Hôm nay,  

Trung Quốc Bị Áp Lực, Vn Đáng Lo

25/05/200500:00:00(Xem: 10962)
Trung Quốc bị áp lực từ nhiều phía là cải thiện chế độ ngoại hối và xuất khẩu, nhất là sau khi bộ Ngân khố Hoa Kỳ gần như ra tối hậu thư đòi Bắc Kinh điều chỉnh trị giá đồng nhân dân tệ của họ. VN sẽ ra sao"
Diễn đàn Kinh tế đài RFA tìm hiểu về vấn đề này cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa trong chương trình chuyên đề do Việt Long thực hiện.
Hỏi: Tin tuần qua cho thấy là Trung Quốc đang bị sức ép từ nhiều phía là phải cải tổ chế độ xuất khẩu và ngoại hối. Trước khi tìm hiểu về nguyên nhân, xin ông lược thuật cho thính giả rõ về bối cảnh của vấn đề này.
-- Về bối cảnh vấn đề thì từ vài năm nay, các nước đối tác thấy hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường của họ với giá cực rẻ. Đã vậy, từ tháng Hai năm 2002, khi tiền Mỹ bắt đầu sụt giá thì đồng nhân dân tệ Trung Quốc sụt theo vì được giàng giá vào đô la Mỹ hàng Trung Quốc vẫn quá rẻ và gây thiệt hại cho Hoa Kỳ. Vì vậy, từ tháng Chín năm 2003, Hoa Kỳ đã yêu cầu Bắc Kinh phải điều chỉnh chế độ ngoại hối cho linh động để giữ thế cạnh tranh bình đẳng hơn.
Hỏi: Và vì vậy mà tuần qua họ mới gây áp lực với nhà cầm quyền Trung Quốc"
-- Vâng, các đối tác với Trung Quốc bắt đầu nêu vấn đề và đưa ra biện pháp trả đũa. Trước hết là Quốc hội Mỹ đưa dự luật trừng phạt Trung Quốc về chính sách can thiệp hối đoái nhằm giảm giá đồng bạc và tạo thế cạnh tranh bất chính. Kế tiếp là Bộ Thương mại Mỹ cũng hai lần đặt hạn ngạch kiểm soát hàng dệt may Hoa lục vào Hoa Kỳ vì trong có ba tháng lượng hàng nhập khẩu này đã tăng 1.500% và gây thiệt hại cho nhà sản xuất và công nhân Mỹ. Thứ Ba tuần qua, nhân báo cáo trước Quốc hội về tình hình ngoại hối, bộ Ngân khố Mỹ cảnh báo là Bắc Kinh phải giải tỏa chế độ ngoại hối nếu không thì sẽ bị liệt vào thành phần quốc gia đã can thiệp vào thị trường hối đoái và bị trả đũa. Ngay sau đó, bộ Ngân khố Mỹ bổ nhiệm một đặc sứ trực tiếp theo dõi vụ việc và gần như ra tối hậu thư là Bắc Kinh có ba tháng để đáp ứng yêu cầu này. Cần nói thêm là Hội đồng Âu châu cũng nêu vấn đề tương tự Hoa Kỳ về ngành dệt may của Trung Quốc. Vì ngần ấy biến cố dồn dập, dư luận mới nói đến viễn ảnh của một trận chiến mậu dịch vào một thời điểm thực ra sinh tử cho lãnh đạo Bắc Kinh.
Hỏi: Xin hỏi ngay rằng một số dư luận cho là trong loạt vấn đề này, các nước liên hệ đều chỉ trích Trung Quốc vì những động lực chính trị hơn là vì nguyên nhân kinh tế, ông nghĩ sao"
-- Tôi thiển nghĩ là lối trình bày ấy đúng mà vẫn sai vì trong việc buôn bán, nếu có tranh chấp liên hệ tới vài triệu đô la, đó là vấn đề kinh doanh; nếu lên tới vài trăm triệu hay vài chục tỷ thì đó là chính trị, lý luận kinh tế có khi chỉ là cái cớ để đôi bên đổ lỗi cho nhau. Việc Trung Quốc bị áp lực vừa là phản ứng bảo hộ mậu dịch của các nước, tức là dụng ý chính trị, nhưng chính quyền Bắc Kinh cũng có trách nhiệm. Cho nên, tùy quan điểm mà tin tức được trình bày hay suy diễn theo chiều hướng này khác và vì vậy, gây thắc mắc cho dư luận.
