Hôm nay,  

Đêm Thắp Nến Cầu Nguyện Cho Quê Hương Việt Nam

08/07/201807:14:00(Xem: 4145)
ĐÊM THẮP NẾN CẦU NGUYỆN CHO QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM
Ngày Thứ Sáu 06 Tháng Bảy 2018 tại TRUNG TÂM CÔNG GIÁO
  
(Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ, Liên đoàn Công giáo Việt Nam Miền Tây Nam Hoa Kỳ, Cộng Đồng Linh Mục Việt Nam Miền Tây Nam Hoa Kỳ và Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Giáo Phận Orange cùng tổ chức).
 
Bài phát biểu của Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa

Chào mừng quý vị lãnh đạo tôn giáo và cảm tạ ban tổ chức. 

Trong buổi sinh hoạt ý nghĩa này, chúng tôi xin được phát biểu ngắn gọn để giành thời giờ cho nhiều tiết mục khác. 

Trọng tâm của chúng tôi không nói về dự luật thành lập ba đặc khu tự trị vì qiý vị, các chuyên gia ở trong ngoài nước, và bản thân chúng tôi, đều đã phê bình nội dung, rồi chế độ lật đật cho đình chỉ biểu quyết đêm mùng chín, rạng ngày mùng 10 Tháng Sáu. Lý do thứ hai là dự luật chỉ là mặt nổi, có thể là “giọt nước tràn ly” thôi, chứ vấn đề là tính chất lệ thuộc của Việt Nam vào Trung Cộng thì toàn diện và trầm trọng gấp bội. 

Lý do thứ ba là chúng ta cần nhìn rộng ra ngoài: Việt Nam không đơn độc trước hiểm họa đa diện của Trung Cộng vì nhiều quốc gia cũng thấy ra mối nguy đó. Cho nên dân ta có thể huy động các nước cho cùng một mục tiêu là ngăn chặn đà bành trướng của Bắc Kinh.

Vì vậy, là người nghiên cứu về kinh tế, tôi mở đầu về sự lệ thuộc của Việt Nam, trước hết là qua vài dữ kiện cụ thể. 

Lãnh đạo Cộng sản Hà Nội có chủ đích nguy hại là chọn sách lược kinh tế dại dột khi trông cậy quá nhiều vào đầu tư ngoại quốc. Vì sao nguy hại mà dại dột thì ta sẽ nói sau. Đầu tư của ngoại quốc vào Việt Nam qua hai ngả chính là thứ nhất, các dự án “xây dựng, quản lý và chuyển giao lại cho Việt Nam” gọi tắt là BOT mà ngoài này ai cũng nghe dân trong nước nói tới với lời rủa xả; thứ hai là các dự án “thiết kế, cung cấp và xây dựng”, gọi tắt là EPC. 

Số liệu từ Việt Nam không có nhiều, nhưng cũng đủ cho thấy là tính tới năm 2014 thì trong 62 dự án BOT về xi măng thì có 49 là do doanh nghiệp Trung Cộng làm tổng thầu, là thực hiện trọn gói, coi như là 80% của Tầu. Trong 27 dự án BOT nhiệt điện thì có 16 dự án là của Trung Cộng, coi như 60%. Về các dự án EPC là thiết kế kỹ thuật, cung cấp máy móc và xây dựng, thì có đến 90% là của Tầu, chính yếu là về dầu khí, hóa chất, điện, dệt kim và quan trọng hơn cả là có tới 30 dự án thuộc loại “trọng điểm quốc gia” với kinh phí hàng tỷ đô la. 

Mấy con số trên cho thấy vai trò quá quan trọng của doanh nghiệp Trung Cộng, nhưng chưa nói hết tình trạng thực hiện vô cùng tệ hại vì chậm trễ, phẩm chất tồi mà đội vốn quá đắt, trong khi gây ô nhiễm môi sinh. Nói dễ hiểu là Bắc Kinh tống qua nước ta kỹ thuật và máy móc lỗi thời, bị họ phế thải, nhưng với giá đắt. Họ xuất cảng nạn ô nhiễm qua Việt Nam. 

