Hôm nay,  

Bốn Di Tích Quan Trọng Của Đức Phật Thầy Tây An - 2

18/08/201700:01:00(Xem: 6432)

BỐN DI TÍCH QUAN TRỌNG CỦA ĐỨC PHẬT THẦY TÂY AN (tiếp theo)
 

Nguyễn Huỳnh Mai


3-TRẠI RUỘNG Ở LÁNG LINH, CHÂU ĐỐC

Láng Linh giữa khu tứ giác của bốn quận Châu Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn và Châu Thành thuộc về làng Thạnh Mỹ Tây, tỉnh Châu đốc, cách sông Hậu giang gần 10 cây số ngàn, từ kinh xáng Vịnh Tre đi vô.


Đức Phật Thầy có lập một trại ruộng bằng tre lá giống như ở Thới Sơn theo đúng giáo pháp vô vi của Ngài, tức cũng thờ trần đỏ, không có tượng cốt. Ngài đặt hiệu cho trại ruộng nầy là Bửu-Hương-Các, nêu tên giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương do Ngài khai thị.


Cách chùa 8 cây số, ra kinh xáng Vịnh Tre, xã Vĩnh Thạnh Trung, có dinh Ông Thẻ nhà Láng. Đây là một cây thẻ trong bốn cây thẻ mà Đức Phật Thầy cho trồng xung quanh vùng Thất sơn.  


Cũng như ở trại ruộng Thới Sơn, nơi đây Đức Phật Thầy đã trị cho nhiều người thoát khỏi những căn bệnh hiểm nghèo và  Ngài dạy cho người lành bệnh biết lo niệm Phật  tu hành.  Mỗi khi có người xin qui y học đạo thì Ngài phát cho một lòng phái trong đó có bốn chữ “Bửu Sơn Kỳ Hương”. Mỗi tín đồ đều cất giữ rất kỹ, không trao cho bất kỳ ai.


blank


Hình 1 : Lòng phái có in 4 chữ Bửu Sơn Kỳ Hương  



Đức Phật Thầy thường hay đi đó đây cứu nhân độ thế nên Ngài giao phó trại ruộng này cho Đức Cố Quản Trần Văn Thành, một đại đệ tử của Ngài coi sóc. Dưới thời vua Thiệu Trị và Tự Đức, vị đệ tử này đã làm đến chức Quản Cơ. Ông đã cầm quân đánh tan giặc Miên ra khỏi biên thùy và lập nhiều chiến công hiển hách.


Sau khi quy y với Đức Phật Thầy, Đức Cố Quản đã bỏ sự nghiệp đem gia đình về núi Doi, phá rừng dựng nên làng Hưng Thới. Ông đã được Đức Phật Thầy giao cho trọng trách đi cắm 4 cây thẻ quanh vùng Thất Sơn để trấn những cột ếm của người Tàu, và giữ trại ruộng Bửu Hương Các.

Vào thời Pháp thuộc, Quản Cơ cùng các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương đang khai hoang trại ruộng Láng Linh thì rút vào rừng Bảy Thưa, thành lập căn cứ kháng chiến, bộ chỉ huy lấy tên là Binh Gia Nghị đặt tại đồn Hưng Trung, nay thuộc xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.


Sau khi ông bà Cố Quản mất, con là cậu Hai Trần văn Nhu đứng ra cất Bửu Hương Tự, cách Bửu Hương Các 200 thước, bằng cách bán vòng vàng của bà Cố Quản để lại và một chiếc ghe sáu bổ lịch sử với giá 300 đồng. Ghe sáu bổ thuộc loại ghe độc mộc (chỉ một cây sao lớn, khoét ruột rồi thành ghe, be ghe dầy khoảng 7 phân tây, có 6 cột chèo. Có mui lớn được chạm trổ hết sức cổ kính.


Tương truyền Đức Phật Thầy thường đàm đạo trên ghe với Đức Cố Quản. Về sau tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương đã chuộc ghe lại và cất chùa Bửu Sơn Tự hay còn được gọi là chùa Ghe Sáu tại ấp Long Hạ xã Kiến An, huyện Chợ Mới tỉnh An Giang để thờ chiếc ghe này.


Năm 1912, Cậu Hai bị vu cáo mưu phản nên bị nhà cầm quyền tỉnh Châu Đốc bao vây Bửu Hương Tự. Cậu Hai thoát khỏi nhưng 56 người đến chùa lễ bái bị bắt bỏ tù.


Mãi đến năm 1941, Bửu Hương Các, và năm 1942 đến Bửu Hương Tự, được ông Nguyễn Văn Tịnh, đệ tử cậu Hai trùng tu chấn chỉnh, nhưng năm 1948 cả hai chùa đều bị chiến tranh tàn phá.