Hỏi: Xin ông giải thích thêm về hiện tượng ấy trước khi ta đi vào nguyên do của vấn đề.
-- Hoa Kỳ bị khiếm hụt mậu dịch và chi phó vì tiết kiệm ít hơn nhu cầu đầu tư đó là thực tế, vì vậy mới bị đả kích là lấy vấn đề Trung Quốc làm cái cớ và hiện nay, Quốc hội lẫn Hành pháp đang bị áp lực bảo hộ mậu dịch rất mạnh nên mới gây sức ép với Bắc Kinh. Cũng thế, kinh tế Liên hiệp Âu châu đang bị trì trệ và Ngân hàng Trung ương Liên Âu lại không hạ lãi suất nên lời cáo buộc Trung Quốc mới bị suy diễn là thiếu giá trị. Tuy nhiên, tự thân thì Trung Quốc quả là đang có vấn đề với chế độ quản lý kinh tế của họ, cho nên nếu chỉ đả kích nước khác mà không giải quyết ách tắc của mình thì tình hình sẽ chỉ thêm khó khăn và khủng hoảng sẽ có ngày bùng nổ. Tôi kết luận ở đây là mình phải xét vấn đề từ nhiều góc độ thay vì chỉ dựa trên một nguồn tin hay một lối suy luận. Sở dĩ phải nói vậy vì ngay tại Hoa Kỳ cũng có nhiều xu hướng biện hộ cho Trung Quốc vì quyền lợi của mình - thí dụ như kiếm lời nhờ phân phối hàng rẻ của Hoa lục hoặc nhờ giao dịch đầu tư tài chính với Trung Quốc - nên có thể trình bày nội vụ với sự thiên lệch; ở xa mà chỉ xét vấn đề trên góc cạnh ấy thì mình sẽ hiểu sai sự thể.
Hỏi: Bây giờ ta mới đi vào nội dung và xin ông trình bày cho nguyên nhân của vấn đề.
-- Trước hết, xin nói ngay là chính quyền Trung Quốc biết rất rõ nội vụ và sau khi bị áp lực về việc xuất khẩu hàng dệt may quá rẻ thì đã nâng thuế suất để giảm bớt sức ép của các nước. Đáng chú ý và rắc rối hơn trong vụ này là hối suất hay tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ. Khi bộ Ngân khố Mỹ nêu vấn đề thì Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã trả lời rằng chế độ ngoại hối thuộc thẩm quyền quốc gia của mình, nhưng ngay sau đó chính quyền Hong Kong cũng đã có biện pháp giải tỏa theo chiều hướng linh động hơn vì biết rõ nhược điểm của chế độ ấy. Tuy nhiên, lãnh đạo xứ nào cũng ưu tiên nói với quần chúng hay thành phần cử tri của mình để biện bạch cho chính sách của mình, chứ thâm tâm thì biết rõ sự thể và nếu có đưa ra lập luận này khác thì cũng chỉ để chuẩn bị tiến trình thương thảo, thường thì là thương thảo ngầm.
Hỏi: Xin ông giải thích cho thính giả những khúc mắc của hồ sơ ngoại hối này vì dù thuộc thẩm quyền quốc gia nó vẫn chi phối việc buôn bán với các nước khác.

