...Ưu tư dân Mỹ là cải tổ y tế, giảm thuế, tạo công ăn việc làm,...
Trên nguyên tắc, nhân vật quyền thế nhất nước Mỹ phải là tổng thống, tức là ông Trump. Trên thực tế, người quyền thế nhất hiện nay là thẩm phán Robert Mueller, công tố đặc biệt điều tra vụ Nga can dự vào bầu cử tổng thống vừa qua.
Thật vậy, nếu ông Mueller ngày mai họp báo tuyên bố TT Trump thông đồng với Putin để đạt thắng lợi trong cuộc bầu cử vừa qua, cũng như đã bãi chức giám đốc James Comey bất hợp pháp để ngăn chặn cuộc điều tra của FBI, hay TT Trump bất ngờ ra lệnh bãi nhiệm ông Mueller, thì bảo đảm cái ghế tổng thống lắc lư mạnh. Dù không mất job thì uy tín TT Trump cũng bị sứt mẻ khó hàn gắn.
Những kịch bản trên có thể thành sự thật không? Không ai biết hết. Chỉ vì chẳng ai rõ quan hệ giữa TT Trump và các phụ tá của ông với Nga như thế nào, ai đã liên lạc với ai, trao đổi những gì? Bởi vậy mới có cuộc điều tra của ông Mueller.
Câu chuyện Nga can dự vào cuộc bầu tổng thống nổ bùng cách đây khoảng một năm khi Ủy Ban Quốc Gia của Đảng DC tố Nga thâm nhập hệ thống emails của họ. Chẳng có bằng chứng cụ thể nào, xì hơi, đi vào quên lãng. Chẳng ai nói đến điều tra điều trần gì ráo. Cả bà Hillary lẫn TT Obama đều cố dìm đi vì tin chắc bà Hillary sẽ đắc cử, không muốn làm khó TT Putin, bất lợi cho bà tổng thống Hillary. Nhưng sau khi bà Hillary thất cử, câu chuyện được hồi sinh lại vì là lý do duy nhất có thể giải thích sự thất cử quá bất ngờ của bà Hillary. Ít ra thì cũng là lý cớ đánh phá TT Trump cho đỡ tức.
Việc bổ nhiệm ông công tố mang ý nghĩa và có thể có hậu quả nào?
Nhìn lại câu chuyện, ta thấy TT Trump làm việc rất lủng củng. Ông sa thải ông Comey, giải thích là làm theo đề nghị của thứ trưởng Tư Pháp, Rod Rosenstein, là người đã viết một phúc trình nặng nề chỉ trích giám đốc Comey tắc trách, vi phạm rất nhiều nguyên tắc và thủ tục công vụ trong việc điều tra emails của bà Hillary, cần phải bãi nhiệm. Sau đó, lại có tin TT Trump đã quyết định bãi nhiệm trước khi hỏi ý ông Rosenstein. Tức là TT Trump quyết định trước, rồi vịn vào phúc trình của ông này để biện giải.
Ông Rosenstein bực mình, coi như bị lợi dụng. Mặt khác bị phe DC và TTDC tố là tay sai của Trump. Ông muốn chứng tỏ mình công tâm và độc lập, bổ nhiệm một công tố đặc biệt để điều tra toàn bộ câu chuyện Nga can thiệp. Ông có quyền này vì bộ trưởng Sessions đã tự ý rút ra khỏi cuộc điều tra để tránh xung khắc quyền lợi vì nghĩ chính ông cũng có thể sẽ bị điều tra.
Một lý do nữa cần điều tra là cuộc nói chuyện riêng giữa TT Trump và ông Comey bị ông này xì ra làm bằng chứng FBI đã bị TT Trump áp lực chấm dứt điều tra tướng Flynn, tức là cản trở công lý. Chính ông Comey xác nhận ông cố ý xì cuộc nói chuyện này ra cho báo chí để tạo áp lực bắt buộc phải bổ nhiệm công tố đặc biệt.
Như vậy, ngay từ đầu, việc bổ nhiệm công tố đặc biệt đã bị tỳ vết vì là kết quả của hai hành động mang tính đòn thù của hai ông Rosenstein và Comey.
Đã vậy, việc ông Rosenstein lựa ông Mueller lại còn mờ ám hơn nữa.
Để chống đỡ những chỉ trích ông đã đánh ông Comey quá mạnh với bản phúc trình nặng nề chỉ trích ông Comey, ông Rosenstein lựa ngay… ông bạn chí thân của ông Comey làm công tố.
Hai ông Mueller và Comey có quan hệ mật thiết với nhau từ hơn 15 năm nay, tự coi nhau như “brothers in arms”, đại khái như “huynh đệ chi binh”.
Tháng Ba năm 2004, ông Comey là thứ trưởng Tư Pháp, dưới quyền bộ trưởng John Ashcroft, do TT Bush con bổ nhiệm. Ông Mueller làm giám đốc FBI, cũng do TT Bush con bổ nhiệm. Khi đó, một luật liên quan đến việc theo dõi điện thoại các người bị nghi ngờ là khủng bố Hồi giáo mãn hạn, cần phải được gia hạn. Phe diều hâu của PTT Cheney muốn gia hạn vì chủ trương mạnh tay với khủng bố. Bộ trưởng Tư Pháp Ashcroft và thứ trưởng Comey không đồng ý vì cho rằng luật này đi quá xa, có thể vi phạm nhân quyền. Hai bên giằng co cãi nhau. Bất thình lình, bộ trưởng Ashcroft bị đột qụy, vào nhà thương, thứ trưởng Comey xử lý. Gần ngày hết hạn, luật được sửa đôi chút, PTT Cheney ô-kê, ra lệnh mang qua cho ông Comey ký. Ông này từ chối không chịu ký.
