Hôm nay,  

Trương Minh Ký: Những bài thơ ngụ ngôn dịch trước Nguyễn Văn Vĩnh

09/01/201822:21:00(Xem: 5809)

Trương Minh Ký:

  

Những bài thơ ngụ ngôn

dịch trước Nguyễn Văn Vĩnh

   

Nguyễn Văn Sâm

 

 

Bây giờ nếu ta đi trên đường Trần Hưng Đạo, quận Nhứt Sàigòn, trước khi quẹo sang con đường chạy thẳng lên Cầu Ông Lãnh thì thấy một ngôi trường Tiểu Học coi cũng khang trang. Đó là trường tiểu học Nguyễn Thái Học, tên trường mới được đổi lại năm 1957, chớ trước đó nó là trường Trương Minh Ký. Lý do của sự đổi tên nầy khá nhiều, nhưng tựu trung vì những nhân vật có tên trong hội đồng đổi tên phần nhiều không biết Trương Minh Ký là ai, họ chỉ biết Trương Vĩnh Ký và nghĩ rằng có thể là người trước đã đặt sai tên cho trường nầy[1]. Tôi hân hạnh được học hai năm ở đây, thời cụ Hiệu Trưởng Nguyễn Văn Phác, trước khi thi đậu vô trường Petrus Ký. Còn nhớ rõ thường trước khi trống đánh, tôi la cà trong tiệm sách Yiễm Yiễm Thư Trang của nhà thơ Đông Hồ, đối diện với trường, coi cọp sách nầy sách kia, ngắm nghía lạ lùng một vị thư sinh mặc áo dài khăn đóng ngồi sau bàn viết, sau lưng nhiều bức liễn hoành phi quốc ngữ viết bằng bút lông với một thư pháp đặc biệt.. Từ bên nhà sách ngó qua, tôi thấy thân thương và hãnh diện về ngôi trường của nho nhỏ của tôi: Trương Minh Ký, coi cũng được ớn so với trường hai ba trường tư cùng trên khúc đường nầy là Lê Tấn Thành và Nguyễn Văn Khuê…

Tôi chẳng biết gì về nhân vật Trương Minh Ký cho tới khi chú tâm vô văn học Miền Nam. Bao nhiêu năm tìm tòi, biết được một chút tiểu sử, thấy hình ngôi mộ Trương Minh Ký ở Gò Vắp nhưng cơ may gặp tác phẩm của ông không nhiều, thậm chí một cái hình của ông cũng không có. Tiếc quá!

Thư Viện Trung Ương Pháp ở Paris, nơi được tiếng là phong phú thư tịch của Việt Nam cũng chỉ có chứa 5 quyển của Trương Minh Ký:

1. Ca Từ Diễn Nghĩa (1894),

2. Trị Gia Cách Ngôn (1895).

3. Phú Bần Truyện Diễn Ca (1896 ).

4. Tuồng Kim Vân Kiều (1896-97 ). 

5. Tuồng Phong Thần Bá Ấp Khảo (1896) [2].

Trong năm quyển nầy thì Kim Vân KiềuBá Ấp Khảo là hai quyển phiên âm từ chữ Nôm. Ca Từ Diễn Nghĩa  Trị Gia Cách Ngôn là những quyển sách mỏng vài mươi trang dịch mấy bài thơ Trung Quốc. Phú Bần Truyện Diễn Ca là sách dịch một quyển tiểu thuyết Pháp ra thể song thất lục bát (mà cho đến nay tôi cũng không biết đó là quyển gì, ai là tác giả). Cái tài tình, sở học của Trương Minh Ký có thể thấy nhưng chưa rõ ràng bằng những quyển Chư Quốc Thại Hội, Như Tây Nhựt Trình ông viết du ký hai lần đi Pháp bằng thơ một kể cuộc hành trình dẫn mấy học sinh sang Alger du học, và một nói những điều mắt thấy tai nghe khi làm Thông ngôn cho phái đoàn của hoàng thân Miên Triện đi dự đấu xảo ở Paris nhân dịp khánh thành tháp Eiffel. Cũng vậy cái tài chuyển văn từ ngôn ngữ Pháp sang ngôn ngữ Việt phải đọc được trong quyển Chuyện Phan Sa Diễn Ra Quốc Ngữ, bản in Sàigòn, 1884.

Quyển nầy gồm 17 bài dịch ra văn vần và 150 bài dịch ra văn xuôi được sắp xếp chen lẫn nhau. Sau đây xin giới thiệu những bài ngụ ngôn văn vần đó. Mong rằng do sự giới thiệu nầy, các nhà nghiên cứu có hứng khởi làm một cuộc khảo sát tường tận để hiểu rõ cách dịch của ông mà tôi không đủ khả năng thực hiện. Nhìn tổng quát ta có thể thấy ngay Trương MinhKý đã thêm thắc chi tiết, thay vài điều khó hiểu của nguyên thể bằng những điều dễ hiểu đối với người Việt. Gặp trường hợp ông còn dùng ca dao tục ngữ để cho người đọc dễ thấm thía hơn. Tác giả dùng chữ nôm na, thông dụng của thời mình nên đây là tài liệu quí và sống động để hiểu cách nói của người thời cuối thể kỷ 19 mà tự điển, dầu là tự điển của người đương thời cũng không thể cung cấp được.

