Hôm nay,  

Tường Thuật Đai Hội Thế Giới Cựu Học Sinh Nguyễn Trãi Kỳ IV Ottawa, 5-6 tháng 10, 2018

26/10/201817:30:00(Xem: 3648)

Tường Thuật

Đai Hội Thế Giới Cựu Học Sinh Nguyễn Trãi Kỳ IV

Ottawa, 5-6 tháng 10, 2018

Thầy tôi dạy: "Các con phải nhớ rõ,

Nước chúng ta là một nước vinh quang

Bao anh hùng thuở trước của Giang San

Đã đổ máu vì lợi quyền dân tộc

Các con phải đêm ngày chăm chỉ học

Để sau này mong nối chí tiền nhân”.

(Đoàn Văn Cừ - Thầy dạy Sử)

 


Cách đây hai năm, trong Đại Hội Nguyễn Trãi kỳ III tại San Jose, California, tháng 6 năm 2016, hai cựu học sinh Nguyễn Trãi Nguyễn Duy Vinh (NT 58) và Lê Duy Cấn (NT 55) đã được các Thầy Cô và bạn học đề nghị tổ chức Đại Hội Thế Giới Cựu Học Sinh Nguyễn Trãi Kỳ IV (gọi tắt là ĐHNT IV) để quý Thầy, Cô và các bạn đồng môn có dịp viếng thăm miền "đất lạnh tình nồng" và thưởng ngoạn cảnh đẹp của mùa thu rực rỡ vùng Ottawa/Gatineau. Vàng thu chiếc lá sang mùa / Theo sầu vạn cổ cũng vừa rụng rơi / Nghiêng nghiêng nắng lụa trên đồi/Chiều qua chầm chậm bóng thời gian phai (Thơ Như Nhiên)

blank

 

Đầu năm 2018, Ban Tổ Chức ĐHNT IV gồm chín người (Canada: Hoàng Song An, Lê Duy Cấn, Nguyễn Duy Vinh, Trịnh Vũ Điệp; Hoa Kỳ: Mai Đông Thành, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Thảo Ly, Phạm Bách Phi, Tuệ Kiên Vũ Văn Sang) được giới thiệu trên “blog” Đại Hội Nguyễn Trãi <dhnt2018-ottawa-blogspot.com> và sau không biết bao nhiêu buổi họp, thư đi tin lại, Đại Hội Nguyễn Trãi Kỳ IV đã được tổ chức long trọng tại phòng hội lớn của Ottawa Conference and Event Centre, 200 đường Coventry, Ottawa, tối thứ Bẩy, 6 tháng 10, 2018.

Từ 5 giờ chiều hôm đó, tại bàn ghi danh, cạnh cửa vào, đã có 6 cựu nữ sinh NT trong đồng phục áo dài lụa Hà Đông - Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông (thơ Nguyên Sa) - tươi cười, niềm nở tặng cho mỗi vị khách tham dự mỗi người một túi vải trắng có in hình logo đại hội, do hoạ sĩ Nguyễn Thái Bình (NT 59) vẽ, trong đó có tờ Đặc San Nguyễn Trãi cũng do anh trình bầy hình bìa bên ngoài, bài vở bên trong và tâp 100 bài hát phổ thông (để các bạn hát trên đường du ngoạn). Tờ Đặc San NT năm nay, do anh Mai Đông Thành (NT 63) làm Trưởng Ban Biên Tập, tuy không dầy như những năm trước, nhưng đã quy tụ được nhiều cây viết, từ những Thầy, Cô là những nhà văn đã thành danh, như Phạm Huy Kỳ (bút hiệu Đoàn Dự), Bùi Bích Hà, Tạ Quang Khôi (cựu Hiệu Trưởng), Nguyễn Ngọc Hạnh, Phạm Đức Liên (bút hiệu Mây Tần, đã có trên 10 bài thơ phổ nhạc), v..v... và từ các cựu học sinh, có người học từ thời trường Đỗ Hữu Vị, thành lập năm 1923 tới 1945 đổi tên thành Trung Học Nguyễn Trãi, như Bs Từ Uyên (NT 43-51), có người là học sinh NT Hà Nội (50-54), hay Nguyễn Trãi Saigon (54-75) và Nguyễn Trãi thời Cả Nước Xuống Hố (CNXH) sau 1975. Thôi thì đủ mặt anh tài, đủ các bộ môn: thơ, nhạc, khoa học, nghiên "kíu", văn suôi, văn ngược, tựa như một cảnh vườn, trăm hoa đua nở. Cụ Tổ Trường (Trường dấu huyền, không phải dấu hỏi) Nguyễn Trãi vốn là một danh nhân lịch sử (được UNESCO vinh danh) nên các môn đệ của cụ được coi là các danh sư và ... danh sĩ, là điều không khó hiểu!

