Hôm nay,  

Điều Trần FBI: Bạch Hóa TT Trump?

13/06/201700:00:00(Xem: 11347)

...điều trần của GĐ Comey đã bạch hoá gần hết “tội trạng” do phe DC và TTDC chụp lên đầu TT Trump...

Cuộc điều trần của cựu giám đốc FBI, James Comey, được tung hô, quảng bá, khua chiêng trống còn hơn là đám xiệc Barnum ghé thủ đô Mỹ.

Thật ra, cuộc điều trần này cực kỳ quan trọng chứ không phải không. Với cái tính tò mò thiên phú của tất cả mọi người, cả nước hồi hộp muốn biết ông Comey sẽ phanh phui chuyện gì, có tin giựt gân nào, hại hay cứu TT Trump, tới mức nào? Và dĩ nhiên là ai cũng muốn biết cuối cùng thì ai u đầu, ai rung đùi?

Cuộc điều trần đã không mang lại đáp số cho tất cả các câu hỏi, nhưng đã mang ra ánh sáng nhiều chuyện quan trọng. Ta xét lại cho rõ.

Kẻ viết này xin cảnh báo ngay: bài này không giống mấy bài quý vị đọc trên TTDC đâu! Quý độc giả tự nhận định.

CẤU KẾT VỚI NGA

“Cuộc điều trần của giám đốc FBI đã phá tan câu chuyện Trump cấu kết với Nga để hạ bà Hillary”. Đây không phải là kết luận của kẻ viết gà mờ này đâu, mà là nhận định của anh nhà báo cấp tiến cực đoan nhất, Chris Matthews của đài MSNBC. Anh này là người duy nhất trong TTDC đủ can đảm và lương thiện viết huỵch tẹt sự thật này. Các báo và đài TV khác đánh trống lảng qua chuyện khác.

GĐ Comey xác nhận qua tất cả các điều tra của ông, đã không thấy bất cứ bằng chứng nào ông Trump đã có ý đồ thông đồng cấu kết bất chính gì với Nga. Trái lại TT Trump còn khuyến khích ông Comey xem cho kỹ có nhân viên nào của ông dính líu gì với Nga hay không.

Dĩ nhiên còn phải chờ kết quả điều tra của công tố đặc biệt Mueller, nhưng ta đừng quên trước khi ông Comey điều trần đã gặp riêng ông Mueller rồi, chắc chắn ông đã không nói vậy nếu ông Mueller đang nghi ngờ TT Trump. Cùng lắm thì một vài anh phụ tá có thể bị dính dáng, mất job, chứ TT Trump thì coi như xong rồi. Ông Comey xác nhận tướng Flynn có nói chuyện với đại sứ Nga, nhưng ông nói tướng Flynn chỉ có một vai trò rất nhỏ không đáng quan tâm trong cuộc điều tra về sự can dự của Nga.

Đây là tin buồn lớn cho bà Hillary. Cái lý cớ chính biện giải việc bà thất cử đã xụp đổ.

Thôi thì ta chuyển hướng, quay qua kiếm tội khác để đánh tiếp: tội cản trở công lý.

CẢN TRỞ CÔNG LÝ

Theo TTDC thì TT Trump chẳng những a) là nghi phạm đang bị FBI điều tra xem có cấu kết với Putin không, mà lại b) bị nghi ngờ cố tình ép GĐ Comey ngưng điều tra tướng Flynn sau khi ông này bị cách chức vì nói chuyện với đại sứ Nga. Trước nguy cơ bị đàn hặc, TT Trump sa thải ông Comey để tránh khỏi bị điều tra nữa, tức là đã cố tình cản trở công lý.

Ta coi lại yếu tố đầu tiên: TT Trump đang bị FBI điều tra nên sa thải ông Comey, rõ ràng là cản trở công lý.