Cũng nên nói rằng Trương Minh Ký với 17 bài dịch đã đi trước Nguyễn Văn Vĩnh hằng ba mươi năm trong phương diện nầy. Lâu nay chúng ta chỉ biết Nguyễn Văn Vĩnh mà không biết người tiên phong vì lý do binh lửa, tài liệu mất mát… nay đã đến lúc khi nói về công trình ngụ ngôn dịch của Nguyễn Văn Vĩnh thiết nghĩ người làm văn học cũng nên thêm vô rằng trước ông đã có người làm chuyện nầy và làm đã thành công đó là nhà văn của Nam Kỳ Lục Tĩnh hồi cuối thế kỷ 19, nhà văn Trương Minh Ký.

Chúng tôi sau đây đăng lại 17 bài dịch của Trương Minh Ký mà chúng tôi đánh máy lại cố giữ đúng từng chữ cả với cách dùng dấu [, !...] với 65 chú thích về từ cổ, từ địa phương, một vài nhận xét nho nhỏ khi có dịp, chỉ cố giúp bạn đọc dễ hiểu hơn bài văn. Những vấn đề dạy bảo có tính cách luân lý hay túi khôn có trong bản văn không là đối tượng cho chúng tôi để ý đến vì lẽ đây chỉ là bản dịch. Cách dùng từ nhuần nhuyễn, điêu luyện nhưng bình dân của Trương Minh Ký và ý hướng giới thiệu tư tưởng cùng lối suy nghĩ của người Pháp với quần chúng Việt đó mới là điểm son cần ghi nhận. Tài liệu có được là nhờ sự giúp đở của LM Triết, Sàigòn, xin được gỡi lời cám ơn từ người giới thiệu.

 Nguyễn Văn Sâm

(Port Arthur, Texas tháng 12 năm 2007 M ư ời năm đọc lại)

 

  

 

 

  1. 1.    CON QUẠ VỚI CON CHỒN

 

 

Quạ kia đang đậu trên cây,

Mỏ tha bánh sữa hơi này bay xa.

Đánh mùi chồn đến dỉ[3] ra:

“Xem qua hình cụ[4], thì là quá xinh!

Lông đà tốt cả và mình[5],

Giọng kia được tốt thiệt tình vô song.”

Quạ nghe chẳng xiết vui lòng,

Muốn khoe tiếng tốt quên phòng[6] miếng ăn.

Chồn ăn đặng của cười rân[7]:

“Cụ ôi! Nghe lấy lời răn sửa mình:

Kẻ dua người nịnh đừng tin,

Đã ăn của cải lại khinh dại khờ.

Lời đây bánh đấy cũng vừa[8],

Thôi đà biết lỗi dốc chừa[9] thì thôi.”

Ăn năn thì sự đã rồi,

Mới thề chẳng để gạt đôi ba lần.

 

 

2. CON DƠI VỚI HAI CON CHỒN

 

Con dơi té xuống hang chồn,

Sợ thôi thất vía kinh hồn ngã lăn.

Chồn ra ngó thấy dỉ rằng:

“Dòng ngươi chí quyết lòng hằng hại ta.

Phải ngươi loài chuột nói ra,

Oán xưa nay trả, chẳng tha nghịch thù.”

Dơi than: “Oan ức lắm ru!

Tôi nào loài chuột, nỡ vu cho đành!

Hóa cơ phân biệt[10] rành rành;

Tôi chim có cánh, chúc lành loài bay.”

Dối lời tráo chác[11] khéo thay,

Chồn nghe phải lẽ; tha ngay may hồn!

Đôi ngày rồi gặp cảnh buồn:

Té nhằm hang khác, bị chồn ghét chim.

Than thân trách phận nổi chìm;

Mới ra khỏi đấy, lại tìm vào đây!

Tưởng chim chồn quyết phân thây.

Thoát nghe dơi thốt lời nầy mới thôi:

“Trời sanh tai mắt nghe coi,

Chim, nào lông cánh, xét soi chút tình.

Tôi là chuột xạ hóa hình;

Chúc cho loại chuột loài mình sống dai!

Mèo kia, trời giết cả loài!

Để chi thú ấy hại hoài chuột đi.”

Lòng gian dạ dối ai bì;

Đôi lời chim chuột mần ri[12] cứu mình.

 

 

3. CON GÀ VỚI CON CHỒN

 

Trên nhành nọ, gà nhà đứng gáy;

Dưới bụi kia chồn thấy chạy ra.

Lại gần nói ngọt cùng gà:

“Oán cừu thôi bỏ thuận hòa thì hay.

Đấy dễ xuống, xuống đây hun hít:

Đây khó lên vô ích leo trèo.

Đường hai mươi trạm lần theo,

Hôm nay ruổi[13] hết ải đèo quản chi.

