Hôm nay,  

Chuyến Du Thuyền Mùa Thu Nhật Bản

29/10/201811:11:00(Xem: 4789)

Cao Dac Vinh_Mat troi moc sau con mua
Mùa thu năm nay 2018, vợ chồng tôi cùng nhóm bạn cũ thời Trung học Saigon hẹn nhau trên chiếc Celebrity Millennium đi cruise 13 ngày vòng quanh nước Nhật. Tàu sẽ ghé vài thành phố lớn xứ Phù Tang và Busan, một tỉnh duyên hải miền nam Đại Hàn.

Chuyến bay Los Angeles - Tokyo đưa chúng tôi đến phi trường Narita cách xa bến tàu Yokohama vài chục dặm. Đầu tháng 10, mùa thu thường có bão trên Thái Bình Dương nên ngay ngày khởi hành, chuyến đi đã phải rời lại... Con tàu cồng kềnh nhổ neo tìm nơi an toàn tránh bão qua đêm rồi trưa hôm sau mới quay trở lại đón khách. Chúng tôi và các bạn ở lại khách sạn thêm một ngày. Đêm nằm vợ chồng thao thức nghe bão đổ vào thành phố, tiếng gió rít từng hồi, tiếng mưa đập vào cửa kính ở tầng cao mà thấy lạnh người!

Bão qua đi để lại cơn mưa nhẹ trên đường phố, nhóm chúng tôi lên tàu, hứa hẹn những ngày hè êm ả mà tuổi già tuyệt đối cần sự nghỉ ngơi, một dịp lý tưởng để tâm tình thoải mái giữa mây trời biển nước bất kể sáng trưa chiều… xem như các bạn ở chung nhà chỉ khác phòng khi đêm về.

Tàu rời bến, mọi người tiếc nuối vì chặng đầu thăm núi Phú Sĩ bất đắc dĩ phải hủy bỏ! Tiếp đến là thành phố Kobe, nơi đây có món thịt bò nổi tiếng khắp năm châu. Thể theo lời giới thiệu của nhân viên trên tàu, chúng tôi ghé Chinatown vào tiệm “Red One” ăn thử món ăn độc đáo này… Hình chụp thì bắt mắt, giá 60 đô mà đĩa thịt mang ra chỉ bằng ba đốt ngón tay. Ngon thì chẳng thật ngon so với số tiền ở trên nên ai cũng bảo là mình bị lừa!


Cao Dac Vinh_Sakamoto Ryoma
Sau Kobe đến Kochi, nơi đây có những đường làng quanh co chạy ven biển tạo nên phong cảnh trữ tình thơ mộng. Điểm đặc biệt là hình tượng samurai Sakamoto Ryoma quảng bá khắp nơi… Đó là vị anh hùng dựng nước thời xa xưa. Ông sinh ra ở Kochi năm 1836, thời niên thiếu rèn luyện kiếm cung rồi trở thành võ sĩ đạo dẹp loạn tướng quân với tinh thần cải tiến đất nước theo văn minh Tây phương và lập nền quân chủ tân tiến. Tiếc thay, ông bị nhóm tướng quân ám sát ở Kyoto lúc tuổi còn trẻ ngoài 30. Hôm ấy, giữa biển trời màu xám, trên đồi thông mưa phùn bay lất phất, tôi đứng lặng trước pho tượng người Nhật thờ kính ông mà mơ về dĩ vãng với Nguyễn Trường Tộ, Quang Trung… Cùng chí hướng canh tân xứ sở, cách biệt chỉ vài năm, ông sinh và chết một thời với Nguyễn Trường Tộ để lại bao thương tiếc cho dân tộc Nhật nhưng linh hồn ông nơi suối vàng hẳn đã mãn nguyện vì quê hương ông ngày nay hùng mạnh. Còn đất nước tôi, nhìn những vấn đề nan giải hiện nay, giấc mơ viễn kiến của tiên sinh vẫn chỉ là cơn ác mộng!

Thế rồi một buổi chiều, chẳng may tàu đang lướt sóng lại gặp cơn bão thứ hai nên cấp tốc chuyển hướng quay về Kobe tìm nơi ẩn náu. Kể từ đó lịch trình của chuyến đi hoàn toàn thay đổi... Du thuyền trên 2000 người sẽ ghé Busan rồi ở lại phía Đông Nhật Bản nghĩa là bỏ đoạn đường phía Tây thăm Aomori, bù vào sẽ ghé Nagasaki và trở lại Mt Fuji. Ôi quá nhiều trắc trở với chuyến du ngoạn này vào mùa thu Nhật Bản!

