Hôm nay,  

Khói thuốc năm xưa

05/02/201700:01:00(Xem: 6013)
Khói thuốc năm xưa
 
Sean Bảo

blank 
Truyền thuyết của người da đỏ Huron ở Bắc Mỹ ngày xưa kể rằng: Khi mặt đất này trống trải hoang vu và mọi người đều đói khát thì Thần linh đã gởi một phụ nữ bay xuống trần gian để cứu loài người. Khi bà ấy lượn quanh quả đất, nơi nào tay phải của bà chạm đất, nơi ấy mọc lên khoai tây, nơi tay trái bà ấy chạm đất, thì bắp mọc lên. Khi cả trái đất xanh tươi, sum sê và màu mỡ, bà ngồi xuống nghỉ ngơi, và nơi bà ấy ngồi mọc lên cây thuốc lá.  
Theo các nhà khảo cổ thì thuốc lá có từ 6,000 năm trước CN ở Châu Mỹ. Chúng có cùng họ với cây khoai tây, cây ớt, cây cà...Vào đầu thế kỷ 1 trước CN thì thổ dân châu Mỹ đã biết dùng thuốc lá như là thuốc men chửa trị cầm máu vết thương, làm thuốc giảm đau...Hút khói thuốc lá trong các lễ hội tế thần, nhờ khói thuốc giao cảm với đất trời và bày tỏ tình thân hiếu hòa với các bộ lạc. Một chậu đất nung trước thế kỷ 11 của người Maya cổ xưa đã có chạm hình một điếu thuốc lá vấn bằng sợi dây. Khi Kha Luân Bố dong buồm lạc đến Châu Mỹ mà ngỡ rằng đã đến Ấn độ năm 1492, thì những người thổ dân đã mời những điếu thuốc lá khô với người da trắng đầu tiên. Robert Pane người tháp tùng Kha Luân Bố đã ghi chép lại những dòng đầu tiên về cây thuốc lá và người bản xứ. 
Nhanh chóng sau đó, thuốc lá theo những người thủy thủ trở về Châu Âu, thuốc lá được quý như vàng, là món hàng "thời thượng" ngày càng phổ biến. Đến năm 1607, khi những người Anh tiên phương đến nước Mỹ, lập nên thuộc địa đầu tiên Jametown ở Virginia, thì thuốc lá là cây trồng đầu tiên mà hạt giống nhập lậu từ Tây Ban Nha, đã giúp những người di dân mới đến vùng đất hoang hóa này có được thu nhập và tồn tại sau này. Chính những dải đất ven sông pha cát màu mở đã nhanh chóng phủ đầy màu xanh cây thuốc lá. Và công lao ấy nhờ John Rolfe, người chồng sau này của nàng công nương thổ dân da đỏ Pocahontas. Cũng nhờ cây thuốc lá chịu đựng được khí hậu và thổ nhưỡng mà vụ mùa đầu tiên đã cứu sống những người định cư. Thuốc lá gieo trồng trên mảnh đất này lại có vị ôn hòa, dịu nhẹ, làm người dân Châu Âu ưa chuộng. Thuốc lá được vận chuyển về Châu Âu và 20 người nô lệ da đen ở Châu Phi đầu tiên được chở tới bán ở Virginia. Đến năm 1619 thì một chuyến tàu chở các người vợ của các người đàn ông đã đến định cư trước đó, giá cước vận chuyển cho mỗi cô vợ được tính bằng 120 lbs thuốc lá. Năm sau nữa thì Anh quốc nhập đến 20 tấn thuốc lá từ Virginia. Lá thuốc lá được xem là "vàng nâu" dùng làm tiền tệ trao đổi hàng hóa, đóng thuế, trả nợ và ngay cả giấy phép hôn nhân. Nhu cầu của thuốc lá càng cao từ Châu Âu đã kích thích nguồn buôn nô lệ da đen chở đến Châu Mỹ. Trồng trọt cây thuốc lá đã dẫn đến gia tăng giá cả đất đai và luật lệ ở các thuộc địa mới. Cùng với kỹ nghệ trồng bông vải sau này, thì chính cây thuốc lá là cội nguồn cho những nỗi khổ triền miên của người nô lệ da đen, dẫn đến hệ lụy các cuộc chiến tranh của người Châu Âu với dân bản xứ da đỏ, của lịch sử nước Mỹ với cuộc nội chiến Bắc Nam kinh hoàng sau này. Cây thuốc lá cũng là nguồn tài trợ giúp những cư dân thuộc địa đầu tiên làm cuộc cách mạng chống lại mẫu quốc Anh để hình thành nên nước Mỹ ngày nay. George Washington vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ cũng là người có nông trại thuốc lá rộng lớn ở Mount Vernon. Thuốc lá trở thành nguồn lợi thu thuế chính 1/3 cho ngân sách nước Mỹ.