Yếu tố này bị ông Comey gạt ra ngay. Ông này xác nhận đã ba lần tự ý thông báo cho chính TT Trump là ông không hề bị điều tra gì hết. Theo các luật gia, đây là điểm mấu chốt quan trọng nhất trong việc kết tội TT Trump cản trở công lý. Trên căn bản, nếu TT Trump đang bị điều tra mà ông sa thải ông Comey thì ông Trump có quyền xách va-li về Nữu Ước làm nghề bán nhà và tổ chức thi hoa hậu lại.

Yếu tố thứ nhì trong tội cản trở công lý là việc trong một cuộc nói chuyện riêng giữa hai người, TT Trump đòi hỏi ông Comey phải “trung thành”, và “hy vọng” FBI sẽ không điều tra tướng Flynn, rồi sau khi ông Comey không thoả mãn TT Trump thì bị sa thải để ngưng cuộc điều tra, lại cản trở công lý. Điểm này đang được TTDC khai thác triệt để.

GĐ Comey ghi lại là TT Trump yêu cầu ông phải “trung thành”, nhưng ông trả lời ông sẽ “lương thiện”, TT Trump nói lại “đúng vậy, tôi muốn trung thành trong lương thiện (“Exactly, I want honest loyalty”), và ông Comey đáp “tôi sẽ như vậy”.

Trung thành với ai? Một cố vấn của TT Trump đã nói ngay ý của TT Trump là trung thành với tổ quốc, với hiến pháp, chứ không phải trung thành với cá nhân TT Trump. Khi ông Comey nói ông “sẽ như vậy” thì ý ông muốn nói ông sẽ trung thành với TT Trump hay trung thành với nước Mỹ? Nếu câu chuyện này có thật, thì cũng chẳng khác gì hai anh điếc nói chuyện với nhau, mỗi người nói theo ý của mình vì cả hai đều có ý khác trong đầu.

Mà cho dù TT Trump đòi hỏi trung thành với cá nhân ông thì cũng chẳng là một tội có thể truy tố. Hay TT Trump sa thải ông Comey vì ông này không chịu thề độc trung thành với tổng thống thì cũng vẫn chẳng phải là tội phải đàn hặc.

GĐ Comey cũng ghi lại TT Trump “hy vọng” ông sẽ buông tha cho tướng Flynn, ông Comey coi đó như một mệnh lệnh nhưng ông cãi lệnh, vẫn tiếp tục điều tra, mập mờ ám chỉ đó là lý do ông bị bãi chức.

Ông Marc Kasowitz, luật sư của TT Trump phủ nhận cả hai điểm, cho biết TT Trump không đòi hỏi trung thành cũng không xin tha cho tướng Flynn. Như vậy vấn đề là hai người nói hai điều trái ngược, không có bằng chứng hay nhân chứng. Trong trường hợp này, chẳng có căn bản pháp lý gì để truy tố hay đàn hặc TT Trump. Hiến Pháp không cho phép cất chức tổng thống quá dễ dàng như vậy, dựa trên lời nói của đúng một người, cho dù người đó là giám đốc FBI.

GĐ Comey cho biết ông nghĩ TT Trump có ý muốn áp lực ông ngưng cuộc điều tra tướng Flynn. Theo luật Mỹ, thì trong trường hợp này, ông phải báo cáo ngay lên cấp trên là bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions, nhưng ông đã không làm. Ông giải thích ông không làm vì biết ông bộ trưởng sắp sửa tự tách mình ra khỏi cuộc điều tra để tránh xung khắc quyền lợi khi chính ông bộ trưởng có thể cũng sẽ bị điều tra vì đã gặp đại sứ Nga. Ngụy biện. Cho dù ông bộ trưởng tự tách mình ra thì cũng còn ông thứ trưởng, sao không báo cáo cho ông này? Đã vậy, sao mấy ngày sau lại ra trước quốc hội, dơ tay thề ông không hề bị áp lực nào từ TT Trump? Không ai có thể ra điều trần hữu thệ hai lần nói hai chuyện trái ngược nhau. Trong hai lần, phải có một lần khai man. Đây là lý do TT Trump tố ông Comey nói láo.

