Hôm nay,  

Chiếc Quần Jeans Xanh

24/10/201715:15:00(Xem: 6452)

Jeans
Dưới triều Minh Mạng (1820-1840), vua hai lần ra sắc dụ bắt phụ nữ Đàng Ngoài phải thay đổi cách ăn mặc theo người Đàng Trong. Do vậy trong dân gian đã truyền tụng câu ca dao:

Tháng chín có chiếu vua ra.
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng.

Để thay đổi từ chiếc váy sang chiếc quần làm người dân thời ấy hãi hùng lắm. Không phải chỉ vì một đường chỉ chạy dài chia cái váy làm 2 ống, mà là hình ảnh một sắc phục đã ăn sâu vào phong tục nếp sống con người nên khó đổi thay. Lại có sự phân biệt nam - nữ trong cách ăn mặc. Đàn ông không mặc váy và đàn bà không mặc quần...

Cũng chỉ hơn chục năm sau cái thời "hãi hùng" ấy ở Việt Nam thì ở Mỹ năm 1853, trong thời kỳ sốt vàng ở california, một người di dân Đức tên Levi Strauss từ New York đến San Francisco để lập nghiệp, không phải để đào vàng mà để may quần áo bán cho thợ đào mỏ. Trước đó người ta đã may quần, những chiếc quần lao động chỉ vài tuần là rách đường chỉ, do công việc nặng nhọc, lăn lộn với hầm mỏ...Vậy là phải nhờ những chiếc đinh tán rivet từ sáng kiến của Jacob Davis để đóng vào túi, vào những đường chỉ để bền chắc nhét những quặng vàng. Tấm quần vải dày bền bỉ qua tháng năm quanh các hầm mỏ bụi bặm. Chiếc quần Jeans đã ra đời và thăng hoa đi vào lịch sử nhân loại, làm nên một chiếc quần huyền thoại.

Khi những mỏ vàng đã cạn, thì những người bạt mạng của miền Tây hoang dã này đã mang theo chiếc quần Jeans về thành phố, đi vào công xưởng, vào nhà máy, về ruộng đồng và ngay cả đi vào cuộc nội chiến Bắc Nam. Nhưng đấy chỉ là chiếc quần lao động, cho binh lính, cho giới nghèo khó. Đến năm 1914, khi màn ảnh Hollywood sơ khai với những thước phim câm đen trắng, tài tử William Hart đã tiên phương làm gió bụi chốn Viễn Tây với hình ảnh chàng cao-bồi anh hùng mã thượng, bắt đầu bằng chiếc quần Jeans thật "ngầu", thắt lưng trễ xuống với dây nịt đeo các viên đạn và chiếc roi da. Rồi sau Thế chiến I, thì hình ảnh chiếc quần Jeans trên màn ảnh ngày càng phổ biến. Chiếc quần Jeans ngự trị trên khắp nơi, trên đồng cỏ thảo nguyên, trên sông nước của các thủy thủ. Những người lính hải quân mang chiếc quần Jeans xanh, đầu đội chiếc mủ vải trắng đã lan ra khắp Châu Âu. Một trang phục thông dụng bình dân đã vô tình quảng bá cho chiếc quần Jeans đến những kinh đô của thời trang ở Châu Âu ngày ấy, khi các chàng thủy thủ mặc chiếc quần Jeans đi dạo phố trời Âu. Những chiếc quần ngày ấy rộng thùng thình không bó sát cho làm việc được dễ dàng.