Chúng ta thiếu thời giờ cho loại thống kê u ám đó nên chỉ nhắc tới các dự án Tân Rai, Nhân Cơ trong tổ hợp Bauxite tại Cao nguyên Trung Phần, hay dự án Vũng Áng tại Hà Tĩnh, hai Nhà máy đạm tại Ninh Bình, tại Hà Bắc, Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình tại Hà Nội, Khu Liên hợp Gang thép Lào Cai hay các dự án nhiệt điện Duyên hải 1, Duyên hải 3, Vĩnh Tân 2, Uông Bí, Hải Phòng1 và 2, Quảng Ninh 1 và 2, v.v… 

Nhưng vì sao Hà Nội có chủ đích chúng tôi gọi là nguy hại và dại dột đó? 

Chúng ta phải bước từ kinh tế qua chính trị và xin quý cha, quý thầy cùng quý vị hãy kiên nhẫn. 

Dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản, hệ thống kinh tế chính trị của Việt Nam là hiện tượng tôi xin gọi là “công cụ”. Tài nguyên quốc gia, từ sức lao động của người dân tới đất đai của tổ quốc, là công cụ của nhà nước, mà nhà nước là công cụ của đảng, cho nên đảng viên và cán bộ có toàn quyền định đoạt. Họ định đoạt vì lợi ích riêng, trở thành đại gia tỷ phú mà chẳng đóng góp gì cho sản xuất và phát triển. Có tiền rồi, họ chuyển ra ngoài. bất kể tới cái giá phải trả về kinh tế, xã hội, môi sinh hay nợ nần mà thế hệ sau phải gánh. Lợi ích riêng cho thiểu số mới thành quốc sách nguy hại. Nó cộng sinh với chế độ tham nhũng trong đảng. 

Nhưng hiện tượng tham nhũng đó liên quan gì tới Trung Cộng? Câu trả lời phải làm ta rợn mình: tham nhũng của thiểu số tại Việt Nam giúp Bắc Kinh thực hiện tham vọng bành trướng. Đó là một hiện tượng cộng sinh khác. Vì sao như vậy? 

Vì nhà nước Việt Nam là công cụ của đảng Cộng sản Việt Nam, mà đảng Cộng sản Việt Nam là công cụ của đảng Cộng sản Trung Quốc. Doanh trường có khái niệm "captive company", Việt Nam là một "captive nation".

Đấy là một xoáy ốc nhiều tầng đan kết dìm dân ta xuống đáy Chúng tôi xin được kết luận phần một: “hiểm họa Trung Cộng nằm tại Hà Nội, và là vấn đề mà dân Việt phải giải quyết.”

Qua phần hai, tôi xin kết luận rằng “dân Việt không giải quyết một mình”.

***

Sáu năm trước, Tổng bí thư Tập Cận Bình của Trung Cộng nói tới một sáng kiến là “Con Đường Tơ Lụa Mới”, sau này được khai triển và sửa tên nhiều lần, thành “Nhất Đới Nhất Lộ”. “Đới” là sáu hành lang trên đất liền từ nội địa Trung Hoa qua Trung Á, Nam Á, Trung Đông tới Âu Châu. “Lộ” là đường giao lưu trên biển, từ vùng duyên hải của Trung Hoa xuống biển Thái Bình, qua Ấn Độ Dương tới Đông Phi và Trung Đông rồi Âu Châu. 

Mục tiêu của kế hoạch gồm các chương trình và dự án gồm có an ninh và kinh tế, với tham vọng kết hợp 70 quốc gia và khống chế toàn đại lục Âu Á, từ Tây Âu tới Viễn Đông và xuống tận Úc Châu. Nhưng sáu năm sau, thế giới mới phát giác những điều mà Việt Nam đã biết từ trước, về các dự án do Trung Cộng thực hiện. 

Vẫn là nống giá, với phẩm chất kém, ô nhiễm cao và tham nhũng chồng chất nên nhiều dự án bị đình hoãn, hủy bỏ hoặc gặp sự phản đối của người dân tại chừng một chục quốc gia. Đó là về giá trị kinh tế.

Về chính trị, Bắc Kinh liên kết với các chế độ độc tài và tham ô, và gây tai họa làm người dân bản xứ nổi giận. Về an ninh thì kế hoạch chỉ là sự bành trướng không thèm che giấu, đi cùng việc quân sự hóa bảy cụm đảo nhân tạo trên vùng Trường Sa, khiến các cường quốc khác đã báo động và cảnh giác.

Quan trọng hơn cả là việc Bắc Kinh tung tiền lũng đoạn các nước, từ học đường tới doanh trường và chính trường, kể cả cường quốc dân chủ như Úc, Tân Tây Lan, cho nên từ một năm nay các quốc gia này đã có phản ứng dữ dội. 