Thật ra, cho dù TT Trump có áp lực thật với ông Comey thì cũng chẳng sao. Giáo sư Hiến Pháp cấp tiến Alan Dershowitz của Harvard đã giải thích nhiều lần. Tổng thống, theo Hiến Pháp, có quyền ra lệnh cho FBI điều tra hay ngưng điều tra bất cứ chuyện gì, bất cứ ai, và nếu FBI không nghe lệnh, có thể bị sa thải ngay, hoàn toàn hợp pháp và hợp hiến.

Thẩm phán Robert Ray, cựu công tố kế nhiệm ông Kenneth Starr điều tra xì-căng-đan Whitewater của TT Clinton (lòi ra vụ Monica đưa đến đàn hặc TT Clinton) cho biết ông không thấy lý cớ gì để truy tố hay đàn hặc TT Trump trong cuộc đối thoại Trump-Comey hay trong việc bãi chức ông Comey. Giáo sư Jonathan Turley, là người từng được Thượng Viện tham khảo ý kiến trong vụ đàn hặc TT Clinton, cũng đồng ý với ông Ray.

Ngay trong cuộc điều trần, GĐ Comey cũng xác nhận tổng thống có toàn quyền sa thải ông mà không cần lý do vì đó là quyền hiến định của tổng thống.

Sự thật, TT Trump đã thoát nạn hoàn toàn hay không thì dĩ nhiên kẻ này mù tịt. Chỉ biết cơ sở để truy tố rất lỏng lẻo. Dù sao, sa thải ông Comey cũng là một sai lầm chính trị khổng lồ.

Lập luận nói TT Trump sa thải ông Comey để chấm dứt cuộc điều tra là ngớ ngẩn nhất. Ai cũng hiểu là sau khi GĐ Comey bị sa thải thì áp lực chính trị sẽ tăng gấp bội, khiến FBI phải tăng cường điều tra chứ không phải giảm đi hay bỏ luôn. Bằng chứng rõ rệt nhất, sau khi GĐ Comey bị sa thải thì bộ Tư Pháp bổ nhiệm một công tố đặc biệt điều tra tiếp tục.

Không cần biết, ta cứ mang chuyện cản trở công lý ra hò hét áp đảo mọi lý luận. Vì đây là lý cớ cuối cùng còn lại để đòi đàn hặc TT Trump. Cho dù ông không bị đàn hặc thì cũng bị tra tấn, hành hạ, mất uy tín, gặp khó khăn, không làm được chuyện gì.

Đàn hặc thật ra là trò hỏa mù phá đám giả dối nhất. Ai cũng biết với CH kiểm soát lưỡng viện, hy vọng lột chức TT Trump là zero. Hơn nữa, TT Trump mất chức thì PTT Pence sẽ lên thay. Sau khi TT Trump mất chức, một tsunami chính trị, dân Mỹ sẽ nghĩ là quá đủ rồi, sẽ chấp nhận cho ông Pence hiền lành này một cơ hội, TTDC khó có thể đánh ông như đang đánh Trump. Ông này bảo thủ thực sự, hơn TT Trump xa, sẽ phá sạch gia tài của TT Obama. Ông Pence lên tổng thống sẽ có thể ra tranh cử tổng thống hai lần nữa, nếu thắng, sẽ làm tổng thống tới cuối 2028, DC chịu nổi không? Trong khi để ông Trump làm tổng thống, có hy vọng hạ ông lấy lại Tòa Bạch Ốc năm 2020. Bài toán chính trị sơ đẳng.

Sự thật là trong thâm tâm, không có ông bà DC nào muốn đàn hặc thật hết.

NHỮNG CHUYỆN BÊN LỀ

Cuộc điều trần cũng để lộ ra nhiều chuyện bên lề khá bất ngờ và… lý thú.

TTDC viết phớt qua chuyện TT Trump được bạch hóa, mà chạy tít khổng lồ “Comey tố Trump nói láo” làm như thể đây là tội ghê gớm mới của TT Trump.