Rời nước Nhật, tàu đến Busan một tỉnh cực Nam xứ Hàn, dân số đông thứ nhì chỉ sau Seoul. Nơi đây, chúng tôi thuê xe với hướng dẫn viên bao thầu sáng chiều để thăm thành phố nổi tiếng về chợ cá, đền đài, phim bộ và cảnh chùa cổ kính... Sau nửa tiếng lái xe, dừng chân ở vùng đất “rau muống xào” (phiên âm từ ngôn ngữ của bác tài không nói tiếng Anh), chúng tôi vô cùng ngạc nhiên trước cảnh đẹp hùng vĩ của một ngôi chùa thơ mộng nằm ngay bờ biển, sóng vỡ vào bờ nghe nhịp nhàng như những tiếng cầu kinh. Khách thập phương viếng chùa đông như ngày hội. Đường vào chùa uốn khúc lên xuống nhiều bực thang, hàng quán mọc như nấm, mùi thịt nướng thơm lừng át cả không gian mang hương vị tu thiền. Những con mực dầy cơm to hơn bàn tay giá bán từ 7 đến 10 đô. Mua một con, cả đoàn chia nhau nhâm nhi lúc ra khỏi chùa. Buổi trưa, chúng tôi đói bụng, khát nước vì đường xá núi đồi chập chùng nên hao tốn năng lực. Chúng tôi được chỉ dẫn đến một quán ăn địa phương với những món quen thuộc như sườn thịt nướng, kim chi, rau cải cuốn chấm nước tương chua... kèm theo vài chai bia lạnh nội hóa thế mà ngon đáo để! Đó là bữa ăn đáng đồng tiền bát gạo, vừa no nê, vừa vui nhộn lại đầm ấm tình bạn…

Cao Dac Vinh_Gio Fat Boy
Đi suốt đêm, tàu ghé bến Nagasaki sáng hôm sau, chúng tôi đón xe điện để xem tận nơi trái bom nguyên tử Fat Boy thả xuống đây với tất cả ngậm ngùi thương tiếc. Có lẽ nơi này đã đánh động lương tâm chúng tôi mạnh nhất để biết rằng đây là chốn thiêng liêng, kinh nghiệm tang tóc của loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, để biết rằng cuộc sống nhân loại ngày nay thật mong manh khi nước Nga, Mỹ, Pháp, Anh, Tàu, Do Thái... Bắc Triều Tiên còn đang thủ sẵn nhiều thì hơn 6000, ít cũng trên dưới 300 trái bom một thời đã tàn phá Nagasaki và Hiroshima. Chuyện kể Nagasaki là một thành phố bất hạnh vì ngày 9 tháng 8 năm 1945 trái bom dự tính thả xuống Kokura nơi có cơ xưởng sản xuất vũ khí thời Đệ II thế chiến nhưng do sương mù dày đặc, phi công bay nhiều vòng không tìm ra mục tiêu nên đành thả xuống Nagasaki lúc 11 giờ 2 phút sáng ở độ cao 1800 feet. Sức mạnh của Fat Boy đã giết hơn 125,000 cư dân, một nửa dân số vào thời đó bất kể thường dân, quân phiệt, đàn ông, đàn bà hay trẻ em. Nếu ai chưa đi mà có dịp, xin đừng quên đến nơi này để hiểu sự kinh hoàng của quá khứ và nỗi lo âu của nhân loại nếu chiến tranh nguyên tử tái diễn!


Cao Dac Vinh_The Peace Statue
Cách nơi bom nổ chừng 100 thước, chúng tôi viếng thăm Nagasaki Peace Park tọa lạc trên ngọn đồi có nhiều bậc thang. Bức tượng đồng cao 10 mét “The Peace Statue” của Seibo Kitamura ngạo nghễ giữa trời xanh với lời nhắn nhủ và nguyện cầu cho hòa bình thế giới... Vợ chồng tôi đứng trước pho tượng này thật lâu, chiêm ngưỡng cả về nghệ thuật lẫn nội dung… Hình ảnh một chàng trai trẻ xứ Phù Tang dơ cánh tay mặt chỉ lên trời như cảnh cáo về sự đe dọa kinh hoàng của bom nguyên tử trong lúc cánh tay trái duỗi thẳng tượng trưng cho hòa bình yên ổn.