Đàng lui tới, đừng nghi chớ ngại,

Bề giúp nhau trọn ngãi vẹn nhân.

Tối nay đèn thắp vui mầng;

Song chừ hãy xuống một lần chịu hun.

Gà lanh đáp: Tâm trung khoái lạc,

An nhàn nầy, khao khát lâu nay.

Bổn thân ngươi tới cho hay,

An kia đã một, vui nầy là hai.

Mắt trông thấy chó vài con đến;

Tai vẳng nghe họ khiến đem tin.

Chó săn ruổi lẹ quá kinh!

Chạy trong giây phút tới mình chẳng xa.

Chờ đây xuống, đôi ta hun hít;

Kẻo bấy lâu, những mích lòng nhau.

Chồn rằng: Thôi để kỳ sau;

Đường trường diệu vợi phải mau chơn dời.

Khi khác đã, vui chơi một chuyến,

Chớ phen nầy chẳng tiện nói dai.”

Chàng va[14] lật đật chạy dài,

Tức mình mình chịu gạt ai ai lầm.

Gà già khoái, cười thầm chồn trẻ,

Lòng càng vui, gạt kẻ dối đời.

Điếm còn mắc điếm[15] nực cười,

Ăn ngay ở thật hơn người tà tây.

 

 

4. CON QUẠ MUỐN BẮT CHƯỚC

CON PHỤNG HOÀNG

 

Phụng hoàng tha một con chiên,

Quạ, tuy nhỏ yếu thấy liền cành nanh[16].

Chiên bầy, quạ đáp chung quanh,

Chọn con mập tốt họ dành kỳ yên[17].

Mắt trông đẹp ý dỉ[18] liền:

“Vú nào không biết nuôi chiên mập tròn.

Thịt ăn ngọt, máu uống ngon,”

Dứt lời bay xuống chẳng còn nghĩ suy.

Nặng hơn bánh sữa mọi khi,

Lại lông dày mịt khác chi tơ vò.

Quạ đà mắc móng cúm giò,

Nào dè nỗi ấy hòng lo nước nầy.

Đứa chăn chạy lại bắt ngay,

Lấy lồng nhốt quạ cho bầy trẻ[19] chơi.

Coi theo lý thế cơ trời,

Thuận thời còn thật, nghịch thời mất ngay.

Có lời tục ngữ cũng hay:

Liệu cơm gắp mắm; nợ vay có lời.

 

 

5. CON CÔNG THAN VAN

VỚI BÀ THIÊN HẬU

 

Con công than với bà Trời:

“Giọng kêu chẳng đẹp lòng người thế gian.

Chim kia nhỏ nhỏ vẹn toàn,

Tiếng tăm thảnh thót[20] rỡ ràng mùa xuân.”

Nghe than nổi giận mới phân:

“Đừng lòng ghen ghét; an thân ở đời.

Cỏ xem như mống trên trời[21],

 Nháng ra ngũ sắc, rạng ngời mình ngươi.

Đuôi sè[22] sáng chói mắt người,

Quí như vàng ngọc vẹn mười chẳng sai.

Mấy ai gồm đủ đức tài!

Mấy ai tài sắc cả hai vẹn toàn!

Phụng hoàng mạnh mẽ có gan,

Quạ kêu điềm tốt; cú bàn họa lai.

Thảy đều an chịu thửa tài[23],

Một ngươi than vắn thở dài mà thôi[24].

Nếu không tự hối xét soi,

Thì ta dạy phạt, cho đòi nhổ lông.”

 

 

6. ẾCH NHÁI XIN CHO MỘT ÔNG VUA

 

Ếch đã nhàm việc trị chung,

Ước ao vua chúa xin cùng Hoàng thiên.

Trời cho một chúa mới yên,

Tới nơi có thấy tiếng liền kính tôn.

Ếch thất vía, nhái kinh hồn,

Lũ bươn lên láng[25], đoàn dồn xuống bưng[26].

Nào ai dám ngó tân quưn[27],

Ngỡ là hiền ngõ trị chưng ngu khờ.

Ai ngờ khúc gỗ trơ trơ,

Ếch kia liều mạng núp bờ rình coi.

Ếch bày đặt, nhái học đòi,

 Trước còn tới ít, sau thôi đến nhiều.

Nhỏ nhút nhát, lớn đánh liều,

Nhảy lên vai vế, thấy chìu làm thinh.

Ngó trông không động bèn khinh,

Trách ai làm biếng, than mình khôn yên.

Vái trời cho một vua siêng,

Trời sai cò quắm[28] cầm quyền sửa chăn.

Cẳng chà giết, mỏ gắp ăn,

Nhái kêu oan mạng, Ếch than ức tình[29].

Lành, khinh dễ; dữ, thất kinh,

Tồn vong bởi số, tử sinh tại trời.

Ở đời chớ khá nghịch đời;

Mưa thời trông nắng, nắng thời lại la.

Lý đâu trời có chìu ta!

Phải sao hay vậy cho qua tháng ngày.

 

 

7. CHỒN CÁO VỚI CON DÊ XỜM

 

Con chồn đi với con dê:

Tánh dê ngay thật vụng bề lo xa[30].