Sau đó năm 1953, tưởng như chiếc quần Jeans đã bị cấm đoán khi tài tử điển trai Marlon Brando mặc chiếc quần Levi's 501 thật ngầu bên chiếc xe gắn máy Harley Davidson trong phim băng đảng Kẻ Hoang Đàng và James Dean làm sóng gió trong phim Nổi Loạn Vô Cớ. Chiếc quần Jeans, áo da, xe gắn máy... trở thành biểu tượng cho sự nổi loạn của giới trẻ. Các giới thượng lưu và mô phạm đã không chấp nhận một chiếc quần vải thô sờn gối, chiếc áo da cao cổ không cài nút mang nét bụi đời phóng đảng. Vài nhà hàng, rạp hát và trường học đã cấm đoán. Tuy vậy thế hệ baby boom sau Thế chiến II đã cùng chiếc quần Jeans làm thay đổi văn hóa và đời sống khắp nơi. Những năm 1960 thì cả nam lẫn nữ đều mặc quần Jeans và có chiếc zipper cài phía trước. Quần thay đổi từ 4 túi thành 5 túi. Túi thứ 5 nhỏ xíu nằm trong túi trước để chứa tiền xu, hộp diêm, vé xem phim hay... condom. (Khi Steve Jobs ra mắt chiếc Ipod Nano nhỏ xíu, cũng được rút ra chào hàng từ chiếc túi thứ 5 huyền thoại này.) Hai túi sau có chạy đường chỉ hình chữ V uốn cong như cái sừng bò, hay như ký tự Omega của Calvin Klein (CK) sau này. Sau lưng quần có thêm đường chỉ chạy vòng cung để nâng lên cái đẹp sung mãn của vòng 3, phía trước bó sát khoe niềm tự hào thầm kín. Vành đai quần làm phụ trang cho dây nịt da hay dây vải màu...Nhưng dù biến thể kiểu nào, thì các đinh tán rivet bằng đồng và những sứa vải chéo xanh trắng đã làm nên đặc thù cho chiếc quần Jeans huyền thoại.
Quần Jeans trở thành mốt thời thượng và ngự trị trong mọi nơi chốn, từ sang trọng đến bình dân. Nhất là từ khi Marilyn Monroe làm cháy màn bạc bằng các đường cong bốc lửa trong chiếc quần Jeans xanh trong phim Dòng sông không trở lại. Jeans là biểu tượng của sexy. Levi's, Wrangler và Lee là 3 nhà sản xuất quần Jeans thống trị thị trường nước Mỹ thời ấy.

Không chỉ ở màn bạc, mà quần Jeans đã đi vào thời trang của giới nghệ sĩ. Những nhịp đập rộn ràng của thập niên 1950 và sự bùng phát của thế hệ baby boom sau Thế chiến II đã làm nên làn sóng Hippies và cuộc cách mạng giới tính. Từ những khúc ballads ngọt ngào của Bob Dylan, từ những sân khấu rộn ràng Rock & Roll của Elvis Presley, những gào thét của Hard Rock đến những tiếng đập làm con tim mệt lả nhưng đôi chân nhún nhảy của Hip Hop, R&B và Rap, không thể thiếu hình bóng chiềc quần Jeans. Chúng còn được "phá" rách để thấp thoáng chút da thịt khoe nam tính, sờn đầu gối, mòn bờ mông, vá chằng chịt, thêu ren các dòng chữ, các ký hiệu, tẩy trắng, bôi sơn...Quần được làm lưng thấp đến khoe cả rốn, cả chiếc eo thon, khoe cả phần sau ngồn ngộn, ống thì loa dài sát đất, có khi viền hoa hòe sặc sỡ. Các chiếc quần Jeans ở khu Bronx (NY) của các nhạc sĩ da đen còn sáng tạo ra đường chỉ làm ly (ply) ủi hồ đến cứng như gỗ. Họ còn đi xa hơn, thể hiện sự phản kháng xã hội và nổi loạn qua chiếc quần tụt xuống dưới thắt lưng, lòi cả quần lót. Đó là hình ảnh của một Baggy Jeans như một người tù trên đường phố hay sân khấu (bởi ở tù không cho mang nịt.) Tất cả chỉ để nói lên cái Tôi không giống ai, cái Tôi khát khao tự do và định đoạt cuộc đời mình.

