Hôm nay,  

Nhớ Huy Trâm, Bạn Tôi, Nhân 49 Ngày Bạn Ra Đi...

03/02/201800:00:00(Xem: 5371)
HUY TRAM
Ông Bà Huy Trâm trong ngày ra trường của con trai út, Nguyễn Tài Sơn Kim (2002).

 
Huy Phương
 

Ở Quận Cam này, nhiều người cứ gọi nhầm tôi với hai người bạn, có một nửa cái tên giống tôi, một là Huy Trâm và người kia là Nguyên Huy. Ông Huy Trâm là dân Bắc Kỳ, trong khi tôi là dân Huế nhưng lại là bạn thân với nhau, chẳng qua là nhờ thời gian Huy Trâm học chung trường Trung Học Khải Định ở Huế, nhưng không phải chung lớp. Thời gian tôi học đệ Tam cùng lứa (promo) với Đỗ Anh Tài, Bùi Bích Hà… thì Huy Trâm học Đệ Nhị, lớp với Nguyễn Xuân Thiệp và Tạ Ký đang học Đệ Nhất.

Chúng tôi có ấn hành một đặc san tên là “Niềm Tin” do Đỗ Anh Tài làm chủ bút, học đòi văn chương nên chúng tôi rất dễ thân nhau.

Trước hiệp định Geneve, thân sinh Huy Trâm là Chánh Án Nguyễn Mạnh Nhụ đổi vào làm việc ở Quảng trị, buồn xa nhà, ông muốn đem một đứa con trai theo, và Nguyễn Hồng Nhuận Tam tình nguyện đi theo bố. Nhưng thời gian đó. Quảng Trị chưa có lớp Đệ Nhị II, nên Huy Trâm phải vào Huế. Lúc dầu Huy Trâm theo học trường công giáo Thiên Hựu (Providence) nhưng sau đó chuyển sang trường Trung Học công lập Khải Định.

Thời gian có cuộc di cư, thân phụ Huy Trâm vẫn còn ở Quảng Trị và Huy Trâm đang ở Huế, tất cả việc di chuyển của gia đình từ Hải Phòng vào Saigon đều do bạn của Ông Cụ là Ông Nguyễn Văn  Chiểu, anh ruột của LS Nguyễn Văn chức, Tỉnh trưởng Ninh Bình lo liệu.

Sau khi ông Cụ ra khỏi ngành, đổi về Saigon làm Giám Đốc Nha Báo Chí Bộ Thông Tin, (thời ông Lê Quang Luật) thì Huy Trâm vẫn còn học ở Huế và một chuyện “không may” đã xẩy ra cho Huy Trâm. Hôm ấy hai đứa chúng tôi đi xe đạp từ Bến Ngự về, ngang qua nhà sách Uyên Bác, Huy Trâm rủ tôi ghé vào chơi ( hay giả vờ xem sách.) Lúc bước ra đường, chưa leo lên xe đạp, thì Huy Trâm bước loạng quạng rồi té xuống mặt đường. Thì ra bạn tôi “say nắng” vì tình đơn phương với một cô em của Hà Thanh (Uyên Bác là nhà sách của gia đình Hà Thanh) nên mới gặp mặt nàng, Huy Trâm đã lên cơn nhức tim, bất tỉnh tại chỗ, may mà chưa đến nỗi truỵ tim.

Tôi gọi xích lô đưa Huy Trâm vào bệnh viện, đến bệnh viện là Huy Trâm đã lai tỉnh. Ngay hôm sau ông Cụ từ Saigon bay ra Huế thăm con, và tối hôm đó ông Cụ dắt tôi và Huy Trâm đi ăn bữa ăn tối tại nhà hàng Quốc tế trên đường Gia Long (dân Huế gọi là Ngã Giữa.) Là con nhà nghèo, đây là lần đầu tiên trong đời, tôi được dự một bữa ăn sang trọng nhớ đời.

Năm sau, lúc tôi vào Saigon học Sư Phạm thì Huy Trâm cũng xong Tú Tài về với gia đình ở thành phố Mỹ Tho là nơi Ông Cụ đang làm việc.

