Hôm nay,  

Tản Mạn Văn Học: Nói chuyện với Lưu Na

01/10/201717:29:00(Xem: 5704)

Tản Mạn Văn HọcNói chuyện với Lưu Na

 

Nguyễn Mạnh Trinh: Trong văn học Việt Nam hải ngoại, một đề tài được chú ý nhất không phải với người Việt riêng thôi mà còn cả với người bản xứ là tiến trình hội nhập của người Việt tị nạn. Ở văn chương Hoa Kỳ tác phẩm của những người di dân là một phần tiêu biểu thí dụ như những tác phẩm của Monique Truong, của Aimee Phan, của Nguyễn Minh Bích, của Lan Cao, củaKim Thúy, của Nguyễn Thanh Việt… ở Pháp thì Linda Le, Trần Huy Minh…Đó la những tác giả có  tác phẩm viết bằng Anh ngữ  hay Pháp ngữ.

Tình cờ, chúng tôi đọc một tác phẩm mới của một nhà văn nữ cũng rất mới  bằng Việt ngữ. Đó là tác phẩm  Lênh Đênh của tác giả Lưu Na. Tôi cũng là một người tị nạn nên khi đọc những trang sách trong truyện của Lưu Na  như thấy lại những chuỗi ngày đã qua của đời lưu lạc với những  nhân vật mà nét hiện thực đời sống tỏ lộ hết sức rõ ràng. Lưu Na không chỉ là người kể truyện mà còn là một chứng nhân của những cuộc đổi dời mà thời thế như những trận cuồng phong cuốn xoay mọi người miền Nam vào những cơn bão tố khủng khiếp.

Từ những cảm nhận trên, trong chương trình Tản mạn Văn Học hôm nay, chúng tôi, Nhã Lan và Nguyễn Mạnh Trinh, đã mời nhà văn nữ Lưu Na  nói về tác phẩm vừa hoàn tất của mình. Hy vọng, chúng tôi cống hiến được cho qúy thính giả một chương trình thú vị về một tác giả mới nhưng có bút pháp đặc sắc và có triển vọng để tiến xa hơn. Những suy tư của cô tuy riêng mình nhưng nhiều khi trở thành của chung nhiều người…

Nhã Lan :   một tiểu sử ngắn. Lưu Na sinh ở Sài Gòn. Học  năm thứ hai Đại Học Kinh tế sau năm 1975. Vuơt biên  và định cư ở California năm 1981. Hiện sinh sống tại Orange County. Đề cãp đến chuyện viết lách cô tự nhận :”góp chữ với đời là chuyện tình cờ và cũng vẫn là viết cho riêng mình”. Nhã Lan sẽ tìm hiểu chuyện tình cờ của Lưu Na ra sao và dù viết cho riêng mình nhưng đã thành chuyện của trường văn trận bút thế nào?

 Lênh Đênh là truyện  của người trong  thế hệ tị nạn  một rưỡi đã trải qua những cảnh ngộ với người Việt tị nạn thì có thể bình thường nhưng với người bản xứ thì là những tháng năm của bản trường ca đầy nỗi đoạn trường và chuyện sống chết chỉ là những giây phút rủi may oan nghiệt.

Sau ngày đau thương 30 tháng tư năm 1975, cả toàn dân miền Nam đã chịu chung số phận của những người thua trận. Trong đó có những người ở tuổi đôi mươi đang ngồi trên ghế nhà trường. Họ đã  chứng kiến biết bao nhiêu tình cảnh ly biệt đau thương của cả một xã hội rối loạn và đang trên đà đi xuống không kềm giữ được. Trường lớp   qua sự điều hành của người thắng trận đã thành  môi trường của hoang mang, ưu tư sẽ không biết đi về đâu trong không khí nghi kỵ đe dọa. Họ bắt buộc phải lựa chọn hoặc theo thời để mong có chân đứng trong xã hội mới, hoặc nín thở qua sông, hoặc chống đối đương đầu, hoặc chọn vượt biên vượt  biển băng rừng ra khỏi nhà tù lớn ở quê hương  . Lư na là người chọn phương cách ấy. Vượt biển , may mắn đến đảo tạm dung rồi định cư ở Mỹ, cái tiến trình xây dựng tương lai ấy có lẽ chung của mọi người. Nhưng với Lưu Na đặc biệt hơn là thân phận cô đơn sống một mình và  đương đầu cũng một mình với bao nhiêu trở ngại  của cuộc sống lưu lạc xứ người.

 blank

Những câu hỏi với Lưu Na.

  1. Nguyễn Mạnh Trinh:Lưu Na vừa xuất bản tác phẩm đầu tay Lênh Đênh. Cô có thể cho biết tác phẩm này đã hoàn thành như thế nào? Cũng như có chuyên chở một  ý hướng hoặc thông điệp nào đến độc giả?

 

LN xin thưa, viết LĐ là vì muốn viết lại những ý nghĩ những cảm xúc của mình.  Trường hợp viết LĐ là cuối năm 2010 đầu năm 2011 vì một sự tình cờ mà LN viết, rồi cái tình cờ này dẫn đến cái tình cờ khác, rồi LN cứ viết tiếp, viết tiếp, viết hoài, đến một lúc nào đó LN nghĩ rằng những gì mình đã mang trong lòng cũng cần được viết lại, nên viết lại.  Viết lại, trước hết là nhìn lại chính mình, và cũng đúc kết lại quãng đời mình đã đi qua (để biết) có những gì.  Có thể nói đó là một sự chia sẻ, và cũng là một cách mình đóng lại cánh cửa quá khứ vì nếu mọi sự cứ theo mình hoài mà không giãi bày không chia sẻ thì cũng không đóng lại được (quá khứ) và cũng không biết sẽ đi tới đâu.  Nghĩ như vậy thì LN bắt đầu viết lại, nhưng khi viết lại cả một quãng đời dài như vậy không phải  dễ.  Mình quên nhiều điều, nhiều chi tiết, mà giờ đây nghĩ lại, cái mình nghĩ bây giờ khác với cái mình đã nghĩ khi đó khi nó đang xảy ra, nên khi viết lại LN phải ngẫm nghĩ và phải viết từ từ bằng cách viết từng chuyện nhỏ, phân đoạn ra là: quãng đời đầu tiên khi cộng sản chiếm miền Nam (LN) còn đi học, kế đến tại sao mình bước chân xuống thuyền, lên đảo sống như thế nào, khi định cư ở Mỹ quãng đời hội nhập có những gì lưu lại trong lòng, khi đã đứng lại và nhìn lại quãng đời đã qua mình đã có những cảm xúc gì…  Thật sự có nhiều chi tiết đã quên mà nếu viết lại bằng kiến thức của tuổi 50 bây giờ sẽ không đúng, nên khi viết LN chú trọng là ở giai đoạn đó đã có sự việc gì xảy ra và mình đã có cảm xúc gì, nghĩ gì vào lúc đó.  Không thể nào viết hết, vắn gọn chỉ là những gì đã ghi đậm trong lòng, đã cho mình một ý nghĩ sâu xa để theo mình thì viết lại mà thôi.  Nói tình cờ thì cũng tình cờ, nhưng không hoàn toàn chỉ là tình cờ.

 

  1. Nguyễn Mạnh Trinh: Cô có nghĩ đề tài về người tị nạn đã bão hòa bởi vì có quá nhiều tác giả đã khai thác về đề tài này?

