Hôm nay,  

Cái Chi Từ Huế

07/01/201821:32:00(Xem: 7553)

CÁI CHI TỪ HUẾ


        Báo Xuân Mậu Tuất 2018 năm nay, khi mời viết bài, tôi được chủ biên cho biết là viết về chủ đề “Made in Huế”!

        Câu hỏi đầu tiên hiện ra tức thời là “Cái chi từ Huế?” Những hình ảnh lướt qua rất nhanh khi nghĩ đến Huế là khung cảnh thiên nhiên kỳ tú, điệu sống trầm lặng và nếp sống thanh đạm của một vùng quê hương miền Trung Việt Nam khiêm tốn, len mình giữa Trường Sơn và Nam Hải.

        Nói đến nhân văn, có quá nhiều điều để viết về Huế. Nhưng nói đến các lãnh vực khác như kinh tế, khoa học… thì khó có những dữ liệu chính xác để tham khảo hay dựa vào để viết về Huế.
        Ba mươi lăm năm sống ở quê nhà và ba mươi lăm năm sống ở quê người, tôi vẫn thường nghĩ về Huế như chiếc nôi văn hóa và tình cảm cho mình, cho những người dân gốc Huế dầu ở phương trời nào.
        Du lịch trên những thành phố lớn của thế giới có người Việt sinh sống, tôi vẫn tìm thấy Huế qua những tiệm ăn, cửa hàng với các dấu hiệu điển hình về Huế như: bún bò Huế, mè xửng Huế, nón bài thơ Huế, áo dài Huế, tranh thêu Huế và cả... màu tím Huế. Rất nhẹ nhàng Huế đã lắng sâu vào lòng dân tộc. Những gì “made in Hue” thì cũng chính là “made in Vietnam”.
        Với thế hệ Chiến tranh Việt Nam – những người sinh từ năm 1930 đến 1950 – thì hầu hết những mặt hàng công nghiệp và kĩ thuật máy móc đều đến từ bên ngoài. Vào những thập niên 30 và 40 thì hầu hết các mặt hàng đến từ Pháp "Fabrique en France" (chế tạo tại Pháp) ! Những năm 60, 70 đến từ Nhật và Mỹ; rồi Trung Quốc.
        Cho đến 1975, kể cả hai miền Nam Bắc, mặt hàng "made in in Vietnam" cũng rất hiếm hoi.
        Trên bước đường tha hương, có người Việt Nam nào mà không xúc động sâu xa khi nhìn trong hàng hàng lớp lớp hàng hóa của các nước khắp nơi trên thế giới có món hàng làm tại Việt Nam - "Made in Vietnam".
        Khi còn ở Huế, người Huế thường ít khi mang Huế qua khỏi bên kia đèo Hải Vân hay vượt dòng sông Mỹ Chánh. Ai muốn đội nón bài thơ, ăn bún Vân Cù, ăn cơm hến Huế thì tới Huế mà giao lưu, ăn uống. Phải chăng nhờ tinh thần... bảo thủ như thế mà hôm nay đi khắp đất nước từ Nam chí Bắc thì hầu như chỉ còn một thành phố mang được dáng xưa, đó là Huế.
        Ngày nay, Người dân Huế như đàn chim tung cánh bay khắp bốn phương trời. Ở đâu có được dăm ba gia đình người Huế là đã có một hình thức biểu hiện “lai lịch Huế” như hội Huế, nhóm Nhớ Huế, hội Quốc Học, Đồng Khánh... ra đời. Có thể nói, hành trang lớn nhất mà người Huế mang theo đến xứ người thuộc về giá trị tinh thần nhiều hơn là vật chất. Đó là phong cách Huế, văn hóa Huế và tâm lý tự hào về di sản Huế kế thừa trong thân phận tha hương.

