Hôm nay,  

Cuộc Hành Trình Tìm Sự Sống Trong Vũ Trụ

14/10/201808:19:00(Xem: 5155)

  

Cuộc Hành Trình Tìm Sự Sống Trong Vũ Trụ
 
Cấp Văn Nguyễn

 

(Lời giới thiệu: Tác giả Cấp Văn Nguyễn hiện còn hoạt động trong lănh vực không gian và vũ trụ  tại Hoa Kỳ. Lúc rảnh rỗi ông dành thời gian giúp đỡ các học sinh và sinh viên đang gặp khó khăn. Hiện có sở thích trong lănh vực nhiếp ảnh, hội hoạ và du lịch. Sau đây là bài mới của ông về một đề tài nhiều người quan tâm.)

.

Từ lúc còn bé ta vẫn tưởng tượng và tin rằng trên mặt trăng có sự sống, điển hình qua câu truyện Hằng Nga, Hậu Nghệ hoặc truyền thuyết thằng Cuội ngồi gốc cây đa mà chúng ta thường nghêu ngao hát:

Thằng Cuội ngồi gốc cây đa   
Thả trâu ăn lúa gọi cha ời ời

Rồi lớn lên chút nữa trong thời niên thiếu, buổi tối đôi khi nhìn lên trời thấy muôn vàn sao lấp lánh tôi thường tự hỏi: ngoài vũ trụ bao la kia có nơi nào sinh vật có thể sống và hiện hữu như trên trái đất thân yêu của chúng ta chăng? Các nhà khoa học đang nỗ lực tìm kiếm sự sống trong vũ trụ. Cho đến nay, dù chưa tìm thấy dấu hiệu chắc chắn nào xác định sự hiện hữu của sự sống ngoài trái đất, nhưng chúng ta càng ngày càng tiến gần hơn trong tiến trình khám phá ra sự sống ở những hành tinh khác trong hệ thống mặt trời của chúng ta. Thí dụ như Hỏa tinh, hoặc một số mặt trăng của Mộc và Thổ tinh được coi có những chỉ dấu là có môi trường thuận lợi cho sự sống của các vi khuẩn.

blank

 
Những câu hỏi căn bản về sự sống trên trái đất và sự tương quan của điều kiện sống của chúng ta và trong vũ trụ. Đây là một câu hỏi đã và đang làm nhức đầu các khoa học gia, và chúng chỉ có thể được trả lời bằng các cuộc điều tra khoa học. Để xác định dấu hiệu của sự sống ngoài sự cần thiết của không khí, nước, nhiệt độ, áp xuất hoặc độ bức xạ; chúng ta cần tìm ra các phân tử hữu cơ, các axit amin hoặc thậm chí các màng lipid thô giống như cái vỏ của các tế bào sống. Chúng ta hãy cùng nhau ôn lại quá trình tìm sự sống trong vũ trụ và các bước tiếp theo trong tương lai.

