Hôm nay,  

Chính trường Mỹ sôi động, dân chúng hoang mang

16/03/201700:03:00(Xem: 9111)

Chính trường Mỹ sôi động, dân chúng hoang mang

 

Bùi Văn Phú

 

Đã nhiều lần quyền lãnh đạo quốc gia Hoa Kỳ được chuyển từ đảng cầm quyền sang cho đảng đối lập, nhưng chưa bao giờ không khí chuyển giao quyền hành lại ồn ào và hoang mang như hiện nay.

 

Sau khi tỉ phú Donald Trump đắc cử tổng thống, nước Mỹ đã có biểu tình, sôi động nhất là tại những tiểu bang mà bà Hillary Clinton giành được thắng lợi như California, New York và Washington.

 

Một ngày sau khi Tổng thống Trump nhậm chức lại có biểu tình lớn với cả triệu người tham gia và có vẻ những cuộc xuống đường phản đối sẽ còn kéo dài.

 

Dân chúng Mỹ hoang mang không biết chính sách của Tổng thống Trump sẽ có những thay đổi gì, ảnh hưởng ra sao đến đời sống vì không mấy ai đoán trước được đường hướng của ông, một người chưa bao giờ tham gia chính trường.

 

Các kênh truyền hình Mỹ thì CNN và MSNBC ủng hộ Đảng Dân chủ, còn FOX ủng hộ Đảng Cộng hòa. Vì thế thông tin đưa lên có chiều hướng thuận lợi cho đảng này và bất lợi cho đảng kia.

 

Các chương trình phân tích, bình luận với khách mời góp ý kiến trên FOX trước đây đã ủng hộ Tổng thống George W. Bush (con) rồi liên tục tấn công Tổng thống Barack Obama trong tám năm, giờ đây họ bênh vực Donald Trump. Còn kênh MSNBC có những khách mời với quan điểm ngược lại, tấn công Bush, Trump và ủng hộ Obama.

 

Các nhà bình luận Bill O’Reilly và Glenn Beck trên FOX thường đưa ra nhận định Tổng thống Obama có khuynh hướng cực tả, xã hội chủ nghĩa, thể hiện qua những chính sách như Obamacare để toàn dân có bảo hiểm y tế.

Trên kênh MSNBC, Rachel Maddow nhận định rằng Tổng thống Donald Trump có chủ trương cực hữu, như phát-xít.

 

Tại sao truyền thông Mỹ chống Trump? Một phần vì những phát biểu mang tính kỳ thị và miệt thị của ông, phần khác vì đa số truyền thông Mỹ trước nay có khuynh hướng ủng hộ Đảng Dân chủ và trong kỳ bầu cử vừa qua đã tiên đoán, đưa ra thăm dò dư luận cho thấy chiến thắng sẽ thuộc về Hillary Clinton. Nhưng kết quả thì ngược lại.

 

Trump được 306 phiếu đại biểu cử tri, nhưng thua Clinton hơn 3 triệu phiếu phổ thông, vì thế nhiều người còn nghi ngờ kết quả bầu chọn đã bị Nga làm thay đổi.

 

Sự kiện liên quan đến Nga gây tranh cãi và đang được điều tra xem hư thực ra sao. Chính ứng cử viên Trump là người đã đưa ra cáo buộc Nga tìm cách ảnh hưởng đến kết quả từ trước ngày bầu chọn.

 

Vì có nhiều tuyên bố, cáo buộc mà không đưa ra bằng chứng nên các hành động của Tổng thống Trump bị báo chí soi mói, chỉ trích làm ông bực bội và đã tuyên bố rằng “truyền thông là kẻ thù của nhân dân Mỹ”.

 

Đó là một nhận định của kẻ có đầu óc độc tài, vì truyền thông có thể không ưa Đảng Cộng hòa, mà Tổng thống Trump là đại diện, nhưng trong một nền dân chủ truyền thông không thể là kẻ thù của nhân dân.

