Hôm nay,  

Nhớ Mãi Không Quên

25/03/201822:59:00(Xem: 6412)

Nhớ Mãi Không Quên

Tam Giang Hoàng Đình Báu

Ngày xưa lúc ở Sài Gòn, mỗi lần về thăm Huế, tôi về làng Nam Phổ ngay. Tôi như con cá được trả về sông về biển. Tôi chạy tung tăng như cậu bé lên năm lên bảy, đi đi, lại lại hết nơi nầy qua nơi khác từ những con dường mòn đến những bờ ao, bờ ruộng, con đê mà tôi đã từng đi qua vui chơi cùng bè bạn lối xóm trong thời niên thiếu.

Con đường làng gập gềnh sỏi đá đã là bạn đồng hành trong những năm cắp sách lên phố học. Sáng dậy thật sớm, mẹ tôi đã nấu cơm tự bao giờ, cơm được nén chặt vào mo cau, bên cạnh là gói lá chuối đựng muối mè đậu phụng. Tôi bỏ sách vở cùng gói cơm vào chiếc cạc- táp cũ bằng da màu vàng sậm mà ba tôi đã để lại lúc ông đổi ra tỉnh Thanh Hóa làm viêc, tôi còn nhớ những sợi kẽm nhỏ mà mẹ tôi phải khâu thêm phía dưới đít cạc- táp cho cây viết và cục tẩy của tôi khỏi lọt mất.

Hồi đó học sinh từ quê lên tỉnh học chẳng bao nhiêu, cả làng chỉ năm ba người may mắn được thi đậu vào lớp đệ thất. Sáng tờ mờ đã tụ tập trước đình làng  để cùng nhau vừa đi vừa chạy suốt đoạn đường dài sáu bảy cây số sao cho kịp  giờ vào lớp. Tối về mệt lả vì đường xa, vì đói bụng nên chữ nghĩa học được đều trả lại cho thầy. Học sinh ở quê chẳng có ai biết đi dép mà chẳng có dép đâu mà đi nên hai bàn chân cuốc bộ của tôi giống như hai bàn chân sắt tuy nhiên đôi khi cũng bị miểng sành hay đinh nhọn đâm thủng máu me tung tóe đành chịu trận.

Những ngày mưa gió, bão lụt là những ngày khó khăn nhất của đám học sinh ở quê nầy. Chiếc áo tơi bằng lá cây kè hay nói gọn là áo “tơi lá” được xem như người bạn đồng hành để chống lại cái ướt, cái lạnh tê buốt của mùa đông giá rét ở Huế.Tôi mang chiếc áo “tơi lá “ sủng nước, nặng mùi ẩm mốc vào lớp học, dựng nó vào một góc phòng bên cạnh những chiếc áo mưa bằng ni lông của các học sinh ở thành phố. Hồi đó tôi mê có được một cái áo mưa bằng ni lông như thế nhưng mãi đến năm 1954 tôi mới thật sự đi học bằng đôi dép Nhật và khi trời mưa tôi mới được choàng lên vai tấm nhựa ni lông màu xanh dương.

Trong những dịp nghỉ hè, tôi bận rộn với mẹ tôi trong việc đồng áng. Tôi phải đi chăn trâu, cắt cỏ khi người làm cho gia đình tôi bận việc. Mỗi ngày tôi phải cắt hai gánh cỏ non cho hai con trâu một trâu cái, một trâu đực. Con trâu cái tên Giống, con trâu đực trên Mã. Con Giống hiền, con Mã hung dữ, nó là con trâu chém lộn nổi tiếng trong làng do đó tôi không khi nào dám cửi lên lưng con Mã. Ngược lại tôi thường cởi con Giống vì nó đi đứng nhẹ nhàng, không tuông chạy bất thường và biết vâng lời khi tôi điều khiển nó.