Sau phần nghi lễ khai mạc, Đại diện BTC, anh Lê Duy Cấn chào mừng các Thầy, Cô, quan khách và các bạn đồng môn và trình bầy vằn tắt mục đích của Đại Hội. Anh nói:  

"Khi nhận lời tổ chức Đại Hội này, chúng tôi biết trước là với số nhân lực và tài lực hết sức khiêm tốn, chúng tôi không thể tổ chức một Đại Hội quy mô, phong phú như các kỳ Đại Hội được tổ chức tại Hoa Kỳ trước đây. Tuy nhiên, với sự khuyến khích cũng như sự hướng dẫn của các Thầy, Cô  và của các anh chị em đã từng tổ chức các Đại Hội trước đây, như các anh chị Mai Đông Thành, Phạm Bách Phi, Nguyễn Thảo Ly, Nguyễn Bạch Tuyết, Nguyễn Thái Bình, Tuệ Kiên, Nguyễn Thạch Bình, ... chúng tôi đã cố gắng hết sức để tổ chức Đại Hội Cựu Học Sinh Nguyễn Trãi Thế Giới đầu tiên tại Ottawa với một mục đích duy nhất là để giới thiệu với quý Thầy, Cô và các bạn đồng môn xứ Canada và các thành quả của cộng đồng người Việt tại đây.

Thay mặt BTC, tôi xin cám ơn các anh chị trên đây cũng như quý mạnh thường quân và các thiện nguyện viên đã đóng góp rất nhiều công sức cũng như tài chánh vào việc tổ chức Đại Hội…

Một số quý Thầy, Cô đã có dịp thăm Québec City, Montréal mấy hôm trước, và Ottawa hôm nay. Tôi hy vọng quý Thầy Cô và các đồng môn còn sẽ có dịp đi thăm cộng đồng người Việt tại các nơi khác.

Đặc San Nguyễn Trãi IV mà quý Thầy, Cô và các bạn đã nhận được, có trình bầy sơ qua về các thành quả của cộng đồng người Việt tại Ottawa. Tôi chỉ xin nói thêm một chút về Dự Án Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân, một dự án quan trọng trong cộng đồng Người Việt tại Canada mà chúng tôi đang cố gắng thực hiện trong thời gian qua...

Tôi hy vọng quý Thầy, Cô và các bạn đồng môn sẽ tiếp tay với chúng tôi bằng cách hỗ trợ và quảng bá rộng rãi dự án này để chúng ta có thể hoàn tất trong một ngày gần đây.

Dĩ nhiên Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân sẽ là một cái gai trong mắt của những người muốn che giấu sự thật về cuộc di cư tìm tự do của hàng triệu người Việt sau biến cố năm 1975. Họ đang và tìm cách đánh phá như họ đã làm với Tượng Đài Thuyền Nhân tại Ottawa trước đây. Chính vì thế mà chúng ta phải đồng tâm, đồng sức để nhất quyết thực hiện dự án này.

Thật là một niểm vui to lớn nếu trong tương lai khi các Thầy, Cô và các đồng môn có dịp trở lại Ottawa, anh em Nguyễn Trãi chúng tôi tại đây được hướng dẫn quý vị đi thăm Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân. Và cũng thật là một điều may mắn khi trong một buổi họp mặt thầy trò trường cũ với những mái tóc điểm sương bên những mái tóc bạc phơ, mà chúng ta vẫn còn hăng hái cùng nhau bàn tính việc tương lai như thế này.

Trong việc tổ chức chắc chắn có những khiếm khuyết hoặc sơ sót ngoài ý muốn, chúng tôi xin quý Thầy Cô, quý quan khách và quý đồng môn niệm tình bỏ qua cho. Xin kính chúc quý Thầy, Cô, quý vị quan khách, các đồng môn và toàn thể quý vị một buổi họp mặt thật vui, đầy tình Nguyễn Trãi, và nhất là xin chúc nhau giữ được dài lâu cái phúc đức mà chúng ta đang có hôm nay, tức là sức khoẻ và tinh thần hăng hái, trẻ trung.

blank
 

Một ngày Nguyễn Trãi, mãi mãi anh em".

