Hôm nay,  

Chính Trị Pháp Quốc - Hàn Quốc Và Hoa Kỳ

15/06/201700:01:00(Xem: 4970)

 

CHÍNH TRỊ PHÁP QUỐC - HÀN QUỐC VÀ HOA KỲ

 

 

  1. TỔNG QUÁT
  2. PHÁP QUỐC
  3. HÀN QUỐC
  4. HOA KỲ
  5. KỀT LUẬN

 

 

 

TỔNG QUÁT

 

Trong năm 2017 đã có 3 cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ, Pháp và Hàn Quốc. Kết quả của những cuộc bầu cử này có những nét đặc thù không những ảnh hưởng đến nội tình 3 nước mà còn ảnh hưởng đến thế giới và khu vực.

 

PHÁP QUỐC

 

Khoảng 47 triệu cử tri người Pháp đã tham dự cuộc bầu cử ngày 7/5/2017 để chọn ra Tổng thống mới lãnh đạo nước Pháp 5 năm tới. Đây được coi là cuộc bầu cử gay cấn nhất trong lịch sử nước Pháp từ trước tới nay và sự lựa chọn của cử tri sẽ quyết định vận mệnh nước Pháp đi theo một trong hai chủ trương phát triển trái ngược, do hai ứng cử viên, một người theo đường lối ủng hộ toàn cầu hóa và đoàn kết với Liên minh Âu châu (EU) là cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron của Phong trào Tiến lên (En Marche!- EM) và một người theo xu hướng hữu khuynh dân túy, chủ trương rời EU và dẹp bỏ đồng tiền chung châu Âu (Euro) là Cựu Chủ tịch Đảng Mặt trận Quốc gia (Front national-FN) Marine Le Pen.

 

Tranh một chức vụ - hai viễn kiến chính trị

 

 

Emmanuel Macron, 39 tuổi, tốt nghiệp trường hành chánh quốc gia E´cole nationale d´administration ENA) năm 2004, chuyên viên ngân hàng đầu tư Rothschild. Từng là một đảng viên của đảng xã hội (2006-2009) thuộc cánh hữu, Macron được Hoallande bổ nhiệm làm Bộ trưởng kinh tế vào năm 2014. Tháng 11/2016 Macron tuyên bố ra tranh cử Tổng thống Pháp dưới ngọn cờ của phong trào Tiến lên En Marche! một phong trào do ông thành lập vào tháng 4 năm 2016. Macron chủ trương hợp tác với Đức, cải tổ cơ cấu EU, khuyến khích thương mại tư do và chống các chính sách bảo hộ mậu dịch. Về mặt kinh tế, Macron sẽ hỗ trợ kỹ nghệ cải thiện khả năng cạnh tranh và sẽ sa thải 120,000 người trong guồng máy nhà nước để tiết kiệm ngân sách. Về vấn đề người ngoại quốc nhập cư. Macron hỗ trợ các chính sách mở cửa. Macron cho rằng di dân có tác động tích cực về kinh tế. Về chính sách tị nạn, ông đòi hỏi "thời gian cứu xét được rút ngắn và những ai không được công nhận tị nạn, phải bị trục xuất ngay lập tức". Cựu Bộ trưởng Kinh tế, ứng cử viên Macron được nhìn nhận là trẻ trung, năng động và được kỳ vọng là nhân vật có khả năng vực dậy nền kinh tế Pháp. Những người ủng hộ xem ông là "Kennedy của Pháp", một chính trị gia có khuynh hướng xã hội phóng khoáng thân EU (europhile).

 

Marine Le Pen 48 tuổi, hành nghề luật sư 1992-1998, nghị sĩ Nghị viện Âu châu kể từ năm 2004 sau giữ chức chủ tịch Mặt trận quốc gia (FN) kể từ năm 2011. Năm 2012, ứng cử Tổng Thống và về vị trí thứ ba trong cuộc bầu cử với 17.9% phiếu bầu, sau François Hollande và Nicolas Sarkozy. Được mô tả là có cá tính ít cực đoan vì Marine Le Pen đã cải thiện hình ảnh của đảng Mặt trận Quốc gia, thông qua việc thay thế các vị trí và xây dựng lại đội ngũ, đồng thời trục xuất các đảng viên bị cáo buộc là phân biệt chủng tộc, bài Do Thái, hay ủng hộ phát xít.

