Hôm nay,  

Nghị viên Nguyễn Tâm tái tranh cử đầy căng thẳng

10/10/201805:10:00(Xem: 3978)

Nghị viên Nguyễn Tâm tái tranh cử đầy căng thẳng

 

Bùi Văn Phú

 

 

 blank

H01: Nghị viên Nguyễn Tâm (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 

 

Ngày 6 tháng 11 tới là ngày tổng tuyển cử. Tại San Jose có cuộc bầu chọn nghị viên Quận 7, nơi có đông người Việt sinh sống với chức vụ dân cử tại đây trong bốn năm qua do Nghị viên Tâm Nguyễn làm đại diện và trong 10 năm trước đó chức vụ này cũng do một người Việt nắm giữ là cô Madison Nguyễn. Như thế Quận 7 đã có đại diện là người gốc Việt trong suốt 14 năm qua.

 

Nghị viên Tâm Nguyễn đang tái tranh cử. Ông đã về nhất trong số 7 ứng viên, gồm 4 gốc Việt, trong kỳ bầu sơ bộ vào tháng Sáu vừa qua. Kỳ bầu chọn chung kết này Nghị viên Tâm lại đối đầu với bà Maya Esparza, người mà bốn năm trước đã bị ông đánh bại.

 

Cuộc vận động tranh cử đang diễn ra sôi nổi, với cử tri gốc Việt có những khác biệt về quan điểm và có thể đưa đến việc ghế nghị viên Quận 7 rơi vào tay người gốc Mễ, trong khi hội đồng thành phố đã có 5 dân cử gốc Mễ.

 

Cộng đồng người Việt có được sức mạnh đoàn kết, có biết dùng lá phiếu của mình để tiếp tục giữ ghế Quận 7 cho người Việt hay không, kết quả cuộc bầu chọn ngày 6/11 tới đây sẽ nói lên điều đó.

 

Mới đây Nghị viên Nguyễn Tâm đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn trong lúc cuộc vận động tái tranh cử đang rất căng.

 

 blank

H02: Vườn Văn hoá Việt với Cổng Tam quan (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 blank

H03: Bà Trần Mai Khanh trông coi vườn rau Việt và quán cà phê Chủ Nhật (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 

 

* * *

 

- Xin ông cho biết chương trình vận động tái tranh cử vào giai đoạn này, chỉ còn hơn ba tuần trước ngày bầu cử 6/11, có những gì đáng chú ý?

 

Nghị viên Nguyễn Tâm: Bốn năm trước đây, tôi đã thắng bà Maya 200 phiếu. Kỳ này, trong bầu cử sơ bộ hôm tháng Sáu, khoảng cách đã tăng lên 3 lần, đến hơn 600 phiếu. Nhưng tôi không bao giờ chủ quan mà luôn nỗ lực tối đa vận động từng lá phiếu để bảo đảm thành công vào tối ngày 6 tháng 11 tới đây.

 

Những tuần cuối cùng trước bầu cử, kể từ ngày Lễ Lao động (Labor Day) vào đầu tháng Chín thì có tất cả 10 tuần lễ. Tôi chia làm 2 giai đọan: Giai đoạn 1 gồm 6 tuần đi vận động cử tri nói chung và giai đoạn hai là 4 tuần cuối cùng là GOTV (Get Out The Votes), tức là khi lá phiếu khiếm diện được gởi ra sau ngày Lễ Columbus vào đầu tháng 10, chúng tôi tung mọi nỗ lực giúp cử tri bỏ phiếu khiếm diện tối đa. Hy vọng với đà này, chúng tôi sẽ bảo vệ khoảng cách 600 phiếu hoặc xa hơn nữa càng nhiều càng tốt.

 

- Cử tri Quận 7 hiện nay quan tâm về nhà ở, kinh tế, an ninh khu vực như thế nào?