Chồn thì điên đảo sai ngoa,

Cả hai khát nước mình đà khô khan.

May đâu gặp giếng giữa đàng,

Nhảy ào xuống giếng quên bàn rủi may.

Uống thôi chồn mời tỏ bày:

“Ta đà hết khát tính rày thế lên.

Cụ chừ đứng dựa một bên,

Đưa hai cẳng trước lên trên với sừng.

Cho tôi leo dọc trên lưng,

Tới sừng lên được lo chưng ơn đền,

Lên rồi tôi kéo cụ lên.

Dê khen: “Mưu trí, vẹn tuyền cả hai.

Tôi thấp trí, cụ cao tài;

Quản chi lao lực, bao nài khổ thân.”

Khi chồn khỏi nạn vong ân,

Bỏ đành bạn cũ bâng khuâng thảm sầu.

Rằng: “Sanh nhiều trí như râu![31]

Thì ngươi dễ xuống giếng sâu làm gì!

Giã từ bằng hữu cố tri,

Ráng lên cho khỏi rồi thì đi sau.

Chừ thôi khó nỗi giúp nhau.

Ngươi còn ở đó ta mau lên đàng.”

Mấy ai ân ngãi[32] vẹn toàn,

Lúc giàu tưởng khó, khi sang nhớ hèn.

 

 

8. CHIM PHỤNG HOÀNG,

CON HEO RỪNG VÀ CON MÈO CÁI

 

Phụng hoàng làm ổ ngọn cây,

Ở cùng con cái một bầy đã an.

Heo rừng dưới cội đào hang,

Giữa thì mèo cái lòng gian dạ tà.

Tại mèo đâm thọc[33] mất hòa,

Leo lên ổ phụng thốt ra lời nầy:

“Heo rừng cứ ủi cột cây,

Đào sâu tróc gốc kíp chầy khỏi đâu.

Thân ta, ta phải lo âu,

Non cao dễ độ, biển sâu khó lường.

Hại ta chước đã tỏ tường,

Mình dầu chẳng nghĩ, nghĩ thương con mình.”

Phụng hoàng tưởng thật nghe tin,

Thị phi không trải, trọng khinh chẳng từng.

Mèo quày xuống chỗ Heo rừng,

Dỉ tai than thở dặn đừng hở môi:

“Chớ đi đâu khỏi chị ôi!

Phụng hoàng đáp xuống một hồi khốn ta.

Quyết ăn con chị chẳng tha,

Rủi! May hay trước; ấy là cũng may[34]!

Tận trôn nước đến thảm thay[35]!

Khi không họa gởi tai bay bất kỳ!”

Dưới trên lo sợ xiết chi,

Phụng hoàng giữ ổ, heo thì chẳng ra.

Giữ con ăn uống bỏ qua,

Tai gần quên nghĩ[36], hại xa vẫn phiền.

Đi chưa tiện, ở không yên,

Chim bèn chết đói, heo liền phải đau.

Mèo gian đắc ý vinh râu[37],

Miệng hùm nọc rắn thế đâu dám bì!

 

 

9. CON CHỒN VÀO TRONG VỰA NHÀ

 

Con chồn mình mẩy ốm tong[38],

Chun theo chỗ hở vào trong vựa nhà[39].

Chồn đau mới khá rán ra[40],

Đồ nhiều đầy dẫy ăn đà no nê.

Phát phì mình mập phê phê[41],

Một tuần trọn vẹn mới nghe động gần.

Muốn ra khỏi đấy thoát thân,

Đi qua không lọt mấy lần dợm đi[42].

Rằng: “Sao chỗ ấy hẹp kỳ!

Mới năm sáu bữa đấy thì dễ qua.

Chuột kia thấy vậy nói ra:

Hồi kia bụng nhỏ mình là ốm tong.

Vô sao ra vậy mới xong,

Việc đời vay trả ai hòng rõ đâu[43].”

Vẹn tuyền trong cuộc biển dâu,

Trí thay! Trương tử tước hầu lưu danh[44].

 

 

10. CON LỪA VỚI CON CHÓ NHỎ

 

Rán làm chi quá sức ta!

Dở làm khéo léo hay ra vụng về.

Quê làm sao lắm cũng quê;

Mấy ai trời phú trọn bề khôn ngoan.

Phải sao chịu vậy cho an,

Cành nanh[45] bắt chước làm quàng chẳng hay.

Con lừa làm quấy hổ thay!

Muốn cho chủ mến đến rày dần lân.

Nghĩ sao Chó nhỏ được thân,

Ông yêu bà mến ở gần như con.

Con lừa sao chịu roi đòn!

Đánh ngang dập ngửa chẳng còn nghĩ suy.

Để coi con chó làm chi?

Thấy đưa chưng cẳng rồi thì được hôn.

Vụng toan dại, khéo làm khôn!

Tính làm như vậy kẻ tôn người vì!

Làm vầy nghĩ chẳng khó chi,

Tới xem ông chủ đang khi vui cười.

