Hôm nay,  

Viễn Ảnh Kinh Tế Thế Giới: Vn Gặp Nguy

06/04/200500:00:00(Xem: 12190)
Tuần qua, khởi đi từ Hoa Kỳ, một số chỉ dấu kinh tế đã báo hiệu những khó khăn sắp tới cho kinh tế toàn cầu, nhất là cho các nước Đông Á. Việt Nam sẽ gặp cơ nguy nào"
Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về những phân tách hay dự báo của ông. Cuộc phỏng vấn sẽ do Việt Long thực hiện sau đây.
Hỏi: Thưa ông, trên mục Diễn đàn Kinh tế vào ngày sáu tháng Bảy năm ngoái, khi trình bày về hậu quả kinh tế của cuộc bầu cử tháng 11 tại Mỹ, ông có dự báo là dù đảng Cộng hòa hay Dân chủ thắng cử, kinh tế thế giới trong năm 2005 cũng gặp nhiều bất ổn. Tuần qua, dư luận nhiều nơi có nói về nguy cơ bất ổn ấy; thí dụ như tờ Malaysia Star trong số Chủ Nhật 27 đã trích dẫn lời báo động của một kinh tế gia Singapore là Giáo sư Lim Chong Yah khi ông ta nói là sóng gió toàn cầu có thể nổi lên vì nạn thiếu hụt cán cân vãng lai của Hoa Kỳ. Ông phân tách ra sao về mối nguy ấy"
-- Trước hết, tôi xin giải thích vì sao mà ta phải khởi sự phân tách nền kinh tế Hoa Kỳ. Kể về sức sản xuất đo bằng tổng sản lượng thì kinh tế Mỹ trị giá từ 20 đến 25% sản lượng thế giới, nhưng lại đóng góp đến 60% vào đà tăng trưởng của kinh tế thế giới. Lý do là nền kinh tế này là thị trường tiêu thụ lớn nhất địa cầu; khi kinh tế Mỹ hắt hơi, nhiều xứ khác có thể bị bão - nhất là các nước Đông Á vì giàng bộ máy tăng trưởng vào việc xuất khẩu hàng hóa qua Mỹ. Thế giới bị một quân bình bất ổn và sẽ lật vì quá lệ thuộc vào kinh tế Mỹ, vào sức tiêu thụ của người dân Hoa Kỳ. Trong tổng sản lượng GDP của Mỹ, tiêu thụ chiếm đến hơn 70%. Đây lại không là rủi ro duy nhất.
Hỏi: Trên diễn đàn kinh tế, ông cũng thường nói đến một thế phân công lao động đầy nghịch lý giữa hai bờ Thái bình dương. Đấy có phải là một rủi ro khác nữa chăng"
-- Thưa vâng và đây là rủi ro mà giới kinh tế đã báo động từ nhiều năm nay. Kinh tế Mỹ tiêu thụ nhiều mà tiết kiệm ít. Từ khoảng 10% mấy chục năm trước, tỷ lệ tiết kiệm của Hoa Kỳ nay chỉ ở mức 2% lợi tức so với bình quân là hơn 30% - thậm chí đến 40% - tại các nước Đông Á khác. Cái thế phân công lao động ta nói ở đây là các nước Đông Á thắt lưng buộc bụng để xuất khẩu qua Mỹ trong khi dân Mỹ chi tiêu thả giàn và mắc nợ lớn, chủ yếu là mắc nợ Đông Á. Giáo sư Lim mà ông nhắc đến có nói là Mỹ phải đi vay một tỷ đô la mỗi ngày và điều đó không thể kéo dài. Thực ra, tình hình nguy ngập hơn thế. Kinh tế Mỹ bị bội chi ngân sách và nhập siêu ngoại thương, cán cân vãng lai bị hụt hơn 650 tỷ, bằng 6,5% GDP, bình quân mỗi ngày cần đến hai tỷ Mỹ kim của thế giới, hoặc hai tỷ chín cho mỗi ngày kinh doanh. Dấu hiệu tiên báo rủi ro có thể được thấy từ sau Tết khi trái phiếu Mỹ sụt giá trên các thị trường tài chính quốc tế. Trước đấy, ta còn có nạn sụt giá Mỹ kim, khởi sự từ đầu năm 2002 và nay vẫn chưa dứt.
