Hôm nay,  

Lịch Sử Không Sai, Con Người Sai, Giờ Đây, Cùng Nhìn Lại Sĩ Phu Ai Quốc Nam Kỳ Phan Thanh Giản

11/07/201700:00:00(Xem: 6457)
Kính thưa Quí vị,

Kính thưa Ban Tổ chức và Hội Việt Học,

Từ lâu nghe tiếng Hội Việt học ở California nhưng tôi vẫn chưa có dịp ghé qua thăm viếng. Thì nay, do sự ưu ái của Anh Phan Thanh Tâm, bạn ở xa của tôi, giới thiệu với Quí Hội và tôi được vinh hạnh tham dự buổi tưởng nìệm 150 năm Ngày Mất của Cụ Phan Thanh Giản do Quí Hội tổ chức. Vì ở xa và bận vài việc riêng, tôi đã không đến được để cung kính thăm hỏi quí vị học giả, những nhà Việt học lớn có mặt hôm nay mà tôi từng nghe tiếng, thăm viếng cơ sở Hội, chào hỏi Ban Tổ chức với lời cảm tạ thật lòng. Kính mong được Quí Vị lượng giải cho.

Tuy nhiên, với sự cho phép đặc biệt của Ban Tổ chức, tôi đã gởi bài nói chuyện của tôi nhờ Anh Phan Thanh Tâm, thay mặt tôi, đọc hôm nay như thêm một vài ý kiến về một trường hợp lịch sử của xứ Nam kỳ mà nay việc làm cho rõ con người Phan Thanh Giản, với cái đúng, cái sai, cái công, cái tội vẫn còn cần được tiếp tục.

Xin kính lời cảm ơn Quí vị sẽ vui lòng dành cho mươi phút để nghe qua, cảm ơn Ban Tổ chức và Hội Vìệt học.

Kính thưa Quí vị,

Nói về cuộc đời và sự nghiệp của Cụ Phan Thanh Giản, đã có nhiều sử gia nói rồi. Lên án Cụ bán nước cho giặc Tây, ca ngợi Cụ là sĩ phu ái quốc, đều có. Cả việc chánh thức phục hồi danh dự cho Cụ nữa.

Kẻ đến sau, vừa thiệt thòi, vừa thiếu sở học, nhứt là sử học, mà dám cả gan can thiệp vào chuyện trọng đại này chỉ vì lòng ngưởng mộ sâu xa và tự hào về cụ Phan là người Nam kỳ đầu tiên đậu tiến sĩ và làm quan lớn dưới Triều Nguyễn. Sau Cụ thì xứ Nam kỳ không còn lớp nho sĩ nữa. Những người có bằng cấp lớn, cũng Cử nhơn, cũng Tiến sĩ nhưng là Tây học. Vào thập niên 30/40 của thế kỷ trước, những Nguyễn An Ninh, Phan văn Hùm, Nguyễn văn Sâm, Hồ văn Ngà, Tạ thu Thâu, Trần văn Ân, …qua ánh sáng tấm gương của Cụ, có thể nói những vị này thật sự là những sĩ phu Nam kỳ, sĩ phu mới, tân học. Noi theo gương tiền nhơn, họ học theo Tây, học trường Tây, nhưng không theo Tây, trái lại, chống Tây chỉ với tấm lòng son sắt giành độc lập cho đất nước. Có dựa theo phe này, cánh nọ cũng chỉ là phương tiện trong hoàn cảnh đất nước lúc đó.

Nay nhơn 150 năm Ngày Mất của Cụ, tôi được Ban Tổ chức dành cho vinh dự lớn có vài lời nhắc tới Cụ nơi đây. Tôi sẽ không dám đặt vấn đề bênh vực công tội cho Cụ mà chỉ nói qua vài nét về hoàn cảnh đất nước trước tình hình thế giới lúc cụ cầm quyền và đất Nam kỳ đã phải mất vào tay giặc Pháp thực dân. Chúng ta sẽ suy nghĩ, nếu ở vào hoàn cảnh của Cụ, liệu chúng ta có thể làm được gì tích cực hơn Cụ không ?

