Hôm nay,  

Bất Ổn Xã Hội Tại Trung Quốc

21/12/200500:00:00(Xem: 10289)
- Những bất ổn xã hội xảy ra tại Trung Quốc trong năm qua, sẽ có những ảnh hưởng và kinh nghiệm nào cho Việt Nam"

Tiếp tục loạt bài tổng kết kinh tế của năm 2005 để mở ra chân trời 2006, phóng viên Việt Long của Diễn đàn Kinh tế RFA trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa như sau.

Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, sau khi đã điểm qua một vòng thời sự kinh tế năm qua, từ đồng Mỹ kim và ảnh hưởng đến kinh tế Đông Á tới những trở ngại trong luồng thương mại tự do toàn cầu, tuần này, chúng tôi xin đề nghị là ta sẽ duyệt lại thành quả và vấn đề của kinh tế Trung Quốc. Trên diễn đàn này, ông đã nhiều lần phân tách là kinh tế Trung Quốc sẽ phải hãm đà tăng trưởng và nhiều mâu thuẫn bên trong có thể phá tác thành động loạn xã hội. Cho đến cuối năm, ông thấy tình hình đó ra sao"

- Từ đầu năm nay, lãnh đạo Trung Quốc đã nói đến yêu cầu là phải hạ nhiệt nền kinh tế, tức là giảm bớt tốc độ tăng trưởng. Kết quả ấy đã không đạt được vì đầu tư tiếp tục tăng đến đầu quý bốn. Hậu quả là qua năm 2006, hiện tượng sản xuất thừa sẽ dẫn đến nạn giảm phát, là hàng họ hạ giá mà bán không được, có thể thấy ở chỉ số giá cả sản xuất và giá cả tiêu dùng. Tình trạng ấy có thể kéo dài đến năm 2007. Về ảnh hưởng của sự kiện trên thì ta đã thấy yêu cầu xăng dầu sút giảm tại Hoa lục, qua năm tới, giá dầu thô sẽ còn giảm mạnh hơn.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là năm 2005 sắp kết thúc cũng là năm mà động loạn xã hội đã tăng và trở thành công khai từ nhiều tháng qua. Đi cùng hàng loạt tai nạn về môi sinh và lao động, ta bắt đầu thấy ra mặt trái của điều gọi là sự kỳ diệu kinh tế Trung Quốc. Điều ấy đáng lẽ phải khiến giới lãnh đạo Hà Nội chú ý vì cũng có thể xảy ra tại Việt Nam nay mai.

Hỏi: Như vậy, chúng tôi xin đề nghị là ta sẽ đi vào từng phần của vấn đề. Trước nhất là về mặt sản xuất kinh tế, kế tiếp là nạn bất ổn xã hội, sau đó mới là những bài học cho Việt Nam.

- Thưa vâng, về mặt sản xuất thì Trung Quốc có muốn hãm đà tăng trưởng mà không đủ, hôm 19, Bộ trưởng Thương mại Bắc Kinh cho biết kinh tế sẽ tăng trưởng toàn năm 2005 là 9%. Thứ nhất, dù thống kê kinh tế của xứ này chưa có mức khả tín cao - như hôm 20 Cục Thống kê lượng định là tổng sản lượng kinh tế năm ngoái bị tính thấp mất 300 tỷ Mỹ kim - ta cũng thấy là sản xuất về năng lượng, một phương tiện sản xuất then chốt, có giảm đà gia tăng so với năm ngoái, từ hơn 16% còn có gần 15%; tiêu thụ về năng lượng giảm đến 30%. Mức nhập khẩu cũng giảm nhiều, năm ngoái tăng gần 37%, năm nay chỉ tăng khoảng 17%, và nếu giảm trừ phần nhập khẩu để tái xuất khẩu thì yêu cầu nhập khẩu cho nội địa thực sự tăng có 10%. Nói chung, sản lượng kinh tế tại các tỉnh duyên hải đã giảm từ 20 đến 30%. Chiều hướng này còn tiếp tục thêm vài năm nữa thì nền kinh tế mới đi hết chu kỳ hạ nhiệt và từ nay đến đó, ta sẽ có nguy cơ giảm phát. Nguy cơ ấy càng đẩy mạnh nạn thất nghiệp.