 

Xin thưa em là một người tị nạn, đề tài tị nạn đã hết tính thời sự, mức độ nóng hổi của vấn đề cũng đã bão hòa vì đã có quá nhiều người viết về đề tài tị nạn, nhưng em cũng đồng ý với anh NMT, đề tài tị nạn nói 100 năm cũng không hết vì nó cũng thuộc một vấn đề lịch sử.  Bản thân em là một người tị nạn, cho đến chết dù có quốc tịch Mỹ em vẫn là một người tị nạn.  Nói bao nhiêu cũng không đủ, nói bao nhiêu cũng vẫn còn chỗ để mà nói, nhưng riêng với em và Lênh Đênh khi viết em có nhắc đến một phần đời tị nạn vì đó là khởi đầu của em trên đất Mỹ này, và điều đó cũng hình thành một con người mới nơi này.  Nếu còn ở Việt Nam em đã là một con người khác, bây giờ đến đây là một người tị nạn, sống ở đây với tư cách một người tị nạn thì cũng hình thành một con người khác.  Đề tài tị nạn đã bão hòa, nhưng LN muốn nhắc rằng trong quá khứ khi mọi người nhắc đến nói đến tị nạn thường là kể đến những thảm họa, những đau thương, những sự kiện, những tình tiết.  Với LN khi nhắc lại những gì mình đã đi qua LN chú trọng đến cảm xúc của mình.  Cũng cùng một vấn đề mỗi người có một cảm xúc riêng, một ý nghĩ riêng, LN chỉ xin chú trọng đến cảm xúc và ý nghĩ trước vấn đề đã thấy.  Sự kiện thì vẫn phải nhắc tới, nếu nhiều người đã lập lại rồi mình không nhất thiết phải nói lại, nhưng nếu có một cảm xúc riêng vì một chỗ đứng riêng thì chỉ xin nói đến những cảm nghĩ ấy.

 

  1. Nhã Lan : Cơ quan tuyên huấn chỉ đạo văn chương ở trong nước cho rằng đề tài về người tị nạn chỉ có tính nhất thời và không có giá trị lâu dài trường cửu. Lưu Na nghĩ sao về luận cứ này?

 

Trong câu hỏi này xin nói 2 vấn đề.  Thứ nhất là tính cách nhất thời và thứ hai là giá trị lâu dài trường cửu.  Nói nhất thời thì xin được nói, Thiên An Môn, Cách Mạng Dù Vàng, Cách Mạng Hồng, Cách Mạng Hoa lài, Cách Mạng Ba Lan, tất cả đều ngắn ngủi và đều qua đi, nhưng chúng ta có nói đó (những cuộc Cách Mạng đã nêu) là nhất thời không?  Không.  Chúng ta nói nhất thời khi nói đến những phong trào ăn diện như thời trang, hay vui chơi như ở Việt Nam có dạo chơi trượt Pa-te và qua đây chúng ta chơi game, chơi Pokemon, đó là phong trào; hoặc ở VN nuôi chim cút, ở đây chúng ta uống (bán) bô-ba.  Chúng ta nói (nhất thời) những việc ăn uống vui chơi hay làm ăn kiếm lời cấp tốc.  Những việc có liên quan đến cả một xã hội, thay đổi cả một khuynh hướng, chúng ta không (thể) nói đó là nhất thời.  Gọi phong trào vượt biên là nhất thời là muốn gán ghép với chuyện (tính cách) a dua, đua đòi, theo thời trang theo chuyện ăn diện vui chơi.  Na nghĩ nói như vậy (“nhất thời”) phần nào bôi bẩn ý nghĩa của chuyện vượt biên và phần nào đó để phản bác lý do người ta vượt biên.  Không có ai…  Để theo một phong trao ăn diện vui chơi làm tiền cấp tốc (người ta) bỏ tiền ra mà (nếu) mất thì thôi; người vượt biên liều mạng ra đi để đổi lấy sự sống thì không thể bảo là a dua.  Không có ai liều mạng để a dua để đua đòi theo thời trang.  Người vượt biên bỏ hết của cải, bỏ gia đình, thân thuộc máu mủ, bỏ quê hương bỏ lối xóm ra đi, nếu đi được họ mất tất cả - mất quê hương mất tình máu mủ, mất tình vợ chồng anh em.  Đó là đi được, họ vẫn mất, mà nếu không đi được sẽ mất gia sản và ở tù.  Nếu điều đó gọi là mode thời thượng…, liều mạng để đi tìm đường sống không thể nào là theo mode thời thượng. 

 

 

  1. Nhã Lan : anh Nguyễn Mạnh Trinh đã nêu rằng LN viết Lênh Đênh là một sự tình cờ, không biết thuở học sinh LN có tham dự vào công việc viết lách?

Xin thưa, nói một chữ “viết” thì điều đó hoàn toàn tình cờ, vì thưa thật khi còn đi học trong nước LN làm luận lúc nào cũng rớt, mà học Anh văn bên này thì cũng rớt hoài, nên LN không bao giờ nghĩ có một ngày mình cầm viết để “viết.”  Chuyện viết là hoàn toàn tình cờ, mà cái tình cờ đó khi nãy LN cũng có trả lời anh NMT – cái tình cờ này dẫn đến cái tình cờ khác rồi cái tình cờ khác nữa, nên khi viết Lênh Đênh thì LN đã viết được 5 năm.  Lênh Đênh là tác phẩm đầu tiên LN in ra giấy, và in ra cũng chỉ để tặng bè bạn, (vì) có bản điện tử trên trang mạng Văn Học của T-vấn và Bạn hữu.net.  In trên giấy thì Lênh Đênh là tác phẩm đầu tiên (được in), và cũng là tác phẩm đầu tiên LN có chủ ý.  Bình thường LN viết từng bài riêng rẽ, với Lênh Đênh khi viết từng bài/chuyện ngắn LN có chủ ý là phải gom lại cho thành một quyển sách, nên nếu nói đầu tiên thì không phải (truyện) đầu tiên viết, nhưng là đầu tiên in ra giấy và đầu tiên viết có chủ đích để gom lại thành sách chứ không như những bài rời đã viết để post.

 

5.  Nhã Lan:  Đã viết những bài rời, LN có nhớ bài rời đầu tiên đã viết là gì không?

 

Lưu Na nhớ.  Xin được bỏ qua tựa của bài đầu tiên ấy.  Bài viết tình cờ đầu tiên với Na cũng là một thách đố.  Đó là, có một quyển sách ai cũng đọc mà LN không đọc, ai cũng nói tới mà vì người ta nói tới nhiều quá thì LN không đọc (!!!).  Sau cùng thì LN cũng đọc, đọc rồi người đó hỏi LN nghĩ thế nào.  Nghĩ thế nào, cả một quyển sách dài không thể một hai câu nói hết ý nghĩ, và nghĩ câu trước quên câu sau, nên LN hẹn là sẽ ghi xuống giấy cho đầy đủ ý nghĩ.  Hẳn hoi đó là chuyện tình cờ và chuyện thách đố, vì LN chưa bao giờ nghĩ mình viết để làm gì viết cho ai.  Không ngờ bài viết được đón nhận và trong vòng thân hữu cũng được post.  Từ cái tình cờ đó đẩy đến chỗ viết cái nữa xem sao, rồi lại cái nữa xem sao, từ từ LN cũng viết được khá khá. 