Anh hàng xóm gần nhất của chúng ta, mặt trăng đã thu hút con người từ hàng ngàn năm trước, được tôn thờ như một vị thần trong quá khứ. Nhiều thế hệ đã tự hỏi liệu cuộc sống ngoài vũ trụ có thể đang chờ chúng ta ở ngay trước cửa nhà của ta chẳng? Chương trình Apollo thám hiểm mặt trăng cho biết mặt trăng không có không khí, nhiệt độ và điều kiện sống rất khắc nghiệt, và mặt trăng không có nước để duy trì sự sống. Một thời gian khá dài chúng ta đã kết luận: Sự sống như chúng ta được biết không thể hiện hữu ở điều kiện khắc nghiệt trên mặt trăng. Gần đây chúng ta khám phá ra mặt trăng có nước và rất nhiều nước cơ các bạn ạ. Dữ liệu quang phổ từ hình ảnh và tín hiệu  hồng ngoại trên phi thuyền Cassini trong quá trình bay qua mặt trăng vào năm 1999 cho thấy có sự hấp thụ cao ở tần số 3 micromet đó là dấu hiệu nước hiện hữu và gần 2,8 micromet cho hydroxyl ở bề mặt của mặt trăng phía được chiếu sáng. Đất đá trên mặt trăng là một chất cách nhiệt tốt. Ở độ sâu chỉ 0,5 mét, nhiệt độ rất ổn định ở -21 ° C, chỉ du di với 1 ° C trong mỗi ngày. Nếu sâu hơn ~50 mét thì chúng ta có một nhiệt đó lý tưởng khoảng zero độ C. Tại sao Zero độ C lại quan trọng đến thế vì ở nhiệt độ này, nhiều cơ hội trên mặt trăng sẽ có nguồn nước ngầm ở thể lỏng. Đây là một yiếu tố quan trọng để duy trì sự sống. Có sự sống Trên mặt Trăng không? Chúng ta chưa xác định được nhưng có thể vì các điều kiện sống tương đối có thể chấp nhận được. Tất nhiên sự sống không phải trên bề mặt của Trăng, mà có thể nó nằm sâu dưới đất vì dưới đó có điều kiện thích hợp cho sự sống phát triển và tồn tại. Mặt Trăng có thể là nơi tốt cho việc nghiên cứu sinh vật học trong vũ trụ do đó NASA dự tính sẽ trở lại mặt trăng trước khi thám hiểm Hoả tinh.

blank


Khi chúng ta tưởng tượng và dự đoán các địa điểm mà cuộc sống ngoài trái đất có thể tiềm ẩn, ít nơi gây cảm hứng cho trí tưởng tượng của chúng ta như anh hành tinh hàng xóm gần nhất của chúng ta đó là anh Hoả tinh (Mars). Trong nhiều thế kỷ, con người đã quan sát sao Hoả bằng viễn vọng kính và gần đây NASA đã gửi những chú robot lên thám hiểm sao Hoả.  Mời quý vị thưởng thức một bức hình trừu tượng về giấc mơ thám hiểm Hỏa tinh trong tương lai.