 

Emmanuel Macron đã về đầu vòng 2 của cuộc bầu cử tổng thống Pháp, ngày 7/5/2017, với tỷ lệ phiếu bầu hơn 65%. Nhiều chính khách Mỹ coi chiến thắng của Emmanuel Macron là thất bại của một đối thủ chung: đó là nước Nga của ông Vladimir Putin, nhân vật bị cả phe tả lẫn phe hữu trong Quốc Hội đều ghét, do các mưu toan can thiệp vào tiến trình bầu cử Hoa Kỳ. Trong bài trả lời phỏng vấn AP trước cuộc bầu cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chia sẻ những quan điểm của mình về ứng viên Tổng thống Pháp Marine Le Pen – người theo đuổi chủ nghĩa dân tộc khá giống với tân chủ nhân Nhà Trắng. Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định bà Marine Le Pen là ứng viên “mạnh nhất và phù hợp nhất” đối với tình hình hiện nay của nước Pháp tuy rằng ông vẫn giử khoảng cách với bà này.

 

Sự thắng cử của ông Macron đã giúp cho Tổng thống Trump và dân chúng Hoa Kỳ khá nhiều suy nghĩ. Một tin tức liên hệ là đảng Bảo thủ Anh mất đa số ghế trong Quốc hội trong một canh bạc chính trị của bà Thủ tướng Anh Theresa May trong việc kêu gọi bầu cử sớm trở nên phản tác dụng và đi chệch hướng. Bà đã phải thành lập một chính phủ với sự hậu thuẫn của đảng DUP (Democratic Unionist Party, đảng Dân chủ Liên hiệp - đảng chính trị lớn nhất tại Bắc Ailen có đường lối thân Anh, hiện đã thắng 10 ghế tại Bắc Ailen) để có thể đem lại tình trạng ổn định và đưa nước Anh đi tới vào thời điểm tối quan trọng này của đất nước.

 

HÀN QUỐC

Sau Chiến tranh Triều Tiên, kinh tế Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng, từ một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành một trong những nước giàu nhất. Kinh tế Hàn Quốc là nền kinh tế phát triển, đứng thứ tư ở châu Á và đứng thứ 11 trên thế giới theo GDP năm 2016. Cuối thế kỷ 20, Hàn Quốc là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. GDP (PPP) bình quân đầu người của đất nước đã nhảy vọt từ 100 USD vào năm 1963 lên mức kỷ lục 10,000 USD vào năm 1995 và 25,000 USD vào năm 2007. Viện nghiên cứu kinh tế Hyundai mới đây đã đưa ra số liệu cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Hàn Quốc trong năm 2015 là 27,226 USD. Mức này bằng 84% của Nhật Bản là 32,432 USD. Lịch sữ hiện đại của Hàn Quốc đầy rẩy nhiều thảm kịch. Tổng thống Park Chung-hee bị ám sát bởi chính giám đốc tình báo Hàn Quốc năm 1979 rồi đến người con gái là bà Park Geun-hye đắc cử Tổng thống Hàn Quốc năm 2012, chính thức bị phế truất vào tháng 3 năm 2017 vì tội lạm quyền. Trước đó, tổng thống Roh Moo-hyun cũng bị truất phế vì lạm quyền và tự vẫn năm 2009. Tháng 5/2017, ông Moon Jae-in trở thành Tổng thống thứ 12 của Hàn Quốc.