 

NV Tâm: Nền kinh tế Mỹ nói chung đã trở nên ổn định và thịnh vượng với tốc độ gia tăng kỷ lục, tỉ lệ thất nghiệp xuống mức 3.7% tức là mức thấp nhất của gần nửa thế kỷ qua. Chính vì thế mà giá nhà ở Cali nói chung và San Jose nói riêng đã tăng chưa từng thấy. Trong vòng 4 năm qua giá nhà tăng gấp đôi. Cử tri Quận 7, hay nói chung cũng giống như cả triệu cư dân thành phố San Jose, đang đối đầu với nạn khủng hoảng nhà cửa thiếu hụt trầm trọng. Do đó trong Quận 7 có rất nhiều gia đình chung sống trong một căn nhà, có nhiều nhà xe sửa thành phòng ở, và thành phố cũng yểm trợ việc xây thêm căn phụ sau hè, gọi là ADU (Assessory Dwelling Units).

 

Giá tiền thuê nhà, share phòng cũng tăng rất cao. Tiền thuê đất khu nhà di động Mobile Home Parks cũng lên trên ngàn đô. Hội đồng thành phố San Jose do đó đã thực hiện kế hoạch xây thêm 25,000 căn hộ và các căn chung cư nhỏ hơn, với giá rẻ hơn, chung quanh những trục lộ giao thông chính, gọi là Urban Village, cho giới trẻ sử dụng hệ thống giao thông công cộng thay vì lái xe choán chỗ.

 

- Trong thời gian qua ông đã làm những gì cho cư dân Quận 7 nói chung và cư dân gốc Việt nói riêng?

 

NV Tâm: Trong vai trò nghị viên Quận 7, tôi có trách nhiệm chung cho toàn thể hơn 100 ngàn cư dân trong đó có 44% là gốc dân Mễ, 33% gốc dân Việt, và 23% của các sắc dân còn lại. Có ba lãnh vực quan trọng hàng đầu cho Quận 7, đó là nhà cửa (Housing), an toàn (Safety) và sức khỏe vệ sinh chung (Health). Về Housing, ngoài các dự án xây 25,000 căn nhà nói trên, tôi còn tích cực bảo vệ an toàn cho 19 khu nhà chung cư Mobile Home Parks để khỏi bị chủ đất bán đi xây condo; giảm thiểu mức gia tăng thuê nhà trước đây từ 8% xuống 5% họăc thấp hơn; và bảo vệ các khu nhà kiểm soát giá thuê (Rent Control) khỏi bị gia tăng v.v…

 

Về an toàn, tức là an ninh khu vực và an toàn giao thông tôi giúp gia tăng con số sĩ quan phục vụ cộng đồng (Community Service Officers) từ 25 người lên đến 200 người, nhằm bổ túc và trợ giúp con số cảnh sát viên bị thiếu hụt do Measure B gây ra trước đây. Về an toàn giao thông, thiết lập nhiều đường băng an toàn (Safe Crosswalks) tại các khu trường học và nơi đông khách bộ hành qua lại, dựng thêm đèn đường tại khu Tully Road, và sửa chữa nhiều con đường giao lộ trong khu vực.

 

Về sức khỏe vệ sinh chung, tôi đã tổ chức 20 Dumpster Days tức là cho xe chở rác dọn dẹp các đồ phế thải trong nhà ngoài vườn, tổ chức rất nhiều cuộc dọn dẹp vệ sinh hàng tuần qua chương trình “Clean Up With Tam” mỗi sáng thứ Bảy và nhất là đang giúp giải quyết tình trạng người homeless qua việc đấu tranh và thực hiện các dự án thành lập các khu an toàn cho họ có chỗ dọn đi, như chương trình Safe Car Park, Tiny Homes, Legal Encampments v.v… Trong thời gian tới đây khi các chương trình đi vào hoạt động sau 2 năm chuẩn bị, sẽ thấy tình trạng homeless được giảm đi rất nhiều.

 

Còn riêng về cộng đồng Việt, thì đương nhiên rôi có rất nhiều quan tâm và ưu tiên phục vụ qua rất nhiều công tác và dự án, mà có thể nhắc qua như thành lập Trung tâm Văn hoá Việt-Mỹ tọa lạc tại số 2072 Lucretia Ave. Sau 2 năm mở ra đã có hơn 53 nghìn người tham dự trong 70 sinh hoạt hội họp khác nhau, từ Hội Tết đến Hội Hè, Trung Thu và 25 chương trình hiện hành với nhiều sinh hoạt cho mọi lứa tuổi.