Câu chuyện lên đến TT Bush con. Ông ra lệnh mọi người đến gặp ông. Ông Comey gặp trước, nói thẳng nhất định không ký, nếu bị ép sẽ từ chức ngay. Rồi ông dọa thêm, nếu ông từ chức, giám đốc FBI Mueller cũng từ chức luôn. TT Bush hỏi ông Mueller, ông này xác nhận sẽ từ chức cùng ông Comey.
Hai ông Comey và Mueller sát cánh bên nhau áp lực TT Bush con. Cuối cùng TT Bush chịu thua, không gia hạn luật, bắt sửa lại luật cho nhẹ hơn.
Sau thắng lợi của liên minh Comey-Mueller, hai ông gắn bó với nhau từ ngày đó đến nay. Qua thời TT Obama, ông Mueller đi làm cho một văn phòng luật chuyên lùng bắt tham nhũng trong các đại công ty, dĩ nhiên hợp tác chặt chẽ với ông Comey khi đó đã được TT Obama bổ nhiệm giám đốc FBI, vì thành tích chống TT Bush con.
Trở lại tình trạng ngày nay.
Việc bổ nhiệm ông Mueller làm công tố điều tra việc Nga can dự vào bầu cử tổng thống chẳng có gì đáng thắc mắc. Nhưng rồi cuộc điều tra dường như đã ra ngoài đề, bắt đầu bằng việc cứu xét xem TT Trump có cản trở công lý khi áp lực rồi bãi nhiệm ông Comey hay không.
Nếu có chuyện này thật thì tất nhiên có vấn đề lớn. Nếu cuộc điều tra bây giờ nhắm vào việc ông Comey bị sa thải, thì làm sao thiên hạ có thể tin là ông Mueller sẽ đủ công tâm, không tìm cách bảo vệ hay giúp đỡ ông “huynh đệ chi binh” từ mười mấy năm qua của ông?
Giáo sư luật Glenn Reynolds của đại học Tennessee viết bài trên USA Today, nhận định đây là chuyện xung khắc quyền lợi lớn nhất và rõ ràng nhất. Ông Mueller không thể nào được phép điều tra về việc ông Comey bị bãi nhiệm. Luật lệ Mỹ rất rõ rệt ghi nhận xung khắc quyền lợi, kể cả quyền lợi cá nhân –personal conflict of interest-.
Đã vậy câu chuyện lại trở thành rắc rối hơn khi ông Mueller bắt đầu thuê luật sư vào ê-kíp của ông. Cho đến nay, ông đã kiếm được một chục.
TTDC dĩ nhiên đã tung hô mấy ông bà luật sư mới này lên đến chín từng mây. Theo TTDC, đây là một ê-kíp chuyên gia có một không hai, vô địch về thành tích, khả năng, và công tâm. Toàn là siêu nhân.
Tất cả đều là chuyên gia về luật hình sự -criminal law-, không có một ai là chuyên gia về luật công quyền, luật bầu cử, hay Hiến Pháp. Một cách cụ thể, mấy ông bà luật sư này là chuyên gia đi bắt tham nhũng, gian lận sổ sách. Đưa đến câu hỏi ông Mueller hình như muốn chui vào sổ sách xem ông Trump và gia đình làm gì, kinh doanh như thế nào, chẳng dính dáng gì đến chuyện Nga can dự bầu cử.
Đã vậy, đa số những luật sư ông Mueller mới thuê vào đều là phe DC, đã đóng từ vài ngàn đến vài chục ngàn đô yểm trợ cho ông Obama, bà Hillary, và các chính khách DC như Al Gore, John Kerry,... Không có một người nào góp tiền yểm trợ TT Trump hết.
Trong đám, có một bà luật sư gốc Hàn Quốc, Jeannie Rhee, từng là luật sư riêng của bà Hillary, biện hộ cho Quỹ Clinton Foundation trong một vụ thưa kiện lớn. Bà này có đủ công tâm không hay sẽ tìm cách trả thù dùm bà Hillary?
Một luật sư khác trước đây dính dáng vào một vụ thưa kiện chống con rể TT Trump, và hai ông này trở thành kình địch. Vài ngày sau khi ông luật sư này gia nhập nhóm điều tra, văn phòng ông Mueller loan báo họ sẽ điều tra luôn tất cả những giao dịch kinh doanh của ông con rể. Những giao dịch kinh doanh của ông này có liên quan gì tới vụ Nga can thiệp bầu cử?
Bình tâm mà nhận xét, bây giờ còn quá sớm để khen hay chê. Rất có thể ê-kíp của ông Mueller là những chuyên gia rất công tâm, làm việc rất nghiêm chỉnh, nhưng dù muốn hay không, với những yếu tố vừa nêu trên mà sau đó họ ra kết luận bất lợi, đưa đến việc truy tố hay đàn hặc TT Trump thì thật sự mà nói, họ sẽ khó giải thích cho hơn 60 triệu cử tri đã bầu cho TT Trump. Khối cử tri này đang coi toàn bộ câu chuyện Nga can dự như là một đòn bề hội đồng của phe cấp tiến, của cái trục Cấp Tiến-Dân Chủ-TTDC nhắm vào tổng thống của họ. Một kết luận bất lợi cho TT Trump sẽ bị coi như là một bước nữa trong cuộc “đảo chánh”, lật đổ một tổng thống đã được bầu và đắc cử hoàn toàn hợp pháp, hợp Hiến, và chính danh.
Thực tế, lịch sử cho thấy những cuộc điều tra này thường kéo dài lê thê lướt thướt, dây dưa chuyện này qua chuyện khác, cho đến khi tóm được vài con nhạn làm vật tế thần để biện giải cho chi phí bạc triệu cho các luật sư rất cao giá này.
Vũ Linh
Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.