Quan hệ với Hoa Kỳ: Trong mối quan hệ với Hoa Kỳ, chính phủ và dân chúng Hàn Quốc cần nhìn vào đường lối thực tế của Nhật Bản trong mối quan hệ song phương. Trong khi có khoảng 28,000 quân nhân Mỹ đóng tại Nam Hàn và nước này chi khoảng 900 triệu USD mỗi năm cho việc triển khai lực lượng này thì Nhật Bản có sự hiện diện của gần 50,000 lính Mỹ và người Nhật chi hơn 2 tỷ USD mổi năm. Dân chúng Nhật tại Okinawa cũng nhiều lần biểu tình phản đối sự hiện diện quá nhiều của quân lính Mỹ trên hòn đảo này nhưng nói chung thì hai nước đặt quyền lợi chung cho khu vực lên trên tự ái dân tộc. Tổng thống tân cử Moon Jae In cho rằng đã đến lúc Seoul phải có tiếng nói độc lập trong chính sách an ninh chung liên quan đến tồn vong của quốc gia nhưng Hàn Quốc cũng phải hiểu rằng có rất nhiều ràng buộc khi dựa vào sự che chở của Hoa Kỳ.

Việc quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc nắm quyền chỉ huy tác chiến của quân đội Hàn Quốc là dựa trên Điều ước phòng thủ tương hỗ hai nước Hàn - Mỹ, được chính thức hóa sau khi Bộ tư lệnh liên quân Hàn - Mỹ được thành lập vào năm 1978. Từ năm 1950, khi Triều Tiên bất ngờ mở cuộc tấn công Hàn Quốc, quân đội Hàn Quốc bị thương vong nặng nề nên đã phải yêu cầu sự viện trợ từ quân đội Liên Hiệp Quốc. Hoa Kỳ đang xây dựng trại Humphreys, cách trung tâm thủ đô Seoul hơn 60 km về phía Nam với chi phí 11 tỷ USD. Theo Washington Post, đây là dự án quân sự lớn nhất của Mỹ kể từ khi kênh đào Panama được hoàn tất. Trại Humphreys dự kiến ​​sẽ trở thành nơi đồn trú của 44,000 binh sĩ, nhân viên dân sự và các thành viên gia đình, biến nó trở thành doanh trại lớn nhất của Mỹ ở châu Á. Hàn Quốc vừa mới cho phép triển khai thệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ trên lãnh thổ của mình để đối phó với nguy cơ tấn công từ Triều Tiên, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh.

Dù rằng bán đảo Triều Tiên bị chia đôi hay được thống nhất thì quyền lợi chiến lược của Hoa Kỳ tại bán đảo Triều Tiên vẫn không thay đổi. Một Triều Tiên thống nhất chưa chắc là ý muốn của mọi người. Mỹ chẳng muốn để mất một Bắc Triều Tiên hiếu chiến, vì sự hiện diện của chủ thể này là cơ sở cho sự hiện diện của Washington trong khu vực Đông Á. Bắc Kinh thì lo ngại một người hàng xóm thống nhất, mạnh mẻ, ngang ngạnh và thân Hoa Kỳ. Còn Nhật Bản không cần đến một nhà khổng lồ kinh tế mới - vừa là đối thủ cạnh tranh thương mại vừa có khả năng biến thành cường quốc hạt nhân. Trong tháng 3/2017, ông Trump đã khiến các chuyên gia chính sách hạt nhân được một phen sốc khi cho rằng nước Mỹ có thể giảm chi tiêu ngân sách quốc phòng bằng cách khuyến khích các quốc gia đồng minh như là Nhật Bản và Hàn Quốc tự phát triển vũ khí hạt nhân. 

Quan hệ với Bắc Triều Tiên: Sau hơn 60 năm kể từ lúc chấm dứt cuộc chiến Triều Tiên, Hàn Quốc là một quốc gia dân chủ với nền kinh tế  đứng thứ 11 trên thế  giới. GDP năm 2013 là 1,622 tỷ USD (bình quân đầu người trong năm 2015 là 27,226 USD) gấp hơn 40 lần so với GDP của Bắc Triều Tiên chỉ với 40 tỷ USD. Bắc Triều Tiên, với dân số bằng nửa Hàn Quốc, vẫn là một quốc gia cô lập, bí hiểm, toàn trị, cha truyền con nối với quân lực đứng hàng thứ năm trên thế giới và khả năng tên lửa đạn đạo trang bị đầu đạn hạt nhân. 