Vào thế kỷ 17 thì những người thổ dân và thuộc địa chỉ dùng ống vố, đôi khi hút trong cùi bắp khô hoặc cuốn lại bằng lá như xì-gà. Họ ngậm, nhai lá thuốc như người Việt nhai trầu. Ngậm lá thuốc thì phải nhổ bã và nước bọt, dơ ghê lắm. Một ghi chép của sử gia ngày đó kể lại rằng: 
Những người lính của 2 miền tìm cảm giác an ủi trong những viên lá thuốc vấn và tiếp tục ngậm trong miệng về theo sau cuộc chiến. Trên cánh đồng họ cày bừa và tha hồ nhổ bọt mà không sợ làm phiền ai. Ở trong nhà và nơi hành chánh công cộng họ được nhổ vào những chậu bằng đồng để sẳn góc phòng. Ở nhà thờ những băng ghế cũng có những ống nhổ nhỏ. Khi tổng thống Andrew Johnson kế vị Abraham Lincoln vào Nhà Trắng, trong buổi lễ hòa giải và miễn tội cho gần 20 ngàn sĩ quan Confederate binh lính miền Nam thì sàn nhà các khánh phòng của Nhà Trắng ngập đầy vết bọt nhổ từ thuốc lá ngậm...
  
Phải đợi đến khi James Bonsack chế ra máy vấn thuốc lá năm 1881 thì kỷ nguyên thuốc điếu, bỏ trong hộp giấy mới bùng nổ và phát triển. Đó là thời kỳ hoàng kim cho các doanh nghiệp sừng sỏ như Philip Morris đã mua lại các hãng nhỏ ở Richmond, Virginia và bắt đầu tạo ra thương hiệu riêng cho mình sau này như Marlboro, Virginia Slims, Benson & Hedges, Merit, Parliament...Công ty R. J. Reynolds thành lập 1875 ở Virginia đã làm ra các nhãn hiệu phổ biến như Lucky Strike, Newport, Camel, Doral, Kent và Pall Mall...Khi thế chiến I và II nổ ra, thuốc lá được cung cấp cho các người lính miễn phí, trong khi ở hậu phương, những người phụ nữ vào làm hãng xưởng, thì điếu thuốc lá đầu tiên khuây khỏa nỗi nhớ mong khi chồng con xa nhà. Chiến tranh làm thúc đẩy kỹ nghệ sản xuất thuốc lá đến 300 tỉ đô vào năm 1944. 75% số thuốc lá sản xuất được dùng trong quân đội.  
Kể từ đó các quảng cáo thuốc lá theo các tờ báo, các bảng billboards, các màn hình nhỏ ảnh hưởng sâu rộng đến khắp nơi. Không riêng gì các chính khách hút thuốc vì căng thẳng việc nước, mà các giai nhân tài tử màn ảnh cũng hút. Một Audrey Hepburn cổ điển hay Angelina Jolie đẹp kiêu sa cũng cần điếu thuốc, một Clint Eastwood cao-bồi lầm lì đến một Leonardo DiCaprio trẻ trung cũng phì phèo khói thuốc. Thuốc lá trở nên một ngôn ngữ trợ giúp cho điện ảnh thể hiện nội tâm nhân vật. Hình ảnh một phụ nữ xinh đẹp gợi cảm dáng hình thon thon luôn nằm trên các bao bì và quảng cáo thuốc lá.  
Tác hại to lớn của thuốc lá là điều hiển nhiên và sớm bị ngăn ngừa khi năm 1965 Quốc hội đã áp dụng Dự luật quảng cáo thuốc lá, buộc các sản phẩm phải có dòng chữ "Thuốc lá có hại cho sức khỏe". Hạn chế các quảng cáo khắp nơi. Thế nhưng các nhà sản xuất thuốc lá đã khôn khéo đánh lừa người tiêu thụ bằng các sản phẩm mới được xem là "low tar" chứa ít nhựa nicotin. Gọi là Mild, Light, Ultra Light nhưng thực sự thì không phải thế. Người dùng càng ngày càng nghiện và càng hút nhiều. Dần dà các quảng cáo thuốc lá bị cấm khắp nơi, trên TV, báo chí truyền thông. Cấm hút thuốc ở nơi công sở, nhà hàng, quán ăn và nơi công cộng. Cấm hút thuốc ở máy bay, xe, tàu...Người hút thuốc lá càng ngày được xem như kẻ outlaw, bị công chúng né tránh. Điều hạn chế thuốc lá hiệu quả nhất chính là thuế đánh thật cao lên thuốc lá. Một bao thuốc lá mua lẻ ở New York hiện nay với giá 14 đô hay 21 đô ở Melbourne, Úc Châu hẳn làm chùn tay người nghiện. Các công ty thuốc lá đành tìm thị trường ở các nước Châu Phi, Châu Á. 