Vàng, Thượng đế, Vinh quang

Kế hoạch viễn chinh xâm chiếm Đông dương của thực dân Pháp làm thuộc địa và truyền giáo được quyết định từ năm 1857. Việc buôn bán và truyền giáo bằng đường biển qua vùng Đông Nam Á đã có từ giửa thế kỷ XVI. Thương nhân Bồ-đào-nha (Portugais), với những hải thuyền hùng mạnh, tới Việt nam trước nhứt. Năm 1557, họ đã tới Fạfo, miền Trung Việt nam. Người Hòa-lan, từ đầu thế kỷ XVII, đã lập nghiệp ở Batavia, Nam-dương. Từ đây, họ qua Việt nam nhưng chọn đi lên phía Bắc và bước chơn lên Hà nội, đem đến cho Hà nội “cái cóc “ thay vì cái ly, cái tách như dân Nam kỳ quen gọi. Đồng thời, thương nhân Tây phương cho phái bộ truyền giáo đổ bộ lên những vùng đất mới để rao giảng thiên chúa giáo với dân địa phương. Những phái bộ đầu tiên lập cơ sở truyền giáo ở Việt nam vào đầu thế kỷ XVII là những giáo sĩ Dòng Tên (Jésuites) bồ-đào-nha, bám chặt sự tự trị và độc quyền của họ ở vùng đất họ vừa định cư. Tới năm 1649, Alexandre de Rhodes bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Việt nam, bèn đệ trình Giáo hoàng ở La-mã một kế hoạch thiết lập một cơ sở truyền giáo không núp dưới cây dù của Bồ-đào-nha. Giáo hoàng chấp thuận vì ông cũng muốn việc truyền giáo ở các nước Á châu phải hoàn toàn tách ra khỏi thế quyền bồ-đào-nha. Vậy là vị thừa sai Dòng Tên này, gốc người Avignon, Miền Nam Pháp, bắt đầu tổ chức phái bộ truyền giáo ở Việt nam trở thành công việc hoàn toàn của Pháp.

Bồ-đào-nha cực lực phản đối với lý do là năm 1493, Giáo hoàng Alexandre Borgia, đã giao cho họ sứ mạng này nên dự án của Alexandre de Rhodes thành hình sau khi ông mất. La mã cử hai vị thừa sai người pháp, François Pallu và Lambert de la Motte, đại diện trực tiếp Giáo hoàng. Từ đây, Phái Bộ Truyền giáo Hải ngoại thành hình và hoạt động dựa vào những cơ sở thương mại đặt ở xứ Bắc kỳ. Thương nhân đều hiểu rõ tham vọng và tinh thần xâm nhập của Phái Bộ truyền giáo khi họ khuyến khích tổ chức cơ sở thương mại ở khắp nơi, nhứt là ở Bắc kỳ, để họ đặt Văn phòng Phái bộ. Giáo sĩ Pallu thấy rõ sự thành công của truyền giáo mật thiết gắn liền với sự mở mang giao thương (1). Và lịch sử mất nước của Việt nam cũng bắt đầu.

Đây là thời điểm của cao trào tìm thị trường, chiếm thuộc địa khai thác tài nguyên và nhơn lực để làm giàu sau cách mạng khoa học kỷ thuật của các nước Tây phương. Anh, Mỹ, Pháp, Tây-Ban-nha, Bồ-đào-nha đổ xô qua Á châu chiếm đất, lập giao thương và mở đạo. Tôn chỉ của họ là “Vàng, Thượng đế, Vinh quang ” (2). Mỹ đưa 4 chiến hạm tới Nhựt bổn, đưa thư của Tổng thống Mỹ cho Nhựt Hoàng yêu cầu mở cửa cho Mỹ vào giao thương tự do. Họ hẹn năm sau sẽ trở lại nhận trả lời của nhà vua. Khi quay tàu ra đi, họ cho tàu xì khói đen ngòm cả bầu trời, bắn thêm mấy phát đại bác thị uy để từ giả. Kiểu cao-bồi Mỹ và cũng là lúc văn hóa cao-bồi đang thạnh hành. Nhưng chỉ nửa năm sau, họ trở lại, không phải với 4 tàu chiến, mà 8 tàu chiến. Nhà cầm quyền Nhựt thấy ớn lạnh nên đành phải mở cửa cho Mỹ và Tây phương vào lằm ăn, truyền giáo, chấm dứt 200 năm bế quan (Trần Mỹ Vân, đã dẩn).

