Hôm nay,  

Những truyện cổ tích thời Hùng Vương (5 & 6)

07/02/201700:01:00(Xem: 5075)
Trong không khí đầu xuân Đinh Dậu, mời xem: “Những truyện cổ tích thời Hùng Vương”
____________
Những truyện cổ tích thời Hùng Vương
 
5- Bánh giầy bánh chưng: Tương truyền vua Hùng thứ 6, có 22 Quan Lang (Hoàng tử). Vua bảo: “Ai dâng lễ phẩm để cúng Tiên đế, có ý nghĩa thì sẽ được truyền ngôi”. Các Hoàng tử thi nhau sắm sửa những món ăn sơn hào hải vị để dâng vua cha. Hoàng tử Lang Liêu mẫu hậu mất sớm, không thể tranh tài với các hoàng tử khác, tối ngủ được báo  mộng, thần linh chỉ cách làm “bánh giầy bánh chưng”. Lang Liêu thức dậy nhớ lời thần mách bảo, lui cui tự mình làm bánh, rồi đem dâng vua cha. 
  - Bánh giầy làm bằng bột nếp (hay xôi trắng giã nhuyễn), bánh có hình tròn khum khum, màu trắng rất dẻo và mịn mặt. Khi ăn thường ăn chung với chả giò. 
 - Bánh chưng hình vuông, làm bằng gạo nếp, nhân bằng đậu xanh và thịt heo, gói bằng lá dong hay lá chuối, bóc vỏ bánh màu xanh, ăn ngon, thơm, dẻo. Bánh chưng, ngoài việc thơm ngon, dẻo; còn tượng trưng cho Trời-Đất, vì người xưa nói “Trời tròn Đất vuông”. Dương tượng trưng cho Trời, đàn ông... thuộc giống đực. Âm tượng trưng cho Đất, đàn bà... thuộc giống cái. Vậy “bánh giầy bánh chưng” đã hàm chứa về thuyết âm dương ngũ hành (xem Tử vi-Phong thuỷ tr. 1012), là: Kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ. Hoàng tử Lang Liêu được phụ hoàng truyền ngôi. Miền Trung và miền Nam có bánh tét, cách gói và phẩm chất giống như bánh chưng. 
      Bánh tét để lâu được nhiều ngày, nên vào tháng chạp năm Mậu Thân (1788), vua Quang Trung (xem tr. 325) dùng bánh tét và bánh tráng làm lương thực cho binh sĩ, để di chuyển quân thần tốc từ Phú Xuân đến Tam Điệp, rồi từ Tam Điệp di đến Thăng Long (Hà Nội), bánh tét đã góp phần trong việc tiêu diệt tan tác 20 vạn quân xâm lược Mãn Thanh (Tàu). Từ đấy, đồng bào gói bánh chưng hay bánh tét vào ngày tết.    
      *- Truyện “Bánh giầy bánh chưng”, đã nói rằng thuyết thiên mệnh và thiện nghiệp có ở nước ta từ trước Công nguyên.
  