 

Diễn văn chào mừng Đại Hội vừa chấm dứt, bản Hiệu Đoàn Nguyễn Trãi Hành Khúc của Phạm Ngọc Cung (NT 55) dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Phạm Bách Phi (NT 57) đã trổi lên "Anh em ta là học sinh Hiệu Đoàn Nguyễn Trãi. Ta luôn gắng công học hành để gây tiếng thơm. Mong sao nước Việt ngày mai trên con đường sáng ... Nguyễn Trãi một ngày mãi mãi ta là anh em". Tiếng vỗ tay như pháo nổ đã mở đầu cho buổi trình diễn văn nghệ "cây nhà lá vườn" vui tươi, sống động và vô cùng nghệ thuật. Nếu âm nhạc là  một hình thức nghệ thuật không thể thiếu trong cuộc sống; làm vơi đi những hờn giận vu vơ; đưa người về dĩ vãng; giúp tìm lại tuổi thơ yêu dấu; nghe lòng bồi hồi, sao xuyến với tình yêu quê mẹ và nắng ấm quê cha; khơi dậy lòng tự hào dân tộc .., như nhận xét của Hoàng Minh Phúc (Văn Hóa Phật Giáo 1-9-2012) thì chương trình văn nghệ đêm 6/10 đã, phần nào, thể hiện rõ nét "Vai trò của âm nhạc trong cuộc sống". Khởi đi từ Hội Nghị Diên Hồng, tiếng thét "Quyết chiến! Quyết chiến!" của các vị bô lão khi được hỏi "Phải làm gì trước nhục nước bị giặc Tầu xâm lấn?", và tiếng hô quyết liệt "Hy sinh! Hy sinh! Thề liều thân cho sông núi, muôn năm lừng uy", để xứng đáng "Giống anh hùng trên sông núi Việt Nam / Bên những trang lịch sử bốn ngàn năm / Đầy chiến thắng vinh quang và hạnh phúc".

 

Tiếp theo là những bản hùng ca:  Sáng rừng, Hận Sông Gianh, Ải Chi Lăng, Bên bờ đại dương, Việt Nam quê hương ngạo nghễ, Trả lại cho dân, Anh về Thủ Đô, v..v... và những bản nhạc ca tụng quê hương, trường xưa, bạn cũ, tình thầy trò: Trường làng tôi, Nhớ ơn Thầy Cô, Về dưới mái nhà. Riêng bản nhạc Kỷ Niệm Nguyễn Trãi do chính cô Phương Mai, Giáo sư NT, sáng tác và trình diễn, đã gây ngạc nhiên không ít cho cử toạ. Bài Làng tôi mà không một học sinh NT nào không thuộc, do cô Thúy Loan (NT 72), ái nữ của Thầy Chung Quân, độc tấu đàn tranh với sự phụ hoạ của Duy Vinh và Bách Phi đã khiến đám học trò cũ của Thầy rơi nước mắt. Phu quân của chị Thúy Loan là anh Đa, đã có dịp trổ tài quay video và chụp hình suốt thời gian Đại Hội. Cô Thúy Liễu (NT 73), em của Thúy Loan, trình chiếu một video clip rất công phu, có chủ đề Thầy kính yêu, nhạc “background” là bản nhạc Thầy kính yêu do chính cô sáng tác và do ca sĩ Diệu Hiền trình bày, được cả hội trường tán thưởng bằng những tràng pháo tay kéo dài, rất lâu. Tiếp theo là Mùa thu xa em (Minh Trang) và Niệm khúc cuối (Phạm Bách Phi) của Ngô Thụy Miên, cựu học sinh Nguyễn Trãi sáng tác. Cô Dương Thủy Tiên, Giáo sư Nguyễn Trãi, dù tuổi đã ngoài bát tuần vẫn đóng góp tiếng hát cao vút, mặn mà, trong nhạc phẩm trữ tình Trả lại em yêu. Kế tiếp là các bài Giọt mưa thu (Lệ Oanh), Dấu tình sầu (Ngọc Nhung), Giọt mưa trên (tam ca Bách Phi, Hồng Nhung và Duy Vinh), Hận Sông Gianh (Bách Phi). Riêng bản Mùa xuân và tình yêu do anh Nguyễn Tuấn (NT 55) sáng tác được chính em anh - ca sĩ Huy Điền (NT 70) - trình bầy, với tiếng đàn “keyboard” thánh thót của cô Huyền Khanh, được khán thính giả tối đó nhiệt liệt tán thưởng.
 