Đến nước Trung Hoa vĩ đại như vậy ! Là mẫu mực về sức mạnh và văn hóa của Việt nam. Hằng năm Việt nam giữ triều cống. Khi gặp khó khăn, Việt nam chỉ nghĩ tới sự giúp đở của họ. Thế mà họ bại trận xiểng liểng khi Anh và Pháp đưa chiến hạm tới, dội súng cối vào thành, tiếp theo lính bắt thang trèo thành, vào thẳng các cung điện, cả cung điện nơi Từ Hi đang ở, bà phải bỏ chạy. Họ gom hết chiến lợi phẩm. Một chú lính người Anh trông thấy cái bô (pot) bằng vàng xinh đẹp trong phòng của bà hoàng bèn ôm lấy và mừng rở vô cùng. Cái bô còn ấm có lẽ hoàng hậu chỉ vừa mới rời bô chạy trốn. Mà bà phải được người hầu cỏng chạy chớ bà không thể chạy được vì hoàn cảnh “xẩm bó chơn ”. Anh lính nghĩ phải đem báu vật này về dâng Nữ Hoàng Victoria làm kỷ niệm quân ta chiến thắng vinh quang.

Năm 1839 khi Anh can thiệp quân sự ở Tàu, vua Minh Mạng giựt mình vì hiểu Việt nam cũng đang bị hăm dọa bởi nguy cơ Đế quốc Tây phương xâm chiếm. Ông cho thăm dò ý đồ của các của các cường quốc, gởi Đại sứ của triều đình tới Pénang, Calcutta, Batavia, Paris, Londres. Đại sứ tới Paris không được vua Louis-Philippe tiếp kiến. Phái bộ Thừa sai lo sợ hai bên sẽ tiến đến một thỏa hiệp, điều này sẽ không có lợi cho Giáo hội nên vội ngăn cản nhà vua Louis-Philippe, bịa dẩn lý do vua Minh Mạng là kẻ thù không khoan nhượng của tôn giáo. Chính giáo hoàng cũng đã từng phản đối.

Khi các Đại sứ trở về Huế thì Minh Mạng mất. Thiêu Trị nối ngôi. Áp lực của Triều đình đối với việc truyền giáo không còn nữa. Các giáo sĩ bị tù được thả ra. Giám mục Lefèbre được thả, đưa qua Singapour. Ông liền quay trở lại Việt nam mặc dầu ông biết rỏ việc truyền đạo bị nhà vua ngăn cấm. Khi ông vào sông Sài gòn, bị bắt nhưng chỉ bị đuổi trở qua Singapour.

Chánh quyền việt nam đã thay đổi thái độ đối với việc Tây phương muốn tới Việt nam buôn bán và truyền giáo. Nhưng Tây phương thì vẫn bám chặt mục tiêu của họ. Áp lực ngày càng mạnh thêm. Võ lực tiến tới thay thế thương thảo và thuyết phục.

Báo động mất nước

Anh ký hiệp ước Nankin (1842) với Tàu, chiếm được Hồng kông và mở 5 hải cảng. Hai năm sau, Pháp chớp được Hiệp ước Whampoa, với lời hứa tự do truyền đạo. Chánh quyền Quân chủ Juillet, vâng lời kêu gọi của giáo sĩ truyền giáo, tính can thiệp vào Việt nam để được những nhượng bộ như ở Tàu. Họ bèn gởi tới 2 tàu chiến do Đô đốc Rigault de Genouilly chỉ huy, kèm theo tối hậu thư yêu cầu nhà vua Việt nam rút lại lệnh ngăn cấm truyền giáo và thiên chúa giáo phải được tự do hoạt động như ở Tàu. Trong lúc đang thuơng thảo ở Đà nẳng (Tourane) người Pháp trông thấy vài chiếc thuyền việt nam đi tới bèn tấn công, đánh chiềm tất cả mà không có một lời báo trước.

Vua Tự Đức, kế vị vua Thiệu Trị, được báo tin sự việc này. Ông hiểu ngay tình hình tới hồi nghiêm trọng. Đồng thời, quan hệ giửa Triều đình Huế với những nhà truyền giáo trở thành khó khăn hơn. Vụ Hoàng tử Hồng Bảo, anh cùng cha của vua Tự Đức, bị nhà vua tước đoạt hết quyền lợi, cùng với những người thân tín, âm mưu liên kết với những người thiên chúa giáo chống lại nhà vua và nhờ những người thiên chúa giáo giúp đở tìm thêm hậu thuẩn của Âu châu.