Cuối cùng thì nhóm chúng tôi cũng đến núi Phú Sĩ xem tận mắt từ xa ở tầng cao của một tòa nhà kiến trúc theo hình xoáy ốc. Tiếc thay, hôm ấy trời mưa nhẹ, mây xám bao phủ nên chỉ thấy chân núi một màu xanh của lá rừng. Chúng tôi may mắn được xem cuốn phim “Mt Fuji Above The Clouds” dài khoảng 10 phút, đặc biệt trình chiếu cho du khách ngay tại rạp nơi đó. Hình ảnh núi Phú Sĩ bốn mùa trên các tầng mây đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc về cảnh thiên nhiên có một không hai. Vài bạn không được thiện nguyện viên thông báo rõ nên lỡ dịp vào xem với tiếc nuối khi ra về rồi chẳng biết trong cuộc đời mình còn cơ hội nào sẽ quay lại chốn này?

Đây là lần đầu chúng tôi viếng thăm hai nước bạn nằm ở cực Đông, không xa quê hương tôi bao dặm. Nhìn nước Nhật và Hàn đã và đang cải tiến theo nền văn minh dân chủ, tự do từ kinh tế, xã hội đến chính trị… sánh đôi với phương Tây mà chạnh lòng nghĩ về tổ quốc. Vẫn biết “một con én không làm nổi mùa xuân” nên chẳng dám mơ ước viển vông vì tuổi đời đã cao, chỉ ước mong và tự hỏi đến mùa xuân nào, đàn én Việt sẽ biết đoàn kết, cùng bay họp đàn để tạo nên mùa xuân dân tộc mới?

Khi đến một thành phố lạ, du khách thường có những nhận xét thô thiển, tôi cũng thế! Nói ra mang tội khiếm nhã, thô lỗ xin bạn đọc bỏ qua nhưng đó là sự thật dưới mắt tôi nhìn. Tự nhủ nếu ai hỏi… “Nước Nhật và Hàn có gì lạ so với Việt Nam ở trời Đông?”. Có lẽ tôi sẽ mạnh dạn trả lời như thế này: “Về cầu tiêu, chính xác theo thứ tự… nhất Nhật, nhì Hàn, ba Việt nhưng nói đến vẻ đẹp con gái thì đảo lộn từ dưới lên trên nhất Việt, nhì Hàn, ba Nhật…” Thượng đế đã ban ân sủng thiêng liêng, vinh dự thay cho dân tộc mình! Ngày nay khi gái Việt bỏ nước ra đi lấy chồng Hàn, Đài Loan… như một phong trào, liệu chúng ta có nên tìm mọi cách để chỉnh đốn hoàn cảnh xã hội mà giữ gìn cái “blessing” đáng quý ấy cho muôn đời sau?

Đi xa mới thấy không đâu bằng nước Mỹ. Tokyo đa số nơi ở nhỏ hẹp, thực phẩm đắt đỏ lại chẳng ngon. Rất nhiều hàng quán đến từ Âu Mỹ như 7 Eleven, Starbuck, Mc Donald… Đường phố sạch sẽ nhưng lối sống kỷ luật đến nỗi một miếng giấy nhỏ cũng không kiếm đâu ra thùng rác để vứt bỏ. Hỏi thăm mới biết rác nằm ở túi người bộ hành suốt ngày cho đến khi về nhà. Người Nhật ăn uống thanh đạm, không phải nơi đâu cũng sẵn sushi, sashimi… cho giới bình dân. Buổi trưa nhìn họ đứng, ngồi giữa phố phường vừa ăn chiếc bánh vừa bấm smart phone, tôi thấy giống xôi khúc quê nhà nên mua ăn thử… mới biết đó chỉ là nắm cơm vuông dài bằng ngón tay chỏ bên trong chan chút nước thịt rim mà giá cũng gần 4 đô la. Nói về đời sống, Nhật Bản sản xuất xe hơi khắp thế giới nhưng điều kiện để dân Nhật sở hữu một chiếc xe thì ngoài vấn đề tài chánh, họ còn phải chứng minh có sẵn parking để đậu xe thì mới mua được nên suy ra, ai lái xe hơi đi làm ở xứ này, hẳn đó là thành phần trung lưu giầu có?