-- Thực tế là nhằm tránh giao động ngoại hối khi buôn bán với bên ngoài, từ 1995, Bắc Kinh đã giàng giá đồng nhân dân tệ vào đồng Mỹ kim theo hối suất 8,28 đồng nguyên ăn một đô la với biên độ giao dịch cực nhỏ. Khi tiền Mỹ sụt giá thì tiền của họ cũng sụt theo và vẫn giữ được ưu thế cạnh tranh vì hàng hóa vẫn thành rẻ hơn. Nhưng, 10 năm sau thì chế độ hối đoái cố định ấy đã hết tác dụng của nó mà lại gây lệch lạc trong luồng trao đổi với các nước vì làm sai lệch một tín hiệu quan trọng trong buôn bán là giá cả, và gây thiệt thòi cho các nước khác. Vì vậy mà từ nhiều năm rồi, nhóm G-7 gồm các nước công nghiệp hàng đầu rồi cả các nước Đông Á cũng đã nêu vấn đề. Dư luận có thể nghĩ rằng đây là một vụ tranh chấp quyền lợi giữa các nước, thực ra, chế độ ngoại hối này cũng gây nhiều bất lợi và rủi ro cho Trung Quốc mà chính quyền Bắc Kinh chưa dám điều chỉnh ngay theo yêu cầu của thế giới.
Hỏi: Đây là điều mà thính giả có thể không hiểu, vì sao Trung Quốc lại chưa dám điều chỉnh một chế độ ngoại hối ông nói là bất lợi cho họ"
-- Giá cả lên hay xuống là một phản ảnh của cung cầu và tiền tệ cũng là một món hàng mà giá cả chính là hối suất. Khi đặt ra hối suất cố định như vậy, mình thực tế có làm sai lệch quy luật cung cầu, cụ thể là làm đồng nhân dân tệ được định giá quá thấp, tùy cách tính và nơi tính, có thể thấp từ 15 đến 25% so với thực giá của nó. Đồng bạc quá rẻ ấy làm sai lệch quyết định sung dụng tài nguyên, tức là đầu tư hay buôn bán kể cả buôn bán đồng Mỹ kim, và gây ra nạn đầu cơ đồng thời ảnh hưởng tới nước khác. Việc ấy thực tế là một sự can thiệp vào luồng giao dịch hàng hóa và tư bản, đi ngược với quy định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.
Hỏi: Nhưng nếu gây bất lợi như vậy thì vì sao Bắc Kinh chưa điều chỉnh"
-- Trung Quốc có nhiều cách điều chỉnh, từ thả nổi đồng bạc cho đến mở rộng biên độ giao dịch cho sát với cung cầu - là cách Việt Nam đang áp dụng - và họ cũng có thể tính giá đồng bạc căn cứ trên hối suất tổng hợp của một nhóm ngoại tệ thay vì chỉ có đồng Mỹ kim. Đấy là các giải pháp được đề nghị mà Bắc Kinh chưa thể áp dụng được ngay vì sự non yếu của hệ thống tài chính ngân hàng, thí dụ như nếu thả nổi đồng bạc thì các ngân hàng quốc doanh sẽ lập tức sụp đổ. Ngoài ra, Trung Quốc cần xuất khẩu bằng mọi giá để mua lấy sự ổn định xã hội bên trong nhờ tạo thêm việc làm. Xuất khẩu mà giảm là xứ này có loạn. Sau cùng, quốc gia này có mặc cảm rất lớn với thế giới vì đã trải qua hai thế kỷ suy nhược, bị ngoại xâm và nay lại hãnh diện với tốc độ tăng trưởng rất cao. Họ sợ dân chúng nghĩ là chính quyền bị nước ngoài chi phối nên dù biết là phải sửa thì cũng muốn chọn thời điểm sửa sai của mình, nhưng càng trì hoãn thì họ sẽ càng gặp khó khăn.
Hỏi: Ông dự báo nhiều lần là Trung Quốc có thể bị khủng hoảng, liệu sức ép của quốc tế có thể gây ra khủng hoảng ấy chăng"
-- Tuần qua, Vụ trưởng vụ Đối ngoại của bộ Tài chính Nhật là ông Hiroshi Watanabe đã cảnh báo rằng Trung Quốc đang tái phạm sai lầm của Nhật với trái bóng đầu cơ địa ốc quá lớn hiện nay nên có thể sớm bị chấn động mạnh, gây khủng hoảng cho toàn khu vực Đông Á. Đây là loại vấn đề xuất phát từ chính sách quản lý của họ, không do quốc tế gây ra. Tuy nhiên, cái nhân của khủng hoảng có thể do Trung Quốc tạo ra, như chúng ta đã nhiều lần trao đổi trên diễn đàn này, chứ cái duyên có thể do việc cải sửa quá trễ khi gặp biến động kinh tế hay áp lực của quốc tế. Sau đó, các nước sẽ lại đổ lỗi cho nhau, như điều đã xảy ra trong lịch sử.