Âm mưu bị khám phá, vua Tự Đức ra lịnh xử tội những người lập mưu phản loạn, Hoàng tử Hồng Bảo và cả những người xúi dục hoàng tử. Tiếp theo, nhà vua ban hành 2 lịnh nữa cấm những nhà truyền giáo tiếp tục tới Việt nam.

Napoléon III gởi phái đoàn Montigny (1857), được tàu chiến le Catinat hộ tống, tới Huế để điều đình với nhà vua được tự do truyền giáo, tự do giao thương và lập Đại diện ở Huế, cơ sở thương mại ở Đà nẳng nhưng phái đoàn không được vua Tự Đức tiếp kiến, đành trở về tay không. Trong lúc đó, ở Bắc kỳ, Giám mục Diaz bị xử tử hình vì tội vi phạm luật pháp Việt nam. Biến cố này quyết định chiến tranh và dẩn tới mất Nam kỳ.

Quyết tâm chiếm Việt nam

Ngày 31 tháng 8/1858, Pháp gởi một đơn vị hải quân do Đô đốc Rigault de Genouilly chỉ huy tới Đà nẵng. Qua ngày hôm sau, Đô đốc Genouilly ra lệnh cho giới chức thành Đà nẵng bảo vệ thành, trong 2 tiếng đồng hồ, phải giao thành cho ông nhưng liền sau đó, ông cho lính pháp và tây-ban-nha đổ bộ tiến lên thành. Sau một trận giao tranh ngắn nhưng ác liệt, thành bị giặc tràn ngập và chiếm lấy.

Mất thành Đà nẵng mở đầu lịch sử Pháp đô hộ Việt nam.

Pháp đã nuôi ý định phải có một nơi làm căn cứ cho hải quân và hàng hải ở Vìễn Đông. Đến khi Napoléon III trị vì, ông quan tâm đến vị trí chiến lược của Việt nam rỏ ràng hơn. Đồng thời, các giáo sĩ truyền giáo vận động sự ủng hộ của nhà vua để hoạt động của họ qua Việt nam được tự do càng làm cho ông thêm quyết tâm hơn trong việc phải chiếm Việt nam. Mặt khác, các nhà truyền giáo kêu gọi đại diện Pháp ở Tàu hãy cùng xin nhà vua can thiệp quân sự vào Việt nam. Linh mục Hue, trong bản thỉnh nguyện gởi nhà vua Pháp tháng giêng 1857, nêu lên những điều lợi khi chiếm được Việt nam để thuyết phục nhà vua:

- Về chiến lược, Đà Nẵng, khi nằm trong tay Pháp, sẽ là hải cảng quan trọng bậc nhứt để khống chế vùng Bắc Á.

- Về kinh tế và thương mại, lảnh thổ Việt nam phì nhiêu không thua những miền nhiệt đới khác. Việt nam là nơi có thể trồng trọt các thứ cây lương thực. Hiện tại, tài nguyên ở đây là lúa gạo, đường, gổ xây dựng, ngà voi, …cả vàng, bạc mà hầm mỏ được khai thác từ lâu.

- Về tôn giáo dĩ nhiên rồi, dân chúng hiền, siêng năng, rất dễ tiếp thu đức tin thiên chúa. Chỉ cần thời gian ngắn, ta có thể cảm hóa cả nước trở thành thiên chúa giáo và tận tụy phục vụ nước Pháp.

Hơn nữa, đánh chiếm xứ này là một điều dễ nhứt thế giới, không tốn kém gì cả cho nước Pháp, vì dân chúng đang sống oằn (h)oại, thống khổ dưới sự cai trị tàn bạo của nhà vua Việt nam nên sẽ nhiệt tình đón tiếp chúng ta như những người tới giải phóng họ và ân nhân của họ (3).

Vua Tự Đức chấp nhận ký Hiệp ước 1862 để mất 3 tỉnh Miền Đông, phải phê chuẩn dưới áp lực của đại diện Paris với lời lẽ như sỉ nhục “Phê chuẩn là hòa bình. Không là vương triều tan nát, Nam kỳ và Bắc kỳ sẽ mất hết. Chúng tôi thật lòng muốn có hòa bình, nhưng thứ hòa bình không có thảo luận. Hòa bình như đã ký”.