 

 

  1. Nguyễn Mạnh Trinh: LN tự khai viết cho mình.  Tôi nghĩ viết cho mình chưa đủ, có thể viết cho người mẹ, viết cho người tình hay viết cho thân thuộc, và cũng có thể cho cả đất nước.  Đó là thắc mắc của tôi, LN nghĩ sao, nghĩ vậy có xa quá không?

Em xin đính chính một chỗ: không (dám) viết cho người tình, vì viết cho người tình là bị bỏ liền!!!  Viết cho mẹ hay cho quê hương, xin thưa nói vậy cao cả quá.  Thành thật là viết cho mình, xin chia sẻ một điều riêng tư: những năm tháng đầu tiên sống nơi đây (LN) không có gia đình cha mẹ anh chị em thân thuộc, cũng không có bạn bè nhiều.  Khi cô đơn như vậy biết làm gì, trong 10, 15 năm đầu em viết nhật ký rất nhiều, mà viết nhật ký là viết cho mình.  Bây giờ tình cờ viết thì cũng là theo những dòng viết nhật ký đó mà viết.  Viết, cho mình, là bởi khi viết là suy nghĩ bằng chữ, khi viết mình lọc lựa suy nghĩ của mình nên gọi đó là viết cho mình, thực sự là vậy.  Bây giờ có độc giả thì không thể nói hoàn toàn là viết cho mình, nhưng chủ đích đầu tiên là vậy.

 

  1.  Nguyễn Mạnh Trinh:  Tôi đọc trong Lênh Đênh có đoạn cô lên chuyến xe để vượt biên thì mẹ không có nhà, nhưng khi cô đã ngồi trên xe thì bà mẹ đạp xe về.  Cảm giác đó tôi đọc rất xúc động vì cũng nhiều lần cũng ở trong hoàn cảnh đó…  Chủ quan tôi nghĩ cô viết cho mẹ, gửi tâm tư vào đó dù chỉ một chi tiết nhỏ nhưng gợi cảm và làm liên tưởng đến những vấn đề khác.

 

Nhờ anh NMT nhắc em mới nhận ra, thực sự mẹ của LN đến sau, trong suốt 15 năm dài (LN) sống một mình.  Bây giờ nhắc, thì…, rất súc động,…, Na vẫn còn nhớ cảnh đó,.., nhớ giây phút… mình không được từ giã mẹ mình, lúc ra đi …, Na vẫn nhớ…, Na xin lỗi vì chuyện đó mang lại cho mình nhiều cảm xúc,…, mình ra đi như vậy… mà mẹ mình cách mình chỉ một con đường…, mẹ đứng bên kia con đứng bên này…, mà không nói được một lời…, Na khóc bao nhiêu năm dài…, mà đến bây giờ Na vẫn khóc…, Na xin lỗi… cái chuyện mà…, bởi vậy ai nói là chuyện đó (vượt biên) nhất thời…, Na nghĩ cái đó phỉ báng lắm…  Không thể nào nói nhất thời…, mẹ.. không được từ giã con, mình da đi như vậy, mà phải nhớ là khi mình tới bến bờ có nghĩa là, cái thuở đó không có chuyện về thăm, không có chuyện Việt kiều về nước, Na không bao giờ gặp lại má.  Càng nghĩ càng đau lòng, suốt một thời gian trên đảo Na khóc, mười mấy năm ở đây Na vẫn khóc, bây giờ… Na ở đây gần 40 năm, nhắc lại Na vẫn khóc.  Không bao giờ Na quên chuyện đó.  Không bao giờ Na quên nỗi đau lòng đó, và anh NMT nói đúng, suố..ố..t mười mấy năm dài Na ở nơi đây khi gia đình và mẹ chưa qua, bất cứ lúc nào Na cũng nghĩ đến mẹ.  Thật sự mà nói, có ai hướng dẫn mình đâu, lúc nào cũng nghĩ… gặp một chuyện (thì) nghĩ oh, nếu là má thì má làm gì, nếu mình làm vậy thì má nghĩ sao…  Đại khái.. tất cả những chuyện như vậy, cho dù Na không có ý hướng viết truyện này cho mẹ đọc, nhưng khi viết hình ảnh người mẹ luôn ở trong lòng Na.  Có thể anh Trinh là người đọc thì nghĩ là Na viết cho mẹ vì Na luôn luôn nhắc đến má, (nhưng) khi Na viết Na không nghĩ là viết cho má, Na nghĩ là Na viết cho Na, nhưng thật sự Na luôn nghĩ đến má.  Na xin lỗi vì chuyện này làm Na xúc động đến nỗi phải khóc, nhưng cho đến chết có ai nhắc lại chuyện đó Na vẫn khóc.

Phần 01:

http://www.littlesaigonradio.com/audio/TMVH_LuuNa_P01.mp3

 

HẾT PHẦN I

.

 

PHỎNG VẤN LƯU NA PHẦN II

 

Nhã Lan:  Thân ái chào tái ngộ Lưu Na

Lưu Na  :  Xin chào tái ngộ

Nguyễn Mạnh Trinh:  Tôi đọc trong Lênh Đênh thấy Lưu Na trách móc lớp đàn anh đàn chị đã bỏ rơi mình thì tôi thấy lạ quá, vì chính chúng tôi cũng bị bỏ rơi, chúng tôi cũng là nạn nhân chứ đâu chủ động để bỏ rơi người khác.  Như vậy tại sao LN lại có ý nghĩ là lớp đàn anh đàn chị bỏ rơi lớp trẻ… ()  Có thể tôi đọc bị hiểu lầm bị nhiễu xạ, xin cô giải thích.

Cho em nói như vầy, khi anh NMT nói lớp đàn anh thì em hiểu anh NMT muốn nói tới lớp sinh viên đi trước và những người quân nhân.  Rõ ràng sinh viên và quân nhân là lứa đàn anh; sinh viên thì em không có ý kiến vì em không biết nhiều, bây giờ nói đến lớp quân nhân là lớp ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất đến LN, thì gia đình LN cũng có người tử trận, và cũng có người lính – cũng phải ở tù.  (Như vậy), trước tiên là gia đình LN cũng có lính nên Na không có lý do gì oán trách người lính.  Bây giờ nghĩ chung về một thế hệ thì Na thấy, những người quân nhân những người lính cũ họ muốn hay không thì vì cuộc chiến họ đều phải tham dự.  Tham dự, nếu không mất mạng thì cũng mất tuối trẻ, bây giờ cuộc chiến tàn họ phải vào tù mà những người không vào tù - ở bên ngoài trốn chui trốn nhủi sống rất là bấp bênh, đói khổ, thảm thiết lắm.  Những trường hợp như vậy mình thương không hết, không có lý do gì để giận.  Nhưng tuổi đời càng lớn càng nghĩ đến những mất mát của họ, nói cho cùng LN nghĩ mình nợ những người lính đó một mạng sống một cuộc đời, và LN tin không phải chỉ mình LN mà rất nhiều người cũng nghĩ như vậy.  Họ đã hy sinh đã mất mát rất, rất nhiều, chịu đau khổ rất nhiều, Na không có lý do gì oán trách họ.  Thành ra, nếu trong Lênh Đênh có nhắc một điều gì đó để gây hiểu lầm thì nơi đây nhờ anh Trinh hỏi Na có dịp để nói: không có chuyện đó.

 

Nhã Lan:  Lưu Na vượt biên đến đảo nào?

Lưu Na đến đảo Bidong.