 

Về Vườn Việt thì đã hoàn tất phần 1, đem vào hoạt động với truyền thống chào cờ mỗi đầu tháng rất tốt đẹp; thành lập Vườn rau Việt cho các cụ cao niên làm vườn thu hoạch rau trái rất vui và nơi đó các cụ tổ chức café mỗi sáng Chủ Nhật.

 

Năm ngoái qua vụ lụt Coyote Creek, tôi đã góp phần cụ thể gây quỹ hơn 5 triệu đôla cứu trợ đồng bào nhiều đợt; vụ cháy nhà mobile home tôi đã giúp xin được một căn nhà mới trị giá 200 ngàn đôla v.v…Và qua công việc hằng ngày, tôi trực tiếp giúp đỡ cho cư dân mọi công việc trong cuộc sống, nhất là can thiệp về thủ tục giấy phép Permits hay khi có trở ngại hành chánh cho giới kinh doanh buôn bán, xây dựng.

 

- Đối thủ của ông là một nữ ứng viên gốc Mexico mà ông cũng đã đối đầu 4 năm trước đây. Trong Quận 7 cũng có đông cư dân là gốc Mỹ Latinh, ông có nhận được nhiều sự ủng hộ của họ?

 

NV Tâm: Cách đây 4 năm, vào năm 2014, sau khi thắng cử nhiệm kỳ đầu tiên chúng tôi nghiên cứu bản đồ các khu vực cử tri (Precincts) thì thấy đã thắng hầu hết mọi khu vực, trừ 4 khu vực bị thua, trong đó có 3 khu Mễ và 1 khu Mỹ trắng. Thì điều dễ hiểu trong 4 năm qua là tôi tìm mọi cách để tìm hiểu, tiếp cận, làm quen, hợp tác và hoạt động với họ. Tôi học nói vài câu tiếng Mễ và hát bài “Pepito Mi Corazon” và họ vui vẻ thân thiện ngay.

 

Khi tôi mới vào nghị trường thành phố, Quận 7 chỉ còn 4 nhóm khu xóm (Neighborhood Associations) hoạt động, tôi đã tích cực tổ chức thêm và nay có 16 hội hoạt động, trong đó phải kể đến nhóm thương mại kỹ nghệ Monterey Corridor Business Association rất tích cực và có uy tín. Ngoài ra, tôi đã cho tu bổ và tái khai trương khu Alma Community Center, tổ chức hai cuộc đi bộ càn quét tệ nạn đĩ điếm trong khu Alma & Monterey và chiếm lại công viên Bellevue cho người dân. Tôi cũng đang thiếp lập công viên Midfield cho cư dân Mễ trong khu Tropicana.

 

Nói tóm lại, tôi hoạt động và phục vụ năng nổ trên tất cả mọi nẻo đường trong Quận 7. Nhưng phải công tâm mà nói, trong 4 khu vực nói trên, tôi chỉ thắng được khu vực người da trắng phía Tây Communication Hills, còn ba khu vực kia Tropicana, Alma, và Seven Trees mà tuyệt đại đa số là cử tri Mễ, thì nếu trước đây được zê rô phiếu thì kỳ nầy có được khoảng 25%. Đó vẫn là một thành công đáng kể, vì nếu người Việt bỏ phiếu cho người Việt thì người Mễ chọn người Mễ là điều rất dễ hiểu. Ngoài ra, chúng tôi lại được rất nhiều lá phiếu cử tri sắc dân khác, non-Hispanics votes và da trắng như khu Comm Hill.

