Hôm nay,  

Lôi bác sĩ gốc Việt ra khỏi máy bay có mang tính kỳ thị?

14/04/201711:38:00(Xem: 9018)
Lôi bác sĩ gốc Việt ra khỏi máy bay có mang tính kỳ thị?
 
Bùi Văn Phú

Sự kiện bác sĩ David Đào, tức Đào Duy Anh, một người gốc Việt định cư ở Mỹ từ năm 1975 bị nhân viên an ninh phi cảng Chicago lôi ra khỏi máy bay của hãng hàng không United Airlines đã gây sốc cho rất nhiều người.


Khúc phim được hành khách trên cùng chuyến bay ghi lại và đưa lên mạng xã hội cho thấy ông Đào bị ba người dùng vũ lực lôi ra khỏi ghế ngồi trên máy bay, rồi kéo lê ông trên sàn và đưa ra khỏi phi cơ.


blank

H01: An ninh phi cảng lôi hành khách ra khỏi máy bay (ảnh FB)

 

Ông đã bị thương tích nơi miệng, máu chảy thành hàng khi vụ việc xảy ra.


Chuyến bay đưa ông Đào từ Chicago về nhà ở gần Louisville, Kentucky đầy kín hành khách. Nhưng vào giờ chót hãng United Airlines phải đưa bốn nhân viên, gồm phi công và tiếp viên phi hành, đi Louisville để hôm sau bay chuyến sớm từ đó. Theo nội quy của United Airlines, nhân viên hãng được quyền ưu tiên hơn hành khách, nên đã có yêu cầu nếu hành khách nào tự nguyện nhường chỗ để đi chuyến vào hôm sau thì sẽ được bồi hoàn thêm với số tiền lên đến 800 đôla.


Vì không có ai muốn thay đổi lịch bay để ở lại Chicago lâu hơn và theo nội quy nhân viên sẽ chọn bốn khách, theo cách ngẫu nhiên, sau khi đã bỏ ra ngoài những hành khách không thể hoãn chuyến bay như người tàn tật và trẻ con. Hành khách còn lại cũng có ưu tiên ở lại trên chuyến bay là người mua vé với giá cao, người thường bay với hãng, vì thế hành khách bị yêu cầu rời phi cơ nhường chỗ cho nhân viên của United Airlines là những người mua vé giá thấp.


Trong bốn người được lựa chọn phải nhường chỗ, ba người đồng ý rời phi cơ. Bác sĩ David Đào từ chối vì ông phải tiếp bệnh nhân vào sáng hôm sau.


Vì từ chối làm theo yêu cầu của tiếp viên hàng không nên nhân viên an ninh phi cảng đã được triệu tập đến để đưa ông ra khỏi phi cơ.


Cách hành xử của những nhân viên an ninh này, như đã thấy qua các khúc phim trên mạng xã hội, rất là thô bạo.


Nhiều người cho rằng cách đối xử của nhân viên phi hành và an ninh là mang tính kỳ thị đối với một hành khách da mầu.


Đối với những quốc gia không thích Hoa Kỳ, đây là cơ hội để nói rằng nước Mỹ là nơi đầy tính kỳ thị.


Nước Mỹ kỳ thị người da đen trong lịch sử và còn kéo dài trong những năm qua với nhiều vụ cảnh sát bắn chết người da đen.


Nước Mỹ kỳ thị người Mexico và Mỹ Latinh qua chính sách xiết chặt biên giới và tống xuất di dân bất hợp pháp về nước.


Bây giờ rõ ràng nước Mỹ kỳ thị người châu Á qua vụ việc nhân viên an ninh phi cảng dùng bạo lực lôi bác sĩ David Đào ra khỏi phi cơ.


Khi có nhiều người da đen bị cảnh sát da trắng bắn chết trong vài năm qua nên có phong trào Black Lives Matter ra đời để phản đối những hành động kỳ thị.


 blank

H02: Bác sĩ David Đào bị thương trên mặt (ảnh FB)


Khúc phim về bác sĩ David Đào ở Mỹ có vài triệu người xem. Khi được đưa lên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc thì đã có hơn 800 triệu lượt xem với nhiều lời bình chỉ trích nước Mỹ. Lúc đầu vì tưởng nạn nhân là một người Hoa nên đã có phong trào Chinese Lives Matter ra đời.


Nghi vấn về việc hành xử mang tính kỳ thị người da mầu tăng lên khi Tổng giám đốc của United Airlines lên tiếng bênh vực nhân viên của hãng và đổ lỗi cho nạn nhân trong thông báo đầu tiên đưa ra.


Trong khi đó một số cơ sở truyền thông như các báo Daily Mail và New York Post khi tường thuật vụ việc còn đưa ra những thông tin không tốt về đời tư của bác sĩ David Đào, như sự kiện ông đã bị treo bằng hành nghề trong nhiều năm.


