Hôm nay,  

Ba Mươi Năm Kinh Tế Học Cho Việt Nam

28/04/200500:00:00(Xem: 12406)
Việt Nam chỉ có duy nhất một hệ thống thông tin tương đối bén nhạy là của công an... hậu quả tai hại là thu hẹp nhận thức về thị trường và dẫn tới quyết định kinh tế sai lầm...
Trong dịp ghi nhớ 30 năm ngày 30 tháng Tư 1975, Diễn đàn Kinh tế Đài Á Châu Tự Do có một chủ đề đặc biệt về những bài học kinh tế trong ba mươi năm qua tại Việt Nam qua phần trao đổi sau đây cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa.
Hỏi: Trong loạt chủ đề đặc biệt về biến cố 30 tháng Tư 1975, xin ông trước hết cho biết một số cảm nghĩ chung về các bài học kinh tế thu thập được trong ba mươi năm qua. Nói cụ thể, ông có những kinh nghiệm gì về kinh tế học trong thời gian đó"
-- Ba mươi năm thăng trầm của đất nước sau một cuộc chiến dai đẳng và oan uổng mất mấy chục năm tất nhiên đã để lại nhiều suy tư thấm thía sau rất nhiều phát giác kinh hoàng. Tôi chỉ xin ngắn gọn nói đến hai kinh nghiệm nhỏ vì muốn hướng về tương lai hơn là kể chuyện cũ. Kinh nghiệm thứ nhất là vụ đổi tiền, vì nhà tôi khi đó bị trưng dụng làm nơi đổi tiền trong đợt đầu. Là một công chức về kinh tế tài chính, tôi đã lần đầu tiên hiểu được vì sao ta gọi kinh tế học là "khoa học u ám". Kinh nghiệm thứ hai là cùng với nhiều công chức và chuyên gia của miền Nam, tôi đã phải qua 18 tháng học tập về lý luận Mác-Lênin, trong đó, kinh hoàng nhất là nghe giảng dạy về kinh tế chính trị học tư bản chủ nghĩa - một bản cáo trạng hàm hồ- rồi kinh tế chính trị học xã hội chủ nghĩa - một chương trình hoang tưởng chết người.
Hỏi: Lúc đó, ông suy ngẫm ra sao về những kinh nghiệm này"
-- Từ mấy bài học ấy, tôi không ngạc nhiên là sau đó, kinh tế Việt Nam bị khủng hoảng, lạm phát vượt 700% và xếp hàng cả ngày trở thành nếp sống. Lúc ấy, tôi có rút kết luận, rằng nói về kinh tế học cho các nhà lãnh đạo chính trị nhiều khi là vô ích vì họ bất chấp kinh tế học; hoặc tệ hơn thế, còn dựng lên lý luận phản kinh tế để biện minh cho các quyết định chính trị rồ dại của họ. Loại thí dụ như vậy có rất nhiều, từ Bước nhảy vọt vĩ đại của Trung Quốc đến Cải cách ruộng đất hay chính sách "giá lương tiền" của Việt Nam. Tôi thiển nghĩ là chỉ có một cách ngăn được tai họa ấy là người dân phải có những hiểu biết cơ bản về kinh tế học. Trình độ dân chủ của quốc gia tùy thuộc vào trình độ dân trí, trong đó có trình độ hiểu biết về kinh tế học để khỏi bị chính quyền lường gạt bằng vẻ thông thái giả tạo và lý luận ngoa ngụy.
