Hôm nay,  

Nhạc Thính phòng Áo trắng với cung đàn

28/05/201800:15:00(Xem: 9425)
Nhạc Thính phòng Áo trắng với cung đàn

Nhạc Thính phòng mang tên "Áo Trắng với Cung Đàn" vào ngày 9 tháng 6/2018 tại Viện Việt Học để giới thiệu dòng nhạc của 5 vị Bác sĩ , vừa là nhạc sĩ sáng tác ca khúc, trong cộng đồng người Việt hải ngoại: Phạm Gia Cổn, Phạm Anh Dũng, Trần Anh Dũng, Dương Đình Hưng, Trần Văn Khang.

THỨ BẢY, NGÀY 9 THÁNG 6/2018
7:30PM -10:30PM

vÀO CỬA MIỄN PHÍ
Mời bảo trợ, đóng góp
Giữ chỗ trước, xin liên lạc: 714-775-2050

VIỆN VIỆT HỌC
15355 Brookhurst St. Ste. 222 Westminster, CA 92683
Tel.: 714-775-2050 — http:/,/www.viethoc.com/ - info@viethoc.com
.

 

Lời Ngỏ

 

 

Qúi-vị đang cầm trên tay một tác-phẩm mà í nghĩa sự có mặt của nó đi ngoài í nghĩa bình thường, sự ra đời của một tác-phẩm nghệ-thuật.

Viện Việt-Học, qua Câu-Lạc-Bộ Văn-Nghệ Viện Việt-Học, thực hiện hoài-bão làm gạch nối giữa các thế-hệ, giữa những người Việt li-hương, qua lãnh-vực âm-nhạc là một.  Tác-phẩm cầm tay là thành-quả của nỗ-lực khuyến-khích, góp phần bảo tồn và phát huy các sinh-hoạt văn-hóa, nghệ-thuật của những thuyền-nhân và người Việt xa xứ nói chung, nhằm đánh dấu một quá-trình xây dựng cộng-đồng Việt-Nam hải-ngoại, nơi chúng ta và các thế-hệ con em tiếp nối được hít thở và góp phần tích-cực vào công cuộc xây dựng một nền tự-do, dân-chủ và nhân-bản ở đây.

Trên tay quí-vị là những đứa con tinh-thần, những tác-phẩm của 5 vị bác-sĩ hải-ngoại, từ tiểu bang California và Virginia.  Chúng được hun đúc từ những rung cảm của những tâm-hồn và khối óc vốn được trang bị bằng kiến-thức khoa-học và i-học để chữa trị bệnh-nhân, những nhạc-sĩ gốc “Y”:  Dương Đình Hưng, Trần Anh Dũng, Trần Văn Khang, Phạm Gia Cổn và Phạm Anh Dũng.  Bởi đó, tên gọi tập nhạc và đêm nhạc thính-phòng do Câu-Lạc-Bộ Văn-Nghệ Viện Việt-Học chủ trương và thực hiện được ra đời:  “Áo Trắng Với Cung Đàn”.

Câu-Lạc-Bộ Văn-Nghệ Viện Việt-Học chân thành cảm tạ các Bác-sĩ Nhạc-sĩ đã góp mặt góp sức làm nên các tác-phẩm cho vườn hoa âm-nhạc Việt-Nam thêm phong-phú.  Với quá-trình và hoàn-cảnh chúng ta lưu vong, các nhạc-sĩ đã thật sự lưu lại trí-tuệ và ước mơ của một chặng đường đầy cam go thử-thách, cũng có thể là một dòng suối êm-ả thanh-bình, mà quí-vị đã trải nghiệm, và ghi lại.

Sẽ thiếu sót lắm, nếu chúng ta không nhớ đến bàn tay và tâm-huyết của một chuyên gia kinh tế tài chính, thật yêu mến nghệ-thuật và đầy sáng-tạo, nhạc-sĩ Võ Tá Hân.  Ông là cái “duyên cớ” dẫn đến nội-dung đêm nhạc và tập nhạc đầu tay này mà Câu-Lạc-Bộ Văn-Nghệ Viện Việt-Học trân-trọng giới thiệu.  Không có nhạc-sĩ Võ Tá Hân, chúng ta thiếu mất một phần sắc hương trong âm-nhạc Việt-Nam, và hẳn nhiên, cũng không có công-trình kết hợp các nhạc-sĩ “Áo Trắng Với Cung Đàn”, và sự ra đời của tập nhạc hi-hữu này.

Tập nhạc “Áo Trắng Với Cung Đàn” - xin trân-trọng giới thiệu cùng quí thân-hữu và khách thưởng ngoạn âm-nhạc Việt-Nam khắp đó đây.