Nhã Lan:  Khi nhắc đảo Bidong người ta có chữ Buồn Lâu Bi Đát.  Những kỷ niệm nào cho đến giờ này LN vẫn còn giữ cho mình, một cảm xúc nhớ mãi?

Nếu nói cảm xúc thì đó là nỗi xúc động Na có viết lại trong Lênh Đênh khi gặp những người vượt biên trên biển gặp điều không may.  Có những người mất gia đình, mất hết.  Cả một tàu đi mà chỉ còn một người, có những điều thảm thiết mà nếu nhắc lại có thể gây nỗi đau lòng cho rất nhiều người, nên xin phép không nhắc lại.  Nếu quí vị đọc Lênh Đênh sẽ có nhiều chi tiết hơn nhưng xin phép ở đây cho qua (những) thảm cảnh đế tránh nhắc chuyện đau lòng.   Có hai cảm xúc chính yếu đối với Na: cảm xúc thứ nhất đương nhiên là khi đứng trên đất lạ một tay thì đã chặt đứt với đất nước với mẹ cha với anh em, một tay kia không với tới đâu.  Ở đảo không với được tới đâu, thấy mình trụi thùi lùi, trần trụi, chơ vơ lắm, nhưng ở giữa cái trần trụi chơ vơ đó nhìn quanh biết là bao thảm cảnh.  Có một điều thực sự nói ra có thể là (đáng) chê trách - ở Mỹ nói là better you than me, còn lúc đứng ở đó mình buồn mình thương nhưng thực sự mừng hú vía (thảm cảnh) không đến với mình.  Cái đó (nếu nói ra) bây giờ bị trách là bần tiện hay nhỏ mọn thì Na cũng đành phải nhận, nhưng Na đã thật sự có cảm xúc như vậy.  Điều đặc biệt thứ hai có ghi lại trong Lênh Đênh là Na rất ngạc nhiên và thán phục.  Trên một đảo trống chỉ có đất đá đồi núi đá sỏi tự dung dựng lên một trại tị nạn mà rất lớp lang thứ tự.  Mình có ban điều hành, có đủ mọi thứ để giữ một trật tự.  Thực sự mình đang ở trong một xã hội đầy đủ bây giờ đi ra một xã hội giống như ăn lông ở lỗ, dựng lều lên ở với nhau, nhưng khi Na đặt chân lên đảo thì thấy mọi sự rất ngăn nắp, thứ tự.  Không thứ tự như xã hội đã phát triển, nhưng vẫn có một thứ tự.  Na ghi nhận trong lòng một điều là, những thứ tự ngăn nắp (trong việc) điều hành như vầy là nhờ công, nhờ hiểu biết của thế hệ đàn anh đi trước.  Thế hệ đó ở Việt Nam - là lính thì anh Trinh nghĩ là Na oán trách, Na không oán trách, mà bây giờ họ đặt chân lên đảo họ đã giúp gầy dựng điều hành rất chừng mực rất ngăn nắp.  Lại thêm một điều cho mình hiểu thêm rằng kiến thức là sức mạnh.  Chính khả năng điều hành, trong quân đội cũng như trong hành chánh ở Việt Nam, vì đã thành một xã hội ngăn nắp người ta mới có kinh nghiệm ngăn nắp, và như vậy khi lên một đảo hoang sơ sống đời primitive người ta vẫn tổ chức được (đời sống) cho ngăn nắp.  Điều đó dạy cho Na biết ơn những người đi trước.  Na cảm phục, Na quí, Na biết ơn.

 

Nhã Lan:  Sau thời gian ở đảo, sang đến nước người – quê hương thứ hai, những bước đầu tiên hội nhập vào xã hội mới thì sinh hoạt của LN như thế nào và tâm trạng lúc đó ra sao?

Nói là hội nhập thì tất cả mọi người đều phải đi một bước chung: học Anh Văn, làm sao để sống cho thích hợp, tìm công ăn việc làm.  Cái chuyện ai cũng nhắm tới là làm sao để ổn định, mua một cái nhà để ở hay tìm một chỗ ở vững chắc, người chưa có gia đình thì tìm bạn tình để kết hôn, xây lập gia đình mới.  Tất cả những chuyện đó mọi người đều đi qua và LN cũng vậy.  Nhưng nếu hỏi cảm giác thì với Na đó là cảm giác dùng dằng.  Na tin là mọi người (tị nạn) cũng dùng dằng cũng dằn vặt thôi, nhưng với Na chẳngnhững là cảm giác dùng dằng mà nhiều khi thấy mình đứng bên lề.  Hơi trái ngược, (vì) Na vẫn lao vào học Anh văn, lái xe, đi tìm việc làm…, ráng để dành tiền mua một cái nhà.  Nghĩa là làm tất cả mọi chuyện hội nhập nhưng lòng không hội nhập!  Na không cam lòng, nên trong Lênh Đênh có khoảng viết lại điều không cam lòng đó, hiện ra ở chỗ, mình mua nhà để ở thì sắm đồ dùng, Na chỉ mua đồ rẻ rẻ vất đi thôi, không phải vì không có tiền mà vì trong lòng Na cứ lưu luyến, cứ nghĩ là mình sống tạm.  Mang tâm trạng ăn nhờ ở tạm Na không một cái gì chắc chắn, không phải không tiền hay không thích cái đẹp mà là không cam lòng (bởi) mua một món đồ chắc chắn cũng giống như đóng đinh ở xứ này, không cam lòng, nên không mua.  Đến cái chuyện thật ra (có thể) tầm phào với mọi người mà lớn lao với Na: không lập được một bàn thờ.  Na ra đi ba má có viết ngày cho mình ngày giỗ ông bà ngoại, ông bà nội, ngày giỗ cậu… đủ thứ giỗ.  Na lên đảo không có tiền vẫn ráng mua một trái táo một thẻ nhang để thắp cúng.  Bây giờ ở nước ngoài có tiền mua được một căn condo để ở mình có quyền làm bàn thờ thì Na lại không làm được.  Cái dùng dằng cái không cam lòng hội nhập (tựa như việc) mua một món đồ chắc chắn giống như đóng đinh ở đây, bây giờ lập một bàn thờ (thì) nghĩ đến ở Việt Nam có những nhà thừa tự, ba đời năm đời – đời cha truyền đến đời con đời cháu để thờ tự, khi đóng một bàn thờ tự dung cũng có cảm tưởng mình đang xây nhà thừa tự ở đây, mình (sẽ) chết ở đây, rồi con mình (cũng) sẽ chết ở đây, rồi ai cũng thờ ở đây.  Cảm giác đó lôi mình lại, Na không cam lòng, Na có nhắc cảm giác (không) cam lòng đó trong Lênh Đênh vì nghĩ mình vẫn là người Việt Nam, (vẫn) là con của ba má.  Ba má để bàn thờ ông bà ở VN, mình cúng giỗ ông bà ở VN, bây giờ giỗ ở đây không lẽ ở VN không làm?  Chỉ là một chuyện dùng dằng không giải quyết được mà nghĩ lại thấy mình vô lý hay vớ vẩn (!!!) nhưng lúc đó – nói lúc đó nghĩa là mười mấy năm dài Na nghĩ như vậy. 

 

Nhã Lan:  Vậy lúc đó có mơ ước một ngày về quê hương không?