Thời gian này, ở Saigon buồn vì xa nhà, thỉnh thoảng cuối tuần tôi lại đi AutoRay xuống Mỹ Tho chơi với Huy Trâm. Loại xe lửa một toa này chỉ chạy đến Mỹ Tho, giá vé chỉ bằng một tô phở. Nhà Huy Trâm nhìn ra bờ sông và rất gần đường xe lửa. Ngôi nhà xây theo kiểu Tây xưa, rất nhiều phòng. Hồi ấy, Huy Trâm đang dạy một trường trung học tư ở Tầm Vu- Long An, và anh Nguyễn Hồng Nhuận (sau này là luật sư) đang học ở Saigon, cuối tuần mới về nhà, ở nhà chỉ có 5 cô em gái đang học ở Mỹ Tho.

Bữa cơm tôi được ngồi ăn chung với gia đình, nhưng cho đến giờ này tôi cũng chưa phân biệt được mấy cô em của Huy Trâm, cô nào là Trang 5, Trang 6, Trang 7, Trang 9 hay Trang 10.

Bà cụ thân mẫu của Huy Trâm rất đẹp và hiền lành, lúc nào cũng vui vẻ, ân cần với bạn của con. Buổi chiều Chủ Nhật, tôi cùng Huy Trâm đi AutoRay, Huy Trâm ghé xuống Tầm Vu, còn tôi về Saigon.

Lúc tôi ra dạy học thì Huy Trâm lên Saigon đi học Luật.


Lúc tôi đi lính thì Huy Trâm là Thẩm Phán Công Tố ở Phan Rang rồi Gò Công, ít gặp nhau, nhớ có một lần gặp nhau Dinh Độc Lập lúc Huy Trâm nhận giải III Văn chương của Tổng Thống VNCH với tác phẩm “Vài Hàng Châu Ngọc.”

Sau tháng 5- 1975, Huy Trâm và tôi cùng đều lãnh bản án 7 năm. Thời gian ra tù, chúng tôi lại gặp nhau vì nhà ở gần nhau, Huy Trâm Phú Thọ và tôi Chợ Cá, thỉnh thoảng đạp xe rủ nhau đi uống cà phê ở Chợ Nguyễn Tri Phương. Thời gian này, chị Huy Trâm có nghề làm ô mai, và Huy Trâm vẫn thường đạp xe đi bỏ mối, sinh sống qua ngày.

Sau đó, Huy Trâm lại bị đi tù lần nữa, gần 3 năm vì có liên quan đến chuyện “thơ văn chính trị” vì nghe đâu, có người tố giác là Huy Trâm tàng trữ “sách báo phản động” gì đó!

Tiếp theo là thời kỳ H.O. đợi đi. Gia đình Huy Trâm đi H.O. 8 đến Quận Cam năm 1991.

Tôi thương cho bạn đã không thích nghi được với cuộc sống ở Mỹ, từ một nhân viên cao cấp trong ngành tư pháp, đổi đời thành một lao động làm việc chân tay, lúc nào Huy Trâm cũng mang mặc cảm thua sút người khác. Đến Mỹ trước hoàn cảnh mới, việc làm khó khăn, văn hoá đổi thay, Huy Trâm đâm ra bất mãn với cuộc sống, nhất là sau khi thất nghiệp, không còn lái xe được. Mấy câu thơ sau đây đã nói lên những mặc cảm đó:

“Tôi ngẫm thân tôi, mình sao rị mọ!

Không giống ai ở xứ sở văn minh

Một trái tim khô – vắng bóng nhân tình

Còn thấp thỏm lo bao ngày mất việc

Hết cọ cầu tiêu, lại ra sàn quét

Tôi với em – hai cảnh sống lưu vong”…

 

Buồn, cô đơn nhất là sau khi vợ qua đời, sống một mình trong nhà già đơn chiếc, Huy Trâm đâm ra nghiện hút thuốc lá nặng, nên bị ung thử phổi. Bị hàng xóm than phiền, Huy Trâm đổi chỗ ở khác, không vừa ý lại buồn thêm.

Cho đến lúc ra đi, Huy Trâm vẫn mang tâm trạng buồn nản.

Cách đây vài năm, có lúc Huy Trâm có ý định về Việt Nam sinh sống bằng cách mở lớp dạy đàn piano và dạy nhạc, và tôi là một trong những người bạn khuyên Huy Trâm bỏ ý định này vì lý do chính trị và vì chuyện bảo hiểm y tế.