Việc ký Hiệp ước và phê chuẩn làm mất lòng dân không ít. Họ cho rằng nhà vua chủ bại. Sĩ phu thay thế nhà vua lãnh đạo dân chúng ở khắp nơi nổi lên chống giặc Pháp chỉ bằng tấm lòng yêu nước vì vũ khi quá thô sơ, súng cối làm bằng gổ. Trong lúc đó, vua giam mình trong thành lo suy nghĩ kế hoạch đòi Pháp trao trả lại 3 tỉnh Nam kỳ đã mất. Ông liên lạc với Đô đốc Bonard thông báo ý muốn của ông. Tuy đường lối đòi lại phần đất đã mất chỉ bằng ngoại giao ở thế yếu nhưng trong lúc đó sự quật khởi của dân chúng lại mạnh, nhứt là nông dân Nam kỳ.

Về phía giặc Pháp, binh sĩ bệnh tật, tử vong nhiều làm cho quân số giảm thiểu đáng lo ngại, vũ khí nặng không di chuyển được nữa do thiếu phương tiện và nhơn sự, chiến thuyền không thể hoạt động được vì thiếu tu bổ từ lâu, …Tài chánh của chánh quyền Paris thì kiệt quệ, ngân sách thâm thụt 972 triêu trong đó hết 120 triệu chi phí cho cuộc chiến với Mexique, 60 triệu cho cuộc viễn chinh qua Viển-Đông. Hơn nữa, Napoléon III chưa bao giờ có sẵn ý niệm rỏ ràng về chánh sách thuộc địa. Chiếm Đông dương chỉ là biến cố của thời cuộc (4). Nhưng rất tiếc Triều đình Huế, thiếu thông tin, không biết sự thật này của Pháp, lại không nghe ý của nông dân Nam kỳ đang khởi động công cuộc kháng chiến.

Đồng thời, cánh Tả, Lập pháp, giới kinh doanh không muốn Pháp mở thêm lảnh thổ ở Nam kỳ, chống chiến tranh thuộc địa, muốn ký những hiệp ước hợp lý buôn bán, giữ những quyền lợi tinh thần, phù hợp với chủ trương của Đệ II Đế chế. Những phản ứng không thuận lợi khuyến khích nhà vua chấp thuận đề nghị Hiệp ước mới.

Kỳ này Cụ Phan Thanh Giản đi điều đình kỳ Hiệp ước 1864 thay thế Hiệp ước 1862 có nhiều thuận lợi hơn kỳ trước (1862). Hiệp ước mới chấp thuận trao trả cho Triều đình Huế 3 tỉnh Miền Đông, giử lại Sài gòn, thành phố Mỹ tho, Cap, và Côn sơn. Pháp thiết lập chế độ bảo hộ 6 tỉnh Nam kỳ và 3 hải cảng, giao thương và truyền giáo tự do, chánh quyền Việt nam nộp cho Pháp 3 triệu trong 3 năm đầu, sau đó, mỗi năm 2 triệu. Một thứ triều cống bằng hiện kim (Triều đình Huế thảo luận lại).

Nhưng Hiệp ước này bị dẹp bỏ vì các sĩ quan hải quân chỉ huy đánh chiếm Việt nam, đại diện chánh quyền Pháp ở việt nam, phần tử quá khích trong chánh quyền Pháp ở Paris và nhứt là phái bộ truyền giáo phản đối quyết liệt, ngăn cản vua Napoléon III phê chuẩn Hiệp ước. Tiếng nói của Hội truyền giáo hải ngoại mạnh và cả sự kiên trì vì thiên chúa giáo là mục đích của mọi nỗ lực của chánh quyền thuộc địa và còn là phương tiện củng cố sự xâm chiếm và đô hộ. Phái bộ truyền giáo trở thành một tác nhơn chánh trị có một nhiệm vụ chánh trị rỏ ràng: “hội nhập ”, tức biến Việt nam trở thành một đế quốc thiên chúa giáo và của pháp.

Thế là Pháp phải dứt điểm 3 tỉnh còn lại ở Nam kỳ.

Phan Thanh Giản để mất thành?

Thống đốc De la Grandière mang nặng nổi ám ảnh là Nam kỳ phải là lảnh thổ hải ngoại của Pháp. Ông muốn chiếm luôn 3 tỉnh Miền Tây mà không tốn kém. Ông gởi thư (10/1866) đề nghị Triêu đình Huế đưa luôn cho Pháp phần đất này thì Pháp sẽ giảm tiền bồi hoàn chiến phí theo Hiệp ước 1862. Sau thời gian dài chờ đợi mà phía Việt nam vẫn chưa trả lời, ngày 15-06-1867, ông ký lịnh chiếm 3 tỉnh Miền Tây, viện cớ là để dẹp bạo loạn, tái lập ổn định, cam kết tôn trọng tài sản, tôn giáo, phong tục, luật lệ của dân chúng.