Lúc đó không dám mơ ước đâu.  Mơ gặp lại mẹ cha thì có mơ, nhưng tình hình lúc đó không nghĩ họ có bao giờ cho mình về, không nghĩ có ngày gặp lại mẹ cha, thành ra hỏi có mơ – nhớ thì nhớ chứ biết họ có cho về thăm đâu mà mơ!!!

Nhã Lan:  Vì sợ?  Sợ họ bắt đi thủy lợi?  Bắt đi thanh niên xung phong?

Không không, cái chuyện sợ là một chuyện khác một vấn đề khác mà nếu có thì giờ Na sẽ xin nói tới.  Mười năm đầu tiên (ở Mỹ) trong giấc ngủ Na luôn nằm mơ thấy những ngày ở đảo, nhưng đến đoạn đã cho về thăm nước thì lại là những giấc mơ khác, nếu còn thì giờ sẽ nói thêm (sau). 

 

Nguyễn Mạnh Trinh:  Cô nghĩ sao, tự nhận mình là người tị nạn, người di dân, hay mới đầu là người tị nạn về sau là người di dân, cảm nghĩ riêng của LN?

Em đến đây với qui chế tị nạn, bản thân em là một người tị nạn.  Bây giờ là công dân Mỹ sinh sống ở đây làm đầy đủ nghĩa vụ công dân và cũng suy nghĩ (như người) ở đây, hỏi có còn là người VN thì em không còn hoàn toàn là người VN, hỏi có phải là người Mỹ thì chắc chắn cũng không là Mỹ, em là ba rọi, nhưng nếu giây phút sau cùng hỏi em là ai ở đâu đến thì LN vẫn là người tị nạn đến từ nước VN.  Cái đó bảo sửa thì Na cũng không sửa được.  Hỏi cho tách bạch “cô là người gì” thì ngay bây giờ Na không khẳng định được, nhưng giây phút sau cùng Na sẽ nói (như vậy,) tiên quyết là người VN, qui chế tị nạn dù đã đổi thành công dân Mỹ thì khi chết vẫn là người tị nạn.

 

Nguyễn Mạnh Trinh:   Trong nước sau năm 75 LN có bị ảnh hưởng về văn học, báo chí cũng như âm nhạc phục vụ chính trị của đảng cộng sản?  Cô có cảm giác chống đối?  LN có thể giải thích hoặc phác họa lại?

Khi cộng sản chiếm miền Nam thì em chưa học hết trung học, em phải học một số văn hóa của chương trình “cách mạng,” đến hai năm đại học thì chỉ toàn học chính trị Mác-Lê Nin.  Nhận xét chung chung là trong giảng dạy từ trung học lên đại học, hãy nói ngược chiều lại từ đại học, học chính trị Mác Lên Nin, ba giòng thác cách mạng vân vân…  Chính trị đó, đầu tiên là chủ nghĩa tư bản thối nát, đế quốc người bóc lột người, và bọn nó đang giẫy chết!!!  Ở trình độ đại học sinh viên (được) hỏi thì chúng em cười với nhau, em cũng muốn giẫy chết như vậy lắm mà không được!

 

Nguyễn Mạnh Trinh:  Cô nghe những bản nhạc như Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, hay bản Bác Đang Cùng Chúng Cháu Hành Quân thì thấy sao?  Thấy chán nản hay bị kích động theo?

Không, cho em được nói như vầy, nếu nói kích động thì chắc chắn không có chuyện (bị) kích động để  cùng đi hành quân, hay “tiến về Sài gòn ta quét sạch giặc thù…” là không không không có chuyện đó!!!  Em sống trong miền Nam, cha mẹ em là Bắc di cư, đối với em cho đến giờ phút này em vẫn thấy rằng cộng sản chiếm miền Nam.  Em không thể nào thích được mà bảo là có cái hăng say mà “tiến về Sài gòn,” nhưng ở lứa tuổi 16, tuổi nhỏ mình dễ xúc động, dễ thương dễ ghét dễ yêu lắm.  Mình không nuôi hận thù trong lòng (và) ở hoàn cảnh nào cũng yêu được hết.  Anh nói (hỏi) mấy cô thanh niên xung phong không yêu được chăng, ở đâu cũng yêu được và càng hoàn cảnh khắc nghiệt càng yêu.  Bây giờ bị giới hạn bó buộc vào một số văn hóa – chỉ được đọc loại sách này chỉ được nghe loại nhạc này (“cách mạng”) tụi em vẫn yêu được, vẫn có thể dùng những bài nhạc đó bày tỏ tình cảm với nhau.  Là sinh viên khi thực tập cô này bảo qua ngân hàng Phú Nhuận anh kia đến ngân hàng đâu đó hai đầu tỉnh, học trò muốn tỏ tình muốn nói với nhau một lời thương nhớ (mà) không dám nói thì nói là “cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn, hai đứa ở hai đầu xa thẳm…”  Mượn nhạc của người ta nói lòng của mình, một cách gián tiếp nói rằng “tui nhớ bồ lắm bồ có nhớ tui hông!”  Nếu nói như vậy là theo cách mạng theo cộng sản thì xin thưa là không, nhưng hỏi nó có ảnh hưởng như thế nào thì phải nói là có.  Lúc đó không có gì để dùng, không có thơ Nguyên Sa để đọc, không có nhạc tình để hát, phải dùng nó (thơ nhạc “cách mạng”) thì đương nhiên nó thành một phần trong kỷ niệm, trong đời sống của mình.  Không thể nói không không tui không hát, cũng không thể nào nói tui không nhớ gì hết.  LN vẫn nhớ vì nó dầu sao chăng nữa đã đi với mình một đoạn đời.

 

Nguyễn Mạnh Trinh:  Tôi đọc trong Lênh Đênh có chỗ cô tham dự đổi tiền, cảm giác của cô ra sao: bị bắt buộc phải làm (thì) miễn cưỡng, hay vui thích (vì) tuổi trẻ?

Thứ nhất, rất là bất ngờ, bất ngờ vì cách làm việc (của họ).  Tự dung lùa mình vào trung tâm Quang Trung, nói là đi công tác, cách biệt mình ra - đứng không như vậy, một hai ngày sau nửa đêm chuyển mình về nhà dân, sáng sớm dậy tuyên bố đổi tiền.  Đối với một người tuổi 18, 19 như em, chưa ra đời chưa kiếm được đồng xu nào chưa sống ngoài xã hội bao giờ thì xã hội nào cũng ngỡ ngàng, nhưng cái này (đổi tiền) càng quá ngỡ ngàng.  Em rất ngạc nhiên, nhưng trong tuổi nhỏ thì ngạc nhiên cứ ngạc nhiên, thử coi đó là chuyện gì.  Bày ra nói đổi tiền, thì mình làm.  Làm việc trong một phòng nhỏ thôi, có 3, 4 bàn, (mấy người) làm việc với nhau không có máy tính, mỗi anh (người) một xấp giấy một cuốn sổ tay cầm viết làm toán cộng trừ nhân chia trên đó (giấy, sổ tay).  Nhìn ra ngoài thấy dân họ đứng lam lũ quá.  Nón lá, áo bà ba, rồi… nhiều lắm, tự dưng mình có cái sợ - mình thì nhỏ tuổi, lại chẳng biết quái gì về chuyện kế toán đổi tiền tự dưng bây giờ ngồi tính đổi tiền tựa như cầm sinh mạng của người ta, trong Lênh Đênh LN có kể, nhận ra mình tính tiền sai (thì) đổ mồ hôi, sợ quá.  Người ta về tỉnh mất rồi, mình buồn vô cùng.  Ở dưới quê lên, đi xe đò xe gì.. tới đây đổi tiền, cho đổi 200 đồng hay 100 hay bao nhiêu bây giờ viết xong Na cũng quên rồi, họ cũng không đủ đồng tiền để đổi số lượng cho (phép), mà mình tính tiền sai.  Bà đó đi về rồi mình kêu lại để tính lại cho đúng mà trả  cũng không được.  Hối hận vô lường mà không biết làm sao để chuộc lại cái lỗi đó của mình.  Lúc đó nghĩ vậy, nhưng bây giờ 50 tuổi đầu nghĩ lại, giao việc hệ trọng cho những đứa trẻ làm, mình (LN) chỉ là một đứa trẻ….  …  Em chỉ thấy mình làm một cái lỗi, thực sự làm toán sai thì cũng nhỏ thôi, nhưng ngay lúc đó giật mình vì thấy cái lam lũ của người dân, (mà) đổi tiền không đủ mới nhận ra lỗi của mình (dù) nhỏ nhưng ảnh hưởng lớn lao, quá lớn lao, đâm sợ - hối hận, không biết làm sao để bù để gỡ.  Nếu hỏi ra thì chỉ là vụn vặt thôi, bây giờ kể ra có thể có người nghĩ LN thích tự đánh bóng mình, cho nên nói cũng phải chừa một lối.  Na xin nói, chuyện to tát lớn lao thì đó không phải, chỉ là chuyện vụn vặt, nhưng là một dấu vết trong lòng mình mang theo với một chặng đời.

