Hôm nay,  

Tuồng Phụng Kiều Lý Đán: Giới thiệu cảnh Ba

02/06/201716:50:00(Xem: 5360)
Tuồng Phụng Kiều Lý Đán
Giới thiệu cảnh Ba
 
Nguyễn Văn Sâm

  

Tuồng Phụng Kiều - Lý Đán 鳯嬌李旦 in ra lưu thế đã được 115 năm rồi. Thời gian được viết ra phải là trước nữa. Hơn một thế kỷ, bao nhiêu biến thiên của cuộc đời, bao nhiêu thay đổi trong văn chương, bao nhiêu là quan cảm mới trong sự thưởng ngoạn. Nhân vật hoàng tử đã đi ra ngoài câu chuyện, thế vào là một người bình thường nào đó lắm khi còn không cần cả một cái tên. Vị quan to, ông vua già, cái ngai vàng mục nát cũng đã đi ra khỏi bối cảnh của những gì nhà văn viết ra cả hơn nửa thế kỷ nay rồi. Sự tranh chấp về quyền lực dưới danh nghĩa chánh thống và tiếm quyền của hai dòng họ, cũng là những điều gì xa lạ với quần chúng – ngoài các tuồng cải lương hay những bộ phim tràng giang đại hải du nhập từ phương Bắc. Càng xa lạ hơn nữa là cách nói nửa Hán nửa Việt trong tuồng. Càng gây ngạc nhiên là nhân vật nói về mình, than vãn hay diễn tả một điều về cảm xúc, về nội tâm lại được nói ra bằng những câu thuần Hán. Tác giả tuồng không viết về hành động, không mô tả cử chỉ của bất cứ nhân vật nào mà gói ghém hành động và cử chỉ bằng lời nói của chính nhơn vật đó hay một nhân vật khác. Tuồng là như vậy. Đó là sản phẩm của thời đại nó ra đời, thời đại đó tuồng đã làm vui thính chúng và khán giả lúc đó. Tuồng nói chung đã cung cấp cho họ khoái cảm thưởng ngoạn nghệ thuật để làm tròn vai trò văn hóa của mình. Ta lạ lẫm với tuồng vì thời gian xa cách giữa ta và tuồng quá lớn, và vì như đã nói, tuồng đã xong vai trò và bây giờ nó đang tan biến dầu bất cứ sự cố gắng vực dậy nào. Cũng vậy, những điều nhà văn viết hôm nay thế kỷ sau người đọc sẽ thấy có rất nhiều điều xa lạ. Tuy nhiên lẫn trong những lạ lẫm đó có một cái không đổi là tâm hồn của con người hay là tâm hồn chung của nhân loại mà thời nào cũng có. Đọc tác phẩm của văn hào Geoffrey Chaucer, Câu Chuyện Khi Đi Đến Thành Canterbury, Canterbury Tales, viết cách nay hơn sáu trăm năm ở nước Anh xa xôi ta vẫn thấy hình ảnh con người với những ham muốn, lừa đảo, ngoại tình, thái độ của vợ đối với chồng, không khác với bất kỳ xã hội nào hiện giờ. Cũng vậy, tuồng có biết bao nhiêu là điều giống ta hôm nay. Đừng chú ý đến hình ảnh hay danh xưng ông vua, vị hoàng tử, cô công chúa, bà hoàng hậu, bà thứ phi, nàng quận chúa, ông thừa tướng, ngài quan văn, bậc quan võ, viên thái giám, nàng cung nữ… mà cứ coi đó là những người bình thường như chúng ta trong xã hội nầy ta sẽ thấy được cái tâm lý hằng cữu của con người qua họ. Những ham muốn, đố kỵ, tính toán, tranh danh đoạt lợi, ghét ghen, thương cảm, yêu đương, tình bạn hữu, tình cha con, nghĩa vợ chồng… không thiếu gì hết.

  blank

CẢNH BA

(Thần, người tác hợp duyên Phụng Kiều-Lý Đán)

An Nhơn:

Con! Mẹ coi thằng Tiến Hưng này:

Thôi, xem hình dung quá tốt,

Nhắm cử chỉ bất phàm đi con!

