Hôm nay,  

Việt Nam 30 Năm Sau -- Nguyễn Xuân Nghĩa Phỏng Vấn Bùi Diễm: Chuyển Động Phức Tạp

30/04/200500:00:00(Xem: 13564)
Bùi Diễm, cựu Đại sứ Việt Nam Cộng Hoà tại Hoa Kỳ: CỤC DIỆN ĐANG CHUYỂN ĐỘNG PHỨC TẠP

Ý thức hệ hơn là quyền lợi quốc gia vẫn còn chi phối vận mệnh dân tộc.
Nếu chiến tranh có để lại bài học thì một bài học ưu tiên tối thượng phải là: không bao được để lọt vào bất kỳ tay người ngoại quốc nào quyền định đoạt số phận của dân tộc.

Năm nay đã ngoài bát tuần, ông Bùi Diễm từng ở trong nội các Phan Huy Quát khi Hoa Kỳ đổ quân vào Việt Nam năm 1965 và trở thành Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ trong khi vẫn phải qua Pháp phó hội Hòa đàm Paris. Ba mươi năm sau chiến tranh, ông nghĩ gì về Việt Nam trong tương lai và về cách ứng xử với Hoa Kỳ" Sau đây là một phần của những trao đổi ngắn gọn thực hiện ngày 29 tháng Tư….
Hỏi: Thưa ông, Việt Nam là một nước không có sức mạnh kinh tế hay quân sự đáng kể nhưng lại có vị trí chiến lược tại Đông Á. Trong hoàn cảnh ấy, đâu là những mục tiêu quốc tế của Việt Nam"
-- Việt Nam còn đang trên đường phát triển, sức mạnh kinh tế không có mà sức mạnh quân sự cũng không. Duy về địa dư thì Việt Nam ở vào vị trí chiến lược tại trung tâm chuyển vận nguyên vật liệu cho các cường quốc trong vùng Đông Nam Á nên mục tiêu quốc tế của Việt Nam là phải thận trọng giữ vững được thế đứng và bảo vệ được quyền lợi - chủ quyền lẫn các quyết định về nội trị - của mình.
Sau 1975, say men chiến thắng, người Cộng Sản đã xâm lăng Căm Bốt nên Việt Nam bị cô lập về ngoại giao trên chính trường quốc tế mãi đến 1991. Do sự chi phối của Liên Xô, Việt Nam còn chống cả nước đàn anh trong khối xã hội chủ nghĩa là Trung Quốc, rồi bị ông Đặng Tiểu Bình cho "một bài học" năm 1979, và chửi bới nước bạn thậm tệ. Sau khi chiến tranh chấm dứt, giới lãnh đạo vẫn chưa biết đâu là quyền lợi đích thực của Việt Nam và bị sai khiến mà không biết, khiến dân tộc và đất nước lại phải hy sinh oan uổng sau khi đã hy sinh trong chiến tranh vì cái gọi là lý tưởng độc lập dân tộc.
Ngày nay, cục diện lại bắt đầu chuyển động. Trung Quốc nghiễm nhiên là cường quốc với ảnh hưởng ngày càng mạnh về kinh tế, chính trị và chiến lược, trở thành một mối lo cho các nước nhỏ trong vùng và cho cả các cường quốc Thái Bình Dương như Nhật Bản và Hoa Kỳ. Rồi đây, cán cân chiến lược giữa các nước lớn nhỏ cũng sẽ thay đổi. Nhật Bản có đứng hẳn với Mỹ về mọi mặt không" Trung Quốc có vì thế mà liên minh với Ấn Độ không" Tất cả là một sự chuyển động phức tạp, chưa ai biết liên minh nào là liên minh vững chắc và liên minh nào là nhất thời.
Hỏi: Trên cơ sở ấy, những ai có trách nhiệm về sự an nguy và thịnh vượng của Việt nam phải có chiến lược ngoại giao ra sao"
-- Thông thường, phải nghĩ rằng một khi đã đảm nhận trách nhiệm về sự an nguy và thịnh vượng của dân tộc thì nhà cầm quyền Việt Nam phải nghiên cứu và xác định rõ đâu là quyền lợi lâu dài của dân tộc, từ đó kết luận về quan hệ an ninh chiến lược và kinh tế với các láng giềng và với các cường quốc ra sao" Trong trường hợp một chế độ Cộng Sản như Việt Nam thì điều coi là thông thường ấy không chắc đã có vì cho đến nay ý thức hệ vẫn là yếu tố ưu tiên trong mọi trạng huống. Trong thời chiến thì đã có cải cách ruộng đất và đàn áp trí thức văn nghệ sĩ qua vụ Nhân văn Giai phẩm vì nghe lời cố vấn đàn anh. Gần đây thì là các hiệp ước về biên giới trên bộ và về lãnh hải trong vùng Bắc Bộ do sự chèn ép của Bắc Kinh.
Người ta nói rằng trong Bộ Chính Trị ở Hà Nội, có khuynh hướng thân Tầu và lập luận của khuynh hướng này là về ngoại giao Việt Nam cần phải dựa vào ý thức hệ. Lập luận này đứng về mặt quyền lợi lâu dài của dân tộc có hợp lý không, trong khi sức ép của nước bạn đè lên đầu dân tộc về mọi mặt kể cả về vấn đề những quyền lợi căn bản của Việt Nam tại những quần đảo Hoàng Sa và Truờng Sa trên biển Nam Hải"
Rồi người ta lại nói là ngoài khuynh hướng trên còn khuynh hướng muốn trở lại làm thân với Mỹ để trong tương lai Việt Nam có chỗ tựa. Làm thân với những nước bạn và đặc biệt với một siêu cường quốc là việc nên làm. Tuy nhiên cũng như trong vấn đề thân Tầu hay không thân Tầu, ý thức hệ quan trọng tới mức nào" Mà thân Mỹ hay không thân Mỹ thì trước hết cũng phải tìm hiểu Mỹ cho đúng mức. Về phương diện này thì chiến tranh Việt Nam chắc chắn phải là một bài học cho mọi người.
Hỏi: Một cách cụ thể, giữa các cường quốc trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga và nhất là Hoa Kỳ, Việt Nam phải có đối sách thế nào trong các thập niên tới, nhất là với Hoa Kỳ"


