Hôm nay,  

Mối Lo Từ Trung Quốc

01/03/200500:00:00(Xem: 12554)
Khi vận động tranh cử hôm Thứ Hai 28, Bộ trưởng Kinh tế Anh Gordon Brown trấn an rằng Anh có khả năng ứng phó với thách đố kinh tế từ các nước đang phát triển như Trung Quốc hay Ấn Độ. Còn VN ra sao"
Đài RFA trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa trong mục chuyên đề hàng tuần do Việt Long thực hiện như sau.
Hỏi: Thưa ông, sau khi thăm viếng Trung Quốc trở về, hôm qua, ngày 28 tháng Hai, Tổng trưởng Kinh tế Tài chính Anh là ông Gordon Brown đã nói đến sự thách đố của các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc hay Ấn Độ đối với kinh tế Anh. Trước đó, ngày Chủ Nhật 27, nhật báo tài chính có uy tín của Anh quốc là tờ Financial Times cũng có một bài nhận định về sức mạnh kinh tế của Trung Quốc so với Ấn Độ. Và Chủ Nhật tuần qua sang tuần tới, trong mục “Tư duy Thế kỷ”, chương trình Việt ngữ của đài BBC cũng có phỏng vấn chính ông về kinh tế Trung Quốc. Dường như ông có một nhận định không mấy lạc quan về nền kinh tế đó. Theo lời yêu cầu của nhiều thính giả, chúng tôi xin đề nghị chúng ta cùng trao đổi về đề tài này trong mục chuyên đề kinh tế hôm nay....
-- Thưa vâng, dù đây là một trong rất nhiều lần mà ta cùng đề cập tới những gì có thể xảy ra từ Trung Quốc. Trước tiên, tôi xin được đề nghị là ta cùng xét tới vấn đề ấy trong một viễn cảnh dài. Từ 1980 đến 2003, tức là từ khi Đặng Tiểu Bình đề xướng cải cách kinh tế đến gần đây thì kinh tế Trung Quốc đã có mức tăng trưởng bình quân là 9,5% một năm, theo lượng định của tờ Financial Times, và với dân số một tỷ ba trăm triệu, sự kiện ấy tất nhiên phải làm thay đổi tương quan kinh tế và nhận thức chính trị của thế giới vì có nghĩa là cứ hơn bảy năm thì sức mạnh kinh tế Trung Quốc lại tăng gấp đôi. Một quốc gia như Singapore hay cả Việt Nam mà có tốc độ tăng trưởng cỡ ấy thì chẳng làm thế giới e ngại chứ một nước đông dân và có nhiều tham vọng hay ảo tưởng như Trung Quốc tất phải là mối quan tâm, nhất là cho các chính trị gia, khi cần trấn an quần chúng của mình.
Tuy nhiên, cũng trong một viễn cảnh dài, mình cần đặt vấn đề vào đúng vị trí của nó. Tôi thiển nghĩ là trên đại thể, với lợi tức bình quân một đầu người là một ngàn đô la Mỹ một năm thì nền kinh tế hơn một ngàn triệu dân của Hoa lục có thể là một hy vọng hay đe dọa cho các nước, nhưng nền kinh tế ấy cũng có cả triệu vấn đề mà chúng ta nên nhìn ra trước.
Hỏi: Nói cách khác, ông cho rằng các vấn đề có thể xảy ra tại Trung Quốc mới đáng lo"
-- Thưa đúng vậy, ta đang gặp một hiện tượng tâm lý dễ hiểu là mình ưa dự báo tương lai theo thế tĩnh, bằng cách vạch ra đường thẳng từ quá khứ đến tương lai. Nói cho dễ nhớ thì khi Trung Quốc bắt đầu cải tổ, kể từ cuối năm 1978 trở đi, dư luận thế giới chỉ nhìn thấy sự lớn mạnh của kinh tế Nhật Bản. Tại Hoa Kỳ, trong thập niên 80, dư luận còn nói đến mối đe dọa của Nhật, thậm chí đã có một phong trào chống Nhật nổi lên tại Mỹ. Giới chính trị, truyền thông và cả phim ảnh Hoa Kỳ đã báo động về sức bành trướng của Nhật, khiến tư bản Nhật trở thành chủ nợ, chủ đất và chủ đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ...
