Hôm nay,  

Cải Cách Ngân Hàng

30/03/200500:00:00(Xem: 12841)
Hôm chủ nhật 27 vừa qua, dư luận tại Việt Nam có nêu vấn đề về thời điểm sẽ cổ phần hóa bốn ngân hàng thương mại quốc doanh. Ngành tài chánh VN sẽ đi về đâu"
Diễn đàn Kinh tế của đài RFA góp ý về vấn đề ấy, đối chiếu với trường hợp Trung Quốc, qua phần trao đổi sau đây cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa. Tiết mục chuyên đề sẽ do Việt Long thực hiện sau đây.
Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, cuối tuần qua, một số báo chí Việt Nam có nêu câu hỏi "bao giờ sẽ cổ phần hóa các ngân hàng thương mại quốc doanh"" với nhận xét trong phần giới thiệu là - chúng tôi xin trích nguyên văn: "Chủ trương cổ phần hóa bốn ngân hàng thương mại quốc doanh sẽ khó có thể thành công vì có quá nhiều rào cản phi lý. Và chừng nào bốn ngân hàng này vẫn còn thuộc quyền sở hữu và kiểm soát của Chính phủ thì tính minh bạch và tình trạng tham nhũng lãng phí trong các mối quan hệ phức tạp này vẫn khó có thể cải thiện được." Thưa ông, trên diễn đàn này, khi phân tách các mối lo xuất phát từ Trung Quốc, ông nói đến nguy cơ khủng hoảng kinh tế Hoa lục và còn dự báo một thời điểm then chốt là năm tới, khi các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc sẽ gặp sự cạnh tranh của ngân hàng nước ngoài, theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, và có thể sụp đổ vì dân rút tiền tháo chạy. Vì vậy, kỳ này xin ông trình bày vấn đề phức tạp ấy, khi Việt Nam mong sớm gia nhập tổ chức WTO, mà các ngân hàng thương mại quốc doanh lại quá yếu kém. Đề nghị ông bắt đầu với đề mục nhiều thính giả và độc giả theo dõi là rủi ro khủng hoảng tại Trung Quốc.
-- Thưa vâng, khởi sự từ Trung Quốc vì một số giới chức Hà Nội còn coi đó là khuôn vàng thước ngọc mà không thấy những nghịch lý và hiểm nguy tiềm ẩn ở dưới. Tuần báo nổi tiếng của Anh là tờ The Economist trong tuần qua cũng nói đến mấy nguy cơ này khi phân tách về sức mạnh và nhược điểm của Trung Quốc tại Đông Á. Tôi mong là giới hữu trách trong nước sẽ kịp nhìn ra chỉ vì hệ thống ngân hàng tại Việt Nam cũng có đầy nhược điểm tương tự, xuất phát từ chiến lược tương tự.
Về Trung Quốc, tôi trộm nghĩ là xứ này đang từ từ trôi vào khủng hoảng dù dư luận đây đó đã nói về kinh tế Hoa lục như một thế lực mới. Gần 20 năm trước, dư luận Mỹ đã báo động về thế lực kinh tế Nhật Bản, sau đó, Nhật Bản bị khủng hoảng và giờ này chưa hồi phục. Một trong những chỉ dấu tiên báo mối nguy ấy từ Trung Quốc là sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng, biến cố sẽ làm vài trăm triệu ngươi dân phá sản vì lỡ ký thác tiết kiệm, một ngạch số rất cao, vào các ngân hàng của nhà nước.