Dân chúng Hàn Quốc hiện nay tỏ vẻ không tha thiết với vấn đề thống nhất đất nước. Đa số người dân lo sợ rằng, kế hoạch này là gánh nặng tài chính bổ sung làm yếu đi và lùi lại sự phát triển của Hàn Quốc. Kinh nghiệm của nước Đức thống nhất cho thấy rằng, cần phải làm việc vất vả trong nhiều năm để thống nhất hai nước với 2 chủ thể chính trị và cơ chế kinh tế hoàn toàn khác nhau, cần phải đầu tư khoản tiền khổng lồ để quốc gia liên bang bắt đầu hoạt động hiệu quả. Năm 2014, chính phủ Hàn Quốc đã gởi một phái đoàn qua Đức Quốc để học tập những kinh nghiệm của Berlin về vấn đề thống nhất. Ngoài ra, theo kế hoạch của Ủy ban Chuẩn bị thống nhất liên Triều, tiến trình tái hợp hòa bình sẽ diễn ra theo 3 giai đoạn: xây dựng lòng tin, hoàn thiện và ổn định với trọng tâm bước đầu là tập trung vào kinh tế. Seoul sẽ giúp xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nhân đạo, tích cực hợp tác kinh tế với Bình Nhưỡng rồi hướng tới hợp nhất 2 nền kinh tế. Thách thức lớn nhất của tiến trình này là chi phí khổng lồ và ảnh hưởng đến nền kinh tế Hàn Quốc. Yonhap dẫn ước tính của chính phủ Hàn Quốc cho thấy nước này cần ít nhất là 500 tỉ USD để phát triển cơ sở hạ tầng và nâng tổng thu nhập quốc gia của CHDCND Triều Tiên nhằm tránh các tác động tiêu cực tức thời lên nền kinh tế miền Nam sau khi thống nhất cũng như thời gian khá lâu để hội nhập 2 nền kinh tế.

Quan hệ với Trung Quốc: Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc lại đang đứng trước nấc thang căng thẳng mới nhằm trả đũa việc hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ được triển khai tại Hàn Quốc. Trong năm 2015, Hàn Quốc xuất khẩu hơn 527 tỷ USD mà 2 thị trường chính là Trung Quốc (25.4%) và Hoa Kỳ (12.3%). Hàn Quốc phải giữ một sự cân bằng tế nhị giữa 2 cường quốc này. Vấn đề căng thẳng với Bắc Triều Tiên lại tăng thêm áp lực từ Hoa Kỳ vào Hàn Quốc.

Quan hệ với Nhật Bản: Trong hàng chục năm đã có những tranh cãi giữa Nhật Bản và Hàn Quốc (cả Bắc Triều Tiên và Nam Hàn) về nhiều vấn đề. Hàn Quốc đã từng bị cai trị bởi người Nhật. Các chính trị gia Hàn Quốc thường dùng chủ đề về hành động của Nhật Bản trong Đệ Nhị Thế Chiến để khích động tinh thần dân tộc trong khi cố gắng giải quyết những vấn đề nội bộ. Ngoài việc tranh chấp các hòn đảo không người giữa 2 nước thì vấn đề "Phụ nữ mua vui", những người phụ nữ Hàn Quốc bị ép làm việc trong nhà thổ của quân đội Đế quốc Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai đã kéo dài hàng chục năm. Tuy nhiên, hiện ở Hàn Quốc chỉ còn khoảng 46 người thuộc nhóm đối tượng này còn sống. Năm 2015, Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đạt thỏa thuận đột phá về việc giải quyết vấn đề "phụ nữ mua vui" thời chiến tranh đã ám ảnh quan hệ hai nước từ nhiều năm qua. Nhật Bản đã đồng ý trả 1 tỷ Yen (8.3 triệu USD) cho một quỹ hỗ trợ nạn nhân còn sống sót, trong khi Hàn Quốc đồng ý sẽ ngừng chỉ trích Nhật về vấn đề này ở các diễn đàn quốc tế và sẽ di dời bức tượng biểu tượng cho các nô lệ tình dục thời chiến, đặt trước cửa Đại sứ quán Nhật ở Seoul. Sau đó Thủ tướng Shinzo Abe đã gọi điện thoại cho Tổng thống Park Geun-hye để lặp lại một lời xin lỗi đã được hứa bởi Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida. Vấn đề quan trọng nhất là Hàn Quốc đừng để các tranh cải này ảnh hưởng đến thế liên minh chiến lược Hoa Kỳ-Hàn Quốc-Nhật Bản.