 blank

 
Theo bạn nghĩ và tưởng tượng sự sống trên Hỏa tinh như thế nào? Khi tìm kiếm sự sống, hầu hết các nhà thực vật học vũ trụ đồng ý rằng nước là chìa khóa chính. Hầu hết các mô hình sự sống trên mặt đất đều đòi hỏi nước.  Điều này tạo ra một vấn đề rất khó khăn cho Hỏa tinh. Hành tinh này rất khô cằn, với phần lớn nước của nó chỉ còn tồn tại trong các mũ băng cực. Bầu khí quyển mỏng của hành tinh hoả rất mỏng không cản được bức xạ từ mặt trời làm điều kiện sống càng khó khăn hơn. Gần đây vào năm 2000,  những hình ảnh từ Surveyor Mars Global của NASA phát hiện ra những tàn tích của những con sông có vẻ như đã hình thành từ dòng nước chảy. Trong bốn tỷ năm qua, trái đất đã nhận được một số thiên thạch đến từ Hỏa tinh. Một thiên thạch tìm thấy ở Nam Cực đã trở thành đề tài sôi nổi vào năm 1996 khi các nhà khoa học tuyên bố rằng nó có thể chứa dấu vết của sự sống trên Hỏa tinh. Các cuộc kiểm tra tiếp theo đã cho thấy trong thiên thạch này chứa đựng chất liệu hữu cơ, mặc dù cuộc tranh luận vẫn kéo dài vì nhiều ý phản biện cho rằng thiên thạch từ Hỏa tinh đã bị ô nhiễm và ảnh hưởng của sự sống trên trái đất, các hoài nghi không được giải quyết cho mãi đến năm 2012, khi các khoa học gia xác định rằng những chất liệu hữu cơ quan trọng chứa đựng trong thiên thạch này đã được hình thành trên Hỏa tinh. Giờ đây chúng biết Hỏa tinh có chất hữu cơ, và trên trái đất, hóa học hữu cơ dẫn đến sự sống, vậy chất hữu cơ hiện hữu trên Hỏa tinh có tạo ra sự sống không?  Các nhà khoa học cũng tìm thấy các cấu trúc giống như các vi khuẩn nano hoá thạch trên thiên thạch Nakhla, đã hạ cánh ở Ai Cập. Curiosity Rover, là một trong những cuộc thám hiểm bằng robot có nhiều tham vọng nhất của NASA. Nhiệm vụ chính của chuyến bay này là tìm hiểu xem Hỏa tinh có điều kiện phù hợp với sự sống hay không. Nó sử dụng phòng thí nghiệm khoa học Hỏa tinh mang theo của Curiosity Rover . Một mục tiêu khác là tìm hiểu thêm về môi trường của hành tinh đỏ. Nhiều khảo sát bằng rovers, orbiters, và landers cho ta biết với bằng chứng khá tin tưởng được là sao Hoả có nước ngầm và suối nước nóng. Nguồn nước ngầm được coi là một môi trường có tiềm năng tuyệt vời cho sự sống phát triển. Những cuộc thăm do Hỏa tinh cho biết có lẽ không phải lúc nào nó cũng là một vùng đất chết. Các nhà khoa học nghĩ rằng, trong quá khứ, nước có thể đã chảy như sông, suối và các đại dương trong quá khứ đã bao phủ phần lớn hành tinh này. Theo thời gian, nước đã bị mất vào không gian, nhưng điều kiện ban đầu trên hành tinh ẩm ướt có thể đã tạo điều kiện cho sự sống phát triển. Những cuộc thám hiểm tương lai tới Hỏa tinh có thể bao gồm các khoản thu hồi mẫu đất từ Hỏa tinh để nghiên cứu. Nhiều thí nghiệm khác tỉ mỉ có thể được thực hiện bởi chuyên viên với dụng cụ tân tiến trên trái đất hơn là được thực hiện bởi phòng thí nghiệm nhỏ bé của một robot từ xa. Làm như thế ta sẽ loại được các yếu tố ô nhiễm của thiên thạch đã bay đến và nằm trên trái đất hàng triệu năm.

Đi xa hơn một chút, những mặt trăng của Mộc tinh (Jupiter) cũng có nhiều hứa hẹn. Trong vài thế kỷ qua, mọi người đều tin rằng Hỏa tinh là một hành tinh có khả năng nhất trong hệ mặt trời của chúng ta để hỗ trợ cuộc sống ngoài trái đất. Gần đây với nhiều dữ kiện mới, khoa học gia đang tập trung vào sao Mộc và vệ tinh (trăng) Europa, mặt trăng lớn thứ tư trong số 67 mặt trăng của sao Mộc. Nhiều khoa học gia cho rằng Europa có thể là một vệ tinh có nhiều hứa hẹn dễ dàng hơn cho việc tìm kiếm sự sống hơn  Hỏa tinh. Tại sao? Với kiến thức hiện tại, môi trường có thể tạo điều kiện để đang có sự sống hiện hữu đòi hỏi ba yêu cầu cơ bản là: 1) nước lỏng; 2) các chất hóa học căn bản; và, 3) Một nguồn năng lượng để duy trì sự sống. Europa được cho là có cả ba yếu tố trên.
blank

