Hôm nay,  

Trang Sử Việt: Phan Chu Trinh

24/01/201700:01:00(Xem: 4256)
(Lời tâm tình: Bài viết về “Sử Việt” chỉ khái quát, không đi sâu từng chi tiết của mỗi nhân vật. Cuối mỗi bài viết, phần “Thiết nghĩ” nếu có chỉ là góp ý của tác giả, không ngoài mục đích làm sáng tỏ thêm về nội dung đã biên soạn. Trang Sử Việt luôn mong mỏi nhúm nhen tình tự dân tộc, niềm yêu thương quê hương và giữ gìn Việt ngữ cùng văn hóa Việt. Trang Sử Việt đăng trên Vietbao Online thứ Ba và thứ Sáu hằng tuần).
________________ 
 
PHAN CHU TRINH
(1872 - 1926)
 
Phan Chu Trinh hiệu Tây Hồ, Hy Mã, tự Tử Cán, quê Quảng Nam; phụ thân là Phan Văn Bình làm Quản cơ sơn phòng, sau tham gia phong trào Cần Vương. Năm 27 tuổi, ông học với Trần Quí Cáp và Huỳnh Thúc Kháng tại trường tỉnh. Năm 1900 đỗ Cử nhân, năm 1901 đỗ Phó bảng. Năm 1902, ông nhận chức Thừa biện bộ Lễ thời vua Thành Thái.
 
     Khi ông đọc tân thư thấy tư tưởng duy tân của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu; tư tưởng dân quyền của Rousseau, Montesquieu; “Thiên hạ đại thế luận” của Nguyễn Lộ Trạch... Và thấy các nước trên thế giới: Nhật Bản, Tây Phương về xã hội, kỹ thuật... đã tiến bộ rõ rệt, còn triều đình Huế thì thủ cựu. Ông nghĩ cần đấu tranh: “Phải mở mang dân trí cho đồng bào và xây dựng đất nước Việt Nam tiến bộ”. 
 
     Năm 1905, ông từ quan trở về hoạt động cách mạng, để tranh đấu giành lại tự do, dân chủ cho đồng bào, bằng đường lối duy tân con người, xã hội và tư tưởng dân quyền với phương châm “tự lực khai hóa”. Phương thức hoạt động của phong trào là bất bạo động, công khai hoạt động nhằm khai hóa dân tộc, Ông nghĩ phải thực thi khẩn thiết bằng cách:
 
1- Dân tộc tự cường: Thức tỉnh tinh thần tự lực tự cường, mọi người phải biết quyền lợi căn bản của một người công dân.
2- Mở mang dân trí: Bãi bỏ lối học từ chương, mở trường dạy chữ Quốc ngữ, trau dồi kiến thức khoa học, kêu gọi đồng bào cải tiến: Cắt tóc ngắn, cắt móng tay ngắn... 
3- Dân sinh: Phát triển kinh tế, hướng dẫn nhân dân khai hoang đất đai, lập hội buôn, sản xuất hàng nội hóa...
 
     Ông đã viết thư yêu cầu Pháp sửa đổi chính sách cai trị hiện hành, để có thể giúp nhân dân Việt Nam từng bước tiến đến văn minh. Ông với Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đi khắp miền Trung, vận động thức tỉnh dân chúng, truyền bá phong trào duy tân. Ông còn ra Bắc, đến căn cứ Yên Thế để gặp Hoàng Hoa Thám bàn bạc về đất nước.
 
Năm 1906, ông qua Quảng Đông gặp Phan Bội Châu, hai ông thảo luận về phương thức đấu tranh. Sau đó, cả hai ông cùng Cường Để sang Nhật, để nghiên cứu tình hình giáo dục, chính trị của Nhật. Về nước, ông hợp tác với các ông Lương Văn Can, Trần Quí Cáp... lập trường “Đông Kinh Nghĩa Thục”, để nhen nhúm lòng yêu nước và mở mang dân trí. 
     Năm 1907, ông ra Hà Nội tham gia giảng dạy ở trường Đông Kinh nghĩa thục, những buổi giảng dạy hay diễn thuyết của ông rất đông đảo người tham dự. Năm 1908, cuộc nổi dậy đòi giảm sưu thuế ở Quảng Nam. Pháp nghi ông chủ xướng, ông bị bắt ở Hà Nội ngày 31-3-1908, sau đó bị đày đi Côn Đảo. Hội nhân quyền Pháp can thiệp, ông được trả tự do nhưng bị quản thúc ở Mỹ Tho, ông cực lực phản đối. 
 
Năm 1911, Phan Chu Trinh cùng con trai là Phan Châu Dật qua Pháp. Tại Paris, ông viết: “Pháp-Việt liên hiệp hậu chi Tân Việt Nam. Nước Việt Nam không thể bị cô lập mà phải được ưu tiên có mối quan hệ với các nước tân tiến trên thế giới, kể cả nước Pháp. Và không thể chỉ nhìn hiện tại mà phải nhìn lại lịch sử đã qua và phải tìm hiểu phương thức phát triển sắp tới, tạo nên cách nhìn cả thời lẫn thế.” 
Ngày 3-8-1914, Đức tuyên chiến với Pháp. Chính quyền Pháp gọi Phan Châu Trinh đi lính, ông phản đối vì không phải công dân Pháp. Tháng 9-1914, chính quyền Pháp khép tội ông là gián điệp cho Đức, bắt giam tại ngục Santé (Prison de la Santé). Đến tháng 7-1915, vì không có bằng chứng nên chính quyền Pháp phải trả tự do cho ông. Ông đã soạn tập thơ “Santé thi tập” với hơn 200 bài thơ sáng tác trong tù.
 