 

 blank

H04: Một buổi sinh hoạt tại Trung tâm Cộng đồng Việt-Mỹ (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 blank

H05: Nghị viên Nguyễn Tâm, bìa phải, và thân hữu trong buổi sinh hoạt đón ca sĩ Việt Khang đến San Jose hôm tháng 6 năm 2018 (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 

 

- Qua bốn năm trong nghị trường thành phố, ông đã chứng tỏ mình là một dân cử độc lập, không chịu ảnh hưởng bởi nghiệp đoàn lao động hay những nhóm lợi ích. Liệu ông có thể thắng được khi đối thủ là người có sự yểm trợ của nghiệp đoàn lao động?

 

NV Tâm: Thành phố San Jose có hai khối thế lực kinh tế và chính trị đối lập nhau. Một bên là giới doanh thương kỹ nghệ đại diện bởi Phòng Thương mại (Chamber of Commerce), nay đổi tên thành The Silicon Valley Organization (SVO) và phía bên kia là Liên đoàn Lao động Nam Vịnh (South Bay Labor Council). Bên SVO thì chủ trương binh vực giới chủ nhân công ty, giới đầu tư xây dựng, chủ nhà. Bên lao động thì binh vực cho giới công nhân, người lao động, người thuê nhà.

 

Trong suốt 4 năm làm việc, hầu như tôi ủng hộ cho phe lao động đến 90%, nào là tăng lương công nhân, bảo vệ quyền lợi công nhân, người thuê nhà, giới lao động v.v… Nhưng càng ngày tôi càng khám phá một điều éo le: Tổ chức nghiệp đoàn thì bảo vệ cho giới công nhân. Nhưng phải hỏi là công nhân nào? Đâu phải mọi công nhân thì được bảo vệ. Họ chỉ bảo vệ cho công nhân thuộc về nghiệp đoàn của họ mà thôi, còn các công nhân khác không thuộc về họ thì bị bỏ lơ nếu không nói là bị kỳ thị. Do đó đã có nhiều nhóm công nhân độc lập đứng nói lên sự chèn ép bất công này. Một số công ty cũng bị liên đòan lao động làm áp lực, không cho họ thuê mướn công nhân theo khả năng và nhu cầu, mà phải thuê mướn công nhân nghiệp đoàn với giá mắc gấp đôi gấp ba. Tôi đã hỏi và được chính nghiệp đoàn lao động trả lời: Một thợ điện (Electrician) lương trung bình là $45/giờ, nhưng trong các dự án xây dựng kỹ nghệ, họ đòi lương $92/giờ, tức là hơn gấp đôi. Và với thuế má quyền lợi phụ trội thì công ty phải tốn thành $130/giờ. Chính vì thế mà họ đẩy giá thành lên rất cao, khiến cho nhiều doanh nghiệp phải bỏ đi nơi khác. Đó là một trong nhiều lý do mà tôi luôn phấn đấu giữ vững lập trường độc lập của mình, binh vực cho quyền lợi chung của thành phố và cho cư dân, không lệ thuộc vào hai nhóm đặc lợi quyền lực nầy.

 

Hiện nay bên SVO có 5 phiếu. Ngược lại, bên lao động cũng có 5 phiếu của năm nghị viên gốc Mễ rồi, đó là các Quận 2 với Nghị viên Jimenez, Quận 3 Nghị viên Peralez, Quận 5 Nghị viên Carrasco, Quận 8 Nghị viên Arenas và Quận 9 Nghị viên Rocha. Mà nếu để cho họ lấy luôn Quận 7, tức là họ có 6 phiếu thống lĩnh toàn bộ nghị trường với 6/11 phiếu, thì cộng đồng Việt sẽ phải hoàn toàn lệ thuộc vào họ. Do đó lá phiếu thứ 11 của tôi lại trở thành lá phiếu quyết định, bảo vệ sự quân bình cần thiết cho thành phố.

 

Tuy là đối thủ của tôi được nghiệp đoàn ủng hộ, nhưng họ chỉ có 44% cử tri trong Quận 7. Trong khi cử tri Việt chỉ chiếm 33%, nhưng người Việt đi bầu rất đông và tôi nhận được phiếu của non-Hispanics. Do đó tôi đã thắng đối thủ người Mễ này qua 3 kỳ bầu cử trong những năm qua.