Như người này ngày nay tuy khó nhọc phải làm mà thôi,

Chớ nghĩ lại mai sau gã thiệt trang quý phẩm chớ chẳng không[1].

Phụng Kiều:

Thưa mẹ!

Thời: Chuyện gã để ăn trầu gẫm[2],

Việc làm ta phải liệu toan.

Giờ thời đã khuya rồi,

Khá trở lại phòng loan,

Đặng nghỉ an giấc điệp [3]!

Thiên thần, xướng:

Âm dương liễu đắc các chiêu chương,

Thiện ác đáo đầu tận hiển dương.

Bách nhị sơn hà nhàn lai vãng,

Tam thiên thế giới nhậm hành tàng[4].

Lại nói:

Linh Tiêu động lý thừa nhàn,

Mỗ hiệu Thiên Thần chánh thị.

Diếp phụng thừa Ngọc Đế,

Lai thác mộng Hồ gia.

Âu là:

Thừa vân khẩn cấp bôn ba,

Giá võ hoang mang tốc khứ[5].

Hát khách:

Khinh tòng vân lộ giáng phàm trần,

Chỉ thị lưỡng gia hiệp nhân duyên.

Khả thán kim chi tao vận bĩ,

Kham tai ngọc diệp thụ nan tân[6].

Lại nói:

Cả tiếng kêu Văn thị An Nhơn,

Nghi tĩnh thính cô gia (PKLĐ_6a) minh cáo.

Tư hữu quý quyền viễn đáo,

Hứa tha mẫu tử nhị nhơn.

Hữu tứ cú định thân,

Khả nghi tường sao ký.

Hát khách:

Bàn đào hội thượng kết nhơn duyên,

Ngọc nữ chơn long hạ cửu thiên.

Nhập thai tằng ấn châu sa ký,

Tốc định nhơn duyên thiết mạc diên[7].

Lại nói:

Giã quý nương an tại trướng vi,

Cho ta kíp phản hồi Tiêu điện.

An Nhơn:

Tỉnh giấc lòng khiển quyển,

Định hồn dạ bàn hoàn.

Con! Mẹ thấy một người mặt trắng giáp vàng,

Tới bảo định tuổi xanh duyên thắm.

Rồi mẹ lại thấy,

Một mặt nhựt hồng quá lắm,

Bèn kêu một tiếng như lôi.

Tự nhiên hoặc tới hoặc lui,

Phút chốc Hồ gia thoắt hóa.

Nên mẹ bèn kinh cụ,

Mới biết sự chiêm bao.

Người lại nói bốn câu thơ rằng: châu sa ấn ký rõ ràng.

Người nói Tiến Hưng tất thị thiên thành giai ngẫu cùng con đó mà[8]!

Phụng Kiều:

Mộng ảo cổ kim thường hữu,

Nhân duyên phó tại thiên công.

Như mẹ con ta nay,

Lao đao muôn việc chưa xong,

Chớ như việc chồng vợ đó đành có đó đã mà[9]!

An Nhơn:

Con! Mẹ coi phận chàng tuy khổ cực,

Tư (PKLĐ_6b) chất nhắm khác thường.

Huống[10] chi thần nhơn người đà mách bảo tỏ tường rằng người đại quý tống ngô mẫu nữ nữa mà!

Vốn mẹ đã nghiệm tường thử sự,

Khuyên con đừng nghi hoặc chí thâm nào!

[Lại nói]:

Ối a! Hốt kiến thậm hoan tâm,

Thỉnh phòng trung an vị.

Vậy chớ hữu hà thậm sự tảo đáo trú phòng,

Xin bày tỏ tấm lòng, cho tôi tường áo chỉ thử?

Tú Nương:

Thôi thậm hỉ thậm hỉ,

Chí hoan chí hoan lắm An Nhơn!

An Nhơn:

Hữu hà chí hỉ chí hoan,

Tua khá trần kỳ sự tích.

Tú Nương:

Số là:

Tạc dạ tam canh tịch mịch,

Mộng tường nhứt vị thần nhơn.

Kêu ta người nói rằng:

Ngã tố vi tích thiện chi nhơn, cho nên người,

Tống hứa ngã quý quyền chi vị.