Đặc biệt là hai bài thơ Đất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh của cô giáo Trần Thị Lam (Hà Tĩnh) và Trả ta sông núi của Vũ Hoàng Chương, qua giọng ngâm truyền cảm của Thảo Ly (NT 74), thêm tiếng đàn tranh tiếng và sáo phụ hoạ, đã làm cả hội trường nín thở, lặng im, bồi hồi, xúc động. Những rung cảm nhẹ nhàng, mong manh mà thấm thía, thật khó diễn tả nên lời. Đúng như nhận xét của anh Phan Văn Nhơn, một thân hữu NT đến từ Paris "Tôi thấy các anh chị trình diễn trong đêm văn nghệ tối nay đã diễn xuất một cách say mê và thành thật, đã đem lại cho tôi rất nhiều hạnh phúc". Không chỉ riêng anh Nhơn, có lẽ còn nhiều người khác cũng nghĩ như anh. 

Có lẽ màn trình diễn gây ấn tượng mạnh nhất trong đêm văn nghệ Đại Hội là màn Thời trang áo dài do 12 cô nương yu điu thục n, có cô là cựu học sinh, có cô là dâu Nguyễn Trãi. Màn này do cô Nguyễn Bạch Tuyết (NT 81) thực hiện với sự trợ giúp kỹ thuật trình diễn của cô Ngọc Nhung. Những nữ sinh của một thời Nguyễn Trãi huy hoàng, trong những bộ áo dài lộng lẫy, làm say đắm lòng người, bước đi uyển chuyển theo tiếng nhạc, như những cánh bướm mùa xuân, thướt tha, gợi cảm. Em trong tà áo dài / Mong manh bay trong gió / Như mùa xuân rực rỡ / Như mùa hạ cháy nồng / Như mùa thu sâu thẳm / Cùng là đông lạnh trầm / Em bốn mùa sống động / Xao xuyến mãi hồn anh (thơ Đức Hoàng).
 

Nói cho ngay, hầu như mọi người tham dự không chỉ vui trong ngày hội chính (6/10) mà trước đó một ngày, trong đêm văn nghệ họp mặt Tiền Đại Hội, tối thứ Sáu (5/10), tại phòng dạ tiệc Chandelier của khách sạn Sala San Marco (215 đường Preston) cũng đã "vui là vui quá rồi". Ngoài buổi dạ tiệc theo kiểu “buffet”, các tham dự viên ăn mặc thoải mái, thích ngồi bàn nào thì ngồi, muốn nói chuyện trên trời dưới đất chẳng ai ngăn, và đặc biệt là chương trình văn nghệ tự biên, tự diễn, tự thưởng thức. Ai muốn kể chuyện, ca hát, ngâm thơ... chỉ cần ghi lên miếng giấy, rồi đưa cho người hướng dẫn chương trình là được mời lên sân khấu theo thứ tự nộp trước hát trước, nộp sau hát sau. Ai cũng có phần. Không ai bị bỏ sót. Có thể nói đây là đêm văn nghệ đại chúng, văn nghệ tạp lục hay gọi là "văn nghệ mosaic" cũng không sai. Màn trình chiếu đặc biệt (slide show) về Thư Pháp của Hoàng Song An (NT 58) với chủ đề Quê hương trong tâm tưởng đã gây hứng thú cho người thưởng ngoạn, cả già lẫn trẻ. Ngoài các đại tự, thường là tên hoặc trích đoạn từ những bài thơ hay bài hát, như Trường làng tôi, Mùa thu chết, Áo lụa Hà Đông, v..v..; đặc biệt là mỗi bức thư pháp đều có ghép thêm hình, để tô điểm và diễn tả thêm chiều sâu của thư pháp, thể hiện cụ thể tinh thần "thi trung hữu hoạ". Đặc biệt hơn nữa là khi chiếu "slide" đến đâu anh lại cất gịong hát một đoạn của bài hát có chủ đề đó. Hát nhẹ nhàng, hát tự nhiên và hát như chơi, kiểu lãng tử "vagabond", coi đời như gió thoảng mây trôi.

Qua phần 2 của chương trình Tiền Đại Hội là màn nhạc "tour" dành cho buổi dạ vũ, do Ban Văn nghệ Ottawa với Tuấn Hoà (guitar), Nghiêm (keyboard) và các ca sĩ tài tử: Kiều Ly, Hồng Nhung, Vũ Đúng, Tuấn Hoà và Duy Vinh. Đêm đã khuya. Màn nhung đã hạ. Cuộc vui nào rồi cũng có lúc chấm dứt. Mọi người ra về trong luyến tiếc.
 