Sean Bao
Quần Jeans xanh vì thế không chỉ là biểu tượng của người Mỹ. Khi Liên Bang Sô Viết còn ở đỉnh cao quyền lực trong cuộc chiến tranh lạnh thì Lễ hội thanh niên và học sinh lần thứ 6, năm 1957, chiếc quần Jeans đã được yêu thích cuồng nhiệt, tạo nên "Cơn sốt Jeans", là biểu tượng của Phương Tây tự do. Khi hơn 34 ngàn thanh thiếu niên từ 130 nước gặp nhau lần đầu tiên ở Moscow, dù bị cấm đoán và theo dõi chặt chẽ nhưng chiếc quần Jeans đã lan tỏa vào đất nước Cộng Sản này. Sau bức tường Đông Bá Linh ở những năm 1970, camera của Mật vụ Đông Đức Stasi vẫn nhắm đến các nhóm thanh niên mặc quần Jeans cố tìm cách hòa nhập với phương Tây qua bức màn sắt. Kruchev cho rằng quần Jeans và thuốc lá Mỹ Malboro với chàng cao-bồi có hại cho tuổi trẻ. Một chiếc quần Jeans Mỹ được nhập lậu vào Nga thời ấy giá đắt gần 15 bửa tối sang trọng với Champagne và trứng cá Caviar. Quần Jeans càng thu hút giới trẻ châu Á khi hình tượng một Lý Tiểu Long mặc quần Jeans ngực trần khoe 6 múi.

Sẽ là thiếu sót nếu không kể bạn nghe về chuyện quần Jeans đi vào luật ở Ý. Năm 1992, một gã 45 tuổi làm nghề dạy lái xe đã hãm hiếp một cô gái 18 tuổi trong buổi tập lái đầu tiên. Sau đó mặc lời đe dọa, cô gái nói với cha mẹ và gã râu xanh bị truy tố bắt giữ. Đến năm 1988, Tòa án tối cao ở Ý đã hũy phán quyết, với lý do là cô gái mặc quần Jeans bó chật sát người, chật đến mức gã kia không thể nào hãm hại nếu cô ta không đồng thuận để cùng cởi chiếc quần Jeans ấy ra. Cô ấy đồng thuận và như thế là gã kia vô tội. Phán quyết đã làm nên làn sóng biểu tình cho các phụ nữ. Họ mặc quần Jeans kéo đến nhà quốc hội giơ cao biểu ngữ "Jeans: Bằng chứng ngoại phạm cho hiếp dâm." Hãy hình dung chiếc quần Jeans bó sát chật đến thế nào. Nơi cửa hàng bán quần Jeans này người ta phải để một chiếc sofa trong phòng thử quần áo, khách hàng phải nằm trên sofa mới thử được chiếc quần Jeans này vào người. Lắm khi phải cần người trợ giúp kéo lên, giúp cài zipper. Chính bởi chật đến thế mới làm căng ra những đường cong chết người. Làm đắm đuối đôi chân dài miên man. Cùng phô diễn một thân thể sung mãn của tuổi trẻ cuồng nhiệt.
Cái giá mà môi trường và con người phải trả cho chiếc quần Jeans bạt màu không nhỏ. Thuốc nhuộm, tẩy rửa và chất độc hại được thải ra sông biển. Để làm một chiếc quần Jeans tương tự như lái một chiếc xe thải khí CO2 trong 78 dặm, tốn gần 2 giờ nước tưới cỏ, 300 giờ năng lượng như khi xem TV. Ngày nay với công nghệ khoa học hiện đại, các chất liệu và mẫu mã quần Jeans ngày càng được làm mới, làm lạ. Jeans thun co dãn, đủ sắc màu, được dập rửa bằng tia laser thay vì được làm mòn rách trông đến "tự nhiên" bằng tay người bào mòn và giảm thải hóa chất độc hại cũng như bao giọt mồ hôi từ các sweat shop ở các nước như China, Ấn độ, Philippine, Việt Nam...và ngay cả trong nước Mỹ.

Qua bao thập niên, chiếc quần Jeans xanh trở thành biểu tượng chung của tuổi trẻ, của sự bình đẳng trong giới tính, của sự hòa nhập và phá tan mọi rào cản của tuổi tác, mọi biên giới, mọi chủ nghĩa. Từ chiếc quần Jeans vừa túi tiền $20 của Gap hay Levi Strauss & Co. 501 giá $60, đến chiếc quần Jeans Ông Địa giá $300 của True Religion. Quần Jeans có sức thu hút mãnh liệt, được nam và nữ mang đi khắp toàn cầu, từ các nước Hồi Giáo đến các nước Cộng Sản, từ người vô gia cư đến vị lãnh tụ. Chiếc quần Jeans là "đại sứ" thời trang toàn cầu.