 

Câu-Lạc-Bộ Văn-Nghệ Viện Việt-Học

Cuối Xuân, 2018

Đôi nét về Viện Việt-Học

 

Được vận động thành lập bởi nhóm bạn trẻ năm người từ năm 1999, và thành lập vào tháng Hai năm 2000 bởi một số Giáo-sư, Học-giả lãnh đạo nền Giáo-dục Miền Nam Việt-Nam, Viện Việt-Học (VVH) tự nguyện và tự giới hạn mình trong vai-trò cuả một cơ-quan văn-hoá giáo-dục.  Từ 18 năm qua, Viện vẫn cố gắng thực hiện nhiệm-vụ trong một hoàn-cảnh vô-cùng khó-khăn.  Nay, VVH vẫn:

▪ Tiếp tục các công-trình nghiên-cưú cuả các vị Gs Ban Giáo-sư VVH qua các bộ môn văn-chương, ngữ-lí-học, lịch-sử, điạ-lí, văn-hoá và văn-minh Việt Nam, đặc-biệt là khơi dậy, nối mạng mạch, sức sống cuả dân-tộc trong cái tàn tro còn âm ỉ lưả hương Việt;

▪ Dành nhiều nỗ-lực về phần áp-dụng.

Chiều-hướng này, được khai triển qua việc làm phong phú nội-dung cuả thư-viện, tu-thư, xuất-bản, website và học-vụ. 

  

Các Khoá Việt-Học về sử-học, địa-lí, văn-minh văn-hoá Việt-nam, chữ Nho, chữ Nôm, Nguồn-gốc tiếng Việt, Cơ-cấu Việt-ngữ, võ-thuật (qua Lớp Võ cổ-truyền Việt-Nam – Võ Bình Định), Khoá Bổ-túc Sư-phạm, Lớp Đào-tạo Thông-dịch-viên Toà-án Hữu-thệ, Ngày Đại Học… đã được thực hiện.  Nội-dung Học-vụ còn được khai triển xa hơn qua các chương-trình Xứ Sở và Con Người, Việt-Học Đó Đây, Vui Học Lịch-sử Văn-hoá Việt, Diễn-đàn Việt-học Viện Việt-Học, Trung-Tâm Việt-Ngữ Việt-Học...  Nhu-cầu văn-hoá, giáo-dục, đồng-thời được khai triển qua các lãnh-vực như Thuyết-trình định-kì, Hội-nghị chuyên-đề,các Câu-Lạc-Bộ (CLB) dành cho nhiều thành-phần và đối-tượng khác nhau:  CLB Văn-Nghệ Viện Việt-Học (bao gồm Ban Hợp-Xướng VVH, các chương-trình Thính-phòng với nhạc chủ-đề, Giới thiệu tài-năng và các dòng nhạc mới, Hát Với Nhau, Hội-Quán Thơ Nhạc…), CLB Học-sinh Sinh-viên Thanh-niên (với Ban Hợp-Xướng Thiếu-Nhi, Ban Hợp-Ca Thiếu-Nhi), CLB Mẹ Cha và Thầy Cô Giáo, CLB Nhiếp-Ảnh Viện Việt-Học…).

   

Vưà bảo tồn được cái cốt-tuỷ cuả văn-hoá dân-tộc cùng lúc hấp thu cái tinh-hoa xứ người, góp phần xây dựng một thế-hệ người Việt mới, có sự hiểu-biết và lối tư-duy thích nghi với thời-đại để đưa đất nước và dân-tộc đi đến độc-lập, tự-do, dân-chủ và phú-cường, mà đối tượng chính, là giới trẻ Việt, gốc Việt.  Đây là đường-hướng và đối-tượng cuả Viện Việt-Học.  Trong chiều hướng này và, là một nhịp-cầu giưã các thế-hệ, Viện Việt-Học thiết-tha mời gọi sự đóng góp trí-tuệ, tài-năng, tâm-cơ cuả mọi người con Việt để cùng vun xới và làm tươi mát ngôi nhà Việt-học cho các thế-hệ mai hậu.
  

PHẠM GIA CỔN

 
blank

Về Y Học

Tốt nghiệp Đại Học Y Khoa Sàigòn (1971).

Khóa 18 Quân Y Hiện Dịch, Trường Quân Y, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Phục vụ trong Sư Đoàn Nhảy Dù/QLVNCH tới 1975, là Y Sĩ Trưởng Tiểu Đoàn I Nhảy Dù tham dự hầu hết các mặt trận trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972: trấn thủ Tam Biên, giải tỏa An Lộc, tái chiếm cổ thành Quảng Trị và là YST/LĐIIND trong trận chiến cuối cùng tại Phan Rang 1975. 7 Huy chương Anh Dũng Bội Tinh gồm 1 Ngành Dương Liễu, 1Vàng, 4Bạc và 1Đồng).

Tốt nghiệp chuyên môn Hậu Đại Học Y tại Hoa Kỳ, University of Chicago, University of Illinois và University of Florida (1982)

Nguyên Giảng sư tại Đại Học UCLA, Nam California, Hoa Kỳ, chuyên môn Anesthesiology (Gây Tê Mê), Critical care medicine (Điều Trị bệnh hiểm nghèo) và Pain Medicine (Điều trị bệnh đau nhức kinh niên).

Thành viên sáng lập & Cựu Chủ tịch Hội Y Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Thành viên sáng lập và trong Hội đồng Đại diện Hội Quốc tế Y sĩ Việt nam Tự do;

Cựu Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Gia đình Mũ Đỏ Việt Nam.