Ngày nào được mẹ bảo chăn trâu thế cho người chăn trâu về thăm quê ít ngày thì tôi vô cùng sung sướng vì được một mình dẫn trâu ra đồng ruộng, được đưa trâu ra tận bãi tha ma Mồ Giếng nơi đây có một cái giếng nước trong quanh năm, đến mùa nắng hạn, dân làng thường ra đây lấy nước về dùng.Ngoài giếng nước trong, nơi đây còn có cỏ non nên hằng trăm con trâu lớn bé được dẩn ra đây ăn để lũ chăn trâu rãnh thời giờ vui chơi. Với lũ chăn trâu mặt mày lem luốt, ăn nói bậm trợn, liều lĩnh nhưng đôi khi dễ thương. Bãi tha ma lâu đời nầy rộng cả chục mẫu đất với hằng nghìn mồ mã lớn nhỏ, có cái bằng cái nón, có cái to bằng sân nhà. Chính cái nhà mồ to lớn nầy là nơi lũ chăn trâu thường tụ tập để đánh bi, đánh đáo hay đánh cù. Để trâu ăn cỏ, tôi theo chúng vui đùa, theo chúng đi bắt cá bắt cua  cho đến chiều mới dẫn trâu về. Có lần đang ngồi trên mình con Giống, thình lình nó lội xuống bờ ao uống nước thì đầu tôi cũng chúi xuống ao, hai chân tôi vướng vào cặp sừng của nó,bỗng đầu nó ngẩng lên làm tôi lộn một vòng xuống ao. Đây là lần tôi khiếp nhất và nhớ mãi đến bây giờ.

Làng tôi nằm dọc con đường cái từ làng Vĩ Dạ xuống tận cửa biển Thuận An, Huế. Phía sau làng là cánh đồng lúa với nhiều con rạch dẫn nước vào ruộng và những con đê chạy song song. Trên đê là hàng tre xanh để ngăn những cơn gió mạnh từ biển thổi vào. Con đê và con rạch nầy là nguồn vui của những đứa trẻ trong những ngày rãnh rỗi hay những buổi trưa hè. Tôi cũng ra bờ ao câu cá, nhiều lúc câu cả buổi chỉ được vài con cá nhỏ đành vác cần câu về nhưng lòng lại vui vì được đi thảnh thơi giữa đồng ruộng bao la xanh mát. Khi mùa khô hạn, tôi lại đi tác ao, tác đìa bắt cá,bắt cua.

 Vào những ngày lúa làm đồng, trổ hoa, đồng ruộng trở thành những thảm lúa xanh, vàng óng ánh từ bờ tre cho đến tận chân trời. Lúc nầy mò cua bắt ếch dọc bờ đê lại vô cùng ly kỳ.Có lần tôi thọc tay vào một hang đụng phải đầu một con rắn mà tôi tưởng là đầu con ếch nhưng khi kéo ra thì là con rắn nước, nó chỉ cắn vào đầu ngón tay làm tê buốt chứ không nguy hiểm.

Sau cánh đồng lúa làng tôi có một ngôi chùa nhỏ không có thầy trù trì nhưng có hai cha con ở phía sau để nhang khói. Ngoài việc trông coi chùa, hai người nầy còn mở lớp dạy võ  cổ truyền Việt Nam nên các thanh niên quanh vùng thường đến học võ vào buổi tối sau sân chùa. Người cha cao lớn nhưng gầy,người con bằng tuổi tôi, không đi học chỉ ở nhà giúp cha dạy võ và nuôi một bầy vịt đẻ. Thỉnh thoảng tôi gặp hai cha con đưa vịt ra đồng ruộng ăn, chiều đưa đàn vịt vào chuồng. Sau nầy lúc đi tù cải tạo về, tôi về Huế thăm gia đình thì được biết ông thầy dạy võ đã mất, người con nối nghiệp cha và trở thành một võ sư nổi tiếng nhất Việt Nam thời đó.

Làng tôi Nam Phổ còn có một món ăn độc đáo, đó là bánh canh tôm cua nổi tiếng khắp chốn thần kinh, gọi là Bánh Canh Nam Phổ. Tại khu phố Bolsa ở miền Nam California cũng có nhiều tiệm bánh canh Nam Phổ.