Tôi cũng thích chiếc quần Jeans, mặc thoải mái không cần ủi, trông mình trẻ ra. Quần càng cũ càng bạc đầu gối. Khi màu xanh phai, phơi những sợi vải trắng, như những vết bụi từng trãi trên tháng năm phong trần. Mỗi chiếc quần Jeans mang đầy dấu tích cá tính và kỉ niệm. Có chiếc quần mòn những vệt diêm quẹt xa xăm, có chiếc quần ố vệt dầu sửa xe cho người tình, có chiếc quần rách xơ ống vì bị quấn vào sên xe đạp, có chiếc quần mòn 2 túi sau qua bao năm tháng ngồi lê vỉa hè, bó gối bạc màu, nhìn phố xá ngây ngô...Chạnh nhớ mẹ tôi chưa bao giờ mặc quần Jeans, Mẹ chỉ quanh năm áo dài và quần lụa như bao người Mẹ Việt Nam khác. Dù vậy, mẹ vẫn trẻ đẹp hoài trong dáng dấp ấy. Một thời thật xa - lắm nhọc nhằn.

Sean Bảo

SB. Trích trong Tùy bút Áo Xưa Dù Nhàu, xuất bản 2017

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đảng CSVN hay nói “Trí thức là “nguyên khí của quốc gia”, làm hưng thịnh đất nước, rạng rỡ dân tộc*; “Trí thức là vốn liếng quý báu của Dân tộc”; hay “Thanh niên là rường cột của nước nhà” , nhưng tại sao nhiều người vẫn ngại đứng vào hàng ngũ đảng? Lý do vì đảng chỉ muốn gom Trí thức và Thanh niên “vào chung một rọ để nắm tóc”...
Tây Bắc hay Tây Nguyên thì cũng chừng đó vấn đề thôi: đất đai, tôn giáo, chủng tộc… Cả ba đều bị nhũng nhiễu, lũng đoạn tới cùng, và bị áp chế dã man tàn bạo. Ở đâu giới quan chức cũng đều được dung dưỡng, bao che để tiếp tục lộng quyền (thay vì xét sử) nên bi kịch của Tây Nguyên (nói riêng) và Cao Nguyên (nói chung) e sẽ còn dài, nếu chế độ toàn trị hiện hành vẫn còn tồn tại...
Bữa rồi, nhà thơ Inra Sara tâm sự: “Non 30 năm sống đất Sài Gòn, tôi gặp vô số người được cho là thành công, thuộc nhiều ngành nghề, đủ lứa tuổi, thành phần. Lạ, nhìn sâu vào mắt họ, cứ ẩn hiện sự bất an, lo âu.” “Bất an” có lẽ không chỉ là tâm trạng của người Sài Gòn mà dường như là tâm cảm chung của toàn dân Việt – không phân biệt chủng tộc, giới tính hay giai cấp nào ráo trọi – nhất là những kẻ sắp từ giã cõi trần. Di Cảo của Chế Lan Viên và di bút (Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất) của Nguyễn Khải, theo nhận xét của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, chỉ là những tác phẩm “cốt để xếp hàng cả hai cửa. Cửa cũ, các ông chẳng bao giờ từ. Còn nếu tình hình khác đi, có sự đánh giá khác đi, các ông đã có sẵn cục gạch của mình ở bên cửa mới (bạn đọc có sống ở Hà Nội thời bao cấp hẳn nhớ tâm trạng mỗi lần đi xếp hàng và không sao quên được những cục gạch mà có lần nào đó mình đã sử dụng).”
Tập Cận Bình tin rằng lịch sử đang dịch chuyển theo hướng có lợi cho mình. Trong chuyến thăm Vladimir Putin tại Matxcơva vào tháng 3 năm ngoái, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói với Tổng thống Nga rằng “Ngay lúc này, chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi chưa từng thấy trong 100 năm qua, và chúng ta đang cùng nhau thúc đẩy sự thay đổi ấy.”