 
Từ trường trên trái đất, sao Mộc, và sao Thổ được tạo ra bởi các máy phát điện sâu bên trong lòng các hành tinh, nơi nham thạch ở thế lỏng chạy dưới áp suất lớn tạo ra dòng điện, nó giúp tạo ra một từ trường mở rộng ra ngoài bầu khí quyển của các hành tinh. Từ trường nầy tạo ra một bong bóng có từ tính che chắn bức xạ từ mặt trời và vũ trụ tạo điều kiện và bảo vệ cho sự sống phát triển. Bề mặt của Europa rất lạnh và phủ băng; Lớp băng này tạo thành "lớp vỏ bọc" được cho là dày vài kilômét. Dưới lớp vỏ, người ta cho rằng có một đại dương nước sâu tới 100 km. Các nhà điều tra tin rằng đại dương nầy có nhiều chất sắt hòa tan, đặc biệt là magnesium, natri, kali và clo. Các sinh vật trên trái đất sống trong môi trường giàu chất sắt rất tốt. Do đó Europa có thế là một môi trường tốt để sự sống phát triển thuận lợi.  Các khảo sát của tàu vũ trụ xác định rằng Europa bị bắn phá bởi bức xạ mạnh từ sao Mộc có thể tạo ra oxy tự do (O2), hydrogen peroxide (H2O2), carbon dioxide (CO2) và sulfur dioxide (SO2).  Nếu các hợp chất hóa học này hiện hữu dưới lòng đại dương, chúng có thể là những chất dinh dưỡng có giá trị để khởi đầu và duy trì sự sống. Nước dưới đại dương có thể tác dụng với khoáng chất nóng dưới đáy biển (under water thermal geyser) để tạo ra các dưỡng chất khác để hỗ trợ sự sống. Vị trí của Europa trong không gian nằm trong vòng hút rất mạnh của sao Mộc. Lực hấp dẫn mạnh mẽ này tạo ra hiện tượng Europa bị khóa vào một quỹ đạo với một bán cầu liên tục đối mặt với Mộc tinh. Các quỹ đạo hình elip của Europa quay quanh sao Mộc lúc gần lúc xa với Mộc tinh. Sự gia tăng xen kẽ giảm lực hấp dẫn này làm Europa bị kéo dài hoặc co lại, tạo ra sự ma sát do đó sinh ra năng lượng nhiệt rất lớn cho nên bên trong Europa rất nóng, nhiệt độ tăng cao. Nguồn nhiệt lượng nầy của Europa có thể là nguồn năng lượng giúp giữ cho đại dương dưới đáy biển không đóng băng và duy trì sự sống trong đại dương ngầm nầy. Europa có thể có lỗ thông hơi nước nóng (thermal vent) dưới đáy của đại dương, nó cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng cho các sinh vật. Trái đất chúng ta cũng có các sinh vật sống dưới đáy đại dương không cần ánh sáng mà cuộc sống chúng vẫn được duy trì trong những vùng nước giàu chất sắt nóng bỏng của các lỗ thông hơi thủy nhiệt. Sự sống ở đáy đại dương của Europa cũng có thể được hỗ trợ bằng những cách sống tương tự. Điều này làm cho Europa trở thành một mục tiêu rất thú vị trong việc tìm kiếm cuộc sống ngoài trái đất. Một số nhà nghiên cứu tin rằng Europa là một mục tiêu tốt hơn sao Hoả.

Gần đây ta đọc nhiều tin tức mới mẻ từ phi thuyền Cassini thám hiểm Thổ tinh (Saturn). Trước Cassini, chúng ta chỉ có một cái nhìn hạn hẹp về Thổ tinh. Những dữ kiện ta có từ Mộc tinh đã được thu thập từ những chuyến bay phớt qua của Pioneer 11 và Voyagers 1 và 2 mấy thập kỷ trước. hình ảnh, đo đạc và khảo sát rất giới hạn. Những những cuộc gặp gỡ nhanh chóng này đã không cho đủ dữ kiện để khoa học gia nghiên cúu Mộc tinh kỹ càng hơn. Cassini đã thay đổi tất cả điều đó. Nó đã trở thành phi thuyền đầu tiên đi vòng quanh sao Thổ.  Nó đã bắt đầu khảo sát Thổ tinh, hệ thống các vành (rings) và những vệ tinh quay quanh Thổ tinh từ năm 2004. Phi thuyền Cassini đã mang lại những hiểu biết mới hơn và rõ ràng hơn; những phát hiện khoa học của Cassini đã thay đổi quá trình thăm dò hành tinh trong tương lai. Một trong những những phát hiện khoa học đáng ngạc nhiên nhất khi Cassini khảo sát các mặt trăng sáng chói của Sao Thổ. Những quan sát, hình ảnh và dữ kiện của Cassini về mặt trăng lớn nhất của sao Thổ, Titan, đã cho các nhà khoa học một cái nhìn sâu hơn về sự hình thành của Trái Đất. Giờ đây, họ tin rằng Titan có nhiều điểm tương đồng với Trái đất, bao gồm hồ, sông, kênh, cồn cát, mưa, mây, núi và có thể là núi lửa. Những khám phá trong thái dương hệ chúng ta liên quan đến sự sống thật là thú vị phải không quý vị? Hãy khoan câu truyện chưa chấm dứt!