Hỏi: Nhưng, ông có cho rằng từ đó đến nay tình hình cũng có thay đổi và nhận thức về kinh tế của nhà cầm quyền cũng đã có tiến bộ"
-- Hiển nhiên là có, khi họ đã đụng vào bức vách cứng đầu của thực tế kinh tế. Sau 15 năm đòi tiến nhanh tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã mất 15 năm học tập đổi mới với một thế hệ kinh tế gia mới. Chúng ta đã hết dần loại kinh tế gia sở trường về triết học Mác-Lênin mà mù tịt về kinh tế, nhưng giới kinh tế gia mới vẫn chưa đủ đông và tiếng nói chuyên môn của họ chưa đủ mạnh. Họ chỉ có thể giúp lãnh đạo bớt dần tính chủ quan duy ý chí để ra khỏi chỗ sai - hoặc ít ra là khỏi chệch hướng - nhưng tiến độ trên con đường mới còn quá chậm. Thành phần nào tiếp cận với xã hội, đời sống và quốc tế - vì phục vụ trong cơ chế nhà nước, chứ không trong cơ chế đảng - thì càng dễ có cái nhìn thông thoáng hơn. Bên ngoài gọi lầm họ là thành phần "đổi mới" hay "cải cách", chứ quyền quyết định tối hậu vẫn tùy vào đảng. Ta có loại doanh nghiệp mà Hội đồng quản trị thì mù mờ về quản trị mà vẫn chỉ huy Tổng giám đốc và cấp điều hành. Chỉ khi nào họ về hưu thì mới nghe thấy họ nói thật. Điều mà các ông Võ Văn Kiệt hay Phan Văn Khải nói ngày nay, phải chi họ dám nói ra và thi hành từ 10 năm trước thì Việt Nam còn thay đổi mạnh hơn và tốt đẹp hơn. Nhưng đó là chuyện cũ…
Hỏi: Thưa vâng, nói về tương lai thì ông ghi nhớ những bài học kinh tế nào trong 30 năm qua"
-- Thứ nhất là Việt Nam và nhiều nơi khác trên thế giới vẫn chưa ra khỏi cái bóng ma của Marx. Ta lầm lớn khi dùng cụm từ "tư bản chủ nghĩa" để nói về hình thái sinh hoạt kinh tế tự do. Cụm từ ấy hàm chứa một phê phán về đạo đức và gây ấn tượng xấu về chữ tư bản. Nói nôm na và dễ thành cực đoan, nước nào cũng muốn theo tư bản chủ nghĩa nhưng với đặc tính riêng của mình. Tư bản Mỹ khác với tư bản Âu châu hay Nhật Bản hay Ấn Độ, nhưng bên dưới vẫn là tính toán lời lỗ trong luồng trao đổi tự do. Lý do khiến các nước đều theo tư bản chủ nghĩa là làm giàu nhờ trao đổi tự do là điều có lợi nhất cho đại đa số. Việt Nam cũng thế mà chưa dám công nhận như vậy nên vẫn loay hoay trong hình thái tư bản nhà nước, là nhà nước ban phát mức độ tự do cho người dân sau khi giành tối đa đặc quyền đặc lợi cho mình. Vì vậy mà chưa giải phóng được tiềm lực của quốc dân, của người dân.
Hỏi: Đó là bài học thứ nhất, tức là còn nhiều bài học khác nữa"
-- Thưa vâng, bài học thứ hai là ta phải ra khỏi lối lý luận sai lầm là có sự đối lập giữa "thị trường" và "xã hội". Tôi gọi đó là sai lầm vì hai phạm trù ấy bao trùm lên cùng một thực thể. Nói đến thị trường, ta nghĩ đến việc mua bán do tính toán lời lỗ của từng tác nhân kinh tế mà quên là các tác nhân kinh tế ấy - từ doanh gia đến bà già đi chợ - chính là xã hội. Vì sự tính toán ấy người ta mới cho rằng lợi nhuận hay lòng tham trong thị trường mới phương hại đến ổn định hay công bằng xã hội. Nhân danh quyền lợi của xã hội, nhà nước bèn can thiệp vào thị trường trong khi chính sự can thiếp ấy mới gây bất công và hỗn loạn. Ba mươi năm sau khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam chưa ra khỏi lối suy nghĩ nhị nguyên ấy nên mới còn hiện tượng "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa", tức là nhân danh xã hội mà làm lệch quy luật thị trường và tạo ra đặc quyền đặc lợi. Việc cải cách vì vậy mới bị trì hoãn.