Hỏi: Như dư luận Anh ngày nay đang nói về Trung Quốc" Thế rồi sau đó ra sao"
-- Chưa đầy 10 năm sau, Nhật bị khủng hoảng, và từ đó đến nay đã qua năm trận suy trầm kinh tế, lần cuối đang xảy ra ngay trước mắt. Sau vụ khủng hoảng, các chủ nợ chủ đất Nhật bán rẻ tất cả cho Mỹ và bỏ của chạy lấy người, và dư luận lại nói đến âm mưu của tư bản Mỹ hoặc chỉ nhìn thấy sự sụp đổ đồng thời của Liên xô. Thực ra, khủng hoảng sau vụ bể bóng đầu tư tại Nhật khiến nội các Kiichi Miyazawa của đảng Tự do bị đổ năm 1993 sau 38 năm cầm quyền liên tục tưởng như vĩnh viễn của đảng. May là Nhật là một xứ dân chủ nên khủng hoảng kinh tế chỉ dẫn tới thay đổi chính trị ôn hoà qua bầu cử. Ngày nay, truyền thông Mỹ hết báo động về hiểm họa Nhật Bản và còn ca tụng thế hợp tác Mỹ-Nhật trước mối họa Trung Quốc.
Thế rồi, cũng tại Á Châu, sau hai chục năm tăng trưởng được thế giới ngợi ca là “phép lạ kinh tế Đông Á”, khu vực này bị khủng hoảng năm 1997, hàng loạt chính quyền bị đào thải, từ Nam Hàn đến Thái Lan, Indonesia hay Philippines. Sau hai đợt chấn động ấy - tại Nhật vào năm 1990 rồi tại năm nước Đông Á vào năm 1997 – ta có thể sẽ gặp đợt thứ ba, từ cuối năm nay, tại Trung Quốc. Nhưng khác với các nước kia, xứ này chưa có tập quán dân chủ và chấn động kinh tế có thể trở thành khủng hoảng chính trị ở trong và đe dọa quân sự đối với bên ngoài. Vì vậy tôi không mấy tin vào triển vọng kinh tế Trung Quốc như vài giới chức Hà Nội, họ cứ lầm tưởng rằng học đòi theo Bắc Kinh là hay, hoặc viện dẫn trường hợp Trung Quốc như một sự kỳ diệu của giải pháp Việt Nam đang theo đuổi.
Hỏi: Trên diễn đàn này, ông thường nói về nhân và duyên trong kinh tế, vì sao ông cho là kinh tế Trung Quốc có thể bị khủng hoảng, mà lại có thể bị trong năm nay" Nếu đúng vậy thì giới lãnh đạo Bắc Kinh hay thế giới, và kể cả các nhà đầu tư, không biết sao"

-- Tôi thiển nghĩ rằng biết là một chuyện, làm là một chuyện và nói ra lại là chuyện khác! Tôi xin lấy một thí dụ cụ thể đầy tính thời sự kinh tế. Thứ Năm 24 tuần qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, tức là ngân hàng trung ương của xứ này, đã loan báo là ngạch số ngoại trái – là vay mượn nước ngoài - của các doanh nghiệp Trung Quốc đã tăng gần 20% trong năm 2004 vừa qua, trong đó có đà gia tăng đến hơn 30% của các khoản nợ ngắn hạn dưới một năm, tổng cộng là gần 230 tỷ Mỹ kim. So với khối dự trữ ngoại tệ ở khoảng 610 tỷ của ngân hàng nhà nước vào đầu năm nay thì số nợ ấy chả có gì đáng lo.