Sống trên du thuyền 13 ngày, niềm vui lớn nhất của vợ chồng tôi là thức dậy sớm xem mặt trời mọc. Bốn hướng của phòng ăn là cửa kính nhìn ra biển trời mênh mông. Khi bão nổi, nhìn xuống chỉ thấy sóng bạc đầu trùng điệp. Những ngày biển lặng du khách thường ngủ muộn, bên ly cà phê buổi sáng, chúng tôi ngồi gần nhau chờ nắng đầu ngày tỏa ra từ hào quang mặt trời chói lòa mà lòng bâng khuâng khó diễn tả. Sống nơi đô thị, hình ảnh này thật hiếm vì chân trời thường che lấp bởi mái ngói và cây cao, một vùng trời chỉ có trong tưởng tượng khi đón chờ ánh bình minh. Trân quý giờ phút mong manh ấy, chúng tôi thường yên lặng nhìn nhau không nói, để hồn hòa tan vào không gian tĩnh mịch của căn phòng với nỗi niềm âu yếm riêng tư. Chỉ vài giờ sau, du khách sẽ bắt đầu tụ họp ở đây ăn sáng rồi bữa trưa, bữa chiều nhộn nhịp đến cuối ngày.

Bốn đứa chúng tôi bạn học từ thời niên thiếu, nhỏ nhất sinh năm Tuất nhưng cuộc đời an bài cùng một điểm chung là đều lấy vợ trẻ hơn 8, 9 tuổi. Sống già mà chưa lão, đứa không bệnh thì cũng tật chẳng sao tránh khỏi! Bản thân tôi mất thính giác nên nghễnh ngãng, có bạn nhớ nhớ quên quên, đi xa không biết đường về… Do đó chúng tôi giao phó hầu như toàn chương trình và tiền bạc cho các bà để vui sống những ngày hè trên du thuyền. Sự kiện ấy hiển nhiên chúng tôi lệ thuộc vào quý bà. Vui cùng hưởng, buồn cũng đành chịu… Mong sao tâm hồn họ bao dung, biết xử thế, nhẹ nhàng lời ăn tiếng nói để tình bạn lâu dài. Những buổi chiều ăn tối trên du thuyền, bàn tiệc chúng tôi luôn có sẵn câu chuyện kỷ niệm cùng rượu bia nhưng rồi cuộc vui nào cũng qua mau… để ngậm ngùi chia tay ngày cuối!

Ngoài các bạn học cũ, chuyến đi này may mắn chúng tôi gặp hai cặp vợ chồng trẻ sống ở San Francisco và Houston. Tuy mới quen nhưng họ đã quyến rũ tôi với sự chân thành và phong thái lễ độ. Họ ăn mặc lịch sự đúng mode như tài tử với giai nhân. Có lẽ tôi chấm họ nhất nhì trong hai đêm trang phục và duyên dáng ở du thuyền. Mong rằng chúng ta sẽ còn dịp gặp nhau một ngày gần đây. Về nhà, tôi kể với ông bạn có kinh nghiệm chuyện du thuyền. Ông vừa cười vừa nói tiếng Anh qua lối phát âm tiếng Việt bình dân: “Lần sau muốn đi phải biết lựa… cruise (c..u) dài khó hợp, c..u ngắn dễ chịu hơn”. Ý nói đừng chọn chuyến du thuyền nào dài hơn 5 ngày. Sống trên tầu 10 ngày trở lên sẽ thấy gò bó và ăn uống kiểu Tây phương chỉ một tuần sẽ nhàm chán. Âu cũng là kinh nghiệm… ai cũng phải qua cầu mới hay!