Ngày thứ Ba 11/4 cổ phiếu United Airlines xuống hơn 3% vào buổi sáng, đến chiều kéo lên được chút ít nên còn mất 1.1%, tức hơn 250 triệu đôla. Sang thứ Tư cổ phiếu của hãng tiếp tục rơi thêm 1.1% nữa.


Đến lúc này ông Oscar Munoz mới nhận lỗi lầm của hãng. Xuất hiện trong chương trình Good Morning America của kênh truyền hình ABC vào sáng 12/4, ông Munoz xin lỗi bác sĩ David Đào và ông thông báo sẽ bồi hoàn giá vé cho toàn thể hành khách của chuyến bay hôm đó. Ông cũng hứa là sẽ không để cho những sự việc như thế xảy ra nữa.


Trong hai ngày qua trên mạng Change.org có một kiến nghị yêu cầu Tổng giám đốc Oscar Munoz từ chức và đã có trên 70 nghìn người ký. Tuy nhiên cho đến nay không có dấu hiệu người đứng đầu hãng hàng không United Airlines sẽ rời chức vụ.


Xem đoạn phim thấy cách hành xử hung bạo của nhân viên phi hành và an ninh phi cảng là điều không thể chấp nhận được cho một công ti mang tầm vóc quốc gia và quốc tế như United Airlines.


Vụ việc sẽ ảnh hưởng đến tài chánh của United Airlines và kéo dài bao lâu tùy thuộc vào những thay đổi trong chính sách của hãng đối với khách hàng trong những ngày tới.


Còn chuyện có mang tính kỳ thị hay không thì chưa thể kết luận được vì những yếu tố cấu thành hành vi mang tính kỳ thị chưa được biết rõ và cần phải điều tra.


Bác sĩ David Đào được điều trị tại một bệnh viện ở Chicago và ông đã nhờ luật sư để xúc tiến kiện United Airlines ra tòa.


Hai luật sư đại diện cho ông Đào là Thomas Demetrio và Stephen Golan trưa ngày 13/4 đã có cuộc họp báo ở Chicago để tường trình về vụ kiện. Theo luật sư Demetrio thì ông Đào bị gãy mũi, gãy răng cửa và có thể bị chấn thương não.


Cũng theo luật sư đại diện, ông không tin là sự việc xảy ra với ông Đào là có tính kỳ thị sắc tộc.


Trong cuộc họp báo, bà Crystal Pepper là con gái của ông Đào đã thay mặt gia đình cám ơn mọi người đã quan tâm, đã hỏi thăm và cầu nguyện cho cha của bà và gia đình trong lúc khó khăn này.


Theo nhận định của các chuyên gia về luật pháp Mỹ thì có lẽ hai bên sẽ điều đình bên trong, thay vì phải công khai ra tòa mà cả hai đều không có lợi.


Vì thế toàn bộ sự thật quanh vụ bác sĩ David Đào bị lôi ra khỏi máy bay sẽ có những điều mà dư luận không bao giờ biết hết được.


© 2017 Buivanphu


H01: An ninh phi cảng lôi hành khách ra khỏi máy bay (ảnh FB)


H02: Bác sĩ David Đào bị thương trên mặt (ảnh FB)

 


Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
Sau 11 năm chống Tham nhũng (2013-2024) nhưng Tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao?
Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề Chủ nghĩa Xã hội và đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận. Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi: Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ Dân chủ đến thế?
Cận Tết năm Thìn, Marianne Brown (Guardian Weekly) có bài “Vietnam’s parents want a dragon son.” Trời! Tưởng gì, chớ cả Tầu lẫn Ta ai mà không muốn có con trai tuổi Rồng. Nhâm Thìn, tất nhiên, lại càng bảnh dữ nữa. Nam nhâm nữ quí thì sang mà lị. Theo tuviso.com: “Tuổi Nhâm Thìn có nhiều hy vọng tốt đẹp về vấn đề tình duyên và tương lai về cuộc sống, có phần tốt đẹp về tình cảm và tài lộc, vào trung vận và hậu vận thì được nhiều tốt đẹp về hạnh phúc, công danh có phần lên cao.”
Một quan điểm lạc quan đang dấy lên trong hàng ngũ Lãnh đạo đảng CSVN khi bước vào năm 2024, nhưng thực tế tiềm ẩn những khó khăn chưa lường trước được...
Nếu Donald Trump giành lại được Nhà Trắng vào tháng 11, năm nay có thể đánh dấu một bước ngoặt đối với quyền lực của Mỹ. Cuối cùng, nỗi sợ hãi về tình trạng suy tàn đã khiến cho người Mỹ bận tâm kể từ thời thuộc địa sẽ được biện minh. Hầu hết người Mỹ tin rằng, Hoa Kỳ trong tình trạng suy tàn, Donald Trump tuyên bố rằng ông có thể “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Nhưng tiền đề của Trump đơn giản là sai, và các biện pháp trị liệu được ông đề xuất đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.