Ông Comey hai ba lần tố TT Trump “nói láo” để bôi bác ông và FBI khi tổng thống nói FBI đang bị xào xáo và ông Comey bị sa thải vì không có khả năng lãnh đạo FBI.

Có điều kẻ này không hiểu. Một tổng giám đốc nói công ty xào xáo, giám đốc không có khả năng lãnh đạo, sa thải giám đốc. Đó là quyền phán xét của ông tổng, có thể đúng có thể sai, nhưng sao lại là “nói láo”? Chẳng qua, ông Comey cũng tầm thường như 99,9% những nhân viên bị đuổi việc, luôn luôn ra tố ông xếp nói láo và phân bua mình bị sa thải oan. Ông Comey cao một thước chín, nhưng tư cách chưa tới một thước.

Trái bom làm nổ tung cuộc điều trần là GĐ Comey nhìn nhận ông là người đã xì các cuộc nói chuyện với TT Trump cho một giáo sư đại học Columbia để ông này xì ra cho New York Times, vì ông muốn tạo áp lực phải bổ nhiệm công tố đặc biệt.

Chuyện ông Comey là người xì ra những điều ghi chép cho riêng ông chẳng có gì lạ. Cột báo này đã viết rõ từ mấy tuần trước rồi. Nhật ký của riêng ông, ông không xì ra thì ai xì được?

Một ông xếp cảnh sát có trách nhiệm đi truy lùng những người xì tin lại là người đầu tiên xì tin khi ông bực tức. Thế thì còn ai đi bắt mấy tay xì tin? Ông Comey có còn xì tin nào khác không? Tại sao không đường đường chính chính họp báo công bố những ghi chép đó mà lại lén lút ném đá dấu tay để đến khi ai cũng đoán biết thì mới đành thú tội? Lương tri của ông đâu? Đã bị ý muốn trả thù cá nhân che khuất?

Ông Comey thú nhận ông đã lấy quyết định xì tin vào nửa đêm, sau khi ông trằn trọc bực tức ngủ không được. Một hành động giận quá mất khôn, lấy trong lúc ngái ngủ, tạo ra nhiều câu hỏi.

Câu hỏi thứ nhất là như vậy ông Comey có phạm luật gì không? TTDC mau mắn bênh, cho rằng đây là tài liệu cá nhân của riêng ông, ông xì ra là chuyện của ông, chẳng có gì phạm pháp hết. Nhưng vấn đề không giản dị như vậy. Trước hết, ông ghi chép với tư cách giám đốc FBI, trên máy điện toán chính thức của FBI cung cấp cho công vụ, theo mẫu báo cáo công tác “302” của nhân viên FBI, do đó tất cả những gì ghi trong đó đều có thể bị coi là tài liệu FBI, không còn là tài liệu cá nhân nữa. Hơn nữa, những điều ghi lại là những trao đổi với tổng thống, đã được phe DC nêu ra như lý do để đàn hặc tổng thống, sao gọi là chuyện riêng tư của ông Comey được? Ở đây, cho dù là tin ông xì ra không bị xếp loại “mật” thì ông Comey cũng vẫn có thể đã phạm tội. Tin giờ chót, luật sư của TT Trump đã cho biết đang làm thủ tục khiếu nại với bộ Tư Pháp để luật sư của bộ nghiên cứu.

Câu hỏi thứ hai là như vậy, bổ nhiệm công tố đặc biệt là rơi vào cạm bẫy đòn thù của ông Comey, thế thì vị công tố đặc biệt này có còn chính danh và đủ công tâm không? Nhất là khi ông công tố được bổ nhiệm lại từng là đồng minh của ông Comey khi hai người cùng đứng ra chống TT Bush con trước đây.

Cái chuyện vui vui tiếp theo là GĐ Comey đã phạng TTDC mấy gậy vào đầu.

