với nhau. Đến đây thì tựa với nhau... Đến đây tìm nơi trú thân... Đến đây tìm nơi ân cần...Đưa ta về nơi chốn an lành...

Đoàn hành hương “Gia Đình Sợi Nắng chúng tôi  “...đã đến rồi”.  Tại đây, chúng tôi thật sự đã có  những ngày tu học vô cùng an lành và hạnh phúc.

Xin hẹn ngày gặp lại Liên Trì.                                                    

Ngày 3 tháng 11 năm 2018                                                                            

Diệu Lan

Chú Thích: (1) Bài thơ “Liên Trì Cảnh Phật” của Sư Ông Tịnh Từ. (2) “Lý Thiền Hành” của Sư Cô Chân Không. (3) Giọt Lệ Thiên Thu của Trịnh Công Sơn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn với tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Câu chuyện kể từ xa xưa, rất xa xưa, là từ thời đức Phật còn tại thế: Có một người Bà La Môn rất giầu có và rất quyền thế, ông thích đi săn bắn thú vật trong rừng hay chim muông trên trời. Một hôm đó, ông bắn được một con thiên nga to đẹp đang bay vi vút trong bầu trời cao xanh bát ngát thăm thẳm trên kia. Con thiên nga vô cùng đẹp bị trúng đạn, rơi xuống đất, đau đớn giẫy và chết. Ông liền chạy tới lượm thành quả của ông và xách xác con thiên nga lộng lẫy về cho gia nhân làm thịt, làm một bữa nhậu, có lẽ.
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.