Hỏi: Như vậy, ông dự đoán là có lúc kinh tế Mỹ sẽ chậm phát triển và mua hàng ít hơn nên thế giới có thể bị ảnh hưởng" Làm sao thấy trước được việc ấy"
-- Thực ra, khó ai dự đoán được cho chính xác vì nếu biết trước nguy cơ suy trầm thì giới hữu trách, tại Hoa Kỳ thì chủ yếu là hệ thống ngân hàng trung ương, gọi là Hội đồng Dự trữ Liên bang, đã có thể thi hành biện pháp ứng phó. Cho đến nay, định chế này vẫn có nhận định tương đối lạc quan và chủ trương tăng chứ không giảm lãi suất vì e sợ nguy cơ lạm phát hơn là rủi ro suy trầm hay giảm phát. Khi lãi suất tăng, mọi thứ từ tiêu thụ đến đầu tư đều trở nên đắt hơn, và điều ấy có thể gây khó khăn cho các nước sống nhờ bán hàng cho Mỹ. Một chỉ dấu theo dõi có thể là khi lãi suất liên ngân hàng tại Mỹ vượt qua ngưỡng cửa 5%.
Hỏi: Nhưng nếu mọi việc xảy ra một cách tiệm tiến thì vì sao dư luận và cả bản thân ông lại nói đến bão tố hay sóng gió"

-- Tại vì ta phải nhìn vào mặt trái của vấn đề, ở bên kia biển Thái bình. Tiền rẻ tại Mỹ trong nhiều năm liền đã thổi lên một trái bóng đầu tư, là làm tăng giá quá đáng một số tài sản, như nhà đất, cổ phiếu hay trái phiếu vì mọi người đều dự đoán là giá tài sản sẽ tăng mà lại không có cơ sở thực tế về cung cầu. Khi tiền Mỹ trở thành đắt hơn vì lãi suất gia tăng, trái bóng ấy có thể bị bể thay vì xì ra thật chậm. Nạn bể bóng đầu tư thường dẫn đến suy trầm, thậm chí suy thoái, hoặc khủng hoảng kinh tế. Đông Á, nhất là Trung Quốc - và cả Việt Nam trong một số chừng mực - đều có nạn bong bóng đầu tư như vậy. Yếu tố rủi ro thứ hai là kinh tế Trung Quốc hiện găïp nguy cơ khủng hoảng như ta đã nhiều lần đề cập tới vì không có khả năng hãm đà tăng trưởng một cách chủ động và tiệm tiến như giới lãnh đạo mong muốn và dự tính. Yếu tố rủi ro thứ ba là nạn dầu thô tăng giá nếu kéo dài quá lâu hoặc tăng quá mạnh thì cũng gây biến động.
Hỏi: Thế còn hậu quả đối với các nước Đông Á" Thí dụ như Việt Nam chẳng hạn" Các nước có thể hay cần làm gì về mặt chính sách"
-- Đông Á có thể bị hậu quả nặng hơn Hoa Kỳ gấp bội vì quá lệ thuộc vào kinh tế Mỹ và vào hoạt động xuất nhập khẩu. Đông Á còn bị nặng hơn nếu Trung Quốc bắt đầu suy thoái trong năm tới và bị khủng hoảng trong các năm sau, như Nhật Bản đã từng bị bể bóng đầu tư từ năm 1990 và gặp năm đợt suy trầm, đợt thứ năm hiện đang xảy ra. Về chính sách, các nước phải quan niệm lại sách lược phát triển gọi là Đông Á, là lệ thuộc quá nhiều vào xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài. Nghĩa là nên tìm cách nâng cao sức tiêu thụ của thị trường nội địa chứ đừng chỉ chú trọng vào việc bán hàng cho Mỹ.
Thứ hai là trong viễn ảnh Mỹ kim sẽ còn sụt giá vì hai khiếm hụt song hành của ngân sách và mậu dịch, nạn sụt giá ấy cũng giúp cho Á châu chuyển hướng sách lược vì khó xuất khẩu vào Mỹ hơn và nhờ thế có thể điều chỉnh lại cái lối phân công lao động ta vừa nói hồi nãy. Tuy nhiên, kịch bản bi quan là việc Mỹ kim sụt giá lại không xảy ra một cách tiệm tiến mà đột ngột, điều ấy sẽ ảnh hưởng đến chính sách hối đoái và gây khủng hoảng cho các nước vay mượn quá nhiều ở bên ngoài, là trường hợp bắt đầu xảy ra cho Trung Quốc, nơi mà hệ thống ngân hàng có thể sụp đổ khá nhanh. Dư luận nhiều nơi tỏ vẻ ưu lo từ mấy tháng nay vì nguy cơ sụt giá đột ngột ấy đang gia tăng.