Trong những năm sống ở Paris, ông làm nghề sửa máy ảnh, sống thanh bạch. Sau đấy, con trai ông mất, ông rất xót xa. Năm 1922, vua Khải Định đến Pháp dự cuộc đấu xảo Marseille, ông viết “Thư thất điều” kể 7 điều tội lỗi của hôn quân Khải Định, khuyên vua về nước đừng làm nhục quốc thể. Năm 1925, ông về nước cùng đồng bào vận động trả tự do cho Phan Bội Châu vì Pháp kết án tử hình. Ông sống tại Sài Gòn, đi diễn thuyết về “Quân trị chủ nghĩa”, “Đạo đức và luân lý Đông Tây”, đồng bào đến nghe rất đông đảo, hoan hô nhiệt liệt. Ông lâm bệnh mất ngày 24-3-1926!. 
 
     Những tác phẩm chính của ông: Tĩnh quốc hồn ca; Đạo đức và luân lý Đông Tây; Đông Dương Chính luận; Tây Hồ và Santé thi tập; Pháp-Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam... 
 
 *- Thiết nghĩ: Đường lối đấu tranh của 2 cụ Phan là Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu. Cả 2 cụ cùng mong mỏi giành lại độc lập cho dân tộc Việt Nam, nhưng chủ trương lại khác nhau. Đường lối đấu tranh của Phan Bội Châu thì “Trung quân ái quốc”, cương quyết đào tạo rèn luyện thanh niên về chính trị, quân sự cho vững vàng, sau đó sẽ thành lập lực lượng vũ trang để giải phóng đất nước. Cho nên, Phan Bội Châu theo đuổi khuynh hướng kháng chiến, duy trì chế độ quân chủ và trông cậy vào Nhật để chống Pháp. 
  
     Phương thức đấu tranh của Phan Chu Trinh là bất bạo động, công khai hoạt động, thay đổi tận gốc rễ về văn hóa, tâm lý, tư duy, tập quán của người Việt, phổ biến nền văn minh phương Tây: tự do, dân chủ, bình đẳng, bác ái, pháp quyền, dân quyền, nhân quyền. Phải cải cách triệt để về giáo dục, bỏ lối học từ chương, cần học Quốc ngữ, mở mang công thương nghiệp, chấn hưng công nghệ, bỏ mê tín dị đoan. Ông là người dấn thân tích cực, một chí sĩ yêu nước nồng nàn, luôn bất khuất trước mọi hoàn cảnh khó khăn.    
   
     Lập trường của ông là quyết tâm xóa bỏ chế độ phong kiến, duy tân con người và đất nước mới hy vọng giành độc lập thành công. Đáng tiếc, sự năng nổ dấn thân của ông gặp phải thế lực chủ nghĩa thực dân đang mạnh; nên lòng nhiệt huyết của ông không đem lại thành công lúc bấy giờ!. Nhưng “phong trào duy tân” của ông là một khuôn mẫu, một tấm gương sáng ngời. Ông là một nhà nho tiến bộ, yêu nước nồng nàn, đã để lại cho đời sau một tư tưởng dân chủ đích thực, đáng noi gương và trân trọng vậy?!.
     
Cảm mộ: Phan Chu Trinh
  
Phan Chu Trinh, ngẫm nghĩ duy tân!
Quyết liệt đấu tranh, xông xáo thân
Chống thuế Quảng Nam, lo lắng nước
Lập trường Nghĩa Thục, dắt dìu dân! 
Đoạ đày hoang đảo, không nao núng
Chỉ trích hôn quân, chẳng ngại ngần!
Diễn thuyết, nấu nung lòng ái quốc
Đồng bào vĩnh viễn, nhớ nhung ân!!!.
 
Nguyễn Lộc Yên


Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nghị quyết của Hạ Viện, do Dân biểu Chris Smith, đảng Cộng hoà, Tiểu bang New Jersey cùng với 8 Dân biểu khác
Ngày Quốc hận 30 tháng 4 lần thứ 32 lại về với toàn thể dân tộc trong bối cảnh tại Việt Nam, bạo quyền Cộng sản đang ra sức đàn áp qui mô
Câu chuyện "Thánh vật ở sông Tô Lịch" được đăng tải trên một tờ báo trong nước, dư luận dường như bị bấn loạn thông tin
Hồi ông Nông Đức Mạnh mới nhậm chức Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam năm 2001, cũng như nhiều người khác
Dưới đây là bài nói chuyện của một du sinh Việt Nam tên Ngọc Lan, hiện đang theo học tại một trường Đại học Boston
Sau những sinh hoạt tưởng niệm biến cố 30 Tháng Tư của người Việt ở khắp mọi nơi, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa nêu ý kiến về tương lai
Sau những sinh hoạt tưởng niệm biến cố 30 Tháng Tư của người Việt ở khắp mọi nơi, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa
Từ ngày nhập ngũ cho đến khi tuẫn tiết, Tướng Nguyễn Khoa Nam đã dâng trọn cuộc đời cho quân đội
Cách đây bốn năm, Tổng thống T Bush quyết định đánh Iraq sau khi đã lấy được sự chấp thuận của Quốc Hội
Đối với người Việt Tự Do, ngày 30 tháng 4 mang nhiều ý nghĩa. Trên bình diện lịch sử ngày 30 tháng 4 là một ngày đen.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.