Quan hệ với các đại công ty & Tham nhũng: Kinh tế Hàn Quốc nằm trong tay của hơn một chục đại tập đoàn Chaebol mà một số là “đế chế gia đình”. Ít nhất bốn đại gia Hyundai, Samsung, SK và LG bị tân tổng thống Moon Jea-In buộc phải sang trang thời kỳ móc ngoặc giữa kinh doanh và chính trị, một căn bệnh trầm kha của nền kinh tế hạng tư châu Á. Theo AFP, giới phân tích cho rằng dân chúng Hàn Quốc mong muốn cải cách thành công, nên bầu ông Moon Jea-In. Tuy nhiên, một số chuyên gia như giáo sư Robert Kelly, đại học Busan, dè chừng một số cản lực. Thứ nhất, mọi biện pháp trừng phạt các Chaebol có thể tác hại lây đến công ăn việc làm và kinh tế. Thứ hai, các đại tập đoàn công nghiệp đã bắt rễ vào “hệ thống” và được đông đảo dân Hàn Quốc ngưỡng mộ. Samsung, Hyundai, Posco… không chỉ là các đại công ty, mà còn là niềm tự hào của quốc gia. Hàn Quốc có thể học hỏi về hệ thống Lobbying của các đại công ty Hoa Kỳ dù rằng ngành lập pháp cố gắng tu chỉnh những hệ lụy của hệ thống này. Tại Hoa Kỳ nghề lobby được bảo hộ và điều chỉnh bởi Đạo luật Công khai Lobby (Lobbying Disclosure Act 1995 - LDA), Bộ luật về ngân sách liên bang (Internal Revenue Code - IRC) và Đạo luật Đăng ký đại diện cho nước ngoài (Foreign Agents Registration Act - FARA). Ước tính trong năm 2009 có khoảng 13,700 lobbyist và khoảng 300 công ty lobby có đăng ký kinh doanh. Nghề lobby tại Hoa Kỳ phát triển mạnh do nước này là đối tác kinh tế-chính trị quan trọng hàng đầu của hầu hết các nước trên thế giới, và nguồn ngân sách từ Washington cũng vô cùng "béo bở" đối với các doanh nghiệp trong nước. Hệ lụy là các Lobbyist mà phần lớn các các tướng lãnh, chính trị gia về hưu lại trở thành Agent cho các chính phủ ngoại quốc. Vụ các thành viên trong nhóm tranh cử của Tổng thống Trump có liên hệ với Nga Sô là đề tài chưa biết sẽ đi về đâu .

HOA KỲ

 

Sau bài viết “3 tháng đầu vất vả của tổng thống Donald Trump” đưa lên mạng vào ngày 4/15/2017, tác giả viết tiếp bài “Kỷ nguyên Donald Trump” dự trù đưa lên mạng vào cuối năm 2017 để đánh dấu 1 năm cầm quyền của Tổng thống Trump; tuy nhiên tòa Bạch Ốc trong thời gian gần đây có  thể  như ở trong cơn bảo chính trị bắt đầu với việc sa thải giám đốc FBI James Comey ngày 9/5 được xem như là một quyết định tồi tệ bởi nó dấy lên mối quan ngại rằng chính quyền Trump đang cố gắng ngăn chặn cuộc điều tra của FBI liên quan đến Nga cũng như việc ông Trump sẵn sàng sa thải ai nếu không thích, kể cả đó là một giám đốc FBI đang ở giữa nhiệm kỳ 10 năm. Thật sự, liên hệ giữa ông Trump và  Comey khá tốt trong lúc tranh cử cho đến tháng 2/2017 khi ông Comey tuyên bố  điều tra vụ  E-Mail của bà  Clinton. Liên hệ trở nên xấu đi khi FBI tuyên bố đang điều tra liên quan đến người Nga dính vào vụ  tranh cử tại Hoa Kỳ.