-- Vấn đề này đã được đặt ra ngay từ lúc người Mỹ can thiệp vào Việt Nam, nhưng vì lý do này hay lý do khác, từ phía người Cộng Sản cũng như về phía những người quốc gia ở miền Nam, nhận xét về Hoa Kỳ chỉ vội vàng căn cứ vào cái nhìn hời hợt bên ngoài, thiếu hẳn chiều sâu cần thiết cho một sự tìm hiểu đứng đắn. Đối với nhà cầm quyền trong nước, cũng như đối với các chính trị gia đang tranh đấu cho tự do, dân chủ và một tương lai sáng sủa hơn cho Việt Nam, không đánh giá được đúng mức chính sách của Mỹ, không đo lường được chính xác thái độ của Mỹ đối với Việt Nam thì khó lòng hoạch định được đường lối phù hợp với quyền lợi của đất nước cũng như với trào lưu tiến hóa của nhân loại.
Hỏi: Với kinh nghiệm bản thân về nền ngoại giao và chính sách của Hoa Kỳ, ông nghĩ rằng Việt Nam nên tránh những lỗi lầm gì trong mối giao tiếp hay giao kết với Hoa Kỳ"
-- Nhìn từ bên ngoài thì tìm hiểu chính sách của Mỹ không phải là khó. Hoa Kỳ có thể chế dân chủ cởi mở và mọi hoạt động của các tổ chức chính trị đều hoàn toàn công khai. Còn về giới truyền thông thì ai cũng thấy là có tự do, nên đường lối và chính sách của chính phủ được hàng ngày mang ra bàn cãi hay phê phán công khai. Nhưng chính cũng vì tính chất dân chủ và công khai đó của sinh hoạt chính trị mà vấn đề trở nên phức tạp.
Trước hết, bất kỳ một chính sách nào của Mỹ cũng hình thành từ sự tác động của các trung tâm quyền lực mà thành phần chính là Tòa Bạch Ốc (hành pháp), Quốc Hội (lập pháp) và truyền thông (dư luận). Trên thực tế thì trong nội bộ của các trung tâm quyền lực chính có đến hàng chục trung tâm quyền lực nhỏ tranh giành ảnh hưởng với nhau. Quốc Hội Mỹ có hai đảng lớn nhưng phải kể đến 435 vị Dân Biểu và 100 Thượng Nghị Sĩ vì tổ chức đảng của Mỹ hết sức lỏng lẻo, không có kỷ luật ý thức hệ và chỉ là sự tập hợp của một số người cùng theo một khuynh hướng (tỉ dụ như Cộng Hòa tương đối bảo thủ hơn Dân Chủ). Vì vậy mà mỗi khi phải đối phó với một vấn đề khó khăn, bất đồng ý kiến thường xẩy ra và Dân Chủ nhẩy sang Cộng Hòa (hay ngược lại) không phải là chuyện lạ. Về phía hành pháp thì tình trạng cũng không kém phức tạp. Nước Mỹ bốn năm bầu lại Tổng Thống, không ai đoan chắc chính sách của Mỹ có tính liên tục, ngay cả trong trường hợp một người đươc bầu lại.
Ấy là chưa kể đến dư luận chịu ảnh hưởng sâu đậm của giới truyền thông, phản ảnh của những khuynh hướng từ cực tả sang đến cực hữu, có thể buộc Lập Pháp và Hành Pháp thay đổi thái độ nhanh chóng. Quân đội Mỹ được gửi sang Việt Nam đầu năm 1965 với sự ủng hộ của hầu hết Lưỡng Viện Quốc Hội và của giới truyền thông, thế mà chưa đầy hai năm sau, những vụ chống đối đã nổi lên như cồn buộc đa số trong Quốc Hội phải đảo ngược thái độ.
Dù có thể chấp nhận chính sách ngoại giao Mỹ trên căn bản lý tưởng và truyền thống cao đẹp như dân chủ, nhân quyền, thực tế thì chính sách bị giới hạn rất nhiều (dầu cho đảng nào cầm quyền cũng vậy) và trên chính trường quốc tế chỉ có quyền lợi mới là yếu tố ưu tiên đáng kể.