Sáng ngày 20-06-1867, 16 chiến thuyền chở 1800 binh lính đến trước thành Vĩnh Long mai phục. Kế hoạch cũng như lần chiếm Đà nẳng: mời Cụ Phan Thanh Giản xuống tàu thương nghị. Sau buổi họp khẩn và ngắn ngủi với các quan chức trong thành, Cụ cùng với Án sát Võ Doãn Thanh đi gặp Tướng De la Grandière trên tàu Ondine. Cụ khẳng định: “Chúng tôi chỉ có quyền giử đất chớ không có quyền giao đất”. Giao đất, phải chờ lịnh nhà vua.

Trong lúc 2 Cụ Phan Thanh Giản và Võ Doãn Thanh lên tàu Pháp thì lính Pháp tiến tới vây thành mặt trước và mặt sau. Khi 2 Cụ trở về thành thì quân pháp tiến theo 4 mặt xông vào thành và chiếm luôn thành. Lực lượng giữ thành không phản ứng vì chờ 2 Cụ trở về. Tiếp theo trường hợp Vĩnh Long, quân Pháp tiếm chiếm lấy An Giang và Hà Tiên cũng cùng chiến thuật. Quân giữ thành không kháng cự vì biết vô ích trước thế lực hùng hậu của giặc. Cụ Phan cũng ra lịnh đừng chống cự, tránh tai vạ vì Cụ hiểu sức mạnh của Pháp. Nhưng Cụ cương quyết:

“Cờ tam sắc không thể bay phất phới trên một thành lũy nơi Phan Thanh Giản còn sống”

Ngày 04/08/1867, Cụ Phan Thanh Giản kết liểu cuộc đời đầy oan trái của mình bằng chén thuốc độc, sau 17 ngày nhịn đói kiệt sức, để lại 2 bức thư: một gởi cho Triều đình Huế, bức thư kia gởi cho quan, dân các tỉnh Miền Tây Nam kỳ:

“Giờ đây người Pháp đã đến, với những phương tiện chiến tranh hùng hậu, gieo rắc nỗi khổ ải cho chúng ta. Chúng ta ở thế yếu khi chống lại họ. Quan quân của chúng ta đã là những kẻ chiến bại. Mỗi trận chiến làm gia tăng nỗi khốn khổ của chúng ta… Người Pháp có những thuyền chiến khổng lồ, chở đầy binh sĩ và trang bị những khẩu đại bác rất to. Không ai có thể kháng cự lại họ. Họ xâm nhập bất cứ nơi nào họ muốn, những tường thành vững chắc nhất cũng đổ sụp trước mắt họ… Tôi đã viết thư yêu cầu tất cả quan lại và lãnh đạo quân sự bẽ gãy giáo mác và giao lại thành trì mà không cần chiến đấu.

Tuy nhiên, nếu tôi nghe theo mệnh Trời để tránh những tai họa lớn lao giáng xuống đầu trăm họ, tôi đã phản bội lại Hoàng thượng khi giao thành trì của Người (cho giặc) mà không kháng cự gì…Tôi đáng chết. Các người, quan và dân, các người có thể sống dưới sự chỉ huy của người Pháp, họ chỉ đáng sợ trong lúc chiến đấu mà thôi, nhưng cờ của họ không được tung bay trên một chiến lũy nơi Phan Thanh Giản còn sống…” (Thư gởi quan, dân Nam ký, Paul Branda - Récits et nouvelles - Paris - 1869 - trang 171, dẫn trong La geste… của G. Taboulet, trang 519, LN trích dẩn).

Trước khi chết, Cụ Phan Thanh Giản hướng về hướng Bắc, lạy vua và gởi lại 23 đạo sắc phong, ấn tín, áo mảo cho Triều đình. Cụ ân cần dặn con cháu hảy về quê làm ruộng, đứng nhận bất kỳ chức tước gì của Tây.