Trong khi đó, dư chấn của vụ sa thải giám đốc FBI vẫn tiếp diễn. Nhà Trắng khẳng định rằng ông James Comey bị sa thải vì cách thức ông xử lý cuộc điều tra về E-Mail của bà Hillary Clinton. Tuy nhiên, truyền thông Mỹ tường thuật rằng gần đây ông Comey yêu cầu Bộ Tư pháp tăng nguồn lực cho cuộc điều tra về mối liên hệ của ông Trump với Nga. Quyết định sa thải Giám đốc FBI của ông Trump khá bất ngờ và đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt. Tại các thành phố lớn như Washington, Chicago, nhiều người đã xuống đường biểu tình đề nghị tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nghi vấn liên hệ giữa đội ngũ của ông Trump với Nga.

Trong một diễn biến bất ngờ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rod Rosenstein ngày 17/5 đã bổ nhiệm cựu Giám đốc FBI Robert Mueller làm Tư vấn Đặc biệt (Special Counsel) giám sát cuộc điều tra về ảnh hưởng của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Ông Mueller sẽ lãnh đạo cuộc điều tra, kể cả tìm hiểu xem liệu có sự thông đồng giữa Moscow và ban vận động tranh cử của ông Donald Trump hay không. Dường như việc chỉ định Tư vấn Đặc biệt làm Nhà Trắng ngạc nhiên, và ông Trump chỉ được thông báo về điều đó sau khi Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein ký lệnh bổ nhiệm. Động thái này được các chính trị gia của cả hai đảng tán thành. Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions ngày 6/6 được cho là đã xin từ chức sau khi nói với Tổng thống Trump rằng ông cần tự do để làm công việc của mình. Cả CNNNew York Times đều đưa tin Tổng thống Trump và bộ trưởng tư pháp của ông đã có những tranh luận nảy lửa dẫn tới việc ông Sessions đề nghị từ chức. Trong cuộc điều trần tại Thượng viện ngày 13/6, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions nhất mực bác bỏ bất cứ câu kết nào với Nga để làm thay đổi kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái. Ông Sessions bênh vực quyết định của Tổng thống Donald Trump sa thải giám đốc FBI James Comey, nhưng ông nhiều lần từ chối nói về bất cứ cuộc đối thoại nào có dính líu đến Tổng thống Trump. Ông Sessions nói rằng ông đồng tình với quyết định của Tổng thống Trump sa thải ông Comey để khởi sự một thay đổi mới cần thiết cho FBI. Khi bị hỏi dồn liệu cuộc điều tra Nga có phải là nguyên nhân khiến ông Comey bị cách chức, Bộ trưởng Sessions nói ông muốn chính Tổng thống Trump trả lời về chuyện đó.

Ngày 25/5, báo chí quốc tế loan tin ông Jared Kushner, con rể và là cố vấn cấp cao của Tổng thống Trump đang nằm trong tầm ngắm của FBI trong cuộc điều tra liên quan đến Nga. Các điều tra viên cho rằng ông Jared Kushner có nhiều thông tin quan trọng liên quan tới cuộc điều tra, các quan chức cho NBC News biết. Luật sư của ông Kushner nói rằng khách hàng của ông sẽ hợp tác với các cuộc truy vấn liên quan.