Sự thật lại rắc rối hơn vậy. Chúng ta biết vì có nói nhiều lần trên diễn đàn này là Bắc Kinh đang cần hạ nhiệt bộ máy sản xuất vì e sợ nguy cơ lạm phát và động loạn xã hội. Vì vậy, cách đây một năm, ngày 24 tháng Ba, Trung Quốc nâng mức dự trữ pháp định của các ngân hàng từ 7% lên 7,5% mà không có kết quả. Cuối tháng Tư năm ngoái, họ bèn có quyết định thuộc diện hành chính hơn là ngân hàng, là cấm cho vay thêm, thuộc bất cứ diện gì cho đến mùng tám Tháng Năm. Quyết định ấy cho thấy sự bất lực của khả năng điều tiết bằng khí cụ ngân hàng. Và đến đầu năm nay, Cục Thống kê cho biết là đà tăng trưởng của quý bốn năm ngoái, quy ra toàn năm, là 9,5%, so với 9,1% của năm 2003. Tức là không giảm mà còn tăng! Lý do là đầu tư vẫn tăng đều và bộ máy quản lý hay ngân hàng chẳng điều tiết được gì. Bây giờ, doanh nghiệp của họ còn bung ra vay mượn nước ngoài - chủ yếu là vay ngắn hạn để xuất khẩu – ta thấy tái diễn mối họa Đông Á cũ.
Hỏi: Nhưng dù sao, như chính ông vừa cho biết, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc lên tới 610 tỷ, thì có mắc nợ 230 tỷ cũng không phải là lớn.
-- Thưa vâng, nếu ta không kể thêm là tổng số nợ xấu, khó đòi và có thể mất của hệ thống ngân hàng Trung Quốc nay đã vượt 500 tỷ Mỹ kim. Ngân hàng thương mại Trung Quốc, do nhà nước quản lý, huy động mức tiết kiệm rất cao của dân chúng Hoa lục để chủ yếu tài trợ cho các doanh nghiệp cũng do nhà nước quản lý, theo diện gọi là chính sách, bất kể tới khả năng quản trị hay mức lời lỗ rủi ro của các doanh nghiệp này. Nếu tính thêm các khoản bù lỗ về lề lối quản lý ấy thì ngân sách quốc gia của Trung Quốc có thể bị thâm hụt đến 18%. Vì vậy mà hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp của họ chỉ là một lâu đài xây trên cát – không khác gì của Việt Nam – và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, nhất là khi giới đầu tư nản chí mà triệt thoái khỏi Hoa lục, như trường hợp đã xảy ra tại Đông Á trước đấy. Sau khi hồ hởi sảng vì lạc quan không cơ sở đến nỗi thổi lên một trái bóng đầu cơ, các chủ đầu tư và chủ nợ nước ngoài sẽ hốt hoảng tháo chạy là điều đang bắt đầu xảy ra, và khủng hoảng có thể bùng nổ, là điều ta có thể thấy năm nay.
Hỏi: Trở lại chuyện nhân và duyên trong kinh tế, vì sao lại có cơ sự ấy và lại bùng nổ trong năm nay"
-- Về cái nhân thì Trung Quốc - và cả Việt Nam nữa - chẳng có gì sáng tạo độc đáo, vì vẫn đi theo chiến lược phát triển Đông Á, lấy xuất nhập khẩu làm đầu máy tăng trưởng, lấy đầu tư nước ngoài và cả nguyên vật liệu lẫn công nghệ và kiến năng của nước ngoài làm sức đẩy, với sự yểm trợ của guồng máy nhà nước. Chiến lược ấy dẫn tới việc nín thở xuất khẩu để chinh phục thị phần mà bất kể lời lãi, đầu tư thả giàn mà bất kể rủi ro. Sau cùng, chiến lược ấy cũng dẫn đến những chứng tật Đông Á là nạn tham ô và cấu kết.