Inline image
Bánh giầy bánh chưng
   
 6- Chuyện tình ngậm ngùi Trương Chi: Vào thời Hùng Vương, có một chàng trai mồ côi, sinh sống bằng nghề đánh cá, đặc biệt anh ta mặt nhìn rất xấu xí nhưng thổi sáo thì âm thanh du dương réo rắt nghe tuyệt vời. Đêm đêm, anh đậu thuyền thổi sáo âm vang trầm bỗng dặt dìu, đã gây cho con gái của vị quan Tể tướng thương cảm, thường đứng bên cửa sổ lắng nghe tiếng sáo du dương ấy. Có một thời gian chàng bị bệnh, nàng không được nghe tiếng sáo du dương nữa, nàng tương tư phát bệnh, mời những vị danh y chữa trị, thuốc thang không thuyên giảm nên quan Tể tướng tìm hiểu nguyên do, khi biết chuyện thì cho người đi mời Trương Chi đến tướng phủ để thổi sáo cho nàng nghe, nàng lắng nghe tiếng sáo réo rắt thì hết bệnh. Nàng e ấp đến nhìn người nghệ sĩ tài ba, khi thấy mặt chàng quá xấu xí, nàng thất vọng quay mặt không nhìn nữa. 
Nhưng oái ăm thay! Sau khi chàng trở về bến sông quạnh quẽ lại thầm yêu trộm nhớ bóng hình tuyệt sắc giai nhân. Từ đấy bỏ ăn bỏ uống bị bệnh rồi qua đời. Khi Trương Chi chết, trái tim vẫn còn vương vấn mối tình yêu thầm trắc trở, quả tim chàng biến thành một khối ngọc đỏ thắm. Có người may mắn được khối ngọc ấy, đem mài giũa thành một ly ngọc rồi đem dâng quan Tể tướng. Trong một lần yến tiệc, người hầu rót nước trà vào ly ngọc đem dâng cho Tiểu thơ, nàng nhìn vào ly ngọc thì thấy con thuyền Trương Chi đang lung linh như ẩn như hiện, tai nghe tiếng sáo khi xưa của chàng văng vẳng, lúc có lúc không. Nàng ngậm ngùi sụt sùi khóc, những giọt nước mắt đầm đìa rơi vào ly ngọc. Bất ngờ, ly ngọc tự nhiên vỡ tan trong tay nàng. Ôi giọt lệ cảm xúc tận đáy tâm hồn của giai nhân trong trắng, hòa hợp với trái tim vương vấn thiết tha của chàng nghệ sĩ tài hoa, đã gây ngậm ngùi, lưu luyến muôn đời!!! Chuyện tình Trương Chi, nghe xong ai ai cũng ngậm ngùi xót xa. Từ đấy, có biết bao lời thơ tiếng nhạc đã cảm tác từ chuyện tình thương tâm này. Có lẽ nét nhạc cảm xúc của Văn Cao gây nhiều rung động hơn cả:
        “Một chiều xưa, trăng nước chưa thành thơ
Trầm trầm không gian mới rung đường tơ
Vương vấn heo may, hoa yến mong chờ
Ôi! tiếng cầm ca thu đến bao giờ!...”
 *- Chuyện tình Trương Chi, có lẽ Tiền nhân muốn gởi gắm tình yêu trái gái đừng quá câu nệ về giàu nghèo, xấu đẹp, mà lòng yêu thương thành thật là cần thiết chăng?! 
  