Ngày 8/6, ông Comey đã có cuộc điều trần hữu thệ công khai và sau đó là họp kín trước Ủy ban Tình báo Thượng viện với những điểm chính:

  • Ông Comey không muốn gặp tay đôi với ông Trump. Ông nói tổng thống gây sức ép đòi ông ngừng điều tra cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn.
  • Ông Comey nói với Quốc hội rằng Tổng thống Donald Trump đã "nói dối" khi bình phẩm về ông và FBI.
  • Ông Comey nói ông tin rằng mình bị sa thải để gây ảnh hưởng đến cuộc điều tra chiến dịch tranh cử của ông Trump.
  • Có những chi tiết không thể nói ra được trong buổi điều trần công khai.

 

Tổng thống Trump đã phản ứng ngay lập tức, bác bỏ những gì ông Comey nói, cho rằng ông “hoàn toàn được minh chứng” và nói thêm rằng “Comey là kẻ rò rỉ bí mật” và “bội thệ”. Ông cũng cho biết, sẵn sàng ra khai trước Quốc Hội liên quan đến các cuộc nói chuyện giữa ông và ông Comey, cho thấy vụ ông này điều trần trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện sẽ còn có nhiều tranh cãi nổ ra trong những ngày tới.

 

Hiện còn quá sớm để tiên đoán những gì sẽ xảy ra với ông Trump. Vụ này còn nặng nề hơn vụ  Watergate dẫn đến sự từ nhiệm của cựu Tổng thống Nixon. Vụ Watergate chỉ là tranh chấp nội bộ giữa hai đảng Dân Chủ-Cộng Hòa. Vụ tai tiếng hiện nay lại dính dáng đến một đối thủ chính của Hoa Kỳ là Nga Sô. Các đồng minh cũng như Trung Quốc, Nga Sô đang nhìn vào nội tình của Hoa Kỳ để quyết định chính sách của mình. Càng ngày càng lộ ra những dữ kiện không có lợi cho Tổng thống Trump. Dù những tình tiết điều trần của cựu giám đốc FBI chưa thể đẩy đi xa hơn vụ tổng thống Trump bị nghi ngờ cản trở tư pháp, nhưng cùng với các điều tra đang tiến hành về mối liên hệ và sự can dự của Nga vào bầu cử Mỹ, đó sẽ là một gánh nặng chính trị đeo đẳng chủ nhân Nhà Trắng trong thời gian tới. Ngày 12/6, Tổng thống Donald Trump mời các thành viên nội các cao cấp kể cả Phó TT Mike Pence đến họp tại Tòa Bạch Ốc, để được nghe họ chúc tụng. Trước ống kính truyền hình, từng người một, buộc phải tỏ ra vui vẻ. Theo báo mạng HuffPost, trong buổi họp, ông Trump khoe nghị trình của ông đạt được “bước tiến kỷ lục” và “chưa từng có tổng thống nào” đạt được thành tựu nhiều hơn trong nhiệm kỳ. Sau đó, ông mời từng người đưa ra nhận xét cá nhân. Việc làm kỳ cục này không khác gì ở Bắc Hàn, nơi mỗi cán bộ nhà nước tìm cách ca ngợi sếp hay ho hơn người khác.

 

KỀT LUẬN

 

Nói tóm lại, hiện còn quá sớm để nói về đường đi của Pháp Quốc. Với việc rút lui khỏi Liên Âu của Anh Quốc và lủng củng giữa Hoa Kỳ với NATO và Đức Quốc trong khi Nga Sô đang nỗ lực bành trướng ảnh hưởng quân sự của mình. Pháp có thể đóng vai trò rất quan trọng để hóa giải những khó khăn này.

 

Tình hình bán đảo Triều Tiên rất khó tiên liệu. Những hành động hung hăng của Bắc Triều Tiên chỉ là hỏa mù. Những chuyện gì sẽ xảy ra tùy thuộc vào thế cân bằng giữa Hàn Quốc-Bắc Triều Tiên và các cường quốc Hoa Kỳ-Trung Quốc-Nhật Bản và có thể cả Nga Sô.

 

Tại Hoa Kỳ, mong rằng giới lập pháp và các thành phần siêu quyền lực Hoa Kỳ sẽ giải quyết vụ này càng sớm càng tốt để chính quyền Trump hay một chính quyền chuyển tiếp nào đó có thể tập trung nỗ lực vào những vấn đề ưu tiên của quốc gia.