Chủ tịch sáng lập V.I.E.T. Foundation (Volunteers for Integration of Ethnic Traditions Foundation).     

“Teacher of the Year” tại UCLA (1986 & 1991) và “America’s Top Physician” (2009).

Đã tham dự và thuyết giảng tại các Đại Học Seoul (Đại Hàn), Kowloon (Hong Kong), trong các Đại hội International East/West Pain Society tổ chức tại Beijing (Trung Quốc) và Seoul (Đại Hàn), Guest Speaker tại Asian American & Pacific Islander.

- Đã thuyết trình về các đề tài liên quan đến giáo dục Việt Nam trong các buổi hội thảo tại các Đại hội: Hội Chuyên gia Việt Nam, Hội Khoa học Kỹ thuật Nam California, Đại hội Thanh niên Sinh viên Thế giới tại Melbourne (1999) và tại Sydney, Úc Đại Lợi (năm 2005).    

Về Võ học:

Chưởng môn kế thừa Việt Nam Thất Sơn Thiếu Lâm.

Hapkido 9 đẳng: Chủ tịch American Hapkido Federation; Phó Chủ tịch Jin Pal Hapkido Federation.

Taekwondo 8 đẳng.

Sáng lập Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc (2007) môn tập phối hợp Y Võ Nhạc, hướng dẫn tập luyện để phục vụ sức khỏe con người bao gồm “tinh thần, thể chất và xã hội”. Trên nửa thế kỷ, đã huấn luyện các võ sinh trên cả 3 phương diện Đức dục, Trí dục và Thể dục.  Luôn chú trọng việc chỉ dẫn Y Đức và Võ Đạo”. 

Về âm nhạc

Thành lập ban nhạc Star Band. Sử dụng Saxophone, Trumpet, Clarinet. Sáng tác nhạc.     

 

Với 3 chuyên ngành Y-Võ-Nhạc, Bác sĩ Phạm Gia Cổn đã đóng trọn vai trò trong nghĩa vụ sức khỏe con người trên cả 3 phương diện tinh thần, thể chất và xã hội.

 

Vài nét v nhc Mc Vũ PHẠM GIA CỔN

 

Hầu như chúng ta đều biết đến Phạm Gia Cổn là một bác sĩ Y khoa tuy nhiên ít người biết ông cũng là một nhạc sĩ dưới tên Mạc Vũ. Mạc Vũ bắt đầu viết nhạc từ thuở ông còn là sinh viên Quân Y. Tác phẩm đầu tay của ông là “Tiếng Mưa” đã được ca sĩ Hoàng Oanh trình bày trên đài phát thanh Quân Đội. Ông viết để nghêu ngao cùng bạn bè, viết để rồi “quên”. Sang Hoa Kỳ, ông tiếp tục viết nhạc, viết để thi vị hóa cuộc sống nghệ sĩ của chính mình. Nhạc của Mạc Vũ không nhiều, nhưng mỗi bản nhạc đều có một “chất” riêng vô cùng độc đáo của nó về cả “thơ” lẫn “nhạc”! Những ca khúc của ông đều đi ra từ thơ, thơ của bạn bè, của đồng đội, nên nhạc ông đầy hồn tính Việt, đầy tình người của một vị BS Quân Y Nhảy Dù, tình bằng hữu, tình đồng đội, tình quê hương, lòng mơ ước một ngày trở về.

 

Nhạc của Phạm Gia Cổn gồm nhiều thể loại, từ nhạc trữ tình cho đến nhạc về tình yêu quê hương. Trong cuộc đời binh nghiệp, ông đã từng là y sĩ trưởng của Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù, từng là người cuối cùng vuốt mắt tiễn đồng đội ra đi. Hai bài thơ phổ nhạc của ông “Một Ngày Mũ Đỏ, Một Đời Mũ Đỏ”, phổ thơ Hà Huyền Chi, đã được xem như bài hát “icon” cho Gia Đình Mũ Đỏ tại hải ngoại. Trong bài “Tiễn Anh”, thơ của Trần Đức Tường, Mạc Vũ PGC đã chuyển tải được nỗi đau của một người bạn tiễn một người bạn đồng đội vừa hy sinh trên chiến trường.

 

Ngoài những bài hát mang đầy hồn tính Việt, những ca khúc khác của ông đều có thêm một đặc điểm nữa là có nhiều tố chất Blue hoặc Jazz, nét đặc thù của âm nhạc Mỹ mà không phải nhạc sĩ nào của chúng ta cũng có được cùng một lúc 2 điểm đặc biệt đó.  

 

Nhạc cụ sở trường của ông là Saxophone. Ông đã tự học nhạc từ thời trung học. Sang Hoa kỳ, ông đã thành lập ban nhạc Starband, có cơ hội trình diễn và học hỏi từ các nhạc sĩ lão thành của nền âm nhạc VN (Nguyễn Hiền, Ngọc Bích, Trần Trịnh, Đinh Văn Hoàng / clarinet-tenor sax, Thanh Hùng /alto sax). Ông cũng đã từng chơi nhạc với các nhạc sĩ da đen nên nhạc của ông mang ảnh hưởng nhiều của Jazz và Blues. 