 

Có điều xin nói thêm. Bên ngoài thì họ tỏ ra chống nhau, nhưng thật ra là muốn lập thế thương lượng quyền lực với nhau. Đến khi cần thiết thì họ lại bắt tay thỏa hiệp chia chác quyền lợi với nhau, hất ra ngoài các nhóm khác nhỏ hơn, trong đó có cộng đồng Việt đã từng bị đứng ngoài suốt 4 thập niên qua, và nay lần đầu tiên mình mới có được một chút quyền lợi cụ thể như có Trung tâm Văn hoá, có Vườn Truyền thống Việt thế là họ muốn tìm cách chận lại bằng mọi cách. Điều đau lòng là họ lại biết cách khích động và sử dụng một vài người trong cộng đồng Việt mình tiếp tay cho họ.

 

- Trong cộng đồng người Việt cũng có những cư dân không ủng hộ ông, chẳng hạn như họ phản đối ông đưa ra nghị quyết cấm treo cờ cộng sản Việt Nam chưa đủ mạnh, là chỉ cấm treo nơi công ốc của thành phố. Họ muốn cấm cờ cộng sản xuất hiện ở bất cứ nơi nào trong thành phố. Ông sẽ làm gì để tìm được sự ủng hộ của những người này?

 

NV Tâm: Có một số người không ủng hộ tôi hay thậm chí còn chống lại và ủng hộ cho đối thủ của tôi viện lý do là Nghị quyết 3.8 của tôi không đủ mạnh để cấm cờ cộng sản trên toàn thể thành phố, chỉ cấm trên các cột cờ trụ sở thành phố mà thôi. Vậy xin hỏi lại, đối thủ tôi đã cấm được cờ cộng sản trên bất cứ cái cột cờ hay trụ sở nào chưa, hay chỉ là một con số zê-rô, thì tại sao lại đem lý do đó để ủng hộ cho bà ấy?

 

Xin hỏi tiếp, nếu nói về thành tích phục vụ cho cộng đồng mình, thì xin trưng dẫn bất cứ thành tích giúp đỡ phục vụ nào của bà ấy, so với 38 năm qua tôi họat động tích cực phục vụ đấu tranh giúp đỡ cộng đồng qua hàng ngàn công tác, một số đáng kể như đấu tranh cho 700 người Việt bỏ báo Mercury News; giúp 7,000 người cao niên hội kính lão CMAA lấy lại được $3.6 triệu cho các cụ; giúp điều tra vụ hội CMC, trợ giúp pháp lý và biện hộ cho nhiều hội đoàn quốc gia, cho hàng ngàn đồng bào qua mọi vấn đề pháp lý thủ tục, cứu trợ nạn nhân bão lụt hỏa hoạn, có hơn 53,000 người đã sử dụng trung tâm sinh họat v.v… thì xin hỏi đối thủ của tôi đã làm gì để giúp cho cộng đồng mình.

 

Họ nói là bà ấy hứa sẽ giúp, hứa sẽ làm, hứa sẽ vận động như bao nhiêu lời hứa cuội ta vẫn nghe suốt bấy nhiêu năm qua. Có một phụ nữ lên đài phát thanh, nói rằng bà Maya tốt lắm, thương người Việt lắm và đưa ra chứng minh rằng khi phát cơm cho các cụ cao niên, bà ấy nói là người Việt thích cơm lắm, do đó nên cho họ nhiều cơm vào. Và đó là lý do biện minh cho việc người ấy ủng hộ bà Maya.

 

Trở lại Nghị quyết 3.8 cấm treo cờ cộng sản, mọi người đã chứng kiến qua hai phiên họp công khai mà thị trưởng và luật sư thành phố đã giải thích rõ ràng: Thành phố chỉ có quyền cấm tại các cột cờ là đại diện cho thành phố. Chính vì thế mà báo Mercury News đã chạy tít lớn ngày 24/1/2017: “San Jose Becomes First Bay Area City to Ban Communist Flag” – San Jose là thành phố vùng Vịnh đầu tiên cấm cờ cộng sản. Đó là một chiến thắng chính trị lẫy lừng và mang tính lịch sử đến nỗi báo Mercury News vốn thiên tả mà phải kinh ngạc thán phục. Không có gì hơn thế được nữa.