Nhưng, điều sáng tạo tai hại của cả Việt Nam và Trung Quốc là đi theo chiến lược đã phá sản của Đông Á, với những tàn dư về lý luận xã hội chủ nghĩa. Mô thức gọi là “kinh tế thị trường theo màu sắc Trung Quốc” hay “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” của lãnh đạo Hà nội chỉ là chiến lược Đông Á màu hồng, với những chứng tật cố hữu như bao cấp, tham nhũng và quản lý kinh doanh bất kể rủi ro hay lời lỗ.
Hỏi: Và theo ông, tình trạng này sẽ không thể kéo dài" Sau đó tình hình sẽ ra sao"
-- Bây giờ nói về cái duyên, Trung Quốc đang gặp nhiều mâu thuẫn lớn trong kinh tế, xã hội và chính trị. Mâu thuẫn giữa nông thôn và thành thị, giữa các tỉnh duyên hải sống nhờ xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài với các tỉnh nghèo đói nằm sâu trong lục địa, mâu thuẫn giữa giàu và nghèo, giữa trung ương và các địa phương và quan trọng nhất, giữa hệ thống chính trị và chính quyền với thị trường kinh tế. Khi tư bản hết hồ hởi chảy vào mà chạy ra, là điều ta có thể thấy rõ hơn trong năm nay vì lãi suất Mỹ đã tăng và sẽ còn tăng, những mâu thuẫn ấy sẽ phát tác. Đảng Cộng sản vốn đã mất uy tín về nạn tham nhũng lại còn gây bất mãn vì bất lực trước bài toán quốc kế dân sinh. Nội loạn có thể bùng nổ và lây lan qua chính trị. Những điều đó có thể xảy ra trong năm nay và kéo dài đến cao điểm tâm lý là Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Sau đó là khủng hoảng có thể làm đảng Cộng sản mất quyền cai trị.
Thói thường, khi các chính quyền độc tài bị yếu thế thì lãnh đạo thường thổi lên chủ nghĩa quốc gia dân tộc, thực chất là chủ nghĩa phát xít, và có khi gây hấn với bên ngoài để trấn áp chống đối bên trong. Trường hợp ấy mà xảy ra tại Trung Quốc thì Đài Loan và Việt Nam có khi lãnh họa. Đấy mới là mối lo đáng quan tâm từ phía Trung Quốc.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Những thay đổi trong đời sống dù to tát hay nhỏ nhoi cũng có thể ảnh hưởng không nhiều thì ít đến chúng ta. Lúc tuổi cao, những thay đổi này càng
Nếu không hiểu rõ giá trị truyền thống của các tôn giáo bạn, thì chúng ta rất khó bày tỏ lòng kính trọng các tín ngưỡng khác biệt
Người ĐẠT ĐẠO phải trong sạch trong tư tưởng ảnh hưởng đến lời nói và việc làm. Cần phải gạt bỏ ngay hạt nhân xấu vừa nảy mầm
Dân chúng Mỹ lại một lần nữa tưng chào mừng Ngày Sinh Nhật thứ 231 năm của quốc gia trẻ trung Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ.
Trong hoàn cảnh đất nước hiện tại, chiến tranh đã chấm dứt từ năm 1975, nhưng sau 32 năm dưới chế độ CS, người dân Việt Nam trong nước vẫn chưa được hưởng
Phim ảnh Việt Nam thời gian này ra nhiều về số lượng cũng như về chất lượng
Sau 1954 ba tôi rời nơi chôn nhau cắt rún, tạm xa gia đình vì sinh kế.
Bài viết này được đúc kết bởi cảm xúc có được sau hai ngày tham dự Hội Nghị Quốc Tế Về Tiếng Việt (HNQTVTV) do Viện Việt Học (1) tổ chức
Công cuộc cứu trợ nạn nhân Sóng Thần ở Nam Á là một nỗ lực quốc tế lớn lao, chưa từng thấy trên thế giới. Nó cũng làm nổi bật một điểm rất đặc biệt
Có thể nói cuộc biểu tình của đồng bào Mỹ tho ở Saigon là một cuộc biểu tình lớn nhứt và lâu nhứt của đồng bào Miền Tây đòi hỏi đất đai
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.