 7- Thạch Sanh: Vào thời Hùng Vương, có vợ chồng bác tiều phu Thạch Nghĩa, gia đình nghèo nhưng lương thiện, sinh được một trai khôi ngô tuấn tú, đặt tên là Thạch Sanh. Không lâu cả hai qua đời, Thạch Sanh từ đấy sống côi cút dưới gốc cây đa, chỉ có một cái khố che thân và một cái rìu để đốn củi và dùng để tự vệ.             Một hôm, Thạch Sanh vào rừng, may gặp Tiên Ông dạy cho võ nghệ tuyệt luân. Ngày kia, có anh hàng rượu tên là Lý Thông đi ngang qua đấy ghé lại nghỉ chân. Thấy Thạch Sanh dũng mãnh, nói năng thật thà, lại mồ côi có thể lợi dụng được. Lý Thông xin kết nghĩa anh em rồi đưa Thạch Sanh về nhà ra mắt mẹ già. Bấy giờ có một con Xà Tinh (rắn thành yêu quái), thường bắt người ăn thịt, vua quan muốn trừ nhưng Xà Tinh có phép thần thông nên không trừ được, mà hàng năm còn phải nộp một mạng người cho nó ăn thịt và cất miếu cho nó ở. Năm ấy Lý Thông bốc trúng thăm phải nộp mình cho Xà Tinh. Mẹ con Lý Thông âm mưu lừa Thạch Sanh đi chết thay. Lý Thông nghĩ ra mưu gian bảo Thạch Sanh: “Đêm nay, triều đình cắt phiên anh đi canh miếu Xà Tinh, ngặt vì mẹ đang bệnh, nhờ em đi thay anh.” Thạch Sanh thật thà nhận lời. 
     Thạch Sanh đến Xà miếu đã nửa đêm, thấy Xà tinh xuất hiện gió nổi ào ào, nhe nanh đến bắt Thạch Sanh. Thạch Sanh đấu với Xà Tinh rất ác liệt, cuối cùng giết được Xà Tinh, chặt đầu mang về nhà. Thạch Sanh gọi cửa vào lúc canh ba, mẹ con Lý Thông ngỡ là hồn Thạch Sanh hiện về báo oán nên khấn vái và lạy lục bên trong cửa. Thạch Sanh nghe lời khấn, mới rõ dã tâm của họ nhưng tính bao dung không giận. Vào nhà, còn tỉ mỉ kể chuyện giết Xà Tinh cho mẹ con Lý Thông nghe. Lý Thông nghe xong lại nảy ra âm mưu, dọa rằng: “Xà Tinh của vua, em đã giết chết, em sẽ bị tội chết, hãy trốn đi, để anh tìm cách gỡ tội cho em”. 
      Thạch Sanh đi rồi, Lý Thông đến trình với vua là mình đã giết được Xà Tinh, đầu để tại nhà. Vua phong Lý Thông chức quan lớn, như vua đã bố cáo. Nhà vua có một Công chúa quốc sắc thiên hương, Thái tử các nước tranh nhau xin cưới, nhưng Công chúa chưa chọn được ai. Một hôm, Công chúa đang dạo vườn hoa bị một con Đại Bàng Tinh đáp xuống bắt bay đi. Khi Đại Bàng bay ngang qua cây đa; Thạch Sanh giương cung bắn trúng. Đại Bàng phải bay là đà, Thạch Sanh men theo, thấy Đại Bàng Tinh chui vào một cái hang nên trở về gốc đa. 
   Nhà vua nhớ thương Công chúa, truyền Lý Thông đi tìm để cứu Công chúa, vua còn hứa ai cứu được sẽ gả Công chúa. Lý Thông đem quân tìm khắp nơi nhưng không thấy. Lý Thông đến gặp Thạch Sanh, rồi than thở: “Thạch Sanh ơi! Công chúa bị Đại Bàng Tinh bắt mất, vua truyền lệnh anh đi tìm, nếu tìm không ra thì anh và mẹ sẽ bị giết chết!”. Thạch Sanh tính nhân hậu, động lòng trắc ẩn, dẫn đường Lý Thông đem quân đến hang Đại Bàng Tinh.
      Ai cũng sợ sệt, không dám xuống hang, Thạch Sanh phải xuống hang một mình. Đại Bàng Tinh đang ngủ, Thạch Sanh tìm gặp được Công chúa, gọi quân lính thả thang xuống rồi đưa Công chúa lên. Kế đến, Thạch Sanh lên thang thì Lý Thông đã ra lệnh lính lấy đá lấp kín miệng hang rồi?!!! Do tiếng ồn ào kêu gọi nên Đại Bàng Tinh thức giấc, gầm thét, làm rung chuyển đất đá mờ mịt trong hang. Đại Bàng Tinh giương mấy ngón chân nhọn hoắt đến bắt Thạch Sanh. Thạch Sanh đấu ác liệt và giết được Đại Bàng Tinh. Thạch Sanh đang tìm lối ra thì gặp một chàng trai trông tuấn tú bị giam trong cũi. Hỏi thì chàng trai nói là Thái tử con vua Thủy Tề bị Đại Bàng Tinh bắt giam ở đây cả năm. Thạch Sanh phá cũi cứu Thái tử. Thái tử mời Thạch Sanh đến thủy cung. Vua Thủy Tề vô vàn cảm ơn, tặng Thạch Sanh vô số vàng ngọc và một cây đờn thần, Thạch Sanh chỉ nhận cây đờn làm kỷ niệm. Rồi từ giã vua Thủy Tề và Thái tử trở lại trần gian. 
     Khi Lý Thông biết được Thạch Sanh còn sống, muốn trừ hậu hoạn, sai người lén vào kho vua trộm vàng rồi đem để nơi gốc cây đa là chỗ Thạch Sanh đang trú ngụ. Thạch Sanh bị quân lính bắt giam vào ngục. Từ khi Công chúa lên khỏi hang, lòng xót xa Thạch Sanh bị hại, vì bực tức quá mà hóa câm. Thạch Sanh ở trong ngục buồn bã lấy đờn ra khảy. Tiếng đờn thần kêu réo rắt, rền rĩ: 
       “Đờn kêu tích tịch tình tang
Ai đem Công chúa lên thang mà về...???!!!”
     Khi Công chúa nghe được tiếng đờn thì hồn như tỉnh như mê, uất khí tiêu tan nên nói được. Công chúa bảo lính gọi người khảy đờn vào cung điện. Vua bảo Thạch Sanh thuật lại sự tình. Nghe xong, vua truyền lệnh hạ ngục mẹ con Lý Thông và giao cho Thạch Sanh trị tội. Nhưng Thạch Sanh cho mẹ con Lý Thông trở về làng, đi dọc đường cả hai bị sét đánh chết.         
       Nhà vua cho Thạch Sanh kết hôn với Công chúa. Thái tử các nước, khi xưa cầu hôn đã bị Công chúa từ chối nên sinh hận, cùng hợp binh đến nước Văn Lang quyết báo thù. Thạch Sanh ứng chiến, dùng đờn thần khảy âm thanh réo rắt, tiếng đờn “Khi thì rầm rập như có thiên binh, thiên tướng la hét nơi chiến trường. Lúc thì như lời vợ con của quân sĩ các nước đang than van ai oán cảnh biệt ly...”
      Quân lính các nước nghe tiếng đờn thống thiết thì buồn bã buông gươm bỏ giáo, Thái tử các nước xin hàng, Thạch Sanh cho dọn một nồi cơm nhỏ để họ ăn tiễn biệt nhưng họ ăn mãi không hết, quá cảm phục, cùng cúi đầu tạ tội với Phò mã, xin lui quân về nước. Từ đấy nước nhà yên ổn, dân chúng sống an vui.
   *-  Qua mẩu chuyện Thạch Sanh, cái rìu, cái khố là hình ảnh của Việt tộc của buổi đầu lập quốc. Nồi cơm cho quân lính các nước ăn, biểu lộ Việt tộc bao dung, chan chứa tình người. 
 Tiếng đờn Thạch Sanh thánh thiện, thể hiện tình yêu bao la của Lạc Việt, khác với khúc “Phụng cầu hoàng” của Tư Mã Tương Như để quyến rủ nàng Trác Văn Quân hay tiếng đờn của Khổng Minh ở trận Nhai Đình, chỉ liều lĩnh, táo bạo cầu may đuổi quân của Tư Mã Ý! Tiếng đờn thần kỳ diệu của Thạch Sanh là nét nhân bản của người Lạc Việt vậy?!.
Nguyễn Lộc Yên