Hành trình tìm sự sống trong vũ trụ không chỉ giới hạn trong thái dương hệ mà chúng ta hãy đi xa hơn và tìm hiểu thêm về các hành tinh ngoại (exoplanet)  xa hơn nữa, chúng quay quanh các ngôi sao trong giải ngân hà hay những thiên hà xa hơn nữa. Chỉ hơn mười năm trước chúng ta không nắm chắc có sự hiện hữu của những hành tinh ngoại (exoplanets) ở ngoài Thái Dương Hệ. Tại sao tìm kiếm hành tinh ngoại khó khăn thế? Lý do: nguồn ánh sáng của hành tinh ngoại cực kỳ mờ và tối tăm so với ngôi sao mẹ của nó và tự nó thường không phát ra ánh sáng mà chỉ nhờ vào ánh sáng phản chiếu từ sao mẹ . Ví dụ, một ngôi sao giống như mặt Trời phát ra ánh sáng khoảng một tỷ lần lớn hơn ánh sáng phản phản chiếu từ Hỏa tinh hay bất kỳ hành tinh nào trong thái dương hệ. Những hành tinh ngoại này lại xa chúng ta tới vài ngàn năm ánh sáng thì chúng lại càng mờ nhạt và khó thấy hơn. Ngoài những khó khăn liên quan đến việc phát hiện một hành tinh ngoại với nguồn ánh sáng mờ nhạt, ánh sáng chói lọi (glare) từ ngôi sao mẹ gần chúng làm xoá sạch những ánh sáng mờ nhạt phản chiếu từ hành tinh ngoại. Vì những lý đó này, rất ít các hành tinh được quan sát trực tiếp ngoại trừ các hành tinh gần chúng ta trong Thái Dương Hệ. Thay vào đó, các nhà thiên văn thường phải sử dụng các phương pháp gián tiếp để phát hiện các hành tinh ngoại. Đến năm 2016, một số phương pháp gián tiếp khác đã mang lại thành công. Kính viễn vọng Không gian James Webb và Kepler đã thay đổi đáng kể những gì chúng ta biết về các hành tinh ngoại, chúng đã tìm thấy dấu hiệu của hơn 5.000 hành tinh ngoại, trong đó hơn 1700 hành tinh ngoai đã được xác nhận. Chúng ta hãy tìm hiểu lướt qua một số những kỹ thuật gián tiếp được dùng thành công để xác định sự hiện hữu và những dự kiện liên quan đến những hành tinh ngoai.