Nhìn từ lục địa ra biển, Bắc Kinh lạm thác đầu nguồn của các dòng sông lớn, kể cả sông Mekong, vét cá cướp dầu ngoài đại dương, lại còn muốn kiểm soát việc giao lưu ngoài Đông Hải của Việt Nam, hay biển Đông Nam Á của các nước. Vì vậy, không chỉ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đang kết hợp nỗ lực ngăn chặn mà nhiều nước Đông Nam Á, và thậm chí Anh với Pháp đang cùng nhau dàn trận để bảo vệ quyền tự do lưu thông ngoài biển. 

Trong khi đó, nội tình Trung Cộng lại có quá nhiều mâu thuẫn nan giải, đang bùng nổ thành biểu tình công khai của bộ đội hồi hưu hay ngấm ngầm phá hoại của đảng viên cán bộ muốn bảo vệ quyền lợi riêng tại các địa phương và khu vực xưa nay họ vẫn kiểm soát khỏi sự chỉ đạo của trung ương đang tập trung vào tay Tập Cận Bình. 

Nếu nhìn trên toàn cảnh như vậy thì chúng ta thấy gì? 

Trung Cộng không mạnh như ta thường nghĩ, hoặc như giới trí thức thiên tả của Tây phương vẫn ngợi ca. Đấy là nơi mà người dân chưa giàu đã già, nhà nước chưa hùng mà đã hung, và lãnh tụ toàn quyền là Tập Cận Bình đang xoay trở với những “mâu thuẫn cơ bản của kỷ nguyên mới”, như ông ta phát biểu sau khi sửa Điều lệ đảng và Hiến pháp để thành Hoàng đế vĩnh viễn. Trung Quốc Mộng của ông ta chỉ là chuyện mộng mị. Thực chất là một cơn ác mộng, sẽ kéo dài cả chục năm khi mà đà tăng trưởng hết còn như xưa và gánh nợ còn vĩ đại hơn Vạn Lý Trường Thành.

Nhưng then chốt hơn cả, chuyện mộng mị đó lại gây hậu quả bất lường là tạo ra sự liên kết của các quốc gia tôn trọng tự do, dân chủ và nhất là chủ quyền của người dân. Cuộc bầu cử vừa qua tại Malaysia, với Chính quyền mới đã tống giam Thủ tướng cũ về tội tham ô cấu kết với Bắc Kinh, là một nhắc nhở cho Việt Nam.

Khi đó, dân ta có thể làm gì? Tôi xin được đi vào đoạn kết.

***

Chúng ta phải thấy một sự thật là dân Việt Nam ta không đơn độc.

Trung Cộng là vấn đề cho Việt Nam. Vấn đề ấy nằm tại Hà Nội, là đảng Cộng sản Việt Nam, nên người Việt Nam phải giải quyết lấy chứ không thể trông chờ ngoại quốc. Nhưng Trung Cộng cũng là vấn đề cho thế giới, mà vì quyền lợi của họ, các nước đều đang cùng giải quyết. Người Việt Nam sẽ góp phần giải quyết vấn đề đó của thế giới, khi vận dụng sức mạnh của các nước kia. Việc đó trực tiếp có lợi cho giải pháp của người Việt ở trong nước.

Một cách cụ thể thì người Việt tại hải ngoài cần hỗ trợ đồng bào trong nước, một cách sáng suốt và liên tục với sự sáng tạo của hoàn cảnh mới. Người dân hết tin vào đảng mà cũng hết sợ, chúng ta nên linh động yểm trợ theo tinh thần đó. Nhưng người Việt hải ngoại còn có thể làm hơn vậy. Đó là huy động sự quan tâm và hợp tác của các nước khác. 

Thiết thực mà nói thì huy động thế nào?

Tại mọi quốc gia có người tỵ nạn sinh sống, hãy vận động giới dân cử gốc Việt nhìn ra khỏi khuôn khổ địa phương mà tranh thủ hậu thuẫn ở cấp cao hơn. Như tại Hoa Kỳ, phải lên tới tiểu bang và liên bang. Tiếng nói của cử tri gốc Việt cần tập trung vào đó chứ không nên xé lẻ vì mâu thuẫn cục bộ.

Song song, chúng ta nên mở ra phong trào “quốc tế vận”.

