Hôm nay,  

Tinh Thần Trần Nhân Tông

26/09/201700:00:00(Xem: 6520)

Tinh Thần Trần Nhân Tông
Câu Lạc Bộ Trần Nhân Tông
 

Vua Trần Nhân Tông là vị vua thứ 3 của triều đại Nhà Trần (1225-1400), một trong những triều đại thịnh trị nhất trong lịch sử Việt Nam.

Vua Trần Nhân Tông tên thật là Trần Khâm, sinh ngày 7 tháng 12 năm 1258. Ông là con trưởng của Vua Trần Thánh Tông và Hoàng Hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm Trần Thị Thiều. Trần Nhân Tông được vua cha truyền ngôi làm vua vào tháng 11 năm 1278, lúc ông 20 tuổi.

Ngày 16 tháng 4 năm 1293 Vua Trần Nhân Tông truyền ngôi cho con là Thái Tử Trần Thuyên, tức Vua Trần Anh Tông, rồi lên làm Thái Thượng Hoàng. Vua Trần Nhân Tông trị vì Nước Đại Việt 15 năm, từ 1278 tới 1293.

Tháng 10 âm lịch năm 1299, Vua Trần Nhân Tông lên núi Yên Tử, nay thuộc Tỉnh Quảng Ninh, Miền Bắc Việt Nam, xuất gia làm tu sĩ Phật Giáo và thực hành khổ hạnh đầu đà, lấy Pháp Danh là Hương Vân Đại Đầu Đà. Ngài còn có Đạo Hiệu là Trúc Lâm Đại Đầu Đà, Trúc Lâm Đại Sĩ, và Giác Hoàng Điều Ngự. Ngài đã thành lập Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử, là dòng Thiền mang bản sắc đặc thù của Phật Giáo Việt Nam, còn truyền mãi đến ngày nay.

Tổ Sư Trần Nhân Tông đã viên tịch vào ngày 16 tháng 12 năm 1308 tại Ngọa Vân Am trên Núi Yên Tử.

Vua Trần Nhân Tông có hai sự nghiệp chói sáng muôn đời trong lịch sử Việt Nam. Thứ nhất là sự nghiệp giữ nước và phát triển đất nước trong vai trò của vị minh quân Trần Nhân Tông. Thứ hai là sự nghiệp truyền bá Phật Pháp, mà nổi bật nhất là sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, của Tổ Sư Trần Nhân Tông.

Trong sự nghiệp giữ nước và phát triển đất nước, Vua Trần Nhân Tông đã hai lần đánh bại quân Nguyên của Đại Đế Hốt Tất Liệt vào năm 1285, với đội quân xâm lược 50 vạn tức nửa triệu lính, và từ năm 1287 đến năm 1288, với 30 vạn quân, tức 300,000 lính.

Trong hai cuộc chiến chống quân Nguyên bảo vệ sơn hà xã tắc của Đại Việt, Vua Trần Nhân Tông đã cùng với Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông mở hai cuộc hội nghị lịch sử, đó là Hội Nghị Bình Than năm 1282 để bàn kế sách quân sự đánh quân Nguyên và Hội Nghị Diên Hồng tháng 10 âm lịch năm 1284 để thống nhất ý chí toàn dân trong công cuộc chống lại cuộc xâm lăng của quân Nguyên.

Hội Nghị Diên Hồng là sự kiện đặc thù có một không hai trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một chế độ phong kiến ở Việt Nam thực hiện cuộc trưng cầu dân ý mà thực chất từ nội dung đến hình thức không khác thể chế dân chủ trong thời đại văn minh tiến bộ ngày nay. Nhờ thực thi chính sách dân chủ đó mà Vua Trần Nhân Tông đã có thể thống nhất được lòng dân và xây dựng được nội lực đoàn kết của dân tộc để cùng nhau quyết tâm chiến đấu đánh bại cuộc xâm lăng hung tàn của giặc Nguyên, một đội quân đã dày xéo vó ngựa xâm lược từ Mông Cổ, Trung Hoa đến tận các nước Đông  Âu, Trung Đông và lục địa Châu Á. Do vậy, Hội Nghị Diên Hồng còn là biểu tượng sáng ngời cho thấy sức mạnh dân chủ trong công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước.


Trong sự nghiệp truyền bá Phật Pháp, Tổ Sư Trần Nhân Tông là người khai sáng dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử mang bản sắc đặc thù của Phật Giáo Việt Nam lấy trí tuệ giác ngộ và giải thoát ngay trong đời này làm mục đích thành tựu và lấy đại nguyện từ bi cứu khổ muôn dân làm chỉ nam cho mọi hành hoạt truyền bá Chánh Pháp. Tinh túy của Thiền Phái Trúc Lâm nằm ở cốt tủy “Cư trần lạc đạo.” Thành tựu đạo quả giác ngộ và giải thoát để sống an lạc ngay giữa cuộc đời này, mà không cần phải đi tìm đâu xa. Đó là triết lý hành đạo xuất thế ngay trong nhập thế.