 

Đã có nhiều chỉ trích và biểu tình ồn ào phản đối Tổng thống Trump vì Đảng Cộng hòa giờ đây kiểm soát cả hành pháp lẫn lập pháp. Nhiều cử tri Dân chủ lo sợ những chính sách của Tổng thống Barack Obama trong tám năm qua sẽ bị thu hồi, quan trọng nhất là Obamacare mà Đảng Cộng hòa đã tìm cách loại bỏ nhiều lần trước đây.

 

Khi một tổng thống từ đảng đối lập lên lãnh đạo, đối nội sẽ có nhiều thay đổi còn đối ngoại thường thì không, vì dù là tổng thống Dân chủ hay Cộng hòa cũng sẽ không có khác biệt trong tầm nhìn chiến lược về an ninh và quyền lợi nước Mỹ trên thế giới.

Tuy nhiên với Tổng thống Donald Trump mà nhân thân và trải nghiệm của ông không giống bất cứ vị lãnh đạo tiền nhiệm nào, nên trong việc đối ngoại ông cũng đang làm khác.

 

Thường sau khi nhậm chức ít lâu tổng thống Mỹ có lịch trình công du để thể hiện hướng đối ngoại của Hoa Kỳ sẽ đặt trọng tâm vào khu vực nào, mà trong quá khứ thường là châu Âu và Đông Á.

 

Tổng thống Trump chưa có lịch công du, tuy nhiên ông đã mời nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đến Thủ đô Washington để thảo luận về hợp tác. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu đã đến Mỹ hội kiến với Tổng thống Trump.

 

Lãnh đạo nhiều quốc gia nóng lòng muốn biết chủ trương “America First” (Nước Mỹ Trước Hết) qua lăng kính đối ngoại của Tổng thống Trump sẽ như thế nào.

 

Trong khi Tổng thống Trump ít nói về chính sách, giới phân tích chính trị và truyền thông Mỹ chỉ suy đoán về chủ trương của ông.

 

Sẽ có thêm nhiều công việc cho dân, bảo hiểm y tế có rẻ và tốt hơn, thuế thu nhập có được giảm, biên giới với Mexico có được kiểm soát chặt chẽ hơn, và an ninh nước Mỹ có được bảo đảm hơn trước đe dọa khủng bố tấn công hay không?

 

Dân Mỹ đang trông chờ chính quyền của Tổng thống Trump đáp ứng được những yêu cầu đó, như ông đã hứa hẹn khi tranh cử là sẽ “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” – Make America Great Again.

 

Chính sách mới về tị nạn và di dân với mục đích tạm ngưng du hành và nhận người tị nạn từ bảy quốc gia là Somalia, Yemen, Iran, Iraq, Sudan, Libya và Syria, được ban hành ngày 27/1 và đã bị các chánh án ra phán quyết đình chỉ thi hành vì vi hiến.

 

Một sắc lệnh mới được Tổng thống Trump ký hôm 6/3, có chút thay đổi so với trước – bỏ Iraq khỏi danh sách tạm cấm du hành đến Mỹ và không còn vĩnh viễn cấm tị nạn từ Syria vào Mỹ – sẽ có hiệu lực từ ngày 16/3. Sắc lệnh mới cũng đang bị phản đối và đã có 6 tiểu bang sẽ đưa sắc lệnh ra tòa.

 

Về đối nội, Tổng thống Trump dự định cắt giảm ngân sách y tế, xã hội và tăng ngân sách quốc phòng.

 

Để thay thế Obamacare, một dự luật bảo hiểm y tế mới đã được Đảng Cộng hòa đề xuất và đang được thảo luận tại Quốc hội và có thể giữ lại một số điều khoản của Obamacare.

 

Ảnh hưởng tốt xấu ra sao đối với dân chúng cho đến nay chưa được rõ, nhưng dự luật chưa đáp ứng được đòi hỏi của một số dân cử Cộng hòa. Những thành viên bảo thủ nhất của đảng này đòi loại bỏ toàn bộ Obamacare và thay thế bằng một đạo luật hoàn toàn mới.