 

Nhã Lan:  Nói to tát lớn lao vì Nhã Lan nhớ thời gian đó còn ở trong nước có tới 3 lần đổi tiền, và mỗi lần đổi tiền đổi tiền như vậy thì dân miền Nam càng nghèo hơn và đời sống càng cơ cực thiếu thốn hơn.  Đó là ảnh hưởng rất to lớn đối với người dân miền Nam.  Đó là một thời kỳ rất khốn khó…

LN cũng biết vấn đề đổi tiền gây ra nhiều – nói nhẹ là xáo trộn, trong chuyện viết lách chỉ xin nói sơ sơ, còn bàn đến hệ quả những việc đã qua (sẽ) tốn nhiều thì giờ và vất vả nhiều công sức lắm, Na không nghĩ mình đủ sức đủ trình độ để nói những chuyện sâu rộng như vậy.

 

Phần 02:

http://www.littlesaigonradio.com/audio/TMVH_LuuNa_P02.mp3

 

HẾT PHẦN II

.

PHỎNG VẤN LƯU NA PHẦN III

 

Nhã Lan:  đọc Lênh Đênh nếu có người nhận xét LN là nhà văn chống cộng thì LN nghĩ sao?

Xin thưa mỗi độc giả đều có ý kiến riêng, nhưng LN không viết để chống cộng.  LN viết những điều đã thấy, viết lại những cảm xúc, những suy nghĩ cá nhân trước sự việc.  Na thấy mình cũng bình thường như mọi người, có những điều xấu điều ác thấy bất bình thì nói ra.  Nếu nói ra như vậy (mà) có độc giả cho rằng chống cộng thì đó là ý (kiến) của độc giả đó.  LN chỉ nói cảm xúc suy nghĩ của mình, thấy cái thiện cái đẹp thì mình thương mình thích, thấy cái xấu cái ác thì không ưa.  Có những (sự) đổi đời làm mình sốc, có những cuộc chuyển đổi đời (làm) thay đổi cả một suy nghĩ của mình.  Có khi là băn khoăn, có khi là lúng túng, gom tất cả lại thành Lênh Đênh.  Tuyệt đối không có ý hướng chống cộng.

 

Nguyễn Mạnh Trinh:  Lần này nói có sách mách có chứng, LN đã viết “vượt biên là xuyên tâm liên chữa bá bịnh từ thể xác đến linh hồn, là mảnh bằng cao nhất của đại học, là trang sức quí giá cho xã hội bây giờ.”. Có người không đồng ý với lập luận có vẻ thời trang như vậy, cô nghĩ sao?

Cho Na giải thích, đó không phải là lập luận.  Đó là quan sát của Na với sự việc trong xã hội.  Vượt biên, liều mạng bỏ gia sản bỏ mạng sống bỏ mọi thứ để tìm đường sống không thể nói là theo phong trào.  Nói (vượt biên) là xuyên tâm liên chữa bá bệnh vì hoàn cảnh lúc đó: bịnh gì cũng xuyên tâm liên.  Xuyên tâm liên là gì Na cũng không biết, hỏi thì nó là nhị sen màu xanh xanh đắng đắng (mà) trong thuốc ta thuốc Nam có tác dụng chữa bệnh.  Nhưng bịnh gì cũng xuyên tâm liên cả, vì sao?  Xã hội không còn gì hết.  Không tiền không thuốc không nhà thương, một xã hội đến chỗ không còn thuốc chữa (literally), không mong có gì có thể sửa chữa hay thay đổi được.  Có một cách duy nhất ai cũng nghĩ, hồi đó có câu hát “bà con cô bác ai muốn muốn vượt biên, đưa tôi 10 cây vàng, nếu sống thì huy hoàng nếu chết thì điêu tàn, hết mười cây!”, hết thuốc chữa rồi ai cũng nghĩ chỉ có vượt biên thôi.  Vượt biên có con đường sống, vượt biên có tự do, được quyền xây dựng đời sống mới, được quyền sống theo ý mình, được quyền - không có chuyện có tiền (phải) gửi cho chính phủ, giấu ý nghĩ.  Muốn nghĩ gì thì nghĩ muốn làm gì thì làm, muốn ăn mì gói hay muốn ăn tôm hùm đều được cả, không cần ăn ngon phải giấu.  Nghĩa là vượt biên chữa bá bệnh, đi tới câu nói “vượt biên là xuyên tâm liên” mô tả tình cảnh xã hội mà Na đã cảm nhận chứ không phải lập luận (cho rằng đó là mode thời thượng).  Cũng hơi tréo ngoe là tại sao lại phải bỏ tất cả như vậy, tại sao chuyện gì cũng chữa bằng vượt biên (vì vượt biên cũng tựa như xuyên tâm liên không thể chữa bá bịnh).  Ngay trong tình cảm trai gái, 18, 19 tuổi biết yêu cũng (phải) ngó ngó, yêu rồi lo quá, anh này đi vượt biên (sẽ) bỏ mình lại một mình, hay anh này vượt biên sẽ mang mình theo…

 

Nhã Lan:  tình yêu có tính toán?

Không phải có tính toán, nhưng một sự việc lớn lao có ảnh hưởng đến đời sống như vậy (thì) thích hay không thích vẫn phải tính vào đời sống của mình.

Nhã Lan: tình yêu như vậy không phát xuất từ trái tim mà có sự suy nghĩ trước?

Không phải suy nghĩ, khi yêu ai cũng mơ ước một tương lai, và khi yêu ai cũng lo mất tình yêu.  Đứng giữa hai con đường cũng lo, vậy thôi.  Giả dụ anh Trinh có cô bồ, thế nào cổ chẳng khóc hù hụ (rằng) “anh Trinh ơi anh đi vượt biên bỏ lại em!”  Hoặc anh Trinh có cô bồ khác, anh nói “đi vượt biên sẽ mang theo em xây tổ ấm.”  Cái đó trong tình yêu bắt buộc phải nghĩ đến những ảnh hưởng trong đời sống mà vượt biên ảnh hưởng mọi mặt.  Nhiều lắm, mọi mặt của xã hội. 