Hỏi: Ông cho là sự kỳ diệu hay phép lạ kinh tế Trung Quốc làm nhiều nước đang lo sợ hoặc ngợi khen thực ra sẽ tiêu tán trong tương lai trước mắt. Vì sao lại có nghịch lý ấy"
-- Trong một dịp phân tách kinh tế Việt Nam, tôi có nói đến nền kinh tế hai tốc độ của hai khu vực; trường hợp Trung Quốc không khác vì Việt Nam học theo Trung Quốc sau khi Bắc Kinh học theo sách lược kinh tế Đông Á và trùm lên đó trên hệ thống chính trị độc đoán và kinh tế bao cấp. Lãnh đạo Trung Quốc lấy các tỉnh duyên hải, khu vực xin gọi là "hướng ngoại", làm đầu máy tăng trưởng qua xuất nhập khẩu. Nhà nước bao cấp bảo đảm tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp cứ ra sức sản xuất, bất kể tới tính toán kinh doanh lời lỗ, hay những yếu kém về quản trị, tiếp thị. Nếu cứ đóng cửa làm ăn với nhau theo lối lấy công làm lãi như vậy, và đằng sau có nhà nước giăng lưới đỡ đần thì họ có thể tạo ra phép lạ nhờ sức cạnh tranh của một dân số rất đông. Nhưng, khi đã mở cửa ra ngoài và nhìn thấy tiềm năng huy động vốn bên ngoài, nôm na là vay mượn bằng ngoại tệ từ nước ngoài, Bắc Kinh bắt đầu lo sợ về rủi ro hối đoái, ở nhà gọi là ngoại hối, nên từ năm 1994 đã giàng giá đồng nhân dân tệ vào đồng Mỹ kim. Đô la Mỹ lên xuống tới đâu thì tiền trong nước theo tới đấy để khỏi bị biến động hối đoái.
Hỏi: Chế độ ngoại hối ấy bắt đầu bị các nước khác than phiền, như ông nhiều lần trình bày trên diên đàn này. Nhưng mà nền tài chánh của Trung Quốc thì lại được bao cấp, song song với biện pháp giàng giá như thế để tiền được rẻ hơn. Ông cho rằng Trung Quốc có phân tích được điểm mạnh điểm yếu của nền kinh tế như vậy hay không"
-- Trung Quốc không phải là không thấy nhược điểm của một hệ thống sản xuất được nâng đỡ như thế vì khi tiền rẻ và dễ vay là các doanh nghiệp tiêu bậy, đầu tư phi lý hay trục lợi. Từ đầu năm ngoái, Bắc Kinh có biết ra nguy cơ tăng trưởng quá nhanh vì đầu tư vung vãi nên ra lệnh tạm ngưng cấp phát tín dụng, khi giá cả nguyên vật liệu tăng vọt có thể đẩy lên nguy cơ lạm phát. Các doanh nghiệp bèn tìm cách đi vay bên ngoài, ngạch số ngoại trái tăng mạnh, hơn 18% vào năm ngoái, mà đa số lại là vay ngắn hạn. Số nợ dưới hạn kỳ một năm hiện lên tới 6% tổng sản lượng nội địa GDP. Đấy là nguy cơ khủng hoảng như Đông Á đã bị vào năm 1997. Nhưng không là nguy cơ duy nhất.
Hỏi: Tức là các ngân hàng quốc doanh cũng sẽ gặp nhiều vấn đề vì sách lược đó"
-- Thưa vâng, vì ngoài khu vực hướng ngoại và doanh nghiệp thiên về xuất nhập khẩu, ở Trung Quốc, và cả Việt Nam, còn loại cơ sở thành hình từ lối suy nghĩ duy ý chí của lãnh đạo, là các cơ quan ban phát phúc lợi họ gọi là doanh nghiệp nhà nước. Đấy là các cơ sở không "sản xuất" mà "sản nhập".
Hỏi: Thế nào là "sản nhập""
-- Thực chất là những trung tâm kinh doanh lỗ lã nhưng tồn tại vì bảo vệ việc làm cho công nhân viên và đặc lợi cho đảng viên cán bộ nhà nước.

Hỏi: Thế Việt Nam và Trung Quốc có những điểm tuơng đồng nào trong lãnh vực này"
-- Các cơ sở ấy được ngân hàng cũng của nhà nước ưu tiên tài trợ. Việt Nam có bốn "đại gia" là bốn ngân hàng thương mại quốc doanh do nhà nước làm chủ - thực chất là với tài sản quốc dân - thì Trung Quốc cũng có bốn đại gia. Bốn ngân hàng của Việt Nam làm chủ đến 70% tài sản của cả hệ thống ngân hàng và mỗi ngân hàng đang quản lý một tài sản bằng 15 đến 20% tổng sản lượng GDP. Các đại gia Trung Quốc không kém, vì kiểm soát 60% lượng tín dụng toàn quốc, mà thực chất chỉ là chi nhánh ban phát tín dụng cho doanh nghiệp nhà nước vì lý do chính sách, chính trị.