 

Nhạc Blues, kết hợp của nhạc Africa và dân ca Châu Âu, là tiếng gào thống thiết từ nỗi đau triền miên của cuộc sống nô lệ nhục nhằn. Blues mang một nỗi buồn da diết, một nỗi buồn âm ỉ, đau thương đến nát lòng.  Blues của Phạm Gia Cổn cũng có nỗi buồn, cũng da diết, nhưng nghe vẫn có cảm giác giòng nhạc blues này không phải là Blues của tuyệt vọng, của rã rời, mà nó chỉ là nỗi buồn để mà buồn. Buồn xong rồi sẽ hết, cũng như cơn mưa có dầm dề lê thê nhưng rồi cũng sẽ tạnh,  nắng sẽ lên và ngày vui sẽ đến.

 

Với tuổi đời của ông, hoặc như các nhạc sĩ cũng thế hệ như ông thì chắc chắn những bài thơ phổ nhạc này dễ bi lụy, rề rà, rên siết. Nhưng không! Người nhạc sĩ họ Phạm đã viết những giai điệu, tiết tấu nhộn nhịp, sống động, và tươi trẻ. Chùm ca khúc: “Đã một lần - Cổ tích tôi, Buổi chiều nhớ, Hai bàn tay, Buổi Sáng, Nhớ, Why I Write”... là một sự khai phá, thay vì viết giai điệu trên những tiết tấu quen thuộc, Mạc Vũ Phạm Gia Cổn đã soạn giai điệu theo tiết tấu Bossa Nova và Swing. Nhưng, dù với tiết tấu này ông vẫn làm hài hòa giữa ca từ và giai điệu. Ngồi yên tĩnh thưởng thức thả hồn theo những giai điệu lơ lửng, phiêu bồng sẽ thấy “từ” và “nhạc” như quyện lấy nhau trong những hợp âm lạ, phong phú chẳng kém gì những ca khúc Blues của Mỹ./.

 

Trích từ Đặc san Hoàng Hạc 2017

PHẠM ANH DŨNG

 

 blank

 

Sinh năm 1949 tại Hà Nội

 

Cựu học sinh Võ Trường Toản

 

Tốt nghiệp Đại Học Y Khoa Sài Gòn khóa 1969-1974 Quân Y Hiện Dịch khóa 21

 

Bắt đầu ra đơn vị Trung Đoàn 2, Sư Đoàn 3 Bộ Binh tại tháng 3 năm 1975 

 

Di tản khỏi Đà Nẵng ngày 29 tháng 3 năm 1975

 

Di tản khỏi Việt Nam đêm 29 tháng 4 năm 1975 

 

Tốt nghiệp thuờng trú (residency) về Y Khoa Gia Đình năm 1982 và hành nghề ở Hoa Kỳ hơn 36 năm.

 

Về hưu năm 2018 và hiện cư ngụ tại San Diego. 


 

Vài nét về nhạc PHẠM ANH DŨNG

Phạm Anh Dũng có lẽ là người y sĩ sáng tác nhạc được nhiều người biết đến nhất, không những vì nhạc hay, sáng tác nhiều, mà còn vì những hoạt động văn nghệ rất sinh động trên Internet.

            Phạm Anh Dũng bắt đầu sáng tác nhạc từ lúc còn rất trẻ, khoảng năm 1965. Anh sở trường về Guitar và đây cũng là nhạc cụ anh đã dùng để sáng tác. Anh đã viết được hơn 350 ca khúc , khoảng 50 bài viết cả nhạc lẫn lời, 300 bài kia là nhạc phổ thơ.

            Phạm Anh Dũng đã có 15 CD phát hành.  Một CD, “Nhạc Quỳnh Phạm Anh Dũng”, đã thu xong nhưng chưa phát hành đặc biệt gồm 17  bài nhạc viết về Hoa Quỳnh

            Những CD trên thường gồm rất nhiều thơ phổ nhạc nhưng CD cuối cùng thực hiện là “Tình Yêu Lên Ngôi” có 17 bài, đáng nói vì tất cả do chính Phạm Anh Dũng viết cả lời lẫn nhạc

            Ngoài những CD thuần túy chỉ có nhạc Phạm Anh Dũng còn có nhiều bài nhạc đơn lẻ được thu thanh trong nhiều CD khác nhau. Phổ thông nhất là “Đêm Đông, Trần Thái Hòa”, “Nửa Hồn Thương Đau, Y Phương”, “ Yêu Em Và Yêu Em, Vương Đức Hậu ”, “Tháng Bảy Chưa Mưa, Tuấn Ngọc”, “Tình Là Hư Không, Julia Thủy Volume 1”, “Quê Hương Và Tình Yêu” Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ #1… 

Bài nhạc được thính giả ưa chuộng nhất là bài “Dạ Quỳnh Hương” do anh phổ thơ của Hoàng Ngọc Quỳnh Giao, một thi sĩ, họa sĩ và cũng là một y sĩ, một nhạc sĩ. Bài nhạc này đã có một con số kỷ lục về người nghe và khen ngợi. Bài này cũng có một con số kỷ lục về số ca sĩ đã thâu CD nhạc Phạm Anh Dũng. Trần Thái Hòa đã thâu âm bài này trong CD “Đêm Đông” của  Trung Tâm Thúy Nga, và trên website của Trần Thái Hòa, ca sĩ Trần Thái Hòa đã bộc lộ rằng bài này là một trong hai bài Trần Thái Hòa đã thu âm và thích nhất từ trước đến nay. “Dạ Quỳnh Hương” cũng đã lôi cuốn được 5-6 ca sĩ khác thâu âm, từ Mỹ Châu, đến Âu Châu và Á Châu.