        Phong cách Huế là nét tiêu biểu nhất trong văn hóa Huế. Đó là cách ứng xử chừng mực, nhẹ nhàng trước những hoàn cảnh khác nhau: Người đó có thể là một nhà tu, một thương gia, một sinh viên đại học, một thợ làm móng tay, một người làm vườn… tại Mỹ hay các nước kỹ nghệ Âu Tây, nhưng “kiểu Huế” của mỗi nhân vật đều đòi hỏi hay ít nhất là đối tượng tiếp xúc trông chờ là thái độ khoan hòa và cách làm việc không vội vàng bợp chợp. Không hiếm lắm với lời trách: “Vậy là Huế dõm rồi. Huế gì mà nhảy choi choi, hung hăng con bọ xít thế!” Nghĩa là phong cách tiêu biểu của Huế phải từ tốn, dè dặt, hài hòa trong tương quan xử thế tiếp vật.

        Cách ăn, điệu ở kiểu Huế cũng đã thành huyền thoại: Từ thời 1802 về sau, Huế là kinh đô của vương triều nhà Nguyễn. Những món ăn, cách trang phục, nghệ thuật làm dáng của phụ nữ, cách “làm đày” của các bà trung niên, kiểu gia trưởng của các ông có địa vị xã hội (từ nhất phẩm triều đình đến cửu phẩm hàng dân dã) từ bốn phương dồn tụ vào Huế đều được sàng lọc, chế biến, gia giảm hương vị, trang hoàng gọt tỉa sao cho phù hợp với điệu đà, kiểu cách của con nhà quý phái, có nề nếp gia giáo.

        Món ăn thì coi trọng phẩm hơn là lượng. Từ những món tôm chua, cua mắm phía Nam đến những món phở, hầm từ phía Bắc đều được cải biên, chế tác theo phong cách mới. Ngay cả những món ăn nhà nghèo như canh hến, cơm nguội từ bữa cơm chiều hôm trước thì dần dà cũng phải được chế biến thành món Cơm Hến Huế độc chiêu. Cũng như món mì phở xứ Bắc khi vào Huế cũng thành món Bún Bò Huế mà tay sành ăn lừng danh quốc tế như Anthony Bourdain cũng ngồi bên gánh bún hến chợ Đông Ba ăn ngon lành và tuyên bố rằng, “đây là món xúp tuyệt chiêu hàng đầu thế giới” (the greatest soup in the world: ngày 20-10-2014). Ngoài ra, những món chả Huế, bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc, bánh ít ram… Huế cũng là những món ăn tao nhã về hình thức và đậm đà về hương vị. Sản phẩm ẩm thực thuần Huế đang được ưa chuộng không chỉ riêng cho người Việt mà còn đối với nhiều sắc dân trên toàn thế giới.

        Đi sâu vào sự lắng đọng của cuộc sống là tinh thần. Nếp sống tinh thần và tâm linh của Huế vừa cổ kính, vừa hiện đại giúp giữ được sự thăng bằng cho đời sống bên trong cũng như bên ngoài. Từ Thành Nội cho đến những vùng Nam Giao, Kim Long, An Hòa, Bao Vinh, Gia Hội, Vỹ Dạ thì hầu như nhà nào cũng có bàn thờ nghiêm cẩn bên trong và những hình thức am miếu bên ngoài. Đặc biệt, các chùa viện Phật giáo Huế thường mang một vẻ thuần khiết và tôn nghiêm. Khi ra nước ngoài, tinh thần Phật giáo Huế lại càng được thể hiện đậm nét tinh cần hơn trong mọi địa phương và hoàn cảnh.

        Giọng Huế “trọ trẹ” theo âm bậc ngũ cung cũng là một đề tài thú vị. Thế nhưng khi xa quê, tiếng Huế không phát huy theo chiều rộng thông thường mà nhập vào chiều sâu của ngôn ngữ. Bộ Từ Điển Tiếng Huế của bác sĩ Bùi Minh Đức in lần thứ 3 năm 2009 với hai cuốn thượng và hạ quy tụ tới 2050 trang in trên khổ lớn, chữ nhỏ được tác giả chuyên tâm biên soạn trong suốt 18 năm, là một “hiện tượng ngôn ngữ” độc đáo. Chưa có một phương ngữ nào, kể cả trong và ngoài nước, ở tầm mức của một tỉnh thành, một cố đô lại có đủ bề dày để tập đại thành một tác phẩm gần với Bách khoa Từ điển như thế.