Trong thời gian qua, cái “chính quyền ngầm” đã xì ra cả triệu tin, thật giả, đúng phịa, loạn xà bần, chẳng ai biết đâu là đâu. Nhưng theo TTDC thì tất cả những tin cho lên mặt báo hay đài TV đều chính xác “một chăm phần chăm”.

“Coi dậy mà hổng phải dzậy”. Sau cuộc điều trần thì hai đài CNN và ABC đã bị bắt buộc phải lên tiếng “rút lại” vài tin phịa giựt gân mà họ đã phổ biến. Chuyện tiếu lâm. Tin đăng rồi, thiên hạ đọc vào đầu, chửi Trump rồi, làm sao “rút lại” được?

CNN trước đó cho biết theo tin “mật báo” của họ, GĐ Comey trong cuộc điều trần sẽ công khai phủ nhận lời nói của TT Trump là GĐ Comey đã ba lần xác nhận ông không bị FBI điều tra. CNN cho biết ông Comey sẽ vạch mặt nói láo của TT Trump trước quốc hội. Ra điều trần, GĐ Comey đã khẳng định chính ông đã ba lần cho TT Trump biết là ông không hề bị FBI điều tra gì hết. Bắt quả tang CNN phổ biến tin phịa.

ABC cũng kẹt tương tự. Trước đó, họ loan tin giựt gân, GĐ Comey sẽ công khai tố TT Trump cản trở công lý. Trong cuộc điều trần, GĐ Comey nói rõ ông “không ở trong tư thế để nói TT Trump có cản trở công lý hay không”. Lại một tin phịa của TTDC.

Nhưng đau nhất là New York Times. Báo phe ta này trước đây loan tin họ được “tin mật” ban vận động của TT Trump đã có móc nối, liên hệ trực tiếp với Nga nhiều lần, đúng lúc emails của Ban Vận Động Tranh Cử của bà Hillary bị xì ra, ý muốn ám chỉ phe Trump đã cấu kết với Nga ăn cắp emails rồi xì ra để hại bà Hillary. GĐ Comey nói tin của NYT là tin phịa vì FBI đã không thấy có manh mối gì về những cấu kết đó. Ông lập đi lập lại nhiều lần “it is not true” khi bị các nghị sĩ vặn hỏi. Ông nói mấy nhà báo đứng ngoài, không biết chuyện, chỉ nghe phong phanh tin do vài người xì ra rồi vội bung ra mà không kiểm chứng, chúng tôi trong FBI, biết rõ câu chuyện, tin của NYT hoàn toàn sai.

Một chuyện bên lề khá vui khác là ông Comey đã lại khều chân bà Hillary một lần nữa, cho biết ông quyết định điều tra bà kỹ hơn sau khi ông chồng bà nói chuyện riêng với bà bộ trưởng Tư Pháp trên máy bay riêng của bà, gây ra không biết bao nhiêu lời đồn về việc hai người có thể thông đồng với nhau để bộ Tư Pháp và FBI bạch hoá bà Hillary. Tạo áp lực ông Comey phải bảo vệ uy tín của FBI, kiếm cớ mở lại cuộc điều tra một chục ngày trước bầu cử. Bây giờ thì đã rõ tại sao ông Comey khi đó mở lại cuộc điều tra, là điều mà bà Hillary đổ thừa là lý do chính khiến bà thất cử. Tin hành lang không kiểm chứng: sau cuộc điều trần, ông Clinton đã lại bị bà Hillary ném nguyên cây đèn vào đầu như khi bà nghe tin vụ Monica.

Quan trọng hơn nhiều, ông Comey khai bà bộ trưởng Lynch đã chỉ thị ông phải xếp loại cuộc điều tra về email của bà Hillary như là một vấn đề (“matter”), không phải là điều tra hình sự (“criminal investigation”). Có nghiã là như vậy FBI bị giới hạn nhiều trong việc hỏi cung, tìm tài liệu. Nói cách khác, chính quyền Obama rõ ràng tìm cách bao che bà Hillary, ngăn cản cuộc điều tra của FBI. Như vậy có phải là cản trở công lý không nhỉ? Chỉ biết ông Comey tuân hành, không phản đối, cũng không ghi chép gì vào hồi ký cá nhân. Các dân biểu CH đang nghiên cứu lại vấn đề.