Bài nhạc “Gọi Mùa Thu Mơ”, lời và nhạc Phạm Anh Dũng do Duy Trác hát đã một thời được phát đi phát lại mãi trên các đài phát thanh Việt Nam ở Houston, Texas và Little Sài Gòn, Nam California.

Bài “Tình Là Hư Không”, lời và nhạc của Phạm Anh Dũng cũng là một trong những Top Hits của anh.

Phạm Anh Dũng tỏ ra có rất nhiều khả năng trong sáng tác. Những tác phẩm đầu tiên của anh nghe như nhạc tiền chiến, sau này lại thấy anh viết nhạc Blue. Bản nhạc “Nghiêng” (thơ Thơ Thơ) “nghe rất nghiêng và rất Blue” (lời một thính giả trên internet). Một lần khác anh lại cho trình làng một loạt nhạc …Huế ! Những bài như “ Huế Buồn Chi “ (thơ Hoàng Xuân Sơn),  “ Bài Thơ Tôn Nữ ”  (thơ Phạm Ngọc) “ Huế Tình Xanh Muôn Thuở “ (thơ Vương Ngọc Long)…  được rất nhiều thính giả tán thưởng ! Một điều làm nhiều người ngạc nhiên nữa là anh còn viết được nhạc có âm hưởng Dân Ca Bắc Việt ! Đó là bản nhạc “Quên” (thơ Vương Ngọc Long). Cuối cùng lại có các bài, tiêu biểu như nhạc phẩm Quỳnh, có chút màu sắc bán cổ điển Tây Phương

Phạm Anh Dũng bận rộn về đời sống hằng ngày của một y sĩ, lại nhiệt tình với những hoạt động văn nghệ trong cộng đồng, vậy mà anh vẫn hăng say sáng tác, vì theo anh, sáng tác là tình cảm được viết thành nhạc và gửi gấm đến tri âm.

 

Nguyên Bích

Houston, Texas 2018

 


TRẦN ANH DŨNG

  

blank

Sinh năm 1950 tại Sài gòn (BV Đồn Đất – Grall)

 

Cuộc đời đi học đã trải qua rất nhiều thay đổi:

 

Tiểu học: Bàn Cờ sau chuyển qua Phan Đình Phùng

 

Trung học: Theo học tại trường Lê Quý Đôn trên đường Phan Đình Phùng, nhưng nửa chừng trường bị đóng cửa, nên năm đệ Tứ thì chuyển qua một trường nhỏ ở đường Cao Thắng. Năm đệ Tam chuyển qua Petrus Ký. Năm đệ Nhất du học Hoa Kỳ tại Palos Verdes Highschool, California, xong trở lại Petrus Ký học thêm một năm Đệ Nhất

 

Vào Đại Học Y Khoa 1969 nhưng chưa ra trường thì mất nước (1975).

 

Sang Mỹ làm nghề cắt cỏ, sơn nhà, trợ tá (chưa được là y tá nữa!) trước khi được nhận vào University of California Irvine.  Ra trường năm 1979 với bằng MD.  Học tiếp 5 năm chuyên khoa về Tai Mũi Họng, Thẩm Mỹ Mặt tại USC.  Board Certified 1985.

 

Hành nghề tư tại Fountain Valley từ 1985 đến nay.

 

Giữ một chức Giáo Sư Lâm Sàng Giải Phẫu tại College of Ostheopathic Medicine, Pomona từ 1987 đến nay

 

Hiện cư ngụ tại Huntington Beach, CA

 

Lấy tên Douglas Trần Anh Dũng để ghi dấu ngày quốc gia Hoa Kỳ đã cứu sống và nuôi dưỡng mình.

 

 

Vài nét về nhạc TRẦN ANH DŨNG

 

Trần Anh Dũng đam mê đàn hát từ thời trung học, năm 17 tuổi du học tại Hoa Kỳ đã mang cây guitar hát nhạc dân ca Việt Nam khắp các tiểu bang nhưng chỉ chính thức học cho thấu đáo lý thuyết năm 1987 sau khi hành nghề y sĩ và có khả năng mua một cây piano và mướn thầy dạy.