 

Không tán đồng những thay đổi do lãnh đạo Cộng hòa đưa ra, nhiều người đã xuống đường biểu tình chống Tổng thống Trump.

 

Ở vài nơi, các cuộc biểu tình đã có bạo động, như tại Berkeley, một thành phố đại học của vùng Vịnh San Francisco là khu vực mà các ứng cử viên Đảng Dân chủ thường đạt số phiếu cao đến 70% trong các cuộc bầu cử.

 

Nhóm chủ trương bạo động tại Berkeley biện luận rằng những phát biểu mang tính căm ghét (hate speech) không được phép lên tiếng mà phải bị dập tắt ngay bằng mọi cách.

 

Tổng thống Donald Trump mới nhậm chức hơn một tháng. Các chính sách của ông đưa ra trong thời gian tới có được đa số dân chúng ủng hộ hay không, đến kỳ bầu cử Quốc hội tháng 11/2018 sẽ rõ. Hay trễ lắm là đến tháng 11/2020 khi có bầu chọn tổng thống và Quốc hội.

 

Nhưng ngày đó dường như xa bất tận với những người không ủng hộ chính phủ Trump và đang nóng lòng muốn ông rời Tòa Bạch Ốc ngay lập tức vì lo sợ một nền độc tài phát-xít đang được hình thành. Nhưng điều này khó xảy ra vì Hoa Kỳ là nước dân chủ pháp trị.

 

[nguồn VOA]

 blank

H01: Biểu ngữ chống Tống thống Trump ở MLK Civic Square, Berkeley (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 blank

H02: Người biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump ở Berkeley hôm 4/3/2017. (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 blank

H03: Những người chống đối Tổng thống Trump trong cuộc biểu tình hôm 4/3/2017 ở Berkeley. (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 blank

H04: Đốt phá và bạo động phản đối Tổng thống Trump đã xảy ra tại Đại học Berkeley tối hôm 1/2/2017. (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đâu phải tự nhiên mà người Cộng sản Việt Nam rộ lên “phong trào” bàn về “hòa hợp dân tộc” sau 3 năm thi hành Nghị quyết 36
Khoa học tân tiến nhất của loài người ngày nay đã tìm đến Nguyệt cầu, Hoả tinh, và đã có các phi hành gia bay bổng ra ngoài tầng khí quyển
Khóa giảng hàng năm của đức Đạt Lai Lạt Ma là ngày hội cho Dharamsala... Hàng năm, cứ sau Tết Âm lịch
Khi một xã hội chỉ tìm thấy mẫu mực để bắt chước hay học hỏi từ ở bên ngoài thì rất dễ đánh mất bản sắc của mình vì thần tượng của họ
Trong đoàn quân Pháp sang đô hộ VN có một số quân nhân gốc Phi Châu ưa phá làng phá xóm khiến dân chúng Việt Nam căm ghét
Tình hình ở trong nước các tuần gần đây trước cuộc bầu Quốc hội (QH) vào 20.5.07 đã cho thấy hai chiều hướng phát triển
Trở về Việt Nam sau ba mươi năm lià xa, tôi đã đi không ngừng, Saigon ra Trung, Hà Nôi vô Nam; và mong sẽ quên chuyện non nước mình
Bước vào thế kỷ 21, việc xử dụng đa dạng năng lượng (energy diversity) trong chuyển vận là một trong những suy nghĩ lớn
Cuộc đấu tranh cho dân chủ trong nước đang nở rộ, và tấm gương bất khuất ngàn xưa của Việt Nam đang được lật lại từng trang
Việt Nam là một quốc gia có nhiều danh lam thắng cảnh, với niềm tự hào về nòi giống Rồng Tiên, một nền văn hóa đa dạng và một dân tộc siêng năng
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.