 

Nhã Lan: thời gian đầu LN dè dặt băn khoăn không nghĩ quê hương thứ hai sẽ là quê hương chính của mình, như vậy khi hội nhập vào xã hội mới, thập niên 80 khi đến Mỹ cho đến bây giờ trong mắt LN cộng đồng Việt hải ngoại đã phát triển thế nào, có những đóng góp gì cho đất nước Hoa Kỳ?

Cho LN được giới hạn câu trả lời trong nhận xét của mình, Na không có đủ trình độ khả năng để nhận xét và tóm gọn là mình (cộng đồng Việt) đã đóng góp gì, thành quả gì.  Nhận xét cộng đồng đã phát triển ra sao thì thập niên 80 có thể nói 99% chúng ta là người tị nạn.  Đến thập niên 90 mình có người đi theo diện cựu quân gọi là HO, những người đoàn tụ gia đình theo diện ODP như má của Na.  Thập niên 2000 đã có nhiều (thành phần) hơn, có du học sinh, có người tới làm việc theo hợp đồng, có người tới làm việc thương mại…  Như vậy từ một mảng bèo nho nhỏ mình đã trở thành một cồn đảo.  Đương nhiên khi qui tụ nhiều tầng lớp nhiều thành phần (xã hội) sẽ có những va chạm.  Trong (tình) vợ chồng cũng có va chạm, trong gia đình anh chị em cũng có va chạm, thì trong một cộng đồng càng lớn càng có những cọ sát.  Nhưng đất Mỹ là đất lành chim đậu, là Hiệp chủng quốc.  Chúng ta có nhiều sắc dân nhiều văn hóa, mà cộng đồng VN từ một mảng bèo trở thành một cồn đảo có được nhiều thành phần như vậy nên thấy đó là một thành quả.  Nói cho quá đáng, thí dụ như ác quá thì ai ở được với mình, dữ quá thì ai lại gần mình, khe khắt quá thì ai sống được với mình?  Thấy có nhiều thành phần tụ lại với mình thì nên vui là đất lành chim đậu, mình có cởi mở có phát triển thì người ta mới tụ tới.  Na chỉ xin phép được nhìn khía cạnh tích cực ấy.  Nói đến cọ sát xin thưa luôn, không phải rằng chúng ta đã học, ở đất Mỹ này phải học cách để sống với nhau.  Có những điều 100 năm (nữa) cũng không đổi được, đã không đổi được là không đổi được, ngoài những điều đó ra, mình có thể tìm cách để sống với nhau.  Na tin rằng điều 100 năm cũng không đổi được đó anh Trinh và Nhã Lan đều biết điều Na muốn nói là gì.  Nhưng mình vẫn có thể sống thuận hòa với nhau, muốn hòa giải phải hòa giải với chính mình trước.  Văn hóa nơi đây dung chứa được mọi thứ, mình cũng học được điều đó, đó là điểm tích cực của cộng đồng mình.

 

Nhã Lan: nói đến đa văn hóa của Hiệp Chúng quốc thì rất đúng, nhưng nói riêng về văn hóa VN thu nhỏ lại ở miền Nam California và khu Little Sài gòn thủ đô của người Việt tị nạn, cái nôi văn hóa của người Việt hải ngoại, Na nghĩ như thế nào về sự bảo tồn và phát huy tiếng Việt ở vùng quận Cam này?

Xin thưa trước nhất, mình vẫn thường nói với nhau đây (Little Sài Gòn) là cái nôi văn hóa của người Việt Nam, cho Na xin mình đừng nói vậy, mình là ai mà nhận mình là cái nôi văn hóa.  Còn gọi là nơi tập trung đông nhất thì Na xin đồng ý.  Văn hóa tiếng Việt đã phát triển vượt bậc.  Khi Na tới (1980’s) nơi này chỉ có 3 nhà hàng ăn, xếp hàng để được ăn món ăn Việt Nam.  Bây giờ nhà hàng nhiều vô số.  Có những lời tuy là đùa cợt nhưng là sự thật, “qua Mỹ tới phố Little Sài gòn không cần học tiếng Mỹ.”  Người Việt rất đông cửa hàng rất đông, ngay cả chương trình xã hội cũng có tiếng Việt cũng có nhân viên người Việt.  Tiếng Việt khắp nơi nghĩa là mình phát triển phong phú rộng rãi mạnh mẽ.  Nhưng, chương trình văn hóa mình có nào là (lớp) Việt ngữ, (in ấn) sách vở, (sinh hoạt) Thiếu Nhi thánh thể… nếu nói trong sự bảo tồn thì đã đi rất xa rất rộng, nếu phải quan tâm thì nên quan tâm đến vấn đề sao cho thích hợp.   Không còn ở VN nữa (thì) tiếng Việt và cách giáo dục con cái nơi này (ráng) sao cho vừa thích hợp xã hội mới vừa không quên nguồn gốc. 

 

Nhã Lan: tác phẩm Lênh Đênh như Na đã nói là viết cho chính mình, những cảm xúc của riêng mình, như vậy có được gọi là tự truyện không, nhân vật chính cô Ngà có phải là tác giả?

Nói tới nói lui đâm tự đào hố chôn mình!!!  Nói viết cho mình, viết cảm xúc thật của mình thì (nên) Nhã Lan hỏi cô Ngà có phải chính LN, nói thiệt thì bể mánh.  Na xin nói có một phần là tự truyện, chỉ một phần thôi.  Đời sống của một người, một người như Na, thì nhỏ bé lắm, đâu có nhiều.   Viết một cuốn truyện phải thu lượm nhiều chi tiết, những nhân vật, những con người mình đã gặp trên đường đi qua.  Có những người không gặp nhưng nghe kể chuyện và có kiểm chứng được gom góp lại.  Tại sao phải gom góp?  Vì nhân vật này có cái hay gây trong lòng mình một ấn tượng.  Tại sao phải nhắc chi tiết đó?  Chi tiết đó một cách tình cờ phù hợp với suy nghĩ cảm xúc của mình.  Những cái đó đã theo với đầu óc mình thì ghi lại.  Nói tự truyện cũng không hoàn toàn, nhưng cô Ngà có bóng dáng của LN – cũng yêu đương kịch liệt lắm (!!!)

 

Nguyễn Mạnh Trinh:  thêm một câu tò mò:  có những nhân vật phụ chung quanh nhân vật chính cô Ngà, những nhân vật phụ rất nổi tiếng trong phố Bolsa này, không biết có phải trùng hợp hay LN muốn kể lại một sự thực, một nét hiện thực của đời sống ở đây. 

Na biết có nhiều tác giả luôn để một disclaimer nơi trang đầu rằng nhân vật và truyện chỉ là hư cấu tác giả xin lỗi nếu có sự trùng hợp nhưng hoàn toàn không chịu trách nhiệm!  Đúng ra LN cũng phải để một disclaimer như vậy, Na đã quên bà bây giờ nhờ anh NMT nhắc thì Na cũng xin dùng disclaimer đó để nói xin quí vị coi mọi sự là hư cấu.  Khi viết Na lượm những chi tiết thật, những việc thật ngoài đời, nhưng thí dụ, Na nhắc tên một nhân vật, kể một câu chuyện tình cờ gặp gỡ, giả dụ anh NMT  cắc cớ ra hỏi ông đó “nhỏ này (LN) nói vậy, có thiệt hông ông?” rồi ông đó trả lời “trời, tui có biết nó là ai đâu” thì đâm ra LN nói dối!!!!!  Nên thôi, xin anh NMT, người ta nói viết là bịa, xin cứ xem như hoàn toàn hư cấu. 