Tướng De la Grandière vốn là một tên thực dân chỉ biết mục tiêu là chánh, đã phải cảm xúc mãnh liệt trước cái chết của Phan Thanh Gìản. Ông vội viết thư chia buồn với gia đình Cụ Phan:

“…" Kính mong quý gia đình gìn giữ bức thư nói lên sự quí mến và tình bạn của chúng tôi gởi đến, như một bằng chứng chánh thức của tất cả lòng thành của người Pháp đối với quý thân phụ đánh kính và gia đình" … (1câu trong bức thư chia buồn của Tướng De la Grandière gởi gia đình Cụ Phan)

“Nộp thành trì cho khỏi sự tai hại…”, đó là lý do chánh để Triều đình Huế đã xử tội Cụ và dư luận sau này không tiếc lời vin vào đó mà thống trách Cụ nặng nề vì đã để thành trì mất vào tay giặc. Cho đến năm 1886, hai Cụ được vua Đồng Khánh cho khôi phục nguyên hàm, nhưng đến gần đây, hầu như bi kịch Phan Thanh Giản vẫn còn mang tíếng thị phi.

Thật ra, lên án Cụ Phan Thanh Giản “dâng thành, hiến đất cho giặc “, chỉ có Hà nội vào những năm 1962-1963 là ồn áo nhứt mà đứng đầu là Trần Huy Liệu, cột trụ Viện sử học xhcn, cha đẻ anh hùng Lê văn Tám ! Nên nhớ lúc đó là thời điểm, Lê Duẩn, theo chiến thuật biển người của Mao Trạch đông, phát động chiến tranh vào Miền nam nên họ động viên văn học, nghệ thuật, sử học, …cho mục tiêu chánh trị, cùng đề cao sự lìều mạng, hi sanh để lùa dân làm anh hùng giải phóng. Anh hùng Nguyễn văn Trổi là sản phẩm của thứ lịch sử này. Sau 75, Hà nội còn đố kỵ, cho đập phá đền thờ, tượng, gở tên Cụ trên bảng hiệu trường học, thay tên đường do còn sau men chiến thắng.

Trong lúc đó, ở Miền nam, 100 năm ngày Cụ mất được tổ chức tưởng niệm trọng thể. Sách báo ca ngợi những đức tánh cao quí của Cụ.

Tới năm 2008, mục tiêu thay đổi, họ tranh nhau nghiên cứu, đánh giá Cụ Phan Thanh Giản và Ban Sử học phục hồi danh dự cho Cụ. Thật ra nhà cầm quyền Hà nội không có tư cách phục hồi danh dự cho Cụ Phan Thanh Giản vì họ chi là nhà cầm quyền hán ngụy, hoàn toàn không đại diện nhơn dân Việt nam. Họ làm điều này cũng vì muốn khai thác trường hợp Phan thanh Giản “nộp thành trì cho khỏi tai vạ ” để biện minh cho họ tội dâng đất, dâng biển cho Trung cộng. Nhưng có khác là họ dâng đất dâng biển để giử ghế và bỏ túi tiền.

Thật ra chắc Cụ Phan Thanh Giản cũng không quan tâm về việc bị Triều đình xử tội, dân chúng thống trách bởi tấm lóng của Cụ trước sau vẫn son sắt sáng ngời, con người Cụ vẫn đầy tiết tháo. Cụ lấy cái chết của mình mà cứu dân Nam kỳ khỏi nạn binh đao.

Cụ không bao giờ mất trong lòng người dân Nam kỳ.

Kính,

Nguyễn Văn Trần

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chỉ ba tháng sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp ngoại giao trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, người ta thấy Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới mới nhất tăng cường quan hệ với Việt Nam với chuyến thăm Hà Nội trong tuần này...
Chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã để lại nhiều hệ lụy cho nhân dân Việt Nam hơn bao giờ hết. Bằng chứng này được thể hiện trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 theo đó họ Tập thay quan điểm “cộng đồng chung vận mệnh” bằng “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho hai nước...
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
Tuy lịch sử không nói đến, nhưng nếu chịu khó lục lọi đây đó, người ta sẽ tìm ra một giai thoại khá thú vị về việc bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam được Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trong buổi lễ trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) ngày 2 tháng 9 năm 1945. Theo tường thuật của nhà báo Hồng Hà trên báo Cứu Quốc của Việt Minh, ông Nguyễn Hữu Đang là người đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ Lâm thời cùng chủ tịch Chính phủ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban Tổ chức Lễ đài, ông chính là người đứng trước micro giới thiệu: “Thưa đồng bào... Đây là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh.” Nói xong, ông lùi lại, nhường micro cho Hồ Chí Minh.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.