Hôm nay,  

Nghe CD 10 Bài Đạo Ca Do Ca Sĩ Bích Liên Hát: Mười Phương Mây Nổi Như Cánh Hoa Trôi

01/02/201700:00:00(Xem: 6762)
Ngày Mùng Một Tết Đinh Dậu người viết nhận được một món quà ưa thích từ nữ ca sĩ Bích Liên tặng. Đó là CD Đạo Ca Giữa Thành Quách Sương Mù gồm 10 bài đạo ca mà cố nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ thơ của thi sĩ Phạm Thiên Thư do ca sĩ Bích Liên hát với phần hòa âm phối khí của nhạc sĩ Hoàng Công Luận.

CD Dao Ca - Front
Hình bìa CD Đạo Ca.

CD Đạo Ca này đã được giới thiệu trong buổi sinh hoạt văn nghệ cuối năm tại Hội Trường Việt Báo trên Đường Moran, thành phố Westminster, với chủ đề Tâm Xuân vào tối Thứ Bảy, ngày 14 tháng 1 năm 2017 với sự góp mặt của nhiều ca sĩ được  mến mộ như Kim Tước, Bích Liên, Thương Linh, Phạm Hà, Trần Đại Phước, Lan Hương, Phạm Duy Hùng, Nhóm Cát Trắng và Ban Nhạc Hoàng Công Luận.

Rất tiếc, hôm đó người viết không thể có mặt để thưởng thức! Nhưng bù lại mấy ngày Tết năm nay được nghe đi nghe lại nhiều lần CD Mười Bài Đạo Ca do ca sĩ Bích Liên tặng thì đã “phê” và thỏa mãn lắm!

Cảm nhận đầu tiên mà người viết có được là sự ngạc nhiên đến thích thú khó tả về sự kỳ diệu khi thơ của thi sĩ Phạm Thiên Thư được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và được ca sĩ Bích Liên hát. Khi nghe những bài Đạo Ca này qua giai điệu của bài hát người viết có cảm  nhận như là Phạm Duy đã chắp đôi cánh vào thơ Phạm Thiên Thư và ca sĩ Bích Liên thì dùng nội lực thinh âm để thổi đôi cánh của thơ bay bổng lên cao, cao vút, cao tận cõi trời không mênh mông bát ngát.

Nói như thế không phải là quá đáng vì người viết đã từng đọc và yêu thơ của thi sĩ Phạm Thiên Thư từ lâu lắm. Nhưng, cảm nhận lúc đọc thơ và lúc nghe nhạc đã phổ thơ của ông thì khác hẳn. Đó là hai cảm trạng, hai thế giới khác nhau.

Đọc thơ, tâm đắc và thấm ý thì người đọc cũng có những cảm nhận thật sâu lắng, vì trong thơ vốn có nhạc. Nhưng âm ba nhạc tính trong thơ đi từ đôi mắt vào tâm, vào lòng một cách lặng lẽ âm thầm. Còn nghe thơ qua bản nhạc được ca sĩ hát lên thì đi từ  tai, và đôi khi cảm nhận cả toàn thân 6 căn, nên cảm xúc lan tỏa khắp thân tâm, rất tràn đầy, rất viên mãn. Đọc thơ đôi khi phải vận dụng đến tư duy để hiểu và thú vị. Nghe nhạc thì nhạc điệu, tiếng hát cất lên là đi thẳng vào lòng, vào hồn, vào tâm, không cần phải đắn đo suy nghĩ gì cả, mà cảm nhận ngay tức thì. Cũng ngay trong khoảng khắc tức thì đó người nghe bay bổng hay trầm mình theo giai điệu, theo lời nhạc.

Nói thật, đây là lần đầu tiên người viết nghe trọn vẹn tiếng hát của ca sĩ Bích Liên diễn đạt 10 Bài Đạo Ca. Càng nghe người viết càng thích. Người nữ ca sĩ này có chất giọng thật là mượt mà, cao vút mênh mông mà cũng trầm ấm sâu thẳm. Ca sĩ Bích Liên ngoài thiên phú chất giọng còn điêu luyện trong kỹ thuật diễn đạt bằng giọng hát để lột tả trọn vẹn tứ thơ của gã thi sĩ họ Phạm.