Huy Trâm Nguyễn Hồng Nhuận Tam sinh ra trong một gia đình danh gia, vọng tộc. Ông Nội là Cụ Phó Bảng Nông Sơn Nguyễn Can Mộng, nguyên giáo sư Đại Học Văn Khoa, Hà Nội, trước di cư 1954. Thân Phụ là Chánh Án Nguyễn Mạnh Nhụ. Nhạc phụ của Huy Trâm là Cụ Đông Xuyên Nguyễn Gia Trụ, một nhà thơ, dịch giả Việt Nam thời tiền chiến.

Huy Trâm là tác gỉa 28 tác phẩm thơ văn, biên khảo in trong và ngoài nước.

Bạn tôi vốn tính hiền lành, không ghét ai, ngoài ghét chuyện đổi đời, cũng ít quan tâm đến chính trị. Do vậy, khi Huy Trâm sang đến Mỹ, in tập thơ đầu tiên và tôi được hân hạnh làm diễn giả cho buổi giới thiệu tác phẩm này tại phòng hội NB Người Việt. Chạnh lòng vì thân phụ Huy Trâm mất trong trại “cải tạo” trên đất Bắc, anh thì tù tội 7 năm, mà tập thơ anh quá hiền lành, tình ái, không có chút buồn bã hay giận hờn. Trong lời phát biểu, tôi không nhắc đến nỗi đau này, nhưng nói thẳng là “thơ Huy Trâm không có lửa.” Có lẽ Huy Trâm vô tình không nhớ, tôi cũng đã quên, nhưng sau này hôm đáng tang Huy Trâm, bà cụ thi sĩ Hồng Anh có nhắc lại chuyện này như là một kỷ niệm giữa chúng tôi.

Nửa cuộc đời trước khá huy hoàng, sau gần 10 năm tù đày, những ngày cuối cùng của Huy Trâm tại Mỹ phải nói là bất như ý. Các con nói ông già khó tính khi nhìn đời, cái khó tính của kẻ sĩ  lúc thấy xã hội và con người đảo điên.

Huy Trâm ơi, dầu sao thì bạn cũng đã tới nơi thanh thản rồi.

Nhân kỷ niệm 49 ngày đi khỏi Bolsa của Huy Trâm.

Huy Phương

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Biến cố làm chấn động dư luận trong và ngoài nước suốt cả tháng nay là vụ cầu Cần Thơ bị sập hai nhịp cầu dẫn đang thi công
Năm nay, ba nhà kinh tế Hoa Kỳ đã đoạt giải Nobel về Kinh tế học nhờ những đóng góp trong lý thuyết về thiết kế cơ chế
Văn Phòng II Viện Hóa Đạo, Giáo Hội PGVNTN, đã chính thức ra mắt trong buổi họp báo hôm Thứ Bảy 13-10-2007 ở thị xã Westminster
Đại Hội Hội Đồng Giám Mục Việt Nam lần X  đã hoàn tất mỹ mãn. Bản tin sau là từ Thông Tấn Xã Công Giáo Việt Nam
Thực ra, không chấp nhận đối lập, nói cách khác không dám thay đổi hay bỏ điều 4 Hiến Pháp, đảng CSVN coi như đang tự sát cho sinh mệnh chính trị của đảng
Sau đây là lời tường thuật kinh nghiệm tự chữa trị bịnh tiểu đường của kỹ sư Nguyễn Ngọc Quang, một kỷ sư thiết kế, năm nay 68 tuổi
Khi nguyên Phó Tổng thống Al Gore được Giải Nobel Hoà Bình, một số nhà bình luận Hoa Kỳ lập tức kết luận, rằng ông Gore đã thắng trận phục thù
Về sự cố cầu Cần Thơ, cũng cần nhìn lại những yếu kém của ngành xây dựng Việt Nam, sự thật đây cũng là yếu kém chung của đất nước
Cũng như quí vị đã biết, Pháp TỨ NIỆM XỨ đề cập đến sự phát triển một khả năng rất quí của Tâm, là “Sati” hay “Niệm” (chú tâm).
Muốn có "Chủ nghĩa Cộng sản" phải trải qua giai đoạn phát triển "Chủ nghĩa xã hội". Muốn có "CNXH" phải trải qua giai đoạn "quá độ"(!).
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.