 Lúc còn nhỏ, cứ mỗi chiều, một đoàn người toàn là các cô gái quê đôi mươi mặc áo dài ( áo  phần trên vải trắng, phần dưới vải nâu) nối đuôi nhau gánh hai nồi bánh canh nặng đi lên thành phố Huế để bán. Các cô gái nầy khoẻ mạnh, buôn gánh bán bưng nhưng rất lễ phép theo truyền thống, khuôn phép từ thế hệ nầy sang thế hệ khác. Dù hai vai gánh nặng,các cô vẫn cởi mở, thân thiện và hiếu khách. Các cô bước đi nhanh mà dịp nhàng trong lúc hai nồi bánh canh sáng choang nhẹ nhàng đong đưa mềm mại theo đôi gióng và chiếc đòn gánh trên vai.

Nghề bán bánh canh Nam Phổ là nghề gia truyền của người dân làng Nam Phổ.Mẹ tôi và các chị em tôi thỉnh thoảng cũng bày nấu bánh canh. Nấu bánh canh muốn ngon cũng lắm công phu từ việc pha bột cho đến việc làm tôm cua và nêm nấu…

Các bạn thấy đó.Ca dao có câu “ Con gái Nam Phổ ở lỗ trèo cau”, nhưng thật sự người con gái làng Nam Phổ không ở truồng trèo cau đâu.Làng Nam Phổ là làng trồng cau nhiều nên mỗi buổi sáng thức dậy các nàng muốn chứng tỏ mình giống mẹ đảm đang việc nhà, trong ngoài đều quán xuyến nên vừa ra sau vườn vừa ngồi xuống tè vừa nhin lên mấy cây cau xem buồng cau nào đến lứa để thuê người đến lột. Câu “ Gái Nam Phổ ở lỗ trèo cau” nói lên cái uy của người con gái làng Nam Phổ dám làm những điều mà đàn , con trai Nam Phổ không làm được.Tham công tiếc việc,công dung ngôn hạnh người con gái Nam Phổ đều có hết, người con trai làng Nam Phổ thua xa. Điều nầy không phải tôi nói thêm đâu. Vì các chú rễ nào ở Huế mà có nàng dâu là người làng Nam Phổ thì biết rõ hơn tôi.

Hằng năm vào mùa nước lũ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, Huế đều có tổ chức đua ghe trên sông Phổ Lợi, đoạn từ chợ Nọ đến trước mặt huyện Phú Vang.Đến ngày dự thi các làng của huyện Phú Vang đều  gửi ghe về tham dự.Trước khi tham dự các ghe đều được đóng một cách công phu, có chạm rồng trước mũi,phụng sau lái và trước khi hạ thủy ghe  được đặt trước chánh điện của đình làng để dân chúng trong làng đến chiêm ngưỡng, khấn nguyện, cầu xin thần làng phò hộ cho đân làng gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

Vào thời tôi, dân chúng Nam Phổ hầu hết theo đạo Phật, nhà nào cũng là cái am nhỏ nằm trong khu vườn cau xanh rậm rạp. Đêm đêm, tiếng chuông, tiếng mỏ hòa với tiếng tụng niệm từ những căn nhà tranh ẩn khuất trong xóm vắng.Một thời gian tôi đã lớn lên trong tiếng chuông ngân và tiếng mỏ nhịp  mỗi đêm của mẹ tôi và của hàng xóm. Tôi nhớ lắm thời xa xưa đó, một nơi bình yên đã mất.