Để kề móng cẳng cằm người,

Lại thêm la rống hổ ngươi cho lừa!

Rủi thì ông chủ chẳng ưa,

Kêu tên chăn giữ kéo bừa Lừa đi.

 

 

11. CON NGỰA MUỐN BÁO THÙ CON NAI

 

Thuở ta ăn những trái rừng,

Ngựa, lừa khi ấy chưa từng phục ai.

Không yến tiệc, chẳng đền đài,

Chưa bày xe, kiệu; chưa xài bành, yên.

Ngựa, nai thuở ấy hờn riêng,

Rượt nai không kịp, ngựa liền hổ ngươi.

E thua súc, sợ chê cười,

Kiếm tay trí huệ, tìm người tài năng.

Họ bèn khớp miệng, cỡi săn,

Bắt Nai giết đặng đã ăn thịt rồi.

Ngựa bèn lo việc phản hồi;

Cảm ơn người giúp, tính thôi ra về:

“Giã từ! trở lại viếng quê,

Dám đâu bội ngãi, chẳng hề vong ơn. _

Người rằng: người chớ dời chơn,

Ở đây ăn uống còn hơn ở rừng;

Bảo người tua khá nghe vưng,

Ngươi đà đắc dụng vậy đừng lo chi.”

Hổi ôi! mập mạp làm gì!

Sao bằng thong thả mặc khi vui lòng.

Từ rày Ngựa hết thong dong;

Tàu[46] đà lập sẵn nào hòng được vui.

Dễ bề tới khó thế lui,

Chung thân tôi mọi ngậm ngùi nhớ quê!

 

 

12. NỒI ĐẤT VỚI NỒI ĐỒNG

 

Nồi đồng tính việc đi đàng,

Rủ ren Nồi đất cũng trang đang thì[47].

Kiếu[48] rằng: chẳng tiện nổi đi;

Ở an xó bếp, khôn li góc lò.

Vì e sẩy bước rủi ro;

Rách lành chịu vậy, đói no vui vầy,

Rằng: “Da đấy cứng hơn đây,

Phận kia để tính thân nầy khó toan.

Đáp rằng: “Rủi gặp dọc đàng,

Vật chi cứng cát cản ngang không vì.

Để ta qua giữa lo chi,

Bên thì vật ấy bên thì nhà ngươi.”

Tai nghe nói ngọt tin lời,

Chìu lòng bạn hữu bèn dời chơn đi.

Bước khua lộp cộp dị kỳ!

Xa nhau e sợ, gần thì đụng đau.

Hai Nồi đi chẳng đặng mau,

Chưa đầy trăm bước đụng nhau rã rời.

Hỡi ôi! Nồi đất rồi đời,

Không lời năn nỉ, không lời thở than.

Nơi nghèo khổ, chỗ giàu sang,

Ở đời giao kết kẻ ngang vai mình.

 

 

13. CON CÁ NHỎ VỚI NGƯỜI NGƯ PHỦ

 

Ai đời cá nói bao giờ!

Nhưng xưa đặt dạy kẻ khờ con con.

Cá kia vừa được don don[49],

Lâm tay ngư phủ, thôi còn kể chi.

Ngư rằng: “Thấy nhỏ mà khi!

Nhỏ nhiều như lớn; lại vì đầu tay.

Cá than: “Nhỏ yếu lắm thay!

Chưa đầy nửa miệng ăn rày nỡ sao!

Để cho to lớn đã nào!

Kíp chầy khôn khỏi mắc vào tay đâu!

Đợi chờ chừng một ít lâu,

Bán buôn được giá, lưới câu đành lòng.

Nhiều chi trăm cá long tong!

Ra chi món ấy; mà hòng chẳng suy!”

Ngư rằng: “Sao chẳng ra chi!

Khen mi khéo nói! chiều ni vô nồi.”

Thôi thì an phận thì thôi,

Một mà chắc chắn hơn đôi mơ màng.

 

 

14. CON LỪA MẶC LỐT CON SƯ TỬ

 

Lốt da Sư tử lừa mang,

Lung lăng[50] khắp xóm, dọc ngang một mình.

Ai  ai trông thấy chẳng kinh!

Tuy là si ngốc, chúng tin trí tài.

Rủi thì tai ló ra ngoài,

Tỏ tuồng gian giảo, bày loài giả danh.

Tại mình sanh sự sự sanh!

Kẻ chăn bắt đặng, khó lành được vay!

Đuổi lùa vô chỗ cối xay,

Ngày đêm xay bột, hết tay ngang tàng.

Ngay tình khôn biết mưu gian!

Ngỡ là sư tử, nào bàn Lừa đâu.

 

 

15. NGƯỜI LÀNG VỚI CON RẮN

 

Coi trong cổ truyện Phan sa[51],

Có tên rẫy bái[52] cũng là người nhơn.

Vụng điều tình thiệt so hơn,

Mùa đông ngày nọ, dời chơn dạo vườn.

Một thân chơn tuyết đầu sương,

Chợt xem thấy Rắn giữa mương nằm dài.

Lạnh queo, tê cứng, thảm thay!