Tổ sư Trần Nhân Tông đã nhìn thấy được công năng ưu việt của Phật Pháp không những cho sự nghiệp giải thoát khổ đau đối với từng cá nhân con người, mà còn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển xã hội và đất nước. Tổ Sư Trần Nhân Tông là đệ tử của Thiền Sư Tuệ Trung Thượng Sĩ và được ân sư giáo dưỡng tận tình. Cho nên, ngay từ lúc còn ở ngôi vị quân vương ngài đã đem tinh thần Phật Giáo để tế thế an bang, và ngài đã làm được điều đó một cách viên mãn. Đến khi xuất gia làm Tăng Sĩ, Tổ Sư Trần Nhân Tông đã không ngừng du hóa khắp bốn phương trong dân gian để đem Phật Pháp và đạo Thiền truyền bá cho mọi người cùng thực hành. Tổ Sư Trần Nhân Tông đặc biệt chú trọng đến việc quảng bá Mười Điều Thiện hay còn gọi là Thập Thiện Nghiệp Đạo, để chỉ dạy cho bá tánh tu tập theo mười điều thiện và xả bỏ mười điều ác. Đối với Tổ Sư Trần Nhân Tông, khi thần dân trong Đại Việt có thể thực hành được mười điều thiện thì quốc gia không cần luật lệ nghiêm khắc mà xã tắc và thiên hạ sẽ được thái bình thịnh trị.

Tổ Sư Trần Nhân Tông còn nhận thấy nơi Đạo Phật sức mạnh phi thường trong việc xây dựng nội lực đạo đức, văn hóa và tâm linh cho dân tộc để làm chất liệu keo sơn bền vững trong việc đối kháng lại các thế lực xăm lăng của ngoại bang và giữ vững nền độc lập tự chủ của dân tộc. Lịch sử của các triều đại về sau đã cho thấy điều đó. Khi nào đất nước thịnh trị cũng chính là lúc Đạo Phật Việt Nam hung thịnh. Ngược lại, những lúc Đạo Phật suy vi nhân tâm ly tán chính là lúc đất nước suy vong, dân tộc lầm than điêu đứng.

Không một nhà lãnh đạo Việt Nam nào từ trước tới nay nhìn thấu suốt được vấn đề đó cho bằng Vua Trần Nhân Tông. Chính vì vậy, cả đời ngài, lúc làm Vua cũng như lúc làm Tăng Sĩ Phật Giáo, đều tận lực đem Chánh Pháp ra để thực hành và truyền bá. Có lẽ, đối với Vua Trần Nhân Tông, Phật Pháp là chiếc chìa khóa không những để mở tung tâm thức giác ngộ và giải thoát khổ đau, mà còn để mở ra cánh cửa thái bình thịnh trị và độc lập tự chủ cho cả dân tộc.
Câu Lạc Bộ Trần Nhân Tông

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ở Việt Nam, năm 2006 ghi nhận hai sự kiện quan trọng nổi bật. Một là, Việt Nam được gia nhập WTO. Hai là, tổng thống Hoa Kỳ George Bush sang thăm Việt Nam nhân Hội nghị APEC 14
Sáng nay tiết trời Hà nội lạnh, không khí bị phủ một lớp sương mờ, không có ánh mặt trời. Ngày đầu tiên của năm 2007
Nhưng nếu không có sự đụng chạm giữa các nền văn minh, thế giới chúng ta cũng đang đối đối đầu trước một sự đụng chạm khác. Học giả Dominique Moĩsi, một cố vấn thâm niên của
Thời gian thắm thoát trôi, mới đó mà đã 22 năm kể từ ngày các Anh vĩnh viễn ra đi. Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại có rất nhiều đổi thay, nhưng các anh nào có biết! Hôm nay nhân ngày giỗ
tôi mong là từ năm nay, Hà Nội nên có chính sách văn minh hơn với người dân của mình. Đó là bình thường hóa quan hệ với người Việt Nam chứ đừng chỉ có sợ người ngoại quốc...
Gerald R. Ford, tổng thống thứ 38 của Hoa Kỳ, lên nắm quyền sau khi Tổng Thống Richard Nixon 
Tổng thống Ford là một người tử tế. Nhưng thiếu mưu mô... Trong một số báo đầu năm, chúng ta nên nói về chuyện tử tế. Không có gì tử tế hơn là nói về nhân vật đang được quốc táng
Căn cứ Khe Sanh nằm lọt giữa một thung lũng, các ngọn đồi bao bọc chung quanh, do đó đây không hẳn là một vị trí có thể quan sát bao quát hết các vị trí địch.
Vấn đề dự án xây Chùa Quan Âm tại Garden Grove đã trở thành một đề tài được đề cập đến
Sau tang lễ của Tổng thống Gerald Ford, Quốc hội mới của Hoa Kỳ bị quăng lên đùi một miếng thịt không ai muốn nhá. Thịt của súc vật được sản sinh theo lối sao bản vô tính hay nhân bản vô sinh
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.