Chẳng hạn, trong Bài Đạo Ca số 1 có tên Pháp Thân, ca sĩ Bích Liên thổi nội lực thinh âm vào lời bản nhạc để đẩy người nghe thâm nhập thật sâu vào cõi Pháp Thân, cõi nhất thể của ngã và pháp, của chủ và khách, của ta và người, bằng cách phát âm tròn, nhanh, lấy lực âm thanh thật sâu mạnh chữ “a ha,” để diễn tả cảm thức bùng vỡ  khi giác ngộ tính vô ngã giữa ta và  người qua câu hát:

“A ha, ta tuy hai mà một! A ha, ta tuy một mà hai!

A ha, ta tuy hai mà một! A ha, ta tuy một mà hai!”

“Pháp thân” là thuật ngữ nhà Phật, tiếng Sanskrit (Phạn) là “Dharmakaya”. Dharma là pháp. Kaya là thân. Chữ Pháp bao gồm nhiều nghĩa: về lý nó chỉ lý tánh, pháp tánh, phép tắc,  nguyên lý; về sự nó chỉ tất cả mọi sự mọi vật, từ hữu hình đến siêu hình, từ tâm đến cảnh. Pháp thân là bản thể của tất cả các pháp, là chân thân của pháp. Nó vô tướng vô hình. Trong Phật Giáo Đại Thừa, Pháp thân chỉ cho một trong ba thân của Phật: Pháp thân, báo thân và ứng thân. Vì là bản thể của tất cả pháp cho nên Pháp thân vượt qua mọi giới hạn, không phân biệt ta người, chủ khách. Diệu nghĩa này được chàng thi sĩ họ Phạm đưa lên tới tột đỉnh qua đạo lý tánh không hay vô ngã trong Bài Đạo Ca Số 9 ở câu hát:

“Tôi không là tôi, Người không là người,” vì tất cả các pháp là:

“Mười phương mây nổi như cánh hoa trôi

Như sóng ra khơi, như hơi gió thổi

Như mây xa vời, như bóng hạc trời”

Chỗ này giống hệt như ý trong Kinh Kim Cang Bát Nhã:

“Tất cả các pháp có tạo tác đều như giấc mộng, huyễn hóa, ảo ảnh, bọt nước, sương mai, điện chớp.”

Có lẽ vì thế, nhạc sĩ Phạm Duy đã dẫn người nghe vào Đạo Ca qua cánh cửa Pháp thân. Nhưng đó là cánh cửa không cửa (vô môn), là cửa Không vậy! Không là triết lý tánh không của nhà Phật. Không không phải là chẳng có gì, hay đối nghịch với có. Không là vì bản chất của mọi sự vật đều không có tự tánh cố định, là vô ngã. Không tựu thành mọi pháp và nằm ngay trong mọi hiện hữu.

Bước vào cửa Không của nhà Phật thì thấy ngay Đại Nguyện, là nguyện lớn cầu thành Phật và cứu khổ chúng sinh.

“Thương người như thương thân! Thương người như thương mình!”

Lời nhạc của Bài Đạo Ca Số 2 Đại Nguyện đã được ca sĩ Bích Liên cất cao lên như thế. Và cứ lập đi lập lại mấy lần để nhắc người nghe rằng Đại Nguyện là phải luôn luôn ghi nhớ và thực hành.

Đại nguyện của nhà Phật không phải chỉ là lời nguyện ước suông, nói rồi để đó mà không làm, hay làm những việc dễ làm cho qua loa mà thành được Đạo. Đại Nguyện đôi khi được thể hiện qua hình ảnh của Chàng Dũng Sĩ  như Đạo Ca Số 3 đã chuyên chở qua giọng hát lảnh lót, hùng tráng, cao vút và sắt như gươm báu vừa tuốt ra nơi sa trường. Lời và nhạc ở đây theo nhịp quân hành, mạnh, hùng, bi tráng, dũng mãnh.  