Mau tay bắt lấy đem ngay vào nhà.

Cạn lòng không biết lo xa,

Để gần hơi lửa thoắt đà ấm thân[53].

Tỉnh hồn rồi lại vong ân,

Cất đầu hút gió, mình quần bỏ đi.

Nghịch cùng người cứu tức thì,

Vậy nên kẻ ấy thì kỳ thở ra:

“Bạc ôi[54]! Khen khéo thưởng ta!

Mấy đà muôn chết, ai tha mạng mầy.”

Dứt lời, xách rựa phân thây,

Chặt lia hai rựa, chia rày làm ba:

Đầu, đuôi, khúc giữa rẻ ra,

Rắn còn dảy dót[55], hiệp mà đặng đâu!

Việc làm suy trước nghĩ sau:

Biết người biết mặt, biết đâu đặng lòng.

Đoàn vô ngãi[56], lũ bất trong,

Cùng đời chết khổ, ai hòng xót thương.

 

 

16. CON HÀU VỚI NHỮNG KẺ KIỆN CÁO

 

Ngày kia hai lão thầy chùa,

Gặp hàu trên cát, sóng đùa đem vô.

Tay đều chỉ, miệng đều hô;

Ấy nên sanh sự tăng đồ tranh ăn.

Người cúi lượm, kẻ cản ngăn,

Rằng: “Ăn cho biết phải chăng rạch ròi[57].

Thấy trước ăn, thấy sau coi.

Đáp rằng: Xử thế mắt tôi tỏ tường.

Rằng: đây mắt cũng rõ bường[58].

Lại thêm thấy trước tợ dường ai xui.

Đấy thấy trước, đây đánh mùi.”

Đang khi cãi lẫy thầy giùi[59] đến coi.

Bèn xin chú nghĩ[60] xét soi,

Chú bèn móc ruột ăn rồi mới phân:

“Một người một vỏ đồng cân,

Tha tiền câu lễ[61] yên thân đi về.”

Vắn dài tiếng tục lời quê,

Kẻ khen cũng chướng, người chê mới kì!

 

 

17. CON CHIÊN VỚI CON CHÓ

 

Chó kia bạn hữu[62] cùng chiên,

Cơn sầu đoạn thảm[63] kể liền với nhau.

Chiên rằng: “Càng nghĩ càng đau,

Phận ngươi tôi mọi[64] dãi dầu khổ thân.

Thờ người bạc ác bất nhân,

Dạ bằng trung ngãi, vong ân không lòng.

Đòn roi ấy họ thưởng công,

Có khi phải chết cũng không oán trời.

Chiên thì lông nộp cho người,                                                                                                                                                                                                                                   Sữa dâng cho uống cho tươi mặt mày.

Nộp phân cho họ trồng cây,

Ngày ngày trông thấy phân thây[65] hoài hoài.

Người ta, chó sói là hai,

Có ăn, có giết, có ai động tình.

Ở đời hai chữ tử sinh,

Đấy cam bụng chịu, bất bình dạ đây.

Sống làm mọi, thác phân thây!

Thương thay mạng dữ! hại thay thân lành! _

Đáp rằng: tố vị nhi hành,

Rủi may may rủi, qua đành phận qua.

Người bạc ác, kẻ gian tà,

Lẽ nào có phước hơn ta bao giờ.

Trăm điều thuận thính hóa cơ,

Lòng cam chịu dữ, dạ mơ chi làm.”

 



[1] Trường hợp ngược lại thì có tên đường Sương Nguyệt Ánh (sai) và trường tiểu học Sương Nguyệt Anh (đúng), cũng ở Sàigòn!

[2] Bibliothèque Nationale – Catalogue du Fonds Vietnamien 1890-1921 – Mme Le Thi Ngoc Anh -1987, p. 170.

[3] Dỉ: Nói nhỏ. Dỉ ra, dỉ rằng, đều có nghĩa là nói. Ngày nay thường dùng rỉ (hơi, lời…), cách nói dỉ bị cho là sai, quê mùa!

[4] Hình cụ: Hình (dáng của) ông. Chồn phĩnh quạ nên tôn xưng và khen điều không thiệt.

[5] Tốt cả và mình: Đẹp khắp cả mình mẫy.

[6] Đề phòng.

[7] Cười rân: cười lớn, cười vang. Rân: om sòm, rần rộ.

[8] Lời đây bánh đấy cũng vừa, chồn coi như mướn chồn dạy quạ khôn trả tiền bằng miếng bánh. Nếu biết học khôn ihì miếng bánh cũng không mắc, chỉ khổ là bài học học hoài không thuộc.

[9] Dốc chừa: dốc lòng bỏ không làm điều xấu nào. Thí dụ dốc chừa cà bạc, rượu chè…

[10] Hóa cơ phân biệt: cơ thể của tôi tiến hóa biến đổi rõ ràng nhu thế nầy…

[11] Tráo chác: tráo trở, không thiệt thà, xoay lời nói qua lại tùy theo lợi lộc và hoàn cảnh.