KẾT

Có thể nói trên phương diện pháp lý, cuộc điều trần của GĐ Comey đã bạch hoá gần hết “tội trạng” do phe DC và TTDC chụp lên đầu TT Trump. Tội thông đồng với Nga biến mất. TT Trump cũng chưa hề bị điều tra vì bất cứ chuyện gì. Tội nói láo chỉ liên quan đến nhận xét về khả năng của ông Comey. Phe ta chuyển hướng qua tội cản trở công lý, nhưng lại dựa trên căn bản pháp lý yếu ớt, không đủ để truy tố hay đàn hặc TT Trump.

Tuy nhiên, trên phương diện chính trị, câu chuyện gây hại nhiều cho TT Trump, phơi bày ra ánh sáng con người của TT Trump. Một người bốc đồng, làm việc và nói năng cẩu thả, phần thiếu tế nhị, phần vô trách nhiệm. Quản lý đất nước trong hỗn loạn và tai tiếng. Cũng không có kinh nghiệm chính trị trong cái đầm lầy mánh mung Hoa Thịnh Đốn, làm việc đầy sơ hở để bị khai thác, bị đánh tơi bời, khiến suốt ngày chỉ biết chống đòn, không còn làm việc gì khác được.

Thôi đành hy vọng những khó khăn đó chỉ là những bước đầu tập đi, rồi sẽ học được nhiều bài học, chấn chỉnh lại. Tổng thống nào thì cũng phải tập sự, khác biệt ở chỗ người thì suy nghĩ chậm chạp, quá rụt rè, người thì quá năng động, chạy quá nhanh dễ vấp ngã.

Một điểm nữa không thể quên. Chưa có tổng thống nào bị bôi bác, đặt điều đánh phá như TT Trump. Hầu như cả guồng máy chính quyền bị tê liệt, với tất cả mọi nỗ lực dồn vào việc chống đỡ những tố giác của TTDC, các điều trần không ngừng của quốc hội. Cả quốc hội cũng chỉ lo điều tra, điều trần, chẳng làm gì khác. Cả trăm công chức cao cấp chưa được bổ nhiệm hay phê chuẩn. Chỉ khiến mấy quan chức do TT Obama bổ nhiệm còn sót lại có dịp tiếp tục đánh phá, kể cả mấy ông xử lý các tòa đại sứ cũng không bỏ qua cơ hội nói ngược lại tổng thống. Việc chính quyền không làm được chuyện gì, bảo đảm sẽ bị phe DC khai thác tối đa trong mùa bầu cử năm tới, chứng minh cho thiên hạ ông Trump này chỉ giỏi hứa cuội chứ chẳng làm nên trò trống gì.

Dù sao, cuộc điều trần cũng cho thấy những tội tầy trời TT Trump bị gán như cấu kết với Nga, nói láo, cản trở công lý cuối cùng cũng chỉ là “fake news” của TTDC! Sự thật, cái tội lớn nhất của Trump là đã … dám đắc cử tổng thống. (11-06-17)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng mỗi Thứ Ba trên Việt Báo.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn với tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Câu chuyện kể từ xa xưa, rất xa xưa, là từ thời đức Phật còn tại thế: Có một người Bà La Môn rất giầu có và rất quyền thế, ông thích đi săn bắn thú vật trong rừng hay chim muông trên trời. Một hôm đó, ông bắn được một con thiên nga to đẹp đang bay vi vút trong bầu trời cao xanh bát ngát thăm thẳm trên kia. Con thiên nga vô cùng đẹp bị trúng đạn, rơi xuống đất, đau đớn giẫy và chết. Ông liền chạy tới lượm thành quả của ông và xách xác con thiên nga lộng lẫy về cho gia nhân làm thịt, làm một bữa nhậu, có lẽ.
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.