Phương pháp vận tốc xuyên tâm (Radial Velocity): Chúng ta hay xem đua xe hơi, ta ngồi một chỗ và ta nghe tiếng xe đua chạy với vận tốc V, tiếng xe đua ta nghe: ví.. i.. vù …khi xe chạy gần đến ta phổ âm bị nén lại (âm và tần số cao) và khi xe đi xa ta phổ âm bị giãn ra (âm và tần số thấp hơn) ta gọi đây là hiện tượng Doppler. Bây giờ ta hãy tưởng tượng ta muốn tìm một hành tinh quay quanh một ngôi sao chủ của nó dùng viễn vọng kính Hubble. Hấp lực của một hành tinh ngoại tác lực vào ngôi sao sẽ làm ngôi sao chủ đi chuyển trong quỹ đạo nhỏ của riêng của nó tương đương với hấp lực của hành tinh. Điều này dẫn đến sự thay đổi về tốc độ mà ngôi sao đi chuyển ra xa hoặc gần với trái đất (hay viễn vọng kinh Hubble từ trái đất), nghĩa là ngôi sao chủ có vận tốc xuyên tâm của sao đối với Trái đất. Vận tốc xuyên tâm có thể được suy ra từ sự thay đổi trong các đường quang phổ ánh sáng của ngôi sao mẹ ta nhận được dùng hiệu ứng Doppler. Hiện tượng này giống như ta nghe tiếng xe đua như đã trình bày ở trên. Phương pháp gián tiếp đo tốc độ xuyên tâm đo sự giãn hoặc nén của nguồn ánh sáng ghi nhận từ ngôi sao chủ giúp chúng ta xác nhận sự có mặt của hành tinh quay quanh nó sử dụng hàm số toán học. Phương pháp nầy hữu hiệu khi khối lượng của hành tinh ngoại lớn hoặc quỹ đạo gần so với sao chủ vì khi đó vẫn tốc xuyên tâm sẽ rõ rằng hơn. Phương pháp này cho ta biết về khối lượng nhỏ nhất của hành tinh ngoại và cũng có nhiều giới hạn. Đôi khi Doppler spectrography tạo ra các tín hiệu sai, đặc biệt là trong các hệ thống đa sao;  thí dụ, một ngôi sao có nhiều hành tinh quanh quanh với nhiều quỹ đạo khác nhau và chúng tạo hấp lực cùng một lúc vào ngôi sao chủ. Một giới hạn nữa là hành tinh không quay cùng mặt phẳng mà quay với một độ nghiêng với ngôi sao chủ và trái đất. Cho đến năm 2012, phương pháp vận tốc xuyên tâm (còn được gọi là quang phổ Doppler) là kỹ thuật hiệu quả nhất được sử dụng bởi các chuyên viên săn hành tinh ngoại. Phương pháp trắc quang chuyển tuyến (Transit photometry): Khi một hành tinh bay trước sao chủ nó chắn bớt nguồn ánh sáng ta ghi nhận được bởi viễn vọng kính. Biểu đồ bên dưới đây hota thấy mức độ ánh sáng nhận được qua thời gian khi một hành tinh bay qua phía trước ngôi sao chủ mà ta nhận được từ Trái Đất.
blank


Trong khi phương pháp vận tốc xuyên tâm cung cấp thông tin về khối lượng của một hành tinh, phương pháp trắc quang có thể xác định bán kính của hành tinh. Nếu một hành tinh vượt qua  phía trước của ngôi sao, thì độ sáng nhìn thấy được của ngôi sao giảm xuống một chút; tùy thuộc vào kích thước tương đối của ngôi sao và hành tinh. Ví dụ, trong trường hợp của hành tinh HD 209458, ngôi sao mờ khoảng 1,7%. Tuy nhiên, hầu hết các tín hiệu trắc quang chuyển tiếp nhỏ hơn nhiều; ví dụ, một hành tinh có kích thước Trái Đất bay qua một ngôi sao giống Mặt trời tạo ra sự mờ nhạt chỉ 0.008 phần trăm.