Nhắc đến Châu Á lại nhớ những điếu thuốc rê, thuốc lá vấn như con sâu kèn. Hồi ấy về quê hỏi đường xá. Các cụ già miệng ngậm điếu thuốc cứ vung tay bảo: đi hết chừng điếu thuốc là tới...Điếu thuốc hút được làm đơn vị đo lường thời gian. Khoảng thời gian nghèo đói ảm đạm. Lại nhớ điếu thuốc lá Cẩm Lệ. Ngày ấy mẹ hay nhờ đi mua gói thuốc lá nâu sậm nhỏ như cái bánh nậm, quấn trong miếng lá chuối tươi, kèm theo 1 dung giấy quyến. Ở Ngã giữa phố Phan Bội Châu, nhìn những người thợ mua lá thuốc về từ Cẩm Lệ (Hòa Vang), sau khi ủ họ trải lên sàn nhà, tước thân cây và gân lá nấu keo thành cao đặt sánh rồi rãy lên lá thuốc, lá được quấn lại thành từng bánh nhỏ to bằng ngón chân cái, cuộn thành bánh thuốc dài, sau đó bỏ vào máy xắt nhỏ ra từng sợi thuốc mỏng. Mẹ quấn những điếu sâu kèn, ngồi bên bếp lò than, mùa đông rét mướt nhớ chồng lao cải trên núi xa. Tôi thì rít lấy những điếu thuốc mang mộng ảo khói sương của thuở biết yêu người. Cha trở về quê nhà mang theo ống điếu thuốc Lào. Cả nhà mịt mù khói thuốc. Thuốc lá làm cho mùa đông bớt giá buốt, cho bụng bớt đói, đầu óc bớt lo âu về tương lai vô định. Những quầy bán thuốc lá nhỏ mọc lên khắp phố, bán lẻ từng điếu thuốc. Đằng sau quầy là những cô gái có khi bán cả thân xác về đêm. Bên cạnh là những quầy bơm hộp quẹt gaz của những người thất nghiệp, trắng tay sau cuộc bể dâu. Cuộc đời tự dưng có những cái nghề chưa nơi nào trên thế giới có được.   
Thế rồi rồi ai cũng bỏ thuốc. Chàng cao-bồi trên màn bạc chỉ ngậm cọng cỏ, gã gangster gồ ghề chỉ ngậm cây tăm xỉa răng, nàng con gái thất tình chỉ ngậm ngọn tóc, nhà thơ chỉ ngậm cây bút chì khi suy tưởng. Những vần thơ không còn nỗi "nhớ nhà châm điếu thuốc, khói huyền bay lên cây". Khúc hát Smoke Gets In Your Eyes: When your heart's on fire. You must realize. Smoke Gets In Your Eyes. Khi trái tim cháy ngọn lửa tình, biết là khói thuốc cay trong mắt. Thì sẽ được hát mà chẳng có khói thuốc nào trên môi, trên mắt. Chẳng có khói thuốc nào cho những cuộc tình của thế kỷ này. Dù khi nước mắt rơi người ta vẫn đổ thừa cho khói thuốc. Cũng như khi hoài niệm về những điếu thuốc lá, từ thuở lập quốc của nước Mỹ đến ngày thơ ấu ở quê nhà. Mắt cứ cay và lòng cứ ngây ngây.  
Sean Bảo
(Kính mời độc giả đọc Chuyện Xưa Kể Lại phát hành tại Amazon)



Ý kiến bạn đọc
06/02/201720:21:34
Khách
Nghiện thuốc lá không làm tan cửa nát nhà và hư xã hội bằng nghiện sòng bạc. Nó cũng nhẹ đô hơn nghiện mỹ phẩm, nghiện shopping, nghiện giày dép, nghiện nâng mũi sửa cằm và...silicon. Thuốc lá đã hết thời vàng son để các thứ...lẩm cẩm khác lên ngôi. Nhưng lên gì thì lên, tui chỉ thấy mấy thứ lẩm cẩm chẳng ai làm thơ, viết nhạc. Và chẳng ai thấy Smoke get in your eyes nó đẹp não nùng và lãng tử như thế nào....Tặng câu cuối này cho những người còn...ru đời vào quên lãng. Cám ơn tác giả!
