Hôm nay,  

Huy Phương Ơi, Xin Ông Đừng Vội Xuống Tầu!

17/09/201809:58:00(Xem: 7615)
“Huy Phương ơi, xin ông đừng vội xuống tầu!”

NGUYỄN XUÂN NGHĨA

(Bài phát biểu trong buổi
RMS GA CUỐI ĐƯỜNG TẦU của Huy Phương
tại NB. Người Việt Ngày 16 tháng 9-2018)
 
blankNguyễn Xuân Nghĩa (Hình của Trần Đình Thục)

 

Là người theo đạo Phật, sống tại Hoa Kỳ trong thế kỷ 21, tôi nghĩ tới đời người… như một chuyến bay.

Tùy hoàn cảnh, cần bay từ đây qua miền Đông Hoa Kỳ hay miền Tây Âu Châu, ta có thể mua vé bay thẳng, hoặc muốn rẻ hơn thì phải qua vài trạm. Máy bay hạ cánh tại Denver, Chicago hoặc Miami rồi bước xuống phi cảng, ta tìm xem mình phải qua cổng số mấy, lấy chuyến bay kế tiếp để đi tới đâu…. Đời người chỉ là một chuyến bay, thí dụ như từ Los Angeles tới Houston, nơi đó ta bay tiếp cho đến mục tiêu cuối cùng mà chẳng là mục tiêu sau cùng của cuộc đời.

Hãy tưởng tượng là có một hành khách từ Los Angeles quá hài lòng với ghế bành thoải mái trong chuyến bay, khi phi cơ đáp xuống Houston lại nhất định ngồi tại chỗ, không chịu xuống. Kiếp này quá đẹp vì sao lại rời?

Một người khác thì biết thân biết phận nên cùng hành khách bước xuống phi cảng, nhưng lại quên là phải qua cổng số mấy để đi tới đâu. Họ lang thang trong dẫy hành lang tấp nập đông người và đi lạc. Có khi hụt chuyến bay. Họ không siêu thoát được và chập chờn trong cõi trung gian hay trung ấm, có khi đói, có khi cần người chỉ dẫn. Có khi cần tiếng cầu kinh….

 

Tôi phải dẫn nhập như vậy, để giới thiệu chuyến đi của Huy Phương.

Ở tuổi bát tuần, ông không dùng ẩn dụ phi cơ mà nghĩ tới chuyến tầu hỏa. Sắp tới nhà ga ở cuối đường tầu, ông biết là mình sẽ phải xuống và kỹ lưỡng chuẩn bị đi xuống. Sau đó đi đâu có lẽ ông không biết - mà nhiều phần thì cũng chẳng cần.

Vì ông bận kiểm lại hành lý của chuyến đi sắp chấm dứt.

 

Hành lý của ông thật ra cũng chẳng có gì vì tất cả nằm trong tâm và trí của Huy Phương. Ông kiểm lại những gì mình đã viết ra – trong cả chục cuốn sách đã xuất bản – và tặng cho chúng ta, những hành khách của một chuyến đồng hành những bài tâm đắc nhất. Với tôi, món quà tinh thần này, trải gần 400 trang sách, là cuốn chỉ nam cho chuyến đi sắp tới của chính chúng ta. Tôi đến đây, tham dự buổi ra mắt sách này, cũng là để bày tỏ lòng tri ân.

 

Có khi còn là lòng tri âm.

Tại sao Huy Phương viết nhiều như vậy? Ông viết hàng ngày vì vằng vặc sống hàng giờ với những kinh nghiệm rất riêng tư mà cũng là nét rất chung của mọi người, nhưng nhiều người có khi lại không thấy, nếu không chịu đọc, và đọc lại.

 

Trong một buổi ra mắt sách trước đây của Huy Phương, tôi có phát biểu, rằng “Huy Phương viết vì sự thôi thúc vô hình của một quan niệm về đạo lý. Ông tiếp tục kê vai vào cây Thánh giá chung của cả dân tộc dù chẳng ai bắt, không ai đòi và dù nhiều người trau chuốt một cây Thánh giá lấp lánh trên ngực….”