Hỏi: Nhưng, dù có gác một bên cái lẽ đúng sai của việc can thiệp ấy, phải hỏi ông là tập thể nhà nước mà tính toán lại thua từng cá nhân trên thị trường hay sao"
-- Thưa đấy là bài học thứ ba, nguyên ủy của lề thói "xin-cho" tại Việt Nam. Khi kinh tế phát triển và tính toán trao đổi trở thành cực kỳ phức tạp, không nhà nước nào, dù có máy điện toán tân kỳ, lại có thể thay thế được cả triệu phản ứng tính toán của người dân, của thị trường. Chức năng sản xuất không là nhiệm vụ nhà nước, đó là yêu cầu và khả năng tự nhiên của người dân, do động lực lời lỗ. Nhà nước đi vào sản xuất - qua ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước - thì lầm về mục tiêu và cứ thua lỗ, lại còn cản trở việc kinh doanh của người dân. Đã vậy, nhà nước còn ưa can thiệp vào chuyện phân phối, thí dụ qua chính sách giá cả hay thuế khóa. Nhà nước có gì để phân phối nếu không có sản vật do người dân tạo ra"
Hỏi: Câu hỏi cuối, thưa ông, nhìn vào tương lai thì bài học nào ông cho là quan trọng nhất"
-- Tôi nghĩ đến hiện tượng tạm gọi là "đà gia tốc" của quyết định kinh tế. Lãnh đạo Việt Nam trưởng thành trong chiến tranh, nhất là chiến tranh du kích, nên có một ý niệm đặc biệt về thời gian: chỉ đánh, chỉ làm khi có lợi, chưa có lợi thì chờ. Ý niệm ấy càng được củng cố bởi nếp suy nghĩ theo lối "ngày Giời tháng Phật" của một xã hội nông nghiệp. Vì vậy thiên hạ họp bàn và lấy quyết định trong một giờ thì mình nhẩn nha đợi một tuần cũng chẳng sao. Nhất là khi mình đã thắng! Đó là về tập quán Việt Nam dưới bóng rợp cộng sản. Trong khi ấy, từ 30 năm qua, thế giới đổi thay quá nhiều và quá nhanh nên đòi hỏi loại quyết định tức thời. Một quyết định kinh tế vừa ban hành là cái nhân của rất nhiều cái quả nổi lên từ khắp nơi trên thế giới và lập tức gây ảnh hưởng đến những tính toán nguyên thủy. Thông tin mà chậm lụt thì mình sẽ phản ứng chậm hơn thị trường, thậm chí lầm lẫn nhân với quả. Việt Nam đã mở ra thế giới bên ngoài và bị tác động như vậy mà tác nhân chính là nhà nước thì lại mù mờ và chậm lụt về nhận thức mà còn muốn kiểm soát thông tin nên sẽ bị động. Và đà gia tốc của quyết định kinh tế khiến biến động sẽ xảy ra rất nhanh, trước khi mình hiểu rõ sự việc, chứ chưa nói đến việc trình bày diễn giải sự việc một cách chính xác và ứng phó sao cho có lợi cho dân.

Hỏi: Thưa ông, như đã hẹn, kỳ này chúng ta sẽ đề cập tới một yếu tố chi phối sinh hoạt kinh tế của Việt Nam mà ông gọi là đà gia tốc của thông tin. Phải chăng, ông muốn nói là thông tin ngày càng được loan truyền với một tốc độ cao hơn"
-- Thưa vâng, tôi muốn nói đến một hậu quả của tiến bộ về khoa học kỹ thuật đã chi phối sinh hoạt kinh tế của con người khác hẳn những gì từng xảy ra trước đây. Tôi thiển nghĩ rằng sinh hoạt kinh tế của địa cầu bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố. Quan trọng nhất trong các yếu tố này và gần như là một động lực của thay đổi – dù diễn biến chậm nhưng lại rất chắc chắn – đó là dân số. Năm 1975, khi chiến tranh kết thúc, dân số nước ta ở vào khoảng hơn 40 triệu, nay đã vượt quá 80 triệu, khiến Việt Nam trở thành một trong 12 nước đông dân nhất địa cầu. Với đà nhân khẩu tăng gần gấp đôi như vậy, dân số Việt Nam thuộc vào loại trẻ, vì tỷ trọng rất cao của các người trẻ. Một xã hội có dân số trẻ thường có chung một số đặc tính là có yêu cầu rất lớn về tư bản, là phương tiện sản xuất, và dễ có đà tăng trưởng cao, với rủi ro lạm phát lớn. Một nước có dân số trẻ cũng dễ có chế độ chính trị thiếu ổn định vì một thành phần rất lớn của dân chúng phải cố gắng rất nhiều để tranh thủ nguồn tư bản cho sản xuất, chủ yếu là tư bản từ nước ngoài, từ các quốc gia có dân số già hơn, có cơ chế kinh tế chính trị ổn định hơn. Đó là đặc tính mới của Việt Nam, trước đây không có. Yếu tố thứ hai chính là đà gia tốc thông tin. Nếu dân số là một động lực thay đổi thì thông tin mau lẹ là loại cấp số nhân – xin tạm gọi là “nhân số” - của những thay đổi ấy. Chúng ta cần giải thích hiện tượng này qua vài ba thí dụ...
Hỏi: Thưa vâng, xin ông nêu vài thí dụ để thính giả cùng rõ, trước khi ta nói về hậu quả.