Mà các doanh nghiệp này vốn là trung tâm lỗ lã, vay thì dễ trả lại khó, nên các ngân hàng nằm trên hoặc đúng hơn chìm dưới một núi nợ khó đòi và sẽ mất có thể lên tới một phần ba của tổng sản lượng GDP, ít nhất là 500 tỷ Mỹ kim. Nếu không gia nhập tổ chức WTO, Trung Quốc có thể tiếp tục xào nấu sổ sách kế toán để triển hạn cho loại nợ thu chưa được và chẳng bao giờ thu nổi, vì là được triển hạn nên coi như chưa mất. Tuy nhiên, thời điểm 2006 của WTO đã cận kề. Cuối năm 2006, Trung Quốc phải chấp nhận cạnh tranh quốc tế trong khu vực được bảo vệ nhất là ngân hàng. Lúc ấy, các ngân hàng Hoa lục phải có sổ sách minh bạch và nhà nước phải bơm tiền bù lỗ để tăng vốn cho ngân hàng. Từ năm 1999, Bắc Kinh đã xóa gần nợ 300 tỷ cho các ngân hàng và năm ngoái bơm 45 tỷ cho hai ngân hàng quốc doanh mà như gió vào nhà trống. Việt Nam cũng gặp nạn đó.
Hỏi: Và đó có phải là lý do mà Việt Nam chưa có thể cổ phần hóa ngân hàng phải không"
-- Thưa vâng, nhưng đấy chỉ là một trong nhiều lý do thôi. Vấn đề đầu tiên là lãnh đạo Việt Nam không hiểu hay có hiểu mà cố nhập nhằng với khái niệm cổ phần hóa. Thực chất của tiến trình này là "tư nhân hóa", để tư nhân tham gia hùn vốn và điều hành các cơ sở kinh doanh đang do nhà nước quản lý. Muốn vậy, phải chấn chỉnh sổ sách lời lỗ cho minh bạch, sau đó là định giá tài sản còn lại cho chính xác, kế tiếp là thay đổi quy chế pháp lý của cơ sở - mà ta có thể gọi là cổ phần hóa - rồi quy định là toàn phần hay từng phần tài sản ấy sẽ được chuyển ra cổ phần, rao bán cho tư nhân, cho giới đầu tư nội địa hay nước ngoài. Và sau cùng, các chủ đầu tư ấy phải có thể góp phần vào việc điều hành cơ sở kinh doanh. Ngoài tiền bạc, họ còn đóng góp kiến năng về quản trị, tiếp thị và cả thông tin về thị trường thế giới. Đấy là quy tắc chung của tư nhân hóa.
Hỏi: Nhưng, dường như ông cho là Việt Nam không muốn làm như vậy" Mà lý do là vì sao"
-- Có một quy luật "kinh tế chính trị" thời phong kiến là "tậu voi chung với đức ông, vừa phải đánh cồng vừa phải hót phân". Việt Nam ngày nay vẫn đòi áp dụng quy luật ấy với giới đầu tư: cho mua cổ phần là cho góp tiền tậu voi chung với đức ông. Đấy là hàm ý của lối phát hành cổ phần gọi là “ưu đãi” của Vietcombank: góp tiền rồi thôi, đừng lý gì đến việc điều hành ngân hàng. Giới đầu tư cho là nhà nước nói đùa với họ để đẹp lòng các định chế viện trợ cho Việt Nam. Vietcombank được hứa hẹn từ năm kia là sẽ quyết liệt cổ phần hóa vào năm ngoái. Nay thì lại bị đẩy lui vào năm tới.
Vì sao lại có hiện tượng ấy" Một phần vì các ngân hàng thực tế đã phá sản về kỹ thuật khi vốn không đủ bù nợ bị mất. Phần kia vì nhiều giới chức ngân hàng nhà nước sợ mất quyền, cả quyền lực lẫn quyền lợi, nên hù dọa lãnh đạo ở trên. Sau cùng, lãnh đạo cũng thấy là mình cần mạng lưới ban phát tín dụng cho các doanh nghiệp nhà nước thì mới đi đúng "định hướng xã hội chủ nghĩa". Lý do sau này có lẽ là quan trọng nhất.