Sau 20 năm chiêu dụ Kiều bào về giúp nước không thành công, đảng CSVN lại tung ta Dự án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới” vào dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024. Đây là lần thứ tư, từ khi có Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26 tháng 3 năm 2004, một Quyết định nhằm mưu tìm đầu tư, hợp tác khoa học, kỹ thuật và tổ chức các Hội, Đoàn người Việt ở nước ngoài, đặt dưới quyền lãnh đạo của đảng CSVN được tung ra...
Khi số lượng di dân vượt biên bất hợp pháp qua biên giới Hoa Kỳ-Mexico tăng cao kỷ lục, câu hỏi quan trọng được đặt ra là: Làm thế nào mà Hoa Kỳ lại rơi vào tình trạng này, và Hoa Kỳ có thể học hỏi những gì từ cách các quốc gia khác ứng phó với các vấn đề an ninh biên giới và nhập cư. Chào đón công dân nước ngoài đến với đất nước của mình là một việc khá quan trọng để giúp cải thiện tăng trưởng kinh tế, tiến bộ khoa học, nguồn cung ứng lao động và đa dạng văn hóa. Nhưng những di dân vào và ở lại Hoa Kỳ mà không có thị thực hoặc giấy tờ hợp lệ có thể gây ra nhiều vấn đề – cho chính bản thân họ và cho cả chính quyền địa phương bởi tình trạng quá tải không thể kịp thời giải quyết các trường hợp xin tị nạn tại tòa án nhập cư, hoặc cung cấp nơi ở tạm thời và các nhu cầu cơ bản khác. Mà tình trạng này hiện đang xảy ra ở rất nhiều nơi ở Hoa Kỳ.
Trên vai những pho tượng trắng trong vườn Lục Xâm Bảo, lá vàng đã bắt đầu rơi lất phất. Mùa Thu Paris thật lãng mạn. Henry Kissinger đi dạo quanh một hồ nhỏ ở ngoại ô gần Rambouillet. Nơi đây từng cặp tình nhân đang nắm tay nhau bên những cành cây la đà bóng hồ. Ông thấy lòng mình nao nao (melancholic) vì sắp tới phiên họp quan trọng nhất với ông Lê Đức Thọ.
Tôi nghe nhiều người tỏ ý bi quan về hiện cảnh cũng như tương lai (đen tối) của Việt Nam. Dân tộc nào, số phận đó. Một đất nước có những người viết sử và làm luật (cỡ) như ông Dương Trung Quốc thì… đen là phải!
Việt Nam bước vào năm Giáp Thìn 2024 với gánh nặng tham nhũng và một đội ngũ “không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức lối sống. Đó là cảnh báo của người đứng đầu đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc phỏng vấn đầu năm của Thông Tấn Xã Việt Nam...
Từ thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, Triết gia Mạnh Tử (372-289 BC) của Trung Hoa đã nói rằng, “Dân là quý, thứ đến đất nước, rồi tới vua.” Điều đáng nói là Mạnh Tử là người đi theo học thuyết của Nho Gia vốn chủ trương vua là con ông Trời (Thiên tử) được sai xuống nhân gian để trị quốc an dân, vậy mà cũng không thể phủ nhận vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là tối quan trọng của người dân. Thời hiện đại, công pháp quốc tế đã nêu ba yếu tố chính hình thành một quốc gia: người dân, lãnh thổ và chính quyền. Trong đó, thật ra người dân chính là yếu tố then chốt quyết định. Lãnh thổ nếu không có dân ở, không có người quản trị thì không phải là đất nước của một dân tộc. Chính quyền từ người dân mà ra, bởi vì trước khi một người ra nắm quyền cai trị đất nước thì người đó phải là một người dân của đất nước ấy. Hơn nữa, sự thịnh suy của một quốc gia nằm trong tay người dân.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.