-- Ta thường nói rằng khoa học kỹ thuật đang thu ngắn không gian - khiến “khoảng cách” hay cự ly giữa các nước ngày càng nhỏ hơn vì vận chuyển dễ hơn – và thu hẹp thời gian – khiến thời gian quyết định ngày càng ngắn hơn. Tiến bộ khoa học kỹ thuật đáng chú ý trong 30 năm qua nằm trong lãnh vực thông tin, với một số phương tiện tân kỳ, có gia tăng năng suất về tổ chức và sản xuất kinh tế nhưng cũng đặt ra nhiều bài toán trước đây hoàn toàn không có. Cách đây trăm năm, khi các cụ của ta đang xoay trở với bài toán về chủ quyền, một người như cụ Sào Nam Phan Bội Châu phải mất bao nhiêu thời gian mới từ Việt Nam qua Quảng Châu hay đặt chân đến nước Nhật và những hiểu biết do cụ thu thập được phải mất bao nhiêu lâu mới gây được phong trào Đông Du" Cũng như vậy, cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh mất bao nhiêu thời gian mới quảng bá được nhiều tư tưởng tiếp nhận ở nước Pháp để thành phong trào Duy Tân" Ngày nay, tình hình đã khác hẳn, và trong một nước có dân số trẻ với đặc tính tôi gọi là “thiếu ổn định” vì sự khát khao thôi thúc của một thành phần dân số rất đông, đà gia tốc của thông tin vì vậy có thể là nhân số của năng suất mà cũng là nhân tố của đổi thay. Tuổi trẻ ngày nay nghĩ sao, ước mơ điều gì, có lẽ giới lãnh đạo cũng không hiểu nổi, như không hiểu nổi ngay con cái trong nhà.
Hỏi: Xin ông nêu ra một thí dụ thứ nhì, thuộc về địa hạt kinh tế chẳng hạn.
-- Tôi nghĩ đến một thí dụ gọi là quốc tế về thông tin kinh tế. Cách đây 190 năm, là gần hai thế kỷ, Âu châu nín thở theo dõi kết quả trận chiến giữa quân Pháp do Napoléon chỉ huy và Liên quân Âu châu, chủ yếu là Anh và Phổ, do Quân công Wellington chỉ huy. Địa bàn trận chiến là đất Waterloo của nước Bỉ, gần thủ đô Bruxelles của Liên hiệp Âu châu ngày nay. Thời ấy, hệ thống kinh doanh giao dịch của nhà Rothschild đã phát triển khá rộng rãi, với các cơ sở có mặt khắp Âu châu, nên thị trường, tức là dân chúng quan tâm đến sinh hoạt kinh tế thương mại, mới chú ý đến các quyết định mua bán của ông Nathan Rothschild, là người sáng lập hệ thống kinh doanh này tại Anh và thực tế thì còn góp tiền chiến phí cho đạo quân của Wellington. Dĩ nhiên là Nathan Rothschild biết kết quả cuộc chiến sớm hơn thị trường Anh, và sáng đó ông ra lệnh bán các cổ phiếu của Anh. Thị trường biết vậy bèn kết luận là quân Anh thua quân Pháp nên bán theo, làm giá sụt rất mạnh. Khi giá đã sụt tới đáy, nhà Rothschild ra lệnh mua vào với giá rẻ như bèo. Mãi tới khi mọi người biết tin là Napoléon đại bại thì cổ phiếu Anh vọt tăng giá, chỉ trong một vụ ấy thôi, nhà Rothschild lời bạc triệu. Và ông Nathan Rothschild mới có một câu châm ngôn để đời là “khi máu chảy đầy đường thì đấy là lúc nên mua vào.” Loại thông tin thị trường như thế ngày nay vẫn còn, nếu có khác thì do tốc độ nhanh hơn làm ta phải quyết định mau lẹ hơn. Thiếu thông tin, hoặc có thông tin sai lầm, là dễ sạt nghiệp.
Hỏi: Bây giờ, ta hãy nói về hậu quả của hiện tượng ấy. Ông cho rằng thông tin gia tốc đang thu hẹp thời gian quyết định"
-- Chúng ta lấy quyết định căn cứ trên sự hiểu biết về thị trường và cân nhắc về lời lỗ. Quyết định ấy vừa ban hành là lập tức tác động vào thị trường, gây ra những hậu quả khác với tình hình ban đầu và có khi làm thay đổi cơ sở tính toán của mình. Đây là vòng nhân quả, sự xoay vần có tính biện chứng. Ngày xưa, thời khoảng giữa nhân và quả như vậy có thể là vài tháng hay vài ngày, ngày nay là vài giờ hay vài phút. Trong luồng trao đổi toàn cầu, thị trường không bao giờ ngủ vì nơi này đóng cửa thì nơi kia vẫn giao dịch mua bán và tiếp nhận thông tin mới để lập tức ứng phó với tình hình mới. Ai ngủ quên trong thị trường ấy hoặc chậm lụt trong phản ứng vì nhận thức lạc hậu thì sẽ bị thiệt. Số lượng, mức chuẩn xác và tốc độ của thông tin vì vậy chi phối các quyết định kinh tế của chúng ta nhiều hơn xưa và đây là một thách đố cho Việt Nam.