Đó là vận dụng các định chế quốc tế trên toàn cầu và tại Đông Á, kể cả các tôn giáo lớn. Đó là liên lạc các tòa đại sứ và tổng lãnh sự của các nước đang ngăn chống sự bành trướng của Trung Cộng. Họ cần biết là người Việt đang đấu tranh cho mục tiêu chính đáng, có chính nghĩa, và phù hợp với những giá trị tinh thần của nhân loại văn minh. Thiết thực là ta phải có địa chỉ, điện thoại và điện thư email của các nơi này để thường xuyên thông báo, nhắc nhở và lập kiến nghị.

Sau cùng, nên nhớ rằng ta không chống người Hoa và biết cộng đồng Hoa kiều không hoàn toàn do Bắc Kinh chi phối. Hãy tranh thủ hậu thuẫn của họ, tức là có nỗ lực “địch vận” nhằm chia rẽ hàng ngũ địch, chứ không để họ kết tụ thành một khối cho Bắc Kinh mặc tình lợi dụng và sai khiến. Các quốc gia khác cũng muốn như vậy ngay trong xã hội của họ, cho nên có thể hỗ trợ chúng ta.

Kết luận của chúng tôi là ta không đấu tranh vì phản ứng, là cứ đợi xem Hà Nội hay Bắc Kinh làm gì thì phản đối, rồi thôi. Chúng ta cần viễn kiến, nhìn xa hơn thời sự, và nhất là sự bền bỉ. Cuốn lịch không chỉ có mấy ngày cuối tuần, còn những ngày khác thì cứ để cái ác hoành hành. 

Chúng tôi xin trân trọng cảm tạ sự quan tâm theo dõi của toàn thể quý vị.
 
(Bài phát biểu của Nguyễn Xuân Nghĩa tại 
ĐÊM THẮP NẾN CẦU NGUYỆN CHO QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM
Ngày Thứ Sáu 06 Tháng Bảy 2018 tại TRUNG TÂM CÔNG GIÁO)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Các lý thuyết về sự hâm nóng toàn cầu phát sinh từ cuối thế kỷ 19 do những nhà khoa học Thụy Điển trong khi quan sát sự thay đổi nhiệt độ của không khí bị ô nhiễm để rồi từ đó
Là nước thuộc địa nửa phong kiến, nhân dân Việt Nam chịu nhiều đau khổ do thực dân Pháp đô hộ và giai cấp phong kiến áp bức bóc lột. Các tầng lớp nhân dân
Đảng Cộng sản Việt Nam đang tự chui đầu vào thòng lọng cửa quyền quyền lãnh đạo bằng các giải pháp dân chủ giả tạo mà cứ nghĩ đó là cách tốt nhất để đưa Việt Nam thoát khỏi đói nghèo
Một ngày phiên chợ, u tôi mua về đôi gà nhỏ. Hai con gà: một trống, một mái, dáng còn bé tí teo, như vừa mới lìa đàn. Suốt ngày chúng cứ rúc vào một góc sân
CSVN âm thầm đem tượng Hồ Chí Minh vào trong chùa, tưởng rằng để cho dân chúng thờ lạy như cúng Phật. Dân chúng Việt Nam nghĩ khác. Đồng bào nói với nhau rằng Hồ Chí Minh
Chúng ta biết rằng đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN lúc đầu lấy tên gọi là đảng CS Đông Dương) ra đời ngày 3 tháng 2 năm 1930 đến nay đã 76 năm. Nhưng do các quan điểm sai lầm như
Đây là một chủ trương lớn vừa mang tính cấp bách trong bối cảnh tình hình hiện nay, vừa có ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc…tạo sự chuyển biến mạnh mẽ
Dù chế độ VN hiện giờ là một chế độ "pháp quyền" (chứ không phải "pháp trị" như ba tên phản động ở hải ngoại đòi), ta vẫn có thể phớt lờ đi chuyện BCT không có trong Hiến pháp vì
Quan niệm đúng đắn về phát triển bền vững cũng như nhu cầu năng lượng cần thiết cho phát triển là hai vấn đề cấp thiết mà nhân loại cần phải lưu tâm trong những năm sắp đến
Khi Việt Nam bắt đầu bước ra sân chơi toàn cầu, nhiều người đều vui mừng nói đến triển vọng kinh tế của sự hội nhập ấy. Tuy nhiên, có một lãnh vực lại ít được chú ý, đó là lao động
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.