 

Bây giờ, nói đến tác phẩm chúng ta chào mừng hôm nay, tôi bắt gặp nỗi ngậm ngùi của nhà văn Võ Phiến trong các bài tùy bút ông viết 40 năm trước, khi tạm ngừng chân tại hải ngoại, bần thần ngơ ngác trong chốn lưu vong. Tạp ghi của Huy Phương làm ta ứa nước mắt như tùy bút của Võ Phiến. Đến độ mình phải đặt cuốn sách xuống bàn, nén tiếng thở dài rồi suy ngẫm thêm.

Chúng ta trưởng thành hơn khi suy ngẫm như vậy nhờ tạp ghi của Huy Phương.

Chúng ta hết còn là một sinh vật sống nhờ cái bao tử hay nhờ cảm quan thụ động như của một đứa trẻ. Nhiều chế độ độc ác sở dĩ tồn tại là nhờ biết đẩy con người vào trạng thái tâm lý đó. Huy Phương đánh thức những suy nghĩ khác trong chúng ta, cho chúng ta. Đấy cũng là lý do vì sao trong 80 bài viết được ông tuyển chọn, đa số đề cập tới những gì đã và đang xảy ra cho Việt Nam.

Huy Phương không viết để chống cộng như nhiều người có thể lầm tưởng. Ông viết để cứu người. Khi chuyến tầu đã tới cuối đường, ông vẫn còn nghĩ đến việc cứu người. Có khi cứu người bằng toa thuốc đắng, với lòng thương cảm của một y sĩ không cần làm văn chương thơ phú. Thí dụ như bài “Bữa Cơm Một Mình”.

Nhưng không chỉ nhìn về đằng sau, trên hai trục không gian và thời gian, qua tấm địa đồ và cuốn lịch, Huy Phương viết về hiện tại trên đất Mỹ, với những phê phán dịu dàng và còn nhắc nhở chúng ta về tương lai, vẫn với tinh thần đạo lý nhưng không khô cằn như một nhà luân lý. Vì vậy, người ta rất dễ đọc Huy Phương. Và cũng rất khó quên.

 

Đấy là về nội dung. Về phong cách và bút pháp, Huy Phương viết rất chỉnh và có lẽ ông cân nhắc từng câu, từng chữ, cho tới dấu phẩy, dấu chấm, với tác phong của một nhà giáo.

Chúng ta bị bão hòa với nạn thông tin tràn ngập, tức thời, nghe xong đọc thấy là quên, có khi còn phiên dịch linh tinh với đầy nhiễu âm. Trong khung cảnh gọi là “văn minh” đó, Huy Phương ngồi im như cụ đồ già năm xưa. Ông viết tiếng Việt có chuẩn mực, câu cú mạch lạc mà không đi lạc vào ngôi vườn văn chương.

Ông khiêm nhường viếp tạp ghi như một thể loại bút ký thôi, nhưng vẫn để lại những hình ảnh thật nghệ thuật. Mỹ quan của Huy Phương hợp nhất với tinh thần phát huy đạo lý con người của ông.

Hai chục năm trước, bên mảnh huyệt của nhà văn Mai Thảo, Võ Phiến phát biểu rằng trong chốn lưu vong ai cũng ưu tiên lo miếng sống, Mai Thảo lại lo cho văn chương. Nhờ vậy, Võ Phiến nhấn mạnh, chúng ta trở thành văn minh hơn.

 

Chuẩn bị cho chuyến đi tới cuối đường tầu, Huy Phương kiểm lại hành lý của mình, và để lại cho người sau. Nhờ vậy, chúng ta trở thành người tử tế hơn. Nhưng cũng vì vậy, Huy Phương ơi, xin ông đừng vội xuống tầu.

Tôi xin được kết thúc với một câu “danh ngôn” Huy Phương: “Có những thứ đã chết mà người ta tôn vinh, xây lăng cho nó, nó vẫn chết. Nhưng có những thứ  người ta muốn chôn vùi, hủy hoại, nó vẫn đội mồ sống dậy”.

Vì vậy, hành lý cuối đường tầu do Huy Phương trao lại cho chúng ta chính là “Chuỗi Thương Ca Bất Tận”.

Xin chúc mừng Huy Phương và xin cảm tạ sự chú ý của quý vị.

Nguyễn Xuân Nghĩa
  

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.