10/25/2018

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Một quan điểm lạc quan đang dấy lên trong hàng ngũ Lãnh đạo đảng CSVN khi bước vào năm 2024, nhưng thực tế tiềm ẩn những khó khăn chưa lường trước được...
Nếu Donald Trump giành lại được Nhà Trắng vào tháng 11, năm nay có thể đánh dấu một bước ngoặt đối với quyền lực của Mỹ. Cuối cùng, nỗi sợ hãi về tình trạng suy tàn đã khiến cho người Mỹ bận tâm kể từ thời thuộc địa sẽ được biện minh. Hầu hết người Mỹ tin rằng, Hoa Kỳ trong tình trạng suy tàn, Donald Trump tuyên bố rằng ông có thể “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Nhưng tiền đề của Trump đơn giản là sai, và các biện pháp trị liệu được ông đề xuất đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ.
Đảng CSVN hay nói “Trí thức là “nguyên khí của quốc gia”, làm hưng thịnh đất nước, rạng rỡ dân tộc*; “Trí thức là vốn liếng quý báu của Dân tộc”; hay “Thanh niên là rường cột của nước nhà” , nhưng tại sao nhiều người vẫn ngại đứng vào hàng ngũ đảng? Lý do vì đảng chỉ muốn gom Trí thức và Thanh niên “vào chung một rọ để nắm tóc”...
Tây Bắc hay Tây Nguyên thì cũng chừng đó vấn đề thôi: đất đai, tôn giáo, chủng tộc… Cả ba đều bị nhũng nhiễu, lũng đoạn tới cùng, và bị áp chế dã man tàn bạo. Ở đâu giới quan chức cũng đều được dung dưỡng, bao che để tiếp tục lộng quyền (thay vì xét sử) nên bi kịch của Tây Nguyên (nói riêng) và Cao Nguyên (nói chung) e sẽ còn dài, nếu chế độ toàn trị hiện hành vẫn còn tồn tại...
Bữa rồi, nhà thơ Inra Sara tâm sự: “Non 30 năm sống đất Sài Gòn, tôi gặp vô số người được cho là thành công, thuộc nhiều ngành nghề, đủ lứa tuổi, thành phần. Lạ, nhìn sâu vào mắt họ, cứ ẩn hiện sự bất an, lo âu.” “Bất an” có lẽ không chỉ là tâm trạng của người Sài Gòn mà dường như là tâm cảm chung của toàn dân Việt – không phân biệt chủng tộc, giới tính hay giai cấp nào ráo trọi – nhất là những kẻ sắp từ giã cõi trần. Di Cảo của Chế Lan Viên và di bút (Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất) của Nguyễn Khải, theo nhận xét của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, chỉ là những tác phẩm “cốt để xếp hàng cả hai cửa. Cửa cũ, các ông chẳng bao giờ từ. Còn nếu tình hình khác đi, có sự đánh giá khác đi, các ông đã có sẵn cục gạch của mình ở bên cửa mới (bạn đọc có sống ở Hà Nội thời bao cấp hẳn nhớ tâm trạng mỗi lần đi xếp hàng và không sao quên được những cục gạch mà có lần nào đó mình đã sử dụng).”
Tập Cận Bình tin rằng lịch sử đang dịch chuyển theo hướng có lợi cho mình. Trong chuyến thăm Vladimir Putin tại Matxcơva vào tháng 3 năm ngoái, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói với Tổng thống Nga rằng “Ngay lúc này, chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi chưa từng thấy trong 100 năm qua, và chúng ta đang cùng nhau thúc đẩy sự thay đổi ấy.”
Sau 20 năm chiêu dụ Kiều bào về giúp nước không thành công, đảng CSVN lại tung ta Dự án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới” vào dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024. Đây là lần thứ tư, từ khi có Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26 tháng 3 năm 2004, một Quyết định nhằm mưu tìm đầu tư, hợp tác khoa học, kỹ thuật và tổ chức các Hội, Đoàn người Việt ở nước ngoài, đặt dưới quyền lãnh đạo của đảng CSVN được tung ra...
Khi số lượng di dân vượt biên bất hợp pháp qua biên giới Hoa Kỳ-Mexico tăng cao kỷ lục, câu hỏi quan trọng được đặt ra là: Làm thế nào mà Hoa Kỳ lại rơi vào tình trạng này, và Hoa Kỳ có thể học hỏi những gì từ cách các quốc gia khác ứng phó với các vấn đề an ninh biên giới và nhập cư. Chào đón công dân nước ngoài đến với đất nước của mình là một việc khá quan trọng để giúp cải thiện tăng trưởng kinh tế, tiến bộ khoa học, nguồn cung ứng lao động và đa dạng văn hóa. Nhưng những di dân vào và ở lại Hoa Kỳ mà không có thị thực hoặc giấy tờ hợp lệ có thể gây ra nhiều vấn đề – cho chính bản thân họ và cho cả chính quyền địa phương bởi tình trạng quá tải không thể kịp thời giải quyết các trường hợp xin tị nạn tại tòa án nhập cư, hoặc cung cấp nơi ở tạm thời và các nhu cầu cơ bản khác. Mà tình trạng này hiện đang xảy ra ở rất nhiều nơi ở Hoa Kỳ.
Trên vai những pho tượng trắng trong vườn Lục Xâm Bảo, lá vàng đã bắt đầu rơi lất phất. Mùa Thu Paris thật lãng mạn. Henry Kissinger đi dạo quanh một hồ nhỏ ở ngoại ô gần Rambouillet. Nơi đây từng cặp tình nhân đang nắm tay nhau bên những cành cây la đà bóng hồ. Ông thấy lòng mình nao nao (melancholic) vì sắp tới phiên họp quan trọng nhất với ông Lê Đức Thọ.
Tôi nghe nhiều người tỏ ý bi quan về hiện cảnh cũng như tương lai (đen tối) của Việt Nam. Dân tộc nào, số phận đó. Một đất nước có những người viết sử và làm luật (cỡ) như ông Dương Trung Quốc thì… đen là phải!
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.