Hỏi: Câu hỏi cuối, thưa ông tình hình sẽ biến chuyển ra sao trong tương lai và có thể ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam"
-- Trung Quốc sẽ gặp lúng túng khi phải sửa sai cơ chế và hạ nhiệt kinh tế, thị trường sẽ có biến động mạnh. Muốn tìm hiểu thì trước mắt, ta có ba thời điểm:
Tháng Bảy này khi Quốc hội Mỹ biểu quyết dự luật trừng phạt do Nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer đệ nạp; tháng Chín này, khi lãnh đạo Mỹ và Bắc Kinh gặp nhau tại Hoa Kỳ; và tháng 10 khi bộ Ngân khố Mỹ điều trần kỳ hai trước Quốc hội và kết luận là Bắc Kinh có can thiệp vào thị trường hối đoái hay không. Nếu họ kết luận là có, Quốc hội Mỹ đòi trừng phạt ngay và tình hình sẽ xoay chuyển mạnh.
Đó là trong trước mắt, nhìn về dài thì ta nên nhớ rằng Hoa Kỳ hay Nhật Bản cũng từng có nhiều thập niên tăng trưởng mạnh khi khởi đầu việc công nghiệp hóa, chẳng khác gì Trung Quốc ngày nay. Trong những thập niên ấy, kinh tế Mỹ và Nhật cũng có bị suy trầm, suy thoái, nhưng vì hai nước có chế độ kinh tế tự do và chính trị dân chủ nên ứng phó linh động hơn, là điều Trung Quốc không có và chưa muốn có, cho nên nguy cơ khủng hoảng từ kinh tế lên chính trị càng dễ là hiện thực.
Riêng về Việt Nam thì khi cả Á châu bị chấn động vì khủng hoảng tại Trung Quốc thì Việt Nam cũng bị hậu quả bất lợi, lý do là Á châu là hị trường xuất nhập khẩu và nguồn đầu tư đáng kể vào Việt Nam. Nhưng đến nay người ta chưa thấy có dấu hiệu gì là Việt Nam đã lo trước những biện pháp đối phó, không hiểu là vì chính quyền không nhìn thấy nguy cơ ấy, hay là cho rằng Trung Quốc không gặp nguy cơ ấy.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mỗi sáng chủ nhật trong tháng 9, thiền sư sẽ thuyết pháp và tu viện mở cưa" để đại chúng có thể tới nghe
Loạt bài ký sự tham luận về Phong thủy, tử vi số và huyền học của PTTVG Song Lộc (626) 289-8467.
Gần đây thế giới ghi nhận nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng. Sự tăng trưởng đã làm cho Thái Lan lo ngại
Khi doanh nhân người Mỹ tên Hoan Nguyễn đến Việt Nam cách đây 1 thập niên với những dự án xây dựng một ngôi trường quốc tế
Ngược lại, một cơn chấn động nhỏ ở xứ này lại có thể đảo lộn trật tự xứ khác và gây khủng hoảng toàn cầu trong nhiều năm liền.
Sau các đợt đàn áp những người đấu tranh đòi dân chủ, tự do và đòi đất, đòi nhà, đòi lương bổng công bằng từ đầu năm đến giờ
Cờ bạc và lễ hội là một trong những đặc thù của nền văn hóa cổ truyền Việt Nam. Xã hội cổ Việt Nam xây dựng trên căn bản nông nghiệp
Chỉ còn hơn một tuần nữa là Đại-hội lần thứ 21 của Nghị-hội Toàn-quốc Người Việt tại Hoa-kỳ sẽ diễn ra từ ngày thứ Sáu 24 đến ngày Chủ-nhật 26/8
Đêm nay, bổng nhiên trong lòng tôi trằn trọc không sao dỗ an giấc ngủ, tôi có cảm giác rạo rực, day dứt, nôn nao
Bạn đã được đọc một bài bài báo rất hay "Người Dân Lớn" của nhà văn Nguyễn Quang Thân, từ báo Thể thao & Văn Hoá trong nước số 90
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.