        Nếu hỏi: “Cái chi từ Huế?” với một người đã xa Huế hơn nửa đời người thì câu trả lời thật không đơn giản vì Huế có quá nhiều giá trị thấy được nhưng đồng thời cũng có những “sản phẩm” tinh thần thông qua cảm nhận và ý thức. Đó không phải là một khái niệm nghịch lý mà là một ý tưởng hợp lý theo vị thế và hoàn cảnh của từng người như cả vũ trụ này là “không” đối với một bậc chân tu; nhưng là “có” đối với một nhà khoa học.

        Cái “có, không” thường chỉ là một khái niệm triết lý; trong lúc thực tế đời sống là bức tranh biến ảo muôn màu. Là người Huế, hơn nửa đời tha hương nhưng vẫn còn thương Huế, tôi vẫn còn miên man nghĩ về Huế không khứ, không lai, không tài, không tận… một cách rất chi là “làm đày” (hờn, mát) kiểu Huế. Và như thế, tôi làm thơ:

RĂNG CỨ ĐÒI THƯƠNG HUẾ

 

blank


 

Huế có chi mô mà đòi thương dữ rứa
Hạ nắng cháy mình mùa đông lạnh cắt da
Dãi đất hẹp Trường Sơn ra tận biển
Cuối tháng mười bão lụt cũng không tha

Nhưng khổ quá 
Tui cũng là dân Huế
Đã xa quê khi mới nửa đời
Nơi đất khách có đủ điều mơ ước
Rủng rỉnh lợi danh tưởng quên được Huế rồi

Ma quỷ bắt cứ đăm đăm về Huế
Nhớ nhịp cầu thổn thức với dòng sông
Tô cơm hến dĩa xôi mè buổi sớm
Cháo gạo nghèo răng thương Huế rưng rưng

Tui đã tới đã đi nhiều xứ lạ
Cũng lặng nhìn bao cảnh đẹp kiêu sa
Nhưng nét Huế không đến từ đôi mẳt
Tự trong lòng thăm thẳm Huế lan ra

Im ắng mãi theo tượng đài cổ tích
Huế ngập ngừng như lời ngỏ tình nhân
Mắt rơm rớm cắn môi là đã nói
Không hẹn hò mà nhớ tới trăm năm

Không chi cả mà nghe đời rất Huế
Hạt bụi hồng thiên cổ vọng bao la
Trong giọt nước chứa linh hồn biển cả
Nên Huế gần mà Huế cũng rất xa

 


Chiều mùa Thu Natomas Park 11-2017

 

 

 Trần Kiêm Đoàn

       