Ý kiến bạn đọc
07/02/201722:13:25
Khách
Đúng là bánh dầy( khác với mỏng).Không phải giầy( dép)
07/02/201718:48:09
Khách
Câu chuyện số 5 : Bánh dầy hay bánh giầy thì chữ nào mới chính xác vậy ta ? Cá nhân tôi thì nghĩ chữ " dầy " đúng hơn . Nếu có sai vui lòng thứ lỗi vậy .
Xin cám ơn
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Từ khi xuất hiện tại Việt Nam tới nay, lúc nào đảng Cộng Sản cũng nói tới chuyện ‘ cách mạng, giải phóng ‘, khiến cho ai đã nghe rồi
Cuộc biểu tình của dân oan khiếu kiện nhà đất bị CS cướp giật đã kéo dài đến ngày thứ 23. Từ những ngày đầu, khi đồng bào hải ngoại được tin cuộc biểu tình
Tường thuật về những ngày cùng bà con các tỉnh phía nam biểu tình đòi lại tài sản bị cướp đoạt phi pháp tại Văn Phòng Đại Biểu Quốc Hội 194 Hoàng Văn Thụ
Tôi gọi họ là "Người Việt Gốc Mỹ" bởi vì họ đã sinh ra ở Việt Nam, nhưng cha của họ đều là những chiến binh Hoa Kỳ
Là người mê chơi, nhất là mấy thứ đồ xưa, đặc biệt là những chiếc đồng hồ cổ. Ở Việt Nam thì những lọai này bây giờ đã trở thành hàng hiếm
Quảng trường Tự Do (Freedom Plaza) của thành phố Cabramatta một lần nữa lại bừng lên với cuộc xuống đường
Đây là khu phố sầm uất nhất của người Việt di dân tại quận Cam, tiểu bang California. Từ thành phố Midway, trên đường Bolsa, đi về hướng đông
Pocahontas là con gái của tù truởng Powhatan của bộ tộc Algoquian ở vùng Virginia bây giờ. Truyện tình của anh chàng thủy thủ Da Trắng với cô nàng người Da Đỏ
Tuần qua, chính trường Hoa Kỳ lại om xòm với một vụ tranh luận kép: ngoài tình hình Iraq là việc al-Qaeda có thể sẽ lại tấn công nữa
Nhắc lại miền Nam, Nguyễn khắc Toàn viết: “... Mô hình chế độ chính trị Nhà Nước Việt Nam Cộng Hòa trước đây, khi ở miền Bắc tôi đã được tuyên truyền rằng
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.