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ông sinh 1979, quê Yên Bái, là một giáo viên dạy sinh, hóa tại Lào Cai. Sau đó, ông chuyển về Hà Nội tiếp tục dạy học tại một ngôi trường cấp 2 và học thêm ngành luật. Năm 2015, ông quyết định thôi việc sau khi lá đơn yêu cầu cải cách giáo dục, đòi hỏi những lợi ích chính đáng cho học sinh của ông bị từ chối. Năm 2017, Lê Trọng Hùng bắt đầu đưa tin với tư cách là một “nhà dân báo” trên Facebook và YouTube, bình luận về các vấn đề chính trị - xã hội và tư vấn cho dân oan cách kiến nghị, khiếu kiện lên các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước. Ông tự bỏ tiền túi ra để mua hàng ngàn cuốn Hiến Pháp Việt Nam, tặng cho nhiều người và giảng giải cho họ về những điều quy định trong hiến pháp, pháp luật. Ông là một con người giàu lòng nhân ái, từng nhiều lần hiến máu nhân đạo để cứu người.
Cuộc phỏng vấn được thực hiện với Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, một người quan tâm đến các cộng đồng dân tộc ở Việt Nam, đặc biệt là người Hoa, người Chăm, người Thượng và người Khmer...
Từ năm 1949, người thành lập đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) Hồ Chí Minh đã khoe “Đảng ta là vĩ đại, là đạo đức, là văn minh”. Về sau Đảng tự phong lên “thật là vĩ đại”. Không những thế, các thế hệ nối tiếp lại còn đồng ca “Đảng không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.” Nhưng đảng lại tự cho mình quyền lãnh đạo độc quyền; không cho tư nhân ra báo và kiểm soát các quyền tự do cơ bản của con người, kể cả quyền tự do tư tưởng và tự do tôn giáo khiến nhân dân nghi ngờ, đảng viên hoang mang...
Hôm thứ Ba, 26/9/2023, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công bố một văn kiện nhan đề “Một cộng đồng toàn cầu trong một tương lai chung” với nội dung có thể xem như là tầm nhìn mới của Trung Quốc về một trật tự thế giới do Trung Quốc lãnh đạo, thay thế trật tự hiện thời do Hoa Kỳ đứng đầu...
Trong một tập phim của chương trình truyền hình “Boston Legal” năm 2006, luật sư bảo thủ Denny Crane khẳng định rằng ông có quyền hiến định để mang theo một khẩu súng giấu kín: “Và Tối Cao Pháp Viện sẽ nói như vậy, ngay sau khi họ lật ngược án lệ Roe v. Wade.” Với một bộ phim được phát sóng cách đây 17 năm, đó là một trò đùa, một sự việc không thể tưởng tượng nổi vào thời điểm đó. Tuy nhiên, vào năm 2022, TCPV đã công bố cả hai thay đổi, chuyển một trò đùa không tưởng thành luật pháp của đất nước trong chớp mắt – báo hiệu sự khởi đầu của “cuộc cách mạng hiến pháp.”
Quãng hơn chục năm trước, nhà mình mua 1 mảnh đất gần 500m2 để xây nhà. Trên mảnh đất đó có 1 cây phong, cây mà lá của nó là biểu tượng trên cờ Canada. Cây phong không có tội tình gì ngoài chuyện đứng chình ình giữa vườn, nên nhà mình quyết định chặt đi; giá nó đứng ở góc thì sẽ không chặt chiếc gì …
Tình hình kinh tế Việt Nam đan xen mảng xám trong nhiều lĩnh vực của hệ thống tổ chức khiến nhà đầu tư lo âu và mức tiêu dùng của dân co lại...
Lá vẫn còn xanh. Hè vẫn còn nấn ná. Trời vẫn chưa muốn vào thu mà (không dưng) sáng nay California chợt thoáng chút âm u, và lấm tấm vài hạt mưa nho nhỏ. Mưa chưa ướt đất nhưng cũng đủ làm cho tôi hơi thấy ngại ngần khi nghĩ đến chuyện phải ra khỏi nhà chỉ vì một ly cà phê nóng.
Sau khi nâng cấp ngoại giao lên “Đối tác chiến lược toàn diện” với Mỹ trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden (10-11/09/2023), thế đứng chính trị của Việt Nam với nước láng giềng Trung Quốc đã tự tin hơn.
Theo tin Tổng Hợp ngày 10/9/2023, theo chân bốn đời tổng thống tiền nhiệm, Tổng Thống Joe Biden thăm Việt Nam với đoàn tùy tùng hủng hậu bao gồm các viên chức cao cấp của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, Bộ Ngoại Giao cùng những công ty khổng lồ…không ngoài mục đích biến Việt Nam thành quốc gia hùng mạnh, độc lập, tự chủ để không còn lệ thuộc vào Trung Quốc...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.