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Tham nhũng chính trị, lệch lạc tư tưởng, băng hoại đạo đức và hủ bại về lối sống. Đây là những kẻ thù rất nguy hiểm của Đảng, cần phải loại bỏ.” Tạp chí Xây Dựng Đảng (XDĐ) đã báo động như thế trong bài viết ngày 26/11/2023...
Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) nhìn nhận tình trạng “trẻ hóa” trong suy thoái “tư tưởng chính trị ” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang gây khó khăn cho công tác “xây dựng, chỉnh đốn đảng”...
Năm 2024 là năm bầu cử, một năm gay go thử thách, và đề tài yêu ghét dù muốn hay không muốn đã trở lại trên các trang báo, trong các buổi tranh luận trong gia đình, ngoài xã hội. Chúc bàn tiệc trong năm của quý vị rôm rả những câu chuyện, những cuộc đối thoại bổ ích hai chiều, những thay đổi tốt đẹp. Và xin cảm ơn quý thân hữu, thân chủ đã hỗ trợ, gắn bó cùng hành trình với Việt Báo trong hơn 31 năm qua. Sau cùng là lời tri ân đến các độc giả Việt Báo: chính quý vị, những người đọc khó tính là thành trì giúp Việt Báo trở thành một tờ báo uy tín, chuyên nghiệp.
Năm 2023 tiến vào những ngày cuối cùng, nó sẽ đi qua và không bao giờ trở lại. Lịch sử sẽ đi qua nhưng những việc làm của con người sẽ tồn tại với sự khôn ngoan và ngu ngốc của đa số. Cụm từ ‘con-người-đa-số’ chỉ định ý muốn chung của đa số người. Và ‘con-người-thiểu-số’ đành phải tuân theo. Trò sinh hoạt dân chủ luôn luôn là con dao hai lưỡi có hiệu quả tùy thuộc sở thích của con người đa số. Sở thích? Một thứ tạo ra tốt lành hoặc khổ nạn. Đúng ra là cả hai, nhưng có một trong hai sẽ lớn hơn, đôi khi, lớn gấp bội phần. Nếu khổ nạn quá lớn thì cuộc sống chung sẽ thay đổi, có khi lâm vào mức tồi tệ. Chẳng hạn như trường hợp nước Đức dưới thời Hitler. Ý muốn của con người đa số đam mê nồng nhiệt ý muốn của Hitler. Cho ông ta cơ hội dẫn đầu một quốc gia quyền lực, tạo ra hiệu quả cuộc chiến thế giới thứ hai. Hậu quả tàn khốc đó do ai? Hitler? Đúng một phần.
“Tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong Lực lượng vũ trang nhân dân là mối lo hàng đầu của đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Bằng chứng này đã được Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đưa ra tại Hội nghị Đảng ủy Công an ngày 20/12/2023 tại Hà Nội, và trong nội dung các bài viết trên báo chí chính thống của nhà nước liên quan đến Quân đội...
Người ta nên áp dụng đạo đức vào tài chính trị của Henry Kissinger như thế nào? Làm thế nào để người ta quân bình những thành tựu với những hành vi sai trái của Kissinger? Tôi đã vật lộn với những vấn đề đó từ khi Kissinger là giáo sư của tôi, và sau này là đồng nghiệp tại Đại học Harvard. Vào tháng Tư năm 2012, tôi đã giúp phỏng vấn ông trước một số lượng lớn cử toạ tại Harvard và hỏi liệu ông có làm điều gì khác đi trong thời gian làm ngoại trưởng cho các Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Gerald Ford không. Lúc đầu, ông nói không. Suy nghĩ lại, ông nói rằng ước mình là đã hoạt động tích cực hơn ở Trung Đông. Nhưng ông không đề cập đến Campuchia, Chile, Pakistan hay Việt Nam. Một người phản đối ở phía sau hội trường hét lên: "Tội phạm chiến tranh!"
Việt Nam có còn “độc lập” với Trung Quốc hay không sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước Tập Cận Bình là thắc mắc của người dân Việt Nam. Ông Tập có mặt ở Việt Nam từ 12 đến 13 tháng 12 năm 2023 và đạt được cam kết của Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng về “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc”.
Ngày nay, Chiến lược Phòng thủ Quốc gia của Hoa Kỳ – giống như chiến lược Chiến tranh Lạnh tạo chuẩn mực cho tư duy chiến lược trong những năm từ thập kỷ ‘50 đến ’80 – bị chi phối bởi một tác nhân đe dọa chính, đó là Trung Quốc. Điều này vừa cung cấp thông tin vừa tạo điều kiện cho tất cả các mối đe dọa lớn khác có thể xảy ra: Nga, Iran và Bắc Triều Tiên. Giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ hiện đang lâm vào một cuộc cạnh tranh với đối thủ duy nhất của mình, một cuộc cạnh tranh có khả năng bỏ rơi các thành tựu chính trị, kinh tế và công nghệ. Hoa Kỳ cũng đang ở trong một cuộc chạy đua vũ trang hiện đại, và trong một số trường hợp, chơi trò đuổi bắt và tranh đua để giành tình hữu nghị, gây ảnh hưởng lên các quốc gia khác trên thế giới.
Rồi vào ngày 12/12/2023, tức chỉ sau ba tháng, Việt Nam lại long trọng tiếp đón Chủ Tịch Tập Cận Bình và nói rằng hợp tác và hữu nghị với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược của Việt Nam...
Chỉ ba tháng sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp ngoại giao trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, người ta thấy Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới mới nhất tăng cường quan hệ với Việt Nam với chuyến thăm Hà Nội trong tuần này...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.