[12] Mần ri: như vậy, như thế. Tôi nghĩ Trương Minh Ký  túng vần nên dùng hai chữ mần ri ở đây, vốn không phải từ thông dụng ở Sàigòn Lục Tỉnh lúc đó.

[13] Ruổi: Chạy mau.

[14] Chàng va: Anh ta.

[15] Điếm còn mắc điếm: kẻ chuyên đi lừa gạt người còn bị chúng lừa. Cũng như câu bà già gặp kẻ cắp, vỏ quít dầy móng tay nhọn. Xưa kẻ bợm thường ngồi quán ngồi lều (điếm), tụ nhau bày kế cho nên gọi là điếm hay điếm đàng.

[16] Cành nanh, ngày nay nói cà nanh, ghen tỵ.

[17] Kỳ yên: Do chữ cầu an mà ra. Cúng kỳ yên là cúng để cầu được bình yên ổn trong xóm làng.

[18] Dỉ: nói nhỏ, xem chú ở trên.

[19] Bầy trẻ: trẻ con. Gần đây người ta còn nói, má, tía bầy trẻ.

[20] Thảnh thót, nay nói thánh thót, tiếng nói, tiếng hát thanh và trong. Tự điển Huình Tịnh Của chỉ có từ thảnh thót lúc trước người ta nói mà không có tiếng thánh thót là tiếng người ngày nay dùng. Ca Dao: Chim khôn tiếng hót thảnh thang, người khôn ăn nói dịu dàng dễ thuơng.

[21] Mống trên trời, tức mống trời, tức cầu vồng.

[22] : giọng Nam của xuè ngày nay.

[23] Thảy đều an chịu thửa tài: tất cả đều chịu đựng với cái hay dở mà mình có. Trương Minh Ký dùng chữ thửa có nghĩa là của, dịch chữ sở của Hán Văn, thường văn viết bằng quốc ngữ ít dùng chữ nầy, vốn là chữ của văn viết bằng chữ Nôm dầu hai bản văn xuất hiện đồng thời.

[24] Tất cả đều an phận với cái tài riêng của từng đứa. Chỉ có ngươi là than nầy than nọ mà thôi. Thửa tài: cái tài của nó. Thửa, dịch chữ sở của Hán tự. Đây là cách nói thói quen của thời nầy.

[25] Bươn, HTC giải thích là lật đật, nong nả, rán sức đua tranh. Bươn lên láng là cố sức lên chỗ đất thấp.

[26] Bưng là chỗ đất thấp, thường ngập nước quanh năm và có cỏ cao mọc đầy. Thường là chỗ ẩn trú của người ngoài vòng pháp luật.

[27] Tân quưn: vua mới, cách viết theo giọng nói của Miền Nam thời đó.

[28] Cò quắm: cò mỏ dài quắm lại, cong cong xuống.

[29] Ức tình: Tình trạng của lòng bị oan ức.

[30] Vụng bề lo xa: không hay sự tính toán trước điều gì sẽ xảy ra. Tánh hời hợt thiếu chuẩn bị.

[31] Nói mỉa rằng dê nhiều râu nhưng thưa trí.

[32] Ân ngãi vẹn toàn: biết mang ơn người đã làm ơn cho mình và biết trả nghĩa cho cái ơn đó. Trương Minh Ký dùng chữ rất đúng, ân ngãi nhưng làm ơn.

[33] Đâm thọc: Tức đâm bị thóc thọc bị gạo, thành ngữ nói chuyện làm của kẻ nói xấu đầu nầy đầu kia cho người ta nói theo rồi đem học đi học lại để cho hai đàng gây gổ oán thù nhau, HTC nói là cho sinh điều mích lòng hờn giận.

[34] Câu nầy tối nghĩa. Trương Minh Ký chỉ muốn nói: Chuyện xui thiệt tình, nhưng may mà mình biết trước.

[35] Dùng câu tục ngữ nước đến trôn mới nhảy, ý nói không lo liệu trước thì sau bị nguy khốn.

[36] Tai gần quên nghĩ: Tai nạn kế bên lại không lo.

[37] Vinh râu: HTC, bộ đắc ý, lấy làm toại chí. Nay  người ta nói vãnh râu.

[38] Ốn tong, còn nói ốm tong ốm teo, tức ốm lắm. Huình Tịnh Của giải thích là bộ cà nhom, quá hay!

[39] Vựa: chỗ chứa thóc gạo, thức ăn; nói chung chỗ buôn bán lớn một món hàng nhu vựa ca, vựa gạo, vựa trái cây, vựa thóc… Vựa nhà: nơi nhà giàu dùng để chứa nhiều thực phẩm.

[40] Rán ra: kéo ra, căn ra.

[41] Phê phê: Bộ sổ sửa, mập tốt.

[42] Dợm đi: toan đi, định đi. Đang ngồi, bỏ cẳng xuống tính đi mà thôi không đi nữa

[43] Việc đời vay trả, Trương MinhKý ý nói con chồn ăn cho đã đời thì cái trả của nó là chun ra không lọt, mắc kẹt lại ở trỏng hoài.

