Hôm nay,  

Dự Án Chưa Thành Mà Người Đã Ra Đi

27/05/201800:10:00(Xem: 5858)
DỰ ÁN CHƯA THÀNH MÀ NGƯỜI ĐÃ RA ĐI

KS  Nguyễn văn Phảy


Ngày lễ khánh thành tượng đài Dr. Rupert Neudeck được tổ chức tại thành phố Troisdorf, Đức quốc vào thời gian vợ chồng tôi đi nghỉ hè ở vùng Cancun, Mexico. Tôi phải mua vé khứ hồi trước một tuần lễ để trở về Đức ngày 6.5.2018 cho kịp tham dự.

Ngày thứ bảy 12.05.2018 vừa qua, hơn 600 người gốc Việt từ khắp nơi trên nước Đức đã cùng nhau tề tựu về thành phố Troisdorf gần Bonn, cựu thủ đô của Cộng Hoà Liên bang Đức, để tham dự lễ khánh thành tượng đài tưởng niệm Tiến sĩ Rupert Neudeck với tấm lòng biết ơn sâu sắc đối với vị đại ân nhân đã cứu sống họ vào cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980. Nhờ Ông mà người Việt tị nạn cộng sản đã có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc trên một xứ sở tự do, nhân bản nhất, nhì thế giới. 

Buổi lễ có sự tham dự của Tiến sĩ Wolfgang Schäuble, Chủ tịch Quốc hội Cộng hoà Liên bang Đức cùng phu nhân,ông Rudolf Eich, đại diện Thị trưởng Troisdorf, Dr. Norbert Roettgen, cựu bộ trưởng bộ môi sinh. Hiện nay ông là chủ tịch Ủy Ban đối ngoại của Quốc Hội, ông Ruprecht Polenz (sinh viên cùng thời với Dr. Neudeck), bà Neudeck và người con trai là anh Marcel Neudeck và anh John Meister, con trai của một thuyền nhân đồng thời cũng là thành viên của Cap Ananmur. Ngoài ra còn có nhiều chính khách và thân hữu của Tiến sĩ Neudeck cũng hiện diện.

Tiến sĩ Neudeck là sáng lập viên của Uỷ Ban Cap Anamur năm 1979 đã cứu vớt 11.300 người Việt Nam vượt biển đầy nguy cơ chết chìm trên Biển Đông. Tiếp nối Uỷ Ban Cap Anamur, Ông thành lập Tổ chức Mũ xanh (Gruenhelme e.V.) đã xây dựng những bệnh viện tại Việt Nam và các quốc gia Châu Phi nhằm mục đích cứu chữa cho bệnh nhân nghèo khó nên dư luận thế giới rất ngưỡng mộ tấm lòng nhân ái tuyệt vời. 

blank

Tác giả tham dự lễ khánh thành tượng đài Dr. Rupert Neudeck tại Troisdorf , Đức quốc vào ngày 12.05.2018

 

Hồi tưởng lại về sự ra đi đột ngột của Tiến sĩ Neudeck đã để lại trong lòng tôi nhiều dấu ấn khó quên. Với những cơn bịnh khó có thể chữa trị, ông đã từ trần vào ngày 31.05.2016 tại Troisdorf, Đức quốc, hưởng thọ 77 tuổi.

Vào ngày ấy, qua email tôi đã nhận được tin buồn do anh Nguyễn Hữu Huấn từ Hamburg báo cũng như từ báo chí Đức trên mạng làm tôi vô cùng bàng hoàng, xúc động tận tâm can.

Cho tới ngày Tiến sĩ Neudeck từ trần, tôi vẫn mong chờ cuộc hẹn giữa ông và tôi đến gặp Đức Hồng Y, Rainer Maria Woelki (Tổng Giám Mục tổng giáo phận Köln) tại nhà thờ St. Aposteln, vào tháng 5 năm 2015 để thảo luận và thực hiện một dự án nhân đạo. Dự án còn dang dỡ mà Người đã vội lìa trần làm sao tôi không đau buồn cho được!

Để nói lên tấm lòng tràn đầy nhân ái của vĩ nhân Neudeck mà tôi rất kính phục, xin kể lại câu chuyện sau đây về cơ hội liên lạc với Ông vào tháng 5 năm 2015 để quý độc giả biết được tấm lòng thương người vô hạn, có lẽ ít ai biết. 


blank

KS Nguyễn văn Phảy và Dr. Rupert Neudeck trong buổi lễ kỷ niệm 35 năm Tỵ nạn và Tri ân nước Đức năm 2010.  

Một ngày vào tháng 5 năm 2015 khi đi công việc về, tôi thấy trên điện thoại có lời nhắn. Hoá ra anh bạn Nguyễn Hữu Huấn từ Hamburg nhắn: Hãy gọi gấp vì TS Neudeck muốn gặp anh để tham khảo một số việc.