Hỏi: Vì sao ông nghĩ rằng yếu tố tiến bộ ấy lại là một thách đố"
-- Về căn bản thì ta có thể chi phối nếp sinh hoạt của người khác, thậm chí nước khác, bằng ba cách. Hoặc là bằng võ lực, là chiến tranh, hoặc là bằng quyền lợi qua trao đổi kinh tế. Cách thứ ba là qua thông tin và tư tưởng. Với đà gia tốc thông tin này, cách thứ ba có tác dụng nhanh nhất và có lẽ mạnh nhất. Việt Nam hết là một cường quốc quân sự để có thể làm thay đổi bộ mặt thế giới bằng súng đạn và xương máu thanh niên mà cũng chẳng là cường quốc kinh tế để mua chuộc được nước khác trong khi phải tiếp nhận thông tin rất nhiều từ thế giới bên ngoài, trong đó có nhiều yếu tố thường vượt quá sự hiểu biết của đa số người dân nên rất dễ gặp nạn “máu chảy đầy đường” như Rothschild nói về thị trường. Đã vậy, Việt Nam chỉ có một hệ thống thông tin tương đối bén nhạy là của công an, để bảo vệ chính quyền, trong khi lại thu hẹp thông tin của thị trường, của người dân, vì chế độ kiểm duyệt. Việc kiểm soát ấy không thể khép kín tầm nhìn của người dân vì làn sóng giao lưu tư tưởng rất mạnh trên địa cầu, nhất là trong giới trẻ, nhưng có hậu quả tai hại là thu hẹp nhận thức về thị trường và dẫn tới quyết định kinh tế sai lầm. Một thí dụ ai cũng thấy là quyết định về sản xuất, như cà phê chẳng hạn, khiến mọi người đổ xô vào một ngành tưởng là có lợi, khi sản lượng tăng thì trị giá sụt và đánh sụt lợi tức nhà sản xuất. Ba mươi năm sau chiến tranh, ưu tiên của lãnh đạo Việt Nam vẫn không thay đổi và chì chú ý vào sự tồn tại của chế độ trong khi thế giới xoay vần rất mạnh và rất nhanh. Cho nên, kết luận ở đây là chế độ có thể có ấn tượng ổn định, thực chất là bị động và càng bịt mắt người dân và bịt miệng báo chí qua kiểm soát thông tin thì càng dễ bị bất ngờ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Như ta đã biết Xã Hội Dân Sự là một trong ba thành phần của Không gian Xã hội (social space) cùng song hành với Khu vực Nhà Nước (the State)
Biến cố làm chấn động dư luận trong và ngoài nước suốt cả tháng nay là vụ cầu Cần Thơ bị sập hai nhịp cầu dẫn đang thi công
Năm nay, ba nhà kinh tế Hoa Kỳ đã đoạt giải Nobel về Kinh tế học nhờ những đóng góp trong lý thuyết về thiết kế cơ chế
Văn Phòng II Viện Hóa Đạo, Giáo Hội PGVNTN, đã chính thức ra mắt trong buổi họp báo hôm Thứ Bảy 13-10-2007 ở thị xã Westminster
Đại Hội Hội Đồng Giám Mục Việt Nam lần X  đã hoàn tất mỹ mãn. Bản tin sau là từ Thông Tấn Xã Công Giáo Việt Nam
Thực ra, không chấp nhận đối lập, nói cách khác không dám thay đổi hay bỏ điều 4 Hiến Pháp, đảng CSVN coi như đang tự sát cho sinh mệnh chính trị của đảng
Sau đây là lời tường thuật kinh nghiệm tự chữa trị bịnh tiểu đường của kỹ sư Nguyễn Ngọc Quang, một kỷ sư thiết kế, năm nay 68 tuổi
Khi nguyên Phó Tổng thống Al Gore được Giải Nobel Hoà Bình, một số nhà bình luận Hoa Kỳ lập tức kết luận, rằng ông Gore đã thắng trận phục thù
Về sự cố cầu Cần Thơ, cũng cần nhìn lại những yếu kém của ngành xây dựng Việt Nam, sự thật đây cũng là yếu kém chung của đất nước
Cũng như quí vị đã biết, Pháp TỨ NIỆM XỨ đề cập đến sự phát triển một khả năng rất quí của Tâm, là “Sati” hay “Niệm” (chú tâm).
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.