Công cuộc nghiên cứu của NASA về hệ thống hành tinh xung quanh các ngôi sao khác bắt đầu với các đài thiên văn trên mặt đất, sau đó chuyển sang các đài thiên văn trên không gian như kính viễn vọng không gian Hubble, kính viễn vọng không gian Spitzer và kính thiên văn Kepler. Kính viễn vọng ngày nay có thể ghi nhận nhiều ngôi sao và xác định nếu chúng có một hoặc nhiều hành tinh vây quanh. Nếu hành tinh bay qua sao chủ có bầu khí quyển, luồng ánh sáng chiếu xuyên qua bầu khí quyển sẽ thay đổi tùy theo chất liệu hóa học (O2, H2O…) có trong bầu khí quyển của nó. Những dữ kiện này cho ta biết thêm về các điều kiện cần cho sự sống của những hành tinh ngoại. Các quan sát của Hubble va Kepler đã giúp ta ước tính có hàng tỷ hành tinh trong giải thiên hà của chúng ta và cho thấy hầu hết các hành tinh có khối lượng nhỏ hơn đường kính của Trái đất.

Chúng ta sắp bước vào một trong những thời kỳ thú vị nhất trong lịch sử khám phá không gian và vũ trụ. Trong nửa thế kỷ đầu tiên của các chương trình không gian NASA, ta đã đưa người lên mặt trăng và bắt đầu làm chủ quỹ đạo trái đất với Trạm Không Gian Quốc Tế. 50 năm tới sẽ mang lại thay đổi to lớn hơn, với các công ty thương mại được chuyển giao, tiếp quản các hoạt động không gian gần trái đất và để NASA rảnh tay phát triển kỹ nghệ không gian mới và sẽ hợp tác các cơ quan vũ trụ khác để đưa các phi hành gia tới Hỏa tinh hoặc xa hơn nữa. Những dự án không gian lớn NASA sắp sửa hoàn tất trong vài năm tới:

Kính viễn vọng Không gian James Webb (JWST) là kính viễn vọng không gian được phát triển phối hợp giữa NASA, va cơ quan Vũ trụ Châu Âu và Canada. Nó dự kiến sẽ được phóng vào năm 2019 và sẽ được đặt ở vị trí gần điểm Lagrangian của Trái Đất và Mặt Trời. Kính thiên văn James Webb sẽ cung cấp dữ kiện với độ phân giải và độ nhạy sáng hơn 10 lần tốt hơn so với Hubble. JWST sẽ có khả năng thu nhận ánh sáng bình thường (visible light) tới luồng sóng dài (màu cam đến đỏ) qua dải hồng ngoại giữa (0,6 đến 27 micromet).

Tàu vũ trụ Orion của NASA dự tính sẽ bay cùng với phi hành đoàn lần đầu tiên, có thể đưa phi hành gia tới thăm một tiểu hành tinh (asteroid) rồi sau đó thám hiểm Hỏa tinh. NASA dự tính sẽ phóng phi thuyền đi Hoả tinh vào khoảng thời gian 2030+.

Có phải con người là duy nhất và đặc biệt như chúng ta thường nghĩ? Chắc một số người muốn tin tưởng như vậy. Tuy nhiên, câu hỏi vẫn là: liệu có những hành tinh khác tràn ngập sự sống, và những cuộc sống đó thông minh như chúng ta? Với khoảng cách vũ trụ rộng mênh mông và kỹ thuật phi thuyền dùng nguyên liệu hoá chất, chúng ta đang bị giới hạn về vận tốc khi so với khoảng cách vũ trụ được đo bằng ngàn, triệu năm ánh sáng. Do đó câu hỏi về sự sống ngoài hành tinh khác là một thách thức cực kỳ khó khăn về không gian và thời gian. Tìm kiếm sự sống trên các hành tinh khác càng khó hơn vì chúng ta không chắc chắn nên tìm kiếm gì đây. Tất cả sự sống trên trái đất được biết là đặt trên căn bản hóa học của nước, bao gồm các phần tử chủ yếu chứa cacbon, hydro, oxy và nitro. Chúng ta thường giả định rằng các điều kiện tương tự như những điều kiện sống trên trái đất có thể dẫn đến sự sống phát triển với những đặc tính tương tự ở những hành tinh khác. Tuy nhiên, ngay cả với sự sống cùng một thành phần cơ bản hóa học, với điều kiện hơi khác cũng có thể đã biến chúng ta hoàn toàn khác biệt. Ví dụ, các nhà khoa học đã tạo ra hai cơ sở DNA mới, có thể đã tiến hóa cùng với bốn loại DNA đã tìm thấy trong sinh vật của trái đất. Một số cuộc tìm kiếm sự sống cũng sẽ được thực hiện bởi con người; Một đề xuất hiện tại của NASA có ý định đưa con người lên  Hỏa tinh vào những năm 2030+. Với các công nghệ hiện tại, các chuyến phi hành có người lái xa hơn Hỏa tinh sẽ không khả thi, vì nó sẽ mất quá nhiều thời gian để tới các hành tinh xa hơn. Vì giới hạn trên, con người trong thời gian sắp tới sẽ tiếp tục dựa vào các máy dò robot để thám hiểm những hành tinh xa trong công cuộc tìm kiếm sự sống khác trong hệ mặt trời của chúng ta hoặc xa hơn nữa.