Nhưng chưa hết! Ngoài hai đêm Đại Hội, BTC còn mời các Thầy, Cô và các bạn NT đi coi Niagara Falls và thăm viếng  những thắng cảnh trong vùng Thủ Đô, thăm Tượng Đài Thuyền Nhân (Tượng Mẹ bồng con) và Công Trường Sài Sòn (Saigon Square), thăm khu "Âu Thuyền" (Locks of Rideau Canal),  Dinh Toàn Quyền Rideau Hall, và Pink Lake, Champlain Lookout, MacKenzie King Estate trong khu Gatineau National Park, thưởng ngoạn cảnh "con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô". Ôi! mùa thu Canada / lá phong vàng rực rỡ / Tim ta như tan vỡ / Khi tạm biệt nơi này. Mùa thu Canada, mùa thu quyến rũ, một lần đến thăm mãi mãi khó quên. Chúng ta hãy nghe thi sĩ Mây Tần viết về Ottawa chưa xa đã nhớ:
 

         Dạt Dào "Tình Nguyễn Trãi"


1. Ottawa (Ot-Ta-Oa) ơi - sao mà đẹp thế,
    Thật mặn mà, đầm ấm - đến đê mê,
    Đại Hội Nguyễn Trãi - hai mươi mười tám,
    Bịn rịn chia tay - quên cả đường về !!!


2. Ottawa ơi - sao dễ thương thế,
    Hẹn gặp lại nhau -Texas (Tech-dat) hương quê,
    Hai mươi hai mươi - cùng nhau ta hát,

   Tình Anh Em Nguyễn Trãi - mãi lê thê,

 


3. Ottawa ơi - sao dễ yêu thế,
    Nguyễn Trãi  / Lam Sơn - toả sáng bốn bề,
    Hai mươi hai mươi - xin đừng quên nhé,
    Houston (Hiu-tan), Texas (Tech-dat) nhất định ta về.


   Toronto, 9g30 tối, 10/10/2018
   Mây Tần Phạm Đức Liên

Ban Tổ Chức Đại Hội xin tri ân quý Thầy, Cô các bạn đồng môn và các thân hữu NT đả đóng góp, cách này hay cách khác, cho sự thành công của Đại Hội Thế Giới Cựu Học Sinh Nguyễn Trãi Kỳ IV. Xin chào tạm biệt tất cả và hẹn ngày tái ngộ. 

LÃO HỦ & BAN T CHC

ĐẠI HỘI THẾ GIỚI CỰU HỌC SINH NGUYN TRÃI  KỲ IV

Ottawa, 22-10-2018

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Suốt buổi sáng Thứ Sáu mùng bảy, truyền thông Hoa Kỳ tập trung phân tách một đề tài nóng nhất, là cuốn băng hình do al-Qaeda phổ biến
Xưa, Trần Quốc Toản, một thiếu niên đời Trần, đã bóp nát trái cam lúc nào không biết vì căm phẫn trước tình trạng đất nước bị giặc Nguyên xâm lăng
Đó là ý chí quật khởi, không xu hướng mà phải “chủ hướng.” Tức không buông xuôi theo dòng thời gian mà phải nắm bắt và chủ trì thời gian
Phần chính bài này đã được trình bày trong cuộc phỏng vấn của nhà báo Việt Hùng, đài RFA, với tác giả&nbsp; và đã được phát thanh sáng 6.9 giờ VN.
Nhìn lại chuyện đúng sai của quá khứ để rút tỉa bài học cho tương lai là quá trình bình thường. Tiếc thay, con đường kiến tạo tương lai
Thế nào là những “người bạn dân”, có phải gắn lên mình hai chữ nhân dân thì là bạn dân" Thế nào là nhà nước của dân, do dân và vì dân
Hoa Thịnh Đốn.- “Rối rắm, lung tung beng” là những chữ rất chính xác để mô tả về nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, sau 20 năm&nbsp; đổi mới.
Hồ Chí Minh từng viết báo và tham gia sáng lập nhiều tờ báo cách mạng ở Pháp. Các bài viết của ông chủ yếu là các bài chính luận nảy lửa
Sở trường của người cộng sản xưa nay vẫn là "chia để trị", một chính sách hết sức nham hiểm. Mục đích" Thứ nhứt là phân loại thành phần
Qua thông tin hằng ngày trên báo chí, truyền thanh, truyền hình chúng ta có cảm tưởng đảng Dân chủ muốn quân đội Hoa Kỳ rút lui
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.