Nói vậy không có nghĩa là không nên làm thân với Mỹ, cũng như trong quan hệ với nước láng giềng khổng lồ phương Bắc, nhất thiết Việt Nam phải một mực có thái độ chống đối.. Trong mọi quan hệ với những nước ngoài, đặc biệt là với cường quốc, bạn cũ hay thù xưa, Việt Nam cần phải hiểu rõ giới hạn của sự trông chờ vào họ.
Nếu chiến tranh Việt Nam có để lại bài học thì một trong những bài học ưu tiên tối thượng bắt buộc phải là: không bao giờ được để lọt vào bất kỳ tay người ngoại quốc nào quyền định đoạt số phận của dân tộc.
Trong các năm gần đây, nhà cầm quyền trong nước đã phải chịu đựng sự chèn ép và đè nén nặng nề của Trung Quốc trong mọi lãnh vực, kinh tế, chính trị hay an ninh chiến lước. Tình trạng nguy hiểm này buộc mọi người phải suy nghĩ: phải chăng mọi chủ trương đường lối của nhà nước đều phải dựa vào ý thức hệ và chiều theo ý muốn của nước bạn đàn anh"
Nhưng thoát ra khỏi được tình trạng này không có nghĩa là lại đặt mình vào vòng xung đột có thể xảy ra trong tương lai giữa cường quốc này hay cường quốc khác. Do chính sách mở cửa ra thế giới bên ngoài, số phận người dân trong nước những năm gần đây đã dễ thở hơn trước, nhưng nạn tham nhũng và nguy cơ tụt hậu vẫn còn nguyên, như chính lãnh đạo cao cấp nhất phải nhìn nhận. Nội tình ấy là một rủi ro lớn và thu hẹp khả năng quyết định về đối ngoại của Việt Nam.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tại nhà hàng Kim Sư vào lúc 9 giờ sáng thứ tư ngày 12 tháng 12 năm 2007 một buổi gặp gở với giới báo chí
Trong tuần lễ đầu tháng 10, năm 2007, tất cả các cơ quan ngôn luận trên thế giới đều loan tải và sôi nổi bàn tán về một nguồn tin liên quan tới một vị tổng thống
Tại Hội trường Nhật Báo Việt Báo, vào lúc 10 giờ 30 sáng thứ ba ngày 11 tháng 12 năm 2007
Ông Đặng Đình Khiết, Ông Nguyễn Minh Nữu cùng một nhóm  phật tử và nhà hoạt động vùng Hoa Thịnh Đốn
Sau Ngân hàng Trung ương Anh quốc, đến lượt Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ cũng hạ lãi suất và ngày càng nhiều người dự đoán là nạn suy trầm kinh tế
Ngày 19 tháng 1 năm 1974, hải quân Trung Quốc đã cưỡng chiếm quần đảo Hoàng sa dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Trong trận hải chiến không cân sức này
Cụm từ này không phải là một phát kiến mới mẻ về mặt ngôn từ, mà thực tế đã hình thành và thai nghén từ nhiều năm nay
Nhơn chuyến đi từ Canada làm công tác Phật sự ở Cali, Đại Lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu
Bắt đầu từ 9 giờ sáng ngày 9-12-2007, trước khuôn viên đại sứ quán Trung Quốc tại số 30 đường Hoàng Diệu, Hà Nội, hàng trăm tiếng hô đã vang lên
Nhân ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10 Tháng 12,  năm thứ 59, nhiều người thuộc Đảng Việt Tân
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.