[44] Ông Trương nào đây!

[45] Cành nanh: Nay nói cà nanh, phân bì, so sánh để so đo. Huình Tịnh Của nhắc tơí chữ đồng nghĩa ganh gỗ. Quá hay!

[46] Tàu: Máng ăn của thú vật. Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ. Tục ngữ.

[47] Cũng trang đang thì: Cùng lứa.

[48] Kiếu: Xin cho miễn.

[49] Don don: Vừa vừa, không lớn, không nhỏ, còn nói hơi trọng trọng.

[50] Lung lăng: Hung hăn, ngang tàng, làm cho rối loạn. Sãi Vãi: Ghét Đổng Trác lung lăng trong nhà Hán.

[51] Phan sa, tức Francais, của, thuộc về nước Pháp

[52] Tên rẫy bái: người nhà quê.

[53] Thoắt đà ấm thân: bỗng chốc mà con rắn hết bị cóng, [sống lại.]

[54] Bạc ôi, tức bạc bẽo lắm, không biết ơn gì hết.

[55] Dảy dót, tức nhảy nhót, Huình Tịnh Của giải thích là nói theo [giọng] một hai tĩnh ngoài. Nhưng tại sao ông Trương Minh Ký trong chữ nầy lại dùng cách nói của một hai tĩnh ngoài thì chưa rõ.

[56] Đoàn vô ngãi tức bọn, lũ bất nghĩa. Chữ đoàn nầy bây giờ khó hiểu, người ta thường chờ đợi chữ đồ ở chỗ nầy vì thường nghe: đồ vô nghĩa, lũ bất nhơn

[57] Rạch ròi: Cặn kẻ. Huình Tịnh Của giải thích là rẽ ròi, rõ ràng, tường tất, phân minh. Rạch ròi kẻ tóc chân tơ.

[58]Bường: bằng, từ chữ Hán bình mà ra. Sách báo Miền Nam còn viết ‘…ngợi cảnh thái bường.’

[59] Thầy giùi: tiếng gọi kẻ mưu sự quấy, xui giục làm cho người ta kiện cáo nhau.

[60] Chú nghĩ: anh chàng.

[61] Tiền câu lễ: người coi về chuyện kiện cáo nho nhỏ trong làng trước khi chuyện được chuyển đến cấp cao hơn. Tiền câu lễ là tiền phải nộp cho câu lễ mỗi khi có chuyện phân xử. Để ý bài nầy về sau các ông Đỗ Thận, Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim trong quyển Quốc Văn Giáo Khoa Thư đã tế nhị hơn viết truyện Quả Bứa đổi nhân vật thành hai người học trò tranh nhau quả bứa.

[62] Bạn hữu, bây giờ nói kết bạn.

[63] Cơn sầu đoạn thảm: Nghĩa đen là chuyện buồn. Nhưng 4 chữ nầy hàm ngụ kể lễ tâm tình buồn vui cùng nhau.

[64] Tôi mọi, chỉ người nghèo hèn, kẻ đi ở mướn, tiếng chưởi khinh thị người khác.

[65] Phân thây: giết chết, ở dây là giết để làm thịt.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Theo cơ quan Tín Vụ Á Châu thì ơn gọi linh mục và tu sĩ ở Trung Cộng đang tăng tiến, bất chấp việc tuyền truyền chủ nghĩa cộng sản vô thần
Mùa Thu ở Hoa Thịnh Đốn kéo dài ba tháng, bắt đầu từ 21 Tháng 9 đến 21 Tháng 12. Mỗi năm cứ sau Halloween
Có một số độc giả nêu thắc mắc về một bản tin trên Việt Báo nói rằng Giáo Hội PGVNTN đã "tan vỡ," và cho rằng chữ này không chính xác.
Một tuần vận động thành công và nhu cầu cần thiết: Dịch các lá thư CS “chửi” Hoa Kỳ, để nộp cho QH, BNG và Hội đồng An Ninh Quốc Gia
Theo nhận xét từ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) và Institute of Directors, một tổ chức qui tụ các công ty thương mại của người Anh
Tôi tên là Nguyễn Phương Anh , giới tính : Nam, ngày  sinh : 11/9/1972 , số giấy chứng minh nhân dân : 011537150 , ngày  cấp 13/10/2004 do công an Hà nội cấp
Kỳ nhông (hay cắc kè giông, caméléon) là một loại bò sát có đặc tính đổi màu da (các lớp vảy) tùy môi trường: giữa đám lá nó biến thành sắc xanh
Còn đúng một năm nữa, Hoa Kỳ sẽ có tổng tuyển cử để dân chúng bầu lên các cấp lãnh đạo của chính quyền liên bang và tiểu bang
Hoà Thượng Thích Quảng Độ thuật lại chuyến viếng thăm của phái đoàn Hoa Kỳ USCIRF... Đó là bản tường trình của nữ sĩ Ỷ Lan
Báo sự thật, số 120, ngày 15-10-1949 có đăng bài viết của Hồ Chí Minh: “Nước ta là nước Dân chủ; Bao nhiêu lợi ích đều vì dân
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.