Mặc dù chúng ta vẫn không biết chắc chắn sự sống ở một thế giới khác có giống như  ở trái đất hay dưới một dạng khác. Thế nào đi nữa, việc tìm kiếm sự sống trong vũ trụ sẽ vẫn được tiếp tục theo đuổi. Nhiều chương trình thám hiểm không gian hiện tại và tương lai đang được xúc tiến,  hy vọng sẽ làm sáng tỏ chủ đề này trong nhiều năm tới. Vì chính bản chất con người thích tìm hiểu, thám hiểm và khám phá các biên giới mới. Tìm kiếm sự sống trên các hành tinh khác là một trong những mục tiêu vĩ đại nhất của tất cả nhân loại. Khi đặt chân xuống mặt Trăng, phi hành gia Neil Armstrong đã nói một câu bất hủ:  "Đây là bước đi nhỏ bé của một người, nhưng là bước tiến khổng lồ của nhân loại".

Cấp Văn Nguyễn.       

Houston, Tx

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tính cho đến nay con số người Việt sống bên ngoài lãnh thổ VN khoảng 4,2 triệu người, 3,2 triệu người đang sống tại Mỹ và Châu Âu và Úc châu
Có lẽ phải xin lỗi em vì tôi chưa đọc hết "Tuyển tập Trần Khải Thanh Thủy" dầy gần 400 trang này. Có lẽ tôi sẽ không đọc tiếp nữa, hoặc nếu đọc
Từ một năm nay, ông Nguyễn Minh Triết và ông Nguyễn Tấn Dũng tạo nên hy vọng cho không ít bà con ta trong và ngoài nước.
Chủ Nhật vừa qua, Thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái bình dương, gọi tắt là APEC, đã kết thúc tại Sydney của Australia
Vụ án Lê Phước Tuấn đả thương ông Nguyễn Quốc Huy, phó chủ nhiệm văn phòng chính phủ CHXHCN Việt Nam
Đọc bài báo có tựa đề "Câu kết trong ngoài và mưu đồ chính trị nham hiểm" trên báo Quân Đội Nhân Dân, người đọc có hiểu biết một chút
Hồ Chí Minh lại đưa ra một quan điểm trái ngược: “Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng.”
Chủ quan là nhìn một chiều theo cái muốn của cái tôi. Cái tôi nghĩ như vầy, muốn như vầy, và điều gì ngược lại hay giống như cái tôi nghĩ, cái tôi muốn, thì tạo ra rối loạn tâm tư, tạo sự bực mình hay buồn bã
Đó là ý chí quật khởi, không xu hướng mà phải “chủ hướng.” Tức không buông xuôi theo dòng thời gian mà phải nắm bắt và chủ trì thời gian. Không thụ động không bất động, mà phải hành động tiến bước
Quốc trưởng của một quốc gia được quốc trưởng của một quốc gia khác mời tới thăm viếng quốc gia bạn thì chuyến công du này
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.