 

 

THAM KHẢO

 

  1. Bài viết “Mỹ xây căn cứ quân sự lớn nhất châu Á tại Hàn Quốc” trên mạng Đời sống Pháp luật ngày 22/10/2013.
  2. Bài viết “Pháp "tiến lên" với tân Tổng Thống Emmanuel Macron” trên mạng Dân Làm Báo ngày 22/10/2017.
  3. Bài viết “Mỹ : Cả tả lẫn hữu hoan nghênh Macron đắc cử tổng thống Pháp” trên mạng RFI ngày 9/5/2017.
  4. Bài viết “Tổng thống tân cử Pháp Macron muốn có một Châu Âu năng động hơn” trên mạng RFI ngày 9/5/2017.
  5. Bài viết “Moon Jae In, vận hội mới trong quan hệ liên Triều ?” trên mạng RFI ngày 10/5/2017.
  6. Bài viết “Vụ Donald Trump : Nước Mỹ cần ‘người giữ trẻ’” trên mạng RFI ngày 17/5/2017.
  7. Bài viết “Cái giá khủng khiếp của hành động quân sự chống Triều Tiên” trên mạng Kiến Thức ngày 27/3/2017.
  8. Bài viết “Hàn Quốc, Đức lập chiến lược thống nhất liên Triều” trên mạng Thanh Niên ngày 28/10/2014.
  9. Bài viết “Thông tin Bắc Triều Tiên” trên mạng An Ninh Thủ Đô ngày 17/4/2014.

 

 

File: ITN-061517-HK-Chính trị Pháp Quốc-Hàn Quốc và Hoa Kỳ .doc

 

 

Nguyễn Mạnh Trí

E-Mail: prototri2012@yahoo.com

Tu chỉnh: 15 tháng 6 năm 2017

 

 

 

 



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Vâng, thật vậy, bạn hãy cùng tôi tham dự lễ An Vị Quán Thế Âm Bồ Tát nơi Lễ đài lộ thiên vào ngày 14 tháng 10 năm 2007
Ngày 10 tháng 10 năm 2007, chính quyền Bắc Kinh công bố cho biết vào cuối năm nay sẽ cho mở các tour du lịch ở quần đảo Tây Sa.
Mạng Lưới Tuổi Trẻ VN Lên Đường (MLTTVNLĐ) sẽ tổ chức Đại Hội Thanh Niên Sinh Viên Việt Nam Thế Giới kỳ 5 tại Kuala Lumpur
Chỉ hai tiếng đồng hồ trước khi đứng cùng lãnh đạo Quốc hội Hoa Kỳ để chào đón đức Đạt Lai Lạt Ma trong sảnh đường Rotunda của tòa nhà Quốc hội
Dân tộc Việt Nam rất anh hùng rất đáng kính trọng. Sau một thời gian khó khăn, khi mức sống của nhiều người được cải thiện
Những cuộc biểu tình kéo hàng vạn, hàng triệu người xuống đường, gây nghẽn tắc giao thông, ngừng trệ các sinh hoạt xã hội, những chính phủ sụp đổ
Tôi đọc những dòng thơ tù của Hòa thượng Thích Quảng Độ thấy xót xa cho quê hương ngày hôm nay, vào thế kỷ 21 này trong khi nhiều quốc gia trên thế giới
Ngày xưa, có một cậu bé nóng tính. Bố cậu đưa cho cậu một túi đinh và dặn rằng: Cứ mỗi lần mất bình tỉnh, mất kiên nhẫn, hoặc cãi nhau với ai
Có phải Trung Quốc sắp ra nghị quyết quan trọng về Đài Loan và Trường Sa" Sau đây là Đài RFA phỏng vấn nhà bình luận Trần Bình Nam
Để nuôi dưỡng tình thân thương giữa chị em, cũng như để có cơ  hội ôn lại những kỷ niệm êm đẹp trong thời gian phục vụ trong QLVNCH
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.