Chưa kịp gọi thì anh Huấn đã điện thoại và cho biết Tiến sĩ đang cần gặp một cựu sĩ quan hải quân vì Huấn tuy là cộng tác viên đắc lực của Ông trong Uỷ ban Cap Anamur, nhưng, chỉ là cựu phi công. Huấn cũng là thuyền nhân được Cap Anamur vớt và định cư tại Hamburg, Tây Đức từ thập niên 1980.

Tôi liền điện thoại và gặp ngay TS Neudeck. Ông cho biết vào tuần tới, nếu không gì trở ngại, có thể cùng đến gặp Đức Hồng Y, Rainer Maria Woelki tại nhà thờ Köln hay không? Nghe vậy, tôi đoán là có chuyện gì rất quan trọng.

Tuy nhiên, tôi chưa muốn hỏi rõ lý do mà đáp: “tôi vừa về hưu, nên có thể lên Köln để gặp Tiến sĩ. 

TS Neudeck tiếp: Thế thì tốt quá. Có hai lựa chọn, hoặc anh đi xe hơi lên nhà tôi để chúng ta cùng đến gặp Đức Hồng Y trong trung tâm thành phố Köln. Hoặc anh có thể đi xe lửa lên nhà ga (Bahnhof) Köln. Tôi sẽ đón anh ở đó rồi chúng ta cùng đến gặp Đức Hồng Y. Nhà thờ Köln cũng nằm gần Bahnhof Köln thôi. Tiền chi phí di chuyển chúng tôi sẽ đài thọ cho anh.

Tôi vội đáp: thưa Tiến sĩ, tôi và gia đình được Cap Anamur I, chuyến thứ 8 cứu vớt trên biển Đông vào cuối tháng 6 năm 1980. Chúng tôi mang ơn Tiến sĩ và Uỷ ban Cap Anamur nhiều lắm. Phí tổn di chuyển đi và khứ hồi đến Köln tôi xin tự đảm trách. Sẽ đáp xe lửa cho tiện.

-TS Neudeck tiếp: tuần tới gặp nhau chúng ta sẽ trò chuyện nhiều hơn.

-Vậy, ngày nào tôi có thể lên gặp Tiến sĩ và Đức Hồng Y được?

-TS Neudeck: Vào thứ ba tuần tới hay ngày nào sau đó cũng được. Anh nhớ cho biết khi nào có thể đến ga Köln. 

Ngày hôm sau, tôi đến ga xe lửa Langen cách nhà tôi 4 km để mua một vé khứ hồi từ Egelsbach đến Köln và tức thì điện thoại cũng như email báo cho TS Neudeck biết rõ ngày giờ.

Tôi suy nghĩ lung lắm về lý do Tiến sĩ cần gặp tôi nên khá bồn chồn với bao nhiêu câu hỏi lởn vởn trong đầu. 

Từ đầu năm 2015 các cơ quan truyền thông Âu Châu đã đăng tải hình ảnh người dân vượt biển chết chìm trên biển Điạ Trung Hải ngày càng nhiều. Hình ảnh đứa bé trai khoảng 5 tuổi bị chết chìm trôi dạt vào bờ biển đã đánh động tâm can TS Neudeck và thế giới.

Tôi nghĩ đến mục tiêu, những hoạt động của Uỷ Ban và con tàu Cap Anamur vào thập niên 1980 nên trước làn sóng người vượt biển xuyên qua Địa Trung Hải đã lay động mãnh liệt tới tấm lòng nhân từ của TS Neudeck.

Phải chăng Tiến sĩ muốn thực hiện dự án cứu thuyền nhân đang thập tử nhất sinh tại Địa Trung Hải?

Từ đó, tôi hình dung Tiến sĩ có ý định mướn một chiếc tàu giống như Cap Anamur vào năm 1979 hoặc nhỏ hơn để cứu vớt những thuyền nhân vượt biển Địa Trung Hải.

Có lẽ anh Nguyễn Hữu Huấn đã nói ít nhiều về ngành hàng hải và kinh nghiệm đi biển của tôi cho TS Neudeck nghe để cần tham khảo ý kiến.

Vì thế, tôi cũng tự chuẩn bị một số dữ kiện trước khi cùng Tiến sĩ đến gặp Đức Hồng Y.

Trước tiên, tôi nghĩ ngay đến Đức Hồng Y với chức vụ cao cả trong tôn giáo nên Ngài có khả năng vận đồng tài chính để trang trãi chi phí cho công tác cứu người vượt biển. Ngài có đủ uy tín để vận động giới chính khách kiến nghị lên chính quyền thâu nhận người tỵ nạn vì lý do nhân đạo. Còn TS Neudeck sẽ điều hợp tổng thể. Phần tôi sẽ góp ý về mua sắm phương tiện liên quan tới việc cứu vớt người vượt biển, nếu trên tàu còn thiếu hoặc chưa đủ. Tôi cũng đã chuẩn bị những dữ kiện cần thiết để trình lên Đức Hồng Y và Tiến sĩ về số lượng phao cấp cứu, xuồng cao su gắn máy nổ để cứu người nhanh nhất.   