Biểu tượng cao cả của sự thành tựu đại nguyện chính là hình ảnh bồ tát Quán Thế Âm. Bài Đạo Ca Số 4 làm động lòng người qua câu chuyện tấm lòng yêu thương bao la vô tận của người Mẹ. Người Mẹ đó là bồ tát Quán Thế Âm. Trong truyền thống Đại Thừa Phật Giáo, bồ tát Quán Thế Âm tượng trưng cho lòng từ bi vô lượng của chư Phật và bồ tát. Vì thế, ngài thường thị hiện thân nữ nhân, thân người mẹ để cứu khổ chúng sinh. Ngài xem chúng sinh như con. Lời thơ của thi sĩ Phạm Thiên Thư vừa đẹp, thơ mộng và đầy cảm xúc.

“Có bà mẹ đi tìm con trên đỉnh đồi lan trắng

Có bà mẹ đi tìm con trong động hang lan vàng

Có bà mẹ đi tìm con trong thung lũng cỏ hoang…”

Lúc nghe Bài Đạo Ca này người viết đắm mình trong lời ca như đang nghe ca sĩ Bích Liên thuật lại câu chuyện mà thi sĩ Phạm Thiên Thư đã viết và nhạc sĩ Phạm Duy kể lại. Nó sâu lắng và thấm đẫm tình người, một tình yêu cao thượng đáng tôn kính.

CD Mười Bài Đạo Ca khép lại ở Bài Đạo Ca Số 10 Tâm Xuân, mà thực ra là mở ra khung trời mới lạ khác. Đó là khung trời ngập tràn hương sắc thiên nhiên. Nhưng lại không ở đâu xa mà nằm ngay trong tâm mình.

“Mùa xuân có không? Hay là cõi Tâm?

Mùa xuân có không? Hay là cõi không?

Về nguồn về cội! Về nguồn về cội!

Để rồi vươn tới, với lòng mênh mông…”

Ca khúc chấm dứt với âm vận bằng nguyên âm “ô”, tròn trịa, viên mãn, bao la và bát ngát!

Từ “cõi không” làm duyên khởi cho mùa xuân hiện hữu. Mà cũng từ cõi này mùa xuân mang vóc dáng của nàng xuân diễm ảo, thơ mộng!

Người viết yêu thích cõi thơ của thi sĩ Phạm Thiên Thư vì dù ông làm thơ Đạo rất thâm sâu và cao siêu, nhưng ông hiếm khi sử dụng thuật ngữ nhà Phật có thể khiến người đọc không quen khó hiểu. Vì thế nhạc phổ thơ ông rất dễ thấm sâu vào lòng người nghe. Và chắc chắn dư âm của Mười Bài Đạo Ca sẽ còn đọng lại sâu trong tâm người nghe cũng nhờ tiếng hát sung mãn của ca sĩ Bích Liên.

Cũng không thể không tán thưởng tài hòa âm phối khí của nhạc sĩ Hoàng Công Luận cho CD này. Người viết thích nhất là cách hòa âm với giai điệu đúng cách, lúc trầm, lúc bổng, lúc sâu lắng, lúc sôi trào tùy theo ý thơ và lời nhạc. Nói chung, nhạc sĩ họ Hoàng nắm bắt được giai điệu của nhạc thiền, lắng dịu, thênh thang...

CD Đạo Ca gồm 10 ca khúc, nhưng ở đây người viết chỉ xin được giới thiệu sơ qua một vài bài, nên chắc chắn không làm sao nói hết được những điều đặc sắc của toàn bộ CD Đạo Ca này. Người đọc tốt nhất là nên có một CD để tự mình thưởng thức thì sẽ cảm nhận được hết cái hay cái đẹp của tập CD.

Xin cảm ơn thi sĩ Phạm Thiên Thư, nhạc sĩ Phạm Duy và ca sĩ Bích Liên.

CD Mười Bài Đạo Ca do ca sĩ Bích Liên thực hiện do Thúy Nga đại diện phát hành, 9295 Bolsa Avenue, Westminster, CA 92683 USA, (714) 894-5811.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.