Mặc dầu bị mất hai người con vì binh biến, ông Tịnh cũng cố công dựng lại hai kiểng chùa để có nơi cho thiện nam tín nữ đến lễ bái như ngày nay.


blank


Hình 2: Bửu Hương Tự, cách Bửu Hương Các 200 thước (ảnh Thúy Đào Nguyễn)



4-CHÙA TÂY AN Ở NÚI SAM, AN GIANG

Di tích thứ tư quan trọng của Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương là chùa Tây An tại An Giang. Nơi đây có ngôi mộ khỏa bằng mặt đất, không đắp nắm, hay tháp của Đức Phật Thầy Tây An nằm khiêm tốn phía sau chùa.

Tây An tự tọa lạc tại ngã ba dưới chân núi Sam, xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Chùa trông rất đồ sộ, màu sắc lộng lẫy mang nét kiến trúc Ấn Hồi với vòm tháp cao hình dáng “chóp củ hành” phía trước chùa.

Chùa lợp mái ngói cong. Ở cửa giữa có tượng Quan Âm Thị Kính. Bên trong chùa có nhiều bàn thờ với trên 100 tượng Phật và các vị La Hán bằng gỗ được chạm khắc rất công phu sống động.

Bên phải chùa là khu mộ tháp cao của chư tôn hòa thượng phái Lâm Tế trụ trì qua nhiều thời gian. Phía sau là ngôi mộ Đức Phật Thầy được xây cất mặt phẳng theo di giáo của Đức Phật Thầy. Tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật giáo Hòa Hảo thường xuyên đến ngôi mộ này cúng bái cầu nguyện đông đảo, nhất là vào những ngày Đản Sinh hay ngày Vía của Đức Phật Thầy.

blank

Hình 3: Chùa Tây An ở núi Sam (ảnh Đào Nguyên Bùi Thụy)


Năm 1820, Tổng Đốc Nguyễn Nhật An, một vị quan triều Nguyễn đời Minh Mạng đã xây dựng chùa Tây An bằng tre theo lời nguyện của ông sau khi thành công dẹp được giặc Miên nơi biên giới. Ông thỉnh vị sư đầu tiên là Hòa Thượng Nguyễn Văn Giác, pháp hiệu Hải Tịnh, tu theo phái Lâm Tế về trụ trì. Năm 1847, Tổng đốc An Hà là Doãn Uẩn, sau khi lập đại công đánh đuổi quân Xiêm La, bình định Chân Lạp, đã xây dựng lại ngôi chùa bằng tường gạch với mái ngói.

Cũng vào thời gian này bệnh dịch lan tràn dữ dội, người chết không kịp chôn, Đức Phật Thầy đang ở Trà Bư trị bệnh, sau đó Ngài đến Xẽo Môn nay là làng Long Kiến vừa chữa bệnh, thuyết pháp, khuyến tu, phát lòng phái có 4 chữ Bửu Sơn Kỳ Hương in trên giấy đỏ cho những người quy y. Ngài chỉ dùng bông hoa, nước lã, bao nhang hay giấy vàng mà chữa lành nhiều bệnh ngặt nghèo thập tử nhất sanh.

Tiếng đồn vang như nước triều dâng và người đến chữa bệnh đông như kiến cỏ, đã khiến những kẻ dối tu đem lòng ganh tị phao truyền Ngài là gian đạo sĩ, nên quan Trấn An Giang câu lưu giam giữ Ngài và đưa ra nhiều thử thách. Ngài đã khiến các quan chức khâm phục và nhiều vị đã quy y với Ngài.

Khi nhận được chiếu chỉ của Triều đình công nhận Ngài là một vị chân tu, Đức Phật Thầy phải xuống tóc vào tu tại chùa Tây An. Chùa này có gõ mõ tụng kinh và thờ nhiều tượng cốt, khác với chủ trương của Bửu Sơn Kỳ Hương là thờ Trần đỏ, bông hoa và nước lạnh với nhang đèn mà thôi.

Đức Phật Thầy được quý hòa thượng ở chùa rất quý mến khâm phục cốt cách đạo đức và lòng từ bi chăm sóc thương mến những bệnh nhân đến chùa trị bệnh. Tuy ở chùa, nhưng Ngài thường xuyên hướng dẫn các đại đệ tử Bửu Sơn Kỳ Hương đi nhiều nơi, mở rộng sự truyền giáo, phát lòng phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Ngài phân chia tín đồ thành bốn đoàn đi khai hoang lập ấp ở chốn rừng rậm như Thới Sơn hay nơi bùn lầy nước ngập mênh mông như Láng Linh vân vân.