Hỏi: Và tình trạng ấy càng gây thêm sức ép về xã hội phải không" Thưa ông, xin đề nghị là ta bước qua phần bất ổn xã hội mà ông thấy là đã gia tăng mạnh trong năm qua.

- Thưa giới phân tách tình hình kinh tế, xã hội và chính trị Trung Quốc ngày càng nói đến một điều trước đây cứ khỏa lấp, là nạn biểu tình và bạo động đã liên tục gia tăng. Khi bộ Công an nói là có 74 nghìn vụ biểu tình bạo động trong năm qua, tức là gấp 10 con số mươi năm trước, ta phải thấy là sự thể đã thành phổ biến đến mức đáng ngại, và hết che giấu nổi báo chí.

Hỏi: Những vụ bạo động vừa xảy ra từ nhiều tuần qua có thể chứng minh điều ấy không"

- Thưa vâng, gần đây nhất là hôm Thứ Sáu 16 vừa rồi, Tòa án thành phố Hàm Đan của tỉnh Hà Bắc đưa một đảng viên cao cấp và hai nghi can dân sự ra xử vì tội bạo hành với nông dân làm sáu người bị thiệt mạng hồi tháng Sáu. Trước đó là vụ đàn áp biểu tình đầu tháng 12 tại làng Đông Châu của tỉnh Quảng Đông khiến ba thường dân thiệt mạng - con số từ phía dân chúng là 20 người. Điều đáng chú ý là báo chí Hoa lục loan tin đó và dù nhà chức trách có phủ nhận mức độ trầm trọng rồi quy tội bạo loạn cho nông dân thì việc chính quyền loan báo biện pháp kỷ luật với người chỉ huy lực lượng Công an Vũ trang cũng cho thấy là công an có nổ súng và dân có chết oan. Từ vụ tàn sát Thiên an môn năm 1989, đây là lần đầu mà ta có nạn công an nã súng vào dân. Nếu theo dõi kỹ tình hình thì suốt năm qua, hầu như nơi nào cũng có những vụ khiếu kiện tập thể dẫn đến biểu tình, nông dân cô lập nhiều đồn bót công an và bị đàn áp.

Hỏi: Trước khi chuyển qua phần ba là những bài học cho Việt Nam, ông có thể nào giải thích những hiện tượng như vậy không"

- Chính là những giải thích này mới đáng chú ý cho Việt Nam. Chúng ta không quên là từ mấy tuần qua, Trung Quốc cũng liên tục bị tai nạn về môi sinh và lao động, nhà máy hay hầm mỏ bị nổ, công nhân bị chôn sống, độc tố lan chảy từ sông Tùng Hoa vào Hắc Long giang, v.v… Hiện tượng ấy đi cùng nạn biểu tình bạo động có cho thấy mặt trái của mô thức phát triển tại Trung Quốc và cũng giải thích vì sao họ khó hạ nhiệt kinh tế để hạ cánh an toàn.

Trung Quốc có nền kinh tế đi xe đạp, xe không lăn bánh thì đổ. Như hai cái bánh xe, hai động lực chìm bên dưới tình trạng bất ổn thường trực ấy là đất đai và tham nhũng. Doanh trường xứ này là doanh trường màu hồng, của đảng viên cán bộ và thân tộc ta gọi là "tư bản đỏ". Họ dùng phương tiện nhà nước và quan hệ chính trị đi kinh doanh, có khi liên doanh với nước ngoài, và chồng chất lên nhau các dự án ít giá trị kinh tế mà nhiều rủi ro môi sinh. Điều họ thiếu để phát triển theo lối lao về phía trước chính là đất đai.