Năm 2004 nhân một chuyến đi trên du thuyền và các bạn tổ chức một sinh nhật tập thể mới viết bài đầu tiên mừng sinh nhật cho mọi người. Từ đó Trần Anh Dũng muốn tìm hiểu thêm tại sao những khúc nhạc bất hủ có khả năng tiềm tàng trong ký ức con người và tại sao có những dòng nhạc, dù không có lời vẫn có khả năng tạo một tình cảm như phấn khởi, hối tiếc, chấp nhận,v.v… Trần Anh Dũng muốn dùng kiến thức y khoa của mình để có một công thức cho các bản nhạc: khi nào thì não muốn thay đổi và khi nào thì nó chán.  Những khúc nhạc viết ra là dụng cụ tốt nhất để chẩn nghiệm lý thuyết này.

Ngoài ta, Trần Anh Dũng viết nhạc để ghi lại những gì mình muốn nói và những cảm xúc phát sinh từ những va chạm với cuộc sống cũng như kỷ niệm đời người.  Theo lời của Nhạc Sĩ Võ Tá Hân chỉ cần đọc lời ca của bài “Vì Sao Tôi Hát” là hiểu ý của Trần Anh Dũng vì sao anh viết nhạc.

Những bài hát sau này Trần Anh Dũng viết lời bằng ngoại ngữ để phổ biến rộng rãi hơn.


 

DƯƠNG ĐÌNH HƯNG

 

 blank

Sinh năm 1939

Quê quán Hà-Nội

Cựu học-sinh Chu-Văn-An

Tốt nghiệp BS Y-khoa Huế (1969)

Tòng sự tại Tổng Y-Viện Duy-Tân Đà Nẵng (1969-1975)

Vượt biển đến Hoa Kỳ từ năm 1975

« Residency » tại Howard University Hospital, Washington, D.C. (1978-1982)

Hành nghể BS tư tại Arlington, VA (1983-2017)

Tác phẩm đã xuất bản:  “Thơ Tình” cùng Phạm Văn Hải (1995)

Chưa xuất bản:  “Thơ Tình Lục Bát”

Hai trang web:  “Một thuở rong chơi vào thơ và nhạc” www.duongdinhhung.com; tinhkhucduongdinhhung.blogspot.com

Gần 100 sáng tác đã được thực hiện, gồm những tác phẩm của riêng tác giả, những bài thơ đã được ba nhạc sĩ Nguyễn Tường Vân, Phạm Tuân và Nguyễn Ánh 9 phổ nhạc, và những bản nhạc ngoại quốc đã được tác giả đặt lời Việt.

Vài nét về nhạc DƯƠNG ĐÌNH HƯNG

 

Tôi bước vào thơ trước khi vào nhạc.  Tác phẩm đầu tiên “Thơ Tình” được xuất bản năm 1995, cùng viết với Tiến Sĩ Phạm văn Hải, một đồng môn Chu Văn An.  Một điều may mắn là những bài thơ tình đầu đời đó, và những bài thơ tiếp sau chưa được xuất bản đã được ba nhạc sĩ Phạm Tuân, Nguyễn Tường Vân và Nguyễn Ánh 9 phổ nhạc gần 40 bài.  Những bài thơ tình đó đều nói đến chuyện tình của tôi thời thanh niên.

            Sau đó tôi được ba nhạc sĩ trên khuyến khích vì các ông nhận xét trong thơ tôi có nhạc tính sẵn nên dễ phổ nhạc.  Rồi được sự chỉ dậy của nhạc sĩ Nguyễn Tường Vân và tự tìm tòi học hỏi, tôi bắt đầu phổ nhạc vào những bài thơ của mình.  Bài đầu tiên là “Bằng lăng hoa tím ngày xưa” được nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 hòa âm, phối khí và ca sĩ Bích Hiền trình bày (https://youtu.be/YQVTY4lkPc8).  Bài này được hơn hai chục ngàn người vào thưởng thức trên youtube.

            Từ đó tôi tự sáng tác những bản nhạc theo cảm hứng của mình, về một chuyện thực nào đó, một chuyện tình của bạn bè, hay những vấn đề tâm linh.  Tôi cũng bắt đầu phổ nhạc vào thơ của những thi sĩ khác, hay đặt lời cho những nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm Tuân và những bản nhạc ngoại quốc.  Gần đây để mở rộng phần học hỏi, tôi đã thực hiện những symphony từ những bản nhạc của mình.

            Có một kỷ niệm đáng nhớ với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã qua đời cách đây hai năm.  Mỗi lần sang Hoa Kỳ, ông bà và hai người con trai là nhạc sĩ Nguyễn Quang và Nguyễn Đình Quang Anh đều đến nhà tôi chơi tại VA để biểu diễn.  Tôi có tặng 8 câu thơ lục bát nói về tiếng dương cầm, mối tình đầu của ông.  Ông đã họa lại bằng 8 câu lục bát và phổ nhạc, rồi cũng tự mình ngâm và hát.  Đó là bài “Tri âm một tiếng dương cầm”.  Một kỷ niệm thật không bao giờ quên của hai kẻ tri kỷ.  Để nghe nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 hát bài  trên, quý vị có thể bấm vào đây (https://youtu.be/fbEcQu-1eXw).