Nếu trên tàu không đủ chỗ ngủ thì có thể dựng một số lều trên boong tàu để cho người tỵ nạn nghỉ dưỡng sức sau khi được cứu vớt. Thực hiện thêm những cầu tiêu chung, nếu cần v.v. 

Còn về cấp cứu thì tôi dự trù sẽ tham khảo ý kiến thêm với đứa con trai của tôi, hiện là Bác sĩ chuyên khoa Nội thương và Cấp cứu đang có phòng mạch riêng gồm có 11 người. Chắc chắn là con trai tôi sẽ có đóng góp theo khả năng và giúp chúng tôi ý kiến về cứu thương và cấp cứu, nếu chưa có ai phụ trách phần nầy. Tôi cũng đã nghĩ đến việc đề nghị TS Neudeck lên kế hoạch kêu gọi bác sĩ, y tá thiện nguyện, tình nguyện đi theo tàu ngắn hạn để phụ trách phần cấp cứu v.v.

Còn cá nhân tôi đã về hưu, có thời giờ rãnh. Với kiến thức về hàng hải, đi biển, di tản quân dân cán chính vào những tháng đầu năm 1975 từ miền Trung vào Sài Gòn hay vào miền Nam, Việt Nam và cựu Trưởng ban Giám lộ kiêm Thám suất trên Dương vận hạm HQ 503, tôi sẽ tình nguyện đi theo tàu để giúp đỡ theo nhu cầu cứu người vượt biển nhằm đền ơn đáp nghĩa Uỷ Ban Cap Anamur nói chung và Tiến sĩ Neudeck nói riêng đã cứu vớt gia đình chúng tôi trên Biển Đông vào năm 1980.   

Một ngày trước cuộc hẹn tay ba thì TS Neudeck cho biết Đức Hồng Y chưa xác định thời điểm gặp mặt. Tôi gửi email chúc mừng sinh nhật ngày 14.05.2015 thì hai ngày sau Tiến sĩ nhắn “sẽ cho biết sớm nếu có ngày giờ hẹn với Đức Hồng Y.

Như vậy, có lẽ vì yếu tố chính trị, hoặc do trục trặc gì đó, theo ý tôi, mà chưa vận động được quốc gia thâu nhận người tỵ nạn vượt biển sau khi tàu cứu vớt nên dự án của Tiến sĩ Rupert Neudeck với sự trợ giúp của Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki vẫn chưa thực hiện.

Hôm nay 12.05.2018 khi tham dự lễ khánh thành tượng đài Dr. Rupert Neudeck, tôi khấn nguyện cho hương linh Người sớm trở về nước Chúa trong khi hình ảnh của một vị giàu lòng nhân ái mãi mãi hiện hữu trong tâm can tôi và biết bao nhiêu Boat People khác.

Germany, mùa Lễ Phục Sinh và Lễ Phật Đản

KS Nguyễn văn Phảy

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đối với người Việt Nam, Tết Nguyên Đán là ngày lễ thiêng liêng, trọng đại nhất trong năm. Trong những ngày Xuân
Nhà văn Chu Tất Tiến đã quá quen thuộc với người đọc hải ngoại: Thơ, tùy bút, truyện ngắn, tiểu thuyết…
Mưa rồi lại bão. Hết bão, mưa lại liên tục đổ xuống bang California và vùng Vịnh San Francisco suốt mười lăm ngày liền.
Sáng ngày 1-2 , tức 25 tháng Chạp, tại hội trường Thống Nhất, hay dinh Độc Lập cũ, đã có lễ mít-tinh trọng thể cấp nhà nước kỷ niệm 40 năm
Thế là sau gần nủa thế kỷ tôi lại có dịp về thăm Nam Định, thành phố vô cùng thân thương của tôi vào buổi thiếu thời.
Khoảng hai tuần vừa qua, có một lá thư, ký tên Lê Duật được gởi đi các trường đại học vùng Hoa Thịnh Đốn và vùng Đông Bắc HK
Mùa Giáng Sinh 2007 vừa rồi, khi thăm lại miền Đông nước Mỹ, tôi đã la cà ăn uống với bạn bè, trước là hàn huyên đấu láo
Xin kính chúc đồng bào trong và ngoài nước một năm mới an khang thịnh vượng. Là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hơn mười năm nay
Đáng lý ra, con phải gọi thầy là "Ngài Bộ trưởng", nhưng con nghĩ, là người dẫn đầu, chỉ đạo của ngành giáo dục
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.