 

Nguyễn Mạnh Trinh:  hư cấu là hư cấu, sự thật là sự thật, tại sao phải “xin cứ coi là” và tại sao phải “xin”?

Dạ, mình xin đi, vì không thể nào ra lịnh “cứ coi như là” như vậy được.  Xin đi, xin thì dễ được cho hơn!

 

Nguyễn Mạnh Trinh: thêm một câu hỏi nữa, là, có người nói ở thế hệ tị nạn một rưỡi như Lưu Na, gánh nặng qúa khư không nặng nề lắm so với những người đi trước.  Với  Lưu Na gánh nặng quá khứ ấy nặng hay nhẹ?

Cho em khoanh chữ gánh nặng lại.  Theo em hiểu, gánh nặng quá khứ hàm chứa (việc) những quân cán chính của chế độ cũ vì cộng sản chiếm miền Nam đã chịu một ảnh hưởng, hậu quả trực tiếp và nặng nề.  Nếu nói vậy thì LN không có gánh nặng quá khứ đó, vì cộng sản vào LN còn nhỏ và gia đình không có quan hệ trực tiếp (quan trọng) để phải chịu một hậu quả trực tiếp (lớn lao) như vậy.  Chịu hậu quả chung với người dân miền Na thì có, nhưng mình định nghĩa gánh nặng khác nhau.   Mỗi gia đình, mỗi người mang một gánh nặng khác nhau.  Giả dụ Nhã Lan nói bỏ gánh nặng quá khứ, thôi quên đi, nhưng cũng có người nói muốn quên mà quên không được vì lỡ, tui tính cưới ông đó mà cộng sản vô làm lỡ duyên thành gái già (nên) không bỏ (qua) được thì sao?  Nói chung mỗi người một hoàn cảnh, chuyện dễ hiểu là những người bị tù đày mất mát gia sản, qua những biến động lớn lao thì không quên được cũng phải, những người lỡ duyên ôm hận không quên cũng không sao.  Với LN, quá khứ vẫn đè nặng.  Lòng nhớ xã hội cũ, văn hóa cũ vẫn đè mình!!!  Nói nó đè mình thì cũng không đúng, nhưng nó vẫn theo. 

 

Nhã Lan:  vẫn theo, thì cách nào để giải tỏa (gánh nặng quá khứ)?  Viết thêm, viết thêm nữa?

Dạ đúng.  Viết là một cách giải tỏa mà đọc cũng là một cách để vơi lòng thương nhớ.  Đọc thấy gần gụi cái mình đã mất.  Viết, có cảm tưởng như một sợi chỉ nối lại, một cái áo rách có một sợi chỉ nối lại, mình vá lại những cái đã rách trong lòng trong quãng đời đã đi qua. 

 

Nhã Lan: cuốn sách không dày lắm mà viết trong 5 năm, như vậy vừa đi học vừa đi làm trong thời gian đầu tiên ở hải ngoại thì thời gian giành cho cuốn sách này là lúc nào?

Ở đây có một sự hiểu lầm.  Na cầm viết 5 năm rồi mới bắt đầu viết Lênh Đênh chứ không dùng 5 năm để hoàn tất Lênh Đênh.  Na viết LĐ ước lượng khoảng 1 năm, trong LĐ có 6 truyện nhỏ nối kết lại thành một cuốn truyện dài.  Sáu truyện, mỗi truyện độ chừng 20 trang sách hay 15 trang đánh máy, tốn khoảng 3 tháng cho 1 truyện 15 trang, độ một năm rưỡi thì xong.  Khi bắt đầu cầm viết là năm 2010 thì đã 50, đã bắt đầu xuống đồi, đời sống đã ổn định gia đình đã ổn định, học hành đã xong.  Nếu hỏi thời giờ có bị lấn cấn lục đục thì chỉ là lục đục lấn cấn với ông xã.  Thay vì ngồi xem TV với ông xã thì lại mất thì giờ lụi hụi ôm cái computer, cũng không lấn cấn công ăn việc làm, không phải tay tã tay sữa tay cầm viết.  Đêm nằm lại cứ chong mắt nghĩ một câu văn.

 

Nhã Lan: nghĩ đến câu văn có phải bật dậy ra bàn computer để gõ không?

Không dám không dám…

 

Nhã Lan: Vẫn là một người vợ ngoan?

Dạ không, ông chồng ngủ mất rồi, ông không care đâu, nhưng mà… làm biếng lắm.  Đang nằm trong chăn ấm…

 

Nguyễn Mạnh Trinh: như vậy dự trù về văn chương trong tương lai của LN ra sao, có tính viết thêm 2, 3 cuốn sách hay làm việc gì khác?

Ngay bây giờ LN đang soạn lại những bài viết đã có để in một quyển mới.  Khi xem lại nội dung thì quyển sách mới được đặt tên Gập Ghềnh, và cũng đã có người giễu Na rồi, rằng hết lênh đênh đến gập ghềnh!  Xin thưa tại sao: khi viết thì không có chủ ý nhưng khi gom lại mới thấy mình viết khá khá nhiều về giai đoạn đi về nước thăm cha mẹ gia đình rồi lại trở lại đây, rồi lại về nước thăm mẹ, rồi mẹ ở VN qua đây….  Đi song song hai nền văn hóa hai đất nước, bây giờ được về thăm quê rồi thì có 2 quê, là một kiểng hai quê, đi đi về về chân bên này chân bên kia, khi viết thì không nghĩ nhưng đọc lại mới thấy hai bờ như vậy gập ghềnh quá.  Bây giờ gom lại đã làm bản vỗ, đã làm bìa xong, dự trù là 6 tuần hay hai tháng sẽ có (xong).  Gập Ghềnh khi hoàn tất cũng sẽ như Lênh Đênh, được posted trên trang mạng văn học T. Vấn & Bạn Hữu , t-van.net, và cũng sẽ in một số để tặng bạn hữu. 

 

Nhã Lan:  khán giả Hồn Việt TV muốn xem thì cũng chỉ có thể đọc ở trang mạng t-van.net phải không?

Na tin là quí vị có thể đọc, với Lênh Đênh thì hình như mình cũng được download.

 

Nguyễn Mạnh Trinh: dạng e-book?

Dạ đúng.

Nhã Lan: nếu muốn có (printed) copy?

Dạ Na chỉ còn một số nhỏ sách để tặng, vì sách không in để bán.

Nhã Lan: cảm ơn LN.  Vì thời lượng có giới hạn, Nhã Lan xin mời LN có lời kết đến khán thính giả khắp nơi.

Lưu Na xin cảm ơn quí vị đã theo dõi chương trình, cảm ơn Hồn Việt TV và Little Sài gòn radio cho LN một cơ hội để chia sẻ, đóng góp suy nghĩ, và cũng xin cám ơn Nhã Lan và anh Nguyễn Mạnh Trinh đã thực hiện chương trình.  Xin kính chào quí vị.
 

Phần 03:

http://www.littlesaigonradio.com/audio/TMVH_LuuNa_P03.mp3



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.