 

TRẦN VĂN KHANG

 
blank

Sanh trưởng tại thành phố Hải Phòng. Thân phụ là một nhà giáo. Thân mẫu lo việc nội trợ và nuôi dưỡng các con, gồm 5 anh chị em trong gia đình.  Nội Tổ và Ngoại Tổ là những Nhà Nho, phục vụ dưới Triều Nguyễn, vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Cùng gia đình di cư vào Sàigòn năm 1954, vài tuần sau khi nước Việt Nam bị chia đôi thành hai miền Nam Bắc qua Hiệp Định Genève tháng 7, 1954.

1954-1956:  Học sinh Trường Trung Học Chu Văn An Sàigòn.

1956-1963:  Sinh viên Đại Học Khoa Học và Đại Học Y Khoa Sàigòn. Nội Trú các Bệnh Viện Sàigòn và là môn đệ về khoa giải phẫu của các Giáo Sư Trần Quang Đệ và Đặng Văn Chiếu. Tốt nghiệp Y Khoa Bác Sĩ 1963.

1963-1964:  Y Sĩ Trung Úy, Y Sĩ Trưởng Trung Đoàn 31, Sư Đoàn 21 Bộ Binh tại tỉnh Chương Thiện, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tham dự tại vài trận chiến ở Chương Thiện.

1964-1970:  Y Sĩ Ngoại Khoa Quân Y Viện Phan Thanh Giản, Cần Thơ. Y Sĩ Đại Úy.

1970-1972:  Y Sĩ Thiếu Tá Trưởng Khu Ngoại Khoa QYV Phan Thanh Giản, Cần Thơ.

1972-1975:  Chỉ Huy Phó, Liên Đoàn 74 Quân Y, Vùng 4 chiến Thuật.  Thăng cấp Y Sĩ Trung Tá 1974. Được tưởng thưởng Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương, 1974.

1975-1979:  Di tản sang Hoa Kỳ tháng 5, 1975. Tu nghiệp tại University of Nebraska Medical Center, Omaha Nebraska.  Lấy bằng hành nghể Y Khoa Bác Sĩ Hoa Kỳ từ tháng Bảy, 1976.  Mở phòng mạch tư Sutherland Medical Clinic, Sutherland Nebraska 1976-1979.  Tốt nghiệp American Board of Family Practice 1978. Bác Sĩ điều trị Great Plain Medical Center, North Plate Nebraska.

1979-2014:  Mở phòng mạch tư tại San Diego, California.  Bác Sĩ Việt Nam đầu tiên mở phòng mạch tại San Diego. Sáng lập và là Hội Trưởng Hội Y Sĩ Việt Nam tại San Diego, 1980 và nhiều năm sau. Thành viên Hội Đồng Quản Trị Hội Y Sĩ Việt Nam Tại Hoa Kỳ trong nhiều năm từ khi Hội này thành lập vào cuối thập niên 1980.

Hưu dưỡng từ tháng 4, 2014. Tiếp tục cư ngụ tại San Diego, California.

 

Vài nét về nhạc TRẦN VĂN KHANG

Yêu mến âm nhạc từ nhỏ, nhưng gia đình không cho mua đàn và cũng không cho đi học nhạc hay học đàn, e ngại đam mê âm nhạc sẽ sao lãng học hành. Ngày đó, trong đại gia đình, có một ông anh họ, đậu xong Tú Tài phần I, bỏ học, học đàn Violin luôn 7 năm mới đậu xong Tú Tài phần II.  Vì thế, tôi tự làm lấy sáo trúc, từ năm 10 tuổi, và yêu thích trình bày những nhạc phẩm như Thiên Thai, Trương Chi, Suối Mơ, rồi sau này là bài Về Miền Trung…

Bắt đầu học sáng tác nhạc qua sách vở từ thập niên 1990, khi bà xã tôi theo học một lớp nhạc tại một trường đại học ở San Diego, đem về cuốn sách The Mechanics Of Music của Roger W. Jenni.  Sau đó được sự hướng dẫn trực tiếp của Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Nam cùng sự khuyến khích và nâng đỡ của các thân hữu như Nhạc Sĩ Võ Tá Hân, Phạm Anh Dũng, Nguyên Bích, Nguyễn Minh Châu, Huỳnh Thái Bình, thi sĩ Đông Dương...  Nhiều nhạc phẩm đã được trình bày qua tiếng hát của các Ca Sĩ Hoàng Trâm Oanh, Tạ Chương, Bảo Yến, Nguyễn Nam Thư, Mai Lan Anh, Nhật Hạ, Đồng Thảo, Hà Thanh Lịch, Minh Phượng, Kyra Nguyễn, Nam Phương và các Ca sĩ cộng tác với phòng thâu âm của Nhạc sĩ Quốc Dũng.  Một số nhạc phẩm cũng được trình bày qua giọng ca của nhiều thân hữu, bà con trong họ hàng trong những dịp họp mặt… Xin tất cả nhận nơi đây lời cám ơn chân thành của tôi. Riêng người mà tôi muốn hát bài Tạ Ơn Em là bà xã tôi, người đã và đang đồng hành bên cạnh tôi trên 50 năm trong cuộc đời.  Người bạn đồng hành đã luôn khuyến khích, không bao giờ phàn nàn khi tôi dành thời giờ sáng tác, không dành nhiều thời giờ khám bệnh để thêm lợi nhuận, cũng không ngại chi phí khi làm CDs, DVD…