 

Thành phố Milpitas là tiếp theo và đã làm tương tự, lấy nguyên văn nội dung Nghị quyết 3.8 của San Jose, có ai nói lên được một tiếng chống đối hay khiếu nại đâu. Hội đồng Giám sát của Santa Clara County cũng đâu làm được như thế. Các học khu cũng có cấm được một lá cờ nào đâu, nhất là học khu East Side thì vẫn chưa bao giờ cấm lá cờ cộng sản nào cả, mà chẳng thấy ai lên tiếng yêu cầu hay thắc mắc gì. Vì thế, một vài cá nhân chống đối vịn vào Nghị quyết 3.8 là chỉ nhằm che đậy cho cái gì khác, đen tối hơn.

 

- Như ông đã trình bày ở trên, trong hai năm qua đã có Trung tâm Sinh hoạt Cộng đồng Việt-Mỹ được khai trương, nhưng Vườn Văn hoá Việt đến nay vẫn chỉ là chiếc Cổng Tam quan và khu vườn rau. Tuy khu vực này có được tốt hơn, sạch sẽ hơn so với thời gian ông vừa đắc cử, nhưng dường như dự án vẫn dậm chân tại chỗ, ông sẽ làm được gì hơn nếu tái đắc cử?

 

NV Tâm: Vườn Truyền thống Việt (Viet Heritage Garden, VHS), là một dự án đồ sộ cả ba chiều tầm cỡ: chiều rộng 4.5 mẫu, chiều cao với 7 kiến trúc kỳ đài và chiều sâu với ý nghĩa lịch sử văn hoá dân tộc. Dự án do hội VHS với bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi đảm trách, ký hợp đồng với thành phố để xây dựng và điều hành.

 

Sau 11 năm họat động thăng trầm với tổng ngân sách $4.1 triệu đô trong đó cá nhân ông đã góp $1.3 triệu, dự án hoàn tất được giai đoạn một với chiếc Cổng Tam quan, 3 trụ cờ, hồ chứa nước, và bãi đậu xe 60 chỗ. Sau đó thì bị đình trệ và rồi ngưng hẳn. Năm 2015 khi tôi vừa nhậm chức, được biết thành phố trong chương trình kiểm điểm các dự án công viên, đã có ý định mở một cuộc kiểm tra (Audit). Khi nhận được giấy đề nghị kiểm tra, tôi cấp tốc gặp bác sĩ Ngãi, trình cho ông ấy coi công văn và đề nghị bác sĩ Ngãi hợp tác để chận lại. Sau đó là nhiều cuộc gặp gỡ thương lượng giữa sở công viên PRNS của thành phố và hội VHS. Sau cùng thành phố đi đến kết luận chấm dứt hợp đồng với VHS.

 

Nhằm tái phục hoạt dự án, tôi đã vận động và với sự hỗ trợ của Thị trưởng Sam Liccardo, yêu cầu giải ngân phần ngân sách 700 ngàn đôla còn lại để hoàn tất giai đọan 1, cụ thể là xây lại hàng rào bằng sắt cứng cáp để bảo vệ không cho kẻ trộm chui vào phá hoại, ăn cắp giây điện như trước đây; rải sỏi toàn bộ khuôn viên thành một sân rộng rãi và sử dụng được; tổ chức chào cờ mỗi thứ Bảy đầu tháng và thành lập Vườn rau Việt cho các cụ cao niên vui thú điền viên. Các cụ vui quá thành lập luôn café Vườn rau Việt mỗi sáng chủ Nhật.

 

Hiện nay, tôi cũng đã vận động được ngân sách gần 1 triệu đôla để xây dựng một trụ sở mới ngay tại Vườn Việt để có chỗ nghỉ ngơi, giải lao, nhà kho, nhà bếp, và một phòng họp rộng lớn chuẩn bị cho các sinh họat khác trong tương lai. Dự án này sẽ hoàn tất trong vòng 12-18 tháng.