Trên nguyên tắc do trung ương đặt ra, khi giải phóng mặt bằng hay chuyển đất chuyên dùng về nông nghiệp qua công nghiệp thì phải bồi thường cho nông dân đang có quyền sử dụng đất. Ở trên có quy định việc đền bù ấy chứ chẳng phải không, nhưng ở dưới không chấp hành mà còn bỏ túi. Dân đành nổi loạn.

Hỏi: Nhưng, chính quyền trung ương ở trên không biết hay sao"

- Tất nhiên là có, hồi đầu tháng 10 Hội nghị Ban chấp hành Trung ương kỳ năm đã đề cập tới vấn đề ấy. Xưa nay, mọi biến động chính trị đều bùng nổ từ việc nông dân nổi dậy. Nay 800 triệu nông dân là thùng thuốc súng vĩ đại khi lợi tức đồng niên của họ chỉ bằng một phần ba lợi tức cư dân thành thị. Đảng Cộng sản Trung Quốc thành công nhờ nông dân nên có lưu ý đến nguy cơ ấy và chỉ thị cho các tỉnh phải giảm bớt thuế và đền bù thỏa đáng cho nông dân khi truất hữu đất đai của họ. Nhưng, các tỉnh không chấp hành vì sợ thiếu ngân sách và cán bộ địa phương thì chặn tiền ở trên xuống mà không đưa cho dân, họ coi đó là tích lũy tư bản.

Ở trên dù có biết cũng chẳng thể làm gì vì một yếu tố đặc thù của hệ thống chính trị Hoa lục: đó là các tỉnh làm giàu nhờ sức bành trướng của loại doanh trường màu hồng và vô trách nhiệm về môi sinh và lao động như vậy. Tập đoàn ấy lại cấp dưỡng cho đảng viên ở trên và còn đề cử đại biểu vào Trung ương đảng. Mạng lưới cấu kết vừa kinh tế vừa chính trị, vừa đặc lợi vừa đặc quyền, là thuộc tính của chế độ khiến Bộ Chính trị ở trên, từ Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đến Thủ tướng Ôn Gia Bảo, có biết cũng phải bó tay.

Hỏi: Nhưng chẳng lẽ họ không làm gì cả" Tình trạng này làm sao kéo dài mãi mãi được"

- Tôi thiển nghĩ là ở trên giải quyết bằng cách cũng… đi xe đạp. Tức là vẫn lăn bánh mà lách cho khỏi đổ. Cụ thể là lâu lâu đem ra vài vụ xử làm gương. Vừa xử đảng viên cán bộ cấp thấp, để chứng tỏ là đảng có thấy nỗi oan của dân, vừa thẳng tay với dân nổi loạn để kẻ khác hết dám bắt chước. Lối trì hoãn ấy cho phép đảng khỏi phải giải quyết vào cốt lõi vấn đề, là sự cấu kết trên-dưới. Nhưng nó không bền và trái bom nổ chậm này có ngày sẽ nổ.

Hỏi: Câu hỏi cuối ở đây, thưa ông, thế giới có thấy ra điều ấy không, khi dư luận bên ngoài chỉ nói đến tốc độ tăng trưởng 9-10% và sức mạnh kinh tế Trung Quốc đang đe dọa xứ khác"

- Giới quan sát quốc tế tại Trung Quốc nhìn vào thực tế xứ này qua cửa sổ của các khách sạn lớn tại thành phố, qua loại dự án sản xuất ào ạt bất kể tới nhiều phí tổn ẩn tàng bên dưới. Hệ thống ngân hàng Trung Quốc có một núi nợ xấu và sẽ mất, trị giá cỡ 600 tỷ Mỹ kim. Số nợ ấy được nhà nước quét qua các tập đoàn tài chính cũng của nhà nước để ngân hàng có sổ sách sạch sẽ, rồi bán phần hùn cho các ngân hàng nước ngoài. Thành tựu bề mặt ấy che giấu sự thể là nông dân bị cướp đất và tiết kiệm của dân gửi vào ngân hàng đã thành giấy lộn.