Hỏi: Ông từng tham gia nghiên cứu trong một trung tâm Hoa Kỳ về cải cách kinh tế tại Việt Nam và có viết một tác phẩm khảo luận về cải cách ngân hàng sau khi theo dõi vấn đề này từ năm 1991. Ông kết luận ra sao về những khó khăn như nhiều người trong nước đã nói ra, và ông cũng từng báo động nhiều lần từ nhiều năm nay"
-- Từ 15 năm qua, giới lãnh đạo Việt Nam có học được nhiều mà chưa thay đổi tư duy nên học cả gương xấu. Đã có lúc họ muốn học theo Nam Hàn và Nhật Bản để lập ra tổng công ty và mơ ước xây dựng mạng lưới giữa ngân hàng và các tổng công ty, dưới sự lãnh đạo tưởng là sáng suốt của nhà nước, để chủ động công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Bây giờ họ mới phân vân là việc ấy sẽ dẫn đến nạn độc quyền, là điều các nước WTO không chấp nhận. Kinh nghiệm Đông Á còn cho thấy rằng đấy là cơ hội tham nhũng vì tạo ra sự cấu kết mờ ám giữa doanh nghiệp, ngân hàng và công quyền. Nay Việt Nam đang do dự giữa những chọn lựa ấy, mà mỗi xu hướng hay trung tâm quyền lợi lại chọn một hướng. Trong khi chờ đợi thì việc cổ phần hóa hay cải cách nói chung lại bị đẩy lui, cho tới khi khủng hoảng nổi lên từ hệ thống ngân hàng Trung Quốc thì có khi lại tiếc là không dám làm sớm hơn Trung Quốc. Chung quy, vài người có chức có quyền ở trong nước vẫn sợ là "trứng khôn hơn vịt", nên ngoan ngoãn chờ xem Bắc Kinh làm gì thì mình làm theo. Năm xưa, có lẽ cũng vì sợ như vậy nên không dám ký Hiệp định thương mại với Mỹ trước Trung Quốc. Bây giờ họ có sáng suốt hơn hay không thì ta chưa biết, dù sao từ trong nước cũng đã có người nói ra. Lãnh đạo các xứ lạc hậu thường chậm hơn dân nên cố lấy thúng úp voi, khi voi lồng thì thúng rách. Khi thị trường có phản ứng phũ phàng thì khủng hoảng dễ bùng nổ ngay trên thượng tầng chính trị.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Một trong những bài hát được lính và người yêu của lính yêu chuộng nhất vào đầu thập niên 70 phải nói là bài “Kỷ Vật Cho Em”.
Trong mấy tuần qua, tình hình kinh tế Việt Nam đã có những triệu chứng đáng ngại của một cuộc khủng hoảng khi nhiều thị trường, nghề nghiệp và thành phần
Nếu thứ ba ngày 5 tháng 2 vừa qua là Super Tuesday thì thứ ba ngày 4 tháng 3 tới đây sẽ là Mega Tuesday. Bốn tiểu bang Texas, Ohio, Rhode Island và Vermont
Trên trang Blog Chứng Nhân Lịch Sử từ trong nước đã vừa đưa ra lời kêu gọi thành lập "Hồ sơ những kẻ chỉ điểm" và mong được sự góp ý và tiếp sức
Xin thưa, đây là một công trình tập thể của tất cả thành viên của Hội Khoa học & Kỹ Thuật Việt Nam (Vietnamese American Science & Technology Society – VAST)
Trong Chúa Nhật I Mùa Chay, cả ba bài Tin Mừng (Chu kỳ Năm A, B, C) đều nói đến việc Chúa Giêsu “để cho qủy (Satan) cám dỗ”
Bốn mươi năm chẳng, kể từ biến cố Tết Mậu Thân 1968, mỗi độ Xuân về lòng người dân xứ Huế
Đại lễ 69 năm Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng Đạo Phật Giáo Hòa Hảo, sẽ tổ chức lúc 10 giờ sáng thứ Bảy 21/6/2008. Tại Hội Trường City of Westminster
Cách đây không lâu, hai ký giả kỳ cựu của nhật báo lớn nhất Mỹ, The New York Times, viết một quyển sách về tiểu sử bà thượng nghị sĩ Hillary Clinton
Thư Viện Toàn Cầu (thuvientoancau.com) vừa bế mạc hai lớp Luyện Trí Nhớ khóa 255
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.