TINH THẦN CỦA GIÁO LÝ TỨ ÂN VẪN CÒN MÃI

Ngày nay, nếu có ai đến viếng những di tích của Đức Phật Thầy, sẽ nhân thấy rằng những nơi mà xưa kia là rừng rậm hoang vu đầy thú dữ, hoặc những chỗ bùn lầy nước đọng, mùa nước lụt thì mênh mông như biển, mùa hạn hán thì như bãi cát hoang, nay đã thay vào đó là ruộng lúa phì nhiêu, vườn cây nặng trĩu trái, hoặc chợ búa, phố xá sầm uất, nhiều sông rạch đem nước ngọt đến ruộng vườn, và giúp cho sự lưu thông bằng ghe xuồng của người dân khắp nơi.

Mảnh đất miền Tây Nam Việt với dòng Cửu Long Giang bên cạnh dãy Thất sơn hùng vĩ, nơi địa linh nhân kiệt, đã phát sinh những vị hoạt Phật từ Đức Phật Thầy Tây An cùng các vị kế truyền như Đức Phật Trùm, Đức Bổn Sư, Đức Sư Vãi Bán Khoai và gần đây nhất là Đức Huỳnh Giáo Chủ cùng các vị đại đệ tử anh hùng hy sinh cho tổ quốc như Đức Cố Quản Trần Văn Thành, Đại Thần Nguyễn Trung Trực, vân vân.

Qua bao thăng trầm của lịch sử, những câu kinh giảng mang đậm giáo lý tứ ân, đã luôn vang lên tinh thần đạo đức, nhân ái, sự hiếu thão với ông bà cha mẹ, tình yêu nước yêu dân, yêu đồng bào nhân loại, cố giữ yên bờ cõi trước giặc ngoại xâm, khiến cho Miền Tây Nam Việt vẫn còn giữ được mảnh đất phì nhiêu, người dân mộc mạc hiếu hòa như ngày nào các vị hoạt Phật đã ban rải tình thương không bờ bến.
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Hà Tân Dân biên soạn: Tứ Ân Hiếu Nghĩa (1971)
Nguyễn Long Thành Nam: Phật Giáo Hòa Hảo Trong Lòng Lịch Sử Dân Tộc (1991).
Nguyễn Văn Hầu: Thất Sơn Mầu Nhiệm (1955); Nửa Tháng Trong Miền Thất Sơn (1970);  Đức Cố Quản hay Cuộc Khởi Ngĩa Bảy Thưa (1956);  Sấm Truyền Đức Phật Thầy Tây An (1973).
Nguyễn Văn Hầu và Nguyễn Hữu Hiệp: Tiền Giảng Đức Phật Thầy Tây An (1974).
Vương Kim: Bửu Sơn Kỳ Hương (1957).
Vương Kim và Đào Hưng: Đức Phật Thầy Tây An (1954).
Các trang webs: Wikipedia tiếng Việt; thesaigontimes.vn; vanhoalichsuangiang.blogspot.com; vusta.vn; angiang.edu.vn; quangduc.com; phatgiaohoahao.net; hoahao.org; tuoitrephatgiaohoahao.com;
hoahaole.blogspot.com; bskhnguyenthuy.blogspot.com. 

.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khoa học tân tiến nhất của loài người ngày nay đã tìm đến Nguyệt cầu, Hoả tinh, và đã có các phi hành gia bay bổng ra ngoài tầng khí quyển
Khóa giảng hàng năm của đức Đạt Lai Lạt Ma là ngày hội cho Dharamsala... Hàng năm, cứ sau Tết Âm lịch
Khi một xã hội chỉ tìm thấy mẫu mực để bắt chước hay học hỏi từ ở bên ngoài thì rất dễ đánh mất bản sắc của mình vì thần tượng của họ
Trong đoàn quân Pháp sang đô hộ VN có một số quân nhân gốc Phi Châu ưa phá làng phá xóm khiến dân chúng Việt Nam căm ghét
Tình hình ở trong nước các tuần gần đây trước cuộc bầu Quốc hội (QH) vào 20.5.07 đã cho thấy hai chiều hướng phát triển
Trở về Việt Nam sau ba mươi năm lià xa, tôi đã đi không ngừng, Saigon ra Trung, Hà Nôi vô Nam; và mong sẽ quên chuyện non nước mình
Bước vào thế kỷ 21, việc xử dụng đa dạng năng lượng (energy diversity) trong chuyển vận là một trong những suy nghĩ lớn
Cuộc đấu tranh cho dân chủ trong nước đang nở rộ, và tấm gương bất khuất ngàn xưa của Việt Nam đang được lật lại từng trang
Việt Nam là một quốc gia có nhiều danh lam thắng cảnh, với niềm tự hào về nòi giống Rồng Tiên, một nền văn hóa đa dạng và một dân tộc siêng năng
Nhiều người vẫn tưởng đảng Cộng sản Việt Nam càng ngày càng vững tiến lên Xã hội Chủ nghĩa, ai ngờ đảng viên, báo chí lại đang có khuynh hướng
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.