Năm 2001, tôi về Huế nhân lúc mẹ tôi lâm trọng bệnh. Trở lại căn nhà xưa, gặp lại mẹ tôi khi bà đang hôn mê trên giường bệnh, gặp lại chị em và bà con thân thuộc sau bao năm xa cách. Nhìn lại cảnh cũ người xưa tôi không sao kìm hảm bao cảm xúc. Sau một tuần trong căn nhà cũ mà từ lúc nằm nôi cho đến khi hai mươi tuổi xa nhà, nay tôi được nhìn lại, tưởng nhớ bao kỷ niệm như còn đâu đây.Tôi bước ra sau cánh đồng và phóng mắt nhìn về con đê, con rạch và lũy tre làng nhưng tôi không sao đủ can đảm cởi đôi giày đang mang để băng qua con đường đất lầy lội để đến tận nơi, nhìn tận mắt cái không gian mà tôi đã để lại đằng sau. Tôi cũng không dám đi bộ trên con đường cái mà bao năm là bạn đồng hành của tôi đến trường Quốc Học, Huế vì nay con đường đầy xe cộ, mịt mù cát bụi và không còn những cây sầu đông đầy hoa tím mà tôi yêu thích.

Tôi tự nghĩ có lẽ mình không còn liên quan gì đến xứ sở nầy nữa, hay mình chỉ là người xa lạ ở một nơi nào đó vừa mới đến nơi đây mặc dầu tai tôi vẫn nghe ngoài bờ tre vọng lại tiếng chim cu và trong vườn nhà ai vẫn có hoa bưởi hoa cau trắng xóa lẫn với hoa mai vàng đang nở rộ đón xuân về. Và tôi cũng còn rung động khi nhớ lại hồi đó cứ mỗi lần mưa rơi tầm tả, mấy bạn học cùng làng Nam Phổ phải chạy lúp xúp trên con đường nầy dưới cơn lạnh để kịp đến trường.

 Dù thời cuộc thay đổi, cuộc sống của mẹ tôi  vẫn bình dị như bao phụ nữ quê ở Huế. Nay mặt bà, đôi tay bà đầy vết nhăn của thời gian nhưng bà vẫn im lặng chịu đựng bên cạnh vườn cau bụi chuối. Đã nhiều lần tôi đề nghị lãnh mẹ tôi qua Mỹ sống nhưng bà từ chối vì bà quen với lối sống ruộng vườn và con cháu. Gần một trăm năm sống tại căn nhà nầy mẹ tôi đã chứng kiến bao thay đổi, bao nghiệt ngã của gia đình và của đất nước, nhưng nay bà đang hạnh phúc bên con cháu vào giờ phút lâm chung.

Riêng tôi vẫn nhớ mãi những kỷ niệm không quên.

 

Cali ngày 23 tháng 3 năm 2018

Tam Giang Hoàng Đình Báu

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Vào ngày đầu năm dương lịch, quân phiến loạn tại Philippines đã bất ngờ tấn công một mỏ đồng tại khu vực Nam Cotabato ở miền Nam đảo Mindanao
Ngày 2 - 12 - 2007, Quốc vụ viện Trung quốc tuyên bố, lấy đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thành lập chung vào huyện Tam Sa, thuộc đảo Hải Nam
Trong những ngày gần đây Uỷ Ban Nhân Quyền Việt Nam chúng tôi liên tục nhận được các thông tin về việc một số các tù nhân chính trị và lương tâm
Ngày nay thì mọi giới quyền lực truyền thông đều thừa nhận về mục tiêu và giá trị của hoạt động truyền thông; nhưng trên thực tế thì đã hình thành
What America Must Do”. Đó là nhan đề của một bài báo đăng trên Tạp chí Foreign Policy số January/February 2008 ( www.foreignpolicy.com ) đưa ra ý kiến
Thật không có năm nào nhộn nhịp như cuối năm 2007, khi mà báo chí, đài phát thanh, các chương trình TV phát hình, các báo trên liên mạng
Điện thoại reo liên hồi, những người ở rất xa, vừa biết tin giờ chót có Đêm Thắp nến Tưởng niệm 40 năm
Trong niềm hân hoan chào đón một mùa Xuân mới, các Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh Miền Đông HK
Khi nhìn sâu vào một trái cam, không cần ánh sáng của khoa học, ta cũng có thể thấy rõ trái cam được làm bởi rất nhiều điều kiện như là: đất, nước, gió, mây
Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo  thông báo: Phòng mạch Bác Sĩ tại 3610 W. First ST, # G Santa Ana, CA 92703 khám bịnh cho toa miễn phí giúp đồng đạo
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.