Người hiểu rõ tình trạnh ấy chính là đảng viên cán bộ Hoa lục, họ lặng lẽ chuyển tiền thu vét được ra ngoài. Trái phiếu của Mỹ chẳng hạn, là bến đậu an toàn cho họ. Nhà cửa miền Tây Hoa Kỳ và Canada có vọt lên giá từ mấy năm nay một phần cũng vì hiện tượng giác ngộ để phòng thân của thành phần này. Từ bên ngoài, khi thấy có lợi thì chẳng ai phàn nàn cả.

Hỏi: Bây giờ, ta mới nói về đề mục thứ ba là những bài học cho Việt Nam trong thời gian tới"

- Bài học đầu tiên tôi thiển nghĩ là nên nhìn ra mặt trái của tấm huy chương Trung Quốc để khỏi phạm những lỗi lầm của họ và đừng say đòn khi được ngoại quốc ngợi khen như đã ngợi khen Trung Quốc. Hoặc như đã khen ngợi Nhật Bản hai chụcnăm về trước.

Khối dự trữ ngoại tệ của Bắc Kinh là 600 tỷ chỉ bằng số nợ của ngân hàng Trung Quốc, là 50% tổng sản lượng nội địa trong cả năm. Việt Nam có tấm nệm dày như thế để phòng khi xe bị đổ chăng" Đó là bài học tiêu cực cần rút tỉa. Bài học tích cực là nên tiến xa và mau hơn.

Trước hết, nên quan tâm đến mức sống nông dân và giới bần cùng và ưu tiên nâng đỡ lợi tức của thành phần này vì là thị trường tiêu thụ nội địa đáng kể nếu thị trường xuất khẩu bị trở ngại và vì cái lẽ công bằng của xã hội. Muốn vậy, việc đền bù đất đai phải được giải quyết sòng phẳng trong khi cố tìm ra công ăn việc làm cho họ. Sau cùng, phải sớm cải cách chế độ chính trị để chấm dứt hiện tượng toa rập trên dưới, giữa đặc quyền chính trị ở trên với đặc lợi kinh tế ở dưới. Ấy là nạn tham nhũng chính trị, xuất xứ của tham nhũng tài chính được Việt Nam nói đến từ cả chục năm nay mà chưa có kết quả và không thể có kết quả.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
..để cho ngần ấy nước xâu xé khai thác tài nguyên nên mới bị khủng hoảng. Ép mãi sức dân thì sẽ gây sức bật...
Nhật báo The Canberra Times hôm Thứ Hai 1-10-2007 đã có bài tường thuật về buổi lễ cầu nguyện cho nhân dân Miến Điện
Các đối tác quảng cáo thuộc truyền thông sắc tộc của Flex Your Power đang gởi đi các thông điệp báo động tình trạng hâm nóng địa cầu
...để cho ngần ấy nước xâu xé khai thác tài nguyên nên mới bị khủng hoảng. Ép mãi sức dân thì sẽ gây sức bật...
Xe chạy loanh quanh mấy vòng mà vẫn chưa có chỗ đậu. Tứ phía đông nghẹt. Tờ chương trình trong tay
Cuộc khủng hoảng nguyên tử giữa Bắc hàn và Hoa Kỳ bắt đầu từ cuộc sụp đổ của Liên bang Xô viết đầu thập niên 90’s của thế kỷ 20
Mới đây, có người quen hỏi tôi nguyên nhân nào đưa đến sự thống nhất nước Đức" Đây cũng đề tài một bài báo mà tôi đã  viết và đăng trên Việt Báo
Cuộc khủng hoảng nguyên tử giữa Bắc hàn và Hoa Kỳ bắt đầu từ cuộc sụp đổ của Liên bang Xô viết đầu thập niên 90’s của thế kỷ 20
Chúng tôi rất hân hạnh được gặp gỡ để hầu chuyện với quý vị hôm nay tại nơi đây, vì mỗi người chúng ta đang đi tìm hiểu về giá trị và ý nghĩa đích thực của sự sống.
Sau hơn 30 năm, người Việt tại Mỹ đã đạt được những thành công rực rỡ. Ngành nghề nào cũng có bóng dáng người Việt đứng đầu.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.