Người lại nói có bốn câu thơ rằng, làm ri:

Hát khách: 

Bàn đào hội thượng kết nhơn thân,

Ngọc nữ chơn long hạ cửu thiên.

Nhập thai tằng ấn châu sa ký,

Tốc định nhơn thân thiết mạc trì[11].

Lại nói:

Như trong bốn câu thơ người nói rằng,

Tiến Hưng nãi chơn long xuất thế,

Còn Phụng Kiều là Ngọc Nữ đầu thai.

Nãi sử ngã vi môi,

Định nhơn hôn cho lịnh nữ[12].

Tỉnh giấc (PKLĐ_7a) tôi nghiệm tường thử sự,

Kíp lai thuyết dữ An Nhơn.

Tôi bèn vào chốn sài môn,

Bỗng thấy hào quang thấu nhập.

Tôi liền lập tức, vào tới phòng bên.

Ai ngờ là,

Thấy Tiến Hưng nằm ngủ ngửa nghiên g,

Biết người ấy thiệt là đại quý[13].

An Nhơn:

Văn tường kỳ sự,

Khoái lạc vô cùng.

Kim dạ ngô mộng kiến y nhiên,

Quả trời định ngô nhi duyên thắm đi mà thôi.

Ngày trẻ đàn, thời ta có thấy con ta lộ xuất bán điểm châu sa ký.

Lại nói:

Lòng vui quá lắm,

Khôn xiết nỗi chi.

Tiểu đồng!

Tiểu đồng kíp ra đi,

Kêu Tiến Hưng ta bảo[14].

Tiến Hưng:

Dạ thưa!

Vưng lời tốc đáo,

Tiểu tử phụng hầu.

Tú Nương:

Tiến Hưng!

Ta, kim triêu cổ điểm tứ canh,

Mộng kiến thần nhơn chỉ thị.

Người dạy ta thời, khả nghi trí ý,

Thuyết quá An Nhơn,

Đặng hứa Phụng Kiều phối nễ châu trần,

Thành phu phụ bách niên vĩnh lạc[15].

Tiến Hưng:

Dạ thưa!

Tôi vốn thiệt bần hàn đạm bạc,

Lẽ dám đâu sánh bậc thiên hương.

Xin đem lòng hà hải khá thương,

Chớ, tôi mô dám sánh cùng lịnh nữ[16]!

An Nhơn:

Tiến Hưng! Như ta là:

Nhứt (PKLĐ_7b) ngôn thuyết ngữ,

Vĩnh vô cải canh !

Như ta nay, vốn tại già định thửa duyên lành,

Chớ chẳng phải trẻ khẩn cầu căn nợ mà ngươi phòng ngại[17].

Tiến Hưng:

Dạ!

Trên người định duyên chồng vợ,

Dưới tôi đâu đã khuất chữ hôn thân.

Cúi đầu hạc toán xin dưng, (vâng?)

Ngửa chúc linh quy thiên bách[18].

Tú Nương:

Trên đã đẹp lòng gia má,

Dưới đều ưng dạ rể con.

Giã An Nhơn cư tại trù phòng,

Cùng tiểu điệt ta về thảo thất[19].

Tiến Hưng:

Ngọc lý đỗ hoàn vật lạ,

Tổ công phụ mẫu lưu truyền.

Con tùy thân thử vật đa niên,

Bất cảm thiểu ly nhứt khắc.

Giờ thời con,

Quyền vi sính vật,

Thiếu biểu vi tâm.

Như vật này là:

Hạ thiên hản thấu chí thâm đi nữa,

Cũng chiếu diệu kỳ quang thậm mỹ.

Thưa! Chẳng khá cho người ngoài thấy,

Ắt là mắc thửa họa căn.

Cúi đầu tạ nhạc thân,

Sài phòng con lui gót[20].   

 



[1] Bà An Nhơn đề dẫn tới ý của mình bằng cách khen Tiến Hưng.

[2] Chuyện gã để ăn trầu gẫm: Chuyện về anh chàng đó ta từ từ suy nghĩ lại cho cặn kẽ.