 

Ngoài ra, thành phố đã mướn cô Anne Lê làm việc toàn phần để gây quỹ $6 triệu đôla tu bổ, nâng cấp Trung tâm Văn hoá và dần dà thực hiện các giai đoạn tiếp tục của các dự án cho cộng đồng Việt Nam. Được như thế là do nỗ lực vận động đấu tranh kiên trì suốt 4 năm qua trong vài trò một nghị viên. Nếu chức vụ nghị viên Quận 7 mất vào tay người ngoài thì các dự án cho cộng đồng Việt e rằng sẽ bị mất ưu tiên và chìm vào lãng quên hoặc dẹp bỏ không chừng.

 

- Ông có điều gì muốn nói thêm với cử tri về ngày bầu cử 6 tháng 11 tới đây?

 

NV Tâm: Chúng tôi cùng với ban vận động gồm nhiều tình nguyện viên hăng hái tích cực vận động suốt nửa năm qua để mong đem lại kết quả tốt đẹp. Tất cả nhờ vào sự tin tưởng và tín nhiệm của toàn thể cộng đồng, cử tri, lãnh đạo, cố vấn và sự bảo trợ của rất nhiều ân nhân xa gần. Tất cả cũng vì lý tưởng chính nghĩa quốc gia, vì tiếng nói cộng đồng và vì quyền lợi cụ thể cho người dân. Tôi thiết nghĩ không một lời cám ơn nào xứng đáng cho bằng nỗ lực kiên trì để đem lại chiến thắng cuối cùng cho cộng đồng mình.

 

An cư mới lạc nghiệp. Căn nhà cộng đồng đã được xây dựng. Cây cao cho cộng đồng nương tựa đã bén rễ, tiếp theo là chúng ta phải tiếp tục vun xới cho các thế hệ mai sau tiếp tục phát triển xây dựng cho to lớn tốt đẹp hơn, nhất là cho các em đừng quên cội nguồn quê hương dân tộc. Vì thế chúng ta cần phải khuyến khích và nâng đỡ cho các thế hệ kế thừa, để khi vui buồn chúng ta có dịp gặp gỡ hội họp và giúp đỡ nương tựa nhau. Vì nếu không, chiến thắng của một ứng cử viên không có tâm hồn Việt, thì như lời nhà văn Giao Chỉ đã nói, nếu chúng ta muốn giơ cao lá cờ quốc gia và cất lên tiếng hát bài Quốc ca Việt Nam Cộng Hoà thì thử hỏi, nhìn quanh sẽ có người nào cùng hát với mình? Vì thế, tôi muốn được luôn luôn có dịp cùng hát với mọi người bằng tiếng Việt Nam: “Còn Việt Nam, triệu con tim nầy còn triệu khối kiêu hùng.”

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chỉ ba tháng sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp ngoại giao trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, người ta thấy Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới mới nhất tăng cường quan hệ với Việt Nam với chuyến thăm Hà Nội trong tuần này...
Chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã để lại nhiều hệ lụy cho nhân dân Việt Nam hơn bao giờ hết. Bằng chứng này được thể hiện trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 theo đó họ Tập thay quan điểm “cộng đồng chung vận mệnh” bằng “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho hai nước...
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
Tuy lịch sử không nói đến, nhưng nếu chịu khó lục lọi đây đó, người ta sẽ tìm ra một giai thoại khá thú vị về việc bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam được Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trong buổi lễ trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) ngày 2 tháng 9 năm 1945. Theo tường thuật của nhà báo Hồng Hà trên báo Cứu Quốc của Việt Minh, ông Nguyễn Hữu Đang là người đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ Lâm thời cùng chủ tịch Chính phủ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban Tổ chức Lễ đài, ông chính là người đứng trước micro giới thiệu: “Thưa đồng bào... Đây là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh.” Nói xong, ông lùi lại, nhường micro cho Hồ Chí Minh.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.