Hỏi: Sau cùng, ta nói đến hậu qua tại Hoa Kỳ. Người Việt tại Mỹ chẳng hạn sẽ phải làm gì trong giả thuyết ấy"
-- Tôi nghĩ là qua năm 2006, kinh tế Mỹ có thể bị suy trầm nhẹ, tức là có đà tăng trưởng thấp hơn trong hai quý liền, nhưng hậu quả thực ra không nặng. Về dài, Hoa Kỳ phải quan niệm lại về chính sách năng lượng để khỏi bị lệ thuộc quá nhiều vào dầu thô và dầu thô nhập khẩu, đồng thời, phải chấn chỉnh lại lề lối chi thu lẫn thói quen tiêu thụ quá dễ dãi như hiện nay. Trong ngắn hạn và điều đáng quan tâm là giá nhà đất có thể sẽ hết tăng mà còn sụt tại nhiều nơi, trừ một số nơi vì lý do dân số.
Hỏi: Thưa ông, vì sao lại có sự khác biệt như vậy, mà thế nào là lý do dân số"
-- Vì tiền rẻ, giá nhà đã tăng đều, từ năm 2000 đến 2004, bình quân tăng đến 40% là điều chưa từng có kể từ Thế chiến II. Người Mỹ coi đó là một cách để dành tiền và bảo vệ trị giá tài sản. Khi lãi suất tăng thì tín dụng địa ốc sẽ tăng và làm giảm giá nhà. Nhưng, tôi thiển nghĩ là ở một số tiểu bang miền Tây, nhất là ở các vùng nắng ấm như miền Nam California, vì tiếp cận với Á châu - hoặc tại Houston và vùng phụ cận bên Texas vì có nhiều Á dân cư ngụ và kinh tế còn tăng trưởng mạnh - giá nhà đất sẽ không giảm mà còn tăng vì dân chúng nơi khác di chuyển về đấy, Tôi xin gọi đó là lý do dân số. Lý do thứ hai là khi Á châu bị sóng gió và lãi suất tăng tại Mỹ, ta sẽ có hiện tượng chuyển dịch tư bản từ Á châu về Mỹ, nhiều người chuyển tiền qua Mỹ để mua nhà cửa. Bất ổn kinh tế chính trị tại Á châu càng tăng thì tiền càng trôi về Mỹ. Vì vậy, giá nhà tại Mỹ nói chung có thể sụt như nhiều người dự báo, nhưng trừ một số nơi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hơn 70 tiệm nail của người Mỹ gốc Việt đã được thưởng khoản tiền trợ giúp đặc biệt về môi sinh, theo một bản tin hôm 29-6-2007 của Sở Môi Sin
Tôi còn nhớ vào khỏang những năm 1960, 1961 khi tôi bắt đầu làm quen với những chuyện kiếm hiệp dã sử trong các trang nhật báo tôi rất thích đọc
Cộng đồng người Việt bên Mỹ đã phản ứng mãnh liệt trong chuyến công du của ông NMT vừa qua. Họ thống nhất được từ ngữ và biểu tượng của truyền thống
Khi làm công tác ngoại vận tại Hoa Kỳ và Âu Châu, gặp các nhà chính trị tại Hoa Kỳ và các quốc gia Âu Châu, họ đã đặt cho tôi nhiều câu hỏi
Thông thường, kết thúc một cuộc gặp gỡ giữa hai nguyên thủ quốc gia, người ta công bố một bản thông cáo chung, xác định một số điểm đồng thuận
Nhờ những phát minh khoa học và kỹ thuật, đã giúp thêm phương tiện cho các cường quốc Âu Châu thời đó như Anh, Pháp, Hoà Lan, Bồ Đào Nha
Kể từ 1 tháng 7 năm 2008, California áp dụng luật mới về điện thoại di động, theo gương của Connecticut, District of Columbia, New Jersey, New York
nhân danh ổn định sẽ tụt hậu, dân ta sẽ chỉ đi làm thuê cho thiên hạ trong những nghề họ chẳng thèm làm...
Tình hình Việt Nam và thế giới biến chuyển nhanh chóng do việc Hoa Kỳ thả bom nguyên tử xuống hai thành phố Nhật Bản là Hiroshima ngày 6-8-1945
Phật giáo Hòa Hảo là tông phái Phật giáo do Đức Giáo chủ Hùynh Phú Sổ (1920-1947) khai sáng ngày 18 tháng 5 năm kỷ mão (4-7-1939), tại làng Hòa Hảo
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.