[3] Tâm lý Phụng Kiều như các cô tới tuổi lấy chồng nghe bàn đến người nào được được thì biêt cha mẹ mình muốn gì nên kiếm cớ để khỏi nghe nói thêm.

[4] Thiên thần hiện ra trong giấc mộng của bà An Nhơn. Cũng như các nhân vật khác, thiên thần cũng phải nói về mình cho khán giả biết: Mình là người biết chuyện âm dương, công việc là làm cho rõ ràng nguyên lý thiện ác, có thể ngao du khắp nơi …

[5] Mình ở Động Linh Tiêu, thừa lịnh Ngọc hoàng đi báo mộng cho bà An Nhơn.

[6] Mình theo đường mây  đến trần gian để chỉ cho hai đàng hợp thành duyên nợ. Tội nghiệp cho hai người thuộc dòng thế gia mà bị thời vận làm gian khổ.

[7] Thiên thần nói rằng người mới đến đó mạng rồng, cũng như con bà là ngọc nữ. Hai người có kết nhơn duyên trên trời rồi, bây giờ xuống thế, do đó nên định nhơn duyên cho họ. Đừng chậm trễ,

[8] Bà An Nhơn thuật lại chiêm bao tốt cho con gái. Khiển quyển: Bịn rịn, quyến luyến. Đây chỉ tình trạng chưa tỉnh hẵn, còn chút mơ màng. Chiêm bao nầy có thể giải thích như ngày nay: suy nghĩ, ước ao quá nên chiêm bao thấy như vậy.

[9] Cũng là những lời bàn ra cho mẹ đừng nói đến chuyện hôn nhơn của mình. Thói đời con gái nào chẳng vậy.

[10] Huống bản Nôm viết lầm thành chúc.

[11] Bà mối nầy tới nói mình cũng mộng, kể ra thì giống như mộng của bà An Nhơn.

[12] Sai tôi làm mai mối. Lịnh nữ, chữ lịnh bản Nôm viết thành hiệp.

[13] Kể thêm một chuyện quí nữa của Tiến Hưng.

[14] Bà An Nhơn té ra cũng có người sai vặt!

[15] Bà nầy nói toẹt móng heo về giấc mộng của mình.

[16] Chàng nghe nói mừng thầm trong lòng nhưng ngoài mặt phải có vài lời từ chối nhè nhẹ. Khôn ngoan.

[17] An Nhơn nói rằng mình quyết định chuyện nầy.

[18] Chấp nhận. Từ đây là con rể, nên lạy chúc mẹ sống lâu. Hạc toán, linh quy là rùa là hạc, những con vật tương truyền là sống lâu. Bản Nôm viết chữ dưng (đưa lên) 𤼸 thành vưng (tuân lời)  𠳐, giọng Nam kỳ lục tỉnh.

[19] Bà Tú nương ra về.

[20] Tặng viên ngọc quí của gia bảo nói rằng bao lâu nay mình không rời nó. Coi như sính lễ. Vậy nầy lúc tối thì nó cũng chiếu sáng rất đẹp. xin đừng cho người nhà thấy, vì sẽ mang họa.

Cảnh nầy diễn tả trọn vẹn cuộc kêt hôn của Phụng Kiều và Lý Đán. Chuyện nay phải do hai người trẻ chủ động, xưa do trời (thiên thần, thiên duyên) và người lớn chủ động. Nhìn ở đây ta thấy xã hội thay đổi quá nhiều…



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn với tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Câu chuyện kể từ xa xưa, rất xa xưa, là từ thời đức Phật còn tại thế: Có một người Bà La Môn rất giầu có và rất quyền thế, ông thích đi săn bắn thú vật trong rừng hay chim muông trên trời. Một hôm đó, ông bắn được một con thiên nga to đẹp đang bay vi vút trong bầu trời cao xanh bát ngát thăm thẳm trên kia. Con thiên nga vô cùng đẹp bị trúng đạn, rơi xuống đất, đau đớn giẫy và chết. Ông liền chạy tới lượm thành quả của ông và xách xác con thiên nga lộng lẫy về cho gia nhân làm thịt, làm một bữa nhậu, có lẽ.
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.