Nhạc phẩm đầu tay của tôi là bài Để Mình Mãi Yêu Nhau, viết tặng nhà tôi nhân một dịp kỷ niệm Ngày Cưới, và bài Luân Vũ Ngày Tân Hôn viết tặng một người cháu nhân dịp cháu tổ chức Hôn Lễ.  Một niềm vui của tôi là Nhạc phẩm Luân Vũ Ngày Tân Hôn đã được nhiều Cô Dâu, Chú Rể dùng để khai mạc Dạ Vũ trong ngày cử hành Hôn Lễ.  Nhạc phẩm Để Mình Mãi Yêu Nhau cũng đôi lần được dùng trong dip Lễ Valentine và dạ tiệc Tân Hôn.

 Khanh Phương được chọn làm bút hiệu khi viết nhạc, lấy tên hai người con của chúng tôi ghép lại.  Tôi có tổng cộng trên 60 bài nhạc, đăng rải rác trên mạng lưới.  Tác phẩm đã phổ biến gồm có 2 CDs: Tình Khúc Khanh Phương 1 (CD Để Mình Mãi Yêu Nhau), Tình Khúc Khánh Phương 2, và một DVD Karaoke Trở Về Phố Xưa.  Tất cả đều do Nhạc Sĩ Quốc Dũng hòa âm phối khí.  Những CD và DVD này chỉ dùng tặng bạn bè, không có trên thị trường.

Hầu hết các bài nhạc của tôi đều tự soạn cả nhạc và lời.  Cảm hứng lấy từ những hoàn cảnh, cảnh vật đã trải nghiệm hay cảm nhận qua hoàn cảnh của người khác, và qua vài địa danh quê hương Việt Nam.  Chỉ có 4 bài nhạc phổ từ thơ của thân hữu.  Đó là bài Một Ngày Không Có Anh thơ của Quỳnh Hương, bài Tình Đã Hoàng Hôn thơ của Trường Đinh, bài Con Thuyền Giấy (đồng soạn với nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam) thơ của Đông Dương, và bài Lời Cho Nhau thơ của Cát Biển. Chủ đề sáng tác gồm tình ca, nhạc quê hương, nhạc thân phận hay nhân sinh.  Về thể loại thì có những điệu Slow, Tango, Waltz, Boston, Bossa Nova, Rumba và New Wave…

Lúc nhàn tản, thú vui của tôi là nghe nhạc, họp bạn, đi du lịch, đọc sách đủ loại, viết nhạc, viết văn, làm thơ, chơi thể thao như quần vợt, golf, trượt tuyết một năm nhiều lần khi tuổi chưa cao.

Khi rảnh rang, mời quý thân hữu thưởng thức một số nhạc phẩm qua trang YouTube kvtmd, và các bài viết, thơ văn qua những trang Web Việt Nam Thư Quán, Chim Việt Cành Nam, Đặc Trưng…

 

 

 

 

 


 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
19/07/2007. Em hy vọng tất cả mọi người hãy nhớ lấy hôm nay mà kể từ đây em sẽ gọi là NGÀY DÂN HẬN. Và cũng xin thưa với tất cả các Đảng viên Cộng sản
Hai Tổng thống Bush và Musharraf đang ngờ, đang chờ, đang nhờ nhau" Sau khi một số Nghị sĩ Cộng Hoà bày tỏ sự hoài nghi về chiến lược Iraq
Sau 28 ngày màn trời chiếu đất, đói khát, bệnh hoạn, những người dân cùng khổ rủ nhau lên trước tòa nhà gọi là Quốc Hội của thành phố mang tên Hồ Chí Minh
Vừa nghe thông tin từ Đài Truyền hình Việt Nam: Trong đợt thi vào lớp 10 ở TP. HCM mới đây, có tới 13.000 học sinh (mười ba ngàn) đạt kết quả điểm thì cao
Dường như đảng Cộng sản Việt Nam không biết chán khi nói đi nói lại các vấn đề : Tư tưởng đảng viên đã mòn; Nội bộ Đảng đã ruỗng; Cán bộ thích làm quan
Sau 26 ngày dầm mưa dãi nắng, chịu đựng đói khát lên khiếu kiện mất nhà mất đất ở
Quốc hội Châu Âu ra Quyết Nghị định giá lại chính sách hợp tác với Việt Nam và tố cáo Việt Nam đàn áp nhân quyền và tôn giáo...
Ngày hôm qua 18, Tổng thống Bush đã tránh được một viên đạn giấy từ Thượng viện phóng ra khi viện trên của Quốc hội Mỹ vẫn không hội đủ
Cho tới 11 giờ đêm Thứ Hai 17-7, khoảng 300 công an CSVN sắc phục, vũ trang vẫn đang bủa vây đoàn dân oan biểu tình tại Saigon.
Từ khi xuất hiện tại Việt Nam tới nay, lúc nào đảng Cộng Sản cũng nói tới chuyện ‘ cách mạng, giải phóng ‘, khiến cho ai đã nghe rồi
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.